top of page

07. Ngọc Hoàng

CHÂN GIẢ LUẬN

07. Ngọc Hoàng


Từ thời thượng cổ, người Trung Quốc tin rằng có một vị vua trên trời mà họ xưng là "Thượng Đế," và họ thờ vị vua ấy. 

Tuy nhiên, từ đời nhà Thương trở về sau, thì "Thượng Đế" hoàn toàn chỉ còn là một vị thần được cho là sống tại một cung điện giữa bầu trời, tại Thiên Cực Bắc (vùng trời ở phía trên đỉnh bắc cực), và không phải là thần sáng tạo ra vũ trụ. 

Vị thần này được tôn xưng với nhiều danh hiệu khác nhau, như: Ngọc Hoàng Đạo Quân, Cao Thượng Ngọc Đế, Hoàng Thiên, Hạo Thiên... mà tên đầy đủ là: "Cao Thiên Thượng Thánh Đại Từ Nhân Giả Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn Huyền Khung Cao Thượng Đế." Nghĩa là: Vị thánh tối cao trên đỉnh trời, vô cùng nhân từ; là vua ngọc, bậc thiên tôn vĩ đại, huyền diệu, lớn lao, làm chủ trên cao. Ngoài các danh xưng kể trên, Ngọc Hoàng cũng còn có nhiều danh xưng khác. Vai trò của Ngọc Hoàng chỉ như là một vị vua của bầu trời, vua cai quản chốn thiên đình và sống ở trên cao, chứ không phải là Đấng Sáng Thế sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài, muôn vật như Thiên Chúa (Đức Chúa Trời) được giải bày trong Thánh Kinh. Theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng vốn là người trần gian, tên thật là Trương Hữu Nhân, trang chủ thôn Trương Gia Loan, có vợ và con. Vì tính hay nhường nhịn nên còn được gọi là Trương Bách Nhẫn, và cũng vì thường hay giúp đỡ người nên cũng được gọi là Đại Quý Nhân. Truyền thuyết dân gian Trung Quốc thì cho rằng: Ngọc Hoàng là người tu được 1550 kiếp, mỗi kiếp dài 126 ngàn năm, mới lên được ngôi vị Ngọc Hoàng. Nơi ở của Ngọc Hoàng được cho là Kim Khuyết Vân Cung, Linh Tiêu Bảo Điện, nằm ở Trung Ương Thiên Cực, là nơi có nhiều tiên nữ hầu hạ cùng với nhiều thiên binh, thiên tướng canh gác. Vốn xuất thân là người trần thế nên Ngọc Hoàng cũng phải chịu dưới quy luật sinh tồn của trời đất. Còn trong Đạo Giáo Trung Quốc, Ngọc Hoàng là do Nguyên Thỉ Thiên Tôn, là bậc tối cao, vô thượng trong cả vũ trụ, đứng đầu trong Tam Thanh, chỉ định làm vua; và vẫn phải ở dưới quyền của Tam Thanh. Tam Thanh gồm ba vị: Nguyên Thỉ Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn. Dân Việt Nam ta học chữ Trung Quốc và học văn hóa Trung Quốc, nên khái niệm về Thượng Đế hay Ngọc Hoàng đối với dân tộc Việt Nam cũng từ người Trung Quốc truyền đạt sang. Tuy nhiên, đa số người Việt có những hiểu biết rất mơ hồ về các danh xưng "Thượng Đế," "Đấng Tạo Hóa," "Ngọc Hoàng" hay "Ông Trời..." Người Việt gộp chung các danh xưng kể trên quy về cho một vị thần, gọi là "Ông Trời." "Ông Trời" đối với người Việt tuy rất xa mà cũng rất gần, gần đến nỗi, tiếng "Trời" luôn cận kề nơi môi miệng của đa số người Việt. Tiếng "Trời" sẵn sàng được người Việt thốt lên bất kể mọi nơi, mọi lúc; khi vui mừng cũng như lúc buồn khổ, sầu thảm. Người Việt sống ở miền tây nam bộ thường có thói quen sử dụng chữ "Trời" như một tiếng đệm trong mỗi câu nói, nhưng họ kiêng dè tiếng "Trời" nên thường nói trại ra thành "chèn." Cứ mỗi câu nói đều kèm theo tiếng "chèn ơi." Có một câu chuyện dân gian Việt Nam như sau: Con cóc lên thiên đình đánh Trời. Trời đánh thua cóc nên phải chấp Chân Giả Luận Trang 11 nhận điều kiện của cóc, là: mỗi khi cóc nghiến răng thì trời phải đổ mưa. Danh từ "Trời" cũng hiện diện rất nhiều trong văn chương, thi phú, ca dao, tục ngữ của người Việt. Vì tập tục không dám sửa chữa sách vở nên đã để lại những hiểu biết sai lệch về Đấng Tạo Hóa, di hại cho đến ngày hôm nay. Hậu quả là còn có nhiều người hiểu sai rằng: Ông Trời là Ngọc Hoàng, là Thượng Đế; và cho rằng: thờ Ngọc Hoàng hay Thượng Đế là thờ Đức Chúa Trời! Điều này là điều sai lầm rất lớn. Như vậy, tước hiệu Ngọc Hoàng của Trương Hữu Nhân hay tước hiệu "Thượng Đế" trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc không có quan hệ gì đến Đức Chúa Trời, là Đấng chủ tể của muôn loài, muôn vật, là Đấng tạo dựng nên vũ trụ và cũng là Đấng cầm quyền trên sự sinh tử của Ngọc Hoàng (Trương Hữu Nhân). Chúng ta đừng lầm lẫn "Ngọc Hoàng" là tước hiệu của người đời gán cho Trương Hữu Nhân hay "Thượng Đế" là tước hiệu của một giả thần ngoại giáo với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng sáng tạo ra vũ trụ và con người.

bottom of page