top of page

10. Quan Công

CHÂN GIẢ LUẬN

10. Quan Công


Quan Công, tên Quan Vũ (hay Võ), tự Vân Trường nên cũng được gọi là Quan Vân Trường. Người làng Giải Lương, huyện Hà Đông. Theo sách "Tam Quốc Ngoại Truyện," ông là người huyện Châu Bồ, tỉnh Sơn Tây, thuộc Trung Quốc. Quan Công là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. 

Ông đứng đầu trong số "Ngũ Hổ Tướng" của nhà Thục Hán, và là một nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á. Vì ông là người vũ dũng, tính hào hiệp, ghét kẻ ác và thường bênh vực kẻ cô thế nên dân gian xem ông như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa; trong khi đó, những nhà sử học lại phê bình ông có tính kiêu căng và ngạo mạn. 

Cũng theo "Tam Quốc Ngoại Truyện" thì Quan Vũ cao chín thước (thước Tầu tương đương với bốn tấc – 40 cm – của thước Tây), mặt đỏ, mắt phượng, mày tằm, râu dài hai thước, dung mạo oai phong, lẫm liệt. Ông theo Lưu Bị đi chiến trận, đánh chiếm được Từ Châu, giết Xạ Trụ, và được bổ nhiệm làm quan thái thú Hạ Bì. Về sau, Lưu Bị chiến bại dưới tay Tào Tháo nên phải lánh sang Hà Bắc và trốn về Nhử Nam. 

Quan Vũ không còn lối thoát nên phải đầu hàng Tào Tháo và theo về Hứa Xương. Ông được Tào Tháo trọng dụng. Sau khi lập được nhiều công trận để trả ơn tha mạng cho Tào Tháo, ông để lại toàn bộ phẩm vật Tào Tháo ban tặng, viết thư cáo biệt, trốn đi tìm Lưu Bị và cùng Lưu Bị gây dựng lại lực lượng dựng nước. Ông lập được nhiều chiến công, nhưng về sau, vì lầm mưu Từ Hoảng, bị thất trận nên phải đào tẩu. Trên đường đi trốn, ông bị bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt được. Vì không chịu khuất phục Tôn Quyền nên ông bị Tôn Quyền giết chết và mang đầu đến Lạc Dương giao nộp Tào Tháo. Tào Tháo không bêu đầu ông theo lẽ thường tình, mà lại truyền làm lễ tang trọng thể theo nghi thức chư hầu và dựng am thờ Quan Vũ. 

Tào Tháo là người đầu tiên dựng am thờ Quan Vũ. Đến thời Minh Thần Tông, Quan Vũ được tôn làm Quan Đế. Vua nhà Minh xem ông như vị thần hộ quốc nên lập đền thờ tự tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Việc thờ phụng này gây ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian nên nhân dân thờ ông như thần độ mạng; giới thương nhân xem ông như thần tài; giới quân sự xem ông như vị thần bảo vệ bản mạng. Để đề cao uy linh, dũng khí của ông, La Quán Trung, tác giả truyện "Tam Quốc Diễn Nghĩa," mô tả ông là một người hiển linh sau khi chết, như: nào là ông vật chết Lã Mông trong dinh Tôn Quyền, nào là thủ cấp của ông nổi giận khiến cho Tào Tháo sợ hãi mà phát bệnh qua đời, và Quan Vũ còn giúp được con là Quan Hưng giết Phan Chương, để trả thù cho trận Mạch Thành... Từ việc Tào Tháo lập đền thờ Quan Vũ, và cũng do ảnh hưởng của truyện "Tam Quốc Diễn Nghĩa," mà hình tượng Quan Công được nhân dân ngưỡng mộ. Dân chúng thần thánh hóa ông và dựng đền thờ cúng tại nhiều nơi với nhiều danh xưng khác nhau, như: Quan Công, Quan Đế, Thần Tài, Quan Thánh...

Tại miền bắc Việt Nam, có nhiều đền thờ Quan Vũ dưới các tên: Quan Đế, Quan Thánh, Quan Công... 

Còn tại miền nam Việt Nam, tín đồ đạo Hòa Hảo làm lễ Quan Thánh vào ngày 24 tháng 6 âm lịch; giới kinh doanh lập trang thờ đặt dưới đất, thường là trang thờ chung với "Thổ Địa," với danh gọi là "Thần Tài." Đa số thương nhân người Việt thờ thần tài nhưng lại không biết lai lịch, gốc tích của "Thần Tài." Họ thờ "Thần Tài" với mong muốn "Thần Tài" sẽ phù hộ cho việc kinh doanh được phát đạt. Về sau, có người viết ra sách "Minh Thánh Kinh," bảo là của Quan Công giáng bút, và còn nói ông hiện đang canh giữ cửa trời, có thể giáng họa, ban phước cho người. Quan Vũ được biết đến như một người dũng cảm, phi thường, trọng nghĩa, giữ chữ tín; là tôi trung, ông là bực trung thần của nhà Hậu Hán, nhưng nếu xem ông là thần bảo hộ cho đất nước thì không đáng. Vì ông đã không giữ nổi đất Kinh Châu, đã để mất ba quận vào tay Tôn Quyền, sau đó cũng bị giết chết dưới tay Tôn Quyền. 

Hiện nay, ông đã ra người thiên cổ thì sao còn bảo vệ được cho ai? Ngay cả Trương Phi là anh em kết nghĩa rất thân thích với Quan Công, vì báo thù cho Quan Công mà phải chết, nhà Hậu Hán về sau cũng bị mất. Nếu thật sự Quan Công hiển linh, tại sao không cứu Trương Phi và bảo vệ nhà Hậu Hán không mất nước? Người đời suy luận chưa đến nơi đến chốn nên tôn Quan Công là thần giúp nước, cứu dân, đó là điều sai lầm. Có người biện bạch cho Quan Công, cho rằng: việc không cứu được Trương Phi và để nhà Hậu Hán mất nước là do số Trời đã định. Nếu cho là số Trời đã định, thì phải biết kính thờ Đức Chúa Trời, là Đấng định đoạt mọi sự, sao lại thờ lạy Quan Công, là người phải chịu khuất phục dưới mạng Trời? Chúng ta chấp nhận Quan Công là người hào kiệt, trung nghĩa, rất đáng được kính trọng, và noi theo gương anh kiệt của ông; nhưng nếu thờ cúng ông như một vị thần, hầu mong được độ trì, phù hộ là sai. Hơn nữa, Quan Công là người chính trực, lúc còn dưới trướng Tào Tháo, ông đã không màng đến vàng bạc, châu báu Tào Tháo ban tặng, tiệc yến lớn nhỏ ông nào có thiếu, thì nay sao có thể chấp nhận những lễ vật hối lộ tầm thường của người trần thế để thỏa mãn lòng tham dục của người đời? Dù cho ông có thật sự hiển linh chắc gì ông chấp nhận của lễ ấy? Vậy, Quan Công là bậc trung nghĩa chỉ đáng cho ta kính trọng và noi theo, chứ không nên thờ phụng, vì sự thật là ông không có khả năng bảo vệ, che chở, độ trì cho ai được cả.



bottom of page