top of page

33. Đức Chúa Trời và Thượng Đế

CHÂN GIẢ LUẬN

33. Đức Chúa Trời và Thượng Đế


Như đã trình bày trong tiểu mục 07 trên đây, danh xưng Thượng Đế là do người Trung Quốc đặt ra để gọi vị thần, mà theo tín ngưỡng của họ, cai trị ở trên trời, điều hành cõi thần linh, tương tự như các vua cai trị các nước trong thế gian. 

Thượng Đế của người Trung Quốc ở dưới quyền ba thần linh khác, gọi là Tam Thanh. Như vậy, từ nguyên thỉ, danh xưng Thượng Đế không phải để chỉ về Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời Tự Có và Còn Đến Mãi Mãi. Về sau, trong dân gian phát sinh ra nhiều truyền thuyết, thần thoại về các thần linh; danh xưng Thượng Đế lại được gán ghép cho nhiều giả thần và tà thần khác nhau. 

Sở dĩ gọi là giả thần là vì đó chỉ là những thần linh trong tưởng tượng hoặc là các vật vô tri, vô giác được tôn làm thần. Các thiên sứ phạm tội, trở thành ma quỷ, còn gọi là tà linh, khi tà linh được người ta thờ phượng thì trở thành tà thần. Ngày nay, có nhiều tôn giáo thờ lạy các giả thần và tà thần mang danh xưng Thượng Đế. Vì thế, chúng ta không nên dùng danh xưng Thượng Đế để gọi Đức Chúa Trời

Trong văn hóa Việt Nam, khái niệm về Đức Chúa Trời được thể hiện qua bàn thờ "Ông Thiên," tức "Ông Trời." Người Việt tin rằng "Ông Trời" là một thần linh cao cả, cầm quyền trên tất cả muôn loài vạn vật, là Đấng thưởng thiện, phạt ác, ban phước, giáng họa. Người Việt dâng lễ cho Trời bằng một nén hương, một ngọn đèn, một chén nước trong; vào ngày trăng mới và trăng tròn hoặc những khi có việc cầu khấn thì dâng thêm một ít hoa quả. Điều đó cho thấy trong tâm thức người Việt đã có sự nhận biết Đức Chúa Trời. 

Việc còn lại là người Việt cần tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài và học biết về Ngài qua Thánh Kinh. Đức Chúa Trời là Thần Linh, là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài, vì thế chúng ta phải kính sợ và tôn thờ chỉ mỗi Ngài mà thôi. Người tin Chúa rồi cũng không kêu "Trời" vô cớ. Trời là tôn danh của Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ nhắc đến tôn danh của Ngài khi chúng ta cầu xin với Ngài, hoặc khi chúng ta ca ngợi Ngài, cảm tạ Ngài, hoặc khi chúng ta rao giảng về Ngài. 

Chúng ta cũng nên dùng từ phước và họa để gọi những sự xảy đến cho mình thay cho các từ hên xui và may rủi; vì mọi việc của mình đều do Đức Chúa Trời định liệu. Ngoài ra, chúng ta không sử dụng tuổi tính theo Thiên Can Địa Chi, vì cách tính tuổi này chỉ dùng để xem số tử vi, bói quẻ... chúng ta chỉ nên sử dụng tuổi tính theo năm sinh. 

Thí dụ, chúng ta nên nói: Tôi sinh vào năm 1954; thay vì nói: Tôi sinh vào năm Giáp Ngọ, hoặc nói: Tôi tuổi Ngọ. Khi chúc mừng nhau năm mới thì cũng nên tránh kèm theo các tên gọi của năm thuộc về Thiên Can, Địa Chi. Những cách tính tuổi và tính năm theo Thiên Can, Địa Chi đã bị ảnh hưởng nặng nề của thần thoại và mê tín dị đoan, là những điều mà Đức Chúa Trời gớm ghét cho nên người tin Chúa cần phải từ bỏ.



bottom of page