top of page

ÁP-ĐIA

KINH THÁNH

CỰU-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Tiên Tri Nhỏ



CÂU CHUYỆN VỀ HAI ANH EM (Ap 1:1-21)


Trong...

...số những sự xung đột của con người, đau lòng nhất và khó giải quyết nhất là sự xung đột giữa những người cùng chung dòng máu. Nhưng nếu các mối thù trong gia đình là thảm kịch, thì những mối thù trong một quốc gia lại càng tồi tệ hơn. Hầu như quốc gia nào cũng trải qua nội chiến, anh em giết nhau để kéo dài thêm mối bất hoà vốn đã dai dẳng và rồi không ai có thể hiểu và muốn làm lành. Lịch sử ghi lại rằng gốc rễ của những mối bất hoà nầy rất cay đắng lâu dài và sâu sắc mà mọi cố gắng nhằm hàn gắn đều vô ích.


Ê-sau và Gia-cốp là hai anh em sinh đôi, họ tranh cạnh nhau từ trong bụng mẹ (Sa 25:19-26). Đáng tiếc là cha mẹ của họ cũng không dành tình thương đồng đều cho họ, Y-sác yêu Ê-sau hơn và Rê-bê-ca yêu Gia-cốp hơn. Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp, người em, làm người thừa hưởng ơn phước gắn liền với giao-ước của Áp-ra-ham (Ro 9:10-12), nhưng Gia-cốp và Rê-bê-ca quyết định dùng mưu kế để đoạt lấy ơn phước đó thay vì tin cậy Đức Chúa Trời (Sa 27:1-46)


Khi Ê-sau biết được đứa em trai thông minh của mình đã cướp hết ơn phước, ông nuôi ý định giết em sau khi cha qua đời, và vì điều nầy mà Gia-cốp phải rời bỏ quê hương để đi tìm vợ trong vòng những người bà con bên mẹ (c.41-46). Nhiều năm sau, hai anh em nầy đã làm hoà với nhau trong một thời gian ngắn (Sa 32:1-32), và họ cùng tận tình lo chôn cất Y-sác (Sa 35:27-29), nhưng sự thù oán không bao giờ tiêu tan. Ê-sau lập ra nước Ê-đôm (Sa 25:30; Sa 35:1,8; Sa 36:1), và con cháu ông tiếp tục giữ mối thù mà Ê-sau là người khởi xướng trong nhiều năm trước.


Luật Pháp Môi-se qui định dân Do-thái phải dùng tình anh em mà đối đãi với dân Ê-đôm: “Chớ lấy làm gớm ghiếc người Ê-đôm, vì là anh em mình” (Phuc 23:7). Dù vậy, dân Ê-đôm vẫn “cưu sự ghen ghét vô cùng” đối với Y-sơ-ra-ên (Exe 35:5) và tận dụng mọi cơ hội để tỏ rõ mối hận thù đó.


Trong sách ngắn ngủi nầy, tiên tri Áp-đia rao ra 3 sứ điệp từ Đức Chúa Trời.


1. Sứ điệp của Đức Chúa Tời cho các nước của Ê-đôm (Ap 1:1)

Giống như Ê-sai (Es 1:1), Mi-chê (Mi 1:1), Na-hum (Na 1:1) và Ha-ba-cúc (Ha 1:1), tiên tri Áp-đia đã nhận sứ điệp từ Đức Chúa Trời qua các khải tượng. “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri” (Am 3:7). Áp-đia viết ra khải tượng nầy để chia sẻ cho nhiều người khác và cuối cùng nó trở thành một sách trong Kinh Thánh.


Đức Chúa Trời cho Áp-đia biết những việc sẽ xảy ra trong vòng các dân đã từng liên minh với Ê-đôm chống lại Giu-đa. Nhờ phương tiện thông tin đại chúng và sự trao đổi thông tin liên tục trong thế giới ngày nay, rất ít có chuyện gì xảy ra trong vũ đài chính trị và thương mại mà thế giới không biết đến. Nhưng trong thời Áp-đia, những chuyên di hành của các lãnh đạo và những cuộc đàm phán chính trị thường diễn ra trong bí mật. Lúc đó không hề có báo chí hay các cuộc họp báo.


Đức Chúa Trời cho đầy tớ Ngài biết có một đại sứ của nước từng liên minh với Ê-đôm đang viếng thăm các nước khác để thuyết phục các lãnh đạo của chúng liên kết tấn công Ê-đôm. Thật ra, chính Đức Chúa Trời đã tạo ra sự thay đổi nầy trong chính trị, và sự kiện có vẻ chỉ là một cuộc viếng thăm mang tính ngoại giao thật sự là diễn tiến của sự trừng phạt của Đức Chúa Trời trên Ê-đôm. Điều nầy đang làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Ap 1:7 “Mọi kẻ đồng minh cùng ngươi đã đuổi ngươi cho đến nơi bờ cõi”.


John Wesley có một nhận xét mà ông đọc trên báo, “hãy xem Đức Chúa Trời đang cai trị thế gian của Ngài”, và đây thật là cách tiếp cận của Kinh Thánh. Đức Chúa Trời cai trị mọi dân mọi nước (IISu 20:6 Da 5:21) và như A.T. Pierson từng nói, “Lịch sử là Câu chuyện của Đức Chúa Trời”. Điều nầy không có nghĩa là Đức Chúa Trời có lỗi vì những quyết định ngu ngốc và gian ác và những việc làm của các cấp chính quyền, nhưng nó có nghĩa là Ngài vẫn ờ trên ngai và thực hiện ý muốn tốt lành và trọn vẹn của Ngài.


Một sử gia người Anh nổi tiếng, Herbert Butterfield nói, “Có lẽ lịch sử là điều mà sẽ không xảy ra nếu Đức Chúa Trời nín thở, hay có thể được tưởng tượng ra khi quay sang nghĩ về một điều gì đó khác”. Đức Chúa Trời, là Đấng biết số lượng và tên của các vì sao (Thi 147:4) và biết khi nào một con chim nhỏ bé sẽ chết và rơi xuống đất (Mat 10:29) luôn dõi theo những kế hoạch và mục tiêu của các nước và đang thực hiện những mục đích thánh của Ngài trong lịch sử nhân loại.


Biết rằng Đức Chúa Trời cai trị mọi sự, dân sự của Đức Chúa Trời chắc được khích lệ nhiều khi chúng ta biết những sự kiện đang xảy ra trên thế giới và cũng đau lòng lắm khi thấy sự hư hoại của con người và các nước.

Sự tể trị của Đức Chúa Trời không phải là lời biện hộ của tín đồ cho sự bàng quang của mình trước cái xấu trong thế gian, cũng không phải là sự động viên người ta ngủ quên và không làm gì. Đường lối của Đức Chúa Trời thật kín nhiệm và khó hiểu, và đôi khi chúng ta không biết tại sao Ngài cho phép điều nào đó xảy ra, nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin “Ý Cha được nên” (Mat 6:10) và sau đó sẵn sàng vâng theo mọi điều Ngài bảo chúng ta làm.


2. Sứ điệp của Đức Chúa Trời cho Ê-đôm (Ap 1:2-16)

Có hai phần trong sứ điệp nầy.

-Thứ nhất, tiên tri công bố rằng Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt Ê-đôm và lấy đi mọi thứ mà nó khoe khoang và cậy nương cho sự an ninh (c.2-9).

-Thứ hai, Áp-đia giải thích tại sao Đức Chúa Trời trừng phạt Ê-đôm và kể ra 4 cách mà người Ê-đôm đã phạm tội nghịch với dân Do-thái và Đức Chúa Trời (c.10-16).


Rao ra sự đoán phạt thánh (Ap 1:2-9).

Đức Chúa Trời hứa sẽ phạt dân Ê-đôm bằng hình thức nào? Trước hết, Ngài sẽ hạ lòng kiêu ngạo của họ xuống (2-4). Ê-đôm là một dân kiêu căng, họ cho rằng không ai có thể đánh bại họ vì vị trí địa lý của nó “ở trong khe vầng đá, trong nơi cao” (câu 3), một vùng núi dầy đặt với những vách đá cao và các trũng hẹp sẽ ngăn bước kẻ nào muốn xâm chiếm nó. Giống như những con chin ưng, dân Ê-đôm sống trên các núi cao và nhìn xuống các nước xa xa phía dưới họ.

Dân Ê-đôm tưởng rằng mình là dân lớn mạnh nhất, nhưng Đức Chúa Trời phán Ngài sẽ khiến họ trở nên nhỏ bé, có nghĩa là “đáng khinh”. “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau và tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Ch 16:18).


Tiên tri cũng nói rằng của cải của họ sẽ bị cướp đi (Ap 1:5-6).

Nằm trên nhiều tuyến đường buôn bán chính, Ê-đôm có thể tích lũy cho mình nhiều của cải từ các nước khác; và vì sống ở miền núi, họ có thể khai thác đồng và nhiều kim loại khác. Vì vị trí cô lập của họ, họ không lo về việc kết ước với các nước lớn hay việc hỗ trợ tài chính cho những cuộc chiến nhiều tốn kém. Nhưng của cải của họ sẽ không còn nữa. Không như những kẻ cướp bình thường, những người đến cướp bóc sẽ lấy đi tất cả, không giống như người hái nho, họ sẽ không chừa lại bất cứ gì cho người sau. Đây sẽ là sự cuối cùng cho Ê-đôm và của cải dư dật của nó.


- Thứ ba, Đức Chúa Trời sẽ phá vỡ những liên minh của họ (c.7). Dù được bảo vệ trong các vách núi cao, dân Ê-đôm đủ thông minh để biết rằng họ cần phải có bạn bè giúp họ chống lại các đế quốc hùng mạnh đang đe doạ các nước nhỏ ở phương Đông. Ê-đôm muốn có đồng minh để giúp họ trả thù Y-sơ-ra-ên (Thi 83:5-8). Nhưng Đức Chúa Trời sẽ biến những người bạn ấy thành kẻ thù, và những nước từng ăn chung bàn với họ và lập giao ước với họ sẽ phá bỏ giao ước ấy. Trong khi giả vờ làm bạn, các đồng minh của họ sẽ trở thành những kẻ phản bội, giăng bẫy và bất ngờ đánh chiếm Ê-đôm.


Các nước ngày nay cũng đang khoe khaong về những liên minh chính trị và những tổ chức quân sự hùng mạnh của mình, họ nên nhớ những gì đã xảy ra với Ê-đôm ngày xưa, vì nước kiêu ngạo ấy không còn nữa. Khoảng năm 300 T.C, quân A-rập đã càng quét Ê-đôm và chiếm thành chính của nó là Petra, “thành phố hoa hồng đỏ” nằm trong các vách đá vững chắc. La-mã chiếm Petra năm 105 S.C, nhưng đoàn thương buôn dần dần không đi qua nó nữa, và cuối cùng nước Ê-đôm biết mất.

Đức Chúa Trời cảnh cáo rằng sự khôn ngoan của Ê-đôm sẽ bị hủy diệt (Ap 1:8).

Người phương Đông nổi tiếng là khôn ngoan (IVua 4:30), và không loại trừ người Ê-đôm. Ê-đôm được nằm trên những trục lộ buôn bán lớn, nên các lãnh đạo của nó có thể dễ dàng nắm bắt thông tin và tầm nhìn của các nước khác. Bạn của Gióp, Ê-li-pha từ Thê-man đến Ê-đôm (Giop 2:11 Gie 49:7). Không còn khôn ngoan, các lãnh đạo của Ê-đôm không thể có những quyết định đúng đắn, và kết quả họ sẽ bị lúng túng.


Cuối cùng, Áp-đia công bố rằng đội quân của Ê-đôm sẽ thất bại (Ap 1:9).

Không còn khôn ngoan, các lãnh đạo quân sự sẽ không biết ra lệnh thế nào cho các đội quân của mình, và những người hùng của họ sẽ thất bại. Điều nầy có thể đã xảy ra khi Ba-by-lôn đánh chiếm Giê-ru-sa-lem, hoặc lời hứa nầy có thể được ứng nghiệm khi quân A-rập xâm lược Ê-đôm và chiếm các thành của nó, đuổi người Ê-đôm về phương Tây. Dân Hy-lạp và La-mã gọi người Ê-đôm là dân “Y-đu-mê” (Mac 3:8), và từ dân đó Hê-rốt đại đế ra đời.


Biết được những chuyện Đức Chúa Trời sắp làm cho Ê-đôm. Áp-đia tiến hành biện hộ cho sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên dân ấy (Ap 1:10-16).

Dân Ê-đôm đã phạm ít nhất bốn tội lớn,


-Thứ nhất là dùng bạo lực đối đãi với dân Do-thái, anh em mình (c.10-11). Khi Ê-sau phát hiện mình bị cướp các phước lành, ông quyết tâm giết Gia-cốp em mình (Sa 27:41) và thái độ thù địch nầy được truyền lại cho con cháu ông. Nếu bạn hỏi họ, “Có phải các anh là người giữ em mình?”, họ sẽ trả lời, “Không, chúng tôi là những kẻ giết em!”.


Lẽ ra phải giúp đỡ anh em mình trong lúc hoạn nạn, dân Ê-đôm lại đứng qua một bên (Lu 10:30-32) và quan sát kẻ thù cướp bóc và bắt dân Do-thái làm nô lệ. Dân Ê-đôm hành động giống như kẻ thù của dân Do-thái, không phải như anh em cùng huyết thống.


Một câu nói của Sa-lô-môn thích hợp cho hoàn cảnh nầy, “Hãy giải cứu kẻ bị đùa đến sự chết, và chớ chối rỗi cho người đi xiêu tó tới chốn hình khổ. Nếu con nói: Chúng tôi chẳng biết gì đến; Thì Đấng mà cân nhắc lòng người ta, há chẳng xem xét điều ấy sao? Và Đấng gìn giữ linh hồn con, há không biết đến ư? Chớ thì Ngài sẽ chẳng báo mỗi người tùy theo công việc họ làm sao?” (Ch 24:11-12).

Tiên tri A-mốt cũng có nói: “Bởi cớ tội ác của Ê-đôm đến gấp ba gấp bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì nó đã dùng gươm đuổi theo anh em mình, bỏ cả lòng thương xót, và cơn giận nó cứ cắn xé không thôi, nuôi sự thạnh nộ đời đời” (Am 1:11).


-Dân Ê-đôm không chỉ bỏ mặc dân Do-thái trong hoạn nạn, mà còn vui mừng trước những việc thù làm (Ap 1:12 Exe 35:15 Exe 36:5). Đối với dân Do-thái, đây là ngày hủy diệt và khốn nạn; nhưng đối với dân Ê-đôm, đó là ngày vui mừng. Trong sự kiêu ngạo của họ, Ê-đôm khinh thường dân Do-thái và hả hê trước sự bất hạnh của họ. Sa-lô-môn còn một lời khuyên khác dành cho chúng ta: “Khi kẻ thù nghịch con sa ngã, chớ vui mừng; Lúc nó bị đánh đổ, lòng con đừng hớn hở; Kẻo e Đức Giê-hô-va thấy điều đó, mà chẳng đẹp lòng, Bèn cất cơn thạnh nộ Ngài khỏi nó chăng” (Ch 24:17-18). Đức Chúa Trời không dung thứ cho dân Do-thái, nhưng Ngài cũng sẽ trừng phạt Ê-đôm đúng lúc.


-Tội lớn thứ ba của Ê-đôm là tiếp tay kẻ thù tấn công dân Do-thái (Ap 1:13-24). Không làm gì giúp anh em mình trong lúc hoạn nạn, vui mừng khi thấy anh em khốn cùng đã là quá xấu xa, nhưng họ còn tiếp tay cho kẻ thù, họ đang cưu mang “mối hận thù gia tộc” quá lâu. Dân Ê-đôm tràn vào thành và cướp bóc, như vậy họ đã cướp của cải của anh em mình làm của riêng. (Sau nầy của cải của Ê-đôm sẽ bị cướp). Dân Ê-đôm cũng đứng ở ngã ba đường để đón bắt người Do-thái nào tìm đường chạy trốn; và họ giao nộp những người mình bắt được cho kẻ thù để họ bị bỏ tù hoặc giết chết.


Câu hỏi mà tiên tri Giê-hu hỏi vua Giô-sa-phát có thể áp dụng trong trường hợp nầy: “Vua há giúp đỡ kẻ hung ác, và thương mến kẻ ghen ghét Đức Giê-hô-va sao?” (IISu 19:2). Là dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (Mat 5:44-48), nhưng chúng ta không nên giúp kẻ có tội chống nghịch và bắt bớ các tín đồ. Việc làm đó đồng nghĩa với sự phản bội trong hàng ngũ của Đức Chúa Trời.


-Tội thứ tư của Ê-đôm là không quan tâm đến sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời (Ap 1:15-16). “Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần trên hết thảy các nước” (c.15) bao gồm cả Ê-đôm, nhưng Ê-đôm kiêu căng và không quan tâm đến những việc Đức Chúa Trời có thể làm cho họ. “Ngày của Đức Giê-hô-va” là cụm từ mô tả thời kỳ Đức Chúa Trời giáng cơn thạnh nộ Ngài xuống thế gian hung ác, trừng phạt các nước, và sau đó thiết lập vương quốc của Ngài, để ứng nghiệm những lời hứa đã lập với Y-sơ-ra-ên.

Tuy nhiên, cụm từ nầy cũng được dùng để mô tả những tai ương mà Đức Chúa Trời giáng xuống để trừng phạt dân sự Ngài trong bất cứ lúc nào, và những sự đoán phạt nầy là sự nếm trước “Ngày của Đức Chúa Trời” đến trên cả thế gian trong tương lai.


“Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri” (Mat 7:12). Chúng ta gọi câu nầy là “Luật Lệ Vàng” và nó chỉ ra cách tiếp cận chủ động với các mối quan hệ cá nhân. Nhưng Ap 1:15 đưa ra một vế bị động: “Bấy giờ người ta sẽ làm cho ngươi như chính mình ngươi đã làm; những việc làm của ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi!”. Hoặc như Phao-lô trình bày, “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga 6:7).


Ê-đôm say sưa vui mừng trước sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem, nhưng đến một ngày tất cả các nước sẽ ném chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên họ và họ không thể từ chối chén ấy (Es 51:17,21-23; Gie 25:15-33). Dù ngày đó có buồn thảm đến đâu đối với dân sự Đức Chúa Trời, thì vẫn có một Đức Chúa Trời công bình trên trời, Ngài sẽ đáp trả cho tội nhân theo cách: Họ đã làm gì cho người khác, rối sẽ bị giống y như vậy.

Vì Pha-ra-ôn ra lệnh giết tất cả những bé trai Do-thái, Đức Chúa Trời đã dìm chết quân Ai-cập (Xu 1:1-22; Xu 14:26-31). Những kẻ nói dối để ném Đa-ni-ên vào hang sư tử sẽ bị ném vào hang sư tử (Da 6:1-28). Những người vô tín trên đất đã làm đổ huyết những đầy tớ của Đức Chúa Trời đến một ngày sẽ phải uống nước đã hoá thành máu (Kh 16:5-6). “Người công bình được cứu khỏi hoạn nạn; Rồi kẻ hung ác sa vào đó thế cho người” (Ch 11:8). Thật vậy, sự đoán phạt của Đức Chúa Trời là công bình và ngay thẳng (Kh 16:7).


3. Sứ điệp của Đức Chúa Trời cho dân Do-thái (Ap 1:17-21)

Lời tiên tri về Ê-đôm đã được rao ra, và đến đây Áp-đia quay sang chính dân tộc của mình và loan báo những lời hứa của Chúa.


Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ngươi (Ap 1:17-18).

Đức Chúa Trời đã giải cứu dân sự Ngài khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn, và một lần nữa Ngài sẽ giải cứu họ trong những ngày cuối cùng và thiết lập vương quốc Ngài. Núi Si-ôn sẽ được dâng cho Đức Chúa Trời và tất cả sự ô uế đều được thanh tẩy. “Gia-cốp” ám chỉ Vương Quốc Phía Nam và “Giô-sép” chỉ Vương Quốc Phía Bắc. Họ sẽ hiệp lại thành một nước và cùng nhau bước vào Vương Quốc Mê-si-a, hưởng cơ nghiệp đã hứa ban cho họ. Theo Es 11:10-16, một phân đoạn tương đồng, dường như Mô-áp và Ê-đôm sẽ được phục hồi trong những ngày sau rốt, nhưng dân Do-thái sẽ thiêu đốt chúng như rơm rạ (Exe 15:17; Mat 3:12 về những sự tương đồng).


Đức Chúa Trời sẽ đánh bại kẻ thù của ngươi (Ap 1:19-20). Y-sơ-ra-ên sẽ giành lại đất mà trước đây các dân cư ngụ, như Ê-đôm (Negev), Phi-li-tin (Shephelah), và Sa-ma-ri (Ép-ra-im).

Dân Do-thái đã tranh chiến hàng thế kỷ để giành được sản nghiệp mình, nhưng những quyền lực khác luôn ngáng đường. Dân Do-thái sẽ “giành được cơ nghiệp” của mình mà không cần nước nào giúp đỡ, nhưng chỉ bởi sự giúp đỡ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ.

Y-sơ-ra-ên đã trở về xứ mình trong sự vô tín, và lập quốc năm 1948. Tuy nhiên, đến một ngày cả nước sẽ nhận biết Đấng Mê-si-a và tin nơi Ngài, và đất nước ấy sẽ “sanh ra trong một ngày” (Es 66:8 Xa 12:10-13:1 14:1-9).


Đức Chúa Trời sẽ lập vương quốc Ngài (Ap 1:21).

Đức Giê-hô-va sẽ cai trị từ núi Si-ôn, nơi có đền thờ của Ngài, “Mọi nước sẽ đổ về đó” (Es 2:2). Thật lý thú khi biết rằng Vua Mê-si-a sẽ có “những người giải cứu” giúp Ngài cai trị các nước. Sự kiện nầy sẽ được nghiên cứu chung với những lời hứa Ngài dành cho các sứ đồ (Mat 24:42-51; Mat 25:14-30; Lu 19:11-27). Chúa Giê-xu dạy rằng hôm nay người nào trung tín với Ngài sẽ được đồng trị với Ngài trong vương quốc đó.


Tất cả con cái của Đức Chúa Trời luôn trông đợi ngày mà các nước trên thế gian nầy sẽ hiệp thành một vương quốc của Đức Giê-hô-va, và Ngài sẽ cai trị đời đời (Kh 11:15). Khi đó mọi đầu gối sẽ quỳ trước mặt Ngài và mọi lưỡi sẽ xưng Ngài là Chúa muôn chúa, Vua muôn vua.


Trong lúc ấy, dân sự của Đức Chúa Trời phải làm hết sức có thể để rao truyền Phúc-Âm cho hàng tỉ người trên thế gian nầy, là những người chưa từng được nghe đến danh Chúa Giê-xu hay biết tin cậy Ngài và được cứu là thể nào. Khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va bắt đầu ló dạng, các nước trên thế gian sẽ bị trừng phạt vì cách họ đối đãi với nhau và với dân Y-sơ-ra-ên. Cho đến ngày đó, Hội thánh Đức Chúa Trời phải luôn cầu nguyện, “Nước Cha được đến” và cố hết sức vâng theo mạng lệnh Ngài mà rao truyền Tin Lành cho cả thế gian.



bottom of page