Ngày 73-79
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” GaGl 5:22
Ngày 73:
Trái của Đức Thánh Linh là gì?
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” GaGl 5:22
Có khi nào bạn thấy cây cam ra trái chuối chưa? Không hề có chuyện ấy! Cây cam thì sinh trái cam, và cây chuối thì sinh trái chuối. Khi bạn trở thành con của Đức Chúa Trời thì Ngài cũng muốn bạn sinh ra trái trong đời sống. Dĩ nhiên trái đây không phải như chuối hoặc cam. Đây là trái của Đức Thánh Linh. Trái này thể hiện trong việc làm và lời nói của bạn. Nó thể hiện con người bề trong - tức tính cách - của bạn. Vâng lời và hầu việc Chúa là những việc bạn làm; còn trái của Đức Thánh Linh là sự thể hiện bản chất bên trong của bạn.
Kinh Thánh liệt kê trái của Đức Thánh Linh ở trong bạn như sau: “Trái của Đức Thánh Linh là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (GaGl 5:22).
Trái này được sinh ra trong đời sống bạn khi bạn nghe theo Đức Thánh Linh và để cho Ngài điều khiển đời sống mình. Nếu bạn tự điều khiển đời sống mình thì kết quả sẽ là gì? Bạn sẽ sinh ra trái xấu, như ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, v.v… Nhưng khi bạn vâng lời Đức Thánh Linh và để cho Ngài kiểm soát đời sống thì sẽ sinh ra trái tốt. Bạn càng vâng lời Đức Thánh Linh thì trái của Thánh Linh càng lớn lên và phát triển. Loại trái nào phát sinh trong đời sống bạn? Trái tốt hay trái xấu?
Kể ra trái của Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời muốn phát hiện trong đời sống bạn?
Bạn có thể cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa yêu dấu, con xin dâng đời sống mình cho Ngài, để Đức Thánh Linh có thể sinh ra trái tốt trong con. Nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.
__________________________________________
Ngày 74:
Đức Thánh Linh có giúp bạn yêu thương người khác được không?
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” GaGl 5:22
Bạn có biết yêu thương là thế nào không? Có thể bạn nghĩ rằng tình yêu chỉ là một cảm giác, nhưng đấy không phải là tình yêu thật. Nếu bạn yêu thương một người nào chỉ vì người đó yêu thương bạn tức là bạn chưa thể hiện tình yêu thật.
Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời là sự yêu thương ” (IGi1Ga 4:8). Đức Chúa Trời yêu thương bạn khi bạn vẫn còn là một tội nhân. Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu bằng cách sai Con của Ngài chết trên thập tự giá vì tội của bạn. Khi bạn tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình thì Đức Chúa Trời đổ đầy tình yêu thương của Ngài vào lòng bạn. Kinh Thánh cho biết: “Sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (RôRm 5:5). Khi Đức Thánh Linh cai trị đời sống bạn thì Ngài sẽ làm cho bạn biết yêu thương người khác.
Tình yêu thương thật là yêu thương người khác như Chúa Giê-xu yêu thương vậy. Điều này nghĩa là bạn coi trọng người khác hơn bản thân mình. Tình yêu thương thật muốn Đức Chúa Trời ban điều tốt nhất cho người khác. Khi có lòng yêu thương thì bạn sẽ không trông đợi người khác đáp lại tình yêu thương của bạn dành cho họ. Đức Thánh Linh có sinh trái yêu thương trong đời sống của bạn không?
Kể ra hai cách qua đó bạn có thể bày tỏ trái yêu thương của Đức Thánh Linh đối với người khác.
Bạn có thể cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa yêu dấu, con cám ơn Ngài vì đã yêu thương con bằng tình yêu thật. Xin Chúa sinh ra trong con trái yêu thương. Nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.
__________________________________________
Ngày 75:
Đức Thánh Linh ban cho bạn sự vui mừng trong lòng như thế nào?
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” GaGl 5:22
Lúc ấy là giữa khuya. Mọi tù nhân đều ở trong xà lim khóa kỹ. Bỗng nhiên có tiếng hát vang! Hai tù nhân là ông Phao-lô và ông Si-la đang hát ca ngợi Đức Chúa Trời. Hồi chiều họ bị đánh đòn và bỏ tù vì làm chứng cho người khác về Chúa Giê-xu. Làm thế nào ông Phao-lô và ông Si-la có thể ca ngợi Đức Chúa Trời trong một hoàn cảnh như thế? Vì họ có niềm vui trong lòng. (Công Cv 16:16-40).
Sự vui mừng là một trái mà Đức Thánh Linh sinh ra trong đời sống bạn, khi bạn để cho Ngài kiểm soát đời sống mình. Bạn có thể vui mừng ngay cả khi mọi việc không diễn ra như ý của mình. Niềm vui này không phải là cảm giác hạnh phúc lúc có lúc không, mà là một tình trạng vui sướng sâu xa vì biết rằng Đức Chúa Trời thành tín và luôn luôn giữ lời Ngài hứa.
Ngay cả giữa hoàn cảnh khó khăn, Đức Thánh Linh vẫn có thể sinh ra sự vui mừng trong bạn. Bạn vui mừng khi bạn vâng lời Đức Chúa Trời và tin lời hứa của Ngài. Chúa ban cho bạn niềm vui và sức lực để đối phó với khó khăn. Kinh Thánh khuyên: “Chớ buồn thảm vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi” (NeNe 8:10). Khi bạn nhớ rằng Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị thì lòng bạn sẽ có thể hát mừng. Bạn sẽ có thể ngợi khen Chúa giống như ông Phao-lô và ông Si-la.
Làm sao bạn có thể vui mừng ngay cả khi mọi việc trong đời sống không suông sẻ?
Bạn có thể cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa yêu dấu, con cám ơn Ngài vì sức lực và niềm vui mà Ngài ban cho con để đối phó với những khó khăn. Nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.
__________________________________________
Ngày 76:
Làm thế nào bạn được bình an trong tâm hồn?
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” GaGl 5:22
Kim đứng nhìn ra cửa sổ. Trời bên ngoài đang mưa. Kim tự hỏi: “Không biết khi nào mẹ mới về đến nhà?” Tâm trí Kim nghĩ lan man: “Nếu sét đánh sập nhà thì làm sao đây? Nếu mẹ chết vì tai nạn giao thông thì mình sẽ thế nào?” Nhưng rồi Kim nhớ đến lời khuyên của bà nội: “Hãy tin cậy Chúa và trao các nỗi sợ hãi của mình cho Ngài. Hãy để tâm trí nương dựa vào Chúa thì Ngài sẽ ban cho con bình an.”
Có khi nào bạn sợ hãi hoặc lo âu chưa? Chúa Giê-xu phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; Ta ban sự bình an Ta cho các người…” (GiGa 14:27). Khi bạn tin cậy Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của mình, thì bạn được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Bạn không còn thù nghịch với Ngài vì cớ tội lỗi của mình nữa. Bạn được tha thứ vì Đấng Cứu Thế đã trả giá cho tội lỗi của bạn khi Ngài chịu chết và sống lại. Chúa Giê-xu đã trở thành sự bình an của bạn.
Bạn hòa thuận với Đức Chúa Trời, rồi bạn cũng có sự bình an của Ngài ban cho. Bình an là trái của Đức Thánh Linh. Đó là tình trạng yên ninh trong lòng và trí. Khi bạn tin cậy Đức Chúa Trời và giữ cho các ý tưởng của mình hướng về Ngài (EsIs 26:6). khi Đức Thánh Linh kiểm soát bạn thì Ngài sinh ra sự bình an trong đời sống bạn. Khi thấy lo âu hoặc sợ hãi, bạn có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời và xin Ngài ban sự bình an cho mình.
Bạn nên làm gì khi lo âu hoặc sợ hãi?
Bạn có thể cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa yêu dấu, xin giúp tâm trí con luôn hướng về Ngài để con kinh nghiệm được trái bình an trong đời sống mình. Nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.
__________________________________________
Ngày 77:
Đức Thánh Linh ban cho bạn lòng nhịn nhục như thế nào?
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” GaGl 5:22
“Nhanh lên. Tôi không chờ nữa đâu nhé. ” “Chị ấy làm gì mà lâu thế nhỉ?” “Khi nào thì chúng ta đến nơi, hả mẹ?” Có khi nào bạn hỏi những câu như thế chưa? Đó là lúc cho thấy bạn không còn kiên nhẫn hoặc nhịn nhục được nữa. Nhịn nhục là khả năng trải qua những lúc khó khăn hoặc chán nản một cách điềm tĩnh. Nhịn nhục giúp bạn có thể chờ đợi mà không cảm thấy bồn chồn hoặc khó chịu. Nếu bạn đã tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình thì Đức Thánh Linh có thể sinh ra trái kiên nhẫn hoặc nhịn nhục trong bạn.
Bạn sinh ra tánh nhịn nhục khi bạn biết chờ đợi Chúa hành động và để cho Đức Thánh Linh kiểm soát đời sống của bạn. Khi bạn trải qua những lúc khó khăn trong đời sống, Đức Thánh Linh sẽ ban sức cho bạn để có thể nhịn nhục. Ngài sẽ giúp bạn chấp nhận điều phiền toái hoặc đau lòng trong một thời gian dài. Chúa dạy chúng ta: “Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện” (RoRm 12:12). Đức Thánh Linh cũng sẽ giúp bạn tỏ ra nhịn nhục với những người đối xử không tốt với bạn.
Thế nên sắp tới, nếu cảm thấy mình mất kiên nhẫn thì bạn hãy ngưng lại và cầu nguyện. Hãy cám ơn Đức Chúa Trời vì đã ban Đức Thánh Linh sống trong bạn. Hãy xin Ngài ban cho bạn sức lực để tỏ ra nhịn nhục.
Kể vắn tắt một trường hợp mà bạn thấy mất kiên nhẫn.
Bạn có thể cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa yêu dấu, con không nhịn nhục được khi (nêu lên trường hợp mà bạn vừa ghi ra). Xin cho con có trái kiên nhẫn. Nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.
__________________________________________
Ngày 78:
Đức Thánh Linh có thể giúp bạn sống nhân từ không?
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” GaGl 5:22
Nam đang ngồi một mình trong phòng. Kể từ khi cha của cậu ở tù thì mấy đứa bạn lúc nào cũng chế nhạo cậu. Chúng dùng đủ thứ danh từ để trêu chọc cậu. Chúng nói rằng rồi sớm muộn gì cậu cũng vào tù thôi. Những lời ấy làm cho Nam bị tổn thương. Nam muốn dùng những lời lẽ không tốt để đáp lại chúng, nhưng cậu biết như thế là không đúng.
Nam rất ngạc nhiên khi Phan đến ngồi bên cạnh cậu. Hồi sáng chính Phan đã chế nhạo cậu. Phan lên tiếng: “Nam ạ, lâu nay tôi để ý và thấy rằng cậu không bao giờ nổi nóng khi chúng tôi chế nhạo cậu. Thật ra thì lúc nào cậu cũng tử tế với chúng tôi. Tôi cũng thấy cậu đã giúp Ân lượm mấy cuốn sách cậu ta đánh rơi. Nhờ đâu cậu được như thế?”
Nam đáp: “À, tôi biết Đức Chúa Trời muốn tôi cư xử đẹp với mọi người, ngay cả khi họ không tốt với tôi. Tôi tin Chúa Giê-xu. Đức Thánh Linh ở trong lòng tôi giúp tôi luôn tử tế.”
Đức Chúa Trời đang sinh ra trái nhân từ trong đời sống của Nam. Thay vì nổi nóng cậu lại tỏ ra điềm đạm, tử tế. Kinh Thánh chép: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đức Chúa Giê-xu Cứu Thế” (Eph Ep 4:32). Bạn có đang để cho Đức Chúa Trời sản sinh trái nhân từ trong đời sống bạn không?
Viết ra một điều mà bạn có thể làm để tỏ ra lòng nhân từ với một bạn khác.
Bạn có thể cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa yêu dấu, con cám ơn Ngài vì đã ban cho con sức lực để bày tỏ lòng nhân từ người khác trong ngày hôm nay. Nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.
__________________________________________
Ngày 79:
Hiền lành có nghĩa gì?
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” GaGl 5:22
“Nam! Đợi tí!” Phan réo gọi trong khi cậu chạy đến Nam. “Mình chưa làm xong bài. Cậu cho mình chép bài của cậu nhé?” Nam đáp: “Rất tiếc tôi không thể đưa cho bạn chép, vì như vậy là không đúng.”
Vào giờ giải lao, khi Nam đi ra khỏi phòng thì thấy Phan ngồi ở bàn. Nam chạy đến nói vài câu với cô giáo. Một lát sau, cậu bước đến bàn của Phan. Cậu nói: “Cô giáo nói tôi có thể giúp bạn học toán.”
Hôm qua, Nam tỏ ra lòng nhân từ đối với Phan. Hôm nay, cậu lại tỏ ra lòng tốt. Lòng tốt làm bất cứ việc gì mà mình thấy đúng. Nam biết rằng cho bạn cóp bài là sai. Cậu không cho bạn chép, nhưng cậu lại giúp bạn bằng cách khác. Cậu tỏ ra lòng tốt với bạn.
Đức Chúa Trời là Đấng nhân lành trọn vẹn duy nhất. Ngài muốn con cái Ngài giống như Ngài. Bạn phải làm điều lành. Kinh Thánh chép: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện…” (LuLc 6:45). Khi Đức Thánh Linh kiểm soát đời sống bạn thì bạn sẽ thể hiện ra trái hiền lành.
Hiền lành không phải chỉ làm những điều đúng. Hiền lành phải được tỏ ra trong cả lời nói lẫn hành động. Nam quyết định bỏ giờ giải lao của mình để giúp Phan. Cậu nói những lời tử tế. Hiền lành là tình yêu thể hiện qua hành động.
Viết ra hai cách bạn có thể làm để thể hiện trái hiền lành trong đời sống mình.
Bạn có thể cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa yêu dấu, con cám ơn Ngài vì đã tỏ ra nhân lành với con. Xin giúp con tỏ ra hiền lành trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.