top of page

HỘI THÁNH THẮNG LỢI ( Năm 300 Đến 500 )

Hung Tran

Jun 27, 2023

Đầu thế kỷ thứ 4, mặc dầu bị bắt bớ, Cơ-đốc giáo đã trở thành một lực lượng sống động trong Đế quốc...



III. HỘI THÁNH THẮNG LỢI (Năm 300 Đến 500)


10. CƠ-ĐỐC GIÁO TRỞ THÀNH TÔN GIÁO CỦA ĐẾ QUỐC LA-MÃ


Đầu thế kỷ thứ 4, mặc dầu bị bắt bớ, Cơ-đốc giáo đã trở thành một lực lượng sống động trong Đế quốc. Lúc đầu nó chỉ thu hút được những người nghèo và thiếu học đến khi phẩm hạnh của các đời sống Cơ-đốc trở nên rõ rệt, thì những người học rộng, trí thức cao bắt đầu giải nghĩa Phúc-âm cho những kẻ đương thời, và những giai cấp cao như là gia đình thượng thư, các sĩ quan trong quân lực, các bậc tỉnh trưởng, và những người thân quyến của Hoàng đế đều đến tiếp nhận niềm tin mới. Những cộng đồng Cơ-đốc đã được thiết lập tại các thành phố lớn quanh Địa Trung Hải càng ngày càng thu hút nhiều người và người ta thành lập đưọc nhiều Hội thánh cả đến những nơi xa của đế quốc. Tác giả Edwyn Bevan viết trong sách 'Cơ-đốc giáo' như sau:

'Cơ-đốc giáo ngay từ đầu đã có sức thu hút có tính cách xã hội, ít có ai nghĩ tới điều đó. Phúc-âm của Cơ-đốc nếu chỉ là một chân lý lẻ loi đơn độc trôi ra trong không khí thì khó chinh phúc được lòng người. Nhưng kết qủa ấy chính là do nếp sống hợp quần của những nhóm Cơ-đốc nhỏ sinh hoạt trong những thành thị của thế giới xưa... Những người đã tiếp xúc với một nhóm như thế cảm thấy một bầu không khí không giống ở đâu hết'.


Giữa một thế giới độc dữ, những người Cơ-đốc cư xử tử tế. Trong một hệ thống xã hội căn cứ trên sự phân chia giai cấp quá cách biệt, người Cơ-đốc coi ai cũng là con của Đức Chúa Trời. Giữa xã hội đầy dẫy những cám dỗ dục tình, người Cơ-đốc cố gắng sống đời sống thanh sạch, và gia đình họ được hướng dẫn bằng những lý tưởng cao. Họ tin rằng hôn nhân không thể tan rã được và họ coi việc dạy dỗ con cái theo hạnh kiểm Cơ-đốc là một trong những trách nhiệm chính của họ. Khi thời cuộc đổi thay, kinh tế xáo trộn, người Cơ-đốc chăm sóc những góa phụ và trẻ mồ côi, người nghèo, người bệnh và người tàn tật. Họ mở rộng cửa tiếp khách lạ thuộc mọi tầng lớp và mọi chủng tộc vì họ tin rằng Hội thánh là một xã hội rộng rãi bao gồm đủ mọi người. Một người ngoại, xúc động vì tình thân hữu Cơ-đốc đã thốt lên: 'Ôi ! Những tín đồ của Đấng Christ thương yêu nhau một cách lạ lùng' Những người Cơ-đốc thường thường là những người lương thiện, đáng tin và tốt. Họ đến đâu thì họ đem vui vẻ bình an cho mọi người lân cận. Những người La-mã ngoại đạo, khi đã tỉnh ngộ thấy tôn giáo của họ suy tàn dần, lại hốt hoảng thấy nền văn minh của họ từ từ tan rã, nên họ kêu nhau đông đảo đến các Hội thánh, ở đó họ gia nhập vào một nhóm người có niềm tin vào một quê hương ở trên trời một niềm tin và hy vọng đem lại ý nghĩa cho đời sống.


Năm 200, Ông Tertullian, với lời văn chính xác, đã mô tả Hội thánh gương mẫu trong quyển 'Biện Hộ' của ông như sau :

'Chúng tôi là một hội, cùng chung một ý niệm tôn giáo, một kỷ luật hợp nhất, có niềm hy vọng chung ràng buộc. Chúng tôi họp nhau cùng đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho các vị Hoàng đế các bậc thượng thư, những người cầm quyền để thế giới được an ninh, mặt đất được thái bình. Chúng tôi họp nhau để đọc sách của Đức Chúa Trời. Chúng tôi nuôi niềm tin của chúng tôi bằng những lời Thánh ấy'.


Danh sách ba kỳ Giáo Hội nghị chứng tỏ công cuộc truyền giáo lan rộng đến phương Tây. Kỳ hội nghị họp năm 256 ở Carthage đã qui tụ được 87 Giám mục từ Bắc Phi đến dự. 19 Giám mục và 24 trưởng lão từ các nơi trong xứ Tây ban nha, đã nhóm họp tại Elivira (grenada) vào năm 305. 9 năm sau, tại Arles, Đông nam nước Pháp, có 33 Giám mục (trong số này có 3 vị từ ba vùng trong Anh quốc đến dự: Londinium, Eboracum và Lindum Colonia) nhóm kỳ giáo hội nghị lớn thứ nhất của Hội thánh Tây Âu.


Dầu vậy, cho đến năm 311 Cơ-đốc giáo vẫn là một tôn giáo bất hợp pháp. Và các cá nhân tín đồ vẫn còn sợ sệt một sự trừng phạt tối đa từ phía chính quyền. Người nối ngôi Hoàng đế Diocletian là Hoàng đế Galerius, vì muốn được sự ủng hộ của đám quân sĩ dưới quyền không tin Chúa, đã ra lệnh truy nã Hội thánh một lần chót. Nhưng khi hấp hối, ông đột nhiên đổi chính sách, ký sắc lênh 'hòa đồng', cho phép những tín đồ Cơ-đốc 'quyền được sinh hoạt lại và thiết lập những nơi thờ phượng' sắc lệnh cũng còn ghi thêm rằng các tín đồ phải 'cầu nguyện Đức Chúa Trời cho chúng ta đưọc qua khỏi' có thể là vì hấp hối sợ chết nên ông ta đã ra đạo luật nói trên.


- Constantine, bấy giờ 23 tuổi làm phu tá Hoàng đế là người có cao vọng muốn nắm quyền, đã cùng ký. Với sắc lệnh năm 311, Hoàng đế Galerius lại thêm các điều khoản bắt buộc áp dụng chặt chẽ nên được các Cơ-đốc nhân ủng hộ sốt sắng. Trưóc đó, Hoàng đế Constantine đã được đạo quân La-mã đóng tại York tôn lên để nối ngôi cha mình là Hoàng đế Constantius. Nay muốn được lòng toàn Đế quốc, Constantine phải chiến thắng được những kẻ địch thù trưóc. Sau khi Galerius chết, Constantine dẫn quân sĩ qua núi Alps theo hướng Nam về La-mã để dành quyền cai trị Thủ đô Đế quốc khỏi tay Maxentius là Hoàng đế miền Tây, quân Maxentius mạnh hơn ngăn chặn Constantine qua sông. Theo lời sử gia Eusebius, Constantine được xem một sự hiện tháy 'một thập tự ánh sáng ở trên trời' và một hàng chữ lửa rao báo 'In hoc signo vinces' (Với dấu này, ngươi sẽ chiến thắng). Sáng hôm sau trước khi lâm trận ông vội vã ra lệnh quân sĩ sơn dấu hiêu Cơ-đốc nhân (hai mẫu tự Hy-lạp Chi và Rho) vào mũ trận của ông và các khiên của chiến sĩ, trong số đó hẳn có nhiều người đã tin Chúa. Họ giáp chiến hăng hái và Constantine đã thắng trận, Maxentius bị dìm chết dưới sống Tiber và Constantine làm bá chủ miền Tây.


Trận đánh ở cầu Milvian vào ngày 28 tháng 10 năm 312 đánh dấu một khúc quanh lịch sử Cơ-đốc giáo, vì khi Constantine nhớ rằng ông ta đã chiến thắng dưới dấu thập tự thì ông tin rằng Đức Chúa Trời của người Cơ-đốc đã ở cùng ông và sự thành công của rông là phần thưởng của niềm tin Cơ-đốc.

Năm 313, Constantine đến Milan dự lễ cưới em gái là Constantia lấy Licinius, Hoàng đế miền Đông, hai vị Hoàng đế đã ký chung một sắc lệnh gọi là sắc lệnh Milan nội dung như sau:

'Những người Cơ-đốc và tất cả những người khác phái được tự do theo tôn giáo nào họ thích. Họ phải được phép tiếp tục đức tin của họ không bị ngăn trở và không bị quấy rối hoặc hành hạ. Điều đó phải hợp với trật tự của Đế Quốc và sự thái bình của thời đại chúng ta, vậy ai nấy phải đưọc tự do thờ phượng Thượng Đế mình lựa chọn'.


Sự giao hảo giữa Đông và Tây trở nên căng thẳng khi Licinius lại bắt bớ người Cơ-đốc. Chiến sự bùng nổ vào năm 323 giữa hai Hoàng đế. Licinius thua trận và bị xử tử. Từ đó Constantine nắm trọn quyền trên Đế quốc La-mã cả hai miền Đông Tây.

Nhận thấy Đế Quốc quá rộng cần có một trung tâm điểm thuộc linh để hoàng thành sự hiệp một, Constantine loại trừ các thần La-mã xưa và công nhận Cơ-đốc giáo, cho tín hữu dự phần phục vụ quốc gia. Vì Ông thấy rõ sinh lực cũng như sự đoàn kết của các cộng đồng Cơ-đốc, về phương diện đạo đức họ cũng vượt hơn các nhóm tôn giáo khác, nên ông hy vọng những đức tính tốt của người Cơ-đốc sẽ đưọc tiêm nhiễm vào đời sống của Đế quốc. Do đó ông hành động rất nhanh, thêm quyền và uy tín cho Hội thánh để Hội thánh có đủ sức hỗ trợ quyền đôc đoán của ông. Ông bổ nhiệm các Giám mục Cơ-đốc và các vị lãnh đạo Hội thánh từ trong các người thân cận, mướn thầy Cơ-đốc dạy học các con; ra lệnh đúc tiền có biểu hiệu Cơ-đốc, khuyến khích bà Helena là mẹ ông đi thăm đất thánh, mang trên mũ một cái đinh của cây thập tự mà Chúa Giê-xu đã bị treo, mà theo bà Helena là đã được tìm thấy ở thành Giê-ru-sa-lem. Ông trở thành người bảo trợ Hội thánh rất đắc lực và ra những đạo luật nhân đạo theo nguyên tắc Cơ-đốc, nhưng ông cũng làm một vài việc ác như giết con trai, giết vợ đầu, khiến người ta khó hiểu ông tin Chúa thế nào.


Phần nào cũng vì thành phố La-mã là thành trì của tôn giáo La-mã xưa đang suy tàn, Constantine di chuyển kinh đô đến Byzantium, trên bờ biển Bosphorus. Năm 330 ông mời các Giám mục đến dâng thành phố mới này cho Nữ trinh phước hạnh Mary. Thành này sau lấy tên là Constantinople. Tại đây, cũng như tại La-mã, Giê-ru-sa-lem, Bết-lê-hem và nhiều nơi khác, ông sai các kiến trúc sư, họa sĩ và điều khắc gia, xây cất và trang hoàng những cung điện nguy nga làm nơi thờ phượng.

Constantinople cho xây cất 50 nhà thờ mới, ông yêu cầu bạn ông là sử gia Eusebius, cũng là Giám mục ở Sê-sa-rê (Caesarea), tác giả cuốn Lịch Sử Giáo hội (Historia Ecclesiastica), chép ra 50 bản Kinh Thánh lớn. Constantine dặn Eusebius tìm những người chép chuyên nghiệp và phải dùng những nguyên bản nào đáng tin cậy nhất có thể kiếm được. Họ phải chép trên loại giấy Vellum tốt nhất, không được dùng giấy Papyrus mau hư. Ông còn dặn thêm là những sách chép đóng xong phải dễ đọc và thuận tiện mang đi, khi công việc chép sách đóng sách xong xuôi phải chở đến Constantinople trên 2 cỗ xe có một chấp sự đi theo trông coi.


Hai bản Kinh thánh đẹp nhất còn sót lại từ nửa trên thế kỷ thứ tư, bản Codex Vaticanus được giữ ở thư viện Vatican tại La-mã và bản Codex Sinaiticus được giữ ở thư viện Anh Quốc, Luân Đôn, có lẽ là hai bản của Hoàng Gia. Theo chữ viết tay ở hai bản đó, ta có thể biết chắc thời kỳ chép là nửa trên thế kỷ thứ tư, và ta cũng biết người chép phần Tân Ước trong sách Codex Vaticanus cũng đã chép lại một ít của sách Codex Sinaiticus. Hồi đó só văn bản được công nhận làm Tân Ước chưa được hoàn toàn, vì như đã trình bày, sách Codex Sinaiticus có chép cả 'thư của Barnabas''Đấng chăn chiên của Hermas' là hai tài liệu sau này bị loại ra.

Constantine sợ rằng sự tranh cãi về giáo thuyết do Arius đưa ra (xin xem chương 11) có thể làm thiệt hại sự hiệp nhất của Hội Thánh, bèn tham gia trực tiếp vào vấn đề có liên hệ đến niềm t in Cơ-đốc và triệu tập một đại hội đồng Cơ-đốc lần thứ nhất vào năm 325. Nơi họp là thành phố Nicaea, ở Bắc Tiểu Á, Constantine đích thân long trọng chủ tọa phiên khai mạc với đầy đủ lễ nghi, tỏ ra quyết tâm chỉ huy công việc của Hội thánh, nghĩ rằng danh hiệu truyền thống La-mã ông được mang là Pontifex Maximus (tạm dịch: Đệ nhất giáo chủ) cho ông quyền đó.


Suốt thời kỳ ông trị vì, ông không hẳn là một Cơ-đốc nhân đúng nghĩa, mà chỉ chuẩn bị làm tín đồ nghĩa là chưa được nhận phép Báp-têm, chần chữ cho đến khi nằm trên giường hấp hối, ông tin rằng làm cách đó thì có thể chết và tha hết mọi tội ác. Ông qua đời năm 337, được chôn ở Hội thánh các Sứ đồ tại Constantinople, là nơi ông đã dự bị sẵn mộ mình giữa các kỷ niệm công đức các Sứ đồ.


Các con của Constantine tiếp tục chính sách của ông. Sau khi những người này chết đi, có người cháu là Julian (361 - 363) mệnh danh là 'kẻ bội đạo' là Hoàng đế La-mã cuối cùng công khai theo tà giáo. Mặc dầu ông tìm cách khôi phục việc thờ cúng các thần xưa và rút lại những đặc quyền đã ban hành cho người Cơ-đốc, ông đã thất bại. Người ta kể lại rằng trước khi chết ông đã kêu lên: 'Hỡi người Ga-li-lê! Ông đã thắng' Đến năm 392, khi Hoàng đế Theodosius I cấm việc cúng bái và tuyên bố tất cả mọi hình thức tôn giáo trái với Hội thánh là bất hợp pháp bấy giờ Cơ-đốc giáo mởi trở thành tôn giáo duy nhất hợp pháp của Đế Quốc.


Sự thắng lợi của Hội thánh đồng thời cũng đem lại một số vấn đề mới. Phẩm chất của sinh hoạt muốn được hưởng những đặc quyền dành riêng cho tín đồ Cơ-đốc giảm dần, nhiều người kéo nhau đến xin chịu phép Báp-têm và trở thành những tín đồ chỉ có danh hiệu là tín đồ mà thôi. Hơn nữa quyền lực của Hội thánh trên các vấn đề nội bộ bị sút giảm vì các Hoàng đế Đông phương bắt đầu từ Constantine, không những hay xía vào các vấn đề nói trên lại còn dùng Hội thánh để củng cố chính sách Đế quốc nữa.


11. TÍN ĐIỀU VÀ KINH THÁNH


Trong những thế kỷ đầu tiên, vấn đề khẩn cấp nhất đối với Hội thánh là làm thế nào để tồn tại, nhưng khi chính quyền đã chấp nhận Cơ-đốc giáo làm quốc giáo thì một mối lo mới xuất hiện: làm thế nào đương đầu với các đạo giáo khác. Các học giả về tư tưởng Hy-lạp cố gắng tìm hiểu huyền nhiệm của Đấng Christ và ý nghĩa của tín điều đầu tiên thời các Sứ đồ: Tín điều đó xác nhận 'Giê-xu là Chúa' (ICo1Cr 12:3) và đã đưa ra một số giáo thuyết mới. Tín điều nói trên đã khởi phát tại La-mã trong thế kỷ thứ 2, sau này gọi là 'Tín Điều Các Sứ Đồ'. Tín Điều này dùng để đánh đổ tà giáo trí thức luận. Dầu vậy, đến thế kỷ thứ tư có một Linh mục cao tuổi tên là Arius, có lòng tin kính và rất được kính trọng như một nhà truyền giáo có học thức rộng đã đưa ra một chủ thuyết mà mọi người gọi là Arianism.


Tại hội thánh Alexandria, ông giảng rằng Chúa Christ là một người được Thượng Đế tạo dựng nên, thì phải lệ thuộc dưới quyền Đức Chúa Trời là Cha, vì Chúa Giê-xu không hoàn toàn là Đức Chúa Trời, và cũng không hoàn toàn là người. Vị trưởng lão ở Alexandria đã lên án ông Arius và những người theo sự giảng dạy sai lạc đó của Arius. Nhiều nhà thần học Hy-lạp thấy chủ thuyết của Arius làm yếu đi đức tin Cơ-đốc vì nếu Chúa Christ chỉ có nửa thần tánh, thì khác gì các thần ngoại đạo đâu?


Người đứng lên chống lại thuyết của Arius là Athanasius, một chấp sự trẻ tuổi thông minh, sau này trở thành trưởng lão tại Alexandria. Athanasius tin quyết rằng Chúa Christ đích thật là Đức Chúa Trời, Ngài cũng hoàn toàn là người, và đời sống của Ngài là một đời sống trong đó bản tánh của Đức Chúa Trời đã được tỏ bày trọn vẹn. Niềm tin này căn cứ trên kinh sách (GiGa 1:1-18; CoCl 1:15-20; HeDt 1:1-4). Athanasius có nhận xét tinh tường, ông nhận thấy chủ thuyết của Arius chẳng đem lại sự cứu rỗi cho nhân loại. Vì vậy, Athanasius viết như sau: Chúa Christ đã thành người để chúng ta có thể mang bản chất của Đức Chúa Trời, một câu gần nghĩa với câu của Phao-lô (CoCl 2:9-10) 'Sự đầy dẫy của bản tánh Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ, và anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy sự sống'.

Cuộc tranh luận chỉ thu gọn vào hai tiếng. Phe Athanasius giảng rằng Chúa Christ đồng một bản chất (homoiousion) với Đức Chúa Trời. Còn phe Arius thì nói rằng Chúa Christ có bản chất tương tự như bản chất của Đức Chúa Trời (homoiousion), một số người không ưa những cái quá tế nhị trong tư tưởng Hy-lạp, cho cuộc tranh cãi này chỉ dựa trên một vần, một chữ. Cả Hoàng đế Constantine cũng viết: 'Vấn đề có gì đâu, thất không đáng phải cãi cọ hăng như vậy.'

Dầu vậy, Hoàng đế cũng công nhân là sự tranh luận này đã đe dọa nền hợp nhất của Hội thánh là nền tảng căn bản của sự an ninh trong Đế quốc. Bởi vậy, như đã nói ở trên, ông triệu tập Hội Đồng các vị lãnh đạo Hội thánh tại Nicaea trong Tiểu Á, trả tiền cho hơn 300 Giám mục đến dự, và ông đã đích thân chủ tọa phiên khai mạc Hội đồng. Bạn của Constantine là sứ giả Eusebius cũng dự hội và nhận thấy nhiều Giám mục còn mang trên mình dấu tích những sự tra tấn họ đã phải chịu dưới thời các Hoàng đế trước Diocletian và Galerius. Đại đa số giám mục đã đầu phiếu bác bỏ chủ thuyết của Arius, và đó cũng phản ảnh ý của Hoàng đế muốn hợp nhất Hội thánh. Hội Đồng truất phế và cất chức Arius cùng với hai giám mục khác về phe với ông này.

Trước khi Hội Đồng giải tán, một nhóm người do Athanasius hướng dẫn đã yêu cầu có một văn kiện đủ uy tín về niềm tin của Hội thánh phải được thảo ra và được Hội Đồng chấp thuận. Đó là nguồn gốc của bài được gọi là Tín Điều của Hội đồng Nicaea. Bản tuyên ngôn này mô tả Chúa Christ 'chính là Đức Chúa Trời là Cha, và vì để cứu rỗi chúng ta mà Ngài đã nhập thể trong xương thịt và trở nên một người'. Niềm tin này, được Hội Đồng Constantinople năm 381 kiểm lại và đại hội đồng giáo phẩm tại Chalcedon duyệt y vào năm 451 (70 năm sau), nó nói lên lòng tin quyết căn bản của Hội thánh rằng Chúa Christ là sự khải thị trọn vẹn về Đức Chúa Trời trong một đời sống con người thật sự. Các Hội thánh chính thống Đông Âu, Công giáo La-mã và phần lớn Hội thánh Tin Lành sau này đều công nhận bản tuyên ngôn ấy như là lời giải thích về sự huyền nhiệm của bản tánh và nhân vị Chúa Christ. Mặc dầu bài Tín Điều của Hội đồng Nicaea đã được công nhận rồi, những sự bất đồng tín kiến tại miền Đông vẫn không chấm dứt, sau thuyết Arianism lại còn các thuyết Nestorianism và Monophysitism tiếp tục gây nên nhiều vụ tranh cãi gay go.

Tên của Athanasius không những có liên quan với bản 'Tín Điều của Hội Đồng Nicaea' nhưng cũng liên quan cả với việc lựa chọn 27 sách của Bộ Tân Ước. Như đã nói trên, bức thư ông viết vào dịp Lễ Phục Sinh năm 367 gửi cho các lãnh đạo Hội thánh ở Alexandria lần thứ nhất có kể đủ danh sách này.

Athanasius, và những tín đồ miền Đông nói chung đọc Tân Ước qua nguyên bản tiếng Hy-lạp, Cựu Ước của họ dùng dĩ nhiên là quyển Septuagint (Cựu Ước bản dịch ra tiếng Hy-lạp). Ở miền Tây, ngôn ngữ La-tinh là ngôn ngữ thông dụng của nhà nước và Hội thánh, người ta dùng những bản dịch ra tiếng La-tinh. Vì các bản tiếng cổ ngữ La-tinh ấy văn chương vụng về nên vị Giáo Hoàng Damasus hồi thế kỷ thứ tư đã sai thứ ký của ông à Jerome soát xét và sửa lại.


Ông Jerome (340 - 420) không những là một học giả Kinh Thánh, có kiến thức rộng lại giỏi về ngôn ngữ nên viết ra những lời La Tinh trong sáng, sắc sảo và khéo dùng những từ ngữ súc tích. Chính ông cũng dè dặt về sự chính xác trong công việc dịch thuật. Ông đã viết cho Giáo Hoàng như sau: 'Những người quen đọc một bản Kinh Thánh, bất cứ bản nào, sẽ chê trách tôi là mạo muội thêm bớt những sách xưa và dám sửa những sách ấy.' Dầu vậy, ông quyết tâm 'tìm cho ra sự thật đúng đắn' và ông nghiêm chỉnh làm công việc sửa lại những lầm lỗi của những người dịch không chính xác, và những thay đổi của những kẻ phê phán dốt nát và những kẻ vừa chép lại vừa ngái ngủ.

Ông lui về một tu viện gần Bết-lê-hem, tìm sự giúp đỡ của các học giả Do-thái và ông dịch nguyên bản Hê-bơ-rơ của Cựu Ước ra tiếng La-tinh. Ông cũng nhuận chánh lại những bản Tân Ước đã dịch ra cổ ngữ La-tinh và sửa lại theo các sách Codex Hy-lạp đương thời, khi dịch, ông cố gắng diễn ý nguyên bản văn thay vì dịch từng tiếng một. Bản dịch mới hoàn thành vào khoảng năm 400, mang tên là Vulgate. Bản dịch này không được kết quả như mong muốn ngay. Một số người đã quen với lời văn cổ của những bản cổ ngữ La-tinh cho rằng Jerome đã thay đổi bản văn và làm sai lạc ý nghĩa. Augustine là Giám mục nổi danh tại Hippo, viết thư cho Jerome, nói có lần một Giám mục ở Bắc Phi đọc theo bản dịch La-tinh mới của Jerome, lời văn lạ đã gây ẩu đả trong Hội thánh. Jerome trả lời có lẽ những người ấy đã không thích dùng chữ hereda, khi họ đã quen đọc chữ Cucurbita để chỉ về dây dưa phủ bóng che cho Giô-na. Trong thư trả lời, Jerome cũng nhận việc chọn chữ của ông chưa hẳn đúng.

Chính Augustine cũng không hoàn toàn thỏa mãn với lối văn thông dụng hằng ngày của bản dịch Jerome. Vì khi trẻ được thấm nhuần văn chương cổ điển, ông che sự sống sượng của những bản dịch cổ ngữ La-tinh. Nhưng sau này, trở thành tín đồ, ông lại nói ông thích những bản cổ ngữ hơn là bản dịch mới là vì người ta thấy được tính cách xưa của Thánh Kinh và điều đó nói lên một niềm tin không đứt đoạn.

Mặc dầu bị chỉ trích, trong thời kỳ ấy, bản Vulgate là một nỗ lực có ý nghĩa và giá trị học thuật, sau này cũng được tôn trọng. Dần dần bản dịch cũng được công nhận và đứng vững, làm cuốn Kinh Thánh của Tây Âu trong một ngàn năm. Qua những năm dịch Kinh Thánh, Jerome thấy rằng ý nghĩa sâu sắc của nó không hiện ra bên ngoài, ông viết: 'Cái gì trong sách Thánh cũng lóng lánh lòe sáng, kể cả vỏ ngoài, nhưng trong ruột ngọt hơn. Nếu ai muốn ăn ruột thì phải bóc vỏ đi.'


Augustine hẳn còn nhớ hồi nhỏ chưa là tín đồ, ông còn bài bác Kinh Thánh vì khôg đủ khả năng hiểu, nên ông nói rằng phải sống trong cộng đồng Cơ-đốc mới có thể hiểu được Kinh Thánh là làm tăng trưởng đức tin, hy vọng và tình thương của người đọc hoặc người nghiên cứu. Hơn nữa, ông còn tin rằng lý do đầu tiên việc giảng Kinh Thánh không phải là để khoe kiến thức, hay để làm lòa mắt người nghe, nhưng là để giúp người nghe hiểu đức tin của họ và phát triển những đức tin Cơ-đốc.


12. HỘI THÁNH VÀ SỰ THỜ PHƯỢNG


Khi Cơ-đốc giáo trở thành quốc giáo, người ta thấy rõ rệt sự thay đổi trong các nơi thờ phượng. Thời kỳ Các Sứ đồ, người ta nhóm thờ phượng tại các nhà riêng (CoCl 4:15) hoặc các nhà nguyện nhỏ không ai chú ý đến trong những năm bị bắt bớ. Nay người ta dần dần xây cất những nhà thờ nguy nga to lớn, thường được Hoàng Gia bảo trợ. Những nhà thờ lớn ấy trang bị đón tiếp từng đoàn người ngoại đến xin chịu phép Báp-têm hoặc để nghe những giảng sư có tài. Những nhà thờ lớn này cũng có thêm nghi lễ trang nghiêm hơn và theo những hình thức cố định.


Năm 323, Hoàng Đế Constantine xây đền Chúa Cứu Thế tại La-mã, tại nơi hiện này là nhà thờ St. John Lateran. Nhờ thờ này được cất kề bên lâu đài của Hoàng Đế Plantius Lateranus, lâu đài này được để lại cho Giáo Hoàng Sylvester I, và trở thành nhà thờ La-mã, mang tên là 'Mẹ và đầu của Hội Thánh tại La-mã và thế giới'. (Urbis et Orbis). Các kiến trúc sư La-mã đã xây cất trên nền đền cũ, trước kia dự tính làm toà án La-mã và phòng hội của Hoàng Gia. Hoàng đế Constantine trang trí nhà thờ này bằng những hình bông hoa, nhã bát, những bình cắm nến bằng vàng và bạc.

Năm kế tiếp, người ta kể lại là Constantine lại xây một đền thờ khác trên đồi Vatican, nơi có mộ Phi-e-rơ. Đây là đền thờ đầu tiên mang tên Phi-e-rơ một đền thờ có thể chứa 40.000 tín đồ đứng cầu nguyện. Kiến trúc lộng lẫy, có sân phía trước, đại sảnh rộng lớn, có 5 hành lang và một rừng cột, phía trên chạm trổ tinh vi. Các tường đều có các bục hoa và kính hoa màu. Khi đền này bị hư, người ta phá đi và xây đền thờ Thánh Phi-e-rơ hiện tại. Công việc khởi sự vào năm 1506 và có các nghệ sĩ nổi danh cộng tác như Bramanti, Raphael, Michelangelo và Bernini.


Kế hoạch xây cất của Hoàng Đế Constantine không phải chỉ gồm có hai ngôi Thánh Đường lớn ở La-mã. Theo lệnh của Hoàng đế, Giám mục Macarius ở Giê-ru-sa-lem đào dưới Roman Forum tại thành thánh và tìm thấy một hang đá trước là ngôi mộ đặt xác Chúa. Do đó, các thế hệ tín đồ sau này biết đó là nơi Chúa đã phục sanh. Sau khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 70, người La-mã còn xây cất nhiều kiến trúc khác trên di tích ấy. Hoàng đế truyền cho Macarius dựng một đài kỷ niệm xứng đáng để ghi nhớ nơi chí thánh này. Bà Helena là mẹ của Hoàng Đế Constantine cũng đến thăm Giê-ru-sa-lem vào dịp đó và chắc đã được xem sơ đồ những dinh thự sắp xây nơi mộ Chúa Christ. Bà cũng xây 2 ngôi Thánh Đường ở nơi khác, một trên núi Ô-li-ve và một tại Bết-lê-hem.

Các công thự chính mà Constantine xây cho Giê-ru-sa-lem là một ngôi đến kiểu tròn có mái lớn cất trên mộ Chúa và một Thánh Đường. Những tín đồ Cơ-đốc Hy-lạp gọi ngôi đền tròn là Anastasis có nghĩa là Phục Sinh. Người Cơ-đốc La-tinh gọi là Mộ Thánh. Những di tích của ngôi đền nói trên được lưu trữ trong ngôi đền cũng kiểu tròn tương tự, do những người dự các cuộc thánh chiến xây vào thế kỷ 12. Ngày này hãy còn nhiều dấu tích. Gần Thánh Đường Anastasis, người ta cũng xây một đền lớn khác, các vách tường và sân phía trong đều được phủ dưới những tấm đá cẩm thạch nhiều màu, theo lời của sử gia Eusebius 'trần thì lát bằng những tấm chạm trổ trông lên như một mặt biển lớn... với những trang trí vàng lóng lánh chiếu muôn màu trong đền.'

Sau khi toàn bộ đền đài tại Giê-ru-sa-lem đã hoàn tất. Hoàng đế làm lễ dâng hiến vào năm 335, từng đoàn người hành hương đến thờ phượng tại nơi chí thánh này của Cơ-đốc giáo. Những đoàn hành hương có ghi lại cảm tưởng qua những lưu bút kỷ niệm trong số có một người vô danh từ Bordeaux (Pháp). Ông này đã được xem đền khi đang xây vào năm 333. Nửa thế kỷ sau, một bà người Tây ban nha, cũng là một tín đồ tin Kinh Thánh thật tên là Etheria (hoặc Egeria) có một nhận xét tinh tường, đến thăm viếng các nơi thánh, tay cầm quyển Kinh Thánh. Năm 1884 người ta tìm thấy các thư bà viết, mô tả chi tiết các lễ bà đã dự, một tài liệu vô giá cho người sau biết rõ thể thức thờ phượng hồi thế kỷ thứ 4. Bà cũng bình luận về quang cảnh lộng lẫy bên trong nhà thờ Mộ Thánh (Holy Sepulcher) với những trang trí bằng bạc và vàng, các màn, châu báu, cây cắm nến và cây đèn.

Đền thờ nguy nga nhất thời đầu tiên ấy là nhà thờ Hagia Sophia do Hoàng đế Justinian xây. Tên nhà thờ có nghĩa là 'Sự Khôn Ngoan Thánh' (Holy Wisdom) nói lên nhân vị Chúa Christ. Qua nhiều trận động đất và nhiều lần xây cất lại, ngôi đền đó vẫn còn. Các kiến trúc sư, Anthemios ở Tralles và Isidoros ở Melitus, đã xây đền này tại Constantinople. Trong lễ dâng hiến vào năm 537, người ta kể lại Hoàng đế Justinian đã thốt lên: 'Sa-lô-môn ơi, tôi đã cất ngôi đền đẹp hơn đền ông xây.' Đền này cũng biểu hiện sự cố gắng của Hoàng đế muốn củng cố Hội thánh, làm thành trì của Đế quốc, làm sống lại Đế quốc La-mã Cơ-đốc (Christ Roman Empire) phổ thông, nơi này là trung tâm chính trị và tôn giáo của toàn miền Đông Đế quốc cho đến thế kỷ thứ 15. Thánh Đường Sophia là một kiến trúc vĩ đại kỳ diệu bằng cẩm thạch, vàng và bạc. Bên trong chạm trổ nguy nga. Đây là tuyệt đỉnh của kiến trúc Byzantine. Đây cũng là công trình kiến trúc đẹp nhất kiểu Byzantine. Thánh Đường Hagia Sophia là nhà thờ của Giáo phụ, do đó ngai của Giáo Phụ cũng đặt tại đền thờ. Khi quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Constantinople vào năm 1453, nhà thờ biến thành chỗ thờ phượng của người Hồi Giáo. Ngày nay ngôi nhà lại dùng làm bảo tàng viện nghệ thuật Byzantine.


Trong những nhà thờ mới huy hoàng và tại những nhà thờ nhỏ bé khiêm nhường khắp nơi, âm thanh cầu nguyện và thờ phượng đều phản ảnh tư tưởng và lời Kinh Thánh. Những lời lẽ phát biểu từ ngàn xưa vẫn thể hiện sự sống của con người trong Đức Chúa Trời, không những bày tỏ những nét sâu đậm hùng hồn và lòng tin kính của tín đồ nhưng còn nuôi dưỡng cả tâm thần hiệp một trong sinh hoạt cầu nguyện của toàn thể Hội thánh. Ai ai dù ở đâu cũng tìm cảm hứng trong Kinh Thánh. Kinh Thánh nuôi dưỡng niềm hy vọng Cơ-đốc, thêm chất liệu vào đức tin Cơ-đốc. Những điều ghi chép về sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo thế gian, trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên , và cuối cùng là trong Chúa Giê-xu Christ, cho ta sự tin chắc về lẽ thật Cơ-đốc giáo. Tín đồ và các người chăn dắt họ, nhờ nghiên cứu Thánh Kinh mà được hiểu sâu hơn về phạm vi bao gồm trong Tin Lành của Chúa Cứu Thế.


Những lễ Báp-têm trọng thể tổ chức trong các ngôi đền thờ mới đưa các người lớn vào đời sống Cơ-đốc trưởng thành. Kiến trúc đẹp như chỗ làm phép Báp-têm tại Ravenna được xây cất lên và trang trí nhằm mục tiêu nói trên. Irenaeus nhắc đến một lễ Báp-têm cho con trẻ vào năm 185, nhưng lễ này đến thế kỷ thứ 6 mới trở thành phổ thông, vào thời kỳ này đã có nhiều người có địa vị được xuất thân từ những gia đình Cơ-đốc.


Người ta giữ lễ thờ phượng vào Chúa Nhật vì là ngày Chúa Christ Phục Sanh. Trong những buổi lễ phái nam ngồi một bên phái nữ ngồi một b ên, như thể lệ các nhà hội. Thanh thiếu niên đứng hay ngồi ở một nhóm riêng. Người già cả có ghế, phụ nữ có con trẻ có chỗ riêng, các chấp sự chăm sóc chu đáo sắp xếp nói trên và ngăn cản các lời thì thào, cười cợt hay ngủ gật. Lễ Chúa Nhật có 2 phần. Phần đầu ai dự cũng được họ hát Thi-thiên, đọc Cựu Ước, những thư của Phao-lô hay các Sứ đồ khác, và các sách Tin Lành. Đoạn Kinh Thánh đã lựa cho được giảng theo lời dạy dỗ của Chúa Christ, một thể thức bắt chước cách dạy dỗ trong các nhà hội xưa (LuLc 4:16-21). Phần đầu kết thúc bằng lời cầu nguyện, một bài giảng và lời chúc phước. Sau đó những ai chưa chịu phép Báp-têm đi về nhà.


Những đoạn Kinh Thánh lựa chọn trong lễ Chúa Nhật có mục đích bổ túc những bài học Kinh Thánh trong một khoảng thời gian nào đó. Đến cuối thế kỷ thứ 4, Hội thánh Cơ-đốc theo phong tục Do-thái, ghi ra những bài học bắt buộc và lập thành một công thức có dính những bài nào, đoạn nào thích hợp cho các lễ Tuần Thánh, Phục Sinh, Giáng Sinh và Hiển Linh (Epiphany, 6 tháng giêng) là lễ kỷ niệm ngày Chúa Christ tự tỏ mình cho dân ngoại khi các bác học Đông Phương đến Bê-lê-hem.

Phần thiêng liêng nhất trong lễ thờ phượng là Tiệc Thánh, khi những người chưa chịu phép Báp-têm đã ra về những người đã nhận lễ Báp-têm ở lại. Sau khi một chấp sự nói :'Kyrie Eleison' (Xin Chúa thương xót) Hội thánh đọc Kinh Thánh đối đáp và đọc bài Tín Điều Các Sứ Đồ và cầu nguyện chung. Kế đó, Giám mục chủ lễ mặc áo lễ, với các đồng sự đứng xung quanh khởi sự lễ Tiệc Thánh, còn gọi là Lễ Cảm tạ (Eucharist). Danh hiệu này, từ chữ Hy-lạp Eucharistia (Tạ Ơn) nhấn mạnh sự tạ ơn vì Chúa đã nhập thế và chịu hy sinh và tạ ơn Chúa về sự sống mới mà Ngài đã ban cho dân Ngài. Hội thánh tin vào sự hiện diện thiêng liêng của Chúa Christ trong bánh và rượu, nhắc lại lời Ngài đã phán để thiết lập lễ mầu nhiệm ban sự sống mới. 'Này là thân thể ta vì các ngươi mà phó cho ... chén này là giao ước mới trong huyết ta' (ICo1Cr 11:24-25 ; Mac Mc 14:22-24).


13. NHỮNG GIẢNG SƯ VÀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO NỔI DANH


Trong thời kỳ từ cuối thế kỷ thứ 4 đến giữa thế kỷ thứ 5, có nhiều giảng sư có tài tại các thành phố. Những bài giảng của họ là phần quan trọng trong các buổi lễ ngày Chúa Nhật. Thường thường vị Giám mục là giảng sư. Ông ta giải nghĩa Kinh Thánh và dạy dỗ, áp dụng vào đời sống hằng ngày những gì học được. Thường lệ hội chúng vỗ tay khi được nghe những đoạn thích thú. Có ba vị giảng sư nổi danh thời đó là ba Giám mục: Ông John Chrysostom ở Hội thánh miền Đông và các ông Ambrose và Augustine ở Hội thánh miền Tây.


- John Chrysostom (245 - 407) là một thầy tu khổ hạnh, chăm chỉ trong việc nghiên cứu. Ông là một trong những giáo phụ Hy-lạp xuất chúng, và được người ta gọi là Chrysostom, có nghĩa là 'miệng vàng' vì ông giảng rất hùng hồn. Ông giải nghĩa Kinh Thánh không theo kiểu 'hình bóng' như mọi người quen làm hồi đó, nhưng ông đứng trên quan điểm văn chương và lịch sử. Ông nói Kinh Thánh là đồ dùng của người Cơ-đốc. Ông khuyên các gia đình nên mời lân bang xóm giềng đến nhà đọc Kinh Thánh chung với họ. Ông có thể báo trước đoạn Kinh Thánh sẽ giảng tuần sau để Hội thánh biết và nghiên cứu trước ở nhà và dự bị hiểu sứ điệp của ông. Ông giảng rất hay về những vấn đề thực tế của đời sống Cơ-đốc, do đó trong 12 năm ông rất được ưa chuộng tại An-ti-ốt (Antioch). Có một lần ông trách hội chúng vỗ tay ca ngợi ông, lúc ông cho là không thích hợp, nhưng khi ông trách hội chúng lại càng vỗ tay nhiều hơn. Danh ông càng nổi. Năm 398, Hoàng đế mời ông về Constantinople làm giáo phụ. Ở đây cũng như ở An-ti-ốt các đám đông say mê nghe ông giảng dạy. Tuy nhiên vì ông muốn cải tổ lối sống buông lung của các người lãnh đạo và không đồng ý với lối y phục quá đáng của phụ nữ. Nữ hoàng Eudoxia cho là ông chỉ trích chính bà cho nên cả phái lãnh đạo và nữ hoàng đều can gián ông. Họ triệu tập một cuộc họp mặt của hội đồng Hội thánh một cách bất hợp pháp, lên án và cách chức vị giáo phụ, đổ tội vu vơ và đày ông đi Armenia. Giáo hoàng Innocent I lấy làm bất bình về việc này, dứt thông công với Constantine nhưng ông John Chrysostom qua đời tại nơi bị lưu đày.


- Ambrose (337 - 397) được giáo dục tại La-mã, với mục đích giữ chức vụ hành chánh. Khi còn trẻ ông đã làm thị trưởng thành phố Milan. Một ngày kia người ta bầu một vị tân Giám Mục và có nhiều tiếng cãi cọ ồn ào. Ông thị trưởng muốn làm cho làm cho dân chúng yên lặng và bảo vệ trật tự, bèn đi vào trong nhà thờ. Đang khi ông nói thì có tiếng người la, rồi cả đám đông cùng reo lên: 'Ambrose làm Giám mục' Tuy ông chưa nhận phép Báp-têm nhưng ông cho sự reo hò kia là một tiếng gọi từ Đức Chúa Trời, và dự bị chịu phong chức Giám mục sau lễ Báp-têm và nhận chức vụ hầu việc Chúa. Ông đem tiền của cho người nghèo, đem tài sản cho Hội thánh và đôc chỉ nghiên cứu thần học. Lòng trung thực của ông, thêm óc thông minh và tài quản trị đã giúp ông trở thành một người hầu việc xuất sắc ở Hội thánh miền Tây.

Đọc những sách thần học của ông viết về đức tin và ảnh hưởng của đức tin trong những vấn đề thực tế, người ta thấy ông là người biết rộng về nền học cổ điển cũng như thông thạo kinh điển. Ông có ý niệm sâu sắc về tội lỗi và ân điển nên ông viết: 'Tôi không khoe mình vì tôi là công bình, nhưng khoe mình vì đã được chuộc. Tôi không khoe mình vì đã thoát khỏi tội, nhưng vì được tha thứ về những tội của tôi.' Về Kinh thánh ông viết: 'Trên thiên đường cũng như trong những trang Kinh Thánh, Đức Chúa Trời bước đi tìm kiến con người. Khi một kẻ có tội đọc những lời Kinh Thánh, kẻ ấy nghe tiếng Đức Chúa Trời phán: 'A-đam ngươi ở đâu?'

Tại nhà thờ ông soạn những bài Thi-thiên cho hội chúng hát đối đáp. Ông chép một số Thánh Ca xưa ra thành những đoạn thơ 4 dòng, có bài còn được giữ trong những sách Thánh Ca hiện nay, ông cũng cho sử dụng loại bài ca ngâm không có nhịp điệu, có lẽ lấy từ lời ca ngâm của Do-thái và Hy-lạp xưa. Bây giờ tại Milan, người ta còn giữ lời ca ngâm của Do-thái và Hy-lạp xưa này gọi là 'Ambrosian Chant'

Danh tiếng của ông đã làm cho ông phải đối đầu với đại đế Theodosius ngay tại cửa nhà thờ. Ông cấm đại đế bước vào thánh đường trước khi công khai nhận tội đã tàn sát dân chúng tại thành Tê-sa-lô-ni-ca (Thessalonica) và xin Đức Chúa Trời tha tội cho. Đại đế Theodosius phải làm theo, và như vậy là công nhận sự ưu việt của uy quyền thuộc linh của Giám mục, và Giám mục có quyền can thiệp vào đời sống thế gian.

Ông Ambrose có nhiều tài năng, và trên hết ông là một giảng sư hùng biện. Augustine thích nghe ông, có lần được cảm động, và trở thành tín đồ.


- Augustine (354 - 430) sinh tại Bắc Phi, cha là người ngoại đạo và mẹ là tín đồ tên là Monica. Tuy khi còn trẻ ông sống chỉ để tìm lạc thú, không bỏ qua cơ hội vui chơi nào, nhưng tâm trí ông vẫn đăm chiêu dò tìm ý nghĩa của đời sống. Ông tìm hiểu Kinh Thánh nhưng bất mãn với lời văn chương khi ông so sánh với các tác giả La-tinh Và Hy-lạp mà ông ưa thích. Sau khi ông trở thành giảng sư về khoa luận thuyết ở La-mã và Milan, chính tại Milan ông được những buổi giảng của Ambrose thu hút.

Ông Ambrose làm phép Báp-têm cho Augustine vào năm 387. Đời sống tín đồ đã hoàn toàn thay đổi ông và ông trở lại Bắc Phi. Ông dâng trọn đời sống hầu việc Chúa, nghiên cưú Kinh Thánh viết sách và giảng đạo, sau đó ông làm giám mục tại Hippo. Khi quân Vandal đến đây vây Hippo thì ông qua đời.

Ảnh hưởng của Augustine trong tư tưởng Cơ-đốc chỉ đứng sau Phao-lô mà thôi. Tuy nhiên, trong thời ông còn sống, lý thuyết căn bản của ông về tội lội và ân điển cũng bị người ta chỉ trích. Năm 400 có Pelagius, một thầy tu, cũng là một nhà thần học gốc Anh có lễ là Ái nhĩ lan, đến La-mã giảng một thuyết mới bác bỏ tội nguyên thủy. Pelagius dạy rằng ai nấy, đàn ông, đàn bà, đều có thể tự sức làm nên sự cứu chuộc mình. Họ có thể trở thành người trọn vẹn bởi đức tin nhờ việc lành của họ. Năm 415, Augustine viết thư cho Jerome, bấy giờ làm chủ tọa tại Tu Viện Bết-lê-hem, tỏ ý lo lắng là Pelagius có mưu đồ đưa tà thuyết của mình vào miền Đông, Jerome viết thư nói thẳng với Pelagius, gọi ông là 'kẻ ngu nhất trong đám kẻ ngu, trí óc đã trở nên tối tăm vì ăn nhiều cháo lúa Ái nhĩ lan. Người ta lên án tà thuyết của Pelagius, nhưng vấn đề tự do ý chí và ân điển mà Pelagius nêu ra vẫn còn chưa giải quyết được.

Mặc dầu có những thách thức như trên, ảnh hưởng của Augustine lúc đương thời cũng như sau đó rất rộng rãi. Ông luôn luôn viết thư, luận thuyết, viết sách, viết bài giảng. Năm trăm bài giảng còn lưu lại đến bây giờ. Hai quyển sách ông viết gây ảnh hưởng sâu xa trong Cơ-đốc giáo tây phương và được coi là những sách tôn giáo cổ điển đó là quyển Xưng tội (Confessions) và Thành Đức Chúa Trời (De Civitate Del). Quyển 'Xưng tội' viết vào năm 400 là sách tự thuật đời sống thuộc linh, nói lên một trình độ tin kính cá nhân rất sâu đậm, chỉ thua Phao-lô. Trong lời cầu nguyện mở đầu ông viết như sau: 'Chúa đã làm nên chúng ta cho chính mình Chúa, lòng chúng ta không tìm được yên nghỉ cho đến khi tìm được sự yên nghỉ trong Chúa.'

Ông bắt đầu viết quyển 'Thành của Đức Chúa Trời' vào năm 412, tên sách lấy ở Thi Tv 87:3. Mới hai năm trước đó, vua quân Visigoth là Alaric đã đánh chiếm La-mã là thành đưọc phòng thủ kiên cố. Những người có tâm tư suy nghĩ đều bàng hoàng và sợ đây là mở màn cho những ngày tàn của lịch sử. Nhiều người không tìm được lý do tai nạn, đổ cho Hội Thánh là đã gây ra sự suy sụp của La-mã vì đã bỏ những thần xưa là những vị thần vẫn giữ gìn bảo vệ thành. Dầu vậy, Augustine cũng nhìn cuộc chiến của Alaric trong bối cảnh lịch sử và trích dẫn Kinh Thánh để giải thích một triết lý về lịch sử, đem lại niềm tin nơi Đức Chúa Trời và khiến người ta hiểu được cả cuộc thắng trận. Về tấn kịch của nhân loại ông cho rằng những quyền lực của thế gian, lên rồi xuống, nhưng Thành của Đức Chúa Trời là Hội thánh, nơi ẩn trú và quê hương thật của loài người, còn mãi đời đời. Trong thời Trung cổ cả Hội thánh lẫn Đế quốc cũng tìm cảm hứng từ giấc mơ 'Thành của Đức Chúa Trời trên đất ' của Augustine. Người ta kể lại là Đại đế Charlemagne thường để một sách này dưới gối lúc nằm ngủ.


14. THỂ CHẾ TU VIỆN LÚC BAN ĐẦU


Khi Cơ-đốc giáo được nhà nưóc công nhận ở thế kỷ thứ 4 thì các tu viện mọc ra nhanh và nhiều. Hồi đó, dân ngoại đổ xô đến các nhà thờ và Hội thánh trở nên càng ngày càng dính líu với những việc thế gian. Phần nào vì muốn phản ứng lại những khuynh hướng thế gian ấy, hơn nữa từ thoạt đầu người tín đồ đã từ khước những giá trị vật chất để tìm kiếm những phần thưởng thuộc linh, nên có nhiều người đàn ông và đàn bà dâng đời sống của họ cho Đức Chúa Trời qua lối sống tin kính và khổ hạnh.


- Anthony (250 - 350) một người Ai-cập trẻ tuổi, giàu có được coi như là người sáng lập thể chế tu viện. Một hôm, sau khi nghe đọc tại Hội thánh câu: 'Hãy đi, bán hết gia tài mình, đem thí cho kẻ nghèo khó, chắc sẽ được của báu ở trên trời rồi hãy đến mà theo ta.' (Mac Mc 10:21) ông về làm theo ngay lời Chúa. Ông lui về sa mạc để một mình cầu nguyện, sống khổ hạnh và chống cám dỗ. Nhiều người theo gương thánh thiện của ông, ngược hẳn sự độc dữ của thế gian, kéo vào sa mạc ở với ông, họ sống đơn độc trong các hang hố, nhưng thường nhóm thờ phượng và ăn chung. Anthony được tôn làm người lãnh đạo của họ và được gọi tên là Abbot. Nhiều thầy tu trong số này không đọc chữ được nên phải học thuộc những câu Kinh Thánh để suy ngẫm ngày đêm. Vị giáo phụ tại Alexandria là Athanasius, một lần kia bị lưu đày và bị lên án chung với những thầy tu nói trên, đã sửng sốt thấy lòng tin kính lớn và đời sống thanh đạm của họ. Ông bèn viết sử của người sáng lập, quảng bá uy tín của Anthony. Từ đó Hội thánh được nghe tin tức về phong trào mới này.


- Pachomius (292 - 346) là một lính Ai-cập, trở thành tín đồ, đưa ra một hình thức tu viện mới: Các thầy tu không sống riêng biệt nhưng liên hệ với nhau chặt chẽ như một hội đoàn, có kỷ luật nhất định và nghiêm ngặt. Họ làm những việc được giao phó, đúng giờ thì họp lại thờ phượng và mặc áo giống nhau. Rất nhiều người nam và nữ ưa thích hình thức mới này và gia nhập đông đảo. Vào giữ thế kỷ thứ 4, có 10 tu viện như thế được thành lập tại Ai-cập. Bà chị của Pachomius cũng sáng lập 2 tu viện cho phụ nữ.


- Vào năm 362, Martin ở Tours, một ngày kia lấy áo choàng của mình phủ cho một người hành khuất, và trở nên nổi tiếng từ đó. Ông sáng lập một tu viện tại Poitiers (Pháp) và cổ võ phong trào này. Ông Jerome vừa dịch Kinh Thánh vừa trông nom một tu viện tại Bết-lê-hem. Ông cũng kiểm soát một nữ tu viện gần đó do hai mẹ con bà Paula một người La-mã giàu có xây cất. Các họa sĩ thời phục hưng thường vẽ tranh ông Jerome ngồi viết gần bàn g iấy, trong một phòng nhỏ, bên ông có một con sư tử hoặc ngồi, hoặc ngủ dưới chân.


- Basil (330 - 370) Giám mục thành Sê-sa-rê (Caesaria) ở xứ Cáp-ba-đốc (Cappadocia) là một trong những giảng sư có tài về việc giải thích bản Tín Điều Nicaea, sửa đổi lối sống tu viện do Pachomius lập ra. Basil đưa vào tu viện nhiều công việc bình thường hơn và tuy lối sống vẫn khổ hạnh nhưng bầu không khí chung có phần thoải mái hơn. Chính ông là người đặt ra quy luật một ngày tu viện có 8 buổi thờ phượng chung. Những giờ xen kẻ là để học Kinh Thánh, làm việc thủ công hay những việc khác có ích như dạy học trẻ em. Bà Macrina chị của Basil ở Caesarea và cũng là chị của Gregory ở Nissa, cũng là một nhà thần học có tài năng và chính bà đã đặt nền móng cho nếp sống của những nữ tu.


15. HỘI THÁNH BÀNH TRƯỚNG


Từ ban đầu Hội thánh đã vâng lệnh Chúa Christ đi rao Tin Lành 'cho đến cùng trái đất' (Cong Cv 1:8). Trước khi Hoàng đế Constantine ban sắc lệnh Milan, những nhà truyền giáo Cơ-đốc cũng đã đặt chân lên hầu hết Đế quốc La-mã và còn đi xa hơn nữa. Như ta đã biết, vào cuối thế kỷ thứ hai Tin Lành đã được giảng cho Anh Quốc khi còn là thuộc địa La-mã. Người tử đạo đầu tiên tại Anh là Alban, ông tử đạo trong thời kỳ Hoàng đế Diocletian hành hại tín đồ. Năm 314 có 3 Giám mục người Anh đến dự hội nghị ở Arles (Pháp).


- Về phía Đông có xứ Armenia, một vương quốc chịu phục dưới quyền đế quốc La-mã. Xứ này là xứ đầu tiên nhận Cơ-đốc giáo làm quốc giáo. Gregory được gọi là 'người soi sáng' đã khuyên vua Tiridates tin Chúa và làm phép Báp-têm cho vua vào năm 301, việc này xảy ra 11 năm trước khi Constantine chiến thắng ở cầu Milvian, dưới những cơ mang dấu hiệu Cơ-đốc.


- Phía Bắc sông Danube, có Ulfilas (311 - 383) mệnh danh là 'Sứ đồ của người Goth' đã kêu gọi được nhiều ngời Visigoth trở lại tin Chúa. Ông này tin Chúa tại Constantinople và năm 341 được phong làm Giám mục lưu hành. Vì ngôn ngữ Goth chưa có chữ viết nên Ulfilas phải dựa vào chữ Hy-lạp và La-tinh mà sáng tác ra một cách chép vần Gothic để dịch Kinh Thánh ra tiếng Gothic. Đến thế kỷ thứ 5, một Linh mục có học ở Armenia, tên là Mestrop cũng gặp một tình trạng như vậy. Ông cũng phải sáng chế ra một cách dịch Kinh Thánh cho Hội thánh Armenia. Trong tập khảo cứu về lịch sử Cơ-đốc, tác giả Kenneth Scott Latourette kết luận: 'Nhiều ngôn ngữ đã được chuyển ra chữ viết bởi công của các nhà truyền giáo Cơ-đốc, nhiều hơn bất cứ các cơ quan nào khác hợp chung lại.'

Ulfilas tôn kính bản văn xưa nên ông dịch sát nghĩa, gần như dịch từng tiếng, nhưng ông e ngại về tinh thần sách 'Các Vua', nên không dịch, sợ rằng đọc sách này dân chúng trong nước ông lại nổi máu chiến tranh. Vào thế ký thứ 6 người ta có chép lại những sách Tin Lành đã dịch ra tiếng Gothic, gọi là quyển Codex Argenteus chép bằng bạc và vàng trên giấy tím, hiện nay tàng trữ tại trường đại học Uppsala, Thụy Điển.

Nhờ công lao của những người truyền giáo như Ulfilas nên khi các giống dân Visigoth, Ostrogoth, Vandal, Burgundian và Lombard vượt qua bờ cõi đế quốc trong thời các bộ lạc di dân, có nhiều người đã tin Chúa rồi. Cả những bộ lạc không biết Chúa cũng bỏ những thần ngoại đạo cũ của họ khi họ đến định cư giữa dân chúng La-mã, vì họ cho rằng văn minh và Cơ-đốc giáo đồng nghĩa với nhau và họ sốt sắng tiếp nhận cả hai.


- Những bộ lạc Celtic ở Ái nhĩ lan, từ lâu đời vẫn là ngoại đạo, được ông Patrick (389 - 461) hướng dẫn đến niềm tin Cơ-đốc. Ông này là thế hệ thứ ba từ khi Cơ-đốc giáo vào đất Anh. Khi còn nhỏ, những toán cướp từ Ái nhĩ lan đến phá phách nông trại của cha ông có lẽ bây giờ ở xứ Wales, họ bắt ông và đem về đất Ái nhĩ lan ngoại đạo. Ông ở đó 6 năm làm nô lệ chăn bầy chiên cho chủ. Theo lời ông nói, ông đã cầu nguyện 'mỗi ngày 100 câu, mỗi đêm cũng gần số đó, khi phải ở trong rừng trong núi'. Một đêm kia, trong giấc mơ, ông nghe tiếng nói: 'Chiếc tàu của anh đã sửa soạn xong', ông bèn chạy vội ra bờ biển và thuyết phục chủ tàu cho ông về quê hương. Sau đó ông lại nghe tiếng nói giống Ái Nhĩ Lan có vẻ như van nài ông: 'Hỡi con trẻ thánh, hãy trở lại và đi giữa chúng tôi một lần nữa.' Ông theo học tại một tu viện ở Gaul (pháp) được phong chức Giám Mục vào năm 432 và trở lại Ái nhĩ lan. Tại đây ông tiếp những người cầm đầu bộ lạc tin Chúa, lập những giáo phận và đặc biệt thành công trong việc thành lâp các tu viện trên các đất đai mà các người cầm đầu bộ lạc dâng hiến. Sau 29 năm truyền giáo, Ái nhĩ lan đã trở thành như một xứ Cơ-đốc giáo.


- Clovis (466 - 511) khi 15 tuổi đã nối ngôi vua của dân Salian Franks, và đem bộ lạc gốc Đức này đánh thắng quân La-mã ở Bắc và Trung nưóc Pháp (Gaul). Không bao lâu sau đó ông kết hợp được toàn dân Frank chịu quyền cai quản của ông. Vợ ông là Clotilda, một công chúa Burgundian, vì thuộc về dòng La-mã chứ không phải giòng Arian, nên khuyên ông nên theo đạo của bà, tức là Cơ-đốc giáo. Do đó năm 496 tại Rheims, vua và 3000 người theo ông đã chịu Báp-têm. Clovis được lòng tất cả dân chúng La-mã, được các Giám mục ủng hộ nên đã mở mang được bờ cõi từ sông Rhine đến chặng núi Pyrénées, gây thiệt hại cho những bộ lạc Đức khác đã theo thuyết Arius từ trước. Bởi vậy Clovis đã thành người lập quốc cho nước Pháp. Ông lấy Paris làm kinh đô, xây nhà thờ của Các Thánh Đồ, sau này gọi là Nhà thờ St. Genevieve. Vì có những người có quyền trong đám dân Franks ngả theo niềm tin chính thống tức là niềm tin chung của dân La-mã, nên những bộ lạc Đức khác cũng đã bỏ chủ thuyết Arius và trở về Cơ-đốc giáo chính thống, vì vậy Tây Âu có một sự thống nhất khó có thể đạt được bằng bất cứ cách nào khác.


Trong thế ký thứ tư và thứ năm (300 - 500), những câu chuyện điển hình này đã chứng tỏ là hội thánh đã tiến trên nhiều 'mặt trận', vậy nên đến đầu thời Trung cổ, Hội thánh đã bắt đầu giúp dân ngoại quay về niềm tin thật và tiến lên địa vị có uy quyền thế lực.



bottom of page