top of page
Hung Tran
Jun 22, 2023
Chúng ta thấy Cơ-đốc giáo đã lan tràn khắp Châu Âu vào thời Trung cổ. Hội thánh tiến vào lấp chỗ trống tâm linh do sự sụp đổ của Đế quốc La-mã gây nên...
VI. THỜI KỲ CẢI CHÁNH (Năm 1500 Đến 1600)
26. NHỮNG LÀN GIÓ CANH TÂN
Chúng ta thấy Cơ-đốc giáo đã lan tràn khắp Châu Âu vào thời Trung cổ. Hội thánh tiến vào lấp chỗ trống tâm linh do sự sụp đổ của Đế quốc La-mã gây nên và nhận lãnh trách nhiệm đem nhân loại đến văn minh. Giáo lý Cơ-đốc đặt ra các tiêu chuẩn hạnh kiểm giảng dạy thanh bần và bình an. Cơ-đốc giáo gây một niềm hy vọng vượt lên trên mọi hoàng cảnh để nâng đỡ những kẻ tầm thường. Nhờ Cơ-đốc giáo các tài năng và những kiến thức của Hy-lạp và La-mã được bảo tồn. Cơ-đốc giáo khai hóa dân man rợ và đón tiếp họ vào đại gia đình. Sau hết, Hội thánh đã lập nên một sự thống nhất mới, bao gồm cả Âu Châu, tại miền Tây, Giám mục La-mã, tức là Giáo hoàng đứng trên hết kể cả luật pháp và xét xử. Mặc dầu vẫn còn chống đối song ông vẫn duyệt y kết quả sự bầu cử của các Giám mục khác, kiểm soát giới tu sĩ và các tu viện, phái đại diện đến các triều đình, và trên uy quyền trần tục ông vẫn đứng trên các Hoàng đế, các vua và các bậc cầm quyền khác. Dùng thế lực tài chánh, ông định tầm quan trọng của các giáo hạt, giáo phẩm, định lệ phí cho một số dịch vụ và thu từ mỗi gia đình Cơ-đốc một số tiền nhỏ hằng năm gọi là 'đồng xu Phi-e-rơ'. Bởi ông có quyền dứt phép thông công, không những chỉ cho một cá nhân, và có khi cả một nước, được nhận bí tích và sự thông công với Hội thánh, cho nên ông có quyền lớn. Ông tuyên bố Giáo hội là cơ cấu duy nhất khả dĩ đi giảng lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu Christ và cứu các linh hồn cho được sự sống đời đời. Ngoài Hội thánh, không ai có thể được cứu. Bởi vậy, thời Trung cổ, đời sống của mọi người nam, nữ hay thiếu niên đều ở dưới quyền Hội thánh. Tuy nhiên, các thương gia, hoặc thợ chuyên môn không biết Chúa, và các hội đồng hoàng gia chống đối quyền của giới tu sĩ, và luật đạo.
Giữa thế kỷ 14, các cơn gió canh tân bắt đầu thổi. Tình thế chung đã được thiết lập bấy giờ đang chuyển sang giai đoạn giao thời, về tôn giáo, chính trị, kinh tế văn hóa và trí thức. Các lãnh Chúa, thế lực sút kém vì gánh nặng kinh tế do các cuộc thánh chiến gây nên, và những trận chiến gây hoang tàn, nay được thay dần bằng những chế độ quốc gia trong đó dân chúng được quyền lên tiếng. Nô lệ không còn nữa vì kinh tế tiền tệ mới phá hủy dần tập tục ấy. Giới trung lưu trở nên lớn mạnh, thương mãi và kỹ nghệ lan rộng, các thành thị trung cổ mở mang thành quan trọng hơn. Các thuyền nhỏ mong manh, được thay thế dần bằng các tàu đi trên biển cả và nhờ máy đo sao, và địa bàn nên đi xa và trở về bến an toàn.
Hội thánh vẫn đứng đầu trong những thành quả to lớn thời Trung cổ về học vấn, nghệ thuật, văn chương và đã thao luyện nhiều trí óc xuất sắc thời bấy giờ, vẫn tiếp tục nuôi dưỡng các học giả và văn minh Tây phương từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Hội thánh đỡ đầu cho mọi thành công về nghệ thuật, văn chương và nghiên cứu. Nhiều nhà nhân văn đầu tiên, những học giả của nền 'kiến thức mới' là những tu sĩ.
Nền 'kiến thức mới' được phát triển thêm khi quân Thổ Ottoman chiếm Constantinople vào năm 1453, và các học giả Hy-lạp, mang theo những sách quý cổ điển Hy-lạp và La-mã, chạy trốn về phương tây. Vì say mê đón nhận những tư tưởng và hình thức cổ điển, tất cả những gì tự nhiên và hợp với nhân tính, nên các nhà nhân văn học bỏ những khảo cứu trừu tượng và hệ thống tư tưởng Cơ-Đốc theo phái triết học Aristotle. Các đại học Âu Châu đều quen thuộc với các bộ sách cổ điển Hy-lạp_La-mã, giới tu sĩ sợ những điều dạy dỗ đạo đức của Cơ-đốc giáo bị lấn át. Nhưng dần dần các Giám mục cũng như các hoàng thân đều đón nhận 'kiến thức mới'. Giáo hoàng Nicolas V, cũng là một học giả cổ điển quen thuộc, giữa thế kỷ 15, thành lập thư viện Va-ti-can và quyết định đỡ đầu các công trình nghiên cứu cổ điển. Nhiều nhà nhân văn học bắt đầu quan tâm đến những bản văn Cơ-đốc đầu tiên và nghiên cứu Kinh Thánh theo một quan điểm mới mẻ. Những điều này cách mạng hóa quan điểm tôn giáo tại Tây Âu Châu và dọn đường cho thời kỳ cải cách.
Đến cuối thời Trung cổ (thế kỷ 15) tất cả những thay đổi trên tạo nên nhiều đảo lộn, báo hiệu một thời kỳ hát triển mới của nhân loại đang đến gần. Người ta thêm niềm tin vào con người và những khả năng vô hạn của con người. Nhân phẩm, giá trị của các các nhân nam nữ được chú ý hơn, đây là điều dạy dỗ căn bản của Cơ-đốc giáo, thể hiện qua mối quan tâm đến an sinh của mọi người. Thế kỷ 14 và 15 có nhiều bằng chứng cụ thể là thời đại mới đã mở đầu. Cuối chương 20 đã nói đến ông Wycliffe, người được gọi là ‘sao mai của thời kỳ cải chánh’ đã trồng hạt giống, dù chính quyền bắt bớ, thiếu phương tiện truyền thông tư tưởng, hạt giống ấy cũng sẽ đem về một mùa gặt hái.
Nghề in được sáng chế và trở thành một yếu tố mạnh mẽ trong cuộc Cải Chánh. Năm 1455, quyển sách đầu in ra bằng chữ kim loại ở thế giới Tây phương là quyển Kinh Thánh tiếng La-tinh do xưởng in của Gutenberg tại thành phố Mainz trên bờ sống Rhine phát hành. Hai mươi năm sau tại Anh, William Caton được khuyến khích lập xưởng ấn loát và in quyển sách đầu tiên ngay nơi phát chẩn từ thiẹn của tu viện Westminster, nhờ mối quan tâm và đỡ đầu của một nhà từ thiện, là bà Margaret Beaufort, dòng dõi vua Edward III và mẹ của vua Henry VII.
Lề lối sinh họat của thời Trung cổ thay đổi dần dần, dân chúng bắt đầu chống lại những lạm dụng len lỏi trong các tổ chức tôn giáo của họ và tra vấn những điều mê tín bấy lâu nay vẫn được chấp nhận không bàn cãi. Nhiều hình thức tôn giáo từ bao lâu nuôi dưỡng tâm linh họ nay họ cho chỉ là những công thức trống rỗng không thỏa mãn được đời sống nội tâm của họ, Giáo hội cần phải thích ứng với thế giới chung quanh. Giáo hội cần được Cải Chánh. Tiếc thay, Giáo hội dính líu vào chính trị và quyền hành trong nước quá chặt chẽ nên khi thời cải cách đến, nứt rạn đã xảy ra làm tan vỡ nền hợp nhất mà Hội thánh đã giữ được trong quá khứ.
27. DESIDERIUS ERASMUS (1466 - 1536)
Erasmus, một nhà văn học Hòa lan, đã gây ảnh hưởng mạnh trong thời đại của ông và ông là một nhà tiên phong của phong trào Cải Chánh. Tuy sinh ở Rotterdam, nhưng ông sống nhiều năm tại Pháp, Anh, Ý , Đức và Thụy Sĩ, vì ông là một người quốc tế 'coi thế giới như là một quê hương chung của mọi người'. Khi mới lên 9 tuổi, học ở một trường ở Deventer, ông đã tỏ ra có nhiều hứa hẹn vì có trí nhớ rất sắc và ham học. Một bạn học của ông là Adrian ở Utrecht, sau này dạy học cho Hoàng đế Charles V và sau cùng trở thành Giáo hoàng Adrian VI. Ông cố gắng bài trừ các tệ đoan đạo đức và hành chánh, nhưng chưa đầy hai năm thì ông qua đời. Ông là vị Giáo hoàng cuối cùng không có quốc tịch Ý, cho đến khi John Paul II được bầu làm 1978.
Khi Erasmus độ 18 tuổi, cha mẹ ông mất, vì nghèo ông phải vào tu viện, ở đó ông rất chăm chú tra cứu trong thư viện. Tuy nhiên, đời sống trong tu viện quá bình lặng, đến nhà nguyện và làm các việc hằng ngày, và ông chán vì chẳng có ai đủ học thức cao để đối thoại. Sau đó ông xin được ra khỏi tu viện và vào đại học Paris. Để tự túc, ông dạy học, trong các học trò của ông có Lord Mountjoy, vị này mời ông sang Anh và giới thiệu ông với một nhóm nhân văn học xuất sắc ở Oxfoxd. Họ lấy các sách cổ điển và Kinh Thánh làm nền móng cho việc dạy học, vì họ tin rằng những tài liệu trên sẽ soi ánh sáng mới vào những chân lý cũ. Xem bức thư dưới đây do ông viết, ta biết ông đã rất vui thích về những người ông gặp và mọi điều ông thấy ở Anh 'không khí dịu, thoáng và dễ chịu, người thì nhạy cảm và thông minh, nhiều người có học, biết văn chương cổ điển. Khi Colet giảng, tôi tưởng đang nghe Plato. Linacre (sau này làm Bác sĩ cho Henri VIII) là một nhà tư tưởng sâu sắc, tôi chưa hề gặp ai như vậy. Grocyn có kiến t hức rất rộng rãi. Thomas More có một tính tình thật là dịu dàng vui vẻ. Số sinh viên học văn chương cổ điển ở đây thật là đông.
Gặp những người bạn mới này khiến ông càng thêm thích văn chương cổ điển. Tất cả sau này đều nổi danh. John Colet, trước đã học tại Ý và Pháp, giảng cho một số đông sinh viên Oxford về đời sống và những thư của Phao-lô. Vì Colet tin rằng cần phải tìm về nguồn gốc từ Kinh Thánh, nên ông khuyên Erasmus học chữ Hy-lạp và dốc lòng tra cứu Tân Ước trong ngôn ngữ của sách này. Sau này Erasmus viết thư cho Colet như sau: 'Ông tìm cách đem trở lại Cơ-đốc giáo của các Sứ đồ và cất bỏ những gai góc rườm rà mọc lên bấy lâu nay, thật là một công trình cao quý"
Năm 1501, Erasmus trở lại Anh, Thomas More lúc đó mới 22 tuổi, đưa ông đến lâu đài Eltham gần Greenwich, nơi con cháu của hoàng gia thường đến đổi không khí. Tuy vua Henry VII, Hoàng Hậu và con cả là Arthur không có mặt, Erasmus có gặp Hoàng Tử Henry và hai người em của hoàng tử : một người là Margaret, sau làm Hoàng hậu Scotland (Tô Cách Lan) và là bà của Mary vừa mới lên ba, sau này là Hoàng hậu nước Pháp một thời gian ngắn và sau đó trở nên bà của Lady Jane Grey. Erasmus rất thán phục cách cư xử của Hoàng Tử Henry, mới lên 9, song có nhiều năng khiếu và học giỏi, cũng đã nghe đến đời sống trí thức nổi danh của Erasmus và nóng lòng muốn nghe Erasmus nói chuyện. Sau này, 6 năm sau, Hoàng Tử trả lời thư của Erasmus như sau: 'Thư của ông làm cho tôi vui nhiều lắm, lời lẽ hùng biện nhưng tôi không khen ngợi thể văn mà cả thế giới ngưỡng mộ'. Vì ông có trí óc thông sáng, viết sách nhiều và liên lạc thư tín với nhiều người, lại nghiên cứu, nên danh tiếng lan rộng ở Châu Âu. Về phương diện tôn giáo ông có óc thực tế và ưa điều hợp lý, nên ông tượng trưng cho một quan niệm nhân văn tốt đẹp nhất ở Châu Âu. Ông quen biết và thư từ với nhiều người giỏi thời bấy giờ, và nhiều nhà lãnh đạo, kể cả vua Charles V, Giáo hoàng Leo X, Vua Henry VIII, cũng công nhận ảnh hưởng của ông và vẫn tham khảo ý kiến ông.
Những sách chính của ông viết về các giáo phụ của Hội thánh như: Jerome, Cyprian, Irenaeus, Ambrose, Augustine, Chrysostom, Basil và Origen. Những bản văn này, cộng với những lời phi lộ do ông viết đều do xưởng in danh tiếng của John Froben tại Basel phát hành.
Nhưng tác phẩm quan trọng nhất là tập Tân Ước nguyên văn Hy-lạp, mà ông dịch ra tiếng La-tinh, kèm những ghi chú liên quan đầu tiên bằng tiếng Hy-lạp có đề tặng cho Giáo hoàng X là người đã ưng thuận việc thực hiện công trình này. Erasmus phải mất 3 năm từ 1511 đến 1514 dịch quyển này, khi ông giữ ghế Giáo sư Lady Margaret Beaufort chuyên đề thần học tại Đại học Cambridge do bạn ông là John Fisher đã thu xếp giữ chỗ cho ông.
Quyển Tân Ước của Erasmus đạt kết quả vượt mức, riêng tại Pháp sách bán ngay được 100.000 cuốn. Trong những lần xuất bản tiếp theo, ông thêm nhiều ghi chú và bình luận công khai chống lại những lạm dụng trong Hội thánh và sự ngu dốt của những người lãnh đạo giáo dân trong Giáo hội. Ơ thế kỷ thứ 16, người ta thường lấy kinh Thánh làm tòa giảng để phổ biến ý kiến của người dịch.
Cho đến lúc bấy giờ, những tập Kinh Thánh được giấu kín trong các thư viện của tu viện, và chỉ có những người nghiên cứu thần học mới được dùng đến. Thường dân chỉ được biết những đoạn nghe ở nhà thờ, những đoạn này lại được đọc bằng tiếng La-tinh với giọng khó hiểu cho nên sứ điệp của Kinh Thánh không được truyền thông ra quần chúng. Khi quyển Kinh Thánh của Erasmus dịch xong thì các nhà học giả và các người trí thức mới có thể tự mình tìm hiểu những việc thuộc về Chúa Christ, các Sứ đồ và những đều họ dạy dỗ. Họ có thể so sánh lối sống bất toàn và có lúc thối nát trong Hội thánh đương thời với Cơ-đốc giáo nguyên thủy, một đức tin đã kêu gọi nhiều người trở lại cùng Chúa. Kết quả là một cơn động đất thuộc linh.
Năm 1521 Erasmus viết: 'Công trình của tôi là phục hồi lại một bản văn dã chọn và nhắc nhở các tu sĩ là chẳng nên cãi nhau về các chi tiết nhỏ mà nên học biết Tân Ước'. Biết Kinh Thánh là một nguyên tắc căn bản của thời kỳ cải chánh. Ngoài công việc tu chánh Kinh Thánh, ông Erasmus luôn luôn bận rộn viết sách hoặc những văn tập nhỏ với lời văn sáng sủa, vui vẻ và dễ đọc của ông. Ông học rộng và rất quan tâm đến những khó khăn trong Cơ-đốc giáo, lại vì có đức tính ngay thẳng và viết văn rõ ràng nên người đương thời rất thích đọc sách của ông. Dĩ nhiên ông viết bằng chữ La-tinh, ngôn ngữ thông dụng của các học giả và các nhà trí thức khắp Âu Châu. Sách Đối Thọai (Colloquies) là những cuộc đối thoại ông nhạo cười những thối nát của xã hội một cách dí dỏm nhưng đầy lòng thông cảm. Sách Tục Ngữ Cách Ngôn (Adages) bày tỏ ý kiến của ông đối với những vấn đề thông thường. Một quyển khác ai cũng biết là quyển Ca Ngợi Sự Điên Rồ (the Praise of Folly) trong đó ông tóm lược những cuộc đàm thoại khi thăm hai bạn thân tại Anh: Ông Thomas More, lúc đó đang làm việc trong cung vua, và ông John Fisher, giám mục Rochester. Cuộc thảo luận nghiêm trang và có ý buồn, vì ba người bạn cùng nhận biết thảm trạng trong Hội thánh và không ngớt chê bai lên án những xấu xa và lạm dụng trong đó.
Ông mong rằng khi mọi người biết rõ vấn đề hơn, và khôn sáng hơn, họ sẽ biết những lầm lẫn của họ và từ bỏ, cũng như sẽ chấm dứt những tệ đoan mê tín và những tập tục vô nghĩa của Hội thánh. Ông thấy trưóc là phong trào Luther đang sửa soạn cơn bão tố, ông cảnh cáo: 'Đã đành Hội thánh cần cải cách, nhưng bạo động không phải là đường lối tốt'. Ông còn nghĩ rằng, nếu những người hiểu biết cầm quyền ở Âu Châu thì tình hình đã chín mùi để họ đem cải cách đến một cách yên lặng. Nhưng thật ra, điều đó đã không xảy ra.
28. MARTIN LUTHER (1483 - 1546)
Martin Luther một giáo sĩ dòng Augustinian, học giả Kinh Thánh, giáo sư thần học tại Đại Học Wittenberg, là người châm ngòi lửa đầu tiên cho cuộc Cải Chánh. Cha ông, một thợ mỏ quê mùa, có đức tin, đã phấn đấu từ khi nghèo khó cho đến lúc trở thành một người dân thành thị khá giả. Ông có cao vọng nuôi con đi học để làm luật sư. Luther vào đại học, nhưng ông bị ám ảnh, luôn cảm thấy cảm thấy mình tội lỗi nên ông lánh đời để trở thành một tu sĩ. Có lòng tin kính và hầu việc cách đặc biệt, ông lại có tài giảng dạy và giỏi quản trị hành chánh. Có một thời kỳ tranh đấu nội tâm, ông cảm thấy không đến gần Đức Chúa Trời được mặc dầu với nhiều cố gắng khổ tu và làm 'công đức', ông bắt đầu nghi ngờ rằng chưa hẳn Hội thánh đã có phương tiện đưa đến cứu rỗi. Phải chăng con người phải làm theo những đòi hỏi của Hội thánh, bí tích và 'công đức' mới được nhận ơn của Đức Chúa Trời? Thình lình, lời Phao-lô ở Rô-ma 1:17; vang trong trí ông như sấm sét. 'Người công bình sẽ sống bởi đức tin' hay là 'người được công bình nhờ đức tin sẽ sống'. Ông nói rằng lời này 'quả thật là cửa thiên đường cho ông', và từ đó thay vì cố gắng tìm sự cứu rỗi bằng công khó nhọc của mình, ông được yên lòng tin rằng Đức Chúa Trời đã cho ông sự cứu rối ấy. Từ kinh nghiệm cá nhân đó, ông Luther viết ra một giáo thuyết trái với sự dạy dỗ của Hội thánh cho rằng, con người 'chỉ được cứu rỗi nhờ bí tích và công đức'. Ông giảng rằng Đức Chúa Trời ban cho đức tin và đó là điều kiện duy nhất của sự cứu rỗi để thoát khỏi tội lỗi và mặc cảm tội lỗi, để được kể là công bình trước mặt Đức Chúa Trời.
Ông bất bình với Hội thánh khi có những thừa sai của Giáo hoàng Leo X đến Đức để bán những 'phép xá tội' (tức là Giáo hoàng tuyên bố tha cho tội nhân đã ăn năn hay đã chuộc lại lỗi mình, khỏi phải chịu đau đớn vì những tội cũ ấy trong 'nơi luyện tội' (Purgatory). Tiền thu đưọc sẽ dùng vào công việc xây dựng lại nhà thờ St. Peter ở La-mã là Toà thánh của Cơ-đốc giáo phương tây. Ông Luther coi việc mua bán này là một lạm dụng xấu xa trái hẳn với những chân lý sâu xa của Cơ-đốc giáo. Kế đó, ngày 31 tháng 10 ăm 1517 ông viết 95 điều khoản (thesis) lên án việc bán 'phép xá tội' đó là 95 đề án danh tiếng mà ông đã đóng đinh vào cửa nhà thờ lớn ở Wittenberg. Ông muốn có cuộc thảo luận để tiến đến cải cách, ông không muốn cách mạng. Nhưng thảo luận thì chẳng thấy đâu, mà 95 điều khoản thì được vô số người chùyen tay nhau và sốt sắng chăm chú đọc. Tình hình đã chín mùi , lòng người sôi động và những biện pháp cứng rắn được thi hành. Thế là Luther đã mở toang cửa ngõ cho cuộc cách mạng lớn nhất của lịch sử Hội thánh.
Ông tiếp tục giảng dạy và viết bài chống lại những lạm dụng của giới tu sĩ, chống lại uy quyền thiêng liêng của Hội thánh, lại còn thúc giục hoàng thân tại Đức hãy tách lãnh thổ của họ ra ngoài vòng kiểm soát ngoại lai của Giáo hoàng. Bị triệu đến trước Hội đồng các vùng trong Đế quốc La-mã thánh, họ tại Worms năm 1521, ông công nhận là ông đã viết tất cả chồng tài liệu chữ Đức, chữ La-tinh, mà các thẩm phán đưa ra, nhưng ông nói ông không thể rút lại những lời ông đã chỉ trích Giáo hoàng, trừ phi có người tìm được trong Kinh thánh những đoạn thích hợp để vạch ra sự sai lầm của ông. Ông nói lớn: 'Tôi không thể làm thế nào khác được. Ông đứng đây, giữ những lời đã nói, Đức Chúa Trời sẽ giúp tôi. Amen'. Hội đồng bèn ban lệnh tuyên bố Luther ở ngoài vòng luật pháp, và không cho phép ai cho ông ta ăn, uống hay nơi nghỉ ngơi. Dầu vậy, ông đã được coi là vĩ nhân và không mấy người quan tâm đến lệnh của hội đồng. Liền sau đó, các bạn ông kiếm ra một nơi an toàn cho ông ẩn náu, đó là tòa lâu đài tại Wartburg của Frederick the Wise, hoàng thân xứ Saxony.
Tại đó ông dịch Tân Ước ra tiếng Đức và xuất bản sách đó năm 1522. Ông không dịch từ bản dịch Vulgate, vì trưóc đó bản La-tinh này đã có người dịch ra nhiều bản tiếng Đức vụng về, nhưng dịch thẳng từ bản văn Hy-lạp đã được in ra sách, nhờ công lao của Erasmus. Trong khoảng 10 năm, vừa tổ chức vừa phổ biến những bài giảng thuyết của ông, ông dịch xong toàn bộ Kinh Thánh. Bản dịch này rất quý giá về phương diện tôn giáo cũng như văn chương vì ông Luther rất giỏi về ngôn ngữ thông dụng; văn ông dễ đọc vì ông dùng nhiều thành ngữ dân tộc và lại trau chuốt.
Lề lối ngôn ngữ của văn chương Đức sau này chịu ảnh hưởng rất nhiều của quyển Kinh Thánh do Luther dịch.
Khi các lãnh thổ Đức nổi lên chống lại Giáo hoàng, thì có những người tin kính tán đồng vì họ không chịu nổi những lạm dụng của Hội thánh, cũng có nhừng người vụ lợi đồng ý vì muốn chiếm đất đai và lợi tức của Hội thánh, và cũng có những người yêu nước không ưa uy quyền của La-mã. Có đủ hạng người ủng hộ Luther: hoàng thân, dân thành thị, thợ thuyền, dân quê, tu sĩ. Họ công kích cả hệ thống cai trị thuộc linh, phép tha tội, dứt thông công, miễn phạt, tuyên bố sạch tội, luôn cả thủ tục xưng tội và các tòa án tôn giáo. Chẳng bao lâu, bạo động bùng nổ, lôi cuốn Đức Quốc vào rối loạn.
Erasmus ở xa xem xét và tỏ ý bất mãn vì những điều dạy dỗ của ông, khi Luther và đồng bạn đem ra áp dụng lại gây kết quả quái đản như vậy, thoạt đầu ông Erasmus viết: 'Tôi tán thành những việc có vẻ đầy thiện ý của Luther, tôi có viết thư cho ông ta và khuyên ông ấy rằng nên dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng một chút, có lẽ ông sẽ là một tia sáng soi ra ra tối tăm và có thể Giáo hoàng sẽ trở t hành bạn ông, tôi tin điều đó'. Nhưng sau đó ông lại viết: 'Tôi không thể tán thành bạo động' cuộc nổi loạn tại Đức càng tăng độ gay gắt, lòng ông càng thêm lo âu. Ông tự hỏi: Không hiểu cái gì đã thúc đẩy Luther nặng lời với Giáo hoàng và các học giả Hội thánh cùng các khất sĩ như thế. Sự trạng đã rối bời lại còn khuấy động thêm có ích gì? Hay Luther muốn đốt cháy cả t hế giới?
Tại hội đồng Speyer năm 1529, đa số các nhà cầm quyền tại các lãnh thổ Đức quyết định ngăn trở phong trào Luther, nhưng có một thiểu số đã thực hiện những cải cách do Luther đề ra và họ ký một thư phản kháng. Bởi vậy, những người theo Luther từ đó được gọi là 'protestant' (những người phản kháng),danh từ này nay chỉ về những người không theo sự dạy dỗ và luật pháp của Hội thánh Công giáo La-mã.
Năm 1530, một bác học là bạn và đồng nghiệp của Luther ở Wittenberg nhà nhân văn học khiên nhường Philip Melanchthon, soạn một bản tuyên ngôn rõ, gọn, về những tín điều và giáo thuyết của phái Luther, bản tuyên ngôn này gọi là 'Bản xưng nhận đức tin Augsburg'. Sau khi các hoàng thân phái Luther ở Đức đã công nhận bản văn đó, và tài liệu trên trở thành bản tín điều chính của Hội thánh Lutheran. Hội thánh đã có tiêu chuẩn giáo lý, có Kinh Thánh Đức ngữ, giờ thờ phượng, có thêm hội chúng tham dự vào việc ca ngợi, bằng ngôn ngữ thường ngày của dân Đức, nên Hội Thánh Lutheran phát triển mau, lan sang Thụy điển, Đan mạch, Na-uy và trở thành tôn giáo chánh thức tại các nước trên. Riêng tại Đức vẫn phải chia hai nhóm: Các địa phương theo Công giáo La-mã và các địa phương theo Lutheran, tùy người lãnh đạo địa phương ấy theo bên nào.
Những năm còn lại, Luther sắp đặt và phổ biến Tin Lành mới của ông. Năm 1525 ông cưới một bà trước kia là tu sĩ, Katherine Von Bora, một phụ tá quý giá, đem cho ông hạnh phúc gia đình, 3 con trai và 2 con gái.
Mặc dầu bận rộn, ông cũng sáng tác được 30 thánh ca, có một bản tên là Ein Fests Burg. 'Thành vững mạnh là Đức Chúa Trời chúng ta'. (Chúa vốn bức thành kiên cố ta rày...) bản này đưọc hát tại các Hội Thánh Tin Lành khắp nơi như tiếng hát đức tin trong trận chiến. Có lẽ Luther đã phỏng theo một điệu ca Gregorian cổ để làm bài hát này. Cả bài, nhất là câu đầu, được khắc vào đài lễ niệm của ông ở Wittenberg, dường như nói lên được cái tiềm lực sống của con người ông.
29. JOHN CALVIN (1509 - 1564)
Song song với Matin Luther, thế kỷ thứ 16 còn có nhà thần học Pháp John Calvin, là người lãnh đạo phong trào Tin Lành rất nổi tiếng đương thời. Hai người có bản tính trái ngược nhau, Luther có óc sáng tạo hay xúc động và dễ bị hoàn cảnh thúc đẩy, trái lại Calvin sống khổ hạnh, bình thản, biết diễn tả tư tưởng mạnh lạc. Ông sinh vào một gia đình trung lưu khá giả sống tại Noyon đông bắc Paris. Cha ông muốn có chức vụ trong Hội thánh Công giáo nên xin được một học bổng cho ông và do đó ông vào được Đại học Paris. Ở đây ông chuyên tâm nghiên cứu về nhân văn và tập viết văn rất xuất sắc. Một người bà con tên là Olivetan khuyên ông nghiên cứu Kinh Thánh và tập đọc Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp. Chính Olivetan cũng là người đầu tiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Pháp. Hồi đó những ý tưởng của Luther đã bắt đầu có ảnh hưởng tại Pháp nên không lâu sau đó Calvin gặp được một nhóm nhân văn học không đồng ý với các việc làm và chủ thuyết của Hội thánh. Khi ông hơn 20 tuổi ông đã được từng trải một kinh nghiệm thuộc linh mà ông gọi là 'đột ngột trở lại Chúa' nên từ đó ông tin quyết là Đức Chúa Trời đã phán với ông qua Kinh Thánh và từ nay ông phải vâng theo ý Chúa. Khi ông nhận thấy ông không thể nào tiếp tục nhận trợ cấp của Hội thánh Công giáo, ông bèn khước từ sự giúp đỡ ấy. Dứt liên hệ với Hội thánh thì ở Pháp khó yên thân, ông mới đi sang Basel, thành phố Tin Lành và trung tâm đại học tại bắc Thụy sĩ, nơi Froben đã in bản Tân Ước song ngữ Hy-lạp_La-tinh của Erasmus.
Năm 1536, tại Basel, Calvin xuất bản quyển Nguyên Tắc Đại Cương Cơ-đốc giáo (The Institutes of the Christian Religion) tóm tắt những gì thuộc về đức tin Tin Lành cổ điển. Sách này trình bày những ý tưởng thần học của những người lãnh đạo đầu tiên, nhất là Luther và nhà cải cách Thụy Sĩ, ông Ulrich Zwingli, lời văn hay đẹp, rõ ràng, mạch lạc. Calvin không công nhận quyền của Giáo hoàng, nhưng công nhận những giáo thuyết như: Kinh Thánh không sai lầm, con người được cứu duy bởi đức tin, và thuyết lý cho là kẻ tin là đã được lựa chọn trưóc. Ông cũng đồng ý là kỷ luật cần thiết trong Hội thánh để bảo vệ đạo đức trong sạch của tín hữu. Ông viết một thư trịnh trọng, lễ phép trình tặng quyển sách: 'Nguyên Tắc Đại Cương Cơ-Đốc Giáo' cho vua nước Pháp (Francis I) và khi vua 26 tuổi ông đã trở thành người lãnh đạo của Tin Lành Pháp. Theo lời mời của nhà cải cách Pháp Guillaume Farel, Calvin đến Thụy Sĩ năm 1536 để giúp tổ chức 'Cộng Hòa Tin Lành' mới tại Geneva. Ngoại trừ một lần đi xa, ông giữ chức vụ Mục sư trưởng và giảng sư tại Genveva cho đến ngày tạ thế. Thành phố Genveva dưới quyền lãnh đạo tôn giáo và chính trị của ông trở thành trung tâm Tin Lành tại Tây Âu, và người ta gọi ông là 'Giáo Hoàng Tin Lành', ông gây dựng một nước ở dưới sự quản trị của Chúa, mọi vấn đề của dân sự đều do Hội thánh hướng dẫn.
Hội thánh thì có các Mục sư hay trưỡng lão (gọi là Presbyter) quản trị. Do đó có danh hiệu Presbyterian. Calvin đề cao những đức tính tân tiến, chăm chú, tiết độ và tinh thần trách nhiệm, ông coi những đức tính ấy rất cần thiết cho sự thể hiện sự trị vì của Đức Chúa Trời trên đất.
Mỗi ngày ông giảng tại nhà thờ, và giải quyết về các vấn đề giáo thuyết và sự quản trị Hội thánh, ngoài ra ông còn trả lời những câu hỏi về luật pháp, cảnh sát, kinh tế, thương mại và sản xuất công nghệ. Ông liên lạc bằng thư tín rất rộng, viết những sách thần học bình luận về Kinh Thánh và dịch Kinh Thánh ra tiếng Pháp. Ông lập nhiều trường trung và đại học tại Genveva, có nhiều sinh viên từ Anh, Tô cách lan và nhiều nơi khác tại Âu Châu đến theo học do đó giáo thuyết Calvin đã được truyền bá khắp nơi xa gần.
Các học giả Anh, muốn xa lánh những cuộc hành hại của Nữ Hoàng Mary, đến Genveva thì tìm đưọc không khí tự do và sự khuyến khích mà họ cần để nhuận chánh lại quyển Kinh Thánh 1539 vì tại đây họ được giúp đỡ nhiều hơn. Người anh rể của Calvin là William Wentingham đã lo việc sắp xếp và in tập Tân Ước Geneva năm 1557. Ba năm sau cả quyển Kinh Thánh được nhuận chánh và in xong, đó là một trong 6 quyển Kinh Thánh tiếng Anh đã được in ra và là quyển chính xác hơn hết và có ghi chú nhiều hơn cả. Khổ sách tương đối nhỏ và mỗi đoạn chia ra thành nhiều câu cho nên rất tiện dụng. Quyển Kinh Thánh này rất thông dụng trong mỗi gia đình, Shakespeare đọc bản văn đó và những người hành hương Puritan cũng đã mang sang Mỹ Châu bản văn đó khi họ đến Plymouth (Massachusetts) năm 1620.
Những người được Calvin huấn luyện đã phổ biến những nguyên tắc của ông đến hầu hết mọi nước ở Âu Châu, lập nên một tiêu chuẩn xử thế đạo đức cao giữa tín đồ Tin Lành. Năm 1560 mặc dầu có sự chống đối của Mary, Nữ Hoàng Tô Cách Lan John Knox cũng thành lập được một Hội thánh cải chánh, tín hữu lấy tên là Presbyterian. Ở Pháp, những người theo thuyết Calvin gọi là Huguénot, ở Hòa Lan, thuyết Calvin được biến thành ra tôn giáo của những người yêu nước, William, Hoàng thân xứ Orange đã lãnh đạo những người này thành lập Cộng Hòa Hòa Lan. Những người theo Calvin ở Anh lấy tên là Trưởng Nhiệm (Presbyterian) và những người này khi muốn loại trừ mọi ảnh hưởng Công giáo trong Hội thánh thì được gọi tên là Thanh Giáo (Puritan). Một số người Thanh giáo dời sang Massachussetts vào thế kỷ 17. Giáo thuyết Calvin đã ảnh hưởng lâu bền trong văn hóa Âu Châu mãi cho đến ngày nay, do đời sống trí thức, lòng tin kính vững chắc, và sự sốt sắng tham gia vào công tác xã hội.
30. HỘI THÁNH ANH QUỐC VÀ VUA HENRY VIII (1509 - 1547)
Đến thế kỷ thứ 16, đa số dân chúng Anh bất mãn với Hội thánh. Sự bất mãn bắt đầu gia tăng mau từ thời John Wycliffe cuối thế kỷ 14. Có nhiều lý do cho sự bất mãn này. Dân Anh là dân có quốc gia tính nhất Âu Châu, họ không tin Hội thánh là vì Giáo hoàng, người đứng đầu của Giáo hội, là người ngoại quốc đối với họ. Ngay từ năm 1215, các bá tước Anh đã ép vua John phải ký bản Magna Charta công nhận một số quyền tự do chính trị và dân sự cho dân chúng.
Văn kiện quan trọng nhất trong lịch sử hiến pháp Anh là một điều khoản nhằm vào quyền độc đoán của Vua và sự can thiệp của Giáo hoàng: "Hội thánh Anh quốc được tự do bảo vệ những quyền và những tự do của mình không bị xâm phạm".
Vào thời Trung cổ, một số tu sĩ dốt nát đến nỗi không hiểu những chữ La-tinh không Kinh Thánh, giới cấp cao của họ thì lai giàu có, nhiều quyền và thế lực. Các Giám mục ở lâu dài như các hoàng thân. Hội thánh có một phần tư đất đai trong nước và kiểm soát ít nhất một phần mười lợi tức quốc gia, mà không trả thuế. Những số tiền thật lớn gửi đi La-mã (Rome) để phục vụ Giáo hoàng, cho nên giới nghèo và trung lưu rất ấm ức. Dân chúng than phiền về lệ phí và thuế Hội thánh thu, chê trách lối sống và đạo đức của giới tu sĩ, bất mãn về những điều họ nhìn thấy trong các tu viện, thật sự nhiều tu vi ện đã trở nên vô ích vì không theo đúng mục đích ban đầu nữa. Thêm vào những yếu tố trên, còn có ảnh hưởng của những nhà nhân văn có thực tài hồi đầu thế kỷ 16 như Erasmus, Colet, Thomas More và nhiều người khác tại Đại học Oxford và Cambridge, họ đồng thanh cổ võ việc cải cách Hội thánh và trở lại Cơ-đốc giáo thuần túy của Kinh Thánh.
Mặc dầu Hội thánh tại Anh bị chỉ trích, nhưng dân Anh vẫn là một dân tin kính, chuông nhà thờ ít khi yên lặng, nên hòn đảo Anh Quốc được mang tên là 'hòn đảo chuông rền'. Các nhà thờ được xây cất cho đến thời kỳ cair cách. Nhà thờ Bath Abbey như ta thấy ngày nay được xây cất từ năm 1499 do những tay thợ giỏi của Vua Henry VII. Mái vòm rất đẹp của nhà thờ Kings College Chapel tại Đại học Cambridge được cất xong năm 1513 và những cửa kính màu mãi đếnnăm 1531 mới xong.
Vua Henry VIII là một người Công giáo La-mã có lòng tin kính, chăm nghiên cứu thần học, thông minh, không hẳn chỉ biết hưởng thụ. Năm 1521, khi biết có bọn 'tà giáo' Lutheran mới tại Đức, Henry VIII lấy làm khó chịu và viết sách bài bác Đề Cao Bảy Bí Tích. Ông gửi một bản cho Giáo hoàng Leo X. vì tiên đoán những việc có thể xảy ra, cố vấn của vua là Sir. Thomas More khuyên vua đừng đề cao uy quyền của Giáo hoàng quá mức trong thư. Nhưng vua Henry VIII bỏ qua lời khuyến, và nói rằng: 'Chúng ta chịu ơn của thế lực La-mã thật nhiều, nên có tôn trọng quá mức cũng không sao'.
Lòng tin kính của Henry VIII và cách hiểu đúng phép của vua làm đẹp lòng Giáo hoàng nên được phong cho danh hiệu Người Bảo Vệ Niềm Tin (Fidei Defensor) là danh hiệu vua mang cho đến khi qua đời. Những vua kế tiếp của Anh quốc tiếp tục được mang danh hiệu này, trên các đồng tiền lưu hành có khắc nổi hai chữ 'FD' hay 'Fid Def'.
Tuy nhiên Henry liên quan vào một tình thế chính trị khiến ông phải cắt đứt giao hảo với Giáo hoàng. Nguyên là ông lấy Catherine ở xứ Aragon là vợ của ông anh Arthur, vừa qua đời. Luật Hội thánh cấm kết hôn với vợ góa của anh và vua Henry đã phải xin Giáo hoàng cho phép. Catherine chỉ sinh được một con gái là công chúa Mary, và không có hy vọng sinh thêm một trai cho Henry để nối ngôi. Để đề phòng một cuộc nội chiến tranh ngôi như trận War of the Rosse, vua Henry biết là phải có một con trai hợp pháp. Từ trước đó chưa hề có phụ nữ làm vua nước Anh. Bà Margaret Beaufort (xem cuối chương 26) đã dành ngôi vua mới cho con trai bà là Henry VII, cũng như Elizabeth ở thành York là vợ của Henry VII cũng dành cho chính mình, nhưng Henry VII là người đã được ngôi. Bởi vậy, Henry VIII theo gương đó, khôn khéo yêu cầu Giáo Hoàng hủy bỏ hôn nhân với Catherine, lấy cớ là sự cho phép của Giáo hoàng trước không đủ lý do chính đáng và Henry VIII xin cưới Anne Boleyn. Mặc dầu sự hủy bỏ như trên cũng chỉ là chuyện thường, Giáo hoàng cũng chần chừ 7 năm không giải quyết. Lý do là vì từ lúc Hoàng đế Charles V cướp phá La-mã vào năm 1527, Giáo hoàng như tù binh giam lỏng, và Hoàng đế Charles quyết tâm không muốn Catherine (là dì của Hoàng đế) bị vua Henry VIII phế bỏ.
Thấy Giáo hoàng bất động, coi nhẹ quyền lợi của Anh quốc, Henry VIII tức giận tự mình giải quyết vấn đề. Vua Henry VIII truất phế Wolsey là đương kim khâm sai Giáo hoàng tại Anh, khi đó làm đầu quốc hội, lấy cớ là Wolsey đã không xin được sự thỏa thuận của Giáo hoàng cho hủy bỏ hôn nhân với Catherine - và Sir Thomas More được mời lên thay thế Wolsey. Kể từ năm 1529 cả quốc hội lẫn hội đồng Giám mục và tu sĩ Anh quốc ra nhiều đạo luật, thỉnh cầu và quyết nghị ủng hộ việc cắt liên lạc với Giáo hoàng. Năm 1534, hội đồng Giám mục và tu sĩ Anh quốc tuyên bố 'theo Kinh Thánh, Giám mục La-mã không có quyền gì lớn hơn bất cứ Giám mục ngoại quốc nào tại Anh'. Cũng trong năm đó, quốc hội cấm gửi mọi ngân khoản cho Giáo hoàng và cho phép Tổng giám mục ở Canterbury từ đây cấp mọi phép tắc và miễn lễ. Tuy nhiên, luật này có nói rõ là chủ thuyết về niềm tin Công giáo đã có từ trước không có gì thay đổi. Vậy, cuộc Cải Chánh đã bắt đầu từ Anh quốc, Hội thánh Anh quốc vẫn tiếp tục là Hội thánh phổ thông vẫn có từ xưa. Quyền hành trước kia Giáo hoàng có tại Anh thì nay chia ra cho Hội thánh và nhà vua. Tổng Giám mục ở Canterbury được uy quyền tôn giáo cao nhất tại Anh giải quyết các vấn đề tôn giáo. Còn vua Anh thì cũng giống như các hoàng t hân Cơ-đốc thời đó chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề ngoài Hội thánh là: ấn định quyền lợi Hội thánh, tổ chức an sinh và bảo vệ hòa bình.
Vua Henry cử Thomas Cranmer, một học giả thuộc Viện Đại Học Cambridge, vẫn chống quyền Giáo Hoàng xưa nay, làm Tổng Giám Mục ở Canterbury. Sau khi được ban và phong chức năm 1533, Cranmer triệu tập một tòa án tôn giáo, và tuyên bố hôn nhân của Henry VIII với Catherine là vô giá trị. Và vua cưới Anne Boleyn, sinh được một con gái tên là Elizanbeth.
Ngày 3 tháng 11, 1534, quốc hội duyệt một văn kiện tuyên bố vua Henry và các vua kế tiếp là 'lãnh đạo tối cao duy nhất của Hội Thánh Anh Quốc, trong giới hạn luật Đấng Christ cho phép'. Những ai không nhận quyền vua là tối cao thì sẽ bị chặt đầu về tội phản quốc. Hai học giả danh tiếng, cũng là tu sĩ đạo đức cao là Giám mục John Fisher ở Rochester - Erasmus gọi ông này là một vị thánh - và Sir Thomas More người 'bạn chân thành' rất được Erasmus quý trọng, đều bị bỏ trong ngục Tower vì không nhận quyền vua. Giáo hoàng phản ứng, phong Fisher làm khâm sai Giáo hoàng nhưng cả Fisher và More đều bị chặt đầu.
Con gái vua Henry VIII là Mary không chịu phủ nhận quyền Giáo hoàng, nhưng được Cranmer kín đáo che chở xin tha, nên thoát chết chém.
Giáo hoàng mới, Paul III, dứt phép thông công vua Henry VIII và ra lệnh cho dân chúng Anh nổi loạn chống vua. Ông cũng xúi giục các vua Âu Châu khai chiến với Henry. Tại Anh có nhiều vụ chống đối nhỏ như nhóm Pilgrimage of Grace miền Bắc, nhưng nói chung, không ai chú ý đến lời xúi giục của Giáo hoàng. Hội thánh Anh quốc tiếp tục giữ lễ Mi-sa, các bí tích và các buổi hành lễ không thay đổi.
Dầu vậy, có một phương diện trong sinh hoạt Hội thánh đã biến chuyển rất mạnh. Vua Henry và vị đầu quốc hội bấy giờ, Thomas Cromwell, một chính trị gia tàn bạo, phế bỏ tất cả các tu viện để chiếm đất đai, tài sản, lấy cớ rằng những tu viện này có liên lạc trực tiếp với Giáo hoàng và là những ổ tệ đoan trong Hội thánh đang cần cải cách. Thêm nữa trên thực tế những tu viện không còn tác dụng lợi ích như xưa nên chẳng có ai lên tiếng phản đối. Bộ mặt nước Anh thay đổi vì Cromwell đã phế bỏ các tu viện. Những nhà thờ xây trong đó thì bị lột mái, nên suy sụp dần. Dân chúng thành thị hoặc thôn quê đến lấy đi đá, gỗ, gạch đem về dùng vào việc riêng. Những nhà nguyện đẹp như nhà nguyện tại tu viện Tewkesbury cũng không tránh khỏi phá phách. Khi tu viện này giải tán và nhà thờ bị đánh giá 'thừa', dân chúng trong vùng nhất quyết muốn giữ lại phần chính của nhà thờ, viện lẽ là họ vẫn nhóm thờ phượng tại đó, nên họ đưọc phép mua lại cả khu nhà thờ với giá là 450 bảng Anh, là giá các chuông và mái nhà bằng chì mà những ủy viên của Cromwell đã định nấu cho chảy ra và bán lấy tiền.
Vua Henry lấy đất tu viện ban thưởng cho các bạn ông và những người ủng hộ ông, hoặc bán giá rẻ cho giai cấp đang lên, nhưng vua cũng giữ lại một số đất để dùng. Những khu đất lớn nhất mà vua giữ nay thành những công viên chính của Luân đôn.
Thêm vào sự phá phách các tu viện, những tay sai của Cromwell và những kẻ cuồng tín dưới thời vua Edward VI nóng nảy vì muốn dẹp hết mọi dấu tích của mê tín và lối tư tưởng lỗi thời, đã làm thiệt hại rất nhiều vẻ đẹp của nước Anh thời Trung cổ. Họ đập vỡ tranh thờ, và vòng đá chạm xung quanh, họ ném đá vào các cửa kính màu chắp hình các thánh và thiên sứ. Họ làm tiêu tán những 'xá lợi' của các vị thánh và bàn thờ lưu giữ các xá lợi ấy. Bàn thờ của nhà nguyện Westminster Abbey rất đẹp, có chạm châu báu, do Edward the Confessor (người xưng nhận đức tin) làm, bị phá hủy và bàn thờ giát vàng của Thomas và Becket Tổng giám mục ở Canterbury cũng bị đập tan tành. Mặc dầu những biến chuyển nói trên, đời sống tôn giáo và tập quán dân chúng vẫn tiếp tục, bề ngoài ít thay đổi, có những người vẫn trung thành với Giáo hoàng, lén thờ phượng chung với lân bang cùng trong một nhà thờ họ đạo và cũng nhận bí tích ở nhà thờ. Cũng giống như vua nước Anh, đa số dân chúng tán thành việc thoát khỏi quyền Giáo hoàng nhưng họ không thích lối thờ phượng và giáo thuyết hoàn toàn đổi mới mà Luther và Calvin khơi mào tại lục địa.
Dầu vậy, những thay đổi dĩ nhiên phải đến. Từ bao nhiêu thế kỷ, dân chúng đã được dạy rằng duy Giáo hoàng mới mở được cửa thiên đàng. Khi không còn Giáo hoàng, họ hỏi nhau: 'Ai bây giờ có quyền tha tội và cứu linh hồn chúng ta'. Năm 1536 Tổng Giám mục Cranmer đã trả lời câu hỏi này dứt khoát rồi. Ông nói 'Không có người nào hay tổ chức nào của loài người có thể đem đến cho họ sự cứu rỗi'. Bảo rằng tội của chúng ta được tha bởi luật pháp hay nghi lễ của loài người lập ra, thật là sai quá. Muốn được cứu rỗi chỉ có cách tin Chúa Christ. Từ đó, những giáo thuyết Tin Lành bắt đầu được dạy tại các nhà thờ Anh.
Trung tâm cuộc Cải Chánh là quyển Kinh Thánh, chúng ta đã thấy các học giả tận tụy nghiên cứu các nguyên bản. Khắp nơi có những phong rào dịch Kinh Thánh ra tiếng địa phương mới để các người ngoài Hội thánh có thể tự tìm lấy ý nghĩa của lời Đức Chúa Trời. Tuy thế tại Anh vẫn còn những luật nghiêm ngặt cấm người ngoài đọc Kinh Thánh. Hơn nữa, mãi đến năm 1525 khi quyển Tân Ước của William Tyndale xuất hiện, bấy giờ dân Anh mới được đọc Kinh Thánh qua ngôn ngữ đương thời. Ay là nhờ Tyndale đã được thấm nhuần nền học cổ điển tại Đại học Oxford, có những thầy như Grocyn, Latimer và Linacre ; tại Đại học Cambridge học thầy Erasmus lại nhờ ông có biệt tài viết văn Anh lúc đó mới thành hình và nhờ nhiều cố gắng phi thường của ông và đồng bạn nên có nhiều người dâng đời sống cho lý tưởng của dân Anh từ đây có Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Mặc dầu chính quyền sợ những tư tưởng Tin Lành giải bày trong lời giới thiệu và những ghi chú bên lề của sách Tân Ước Tyndale, và cứ hễ tịch thu được bao nhiêu thì đem đốt bấy nhiêu, nhưng không ngăn chặn đưọc những bản in tại Đức và thâm nhập vào Anh qua các hải cảng. Mà dân chúng thì lại thích đọc văn bản Tyndale, không có cách gì ngăn trở được.
Trước khi Tyndale tử đạo gần Brussels (bỉ) vào năm 1535, Miles Coverdale xuất bản quyển Kinh Thánh toàn bộ đầu tiên bằng Anh ngữ. Ông đã thâu góp những bản dịch hay nhất để làm thành quyển này, trong số có nhiều bản của Tyndale ông đề tặng sách cho vua Henry VIII, có hình họa ở trang đầu. Năm 1537 John Rogers là người được kế nghiệp trong việc xuất bản sách này, phát hành một sách sưu tầm tất cả những bản dịch Tân Ước, Cựu Ước cộng thêm một số bản dịch của Coverdale rồi in tên hiệu tác giả là Thomas Matthew, quyển này sẽ được dùng làm căn bản cho những bản dịch về sau. Cả Cranmer và Cromwell đều hoan nghênh quyển này và Cromwell xin được sự chấp thuận của vua 'cho phép dân chúng được mua và đọc trong nưóc'.
Vốn là nhà chính trị xảo quyệt Cromwell biết rằng cả hai bộ Kinh Thánh tiếng Anh đang lưu hành, không bộ nào hoàn toàn, quyển dưới tên Matthew thì có những ghi chú có thể tranh cãi, quyển của Coverdale thì phẩm chất không đều. Cromwell xin vua cho sửa soạn quyển Kinh Thánh năm 1593 và in ra rất đẹp. Phần nhiều giữ nguyên những bản dịch của Tyndale như Coverdale đã làm nhưng không có những ghi chú bên lề nữa.
Vị lãnh đạo quốc hội này ra lệnh đặt quyển Kinh Thánh mới này tại các nhà thờ họ đạo khắp nơi để cho dân chúng có thể đọc lời Chúa qua Anh Ngữ. Khi truyền ngôi vua cho con, vua Henry cũng để lại một nước trong đó mà đa số dân chúng ủng hộ Hội thánh Anh. Bên cạnh đa số nói trên, có hai nhóm nhỏ, nhóm thứ nhất những người Tin Lành này mỗi ngày đã đông thêm mặc dầu vua Henry đàn áp. Vẫn muốn du nhập những cải cách của Luther và Calvin nhóm thứ hai là những người Công giáo La-mã muốn lập lại uy quyền của Giáo hoàng. Dưới thời vua Edward VI, những người Tin Lành được thắng hơn, nhưng dưới thời Mary phái Công giáo La-mã lại được lợi thế.
31. HAI TRIỀU ĐẠI EDWARD VI VÀ MARY ( 1547-1558)
Edward VI là con của Jane Seymour, bà vợ thứ ba của Henry VIII, lên ngôi khi vừa được chín tuổi, một cậu bé nghiêm trang. Khi nhận phong vương, người ta trình cho vua ba thanh gươm tượng trưng cho ba vương quốc, tục truyền rằng cậu bé có hỏi thanh gườm thứ tư - tức là Kinh Thánh mà cậu gọi là ‘gươm của Thánh Linh ... đáng quí hơn các gươm kia’. Trong 6 năm trị vì, nước Anh người theo Tin Lành càng nhiều, vua Edward cũng hiểu nhanh mọi việc của Hội thánh và chính phủ. Khi Edward còn nhỏ, Hội đồng cố vấn chọn công tước Somerset là cậu của vua, một quần thần giỏi và hoạt động, giao quyền bảo vệ nước Anh. Somerset có thiện chí và thiện cảm với Tin lành, tin ở tự do tôn giáo va chính trị, thương người nghèo và người bị mất tài sản. Tuy nhiên ông cũng là người của thời đại và cũng có tham vọng vật chất và thế lực. Cần vật liệu xây lâu đài cho mình, ông không ngại phá một phía cửa nhà thờ St. Paul, và dự bị phá luôn cả nhà nguyện Westminster Abbey, nhưng vị Mục sư quản nhiệm ở đó can ngăn kịp thời. Ông cho phép những người cải cách Tin Lành tự ý đổi những tập tục tôn giáo tại Anh, nên tạo cơ hội cho những bất hòa cay đắng và những phản kháng của dân chúng nữa.
Thời đó Thomas Cranmer, vị Tổng Giám mục học giả ở Canterbury cho rằng những luật lệ tôn giáo mới không cải cách Hội thánh cách tốt đẹp được, ông bèn khởi sự xét lại cách thờ phượng và các bí tích của Hội thánh Trung cổ. Năm 1549 ông và môt vài bạn đưa ra quyển Sách Cầu Nguyện Đầu Tiên Của Edward VI vì có ý muốn khôi phục lại tinh thần thờ phượng của người Cơ-đốc ban đầu. Ông dịch lại các bài học từ tiếng La-tinh cổ ra tiếng Anh, làm đơn giản và bỏ các chi tiết mê tín, và dùng thì giờ đọc Kinh Thánh làm phần chính trong lễ thờ phượng.
Từ Coverdale dịch Thi-thiên ra thành thơ, đến Cranmer lượm lặt những văn bản dịch hay dễ cảm động người đọc, nay Kinh Thánh đã thành một tác phẩm Anh Ngữ. Thế kỷ tiếp, dầu còn xảy ra nhiều biến cố tôn giáo, Kinh Thánh vẫn còn nguyên , chỉ thay đổi ít và thành thông lệ cho lễ thờ phượng tại các nhà thờ Anh giáo. Từ bấy giờ người đến dự có thể hiểu được những lời lẽ trong giờ lễ và tích cực dự phần trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Hồi đó, Cranmer cũng soạn một bản xưng nhận đức tin mục đích là để loại trừ những ý tưởng tà đạo đương thời và để làm nền móng cho sự hợp nhất. Những điều tin nhận này được gọi là 42 Điều Khoản được vị vua trẻ tuổi chấp thuận trước khi vua qua đời năm1553.
Người kế nghiệp vua là Mary,người chị cùng cha khác mẹ, là một tín đồ Công giáo, Mary trị vì năm năm , khôi phục lại uy quyền Giáo hoàng tại Anh và áp dụng lại các luật chống tà giáo đã có từ thời Trung Cổ. Mary cũng yêu càu khâm sai Reginald Pole, người trong hoàng tộc, đã ở ngoài nước nhiều năm trở về để đại diện cho Giáo hoàng. Ông này trở lại nước Anh cách tưng bừng, trong thuyền đi ngược dòng sông Thames, mui thuyền có trang trí bằng một cây thập tự bóng lộn. Sau khi ngỏ lời trước Quốc Hội, ông ban phép tha tội cho toàn quốc, và như vậy nước Anh không phải ân hận gì về việc cũ, theo tà giáo và chia rẽ. Tuy vậy, Khâm sai Pole là người không thực tế không nhìn rõ hoàn cảnh sinh hoạt ở Anh, nên không giúp được Nữ Hoàng Mary đối phó với Tin Lành và ngăn chặn phong trào này. Mary lấy Philip II ở Tây ban nha, ông này cũng là người ủng hộ Công giáo có danh ở Âu Châu. Nhưng hạnh phúc chẳng thấy đâu, Mary lại bị dân chúng chê bai và Giáo hội Công giáo cũng chẳng tiến hơn được bước nào. Cuối cùng, khi biết không khôi phục lại đuợc Hội thánh La-mã ở Anh, Mary cùng các cố vấn đổi sang chính sách đàn áp. Gần 300 nhà cải cách Anh đã phải bị xử tử, nhiều người trong số đó bị đốt, vì bà hoàng tin rằng chỉ có lửa mới rửa được nước Anh khỏi những tội nặng nề đã phạm.
John Rogers, Mục sư nhà thờ St Paul bạn thân của Tyndale và phụ trách về mọi bản văn Tyndale đã viết ra, là người tử đạo đầu tiên bị thiêu tại Smithfield ngoại ô Luân đôn. Dân chúng Luân đôn hò reo ca tụng ông khi ông tiến đến hỏa đài.
Ngày 16 tháng 10, 1555, trước cửa trường Baliel College ở đại học Oxford, Hugh Latimer và Nicholas Ridley, hai nhà cải cách có danh và đức độ, cũng bị thiêu. Trước khi chết Latimer an ủi Ridley: ‘Hỡi bạn, hãy vui mừng và can đảm, hôm nay bởi ơn Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đốt lên một ngọn nến mà tôi tin sẽ không bao giờ tắt tại Anh’. Latimer, Mục sư của Hoàng gia và cố vấn cho vua Henry VIII, có đạo tâm sâu sắc, lời giảng mạnh và thấm thía nên đã kêu gọi được nhiều người theo những nguyên tắc của phong trào cải cách . Ridley, Giám mục Luân đôn, giúp đỡ người nghèo trong giáo hạt và thiết lập kỷ luật trong giới tu sĩ dưới quyền ông.
Năm sau, Thomas Cranmer đã già yếu, bị truất khỏi chức Tổng Giám Mục Khi bị xử án, ông chối bỏ đức tin vì theo Giám Mục Hooper ở Gloucester , nhận xét nhược điểm của ông ta là ‘quá sợ việc gì sẽ có thể xảy đến cho mình’. Dù chối bỏ đức tin, ông vẫn bị xử tử tại Oxford. Trên hỏa đài ông cầu xin Chúa tha tội cho ông và anh dũng dơ tay ra lửa, bàn tay đã ký tờ chối bỏ, nói rằng: ‘Bàn tay phải không xứng đáng này!’
Mary, người dùng nhiều cách hung bạo để dập tắt phong trào, là người mà dân chúng Anh không mấy ưa thích, và có nhiều người từ các Giám mục thông thái đức độ, đến các nam nữ thường dân, đều muốn chết vì niềm tin của họ và quả thật, ngọn nến mà Latimer đốt lên đã không hề tắt.
32. CÔNG CUỘC HÒA GIẢI CỦA NỮ HOÀNG ELIZABETH
Elizabeth I, khi còn nhỏ đã phải sống qua một thời kỳ có nhiều giao động nguy hiểm về chính trị và tôn giáo. Năm 1558, lúc bà 25 tuổi, bà lên nối ngôi Mary, chị cùng cha khác mẹ. Dân chúng hân hoan đón chào Nữ hoàng mới. Nhiều bức tranh họa đã mô tả bà như một Nữ hoàng xa vời, một hình ảnh trong huyền thoại, đeo đầy người ngọc vàng châu báu, mặc những áo choàng kỳ lạ. Tuy vậy, trong 45 năm trị vì, bà tỏ ra có tài trị quốc, thông minh và cứng rắn, làm cho nước Anh lại cường thịnh về kinh tế cũng như chính trị, và bà đã hàn gắn được những tranh chấp tôn giáo thời vừa qua.
Là con gái của vua Henry VIII và Anne Boleyn, bà chủ trương tách biệt với Hội thánh La-mã. Ngoài ra, bà lại là sinh viên rất giỏi, thấm nhuần nền giáo dục Cơ-đốc mới của thời Phục Hưng, các người trợ lực tài giỏi và trung thành của bà lại là tín đồ Tin lành cả. Việc đầu tiên khi lên ngôi, là bá ký một đạo luật gọi là Đạo Luật Chủ quyền ( Act of Supremacy) cử bà là ‘Người quản trị đứng đầu của Hội Thánh Anh’ chứ không gọi là ‘Vị cầm đầu trên hết’( Supreme head ), ngay cả người Công giáo La-mã cũng không ưa thích danh hiệu này.
Bà hỏi y kiến của tất cả các nhóm về vấn đề an ninh của Hội thánh và giao cho một ủy ban duyệt lại quyển Sách Cầu Nguyện. Trong tinh thần hòa giải hai quyển I và II Sách Cầu Nguyện của Granmer thực hiện năm 1549 và 1552, được soạn lại làm chung thành một quyển năm 1559 gọi là Sách Cầu Nguyện Chung. Quyển này viết bằng loại Anh ngữ ai cũng hiểu. Nội dung có những điểm cốt yếu của đức tin Cơ-đốc, lễ nghi Cơ-đốc, kết hợp với sự thâm hiểu Tin Lành trong tinh thần cải chánh. Sách căn cứ vào sự dạy dỗ của Kinh Thánh theo lời giảng của các trưởng lão Hội Thánh ban đầu cũng như các học giả Cơ-đốc đương thời. Sách nói lên niềm tin Cơ-đốc đã có từ ban đầu, gìn giữ những bí tích của Hội thánh đầu tiên, công nhận chức vụ của các Giám mục, Linh mục, Chấp sự, xử dụng quyển sách lễ (những lời cầu nguyện dùng trọn năm) quyển sách cầu nguyện hằng ngày, và những nghi lễ Đông phương. Lần đầu tiên, toàn thể nghi lễ của Hội thánh được ghi trong sách, Mục sư và người ngoài tổ chức Hội thánh đều có thể đọc, ngoại trừ những bài giảng, hoặc những đoạn Kinh Thánh dài. Lời văn trong sáng lại nói lên đức tin phổ thông một cách rất hay, uyển chuyển và uy nghi nên ngôn ngữ của Sách Cầu Nguyện thấm dần vào ngôn ngữ của dân chúng. Người ta đọc sách của văn hào Shakespeare và những thi hào thế kỷ 17 như John Donne và George Herbert, thường gặp những thành ngữ đã có trong Sách Cầu nguyện năm 1559. Sách này làm nền tảng cho lễ thờ phượng của các nhà thờ Anh Giáo qua nhièu thế kỷ kế tiếp.
Mặc dầu quyển Sách Cầu Nguyện tóm tắc đầy đủ giáo thuyết của Hội thánh Anh, nhưng năm 1563, một văn bản Xưng Nhận Đức Tin có '39 điều khoản' cũng được công bố để thay thế cho bản 42 Điều Khoản của Cranmer làm 10 năm trước. Bản 39 Điều khoản (Articles) đề cập đến các vụ tranh cãi chủ thuyết bằng một thể văn nhẹ nhàng để hòa giải những người Anh càng nhiều càng tốt. Vì lẽ phần đông các Mục sư cấp thời không dính líu đến chính trị thời Bà Mary, nên họ tiếp tục hầu việc dưới thời Bà Elizabeth, nhưng những người nào đã nhận phong chức dưới thời bà Mary thì tình trạng khác. Tất cả những người này (chỉ trừ một người ) sau khi không chịu rút lại lời thề hứa trung thành với Giáo hoàng, đã rời bỏ giáo hạt của họ, khiến cho thời đó nước Anh rất thiếu Giám mục. Khi Tổng Giám Mục Pole tạ thế, Bà Elizabeth chọn Matthew Parker làm Tân Tổng Giám Mục tại Canterbury, trước đó có hồi ông làm Mục Sư cho thần mẫu của bà. Ông là môt người khôn sáng, nhất tâm, trước làm Giảng sư ở Trường Corpus Christi, thuộc Đại học Cambridge, bấy giờ mọi người còn nhớ ông vì cứ mỗi năm đến ngày sinh nhật ông có lệ tặng cho đại học một sách trong thư viện của ông Hoang H Hoàng
. Ông cũng để lại cho đại học của ông cả thư viện vô giá có những bộ Kinh Thánh chép tay và sách thâu góp từ các tu viện đã bị giải tán các năm trước đó.
. Ngày 17 tháng 12, 1559 là ngày phong chức cho Tổng Giám Mục Matthew Parker. Chương trình lễ được hoạch định rất cẩn t hận để bảo vệ sự nối tiếp chức vụ Tổng Giám mục sau này tại Anh quốc. Tại lâu đài Lambeth, là tư dinh của Tổng Giám mục bên bờ sông Thames thành phố Luân Đôn, dưới chân năm cửa sổ nhọn phía bên trong ngôi nhà nguyện cổ, nơi gần 200 năm trước John Wycliffe đã bị kết tội theo tà đạo, Matthew Parker chịu phong chức dưới sự đặt tay của bốn Giám mục, William Barlow ở Bath, John Scory ở Hereford, John Hodgkin ở Bedford và Miles Coverdale trước ở Exeter.
Hai người trong số trên đã chịu phong chức dưới triều vua Henry VIII theo nghi lễ tiền cải cách. Hai người còn lại đã chịu phong chức theo nghi thức đã được ấn định trong quyển Sách Cầu Nguyện của Cranmer đã duyệt lại. Như vậy, sự nối tiếp của các Giám mục từ thời các Sứ đồ được duy trì trên phương diện lịch sử trong Hội thánh Anh quốc, và điều này rất quan trọng cho tính cách hợp lệ của các cấp bậc Giám mục, Mục sư và Chấp sự trong Anh giáo.
Không lâu sau khi được phong chức, Tổng Giám Mục Parker khởi sự duyệt lại quyển Kinh Thánh lớn (1539) để thay thế quyển Kinh Thánh Geneva (1557) vì quyển này có nhiều ghi chú của Calvin mà Anh giáo không chấp nhận. Năm 1568, nhờ sự cộng tác của một số người trợ lực Parker hoàn thành quyển 'Kinh Thánh của các Giám Mục' một quyển sách to và đẹp. Vì các phần duyệt lại, phẩm chất không đồng đều nên số người ưa sử dụng không đông, tuy nhiên quyển này quan trọng ở chỗ nó làm nền tảng chính chức cho việc soạn thảo quyển King James tức là 'Bản Dịch Được Phép' (Authorized Version) năm 1617.
Giữa một thời đại tranh chấp tôn giáo rất hăng say, những biện pháp của thời kỳ lắng dịu dưới triều Nữ Hoàng Elizabeth đã hợp nhất lại sinh hoạt tôn giáo tại Anh. Vừa duy trì niềm tin và nghi lễ xưa, vừa công nhận những lẽ thật đã xuất hiện trong phong trào cải chánh. Hội thánh Anh quốc này đứng giữa một bên là Công giáo La-mã, và một bên là Tin Lành Luther và Calvin. Ngay thời đó, những giáo thuyết và nghi lễ trong Anh giáo vừa rộng rãi, vừa hàm súc, và đã thành nền tảng cho đại gia đình các Hội thánh thuộc Anh giáo khắp hoàn cầu. Cương vị mà Hội thánh Anh có được là do công lao của hai học giả thần học xuất sắc: John Jewel và Richard Hooker. Do sự nghiên cứu truyền thống của Hội thánh đầu tiên Jewel phân biệt rõ những gì chỉ là bề ngoài và những gì là cốt yếu của Hội thánh. Khi ông làm Giám mục tại Salisbury, ông đã tu bổ lại những tường đổ nát bao quanh khuôn viên nhà thờ, nhưng trên môt phương diện khác, ông đã đặt viên đá đầu tiên cho Anh Giáo. Năm 1562, ông viết sách Bênh vực Hội thánh Anh, đây là lần thứ nhất cương vị Hội thánh Anh được xác định một cách hệ thống nói lên những gì khác biệt với Hội thánh La-mã.
Hooker là một cậu bé nghèo quê ở Heavitree gần Exeter, được Giám mục Jewel giúp cho vào trường Corpus Christi thuộc Đại học Oxford. Tại đây, ông đã trở nên một trong những nhà thần học nổi danh của Anh. Sau này, khi phục vụ trong vòng các họ đạo thôn quê ông đã viết pho sách lớn Luật Tổ Chức Quản Trị Trong Giới Tu Sĩ. Đây là một tập thảo luận nổi tiếng về vấn đề quản trị Hội thánh, một tài liệu cổ điển xác định những nguyên tắc Anh giáo, viết bằng một thể văn rất hay giải bày cái cũ cái mới, cương vị Công giáo và Cải Chánh thế nào có thể hòa hợp và sự nối t iếp trên dòng lịch sử của Hội thánh Anh được duy trì. Về phía Bắc nhà thờ Exeter có một tượng đá trắng mô tả ông Hooker, mũ áo học giả, đang ngồi, một quyển sách mở đầu gối, như ngồi cạnh bảo vệ đời sống liên tục của nhà thờ và cộng đồng Cơ-đốc.
Dù có nhiều dị biệt căn bản, Anh Giáo và Công Giáo tiếp tục thờ phượng cùng nhau cho đến năm 1570, nhờ chính sách của Nữ Hoàng muốn bao gồm vào Hội thánh quốc gia thật nhiều dân chúng Anh và thật nhiều quan điểm tôn giáo, càng nhiều càng hay. Nữ hoàng Elizabeth không coi Hội thánh Anh như một giáo phái hay một danh hiệu, nhưng là một cộng đồng quốc gia hiệp chung cầu nguyện.
Năm 1570 Giáo Hoàng dứt phép thông công Elizabeth, ra lệnh cho những người Công giáo La-mã tại Anh rút khỏi Hội thánh Anh, cho phép dân Anh được khỏi thần phục Nữ hoàng của họ, đồng thời kêu gọi các vua Pháp và Tây ban nha đem quân xâm chiếm nước Anh. Trong những nhóm mưu phản Nữ hoàng hồi đó, có cả một người chị em họ với Nữ hoàng dã tham gia đó là bà Mary, Nữ hoàng Tô cách lan. Giáo hoàng phái quân sĩ đi ủng hộ một cuộc nổi loạn ở Ái nhĩ lan, và đã bắt đầu chuẩn bị cho một đội chiến thuyền Tây ban nha (Spanish Armada) tiến vào Anh quốc. Trong thời gian này, Nữ Hoàng Elizabeth đã phải phản ứng bằng cách bắt giam hay xử tử những kẻ bội phản, người ta có thể coi đây là một vụ đàn áp tôn giáo nhưng cũng có thể coi là trách nhiệm bảo vệ quốc gia khỏi bị bội phản.
Bên cạnh Hội thánh Anh, lại còn có những người Thanh Giáo (xem cuối trang 29) cho rằng việc dàn xếp của thời Nữ hoàng Elizabeth chưa thật đủ để cải cách Hội thánh Trung cổ cho nên họ tổ chức nhóm họp thờ phượng riêng. Mặc dầu có nhiều người Thanh giáo bị làm khó và bắt buộc phải rời nước Anh, nhưng vẫn còn một số lớn Thanh Giáo hoặc Presbyterian (xem cuối chương 29) ở lại trong hội thánh Anh. Khi Elizabeth qua đời năm 1603, tất cả các giáo phái đều hân hoan đón vị vua kế nghiệp là James I: Công giáo thích là vì bà mẹ của Jame I là Mary, Nữ Hoàng Tô cách lan. Những người Thanh giáo hoặc Trưởng Nhiệm (Presbyterian) thích là vì Jame I đã được giáo dục theo lề lối Trưởng Nhiệm (Presbyterian), những người theo Anh Giáo thích là vì họ nghĩ rằng vua James I sẽ thân với họ hơn là thân với phía Trưởng Nhiệm. Vì James I thường hay nói câu: 'không có Giám mục, thì không có vua', ý kiến của phái Anh giáo là đúng hơn cả.
Vừa lên ngôi, ông triệu tập một hội nghị họp tại Hampton Court để xem xét những điều bất bình của phái Thanh giáo và giải quyết sự bất hòa của họ với các Giám mục. Vua James chẳng làm gì để giải quyết, và hội nghị sắp sửa kết thúc trong thất bại thì John Reynolds, vị lãnh đạo của người Thanh giáo và Viện trưởng trường Corpus Christi, tại đại học Oxford đứng lên đề nghị nên làm một bản dịch Kinh Thánh mới vì những bản đang dùng sai sót nhiều và không diễn tả hết tất cả chân lý của nguyên bản. Vua James, vì tự mình cũng đã dịch vài bài thi thiên, nên ông thuận ngay. Vua chỉ định một nhóm 54 vị học giả đầy khả năng làm việc trong bảy năm và họ đã hoàn thành bản Authorized Version (Văn Bản Được Phép) năm 1611. Bản dịch là kết quả vẻ vang của công trình này, nên ngôi vị tôn trọng của nó không bản nào tranh dành được và vì nhờ bản dịch này mà dân Anh đã thành một dân ham đọc Kinh Thánh.
33. CUỘC CẢI CÁCH TRONG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO LA-MÃ
Ngay cả trước khi phong trào Cải Chánh bắt đầu, đã có nhiều người trong Hội thánh Công giáo muốn có một công cuộc cải cách. Một thế hệ trước Erasmus, Nữ hoàng xứ Castile là Isabella, cùng trị vì với chồng là Ferdinand, vua nước Tây Ban Nha thống nhất, hai người đã cố gắng tìm cách cải tổ Hội thánh. Là một phụ nữ tin kính trí thức cao và có đức tin mạnh, bà Isabella cắt đặt những người đức độ, có lòng tin kính vào những chức vụ cao trong Hội thánh Tây ban nha. Bà sốt sắng đến nỗi đã tìm cách diệt trừ tà giáo và đuổi người Do-thái ra khỏi Tây ban nha. Bà là mẹ của Catherine, vợ thứ nhất của Vua Henry VIII, và ai nấy đều biết bà đã đem nữ trang của bà ra cầm để có tiền giúp đỡ chuyến đi Columbus tìm ra Tân Thế Giới.
Bà cũng nhờ ông Francisco Ximenes (Ximenes là linh mục của bà) cùng tìm cách sửa lại những quá độ trong giới tu sĩ và dạy dỗ họ thêm. Do đó Hồng Y Ximenes mới mở một trường đại học tại Alcala. Chính tại đây, suốt 15 năm kế tiếp, ông Ximenes đã tài trợ và trông nom một chương trình in, ấy là sưu tầm và in bộ Kinh Thánh đa ngữ gồm nhiều quyển tên là Complutensian (Alcala) Polyglot Bible. Đây không phải là bộ Kinh Thánh cho thường nhân, nhưng là cho giới học thức, vì không phải là văn bình dân thông dụng mà là bản văn Do-thái và Hy-lạp, La-tinh và các tài liệu phụ khác. Thật ra bản Tân Ước Hy-lạp của bô sách nói trên in năm 1514 là bản Hy-lạp đầu tiên. Nhưng vì bản này chỉ được mọi người biết đến khi toàn bộ Kinh Thánh đa ngữ được xuất bản năm 1522, do đó bản văn Hy-lạp của Erasmus in năm 1516 được ra mắt công chúng trước.
Khi Giáo Hoàng Paul III được bầu vào năm 1534, thì phong trào Cải Chánh đã gây tai hại nhiều cho uy tín Hội thánh Công giáo. Người ta bắt đầu tìm cách chữa chạy. Giáo hoàng mới viết một thư cho Erasmus nhờ ông giúp đỡ giải quyết những trận xâu xé gây chia rẽ trong Hội thánh, nhưng Erasmus đã cao tuổi, lại ốm yếu nên không làm gì được. Bấy giờ việc đầu tiên Giáo hoàng làm là đòi hỏi chính sách lựa chọn người để giao phó trách nhiệm, từ nay sẽ căn cứ trên lòng hăng say phục vụ và học thức chứ không căn cứ trên dòng dõi gia đình hay tài sản nữa. Vì vậy, Giáo hoàng Paul III đã mở đường cho nhiều vị kế tiếp ông, khôn ngoan và ngay thẳng khiến Hội thánh Công giáo có được một tinh thần tin kính mới.
Việc thứ hai là ông triệu tập Hội nghị Trent và ủy quyền cho hội nghị làm những cải cách cần thiết và giải quyết những vấn đề còn giằng co về đức tin. Từ 1546 đến 1563, hội họp 3 lần, bác bỏ những giáo thuyết của Tin Lành, xác nhận lại những điểm chính trong thần học Công giáo, công nhận quyền tối aco của Giáo hoàng, ban bố sắc lệnh nhằm đưa đời sống các tu sĩ vào kỷ luật, xuất bản một sách đối đáp tín điều đồng nhất và một quyển Kinh Thánh La-tinh thông dụng, theo bản Vulgate. Giáo hoàng cũng rất quan tâm đến nghệ thuật nên thuê họa sĩ Michelangelo vẽ tranh 'Phiên Tòa Đoán Xét Cuối Cùng' trên bàn thờ trong nhà thờ Sistine Chapel. Năm 1541, lễ cắt băng khánh thành bức tranh, thật là một xác minh mạnh mẽ uy quyền Hội Thánh và là lời cảnh cáo về số phận những ai theo tà giáo. Năm 1546 Giáo Hoàng Paul III lại cử Michelangelo trông coi v iệc xây cất lại nhà thờ St. Peter tại La-mã, một công trình kiến trúc lớn nhất của Cơ-đốc giáo. Michelangelo làm việc vì vinh hiển Đức Chúa Trời nên đã khéo phối hợp công trình của các kiến trúc sư trước đó làm thành một hệ thống nguy nga sau trở nên trung tâm của Hội thánh Công giáo La-mã và cũng là một biểu tượng về sức mạnh và quyền tối thượng của Hội thánh này nữa.
Để đối lại với phong trào Cải Chánh, Hội thánh La-mã biểu lộ một tinh thần tin kính cao hơn khi lập thêm những dòng khổ tu và cải cách những dòng cũ. Đứng đầu trong các dòng mới lập có 'Dòng Tên' Jesus, cũng gọi là 'Dòng Jesuit'. Dòng này do Ignatius Loyola thành lập. Ông là một quân nhân Tây ban nha. Ông quyết định thay vì hầu việc vua thế gian, thà làm lính cho Chúa Christ để chiến đấu cho vinh hiển lớn của Đức Chúa Trời. Có sáu bạn học của ông ở Đại học Ba-lê (Paris) theo ông. Năm 1540 Giáo hoàng Paul III công nhận dòng Jesuit. Dòng này thu hút nhiều người tài giỏi đến hầu việc hết lòng và giữ kỷ luật cao, tuyệt đối vâng lệnh vị lãnh đạo của họ cư ngụ tại La-mã.
Trong thời kỳ xung đột gay go trong nội bộ Hội thánh La-mã, dòng Jesuit đã góp phần làm sâu đậm thêm đời sống thuộc linh của Hội thánh và củng cố quyền của Giáo hoàng. Các trường và các đại học họ lập ra được nổi danh bởi vì những người Jesuit là những người học giả giỏi về khoa học và nhân văn, họ là những thầy dạy giỏi nhất Âu Châu. Công việc truyền giáo đem họ đi khắp nơi, sang cả viễn Đông, vị giáo sĩ nổi tiếng nhất tại đây là Francis Xavier.
Bên Tân thế Giới, họ truyền giáo cho những bộ lạc Huron và Iroquois ở bắc Mỹ. Một giáo sĩ Jesuit là Jacques Marquette đã tìm ra sống Mississipi, tại nam Mỹ họ làm việc giữa những thổ dân Brazil và Paraguay. Cho đến nay Dòng Jesuit là dòng lớn nhất trong Hội thánh Công giáo La-mã, nhờ công khó của họ nên Hội thánh đã phấn hưng và trở thành một lực lượng thuộc linh lớn mạnh.
bottom of page