top of page
Hung Tran
Jun 28, 2023
Bấy giờ Đế quốc La-mã có uy quyền nhất. Với quân lực mạnh và chính trị xảo quyệt. Đế quốc La-mã tuy gọi là hợp nhất nhiều dân tộc khác nhau...
II. XÁC NHẬN VÀ BẢO VỆ NIỀM TIN (Năm 100 Đến 300)
5. TÌNH TRẠNG THẾ GIỚI KHI CƠ-ĐỐC GIÁO XUẤT HIỆN
Bấy giờ Đế quốc La-mã có uy quyền nhất. Với quân lực mạnh và chính trị xảo quyệt. Đế quốc La-mã tuy gọi là hợp nhất nhiều dân tộc khác nhau, nhưng vẫn phải chấp nhận tình trạng không thuần nhất trong các dân tộc khác nhau nên đã nới rộng cho họ một phạm vi đáng kể để họ thực hiện những phong tục ngôn ngữ, tôn giáo của riêng họ, Dầu vậy, luật La-mã áp dụng cho toàn đế quốc vì thế nên Phao-lô là người gốc Do-thái có quốc tịch La-mã vẫn có quyền chống án tại tòa án cấp tỉnh ở Xê-xa-rê lên tòa thượng thẩm tại La-mã. Tàu bè di chuyển trong biển Địa Trung Hải có những đường riêng được bảo vệ, hệ thống đường bộ cũng rất tốt giúp cho sự giao thông trong toàn đế quốc . Khởi đầu những đường này chỉ có mục đích quân sự và kinh tế để di chuyển quân đội và trao đổi hàng hóa, nhưng sau đã đem lại ích lợi nhiều trong việc truyền bá Cơ-đốc giáo.
Đến khi Cơ-đốc giáo tiến tới các thành phố chính trong vùng Địa Trung Hải, thì những thần La-mã vẫn tôn thờ từ trước, không còn mấy người theo và đế quốc này thiếu một trung tâm tôn giáo. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, người La-mã hướng về niềm tin khác nhau trong số đó có cả những huyền giáo của Hy-lạp lẫn Đông phương. Rất nhiều người cứ hướng thờ những nữ thần thiên nhiên như nữ thần Đại mẫu (Cybele) ở Tiểu Á, Nữ thần Isis, thần của sung túc và ảo thuật. Nhiều người La-mã muốn sống theo những tiêu chuẩn đạo đức cao thì thờ thần Mithras của Ba Tư, thần của sự thông sáng. Đây là một tôn giáo mà quân sĩ ưa theo, vì thế mà có sự ganh đua với Cơ-đốc giáo ; còn Do-thái giáo, tuy không được phổ biến như những loại huyền giáo nói trên, nhưng cũng lôi cuốn được một số người ngoại như đã chép trong Tân Ước, là vì tôn giáo này nêu cao một Thượng Đế thánh khiết và nếp sống đạo đức. Tuy nhiên trước kia các tiên tri đã rao truyền một sự cứu chuộc ban cho toàn thế giới. (EsIs 45:22-23)
Do-thái giáo căn bản vẫn là tôn giáo của một dân riêng biệt nên không thu hút đưọc nhiều người La-mã. Cơ-đốc giáo kết hợp được những gì tốt nhất trong các tôn giáo đương thời, tôn giáo này vừa đạo đức vừa huyền bí. Nó chống lại mọi điều ác phá hoại cuộc đời mọi người đàn ông và đàn bà, và làm thỏa lòng họ khi nó giúp họ tìm ra lẽ sống. Niềm tin Cơ-đốc tập trung vào một Đức Chúa Trời thánh khiết, vì Cha của tất cả mọi người, Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ bảo đảm cho tình thương của Cha chung. Tôn giáo này dạy rằng những ai sống ngay thẳng và có đức tin đều có thể thông công với Đức Chúa Trời qua Đức Giê-xu Christ. Ông Augustine là vĩ nhân lãnh đạo Hội thánh ở Bắc Phi sau này có viết: 'Cơ-đốc giáo giúp cho những người thường có thể sống theo một quy luật đạo đức mà trưóc kia chỉ có một vài triết gia theo nổi'.
Sự thắng lợi của Hội thánh vẫn còn là mộng xa vời vào thế kỷ thứ hai và thứ ba, vì những khó khăn và hiểm nghèo qúa lớn đe dọa Hội thánh. Vừa ra thoát khỏi những bó buộc chính trị và tôn giáo của Do-thái giáo vào thế kỷ thứ nhất, lại bị các huyền giáo ganh đua và chính quyền bắt bớ, ngay trong lòng Cơ-đốc giáo lại có những tà giáo nổi lên. Cơ-đốc giáo chân chính phải tranh đấu để tồn tại, bằng cách thực hiện trách nhiệm định nghĩa niềm tin, thắng hơn nhưng phải ganh đua và cầm cự được sự bắt bớ mà không nao sờn. Ngoài ra lại còn phải thuyết phục hoán cải những dân man rợ luôn luôn muốn xâm lấn đế quốc, đồng thời phải gây dựng một tổ chức khả dĩ tồn tại dù Đế Quốc sẽ tan rã và nền văn minh La-mã sẽ sụp đổ. Để đương đầu với mọi thách thức nói trên, Hội thánh đã chiêu tập và trưởng dưỡng những bộ óc sáng tạo nhất thời đó và duy trì được những tài khéo cũng như nền trí thức của La-mã, Hy-lạp và Ai-cập. Đầu thời Trung Cổ, qua bao chìm nổi, Cơ-đốc giáo đã thiết lập được một sự hợp nhất mới tại Tây Âu, tập trung vào một hội tự nguyện duy nhất trên thế giới, bao gồm hết được mọi phương tiện của con người và cuộc sống. Kết cuộc là từ Hội thánh đã xuất hiện ra được một nền văn minh mới.
6. NHỮNG ĐỤNG ĐỘ BAN ĐẦU VỚI TÀ GIÁO
Vì Cơ-đốc giáo có sinh lực, lại được người ta ưa thích càng ngày càng đông, nên đã thu hút một số lớn những người Cơ-đốc 'giả hiệu'. Sách Công-vụ có nói đến một đám nhố nhăng, ngay thời kỳ mới mẻ đó, đã có mưu đồ lợi dụng niềm tin mới như vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra, thuật sĩ Si-môn (sau này có từ ngữ 'Simony' nghĩa là nghề phù phép nhảm nhí), Ê-ly-ma, một thuật sĩ khác ở đảo Chip-rơ ; các thầy bói tại Phi-líp, rồi đến các con trai của Sê-va đi rong làm nghề đuổi quỷ.
Những người bạn giả của Cơ-đốc giáo này dễ nhận ra nên không gây tai hại bao nhiêu. Những phái tà giáo bóp méo Phúc-âm theo những ý riêng lạ lùng của họ còn tai hại hơn. Vì cộng đồng Cơ-đốc đón tiếp bất cứ ai đến, cung hiến tự do cho những ai đã gia nhập, gây nên bầu không khí thích hợp cho những tư tưởng và giáo thuyết khác nhau. Những tư tưởng và giáo thuyết này làm sinh động Hội thánh, và giúp mọi người hiểu Phúc âm sâu sắc hơn. Tuy nhiên một số lý thuyết quá cực đoan đã gây ra nhiều vụ tranh cãi có thể làm thiệt hại cho niềm tin Cơ-đốc. Tân Ước có 5 thư tín viết trong khoảng những năm từ 80 đến 150 (Hê-bơ-rơ, I và II Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giu-đe) đã phản ảnh những cuộc tranh cãi nói trên.
Trong những năm ấy, Hội thánh cần những lời dạy dỗ chính xác, nên tìm đến các thư của Phao-lô mà họ thâu góp được, và các sách Tin Lành vừa viết xong, để họ học thẳng từ nguồn gốc tức là những nhân chứng hàng đầu và hàng nhì và để biết chắc về những gì họ đã được nghe kể lại (LuLc 1:14).
Hồi đó, Hội thánh sử dụng một sách mới sắp xếp lại gọi là 'codex'. Sách này giúp họ có ngay những tài liệu thuận tiện, dễ đọc, để phá đổ phía tà giáo, dạy dỗ trung tín và thu hút người chưa tin. Thời ấy, sách Codex chẳng khác gì sự sáng chế ra truyền thanh và truyền hình của thế kỷ 20. Codex là sách viết trên giấy bằng ruột loại lau sậy Papyrus, cũng có trang như những sách ngày nay. Nó không cồng kềnh như những cuộn giấy người ta dùng lúc ban đầu, nên đạt được tác dụng phổ biến tốt hơn. Hội thánh được coi như là đã đi tiên phong trong cách sử dụng lối truyền thông mới này, bởi vì rất nhiều sách codex tìm thấy, sót lại từ thế kỷ thứ 2, thứ 3, đều có lời văn Cơ-đốc.
Từ lúc được Phao-lô tìm cách tách ra khỏi luật pháp Do-thái, Cơ-đốc giáo phải đối đầu với một phái gọi là Trí thức giáo (Gnosticism). Phái này đe dọa nặng nề nhất. Thư Cô-lô-se và thư I Giăng có nói đến hình thái ban đầu của phái ấy. Trí thức giáo là một phong trào có tính cách huyền bí bao gồm triết học Hy-lạp, các đạo giáo Đông phương, những dạy dỗ có tính cách mặc khải trong đạo Do-thái lẫn với tin tưởng Cơ-đốc, tất cả các thứ nói trên nhào trộn thành một mớ 'trí thức' kín giấu hứa hẹn sự cứu rỗi cho những ai được 'khai tâm' tức là được soi sáng tâm linh. Những người theo phái trí thức không nhận Đức Chúa Trời sáng tạo vì họ coi vật chất xấu xa và không hy vọng tìm được hạnh phúc ở thế gian này. Hơn nữa họ cũng không nhận rằng Đấng Christ là một người thực sự đã sống, đã chịu cực hình và đã chết trên cây thập tự như là một người thường. Họ giảng rằng Đấng Christ quả thật là một biểu hiện tâm linh, một thần đã xuất hiện trong hình dáng một người. Giáo lý này hoàn toàn trái ngược với lời chứng của các Sứ Đồ, nói rằng 'Đấng Christ đã được thể hiện ra trong xác thịt' (ITi1Tm 3:16).
Phái 'Trí thức giáo' có lúc gần như lấn áp Cơ-đốc giáo vì những người thông minh nhất và giáo sĩ tận tâm nhất trong Hội thánh đã từng bị lôi cuốn theo phong trào được nhiều kẻ ưa thích này và họ đã viết nhiều về lý thuyết của họ, người ta tìm được 64 tài liệu của phái này viết ra tại vùng Nag-Hamadi, thuộc Ai-cập vào năm 1946. Đó là những bản còn sót, hẳn còn nhiều bản khác đã thất lac. Có ba bản cùng lấy tên là sách Phúc-âm theo Thô-ma (Thomas), sách Phúc-âm theo Phi-líp, và sách Phúc-âm của chân lý. Tất cả đều viết bằng ngôn ngữ Coptic, là tên một giống dân ở Ai-cập, có ghi nhiều câu nói của Chúa Giê-xu, phần lớn đã chép trong bốn sách Phúc-âm chính thức. Dầu vậy, cũng có những câu chúng ta không được biết đến và có thể kể như đáng được biết trong di sản Cơ-đốc giáo.
Một người đã bênh vực Hội thánh chống lại phái Trí thức giáo, đó là ông Irenaeus, sinh tại Tiểu Á, có tinh thần tin kính sâu đậm. Ông là đồ đệ của Polycarp ở Si-miệc-nơ (Smyrma), sau làm Giám mục tại Lyons, một thành phía Nam nước Pháp (Gaul) và được gọi là một trong những giáo phụ đầu tiên của Hội thánh. Quyển sách quan trọng nhất ông viết ra vào năm 185 là quyển Chống Lại các tà giáo trong đó ông nêu lên những điểm tỏ ra rằng giáo thuyết của 'Trí thức giáo' đặt nền móng hoàn toàn trái ngược với niềm tin Cơ-đốc từ đầu.
Vào thế kỷ thứ 2, những cộng đồng Cơ-đốc đẩy những phần tử theo 'Trí thức giáo' ra ngoài hàng ngũ. Qua kinh nghiệm này Hội thánh bắt đầu viết rõ ra lề lối tin như thế nào là đúng, thành những câu hỏi mà những người muốn chịu phép Báp-têm phải trả lời. Niềm tin ban đầu chỉ tóm tắt trong câu xác nhận 'Giê-xu là Chúa' (ICo1Cr 12:3) nhưng đến thế kỷ thứ ba, hội thánh tại La-mã hỏi những người muốn chịu phép Báp-têm những câu hỏi dưới đây:
'Ngươi có tin vào Đức Chúa Trời, Cha toàn năng không? Ngươi có tin vào Chúa Giê-xu Christ Con của Đức Chúa Trời, sinh bởi Thánh Linh và Nữ Trinh Ma-ri, bị Bôn-xơ Phi-lát (Pontius Pilate) đóng đinh, đã chết và sống lại từ kẻ chết ngày thứ ba, đã lên trời, và ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, và sẽ trở lại để đoán xét kẻ sống và kẻ chết không? Ngươi có tin Thánh Linh Hội thánh và sự sống lại của thể xác không?
Sau đó người ta thêm một vài chi tiết khác để ngăn ngừa các tà giáo xâm nhập, và những câu hỏi trên đổi thành những lời xác nhận, và nay chúng ta có đoạn văn thường đọc được gọi là Bài Tín Điều Các Sứ Đồ.
7. KINH THÁNH CƠ-ĐỐC XUẤT HIỆN
Ngay từ đầu, Hội thánh tôn trọng bản Septuagint là bản sách Cựu Ước viết bằng tiếng Hy-lạp và coi đó là Kinh Thánh. Các Sứ đồ, giáo sĩ luôn luôn trích dẫn trong đó và đọc từng đoạn trong giờ thờ phượng. Không lâu sau đó người ta đọc nhưng bản văn Cơ-đốc đầu tiên, kể cả những thư tín của Phao-lô (IIPhi 2Pr 3:15-16) và các sách Phúc-âm, thêm bào bản văn Sueptuagint. Ông Justin Martyr, viết sách Biện luận (Apogoy) tại La-mã vào năm 150, bắt đầu trích đọc sách Tin Lành, sau đó trích đọc Cựu Ước như sau:
'Những ký sự của các Sứ đồ (sách Tin Lành) hoặc những bản văn của các tiên tri được đọc lên khi có đủ thì giờ. Khi người đọc xong, người hướng dẫn khiển trách và khuyến khích chúng tôi nên làm theo những gương mẫu tốt lành đó. Sau đó chúng tôi đứng cả lên và cùng cầu nguyện, khi cầu nguyên xong chúng tôi dự phần ăn bánh và uống rượu hoặc nước.
Marcion một chủ tầu giàu có ở tỉnh Bông (Pontus ) bên bờ Bắc Hải, là con một Giám mục Cơ-đốc. Ông đến La-mã vào năm 140 để tìm người ủng hộ đề nghị của ông về việc chấp nhận một sách giao ước ‘mới’. Sau khi dâng hiến một số tiền lớn cho công việc bố thí của Hội thánh, ông đứng lên trình bày những ý kiến của ông. Vì chịu ảnh hưởng của phái Trí thức giáo, nên ông tin rằng Đức Chúa Trời của Cựu Ước là đại diện cho sự ác và muốn hồi phục Tin Lành của Đấng Christ để trở về với tính cách thuần túy ban đầu thì cần phải dứt niềm tin này ra khỏi bối cảnh Do-thái của nó. Ông đề nghị phải bãi bỏ cả bộ sách Septuagint (Cựu Ước viết bằng tiếng Hy-lạp) và công nhận một bản thuyết trình do ông viết ra, cộng thêm một số tài liệu trích từ sách Tin Lành Lu-ca đã kiểm lại nghiêm ngặt, cùng với những thư tín của Phao-lô, lấy đó làm sách giao ước 'mới'. Dù Marcion có một số đông người ủng hộ, nhưng Hội thánh La-mã vẫn bác bỏ những tư tưởng 'trí thức' của ông, coi đó là tà đạo, trả lại tiền ông dâng hiến, và mời ông ra khỏi Hội thánh (dứt phép thông công).
Marcion không nản lòng, ông về sáng lập một nhóm 'Trí thức' mới người ta gọi là nhóm Marcionite. Nhóm này khá mạnh, nên tồn tại đến tận thế kỷ thứ 5. Vì không công nhận Chúa Giê-xu là một người như mọi người, Marcion và nhóm người theo ông đã loại trừ sự hiển nhiên của những việc chép trong các sách Tin Lành và sự dạy căn bản của Hội thánh. Vì loại bỏ Cựu Ước, họ cũng loại bỏ luôn cả niềm tin trong Chúa Christ của Hội thánh, không kể đó là sự thể hiện đầy trọn của kinh điển và cao điểm trong sự khải thị của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên .
Để đối phó với sự tấn công hai mặt của phe ‘trí thức’ Hội thánh xác định lại Kinh Thánh là nền móng của niềm tin, định rõ tin những điều nào, và loại trừ những sách cổ động cho lý thuyết lạ. Công tác chống trả thực tế nhất là danh sách những sách nào bày tỏ niềm tin các chân thực nhất.
Còn một số sách Phúc-âm khác có nhiều điểm còn phải hoài nghi (Apocryphal) được viết ra từ năm 170. Hồi đó ông Tatian là một Cơ-đốc nhân người Syria, sưu tầm viết một sách Tin Lành để dùng trong công việc rao truyền danh Chúa trong vùng Đông Bắc Syria thuộc Vương quốc Edessa. Ông trích và chắp nối những đoạn lấy từ 4 sách Tin Lành chính thức ra làm thành một câu chuyện liên tiếp về đời sống Chúa Giê-xu. Người ta đặt tên sách này là Diatessaron , nghĩa là '4 tin lành làm một' nhưng cũng có tên chế riễu là 'Tin Lành keo kéo' (kéo cắt, keo dán). Có lẽ lúc đầu sách dùng bằng tiếng Syria, sau đó người cũng dịch ra thành tiếng Hy-lạp. Sự kiện ông Tatian đã loại bỏ những sách Phúc-âm có điểm hoài nghi mà chỉ dùng 4 sách Phúc-âm sau này được công nhận là chính thức để tra cứu, chứng minh rằng trước đầu thế kỷ thứ ba bốn sách Phúc-âm nói trên đã có giá trị nổi bật và được kể là đáng tin cậy, có uy tín nhất. May thay, không mấy người theo phương pháp của Tatian để hòa hợp 4 sách Tin Lành. Vì vậy mỗi sách vẫn giữ được sắc thái riêng biệt duy nhất không bị mất nét đặc thù như số phận những tài liệu ban đầu mà những nhà sưu tầm Cựu Ước đã ghi chép lại biết bao nhiêu lần, từ Sáng-thế ký cho đến Phục-truyền.
Có một bản văn chép tay bằng chữ La-tinh, gọi là Muratorian Fragment , người ta cho rằng bản văn này xuất xứ từ Hội thánh La-mã vào năm 200. Bản văn này công nhận tất cả các sách trong Tân Ước hiện tại là Kinh Thánh, ngoại trừ mấy thư Hê-bơ-rơ, thư Gia-cơ, thư I Phi-e-rơ và II Phi-e-rơ, và III Giăng, còn có sự tranh cãi về uy tín của những thư nói trên.
Bản văn Muratorian Fragment cũng chỉ công nhận thêm hai sách (sau này cũng sẽ bị kể là có điểm hoài nghi) Sự Sáng láng của Sa-lô-môn và Khải huyền của Phi-e-rơ . Dầu vậy về quyển thứ hai, tài liệu cũng có ghi lại sự không tin quyết thời đó như sau: 'Một vài Giám mục không đồng ý cho đọc giữa Hội thánh'
Cuối cùng, tính chất thuộc linh và giá trị vượt thời gian của những tài liệu đưa ra bởi ảnh hưởng cá nhân của các Sứ đồ và những người theo họ ban đầu, càng tỏ rõ là những sách này được tôn kính như Kinh Thánh. Danh sách cổ nhất liệt kê 27 sách gồm thành Tân Ước được ghi lại trong bức thư do ông Athanasius, Trưởng lão tại Alexandria viết và năm 367 trong kịp Lễ Phục Sinh, gửi cho tất cả các vị lãnh đạo các Hội thánh nhỏ trong giáo phận ông quản trị.
8. HỘI THÁNH SAU CƠN BẮT BỚ
Trong thế kỷ thứ nhất, tuy còn ít người biết và yếu đuối, lâu lâu cũng có các sự bắt bớ do những chống nghịch địa phương, nhưng Hội thánh cứ được phát triển trong yên lặng. Như chúng ta đã biết, nào là một đám đông Do-thái đã ném đá Ê-tiên, Sau-lơ làm khó cho những môn đồ của Chúa. Vua Ac-ríp-ba (Agrippa) chém đầu Sứ đồ Gia-cơ, bắt giam Phi-e-rơ và Phao-lô cũng thường bị tầm nã và giam cầm. Hoàng đế Nero giết nhiều người Cơ-đốc La-mã, có lẽ kể cả Phi-e-rơ và Phao-lô, việc đó không hẳn là chính sách của đế quốc, mà chỉ là một âm mưu đổ lỗi cho họ đã gây ra cơn hỏa hoạn khốc liệt của thành La-mã khiến cho các Sứ đồ và tín hữu biến thành kẻ 'đưa đầu chịu báng'.
Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 'vấn đề Cơ-đốc' cũng làm chính quyền La-mã đau đầu. Như đã chép trong Tân Ước vào năm 81 - 96 (15 năm), Hoàng đế Domitian chính thức ra lệnh ruồng bắt tín đồ Cơ-đốc và Hội thánh gồng mình cầm cự (IPhi 1Pr 4:12-17 và KhKh 2:10). Một trong những nạn nhân của cuộc bắt bớ là tác giả Khải-huyền, bị đày khổ sai ở đảo Bát-mô (Patmos) ngoài bờ biển Tiểu Á (1:9). Một nạn nhân khác là Khâm sai Flavius Clements anh em họ của Hoàng đế, năm 95 ông này bị xử tử có lẽ vì ông tin Chúa. Vợ ông tên là Flavia Domitilla bị đày. Tín hữu của Hội thánh La-mã trốn tránh trong những hầm mộ dưới đất. Một trong những hầm mộ rất xưa ấy mang tên của Domitilla. Đến thời Hoàng đế Trojan lên ngôi trị vì (98-117) mặc dầu có những sự bắt bớ trước đó, nhiều người tài giỏi, tên tuổi đã tin theo niềm tin mới, vì thế Cơ-đốc giáo trở thành một lực lượng đáng kể. Chính sách La-mã rộng rãi với các đạo giáo nhưng không áp dụng cho người Cơ-đốc là vì họ không chịu theo quốc giáo và những thần của La-mã, họ lại từ chối không chịu đốt hương thờ cúng Hoàng đế như thần đang tôn thờ. Chính quyền kết án họ là vô thần, loạn phản và tuyên bố đạo của họ là bất hợp pháp. Người nào bị buộc tội là tin Chúa, có thể bị chém đầu, muốn khỏi tội chỉ cần từ chối Chúa Christ và thờ phượng các thần La-mã. Tuy chính quyền không theo dõi riêng từng cá nhân để đem ra xử án, nhưng quả thật các tín đồ đã phải sống trong bầu không khí thường xuyên bị đe dọa. Trước những đám đông cuồng nộ, nhiều người đã phải từ chối niềm tin, nhưng cũng có những người chọn tử đạo để làm chứng lần chót về đức tin của họ trong Chúa Giê-xu Christ.
Một trong những người này là Ignatius, Giám mục thành An-ti-ốt (Antioch). Năm 110 ông bị giải đến La-mã như một tử tội. Nghĩ đến ngày sắp chịu hành hình tại công đường, ông viết: 'Tôi muốn hết thảy ai nấy đều biết rằng tôi tự ý chịu chết cho Đức Chúa Trời. Tôi là hạt lúa của Đức Chúa Trời. Lũ thú rừng đã xay tôi để tôi được thành bột bánh tinh khiết cho Đấng Christ'. Có thể Ignatius đã là môt môn đệ thân cận của Sứ đồ Giăng. Ông chống lại phe 'Trí thức luận' duy trì sự hơp nhất trong Hội thánh, và ông là người đầu tiên nói Hội thánh là 'chung' nghĩa là 'phổ thông' 'Hội thánh' không có tính cách 'riêng của ai' hay 'riêng nơi nào'
Một vị tử đạo nổi tiếng khác là Polycarp, bạn của Ignatius và làm Giám mục tại Si-miệc-nơ (Smyrna) thuộc Tiểu Á. Năm 156 ông đã cao tuổi, đi truyền giáo tại La-mã trở về Smyrna thấy Hội thánh nhà đang bối rối vì có những kẻ chống báng nổi lên, lại thêm đám đông bên ngoài hò la: ' Tống khứ bọn vô thần này đi'. Rồi họ lại kêu: ''Hãy bắt lấy tên Polycarp!'. Chính quyền Smyrna khuyên vị giám mục già hãy từ chối đức tin mình đi, nhưng Polycarp trả lời: 'Tôi đã hầu việc Ngài 86 năm, Ngài không làm gì thiệt thòi cho tôi. Làm sao tôi có thể nói điều gì xấu về Vua tôi là Đấng Cứu tôi ?' Thế là dân chúng xô Polycarp chết thiêu trên đống gỗ, đầy đủ phẩm giá và lòng can đảm. Có lẽ ông là người cuối cùng còn lại trong số những người đã được tiếp xúc với những người đã đối diện với Chúa Giê-xu dưới thời Hoàng đế Marcus Aurelius (161 - 180), vị Hoàng đế này có thể đã là một người nhân từ và hiểu biết, nhưng dưới triều ông Hội thánh lại càng bị truy nã nhiều thêm quá đỗi. Nguyên do chỉ vì Hoàng đế ấy tin rằng chính đạo Cơ-đốc đã gây nên nhiều rối loạn làm lung lay ngai vàng của ông. Thời ấy, trưởng Hội thánh là Justin, có danh hiệu là 'người tử đạo' cũng bị xử tử tại La-mã cùng với một số môn đồ khác.
Sau Marcus Aurelius thì đế quốc suy sụp rõ ràng. Số dân giảm xuống, thương mãi thu hẹp, thuế má gia tăng. Chính quyền bất lực, việc trấn giữ biên thùy không được như trước. Tuy có mộ quân ngoài vào hàng ngũ thật nhiều, nhưng quân lực La-mã không còn hùng mạnh như xưa. Rồi ông ta đổ tội đó cho người Cơ-đốc; số người của họ tăng và họ từ chối không chịu thờ các thần xưa nên các thần nổi giận làm cho La-mã khốn khổ. Bởi thế, Cơ-đốc giáo vẫn bị chính quyền coi là bất hợp pháp. Nhưng trên thực tế Hội thánh không bị quấy nhiễu luôn luôn, do đó Hội thánh cũng đã hưởng một thế kỷ gọi là được dung túng và số tín hữu và lực lượng của họ tiếp tục gia tăng.
Đến thời Hoàng đế Decius (249 - 251) ông ra lệnh rất nghiêm ngặt thẳng tay đối với tất cả những Cơ-đốc nhân nào không chịu dân lễ cho Hoàng đế. Chính sách rất tàn bạo này thi hành luôn trong 10 năm. Trong thời gian này, một học giả nghiên cứu Kinh Thánh, cũng là một trong những vĩ nhân Hy-lạp về thần học là Origen cũng bị tra tấn mà chết.
Dưới thời Hoàng đế Diocletian (284 - 305) cuộc bắt bớ cuối cùng lại càng bội phần kinh khủng. Để thiết lập lại trật tự trong Đế Quốc rối loạn, Diocletian ban hành 4 sắc lệnh chống Cơ-đốc giáo. Họ bị cấm nhóm họp. Các nhà thờ bị phá hại, Kinh Thánh bị đem đốt, các người lãnh đạo Hội thánh bị tra tấn và xử tử. Những người Cơ-đốc giáo trung tín bị lưu đày, tài sản bị tịch thu. Tất cả mọi người Cơ-đốc bắt buộc phải tế thần và dâng lễ cho Hoàng đế cũng như cúng thần. Từ thuở đầu, những người Cơ-đốc vẫn vâng theo luật pháp. Và cứ theo sách ITi1Tm 2:1-2, họ thường xuyên cầu nguyện cho Hoàng đế và tất cả những bậc cầm quyền, nhưng họ nhất mực không chịu cầu nguyện xin Hoàng đế. Khi bị thử thách một số đã từ chối niềm tin, nhưng trong thời gian bị bắt bớ danh sách các người tử đạo vẫn mỗi ngày mỗi dài thêm. Chiến dịch khủng bố lan rộng toàn Đế Quốc. Người ta kể lai có một lính La-mã tên là Alban người tử đạo đầu tiên tại Anh Quốc bị xử tử tại Verulamium gần Luân Đôn vì ông ta đã giúp cho một người hầu việc Chúa ẩn trú. Cuối cùng chính sách của Hoàng đế Diocletian cũng thất bại, qua cơ hành hại, khốn khó, Hội thánh vẫn vươn mình lên trong thắng lợi, vì được dứt dấy bởi lòng can đảm và trung tín của những người chịu tử đạo, và càng ngày càng vững mạnh vì niềm tin sống động trong Chúa Cứu Thế.
9. NHỮNG GIÁO PHỤ CỦA HỘI THÁNH
Đang lúc Hội thánh chống cự với các tà giáo, và tìm cách đứng vững trước cơn bắt bớ, Hội thánh đã đào tạo ra một số người thánh thiện viết sách. Những sách này làm thành nền văn chương Cơ-đốc trong những thế kỷ sau thời kỳ các Sứ đồ. Những Giám mục, thần học gia, giáo sư, các học giả này có trí thức cao, phán đoán giỏi lại thông thuộc kinh điển. Họ đưọc gọi là những Giáo phụ của Hội thánh và sự dạy dỗ của họ được coi là có uy tín về đức tin cũng như về đời sống thực tế. Sách của họ cho chúng ta biết nhiều điều vô giá về truyền thống và niềm tin Cơ-đốc, về lịch sử Hội thánh và về truyền thống và niềm tin Cơ-đốc, về lịch sử Hội thánh và sự hình thành Tân Ước. Sách của họ trích nhiều từ các bản Tân Ước đầu tiên cho nên giúp rất nhiều cho các học giả sau này trong việc nghiên cứu bản văn Tân Ước. Những sách của họ viết có thể đến hàng chục cuốn.
Những Giáo phụ Hội thánh được gọi là những "Giáo phụ sau thời Sứ đồ' thì đúng hơn, là vì họ đã quen biết hoặc gặp gỡ chính các Sứ đồ hay là các môn đệ gần cận của các Sứ đồ. Có những văn bản của các Giáo phụ nói trên viết đồng thời với những sách hiện nay dùng trong Tân Ước. Tân Ước có lúc gồm cả 'thư của Barnabas' 'Đấng Chăn Chiên của Hermas' thư 'I Clement và II Clement'. Hai tài liệu thứ nhất tìm thấy trong sách Codex Sinaiticus. Hai tài liệu sau tìm thấy trong sách Codex Alexandrinus, vào thế kỷ thứ năm. Phần đông các Giáo phụ không phải là những người giỏi văn chương. Cũng như Phao-lô, họ viết để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp lúc bấy giờ, bởi vậy họ viết ra những tài liệu đầy nhân tính, bày tỏ tâm tình họ đối với Cơ-đốc giáo.
* Các văn bản của các Giáo phụ một số được liệt kê dưới đây:
1. 'Bức thư của Barnabas': do một giáo sư vô danh viết khoảng các năm 78 - 120. Nội dung sách luận rằng Co đốc giáo siêu việt hơn Do-thái giáo và khuyên dạy về đạo đức.
2. 'Hai bức thư của Clement' bức thư thứ nhất, (I Clement) có lẽ do 1 Giám mục đầu tiên của La-mã, môn đệ của Phi-e-rơ. Đó là một thư chính thức viết vào năm 96 của Hội Thánh La-mã gửi Hội thánh Cô-rinh-tô nói đến ba trách nhiệm trong sự hầu việc. Bức thư thứ hai (II Clement) viết vào khoảng năm 120 - 160 là một bài giảng về các đề tài đạo đức, không rõ tên người viết.
3. 'Bảy bức thư của Ignatius' giám mục An-ti-ốt (Antioch) viết vào năm 110 nói về hành trình đi La-mã của ông để chịu tử đạo.
4. 'Bức thư của Polycarp' do Giám mục Hội thánh Si-miệc-nơ (Smyrna) viết gửi Hội thánh Phi-lip vào năm 115. Ông hỏi thăm số phận bạn ông là Ignatius. Sự quan trọng của Kinh Thánh trong Hội thánh ban đầu được ghi lại qua mấy lời ông viết: 'Tôi tin tưởng anh em rất am tường Kinh Thánh'
5. 'Sự Tử đạo của Polycarp' viết vào năm 155 do một người đã tận mắt chứng kiến vụ hành hình giám mục Polycarp tại Smyrna.
6. 'Đấng Chăn chiên của Hermas' là một sách Khải thị, khuyên dạy về đạo đức do Hermas một Cơ-đốc nhân La-mã viết. Ông này có thể là anh em với Giám mục tại La-mã vào năm 140.
7. Sách 'Lời dạy của 12 Sứ đồ' giảng về đức tin Cơ-đốc, sự thờ phượng và hầu việc, viết vào năm 90.
8. 'Những bản văn của Papias' vào năm 145 vị Giám mục này ở Hieropolis, góp nhặt những lời dạy quý báu của tất cả những ai đã biết Chúa Giê-xu. Hai câu sau đây ta thường gặp, là do Papias viết: 'Tác nhân được trở thành người thông dịch của Phi-e-rơ đã chép ra chính xác mọi điều ông nhớ được'. Và Ma-thi-ơ sắp xếp thứ tự lại những lời phán của Chúa bằng tiếng Aramaic mà 'mọi người giảng giải theo khả năng thông hiểu của mình'
9. 'Bức thư gởi Diognetus' viết hồi nào không được rõ, tác giả cũng vô danh, đã mô tả Cơ-đốc nhân như là 'linh hồn của thế giới'. Trong thư có nói rằng: 'họ cũng giống như mọi người khác, họ theo phong tục địa phương, ăn, uống như mọi người. Họ lấy vợ lấy chồng, có con, nhưng không giết trẻ con. Họ sống trên đất, nhưng quê hương của họ ở trên trời. Họ vâng theo luật pháp tùy nơi họ ở và vượt lên trên luật pháp trong nếp sống riêng của họ'
Trong thế kỷ thứ 2 và thứ 3, khi các Giáo phụ Hội thánh bảo vệ niềm tin chống lại tà giáo, có nhiều người trình bày những phương diện trí thức của Cơ-đốc giáo cho số người ngoại có học thức. Sự cố gắng đó đem lại kết quả khiến Hội thánh thắng cuộc trong cuộc tranh chấp chống ngoại đạo đa thần, bởi vậy những người Cơ-đốc viết sách nối tiếp nhau trong thời vàng son của văn chương các Giáo Phụ, có cơ hội nghiên cứu các vấn đề thần học và giải bày kinh điển.
Dưới đây là danh sách 6 vị Giáo phụ Hội thánh danh tiếng nhất trong thế kỷ thứ 2 và thứ 3:
- Justin 'người tử đạo' (100-165)
- Irenaeus (120-200)
- Clement ở Alexandria (150-215)
- Tertullian (160-230)
- Cyprian (220-258)
- Origen (182-251)
1. Justin Martyr (100-165) sinh tại Shechem xứ Samaria xưa, sau trở thành một triết gia Hy-lạp. Đang khi ông nghiên cứu triết học Plato, ông bắt đầu chú ý đến các tiên tri Do-thái và 'những người đã làm bạn hữu của Chúa Christ' và tin rằng những lời giảng của họ về 'ban đầu và cuối cùng của mọi sự' là thật. Ông thành tâm tin rằng Cơ-đốc là triết học xưa nhất, chân thực nhất và cao siêu nhất. Khi ông du hành đây đó giảng dạy, ông choàng bộ áo triết gia là dấu hiệu về nghề nghiệp ông. Ông thành lập một trường học tại Lã-mã ở đó ông diễn thuyết về đức tin và đạo đức và ông giảng dạy kinh sách. Một trong những học trò của ông là Tatian, sau này viết sách 'Bốn Tin Lành làm một' Diatessaron. Chính ông viết sách 'Biện Hộ' (Apology) và 'Đối thoại với Trypho' trong đó ông bênh vực Cơ-đốc giáo chống lại những chỉ trích của người ngoại, những phản đối của người Do-thái và những lời lên án của chính quyền. Ông tử đạo ở La-mã nên người ta kêu ông là Justin 'người tử đạo'.
2. Irenaeus (120-200) nhà thần học vĩ đại thứ nhất và là Giáo Phụ đầu tiên sắp xếp thứ tự tất cả những điều dạy dỗ Cơ-đốc thành hệ thống. Sách chính của ông là quyển 'Chống lại các tà giáo'; trong đó ông viết 'Chúa Christ là giáo sư duy nhất chân thực và vững chải, là lời Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu Christ chúng ta, bởi tình thương siêu việt của Ngài, thật đã trở thành như chúng ta có thể đem chúng ta lên đến bậc giống như Ngài'. Ông là một trong những người đầu tiên xác nhận những bản văn Cơ-đốc viết theo sự dạy dỗ của các Sứ đồ cũng ngang uy tín và giá trị như kinh điển Cựu Ước.
3. Clement ở Alexandria (15-215) là viện trưởng thứ hai viện Kinh Thánh ở Alexandria. Trường học danh tiếng này gần giống như một đại học Cơ-đốc cho những người mới tin cũng như những người đã giỏi về kinh điển. Clement khuyên những người mới tin nên đọc Kinh Thánh ở nhà trước bữa cơm chính trong ngày. Ông cũng khuyên những cặp vợ chồng nên đọc chung với nhau. Clement là người đầu tiên kết hợp triết học Plato với Cơ-đốc giáo. Ông đã nhớ đến GaGl 3:24-24 khi viết 'triết học được ban cho người Hy-lạp, cho đến lúc Chúa kêu gọi người Hy-lạp. Bởi vì đây là một thầy giáo đã đem tâm trí người Hy-lạp cho Đấng Christ cũng như luật pháp đã đem ngưòi Do-thái đến với Ngài'.
4. Tertullian (160-230) người bênh vực niềm tin hăng say nhất thời kỳ này, sinh tại Carthage ở Bắc Phi, ông làm luật sư, tin Chúa tại La-mã vào năm 190, là người tín đồ Cơ-đốc đầu tiên viết bằng tiếng La-tinh. Sách 'Biện hộ' viết bằng thể văn mạnh mẽ, dễ đọc, bày tỏ học vấn rộng rãi của ông và chứng minh khả năng ông có thể giảng về Cơ-đốc giáo cách minh bạch và chính xác. Ông trình bày những ý niệm Cơ-đốc một cách gọn ghẽ và gay ấn tượng sâu sắc. Ông đã viết những câu này: 'Tín đồ Cơ-đốc không được sinh ra, song được sinh lại'. 'Đức tin không sợ chết đói; 'Huyết những người tử đạo là hạt giống của Hội thánh' ông ghi chép những nổ lực truyền giáo miền xa kể cả những khu ở Mê-sô-bô-ta-mi (Mesopotamia), Ba-tư và biên thùy Ấn độ, nhưng ông quen thuộc nhiều hơn vói những Hội thánh Bắc Phi, Tây ban nha và Pháp. Ông viết: 'Những nơi nào rên đất Anh mà người La-mã không đặt chân tới đều lệ thuộc luật pháp Đấng Christ'. Đó là lời ghi chép xưa nhất cho chúng ta biết khoảng năm 200 đã có những giáo sĩ Cơ-đốc tại Anh Quốc.
5. Cyprian (220-258) là một người giàu có, nhiều học thức, làm giám mục tại Carthage. Ông là một trong những người lãnh đạo Hội thánh có uy quyền nhất. Khi lớn tuổi ông mới tin Chúa, ông nổi tiếng giúp Hội thánh đặt ra một chính sách đối với những tín đồ vấp ngã, do yếu đuối đã từ chối Chúa để khỏi tử đạo. Ông khuyên Hội thánh nên cho những tín đồ ấy một cơ hội thứ hai. Chính ông cũng phải trốn chạy trong một cơn bắt bớ. Tuy nhiên 8 năm sau khi gặp lắp thử thách ông đứng vững trong đức tin và tử đạo.
6. Origen (182-251) nhà thần học vĩ đại nhất thuở ban đầu. Sinh tại Alexandria, cha mẹ tin Chúa, khi ông còn nhỏ đã được dạy dỗ về Kinh Thánh. Khi cha ông tử đạo ông muốn chịu tử đạo theo để làm chứng lần chót về Chúa Christ, nhưng mẹ ông ngăn cản. Khi 18 tuổi ông trở thành viện trưởng trường Kinh Thánh, trường dạy theo lối vấn đáp ở Alexandria là trường có một số người lãnh đạo danh tiếng các Hội thánh Đông Âu theo học. Làm giáo sư ông không lấy học phí của sinh viên, nhưng chép tay những kinh điển để kiếm tiền, ông sống một đời sống thanh bạch. Sau này ông đổi đến Caesarea tại Palestine và ông lập một trường học danh tiếng, sử gia Eusebius đã theo học tại đó.
Về phương tiện nghiên cứu, ông giỏi trong nhiều lĩnh vực, quyển sách 'Bàn về Những Nguyên Tắc Đầu Tiên' viết trước năm 231, theo lời tác giả Wiliston Walker, không những là quyển đầu tiên giới thiệu Cơ-đốc giáo một cách mach lạc xuất sắc, mà những tư tưởng và phương pháp trong đó đã định lượng cả đà phát triển tín điều Hy-lạp' . Quyển 'Chống lại Celsus' là 'bản văn bênh vực niềm tin Cơ-đốc có những lý lẽ sâu sắc nhất mà thế giới xưa đã để lại'. Còn hơn 600 bộ sách khác được người đương thời gán tên cho ông, coi ông là một nhà viết văn Cơ-đốc sáng tạo và dồi dào nhất giữa Phao-lô và Augustine.
Ông cũng là một người đi tiên phong trong việc nghiên cứu lịch sử cũng như các văn bản Kinh Thánh. Cùng với các học trò tại Sê-sa-rê (Caesarea) ông so sánh nhiều bản văn Tân Ước thời đó, hơi khác nhau, hy vọng tìm ra chính nguyên bản như thế nào.
Hơn nữa ông cũng dùng khả năng bao quát của mình, tra cứu Cựu Ước và với sự phụ họa của đồng bạn viết ra quyền sách nổi danh Hexapla sau 20 năm công phu cực nhọc. Quyển sách này đã ghi lại phương pháp phê phán văn bản. Sách trình ra 6 bản Cựu Ước để so sánh và nghiên cứu. Mỗi trang sách Hexapla chia làm 6 cột. Cột một chép văn bản Do-thái mà Origen đã nhận được do các giáo sư Do-thái để lại. Cột hai là bản âm bản văn ấy ra tiếng Hy-lạp. Cột 3, 4 và 6 chép ba bản dịch khác ra tiếng Hy-lạp do Aquila, Symmachus và Theodotion dịch. Cột 5 là chính những lời phê phán của Oriten về bản Septuagint (ở cột hai)
Sách Hexapla khó có thể chép lại toàn bộ vì dày những 6500 trang, nhưng vẫn được lưu tại thư viện của Origen tại Caesarea, trong vòng 400 năm tiếp đó. Các học giả Cơ-đốc thường đến đó tra cứu. Khi người Hồi chiếm Palestine vào t hế kỷ thứ bảy thì sách đó mất. Nhân việc tìm thấy những cuốn sách tại Hắc Hải vào năm 1947, người ta cũng thấy một số khác đựng trong các bình đất nung đặt trong một hầm mỏ tại Giê-ri-cô (Jericho). Những tài liệu trên đây cho chúng ta biết ý kiến của Sử Gia Eusebius (thế kỷ thứ tư) khi bình luận về sách Haxapla của Origen. Ông nói :'trường hợp một trong những này (văn bản Thi Thiên được chép lại trong sách Hexapla) Ông Origen nhắc lại rằng người ta đã tìm thấy nó tại Jericho đựng trong một cái lò vào thời Hoàng đế Antonius, con Hoàng đế Severus (khoảng 211)'
bottom of page