top of page

BÀI 1 : ĐỨC CHÚA TRỜI

Hung Tran

Jun 30, 2023

Câu gốc của bài học: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi.” (Mác 12:30). 

“Ngươi phải thờ phượng Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Ma-thi-ơ 4:10b).




Mục đích: 

Nhằm giúp học viên

(1) Khẳng định niềm tin có Đức Chúa Trời.

(2) Hiểu rõ Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào.

(3) Thái độ phải có đối với Ngài. 

Giới thiệu câu gốc

Trong bài học đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về Đức Chúa Trời, CÂU GỐC của bài học này được trích từ trong Kinh Thánh sách Phúc-âm Mác, chương 12, câu số 30. Để dễ tìm câu Kinh Thánh trong sách, mỗi khi trích dẫn một câu từ Kinh Thánh, bài học luôn kèm theo một địa chỉ để có thể tìm ra câu Kinh Thánh đó dễ dàng. Câu gốc là câu nền tảng, gói gọn nội dung của bài học. Vì vậy học viên nên học thuộc lòng câu gốc để có thể nhớ bài học dễ dàng hơn. Nội dung câu gốc của bài học số 1: Đề cập đến bổn phận của chúng ta với Đức Chúa Trời. Ngài không đòi hỏi chúng ta dâng của lễ bằng vật chất nhưng Chúa muốn chúng ta kính mến (kính trọng và yêu mến) Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức.

Mở đầu: Vài tư liệu để dẫn đến bài học: Đức Chúa Trời trong suy nghĩ của người Việt Nam. 


1. Thờ bàn thiên: 

Dân tộc Việt còn rất nhiều nhà có bàn thiên trước ngõ, coi đó như là thờ Đức Chúa Trời. Trong thâm tâm, người dân có ý tốt muốn thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng cách thờ phượng hoàn toàn không đúng. Đức Chúa Trời là Chúa của vũ trụ và muôn loài vạn vật, nên chúng không thể đặt Ngài trên một tấm gỗ hay tấm bê tông để ngoài trời bụi bặm với chút nước, muối, gạo, bó hoa héo tàn với mấy cây nhang! Vì hiểu chưa đúng nên tuy có tấm lòng, mà thờ phượng vẫn sai lạc. 


2. Đức Chúa Trời như hung thần: 

Khi ai làm sai, làm điều ác, người ta thường nói: “Trời phạt, trời trả báo, trời hại, trời hành…”. Người ta sợ Đức Chúa Trời nhưng không dám gần Đức Chúa Trời vì đã nghĩ rằng Ngài như một hung thần. 


3. Đức Chúa Trời như thần hộ mệnh: 

Khi gặp nguy hiểm, khi gặp nạn người ta cầu trời, vái trời, xin trời phù hộ cho tai qua nạn khỏi… Còn khi sống bình an thì chẳng ai nghĩ đến trời. Như vậy, người ta quan niệm Trời chẳng khác nào ông thần đèn, chỉ để kêu cầu khi nào cần đến mà thôi. 


4. Không có Đức Chúa Trời, 

Vì theo thuyết tiến hóa, ở đây xin được chỉ ra một số sai lầm của thuyết tiến hóa chứ không đi sâu vào lĩnh vực khoa học. Trước hết đây chỉ mới là một thuyết chứ không phải định luật.

Thuyết thì có thể sai lầm, chúng ta cũng đã biết một thuyết mới đánh đổ thuyết cũ là chuyện bình thường, như thuyết hình thành vũ trụ của Laplace tồn tại một thời gian dài ở thế kỷ thứ 19, nhưng đến giữa thế kỷ thứ 20 người ta phát hiện giả thuyết này bộc lộ nhiều sai lầm. Cho đến nay nhiều giả thuyết khác ra đời đã đánh đổ thuyết Laplace, đến nỗi học sinh sinh viên ngày nay hầu như không ai biết đến thuyết Laplace nữa.

Thuyết tiến hóa ra đời năm 1859 từ cuốn sách của Darwin có tựa là “Nguồn gốc của các loài” đã đưa ra một số chứng cớ của tiến hóa vi mô, cho thấy rằng một số loài mới có thể xuất hiện từ loài có trước qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Bởi vì thiên nhiên có khuynh hướng lựa chọn những thay đổi có lợi nhưng đào thải những thay đổi không có lợi. Từ đó Darwin đưa ra lập luận tiến hóa vĩ mô cho rằng các chủng loại phức tạp được hình thành từ hợp chất vô cơ đơn giản qua quá trình tiến hóa lâu dài dưới tác động của chọn lọc tự nhiên, và với thời gian đủ lâu, chọn lọc tự nhiên có thể dần dần đem lại sự khác biệt giữa mọi chủng loại của thế giới sống.

Trong Nguồn gốc các loài, Darwin công nhận có những cách biệt rất to lớn giữa các chủng loại từ những di tích hóa thạch được tìm thấy trong thời ông nhưng cho rằng đó là vì di tích hóa thạch trong thời ông chưa được đầy đủ. Tuy nhiên sau hơn một thế kỷ ròng rã tìm kiếm, các nhà tiến hóa vẫn không lấp được những khoảng trống còn thiếu của thuyết Darwin nêu ra. Ngược lại, các di tích hóa thạch được tìm thấy cho biết các loài mới xuất hiện một cách đột ngột. Có người hỏi, nếu con mắt tiến hóa từ đơn giản tới phức tạp như ngày nay, thì phải chăng lúc đầu loài vượn người bị mù, rồi từ từ vài thế kỷ sau thấy mờ mờ, rồi cả triệu năm sau mới thấy rõ? Nếu vậy thì loài vượn người chắc đã tuyệt chủng từ lâu chứ làm sao có thể tồn tại để tiến hóa? Dĩ nhiên thuyết tiến hóa có những giải thích đại để như có thứ thì tiến hóa, còn có thứ đột biến… nhưng thật ra tất cả cũng chỉ là một thuyết mà thôi. 


5. Ðức Chúa Trời là Ngọc Hoàng Thượng đế: 

Tra xem sử nhà Tống của Trung Quốc, Ngọc Hoàng vốn tên là Trương Nghi, người huyện Hành Đường, phủ Chân Định, sanh ra cuối đời nhà Hán. Trương Nghi học đạo Lão Tử, ở ẩn trong núi Võ Dương, hái thuốc luyện đơn, và chữa bệnh.

Đến đời vua Huy Tôn nhà Tống, có thuật sĩ tên là Lâm Linh Tố, cũng học đạo Lão Tử, lừa dối nhà vua phong cho ông Trương Nghi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, giáng chiếu bắt thiên hạ thờ phượng. Vua làm như thế, có ý mong Ngọc Hoàng phù hộ cho nước được bền vững lâu dài; nào ngờ phong Trương Nghi chưa được bao lâu, cả nhà cha con, vợ chồng vua Huy Tôn bị người nước Kim bắt đem đi, rồi sau chết tại thành Ngũ Quốc.

Người nước ta ngày trước học sách Trung Quốc, hễ thấy thờ thì thờ, không xem xét kỹ càng; vì có tập quán không dám cãi lại sách vở, nên có nhiều người lầm tưởng rằng thờ Ngọc Hoàng tức là thờ Đức Chúa Trời (Thượng Đế) vậy. Thật ra Ngọc Hoàng chỉ là tước hiệu của một viên quan người Trung Quốc mà thôi. 


Riêng học viên hiểu Đức Chúa Trời như thế nào? Những bài học sau đây sẽ từng bước trình bày về Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh bày tỏ qua những câu hỏi đáp để học viên đối chiếu và suy nghĩ về niềm tin của mình trước đây với niềm tin Tin Lành. 

(1). Ðức Chúa Trời là ai

Ðức Chúa Trời là Ðấng tạo thành trời đất, vạn vật, loài người và bảo tồn tất cả. Chúng ta đã từng tôn xưng Ngài là Ðấng Tạo Hóa, là Thượng Ðế, là Ông Trời.

“Ôi! chỉ một mình Chúa là Ðức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời, và trời của các từng trời, cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa.” (Nê-hê-mi 9:6). 

(2). Ðức Chúa Trời từ đâu mà có

Ngài là Ðấng Tự Hữu và Hằng Hữu, vốn có từ trước vô cùng và còn cho đến đời đời vô tận. Ngài là Ðầu Tiên và Cuối Cùng, Ngài là Ðấng Ðời Ðời.

“Chúa là Ðức Chúa Trời, Ðấng Hiện Có, Ðã Có, Và Còn Ðến, là Ðấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga.” (Khải-huyền 1:8). 

(3). Ðức Chúa Trời ở đâu? 

Cùng một lúc, Ngài ở khắp mọi nơi trong vũ trụ. Ngài là Ðấng Toàn Tại.

“Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, Ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, Bay qua ở tại cuối cùng biển, Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, Tay hữu Chúa sẽ nắm-giữ tôi.” (Thi-thiên 139:8-10). 

(4). Người ta có thể thấy Ðức Chúa Trời không

Chúng ta có con mắt của thân thể và con mắt tâm linh, cũng gọi là con mắt của lòng. Con mắt của thân thể để thấy những sự vật hữu hình, con mắt của tâm linh để thấy những sự vật vô hình, Ðức Chúa Trời thực hữu trong cõi tâm linh nên con mắt của tâm linh, của lòng mới thấy được Ngài, mới nhận biết sự hiện diện vinh quang của Ngài.

“Cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Ðấng Christ, là ảnh tượng của Ðức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 4:4).

“Vì Ðức Chúa Trời, – là Ðấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! – đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Ðức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Ðức Chúa Jêsus Christ.” (II Cô-rinh-tô 4:6)

Ðời xưa để mặc khải cho loài người, Ðức Chúa Trời đã hiện ra trong chiêm bao, bằng dị tượng hoặc thiên sứ, song không ai thấy được chính mình Ngài. Vì vậy, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Ðức Chúa Trời đã mượn hình thể con người mà giáng thế, nên trong thời đó có người đã thấy, đã nghe, đã rõ được Ðức Chúa Trời.

“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” (Giăng 1:14). 

(5). Ðức Chúa Trời có mấy ngôi

Ðức Chúa Trời có ba ngôi: Cha, ConThánh Linh.  Không phải có ba Ðức Chúa Trời, song Ba Ngôi bình đẳng, hiệp nhất hoàn toàn. 

-Xin lưu ý

a. Từ ngữ “chúng ta” trong các câu: 

Ðức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.” (Sáng-thế ký 1:26).

“Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay khiến cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.” (Sáng-thế ký 3:22). 

b. Có 3 lần chúc phước: 

“Cầu xin Ðức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Ðức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Ðức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi.” (Dân-số ký 6:24)! 

c. Có ba lần tôn vinh “Thánh Thay”:

“Các sê-ra-phin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Ðức Giê-hô-va vạn-quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3) 

d. Có Ba Ngôi hiện diện:

“Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Ðức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” (Ma-thi-ơ 3:16). 

e. Có Ba Ngôi cộng tác:

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ.” (Ma-thi-ơ 28:19), 

f. Có Ba Ngôi ban phước:

“Nguyền xin ơn của Ðức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Ðức Chúa Trời, và sự giao thông của Ðức Chúa Trời ở với anh em hết thảy!” (II Cô-rinh-tô 13:14) 

(6). Ðức Chúa Trời là Ðấng thế nào? 

Ngài là Ðấng vô cùng kỳ diệu, vượt hẳn trí tuệ loài người: 

a. Ðấng Thần Linh.

“Ðức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24). 

b. Ðấng Tự Hữu và Hằng Hữu. 

“Ðức Chúa Trời phán rằng: Ta là Ðấng Tự Hữu Hằng Hữu; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ -ra-ên như vầy: Ðấng Tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô 3:14). 

c. Ðấng Toàn Năng.

“Bởi vì không việc chi Ðức Chúa Trời chẳng làm được.” (Lu-ca 1:37). 

d. Ðấng Toàn Tri.

“Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Ðức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự.” (I Giăng 3:20). 

e. Ðấng Toàn Tại.

“Ðức Giê-hô-va phán: Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng? Ðức Giê-hô-va phán: Há chẳng phải ta đầy dẫy các từng trời và đất sao?” (Giê-rê-mi 23:24) 

“Hỡi Ðức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi. Chúa xét nét nẻo-đàng và sự nằm-ngủ tôi, Quen biết các đường-lối tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, Kìa, hỡi Ðức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi. Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước, Ðặt tay Chúa trên mình tôi…. Sự tri thức dường ấy, thật diệu kỳ quá cho tôi, Cao đến đổi tôi không với kịp!” (Thi-thiên 139:1-6).

“Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa? Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, Ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, Bay qua ở tại cuối cùng biển, Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, Tay hữu Chúa sẽ nắm-giữ tôi. Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi, Ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối, Thì chính sự tối tăm không thể giấu chi khỏi Chúa, Ban đêm soi sáng như ban ngày, Và sự tối tăm cũng như ánh sáng cho Chúa.” (Thi-thiên 139:7-12).

f. Ðấng Bất Biến. 

“Ðức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi.” (Hê-bơ-rơ 12:13). 

g. Ðấng Nhân Ái.

“Ai chẳng yêu, thì không biết Ðức Chúa Trời; vì Ðức Chúa Trời là sự yêu thương. Lòng Ðức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Ðức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống.” (I Giăng 4:8-9). 

h. Ðấng Thành Tín.

“Ðấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:24). 

i. Ðấng Chí Thánh. 

“Hãy nên thánh, vì ta là thánh.” (I Phi-e-rơ 1:16).

 j. Ðấng Chí Tôn.

“Vua các dân đều nhóm nhau lại Ðặng làm dân Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham; Vì các khiên của đất đều thuộc về Ðức Chúa Trời; Ngài được tôn chí cao.” (Thi-thiên 47:9). 

k. Ðấng Chí Công.

“Công việc của Hòn Ðá là trọn vẹn; Vì các đường lối Ngài là công bình. Ấy là Ðức Chúa Trời thành tín và vô tội; Ngài là công bình và chánh trực.” (Phục-truyền luật-lệ ký 32:4). 

l. Ðấng Chí Ðại. 

“Vì Giê-hô-va rất lớn, đáng được ngợi khen lắm lắm; Ngài đáng kính sợ hơn hết các thần.” (Thi-thiên 96:4). 

(7). Nhờ đâu biết được Ðức Chúa Trời như vậy

Nhờ ba nguồn: (a) Lương tâm, (b) Vũ trụ và (c) Kinh Thánh. 

a. Lương tâm.

Nhờ có lương tâm là một bản năng thiên phú mà con người không cần ai dạy, tự nhận biết Ðức Chúa Trời.

“Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. (Rô-ma 2:15). 

b. Vũ trụ

“Bởi công việc, người ta biết tài ông thợ.

Cả vũ trụ vô hạn, tuyệt diệu, trật tự chứng minh phải do một Ðấng Vĩnh Hằng, Toàn Tri, Toàn Năng, Toàn Tại dựng nên nó. Ðấng đó chính là Ðức Chúa Trời.

“Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời, Bầu trời giải-tỏ công việc tay Ngài làm.” (Thi-thiên 19:1). 

c. Kinh Thánh nói cho chúng ta biết về Ðức Chúa Trời.

“Cả Kinh Thánh đều là bởi Ðức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” (II Ti-mô-thê 3:16).

(Tìm hiểu về Kinh Thánh) 

(8). Chúng ta phải có thái độ nào đối với Ðức Chúa Trời? 

“Chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Ðức Chúa Trời, chỉ thờ và phục vụ một mình Ngài mà thôi.” (Mác 12:30)

“Ðức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỷ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Ma-thi-ơ 4:10).




bottom of page