top of page

Bài 11 : HỘI THÁNH VÀ CÁC THÁNH LỄ

Hung tran

Jun 20, 2023

Câu gốc của bài học: “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Ðức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9).



Mục đích

Nhằm giúp học viên

(1) Hiểu rõ Hội thánh và sứ mệnh của Hội thánh.

(2) Hiểu rõ 2 Thánh Lễ Chúa dạy phải làm.

(3) Hiểu ý nghĩa các nghi lễ trong Hội thánh.

(Ghi chú: Bài này nên học trong hai tuần.)

Bài học có 3 phần chính:

- Phần thứ I: Hội thánh

- Phần thứ II: Các Thánh Lễ

- Phần thứ III: Các nghi lễ trong Hội thánh


I. Hội Thánh 


1. Hội Thánh là gì? 

Hội thánh là cộng đồng của những người được Ðức Chúa Trời kêu gọi biệt riêng ra khỏi thế gian, được cứu chuộc bởi Chúa Giê-xu qua sự tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa của mình để trở nên dân thánh cho Ðức Chúa Trời. 


2. Hội thánh Ðấng Christ thành lập như thế nào

a. Chúa Giê-xu tuyên bố thành lập Hội thánh.

“Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” (Ma-thi-ơ 16:18). 

b. Ðức Thánh Linh giáng lâm vào ngày lễ Ngũ tuần và thành lập Hội thánh.

“Ðến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Ðức Chúa Trời cho mình nói.” (Công-vụ 2:1-4).

“Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong này ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.” (Công-vụ 2:41). 


3. Hội Thánh được Kinh Thánh mô tả ra sao? 

a. Hội thánh là thân thể của Ðấng Christ mà chính Ngài là đầu.

“Vì chồng là đầu vợ, khác nào Ðấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh.” (Ê-phê-sô 5:23). 

b. Hội thánh là Tân Phụ của Ðấng Christ.

“Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, (Khải-huyền 19:7).

c. Hội thánh là bầy chiên của Ðức Chúa Trời.

“Anh em hãy giữ lấy mình, mà luôn cả bầy mà Ðức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Ðức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình.” (Công-vụ 20:28). 

d. Hội thánh là dân của Ðức Chúa Trời. 

“Nhưng chúng ta là công-dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Ðức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 3:20), 

e. Hội thánh là nhà của Ðức Chúa Trời.

“Phòng ta có chậm đến, thì con biết làm thể nào trong nhà Ðức Chúa Trời, tức là Hội thánh của Ðức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật vậy.” (I Ti-mô-thê 3:15). 

f. Hội thánh là đền thờ của Ðức Chúa Trời.

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Ðức Chúa Trời, và Thánh Linh Ðức Chúa Trời ở trong anh em sao.” (I Cô-rinh-tô 3:16)? 

g. Hội thánh là đền thờ của Ðức Chúa Trời. 

“Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Ðức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9); 


4. Thế nào là Hội Thánh hữu hình và Hội Thánh vô hình

a. Hội thánh hữu hình hay Hội thánh địa phương là cộng đồng tín hữu nhóm lại tại một nơi để thờ phượng Chúa. 

b. Hội thánh vô hình hay Hội thánh phổ thông là cộng đồng tín hữu thật của Chúa trên khắp thế giới, suốt mọi thời đại.

“Ðặng tỏ ra hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài.” (Ê-phê-sô 5:27). 


5. Sứ mạng của Hội Thánh là gì? 

Sứ mạng của Hội thánh là: 

a. Tôn thờ Ðức Chúa Trời. 

“Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ. Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Ðức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh.” (Công-vụ 2:42-47). 

b. Gây dựng nhau.

“Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Ðấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4:11-13). 

c. Truyền giảng để cứu người khác.

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:19-20). 


II. A. Thánh Lễ – Thánh Lễ Báp-têm 


1. Chịu Báp-têm là thế nào? 

Chịu Báp-têm là chịu nhận chìm xuống nước và sau đó ra khỏi nước. 

“Và khi họ đã xưng tội mình rồi, thì chịu người làm phép báp-têm dưới sông Giô-đanh.” (Ma-thi-ơ 3:6). 

“Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Ðức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài.” (Ma-thi-ơ 3:16).


2. Lễ Báp-têm có nghĩa gì

a. Lễ Báp-têm của Giăng là ăn năn để tiếp nhận Ðấng Cứu Thế sắp đến. 

“Phao-lô bèn nói rằng: Giăng đã làm phép báp-têm về sự ăn năn tội, mà truyền dân phải tin Ðấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Ðức Chúa Jêsus.” (Công-vụ 19:4). 

b. Lễ Báp-têm nhân danh Chúa Giê-xu là nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình và khi được dìm trong nước là kể mình đã đồng chết và đồng chôn với Chúa về đời sống cũ rồi từ nước lên là kể mình đã đồng sống lại với Chúa trong đời sống mới.

“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Ðấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.” (Rô-ma 6:4). 


3. Chịu phép Báp-têm có ích lợi gì? 

Có ích lợi lớn lắm: 

a. Ðược làm trọn mệnh lệnh Chúa dạy.

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:19-20). 

b. Ðược hiệp nhất với Chúa trong sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài.

“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Ðấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.” (Rô-ma 6:4). 


4. Ðiều kiện để được thọ lễ Báp-têm là gì? 

a. Ðã thật lòng tin nhận Chúa Giê-xu.  

b. Ðời sống đã thật sự đổi mới trở nên con cái Ðức Chúa Trời.

c. Biết và tin các giáo lý căn bản 


5. Nếu một người đã tin Chúa, chưa chịu báp-têm mà đã qua đời thì được cứu hay không? 

- Ðược! “Ðoạn lại nói rằng: Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi! Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.” (Lu-ca 23:42-43). 


II.B. Thánh Lễ – Lễ Tiệc Thánh 


1. Ai đã lập Lễ Tiệc Thánh

- Ðức Chúa Giê-xu. 

“Khi đương ăn, Ðức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” (Ma-thi-ơ 26:26-28). 


2. Ý nghĩa của Tiệc Thánh là gì? 

Dùng miếng bánh và chén rượu nho để chỉ về thân Chúa vì chúng ta mà tan nát, huyết Chúa vì chúng ta mà đổ ra, để tưởng niệm sự đau đớn của Ngài.

“Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Ðức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một lẽ ấy, sai khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta.” (I Cô-rinh-tô 11:23-25). 


3. Trách nhiệm của người dự tiệc thánh là gì? 

Phải truyền ra sự chết của Chúa cho đến khi Ngài trở lại.

“Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.” (I Cô-rinh-tô 11:26).


4. Phước hạnh của kẻ được dự tiệc thánh là gì? 

a. Ðể nhớ và thông công trong sự thương khó của Chúa.

“Cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài.” (Phi-líp 3:10). 

b. Ðể bảo đảm một tiệc mới trên trời, gọi là tiệc cưới Chiên Con.

“Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta.” (Ma-thi-ơ 26:29).

“Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con! Người lại tiếp rằng: Ðó là những lời chơn thật của Ðức Chúa Trời.” (Khải-huyền 19:9). 


5. Tại sao mọi người dầu mới tin hay theo Chúa đã lâu dầu đã thọ lễ báp-têm hay chưa chịu báp-têm đều được dự tiệc thánh? 

Vì bánh và chén tượng trưng cho thân và huyết Chúa dành cho tất cả những ai đáp ứng lời mời của Chúa và tìm đến tin nhận Ngài. Người nào chưa ăn năn đầu phục Chúa thì phải chờ cho đến khi có đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.

“Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát.”  (Giăng 6:35).

“Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt ta thật là đồ ăn, huyết ta thật là đồ uống. Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người.” (Giăng 6:54-56).

“Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa.” (I Cô-rinh-tô 11:27). 


III. Các nghi lễ khác Liên quan đến cuộc đời và chức vụ của Chúa Cứu Thế Giê-xu


- Kỷ niệm Chúa Giáng sinh (tháng 12). 

- Kỷ niệm Chúa chịu Thương khó (tháng 4). 

- Kỷ niệm Chúa Phục sinh. 

- Kỷ niệm Chúa Thăng thiên (40 ngày sau). 

- Liên quan đến tổ chức của Hội thánh: 

Lễ Tấn phong Mục sư. 

Lễ Bổ nhiệm. 

Lễ Cung hiến nhà thờ. 

- Liên quan đến cuộc sống tín hữu: 

Lễ thành hôn.

Lễ dâng con.

Lễ an táng.




bottom of page