top of page
Hung Tran
Jun 19, 2023
Câu gốc của bài học: “Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.” (Mác 16: 15).
Mục đích:
Nhằm giúp học viên:
(1) Tại sao phải truyền bá Phúc-Âm.
(2) Khích lệ học viên làm chứng về Chúa cho gia đình, bạn bè.
(3) Biết cách làm chứng về Chúa như thế nào.
1. Hỏi: Trước khi thăng thiên (về trời), Chúa truyền mệnh lệnh nào cho môn đồ?
Đáp: Trước khi thăng thiên Chúa truyền “Đại Mệnh lệnh” truyền bá Phúc-Âm (giảng Tin Lành) cho mọi người. Đây là sứ mệnh quan trọng cho Hội thánh, cả bốn sách Tin Lành và sách Công-vụ đều ghi lại mệnh lệnh này.
•“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép Báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:19-20)
•“Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.” (Mác 16:15)
•“Và người ta sẽ nhân Danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.” (Lu-ca 24:47)
•“Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: Bình an cho các ngươi! Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy.” (Giăng 20:21)
•“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công-vụ 1:8)
2. Hỏi: Lý do nào chúng ta phải truyền bá Phúc-Âm (rao giảng Tin Lành)?
Đáp: (1) Vì đây là “Đại Mệnh lệnh” Chúa truyền cho Hội thánh trước khi thăng thiên. Chúng ta là con dân Chúa, phải tuân hành mệnh lệnh Chúa truyền, là phải truyền bá Phúc-Âm cho những người khác.
(2) Bởi lòng biết ơn Chúa đã cứu chúng ta. Sứ đồ Phao-lô thể hiện lòng biết ơn Chúa trong I Cô-rinh-tô 15:10: “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.” Và ông nói tiếp trong Ga-la-ti 1:15-16: “Đức Chúa Trời, Đấng đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng bày tỏ Con Ngài cho tôi, để tôi rao truyền Tin Lành về Con Ngài giữa dân ngoại”. Bởi lòng biết ơn Chúa đã cứu chuộc mình, mỗi chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn bằng cách rao truyền ơn cứu chuộc cho nhiều người.
(3) Bởi lòng yêu thương đối với những người còn đang hư mất. “Hãy giải cứu những người bị đem vào chỗ chết; Hãy giữ lại những kẻ lảo đảo đi đến nơi hành hình. Nếu con nói: “Kìa, chúng tôi không biết điều này”. Thế thì Đấng cân nhắc lòng người không thấy sao? Đấng canh giữ linh hồn con không biết sao? Ngài sẽ báo trả cho loài người tùy theo việc họ làm.” (Châm-ngôn 24:11-12) Chúng ta đã được cứu, nhưng chung quanh chúng ta còn rất nhiều người đang từng bước đi vào chỗ chết, trong đó có những người thân trong gia đình mình, xóm giềng, bạn bè mình…Vì tình yêu thương những người đang còn hư mất, mỗi chúng ta hãy hết lòng rao truyền ơn cứu rỗi của Chúa đến cho họ.
(4) Bởi sức sống mới bên trong thôi thúc (Giê-rê-mi 20:9). Sứ đồ Phao-lô đã nói: “Tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có cớ gì để tự hào, vì tôi bị ràng buộc phải làm như vậy; nhưng, nếu tôi không rao giảng Tin Lành thì thật khốn khó cho tôi.” (I Cô-rinh-tô 9:16)
Khi được cứu, chúng ta được Đức Thánh Linh tái tạo thành người mới, có sức sống mới của Chúa trong lòng. Chính sức sống mới đó thôi thúc chúng ta phải rao giảng Tin Lành cho đồng bào mình. Sứ đồ Phao-lô đã được sự thôi thúc đến mức ông nói: “Nếu tôi không rao giảng Tin Lành thì thật khốn khó cho tôi”. Ước mong mỗi chúng ta cũng có đồng tâm tình như Sứ đồ Phao-lô.
(5) Bởi lời hứa với Chúa trong thánh lễ Tiệc Thánh. “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh này, uống chén này, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.” (1 Cô-rinh-tô 11:26) Đó là những lý do chúng ta phải truyền bá Phúc-Âm. Chúngta có thể nhắc lại những lý do này: - Vì đây là Đại Mệnh Lệnh Chúa truyền. - Bởi lòng biết ơn Chúa đã cứu chúng ta. - Bởi lòng yêu thương đối với những người còn đang hư mất. - Bởi sức sống mới bên trong thôi thúc. - Và bởi lời hứa với Chúa trong thánh lễ Tiệc thánh
3. Hỏi: Công tác truyền bá Phúc-Âm được thực hiện dưới những hình thức nào (bằng cách nào)?
Đáp: Có ít nhất 2 cách chủ yếu để truyền bá Phúc-Âm (tức truyền bá Tin Lành. Phúc-Âm có nghĩa là Tin Lành).
(1) Chung: Hội thánh chung có các chương trình truyền giảng Tin Lành định kỳ, hoặc truyền giảng đặc biệt... Trong những chương trình này, chúng ta có thể mời người thân, bạn bè, xóm giềng đến nghe truyền giảng Tin Lành.
(2) Riêng: Mỗi tín hữu thực hiện việc chứng đạo cá nhân. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta tiếp xúc với nhiều người. Đây là cơ hội cho chúng ta bày tỏ niềm tin và làm chứng cho họ để họ cũng có cơ hội được cứu như chúng ta.
4. Hỏi: Chúng ta nên bắt đầu làm chứng về Chúa khi nào?
Đáp: Ngay sau khi tin Chúa, chúng ta có thể nói về niềm tin của mình cho người khác ngay, và cứ tiếp tục làm chứng, bất luận gặp thời hay không gặp thời, cho đến khi Chúa tái lâm. Vì làm chứng về Chúa là lời chứng cá nhân về những gì mình kinh nghiệm khi theo Chúa, nên không cần phải chờ đợi hay học hỏi gì hết mà mỗi chúng ta có thể bắt đầu ngày sau khi tin Chúa.
5. Hỏi: Chúng ta làm chứng như thế nào?
Đáp: Chứng đạo là việc làm tự nhiên như thuật lại câu chuyện của cuộc đời mình (Xem Công-vụ 26:2-29). Có thể làm chứng về: (1) Đời sống cũ trước khi tin Chúa. (Công-vụ 26:2-11) (2) Cơ hội đến với Chúa (tin Chúa). (Công-vụ 26:12-18) (3) Những biến đổi sau khi tin Chúa. (Công-vụ 26:19-29) Chúng ta có thể kể lại trước đây tôi là người như thế nào? Tại sao tôi tin Chúa và theo đạo Tin Lành? Sau khi tin Chúa, tôi có những thay đổi tích cực nào? Những phước hạnh gì tôi nhận được từ nơi Chúa?… Sau đó kêu gọi người nghe quyết định tin Chúa hoặc mời họ đến nhà thờ tìm hiểu thêm.
6. Hỏi: Chúng ta phải làm chứng cho một người trong bao lâu?
Đáp: - Chúng ta không nên làm chứng cách chiếu lệ, nhưng phải hết lòng. (Xem Lu-ca 15:3-10) - Tuy nhiên, khi có nhiều người cần làm chứng, chúng ta phải đầu tư nhiều thì giờ vào những người có tấm lòng sẵn sàng đón nhận lời chứng của mình. Nói chung, chúng ta nên kiên trì cầu nguyện cho họ, tiếp tục làm chứng khi có cơ hội, làm chứng bằng lời nói, làm chứng bằng cách tặng những quyển sách nhỏ chứng đạo giới thiệu về Tin Lành, làm chứng bằng cách mời họ đến nhà thờ trong những buổi truyền giảng, và cũng làm chứng bằng chính đời sống đổi mới của chúng ta nữa.
7. Hỏi: Sau khi đã làm chứng về Chúa cho một người, chúng ta phải tiếp tục làm gì?
Đáp: - Với người cứng lòng: phải tiếp tục cầu nguyện và làm chứng thêm, hoặc giới thiệu cho người khác làm chứng. Ê-sai 55:10-11: “Vả như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sinh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó.” Chúng ta làm chứng, nhưng quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ khuấy động trong lòng người nghe. Chúng ta tin rằng những gì mình đã gieo ra thì có ngày sẽ kết quả như Lời Chúa đã hứa. - Với người có lòng muốn tìm hiểu: nên giới thiệu với những người trưởng thành thuộc linh để giảng giải thêm. Chúng tanên tặng cho họ những quyển sách chứng đạo nhỏ để tìm hiểu hay mời đến nhà thờ để nghe truyền giảng. Rô-ma 10:17 “Đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Cứu Thế được rao giảng.” Hãy cứ hết lòng rao giảng về Chúa, đức tin sẽ có cơ hội đến với người nghe.
8. Hỏi: Khi có người bằng lòng tiếp nhận Chúa, chúng ta phải giúp họ cách nào?
Đáp: (1) Hướng dẫn họ cầu nguyện tin Chúa và tuyên xưng đức tin. Nếu chúng ta không biết cách hướng dẫn thì nhờ mục sư hoặc những người tin Chúa lâu năm hướng dẫn. Có thể cầu nguyện ở nhà riêng hoặc ở nhà thờ, nhưng nên hướng dẫn cầu nguyện ngay, đừng để mất cơ hộicho anh chị em mình. “Vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại, thì anh em sẽ được cứu. Vì ai tin trong lòng thì được xưng công chính, và ai tuyên xưng nơi miệng thì được cứu rỗi.” (Rô-ma 10:9-10). Vì vậy cần phải hướng dẫn cho người bằng lòng ănnăn tội, tiếp nhận Chúa tuyên xưng đức tin của mình để nhận được sự cứu rỗi như lời Chúa hứa.
(2) Đức tin cần được nuôi dưỡng thì mới trưởng thành, nên rất cần hướng dẫn họ nhóm thờ phượng Chúa với Hội thánh. Hướng dẫn người mới tin Chúa học giáo lý căn bản để họ sớm nhận Thánh lễ Báp-têm.
(3) Tiếp tục chăm sóc cho đến khi họ tăng trưởng trong đức tin và kết quả cho Chúa để họ có khả năng tiếp tục công việc truyền bá Phúc-Âm. “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 28:19-20). Tóm lại, ngoài việc giúp cho anh em mình biết Chúa, tin Chúa để được cứu, còn phải tiếp tục chăm sóc để họ được trưởng thành, rồi họ cũng sẽ tiếp tục giúp đỡ người khác nữa.
9. Hỏi: Chúng ta phải làm chứng bắt đầu từ đâu?
Đáp: Phải bắt đầu tại nơi đang sống, nơi làm việc (Mác 5:19), và cứ tuần tự lan rộng mãi khắp nơi. Nói chung là bất cứ nơi nào thuận lợi nhất. (theo chiến lược ở Công-vụ 1:8 “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”)
10. Hỏi: Ngoài công tác làm chứng, chúng ta còn phải làm gì cho việc truyền giáo của Hội thánh?
Đáp: Để mở rộng nước Chúa, ngoài việc làm chứng về Chúa, chúng ta còn phải góp phần cho việc truyền giáo của Hội thánh như sau:
(1) Cầu nguyện cho việc truyền giáo. (Xem Kinh Thánh Công-vụ 4:29; Ê-phê-sô 6:18-19)
(2) Góp phần dâng hiến tiền bạc cho công cuộc truyền giáo, và chương trình truyền giảng Hội thánh.
(3) Tích cực tham gia chương trình truyền giảng: dự nhóm truyền giảng, mời thân hữu đến dự truyền giảng... Ôn lại câu gốc của bài học.
bottom of page