top of page
Hung Tran
Apr 19, 2024
Cái được gọi là luật lệ đó, có thể không phải là cái gì cao hơn hay vượt qua những sự kiện xảy ra mà ta quan sát...
PHẦN MỘT - ĐÚNG VÀ SAI LÀ ĐẦU MỐI Ý NGHĨA VŨ TRỤ
1. 4 ĐIỀU GÌ Ở SAU LUẬT LỆ.
Chúng...
...ta hãy tóm tắt những gì đã nói qua. Trong trường hợp của đá, cây và các đồ vật tuơng tự, cái mà ta gọi là Luật Thiên Nhiên, có thể không là luật lệ gì cả, mà chỉ là một cách nói thôi. Khi bạn nói thiên nhiên do những luật lệ nào đó quản trị, điều này có thể chỉ có nghĩa là thiên nhiên xảy ra theo một đường lối nào đó. Cái được gọi là luật lệ đó, có thể không phải là cái gì cao hơn hay vượt qua những sự kiện xảy ra mà ta quan sát.
Nhưng trong trường hợp con người, chúng ta lại thấy khác đi. Luật Thiên Nhiên của con người hay là luật Đúng và Sai, là một cái gì đó cao hơn và vượt quá những sự kiện nhìn thấy được về lối cư xử con người. Trong trường hợp này, ngoài những việc đã xảy ra thật sự bạn còn có một cái khác - một luật lệ có thật mà mặc dù chúng ta đã không tạo ra chúng ta lại biết là cần phải tuân theo
Bây giờ, tôi muốn xét xem điều này nói lên cái gì về vũ trụ chúng ta đang sống. Kể từ khi loài người biết suy nghĩ, họ vẫn tự hỏi vũ trụ này thực sự là gì và tại sao có vũ trụ. Có hai quan điểm về câu hỏi này. Trước nhất, quan điểm của người theo chủ nghĩa vật chất. Những người theo phái này nghĩ rằng vật chất và không gian tự nhiên mà có, và luôn luôn có đó mà không biết tại sao. Và vật chất có tính chất hầu như không biến đổi, tự dưng xảy ra một cách tình cờ, rồi sản xuất những sinh vật như chúng ta có thể suy nghĩ được. Cũng bằng một sự tình cờ hiếm có, cái gì đó đụng mặt trời rồi sản xuất ra các hành tinh, những chất hóa học cần thiết cho đời sống, cùng với nhiệt độ vừa đúng, có sẵn trên một trong những hành tinh, và vì vậy, nhiều sự vật trên trái đất này sống được và rồi sự tình cờ này tiếp nối với sự tình cờ khác, các sinh vật trở thành những con người như chúng ta.
Một quan điểm khác là quan điểm tôn giáo (xem phần ghi chú sau chương này). Theo đó, đứng đàng sau vũ trụ là một cái gì giống như là tâm trí hơn bất kỳ những gì khác mà ta biết. Cái đó có ý thức, có mục đích và ưa thích điều này hơn điều khác. Theo quan điểm này tâm trí đó tạo dựng vũ trụ, một phần là vì lý do nào đó chúng ta không biết, nhưng một phần là để tạo ra những sinh vật giống như chính tâm trí đó. Xin đừng nghĩ rằng một trong hai quan điểm trên có từ lâu rồi và quan điểm kia từ từ phát triển.
Hễ ở đâu có con người suy nghĩ là có hai quan điểm trên. Và hãy để ý điều này. Bạn không thể dùng phương pháp khoa học theo nghĩa thông thường của khoa học để tìm xem quan điểm nào đúng. Khoa học có được bởi thí nghiệm. Mỗi câu nói khoa học, dù có rắc rối đến đâu đi nữa, cũng thật có nghĩa giống như thế này “Tôi quan sát phần nào đó của bầu trời vào 2. 20 giờ sáng ngày 15 tháng giêng bằng ống kính viễn vọng và nhìn thấy cái gì đó” hoặc “Tôi để một vài phân chất nầy vào lò và nấu lên tới nhiệt độ nầy đây và nó phản ứng thế này.” Đừng nghĩ rằng tôi chống đối khoa học. Tôi chỉ nói đến phận sự của khoa học. Và tôi tin rằng một người càng thông thái, sẽ càng đồng ý với tôi đây là phận sự của khoa học - rất hữu dụng và cần thiết. Nhưng câu hỏi, tại sao lại có những sự vật đó, có cái gì ở phía sau các điều khoa học quan sát hay không thì không phải là một câu hỏi khoa học. Nếu có “Cái Gì Đó Ở Phía Sau”, thì hoặc là cái đó giữ hoàn toàn bí mật hoặc là cho biết bằng một cách khác. Câu nói rằng có cái gì đó như vậy hay không là những điều mà khoa học không tuyên bố được.
Và khoa học gia chân chính không tuyên bố những câu như vậy. Thường là những điều mà khoa học không tuyên bố được. Và khoa học gia chân chính không tuyên bố những câu như vậy. Thường là những ký giả và những nhà tiểu thuyết, những người hay chọn lấy những điều này, điều kia về khoa học rẻ tiền từ sách vỡ, mới tuyên bố những điều trên. Sau rốt, thực ra đây chỉ là vấn đề ai cũng có thể nghĩ ra được. Giá thử như khoa học tiến triển đến mức độ nào đó đến nổi có thể hiểu mỗi một điều nhỏ nhất trong vũ trụ. Phải chăng những câu hỏi như là “tại sao có vũ tru?” “Tại sao vũ trụ còn như vậy mãi?” “Vũ trụ có nghĩa gì chăng?” Vẫn hãy còn là những câu hỏi chưa trả lời được.
Tình trạng như vậy có lẽ rất vô vọng nếu không có điều sau đây. Chỉ có một điều, và chỉ có một điều mà thôi, trong cả vũ trụ, mà chúng ta có thể biết rõ rệt hơn là những quan sát bề ngoài. Đó là Con người.
Ta không chỉ quan sát con người. Ta chính là con người. Trong trường hợp này, ta có tin tức từ bên trong; chúng ta ở trong sự hiểu biết. Và vì vậy, ta biết được rằng, con người tìm thấy mình ở trong luật lệ đạo đức, luật không tự con người làm ra, và không thể bỏ qua được, dù có cố gắng và luật mà con người biết là nên tuân theo.
Hãy để ý điều sau đây. Bất cứ ai để ý nghiên cứu về Loài Người từ bên ngoài, như là ta để ý nghiên cứu về về điện hay bắp cải, mà không biết tiếng nói của ta, và vì vậy không thể biết chi tiết từ bên trong của ta, nhưng chỉ quan sát những hành động của ta, sẽ không có chứng cớ nhỏ nhặt nào là ta có luật đạo đức này. Làm sao ai biết được? Vì những quan sát của người nào đó, chỉ cho thấy những gì ta làm, còn luật đạo đức là về những gì ta nên làm. Cũng một cách như vậy, nếu có cái gì đó hơn những gì ta quan sát về những hòn đá hay thời tiết, chúng ta cũng không hy vọng khám phá được, vì ta chỉ nghiên cứu những thứ này ta bên ngoài mà thôi.
Thế nên vấn đề là như thế này. Ta muốn biết là vũ trụ nầy chỉ giản đơn mà có như vậy, không còn lý giải nào và là có một quyền năng nào đó đằng sau vũ trụ, tạo dựng ra vũ trụ mà ta thấy. Vì quyền năng đó, nếu có thật không phải là một trong những dữ kiện mà ta quan sát, nhưng là một cái gì đó tạo ra các dữ kiện đó, cho nên, chỉ sự quan sát không thôi sẽ không tìm ra được cái đó. Chỉ có một trường hợp mà ta có thể biết được là có điều gì khác hơn hay không, chính là trường hợp của chính chúng ta. Và trong trường hợp này ta tìm thấy là có. Hay là lý luận một cách ngược lại. Nếu có một quyền năng cai quản ở bên ngoài của vũ trụ, quyền năng này không thể cho ta được như là một vật ở trong vũ trụ, cũng như một kiến trúc sư của một căn nhà không thể nào là bức tường, hay là cái thang lầu, hay là lò sưởi trong căn nhà đó.
Trong trường hợp duy nhất mà ta có thể hy vọng quyền năng đó bày tỏ cho ta thấy, là ở bên trong chúng ta như là một ảnh hưởng, một mệnh lệnh sai khiến chúng ta, để cư xử theo một đường lối nào đó. Và đây là điều chúng ta cảm thấy được bên trong chúng ta. Chắc hẳn rằng điều này phải làm chúng ta suy nghĩ? Trong trường hợp duy nhất mà bạn hy vọng tìm thấy câu trả lời, câu trả lời lại là xác dịnh, và trong những trường hợp khác, bạn không tìm thấy được câu trả lời, thì bạn lại thấy được lý do tại sao không. Giả thử có người nào đó hỏi tôi, khi thấy một người mặc đồng phục xanh đi dọc theo đường phát những gói giấy ở mỗi nhà, tại sao tôi nghĩ những gói đó là thư? Tôi trả lời, “bởi vì khi nào anh ta để gói giấy nhỏ tương tự như vậy cho tôi, thì tôi thấy là có thư trong đo”. Nếu người này phản đối. “Nhưng anh chưa bao giờ thấy được những bức thư kia” Tôi trả lời “Dĩ nhiên là chưa, và tôi cũng không hy vọng là tôi thấy được, vì những lá thư đó không để địa chỉ của tôi. Tôi giải thích về những gói tôi không được phép mở bằng những gói tôi được mở ra”. Vấn đề này cũng tương tự như vậy. Gói duy nhất tôi được phép mở ra là Con người, Khi tôi mở ra, nhất là khi tôi mở con người đặc biệt là chính tôi, tôi thấy rằng tôi không tự mình mà có, và có một luật lệ cai quản, và có ai đó hay sự vật nào đó muốn tôi cư xử theo một đường lối rõ rệt.
Dĩ nhiên tôi không nghĩ rằng, khi tôi tìm vào trong một cục đá hay một thân cây tôi sẽ thấy bên trong cả hai giống nhau, cũng như tôi không nghĩ rằng những người trên cùng con đường tôi ở cũng nhận những lá thư giống như của tôi. Tôi biết rằng cục đá phải tuân theo sức hút của trọng lực, và trong khi người gởi thư kêu gọi tôi tuân theo luật của con người, Ngài cũng ép buộc cục đá tuân theo luật lệ đá của nó. Nhưng tôi biết rằng, có một người đã gởi những bức thư trong cả hai trường hợp, Một Đấng quyền năng đằng sau những dữ kiện, một Chủ tọa hay một Hướng đạo.
Đừng nghĩ rằng tôi đi quá nhanh. Tôi chưa đến trong vòng một trăm dặm của Đức Chúa Trời của Cơ-đốc giáo. Tôi chỉ đến phần có một Cái Gì Đó đều động vũ trụ, và cái gì đó ở trong như là một đạo luật, thúc giục tôi hành động đúng và làm tôi cảm thấy có trách nhiệm và khó chịu, khi tôi làm sai. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cho rằng cái gì đó giống tâm trí hơn là những gì khác ta biết - bởi vì cái gì khác mà ta biết là vật chất có thể ra lịnh được. Nhưng dĩ nhiên, cái gì đó không cần phải giống như một trí óc, và càng không cần phải giống như một người. Trong chương tới ta hãy xem ta tìm thêm được gì hơn nữa không. Nhưng hãy cẩn thận. Vài trăm năm gần đây có nhiều luận điệu nhẹ dạ về Thượng Đế. Đó không phải là những gì tôi đưa ra đây. Mng bạn đừng hiểu lầm.
Ghi chú
Để cho đoạn này ngắn khi phát thanh, tôi chỉ đề cập đến quan điểm Vật Chất, và quan điểm Từ Tôn Giáo. Nhưng để đầy đủ hơn, tôi phải đề cập đến quan điểm Dung Hòa, được gọi là lý thuyết Lực Sống hay là Tiến Hóa Sáng Tạo. Sự phân tích, dẫn giải, khôn khéo nhất là của Bernard Shaw và sâu xa là của Bergon. Những người theo quan điểm này cho rằng, những sự thay đổi nhỏ nhất, mà từ đó sự sống trên hành tinh này đã “tiến hóa”, từ sinh thể đơn sơ nhất đến Con Người, không phải do sự tình cờ, mà do bởi sự “tranh đấu” hay sự “đi theo một mục tiêu” của một Lực Sống.
Khi người ta nói như vậy, ta phải hỏi rằng khi nói đến Lực Sống, họ có muốn nói điều đó có tâm trí hay không. Nếu có, thì cái “tâm linh mà tạo dựng nên sự sống và làm cho trở nên hoàn mỹ hơn” chính thật là Thượng Đế, và như vậy quan điểm vũ trụ của họ cũng giống y như quan điểm Tôn Giáo. Nếu họ không cho rằng lực sống đó là tâm linh, thì có nghĩa gì khi nói rằng có một cái gì đó không có tâm trí “tranh đấu”, hay có “mục đích”? Theo tôi, điều này là một ngõ bí của quan điểm của họ. Một lý do mà nhiều người tìm thấy thuyết Tiến Hóa Sáng Tạo rất là hấp dẫn là vì đức tin ở Thượng Đế theo thuyết này đem đến người ta nhiều sự tiện lợi và dễ chịu trong tâm linh mà không có một sự đòi hỏi khó chịu nào. Khi mà bạn cảm thấy mạnh khỏe, và trời thì quang đãng, và bạn không muốn tin rằng cả vũ trụ chỉ là một sự hòa hợp máy móc của các nguyên tử, thì thật là sung sướng khi có thể nghĩ đến Quyền Lực vĩ đại huyền bí này, đã tiếp tục qua bao nhiêu thế kỷ và vẫn còn, nâng bạn lên tột đỉnh cao.
Mặt khác, nếu bạn muốn làm việc cẩu thả, thì Lực Sống này, vì chỉ là một lực mù quáng không trông thấy được, không có đạo đức và không lý trí, sẽ không bao giờ xen vào đời sống bạn, như là Đấng Thượng Đế hay gây rắc rối mà chúng ta đã học biết qua khi còn trẻ. Như vậy, lực sống giống như là một loài Thượng Đế được huấn luyện. Bạn có thể vặn lên khi bạn muốn, nhưng mà nó sẽ không làm phiền đến bạn. Nó có tất cả những sự rung động xao xuyến của tôn giáo mà không phải trả một giá cả nào. Phải chăng Lực Sống là thành quả to tát nhất của sự mơ mộng hão huyền mà thế gian chưa từng chứng kiến?
bottom of page