top of page

1.1 LUẬT NHÂN TÍNH

Hung Tran

Apr 19, 2024

Điều làm tôi để ý những câu nói này là, người nói không chỉ cho rằng cách cư xử của người kia không làm cho anh ta vừa ý...



PHẦN MỘT - ĐÚNG VÀ SAI LÀ ĐẦU MỐI Ý NGHĨA VŨ TRỤ


1.1 LUẬT NHÂN TÍNH.



Ai...

...cũng đã nghe người ta cãi nhau. Đôi lúc nghe buồn cười, đôi lúc nghe không hay ho gì cả. Tuy vậy tôi nghĩ rằng chúng ta học được một điều rất quan trọng qua những điều họ nói với nhau:

“Nếu người khác cũng làm vậy đối với anh thì anh thấy sao? - “Chổ này của tôi, tôi tới trước” - “Để yên anh ta, anh ta đâu có làm gì hại anh” - “Tại sao anh lại xô đẩy như vậy?” - “Cho tôi một chút cam của anh đi, tôi cho anh trước mà” -“Anh đã hứa rồi sao mà không làm?” Người ta nói những câu này hàng ngày, người có học cũng như người ít học, trẻ con cũng như người lớn.


Điều làm tôi để ý những câu nói này là, người nói không chỉ cho rằng cách cư xử của người kia không làm cho anh ta vừa ý, anh ta còn yêu cầu người kia hay có lối cư xử mực thước, mà anh ta nghĩ là người kia biết. Người kia cũng ít khi trả lời: “ Bỏ qua tiêu chuẩn của anh đi”. Hầu như luôn luôn anh ta cố gắng để chứng minh rằng, điều anh ta làm không đi ngược lại tiêu chuẩn đó, mà nếu có thì vì lý do đặc biệt nào đó. Vì lý do đặc biệt cho nên người dành ghế trước không được ngồi, hoặc lúc anh ta được cho miếng cam thì khác, hoặc anh ta không giữ đúng lời hứa vì có việc gì đó xảy ra. Hầu như cả hai bên cùng có trong đầu óc, và cũng đồng ý về một thứ luật giống như luật Đạo đức. Nếu không có sự đồng ý này thì dĩ nhiên họ có thể đánh nhau như thú vât, nhưng họ không thể cãi nhau. Cãi nhau để cố gắng chứng minh người kia sai. Không có lý do gì để cãi nhau trừ khi bạn và người kia đồng ý ĐúngSai là như thế nào; cũng giống như bạn không có nghĩa lý gì, khi nói một cầu thủ chơi sai, trừ khi có sự đồng ý về luật túc cầu.


Luật Đạo đức này trước kia được gọi là Luật Thiên Nhiên (Law of Nature). Ngày nay, khi nói về “Luật thiên nhiên”, chúng ta muốn nói về những thứ như trọng lực, sự di truyền, hoặc các định luật hóa học. Nhưng các tư tưởng gia, khi gọi Luật Đúng và Sai là “Luật thiên nhiên” (Law of Haman Nature). Theo họ, cũng giống như mọi vật đều bị tác dụng của trọng lực, và cơ quan có các luật thuộc sinh vật, thì con người cũng có luật riêng của họ - với một khác biệt lớn, đó là trong khi một vật thể không có sự chọn lựa để tuân theo trọng lực, con người có thể chọn để tuân theo hay chống lại Luật Nhân Tính.


Chúng ta có thể nói một cách khác. Con người ở mỗi lúc phải chịu chi phối bởi nhiều luật lệ khác nhau, nhưng con người có quyền tự do để không tuân theo một trong các luật lệ này. Vì có thân thể, con người phải chịu tuân theo trọng lực. Nếu bạn để anh ta lơ lững giữa từng không khí, anh ta phải rơi xuống như hòn đá. Là một sinh vật, con người cũng phải chịu các luật lệ thuộc sinh vật chi phối, giống như thú vật vậy. Nói chung con người phải chịu tuân theo những luật lệ áp dụng chung cho các loài khác; nhưng có một luật, do bản chất con người mà có, mà loài cầm thú, cây cỏ, hay các loài vô cơ không có được, mà con người có thể không tuân theo nếu muốn.


Luật này được gọi là Luật Thiên Nhiên, bởi vì người ta nghĩ rằng ai ai cũng biết nó theo bản tính tự nhiên mà không cần phải được dạy dỗ. Dĩ nhiên không phải là không có trường hợp ngoại lệ, giống như có người bị loạn sắc hay có người không thưởng thức được âm nhạc. Nhưng nhân loại nói chung cho rằng ý tưởng về lối cư xử hợp lệ là điều hiển nhiên ai ai cũng biết. Và tôi tin họ nghĩ đúng. Nếu không thì những gì chúng ta nói về chiến tranh là sai lầm. Bởi vì, không nghĩa lý chi hết khi nói rằng kẻ thù sai, trừ khi Đúng là điều hiển nhiên, mà người Đức Quốc Xã cũng hiểu rõ như vậy, và đáng lẽ cũng phải theo. Nếu họ không có ý niệm về những điều mà chúng ta cho là đúng, thì dù cho chúng ta phải chiến đấu với họ, chúng ta không kết tội họ được, giống như không kết tội họ được vì lý do màu tóc của họ.


Tôi biết có một số người cho rằng ý niệm kể trên về Luật Thiên Nhiên, hoặc về lối cư xử hợp lệ mà ai cũng biết, không được vững vàng lắm, vì các nền văn minh khác nhau và các thời đại khác nhau có các giá trị đạo đức khác nhau.


Nhưng nói như vậy không đúng. Có thể có sự khác nhau về giá trị đạo đức, nhưng những sự khác nhau này không hẳn là khác biệt hoàn toàn. Nếu ai chịu khó so sánh các nền đạo đức của các thời cổ như Hy-lạp, Ba-by-lôn. Hồi, Trung-hoa, Ai-cập và La-mã, thì điều đáng chú ý sẽ là tương đồng của các nền đạo đức này và với nền đạo đức chúng ta đang có. Tôi đã đưa ra một vài chứng cớ về điều này trong phần phụ lục của một quyển khác “Sự Tiêu Diệt Con Người“ (Abolition of Man) nhưng đối với mục đích hiện tại, tôi chỉ cần xin độc giả nghĩ đến một nền đạo đức khác biệt hẳn.

Hãy nghĩ đến một xứ mà người ta được thán phục vì bỏ hàng ngũ chạy trốn lúc đánh trận; hoặc một người cảm thấy hãnh diện vì đã phản bội tất cả những người đã đối xử tử tế với anh ta. Như vậy không khác gì chúng ta cố gắng tưởng tượng ra một xứ mà trong đó hai cộng hai là năm. Người ta có thể có ý niệm khác nhau về đối tượng ích kỷ chẳng hạn như không ích kỷ đối với gia đình mình mà thôi, hay với dân tộc mình, hay với tất cả mọi người.

Nhưng họ luôn luôn đồng ý là không nên để ta lên trên hết. Không ai phục tính ích kỷ. Người ta có ý kiến khác nhau về việc có một vợ hay bốn vợ. Nhưng họ luôn luôn đồng ý rằng ta không nên lấy bất cứ người đàn bà nào mình thích.


Nhưng điều đáng chú ý nhất là điều này. Khi nào bạn tìm được một người nói rằng, anh ta không tin luật Đúng và Sai là có thật, thì bạn sẽ thấy ngay anh ta đi ngược lại điều anh ta tuyên bố, Anh ta có thể không giữ lời hứa với bạn, nhưng nếu bạn không giữ lời hứa với anh ta thì anh ta ta sẽ than ngay rằng: “Không công bình”.

Một quốc gia có thể cho rằng các hiệp ước không quan trọng; nhưng liền sau đó, họ lại cho hiệp ước mà họ muốn vi phạm là hiệp ước không công bình. Nhưng nếu hiệp ước không quan trọng, nếu không có cái gọi là Đúng và Sai - nói một cách khác, nếu không có luật Thiên Nhiên - thì sự khác nhau giữa hiệp ước công bình và hiệp ước không công bình là thế nào? Phải chăng họ đã bị lộ, và dù họ biện hộ thế nào đi nữa họ cũng có biết về Luật Thiên Nhiên như tất cả mọi người khác.


Vì vậy chúng ta phải tin rằng Luật Đúng và Sai có thật. Nhiều khi có người lầm lẫn về luật này, cũng giống như có người làm toán sai vì học trật bản cửu chương chứ không phải vì thích hay không. Nếu chúng ta đồng ý về điều này, tôi xin đi đến điểm kế tiếp, đó là không ai trong chúng ta thật sự giữ được Luật Thiên Nhiên. Nếu có ai ở trong trường hợp ngoại lệ, tôi xin lỗi. Nếu vậy, những người này nên đọc các sách khác vì không có điều gì tôi nói ở đây hữu ích cho họ. Còn đối với những người bình thường còn lại:


Tôi mong bạn sẽ không hiểu lầm điều tôi sẽ nói. Tôi không giảng đạo, và Trời biết tôi không tự cho là tôi tốt hơn người khác. Tôi chỉ muốn kêu gọi sự chú ý đến một sự thật, sự thật là năm nay, tháng này, hay đúng hơn là ngày hôm nay chúng ta đã thất bại trong cư xử đối với người khác đúng như chúng ta muốn họ cư xử đối với chúng ta. Chúng ta đưa đủ mọi lý do để biện hộ hành động của mình.

Chẳng hạn như lần đó, khi bạn không công bình với mấy đứa con của bạn, là vì bạn mệt quá. Chuyện tiền bạc không được rõ ràng cho lắm đó - chuyện mà hầu như bạn đã quên mất rồi - chỉ xảy ra khi bạn bị túng quẫn. Và điều bạn hứa sẽ làm cho một người nào đó, mà chưa làm được - bạn biết là bạn đã không nên hứa, nếu bạn biết trước là mình bận rộn đến thế này. Rồi còn thái độ của bạn đổi với vợ bạn (hoặc chồng bạn), hoặc chị em (hay anh em) nếu tôi biết là họ khó chịu đến như vậy, thì tôi đã không làm, nhưng làm sao tôi biết được? Tôi cũng vậy mà thôi. Tôi muốn nói rằng, tôi không giữ được Luật Thiên Nhiên, và lúc nào có người nói là tôi không giữ được Luật Thiên Nhiên, và lúc nào có người nói là tôi không giữ được luật này, thì trong tâm trí tôi nảy ra bao nhiêu là lý do để bào chữa, lý do dài thườn thược như cán tay của bạn vậy.

Vấn đề ở đây không phải là những lý do bào chữa này có hợp lý không. Vấn đề là, đây là chứng cớ rõ ràng dù chúng ta có muốn chấp nhân hay không, chúng ta tin ở Luật thiên nhiên. Nếu chúng ta không tin ở lối cư xử đúng đắn, thì tại sao chúng ta lại cố bào chữa, khi đã không làm được điều mình muốn? Sự thật là chúng ta tin ở sự cư xử đúng đắn - đến độ chúng ta cảm thấy rằng Luật này đòi hỏi chúng ta phải làm như vậy - và chúng ta không chịu nhận là mình không làm được, cho nên chúng ta cố gắng để trút trách nhiệm nơi khác. Bạn để ý chỉ khi nào chúng ta làm sai thì chúng ta mới tìm cách giải thích. Chi khi nào chúng ta nóng nảy, thì chúng ta mới cho rằng mình mệt, hoặc lo, hoặc đói, còn khi chúng ta làm điều tốt, thì lại là do chính chúng ta tốt.


Đó là hai điểm mà tôi muốn nói. Trước hết, con người khắp trái đất có cái ý dị thường là họ phải cư xử theo một đường lối nào đó, mà không thể bỏ qua ý này được. Điều thứ hai, là họ không thực sự làm được điều này. Họ biết Luật Thiên Nhiên mà lại bất tuân luật này. Hai lẽ thật này là nền tảng của các ý niệm rõ ràng về chúng ta, và về vũ trụ chúng ta sống.



bottom of page