top of page
Hung Tran
Apr 18, 2024
Nhưng trọng tâm của niềm tin Cơ-đốc là chính cái chết của Đấng Christ để giúp chúng ta có mối liên hệ đúng với Thượng Đế...
PHẦN HAI - NIỀM TIN CƠ-ĐỐC
2.4 SỰ ĂN NĂN HOÀN TOÀN
Vậy...
...nên chúng ta đương đầu với một cái gì đáng sợ. Chúng ta đối diện với một Đấng mà hoặc giống như Ngài tuyên bố, hoặc là một ngươi điên, hoặc là cái gì hơn nữa. Đối với tôi, hiển nhiên là Ngài không điên, mà cũng không tàn ác và dù hậu quả có lạ, đáng sợ hay khó tin, tôi cũng chấp nhận rằng Ngài đã và đang là Thượng Đế đã đỗ xuống thế giới đang bị kẻ thù chiếm đóng này qua dạng một con người.
Bây giờ ta hãy xét đến mục đích của vấn đề. Ngài đến để làm gì? Dĩ nhiên là để dạy dỗ; nhưng nếu bạn đọc Tân ước, hay những sách khác bạn sẽ thấy một vấn đề khác thường được đề cập đến - đó là cái chết và sự sống lại của Ngài. Rõ ràng là Cơ-đốc nhân nghĩ đây là điểm chính yếu của câu chuyện. Họ nghĩ mục đích chính yếu mà Ngài xuống thế gian là để chịu thương khó và bị giết.
Trước khi trở thành Cơ-đốc nhân, tôi có cảm tưởng rằng điều đầu tiên người Cơ-đốc phải tin là lý thuyết đặc biệt về cái nghĩa lý của cái chết của Ngài. Theo thuyết này, Thượng Đế muốn trừng phạt con người về tội đã bỏ theo Kẻ Phiếm Loạn, nhưng Đấng Christ tình nguyện chịu bị trừng phạt thay, nên cho người được Thượng Đế tha tội. Tôi phải nhận rằng thuyết này đối với tôi không còn có vẻ đạo đức và kỳ dị như ngày xưa nữa; nhưng đây không phải là điểm tôi muốn nhấn mạnh. Tôi thấy rằng Cơ-đốc giáo không phải là lý thuyết này hay lý thuyết nào khác.
Nhưng trọng tâm của niềm tin Cơ-đốc là chính cái chết của Đấng Christ để giúp chúng ta có mối liên hệ đúng với Thượng Đế và giúp chúng ta bắt đầu trở lại một cách mới mẻ. Có nhiều lý thuyết khác nhau để giải thích vấn đề này. Mặc dù vậy, tất cả Cơ-đốc nhân đều đồng ý là sự chuộc tội này có thật. Tôi sẽ kể bạn nghe ý kiến của tôi. Bất cứ ai phân biệt được phải trái đều biết rằng, nếu bạn mỏi mệt và đói, bạn cần ăn cơm. Nhưng lý thuyết tân thời về thực phẩm - như về vitamin và chất pơ-rô-tê-in lại là chuyện khác. Người ta ăn cơm, thấy khỏe khoắn trước, rồi sau mới nghe đề cập đến lý thuyết về sinh tố: và nếu một ngày nào đó thuyết về sinh tố không còn áp dụng, người ta vẫn ăn cơm như thường.
Những lý thuyết về cái chết của Đấng Chrst không phải chính là Cơ-đốc giáo mà chỉ để giải thích cái chết của Ngài giúp ta thế nào. Không phải tất cả Cơ-đốc nhân đều đồng ý về sự quan trọng của những lý thuyết này. Anh-quốc giáo là giáo hội của tôi không cho rằng lý thuyết nào trong các lý thuyết này là lý thuyết đúng nhất. Giáo hội La-mã đi xa hơn một chút.
Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả đều đồng ý, là cái chết của Đấng Christ quan trọng hơn bất cứ sự giải thích nào về cái chết này. Tôi nghĩ chắc họ cũng công nhận rằng không có sự giải thích nào có thể sát với sự thật. Nhưng như tôi đã nói ở phần lời tựa của quyển sách này, tôi không phải là nhà thần học chuyên môn, và chúng ta gặp khó khăn ở điểm này. Tôi chỉ có thể cho bạn ý kiến của tôi mà thôi.
Theo tôi, bạn không phải chấp nhận những lý thuyết này. Phần đông các bạn có lẽ đã đọc các bài của Jeans hoặc Eddington. Khi họ muốn giải thích về nguyên tử hay các vấn đề tương tự, họ diễn tả các điều này để bạn có thể tự tạo một hình ảnh trong trí óc. Nhưng rồi họ lại cho bạn biết là hình ảnh này không phải là những gì khoa học gia tin theo.
Cái mà khoa học gia tin là công thức toán học. Những hình ảnh đó có thể giúp bạn hiểu công thức mà thôi. Những hình ảnh này không đúng đắn hẳn như công thức; những hình ảnh không cho bạn biết sự kiện xảy ra, nhưng chỉ là những cái gần giống vậy thôi. Chúng được dùng để giúp bạn, nhưng nếu chúng không giúp bạn, bạn có thể bỏ đi. Những sự xảy ra không thể nào được tưởng tượng bằng hình ảnh, mà chỉ có thể được diễn tả bằng toán học. Chúng ta cũng có hoàn cảnh giống vậy.
Chúng ta tin rằng, cái chết của Đấng Christ là một thời điểm lịch sử, mà một cái gì không tưởng tượng được từ bên ngoài hiện đến thế giới chúng ta. Và nếu chúng ta còn không tưởng tượng được các nguyên tử của thế giới chúng ta, thì dĩ nhiên chúng ta không thể nào tưởng tượng được điều này. Thực vậy, chắc chúng ta không thể hiểu được hoàn toàn - đều không thể biết được, không tạo ra được, điều từ bên trên của thiên nhiên, đánh mạnh xuống thiên nhiên như là sấm sét. Bạn có thể hỏi, có ích lợi gì cho ta nếu ta không hiểu. Nhưng dễ trả lời lắm. Một người có thể ăn cơm mà không cần hiểu thực phẩm nuôi dưỡng anh ta thế nào.
Một người có thể chấp nhận những gì Đấng Christ đã làm cho anh ta mà không cần hiểu thực phẩm nuôi dưỡng anh ta thế nào. Một người có thể chấp nhận những gì Đấng Christ đã làm cho anh ta mà không cần biết điều này xảy ra thế nào: thực vậy, anh ta sẽ không hiểu ra sao, cho đến khi anh ta chấp nhận.
Chúng ta được biết rằng Đấng Christ đã bị giết cho chúng ta, cái chết của Ngài rửa sạch tội lỗi của chúng ta, và qua cái chết của Ngài. Ngài làm cho sự chết không còn quyền năng nữa.
• Đó là công thức.
• Đó là Cơ-đốc giáo.
• Đó là điều phải tin.
Những lý thuyết mà chúng ta đặt ra để giải thích thành quả của cái chết của Đấng Christ, theo ý tôi chỉ là phụ thuộc: giống như những họa đồ, hoặc hình vẽ, nếu không giúp được thì ta hãy bỏ qua, và nếu có giúp được đi chăng nữa, cũng đừng nên lầm lẫn với điều trọng yếu. Dù sao đi nữa ta cũng nên xét một vài lý thuyết xem sao.
Lý thuyết mà phần đông ai cũng có nghe, là lý thuyết tôi vừa đề cập đến - lý thuyết về sự chúng ta được tha tội vì Đấng Christ đã tình nguyện chịu trừng phạt thay cho chính chúng ta. Mới thóang qua thì lý thuyết này có vẻ ngu xuẩn thật. Nếu Thượng Đế muốn tha tội chúng ta thì tại sao Ngài không làm vậy đi cho rồi? Lại trừng phạt một người vô tội thay thế để làm gì? Nếu bạn nghĩ đến lối trừng phạt theo tòa án thì không có lý chi hết. Mặt khác, nếu bạn nghĩ về một món nợ, thì có lý lắm, khi một người có tiền bạc trả nợ giùm cho người không có tiền. Hoặc nếu bạn hiểu điều “trả giá sự trừng phạt” không theo cái nghĩa bị trừng phạt nhưng theo nghĩa thông thường hơn như là giúp dùm, hoặc “bao hết cho” thì kinh nghiệm ai cũng có là nếu một người bị sa chân, kẻ cứu anh ta thường là người bạn hiền lành.
Bây giờ, con người đã “sa chân” như thế nào? Con người cố gắng tự sức mình mà sống, cư xử như là mình không thuộc ai khác. Nói một cách khác, con người sa ngã không chỉ là người bất toàn cần sửa đổi mà thật sự giống như kẻ phản động phải buông súng đầu hàng. Để súng xuống đầu hàng, ăn năn, nhận thức được là đã sai đường, và sẵn sàng để bắt đầu trở lại từ từng dưới chót - đó là lối duy nhất để thóat cảnh “sa chân”. Cuộc đầu hàng như vậy với hết tốc độ được Cơ-đốc nhân gọi là sự ăn năn. An năn không có gì thích thú hết.
Đó là điều khó khăn hơn là chỉ ăn bánh nhẫn nhục, nó có nghĩa phải cởi bỏ hết những tự phụ, những ý riêng, mà ta đã tự huấn luyện hàng ngàn năm rồi.
Nó có nghĩa là giết một phần của bạn, phải trải qua một loại chết. Thực sự, cần có người tốt lành để ăn năn. Đây là điểm khó. Chỉ người xấu xa cần ăn năn: nhưng chỉ người tốt lành mới ăn năn được hoàn toàn. Anh càng tệ, anh càng cần ăn năn và anh càng thấy khó làm. Người duy nhất có thể làm được hòan toàn, là con người hòan toàn mà lại không cần ăn năn.
Hãy nhớ sự ăn năn này, sự tùng phục để có được sự khiêm nhường và giống như chết này không phải là điều Thượng Đế đòi hỏi ở bạn trước khi Ngài chấp nhận bạn. Và Ngài có thể tha cho bạn nếu Ngài muốn: đây chỉ là một lối diễn tả về cuộc trở lại với Ngài. Nếu bạn xin Thượng Đế nhận bạn trở lại, mà không có ăn năn, là thực sự bạn yêu cầu Ngài cho bạn trở lại mà cũng như không. Không thể xảy ra như vậy được.
Vậy nên chúng ta cần đến sự ăn năn lại làm cho chúng ta không được làm. Chúng ta có làm được không nếu Thượng Đế giúp chúng ta? Vâng, nhưng khi chúng ta nói rằng Ngài để một chút gì của Ngài vào trong chúng ta. Ngài cho chúng ta mượn một chút quyền năng suy luận của Ngài và nhờ đó ta suy luận được Ngài để một chút tình yêu thương của Ngài vào chúng ta và nhờ đó ta yêu thương lẫn nhau. Khi bạn dạy một đứa bé tập viết bạn cầm tay nó khi nó viết chữ: Đó là nó viết ra những gì mà Ngài, với tính riêng của Ngài, không bao giờ cần phải làm hết - đầu phục, chịu khổ, thương khó, tuân lời, chết. Không có tính chất nào của Thượng Đế tương ứng với những điều vừa kể cả.
Con đường duy nhất mà chúng ta cần sự dẫn dắt của Thượng Đế nhất là con đường mà vì tính chất của riêng Ngài. Ngài chưa bao giờ đi cả. Thượng Đế chỉ có thể chia xẻ những gì Ngài có, còn thứ này, trong tính chất Ngài, Ngài không có.
Nhưng giả sử Thượng Đế trở thành một người - giả sử nhân tính của ta như sự chịu khổ và sự chết, được hợp thành với tính chất của Thượng Đế trong một người - người ấy có thể giúp ta. Ngài có thể đầu phục ý chí của Ngài, chịu khổ rồi chết, vì Ngài là con người; Ngài có thể làm một cách hoàn toàn là vì Thượng Đế. Bạn và tôi có thể làm được chỉ khi nào Thượng Đế làm trong chúng ta, nhưng Thượng Đế làm được chỉ khi nào Ngài trở thành con người. Cố gắng của chúng ta về cái chết này chỉ thành công, khi ta góp phần trong cái chết này, cũng giống như tư tưởng của chúng ta thành tựu được, là nhờ nó là giọt nước trong biển cả trí tuệ của Ngài; nhưng ta không chia xẻ với cái chết của Ngài trừ khi Ngài chết; và Ngài không chết được trừ khi ngài thành con Người. Đó là ý nghĩa của sự Ngài trả nợ giùm chúng ta, chịu khổ cho chúng ta dù rằng Ngài không cần phải chịu khổ gì hết.
Tôi có nghe người phàn nàn rằng nếu Jêsus vừa là Thượng Đế vừa là người, sự chịu khổ nhọc của Ngài, và cái chết của Ngài không còn có giá trị đối với họ, “bởi vì rất là dễ cho Ngài”. Nhiều người khác trách (rất đúng) thái độ vô ơn và không thanh nhã này; cái mà làm tôi không ngờ là sự hiểu lầm bày tỏ qua sự phản đối này. Trong một ý nghĩa, dĩ nhiên những người phản đối nói đúng.
Họ không hiểu rõ trường hợp của họ là trầm trọng đến độ nào. Sự tùng phục hoàn toàn, sự chịu khổ hoàn toàn, cái chết hoàn toàn không nhưng chỉ dễ dàng cho Jêsus vì Ngài là Thượng Đế nhưng chỉ có thể xảy ra được vì Ngài là Thượng Đế. Nhưng thật kỳ lạ lắm cho đứa bé vì thầy giáo lớn rồi và biết viết. Điều này, dĩ nhiên, làm cho việc viết chữ dễ cho ông thấy, và chỉ vì dễ hơn cho ông, nên ông có thể giúp đứa bé được. Nếu đứa bé không chịu ông giúp vì “dễ cho người lớn” và chờ để học viết từ một đứa trẻ khác cũng không biết viết, (và nó không có lợi điểm hơn), thì nó sẽ học chậm hơn. Nếu tôi đang bị chết đuối giữa dòng sông nước chảy mạnh, có người còn một chân trên bờ có thể cứu sống tôi được. Tôi có nên kêu lên rằng (giữa những hơi thở gần ngộp). “Không, không công bình! Ông có lợi thế! Ông còn một chân trên bờ” Lợi thế đó, gọi là “không công bình” nếu bạn muốn - là lý do duy nhất mà ông ta có ích cho tôi. Bạn tìm ở đâu để có sự giúp đỡ bây giờ, nếu bạn không tìm ở những nơi, ở những người mạnh mẽ hơn bạn?
Đó là cách mà tôi hiểu điều mà Cơ-đốc nhân gọi là sự Chuộc tội. Nhưng hãy nhớ đây chỉ là một hình ảnh khác mà thôi. Đừng làm đây là sự việc xảy ra thực sự, nếu nó không giúp được bạn, hãy bỏ nó đi.
bottom of page