top of page
Hung Tran
Apr 18, 2024
Công việc của mỗi giáo sư đạo đức là giúp chúng ta đi trở lại nhiều lần, nhưng nguyên tắc giản dị cũ kỹ mà không ai trong chúng ta muốn biết...
PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC
3. 3 ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI
Điểm...
...đầu tiên cần đề cập đến về mối liên hệ giữa người và người trong nền đạo đức Cơ-đốc là Đấng Christ đã không đem đến một nền đạo đức hòan toàn mới mẻ. Khuôn vàng của Tân-ước (Hãy làm cho người khác như bạn muốn được làm cho) tóm tắt những gì mà ai ai tự tận đáy lòng cũng đều biết là đúng. Những bậc chân đạo đức không bao giờ giới thiệu đạo đức mới: chỉ những người lường gạt hay quái gỡ mới làm như vậy. Tiến sĩ Johnson có nói: “Người ta cần được nhắc nhở thường xuyên hơn là được chỉ dạy.” Công việc của mỗi giáo sư đạo đức là giúp chúng ta đi trở lại nhiều lần, nhưng nguyên tắc giản dị cũ kỹ mà không ai trong chúng ta muốn biết; giống như đem con ngựa trở lại nhiều lần cái hàng rào mà nó không muốn nhảy, mà đem đứa trẻ trở lại nhiều lần bài học mà nó muốn tránh.
Điểm thứ hai cần hiểu rõ là Cơ-đốc giáo không có, và không tự cho là có, một chương trình chính trị đầy đủ chi tiết để áp dụng nguyên tắc “Hãy làm cho người khác như bạn muốn được làm cho“ trong một xã hội đặc biệt ở một thời điểm đặc biệt. Cơ-đốc giáo không thực hiện điều này, Cơ-đốc giáo áp dụng cho tất cả mọi người ở mọi thời đại, vì một chương trình đặc biệt, thích hợp đối với một nơi chốn và một thời điểm nào đó, sẽ không thích hợp cho một nơi khác hay thời điểm khác.
Dù sao đi nữa, đó không phải là phương cách áp dụng của Cơ-đốc giáo. Khi Cơ-đốc giáo dạy bạn cho kẻ đói ăn, Cơ-đốc giáo không dạy bài học về cách nấu ăn. Khi Cơ-đốc giáo khuyên bạn đọc Kinh Thánh, Cơ-đốc giáo không dạy bạn những bài học về tiếng Hê-bơ-rơ, hay tiếng Hy-lạp, hay ngay cả văn phạm Anh văn. Cơ-đốc gió không có ý định thay thế các môn nghệ thuật hay khoa học bình thường của con người Cơ-đốc giáo giống như người điều hành để những người khác làm việc đúng. Và là nguồn năng lực để ban cho tất cả mọi người một đời sống mới, nếu họ chịu phục tùng.
Người ta nói: “Hội thánh nên dẫn đầu” Lời nói này đúng nếu có ý hướng đúng, và sai nếu có ý sai. Khi nói Hội thánh người ta đề cập tới đoàn thể của những người Cơ-đốc thật. Và khi nói Hội thánh nên dẫn đầu, họ muốn nói là một cơ người Cơ-đốc có khả năng thích hợp nên là kinh tế gia hay chính trị gia, và tất cả các kinh tế gia hay chính trị gia đều là Cơ-đốc nhân hết, và những nổ lực chính trị và kinh tế của họ nên dồn vào việc thực hành câu: “hãy làm cho người khác như bạn muốn được làm cho”. Nếu như vậy, và nếu chúng ta là những người khác, sẵn sàng để đón nhận thì chúng ta sẽ tìm thấy giải pháp Cơ-đốc cho các nan đề xã hội một cách nhanh chóng.
Nhưng dĩ nhiên khi người ta đòi hỏi sự dẫn đầu của Hội thánh, nhiều người muốn giới tu sĩ đưa ra một chương trình chính trị. Đây là một đòi hỏi ngớ ngẫn. Giới tu sĩ là những người có vai trò đặc biệt trong Hội thánh nói chung, đã được huấn luyện đặc biệt, và biệt riêng ra để săn sóc chúng ta, là những tạo vật vẽ sống đời đời; và chúng ta lại đòi hỏi họ làm một công việc khác hẳn mà họ chưa được huấn luyện.
Công việc này thật sự tùy thuộc vào chúng ta, là những người Cơ-đốc không có huấn luyện thần học chuyên môn. Sự áp dụng những nguyên tắc Cơ-đốc đối với nghiệp đoàn thương mại hay giáo dục, phải được khởi xướng từ những người Cơ-đốc là hội viên của nghiệp đoàn hay là giáo sư: cũng như nền văn học Cơ-đốc phải xuất xứ từ các văn kịch sĩ Cơ-đốc - chứ không phải các giám mục nên nhóm họp lại và cố gắng viết kịch và sách trong thì giờ rỗi rãnh.
Dù sao đi nữa, sách Tân-ước cho chúng ta những dấu hiệu khá rõ ràng, mặc dù không đi vào chi tiết, về một xã hội Cơ-đốc hoàn toàn là như thế nào. Có lẽ Tân-ước cho chúng ta biết nhiều hơn là chúng ta có thể thu nhận được. Chúng ta được biết rằng trong xã hội đó sẽ không có người hành khất hay là người ăn bám: nếu một người không làm việc, người đó không được ăn. Mọi người phải làm việc với bàn tay của mình, và hơn thế nữa, các sản phẩm sẽ là những gì tốt lành: không có sự chế tạo những xa xí phẩm ngớ ngẫn, và cũng không có những quảng cáo ngớ ngẫn để thuyết phục chúng ta mua đồ. Rồi cũng không có sự “phô trương” hay “làm bộ vênh vang” và không có chuyện làm sao. Như vậy, một xã hội Cơ-đốc cũng giống như xã hội mà ngày nay chúng ta gọi là thiên tả.
Mặt khác, xã hội này nhấn mạnh vào sự vâng lời (và những dấu hiệu bên ngoài bày tỏ sự kính trọng) của mọi người đối với các quan toàn chính thức, của con cái đối với cha mẹ, và (tôi sợ là điều này không được phổ biến )của vợ đối chồng. Thứ ba nữa, xã hội này sẽ rất vui nhộn: đầy sự ca hát vui mừng và xem sự lo lắng, buồn phiền là sai. Sự lễ phép là một trong những đức tính Cơ-đốc, và sách Tân-ước ghét cái mà được gọi là “Láu táu xen vào chuyện người khác”
Nếu có một xã hội như vậy, và bạn cùng tôi đi thăm xã hội đó, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ ra về với một ấn tượng hiếu kỳ. Chúng ta cảm thấy đời sống kinh tế của xã hội đó thuộc xã hội chủ nghĩa, và trong ý nghĩ đó, “tiến bộ”, nhưng đời sống gia đình và quy tắc cư xử có vẻ cổ hủ - còn có phần quá theo nghi thức và thể chế quí tộc là khác. Mọi người trong chúng ta thích một phần nào đó của xã hội này, nhưng tôi sợ là không ai thích toàn bộ. Nhưng đó là điều không tránh được, nếu Cơ-đốc giáo là kế hoạch toàn vẹn cho con người.
Tất cả chúng ta rời kế hoạch toàn vẹn đó bằng nhiều cách khác nhau, và mỗi người đều muốn là bản sửa đổi kế hoạch nguyên thủy của chính mình là bản chính vậy. Bạn sẽ tìm thấy điều này nhiều lần như vậy đối với bất cứ vấn đề Cơ-đốc nào: mọi người đều thấy hấp dẫn bởi những phần nhỏ nào đó của Cơ-đốc giáo và chỉ muốn thu nhặt những phần đó mà thôi và bỏ đi phần còn lại. Đó là lý do tại sao chúng ta không đi xa hơn nữa được và vì vậy mà những người tranh đấu cho những vấn đề đối nghịch nhau đều nói rằng họ tranh đấu cho Cơ-đốc giáo.
Bây giờ thêm một điểm nữa. Dân Cổ Hy-lạp ngoại đạo, dân Do-thái trong thời Cựu-ước và những giáo sư Cơ-đốc nổi tiếng của thời Trung cổ có đưa ra một lời khuyên mà hệ thống kinh tế tân thời hoàn toàn bác bỏ. Tất cả những người nói trên dạy chúng ta rằng không nên cho mượn tiền lấy lời: và mượn tiền lấy lời - hay là đầu tư - lại là căn bản của hệ thống xã hội của chúng ta. Không phải như vậy là chúng ta sai. Có người nói rằng khi Môi-se và Aristotle và những người Cơ-đốc ngày xưa đồng ý về việc cấm lấy lời (họ gọi là “sự cho vay nặng lãi”, họ không thể thấy trước được các công ty chứng khoán cộng đồng, mà chỉ nghĩ đến những cá nhân cho vay tiền, và vì vậy chúng ta không cần bận tâm về những gì họ nói.
Đây là một câu hỏi mà tôi không thể quyết định được. Tôi không phải là một nhà kinh tế và tôi không biết là có phải hệ thống đầu tư chịu trách nhiệm về tình trạng cả chúng ta đang gặp phải hay không. Đây là điểm mà chúng ta cần đến nhà kinh tế Cơ-đốc. Nhưng tôi đã không thành thật nếu tôi không nói cho bạn biết rằng cả ba nền văn minh vĩ đại đã đồng ý (có vẽ như vậy) trong việc lên án chính cái điều mà trên đó chúng ta căn cứ toàn bộ đời sống của chúng ta.
Một điều nữa rồi tôi chấm dứt. Trong đoạn sách Tân ước nói về mọi người phải làm việc, lý do được đưa ra là “với mục đích anh ta có thể giúp kẻ thiếu thốn” Từ thiện - bố thí cho kẻ nghèo, là phần cốt yếu của đạo đức Cơ-đốc: trong ngụ ngôn đáng sợ về chiên và dê, điều này có vẻ là trọng điểm. Ngày nay, một số người cho rằng lòng từ thiện không cần thiết cho lắm, và thay vì bố thí cho người nghèo chúng ta nên tạo ra một xã hội mà trong đó không còn có người nghèo để cần bố thí cho. Họ có thể khá đúng khi nói rằng chúng ta nên tạo ra một xã hội như vậy. Nhưng, nếu ai lại nghĩ rằng, vì vậy nên có thể ngưng không bố thí trong khi chờ đợi, thì người này đã lìa bỏ tất cả nền đạo đức Cơ-đốc.
Tôi không tin rằng chúng ta có thể quyết định là nên cho bao nhiêu, tôi tin rằng cách an toàn duy nhất là cho nhiều hơn chúng ta có thể để dành. Nói một cách khác, nếu sự tiêu xài của chúng ta trên các phương diện tiện nghi, xa xí, vui chơi v.v...tương đương với tiêu chuẩn của nhữung người khác có cùng mức lợi tức như chúng ta, thì có thể chúng ta cho qúa ít. Nếu lòng từ thiện của chúng ta không kèm kẹp hay ngăn trở chúng ta chút nào hết, thì có lẽ lòng từ thiện của chúng ta qúa nhỏ. Chúng ta nên có những điều muốn làm và không thể làm được vì chúng ta đóng vào việc từ thiện. Tôi đang nói về “từ thiện” theo nghĩa thông thường. Những trường hợp khốn khổ đặc biệt giữa vòng quyến thuộc, bạn bè, láng giềng hoặc người làm công của bạn, mà Thượng Đế cho bạn thấy, có thể còn đòi hỏi ở bạn nhiều hơn nữa: Có thể làm cho địa vị của bạn bị lún bại và thiệt hại. Đối với nhiều người trong chúng ta, sự ngăn trở lớn nhất không cho chúng ta làm việc từ thiện không phải là mức sống sang trọng, hay là lòng ham muốn có thêm nhiều tiền của chúng ta, nhưng mà là sự sợ hãi của chúng ta - sợ sự không an toàn, sợ sự bấp bênh. Điều này thường phải được nhận thấy như là một sự cám dỗ, thử thách. Đôi khi lòng tự cao của chúng ta ngăn cản lòng từ thiện của chúng ta; chúng ta có khuynh hướng tiêu xài nhiều hơn là cần thiết trong những hình thức phô trương sự rộng rãi (cho tiền thưởng, đãi khách) và tiêu ít hơn là chúng ta nên chi tiêu để giúp những kẻ thật sự cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Bây giờ trước khi chấm dứt, tôi muốn mạo hiểm để đoán thử xem đoạn này ảnh hưởng đến người đọc như thế nào. Tôi đoán là những người thiên tả rất giận dữ vì vấn đề đã không đi xa đủ theo đường hướng đó, và những người đối lập cũng giận dữ vì họ nghĩ là đi quá xa. Nếu vậy, chúng ta gặp trở ngại thật sự trong công cuộc soạn thảo một kế hoạch cho một xã hội Cơ-đốc.
Phần đông chúng ta không thật sự tiến đến vấn đề với mục đích để xem Cơ-đốc giáo nói gì: chúng ta tìm đến với hy vọng tìm thấy rằng Cơ-đốc giáo ủng hộ quan điểm của đảng phái chúng ta. Chúng ta tìm kiếm đồng minh trong khi đó chúng ta lại gặp phải một thầy giáo - hay là một Quan Tòa. Tôi cũng vậy thôi. Có những phần trong đoạn này tôi đã muốn bỏ ra. Và vì vậy mà những bàn luận của chúng ta không đi đến đâu cả, trừ khi là chúng ta đi con đường vòng quanh dài hơn nhiều.
Một xã hội Cơ-đốc sẽ không đến, cho đến khi phần đông chúng ta thật sự muốn có xã hội này: và chúng ta không muốn có xã hội này cho đến khi chúng ta trọn vẹn trở thành Cơ-đốc nhân. Tôi có thể lặp đi lặp lại “Hãy làm cho người khác như bạn muốn được làm cho” cho đến khi tôi tím mặt lên đi nữa, tôi cũng không thực sự áp dụng, cho đến khi tôi yêu người cận của tôi như chính tôi cho đến khi tôi học để yêu thương Thượng Đế: và tôi không thể học để yêu thương Thượng Đế trừ khi tôi học để vâng phục Ngài. Và vì vậy như tôi đã cho bạn biết trước, chúng ta đi đến một cái gì thuộc về bên trong của con người nhiều hơn - đi từ vấn đề xã hội đến vấn đề tôn giáo. Bởi vì con đường vòng quanh dài nhất là con đường ngắn nhất để về nhà.
bottom of page