top of page
Hung Tran
Apr 18, 2024
Công việc của mỗi giáo sư đạo đức là giúp chúng ta đi trở lại nhiều lần, nhưng nguyên tắc giản dị cũ kỹ mà không ai trong chúng ta muốn biết...
PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC
3. 4 ĐẠO ĐỨC VÀ TÂM LÝ HỌC
Tôi...
...có nói rằng chúng ta không bao giờ có được một xã hội Cơ-đốc cho đến khi phần đông chúng ta trở thành Cơ-đốc nhân. Điều này dĩ nhiên không có nghĩa là chúng ta có thể thoái thác không làm gì hết cho xã hội, cho đến một ngày tưởng tuợng nào đó thật xã trong tương lai.
Điều này có nghĩa là chúng ta phải bắt đầu hai công việc ngay lập tức (1) Làm thế nào để nguyên tắc “Hãy làm cho người khác như bạn muốn được làm cho” có thể được áp dụng một cách chi tiết trong xã hội tân thời, và (2) làm sao trở thành người có thể áp dụng nguyên tắc trên, khi chúng ta biết cách. Bây giờ tôi muốn bắt đầu xét xem quan niệm Cơ-đốc về một người tốt là như thế nào - có thể gọi là đặc điểm Cơ-đốc cho guồng máy con người.
Trước khi vào chi tiết, có hai điểm tổng quát tôi muốn nói trước. Trước hết, vì đạo đức Cơ-đốc được cho rằng làkỹ thuật để làm guồng máy con người thành đúng trở lại, tôi nghĩ có lẽ bạn muốn biết kỹ thuật này liên hệ thế nào với phân tâm học, là một kỹ thuật khác được cho rằng có tác dụng tương tự.
Bây giờ bạn nên biết rõ ràng hai điều: Những lý thuyết y học thực dụng và kỹ thuật của các nhà phân tâm học, và quan điểm triết lý đại cương về thế giới mà Freud và một số các người khác đã nêu lên. Điều thứ hai hay là triết lý của Freud trái ngược với Cơ-đốc giáo một cách trực tiếp và cũng trái ngược trực tiếp với một nhà tâm lý học đại tài khác là Jung. Hơn nữa khi Freud nói về cách thức chữa bệnh cho những người bị bệnh loạn thần kinh, ông đứng cương vị của một nhà chuyên môn nói về môn học mà ông biết rõ, nhưng khi ông tiếp tục về triết lý đại cương thì ông đứng cương vị của một người tài tử.
Vì vậy rất là hợp lý nếu chúng ta chỉ chú trọng đến quan điểm của ông trong một trường hợp mà thôi - và đó là điều tôi làm ở đây. Tôi càng sẵn sàng làm như vậy vì khi ông ta ra ngoài chuyên môn của ông để nói về một môn khác mà tôi biết được chút ít (chẳng hạn như ngôn ngữ học) thì tôi thấy rằng ông không biết gì hết. Nhưng ngành phân tâm học thật, ngoài những triết lý được thêm vào của Freud và một số các người khác, thì không trái ngược với Cơ-đốc giáo chút nào. Kỹ thuật của ngành này có phần trùng hợp với đạo đức Cơ-đốc và nếu mỗi mục sư biết thêm về ngành này thì đó là một điều tốt: nhưng ngành này không đi cùng một chiều với đạo đức Cơ-đốc suốt đường, vì hai kỹ thuật có hai vai trò khác biệt nhau.
Khi một người chọn lựa nột hành động đạo đức thì có hai điều liên can đến sự chọn lựa nầy. Một là hành động chọn lựa. Hai là cảm xúc, các động lực khác thúc đẩy nhau v.v...do các yếu tố tâm lý học của người nầy mà ra, và những yếu tố nầy là những nguyên liệu để đưa đến sự chọn lựa. Những nguyên liệu nầy có thể thuộc hai loại. Hoặc là thuộc về loại bình thường: gồm những cảm xúc mà mọi người ai cũng có. Hoặc gồm những cảm xúc không tự nhiên do cái gì đó đã sai đi trong tiềm thức của người nầy.
Thí dụ của loại thứ nhất là sợ hãi đối vời những gì thực nguy hiểm: còn sự sợ hãi vô lý đối với mèo hay nhền nhện là thí dụ của loại thứ hai. Sự ham muốn của một người đàn ông dành cho một người đàn bà thuộc về loại thứ nhất: sự ham muốn sai lầm của một người đàn ông dành cho một người đàn ông khác thuộc loại thứ hai. Phân tâm học loại bỏ đi những cảm xúc bất bình thường, có nghĩa là giúp cho một người có những nguyên liệu tốt hơn để chọn lựa hành động: còn đạo đức thì quan tâm đến chính các hành động chọn lựa.
Nói như thế này, tưởng tượng ba người đàn ông đi đánh giặc. Một người có sự sợ hãi bình thường và tự nhiên mà ai cũng có, và anh ta cố trấnh áp bởi nổ lực đạo đức và trở thành một người can đảm. Chúng ta giả sử là hai người kia, vì những gì đã xảy ra trong tiềm thức của họ, lại có sự sợ hãi quá đáng và vô lý mà không một nỗ lực đạo đức nào có thể làm gì được.
Bây giờ chúng ta lại giả sử là một nhà phân tâm học chữa lành cho hai người này: nghĩa là ông ta giúp hai người này trở lại tình trạng bình thường của người thứ nhất. Đến đây, vấn đề phân tích tâm lý chấm dứt và vấn đề đạo đức bắt đầu. Bởi vì, bây giờ đã được chữa lành, hai người đàn ông này có thể có hành động khác nhau. Một người có thể nói: “May thay, tôi đã bỏ được hết những thứ đó rồi. Bây giờ, ít nhất tôi có thể làm được điều mà tôi luôn luôn muốn làm - bổn phận của tôi đối vói tổ quốc.” Nhưng người kia có thể nói thế này, “Ừm, tôi rất vui là bây giờ tôi thấy trầm tĩnh lại, nhưng dĩ nhiên ý định của tôi vẫn không thay đổi, là tôi lo cho Số Một trước cái đã và để cho anh kia làm việc nguy hiểm. Tôi không còn sợ quá nhiều nữa cũng tốt vì tôi có thể lo cho chính tôi được hiệu lực hơn, và có thể khôn khéo hơn trong chuyện giấu sự thật với người khác.”
Sự khác biệt này là sự khác biệt đạo đức hoàn toàn, và môn phân tâm học không thể làm gì được hết. Vì vậy dù chúng ta có cải thiện nguyên liệu của một người đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn còn một cái gì khác, đó là sự tự do chọn lựa của một người, để rồi với những vật liệu mà ông ta có, đặt lợi ích của anh ta trước hết hay là sau hết. Sự tự do chọn lựa này là điều duy nhất mà đạo đức quan tâm đến.
Vật liệu tâm lý xấu xa không phải là một tội lỗi, nhưng mà là một chứng bệnh. Nó không cần phải được ăn năn, nhưng cần được chữa lành và điều này là rất quan trọng. Con người, xét đoán nhau bởi hành động bề ngoài. Thượng Đế xét đoán họ bởi những sự chọn lựa đạo đức của họ. Khi một người mắc bệnh loạn thần kinh có sự sợ hãi kinh hoàng đối với với con mèo, vì một lýdo nào đó mà phải bắt một con mèo lên, thì có thể đối với Thượng Đế anh ta có nhiều can đảm hơn là một người lành mạnh được lãnh huy chương vì một hành vi can đảm.
Khi một người, đã lầm lạc từ thuở thơ ấu, và đã được dạy dỗ rằng sự độc ác là điều đúng, có những hành động tử tế nho nhỏ, hoặc cố gắng để không có những hành vi ác độc, và do đó có thể bị bạn bè cười chê, đối với Thượng Đế người này có thể được xem là cố gắng nhiều hơn tôi và bạn khi chúng chúng ta hy sinh chính đời sống mình cho một người bạn.
Chúng ta cũng có thể nói nguợc lại. Một số trong chúng ta, là những người có vẻ tốt lành tử tế, lại không tận dụng hết những gì tốt lành chúng ta thừa hưởng hay được dạy dỗ, đến nổi chúng ta có lẽ tệ hơn những kẻ mà chúng ta gọi là tàn ác. Chúng ta có biết chắc là mình cư xử như thế nào nếu có cái tâm lý bẩm sinh, gặp sự dạy dỗ không tốt, rồi cộng thêm quyền lực nữa, như trong trường hợp của Himmler không? Đó là lý do mà Cơ-đốc nhân chúng ta được dạy là chúng ta không được xét đoán. Chúng ta chỉ nhìn thấy kết quả của sự chọn lựa của một người từ nguyên liệu mà anh ta có.
Nhưng Thượng Đế không xét đoán anh ta dựa vào nguyên liệu, nhưng là trên căn bản những gì anh ta sử dụng những nguyên liệu đó. Phần lớn các trang bị tâm lý của một người có thể là do thân thể của người này mà ra: khi thân thể của người này chết, tất cả những thứ này cũng rớt xuống và con người bên trong, phần mà quyết định chọn lựa, đã có hành động tốt nhất hay xấu nhất từ vật liệu đó, sẽ đứng trần truồng. Nhiều thứ tốt lành mà chúng ta nghĩ là của chúng ta, nhưng thật sự là vì chúng ta có sự tiêu hóa tốt, sẽ rớt ra khỏi chúng ta: những thứ xấu xa do mặc cảm hay bệnh hoạn sẽ rớt khỏi những người khác. Rồi chúng ta sẽ thấy lần đầu tiên, mọi người thật sự là như thế nào. Sẽ có nhiều ngạc nhiên.
Điều này dẫn đến điểm thứ hai của tôi. Người ta thường nghĩ đến đạo đức Cơ-đốc như là một việc trả giá mà trong đó Thượng Đế nói rằng: “Nếu người giữ được nhiều luật lệ, Ta sẽ trọng thưởng người và nếu không Ta sẽ có hành động khác”. Tôi không nghĩ đây là cách tốt nhất để xét đến đạo đức Cơ-đốc. Tôi nghĩ tốt hơn để mà nói rằng, mỗi lần bạn chọn lựa, bạn làm cho phần trọng tâm của bạn, cái phần làm công việc chọn lựa, khác hơn một chút, và xét chung đời sống của bạn với bao lần chọn lựa, suốt cuộc đời bạn, bạn hoặc làm cho phần trọng tâm này chầm chậm trở thành một tạo vật của thiên đàng hoặc là của địa ngục: hoặc trở thành một tạo vật có sự hòa hợp cùng Thượng Đế, với các tạo vật khác và với chính nó, hoặc là trở thành một tạo vật ở tình trạng đang có chiến tranh và thù hằn với Thượng Đế, và với chính nó.
Trở thành một tạo vật trên đây là thiên đàng. Đó là sự vui mừng, bình an, kiến thức và quyền năng. Trở thành một loại khác có nghĩa là điền cuồng, kinh dị, đần độn, giận dữ, bất lực, và cô độc đời đời. Mỗi người trong chúng ta ở mỗi lúc tiến đến tình trạng này hay là tình trạng kia.
Điều trên đây giải thích cái mà ngày xưa luôn làm cho tôi thắc mắc về các tác giả Cơ-đốc; có lúc họ có vẻ như là rất gắt gao, rồi có lúc lại rất là tự do và dễ dãi. Họ nói đến những tội lỗi của tư tưởng như là những tội lỗi này quan trọng lắm. Rồi họ lại nói về những tội giết người và phản bội ghê gớm như là bạn chỉ cần ăn năn rồi được tha thứ. Nhưng rồi tôi thấy họ đúng. Điều mà họ luôn luôn nghĩ đến là dấu vết mà hành động đã để lại trên cái trọng tâm bé nhỏ của con người, mà không ai thấy được trong đời này, nhưng mà qua đó mỗi người trong chúng ta sẽ phải chịu dựng - hay là vui hưởng - mãi mãi.
Sự giận dữ của một người có thể làm đổ máu hằng ngàn người vì địa vị của anh ta, trong khi một người khác giận dữ đến đâu đi nữa cũng chỉ bị người ta cười mà thôi. Nhưng dấu hiệu để lại trên linh hồn của hai người có thể giống nhau rất nhiều. Cả hai đều đã làm một điều gì đó với chính mình mà, trừ khi ăn năn, sẽ thấy khó hơn để tránh giận dữ khi bị cám dỗ lần tới, và càng giận dữ hơn nữa nếu anh ta không tránh được cám dỗ này. Nếu cả hai thật tình đến với Thượng Đế sẽ đựợc sửa đổi cho đúng cái phần bị vặn vẹo ở trọng tâm của mỗi người: nếu không, mỗi người sẽ bị diệt vong về lâu về dài. Đứng nhìn bên ngoài, cái vĩ đại hay nhỏ bé của sự vật thật tình không quan trọng.
Một điểm sau cùng. Hãy nhớ rằng, như tôi đã nói, chiều hướng đúng không những dẫn đến sự bình an mà còn dẫn đến sự hiểu biết nữa. Khi một người trở nên tốt hơn, anh ta càng hiểu rõ hơn sự xấu xa vẫn còn ở trong con người anh ta. Khi một người trở nên tệ hơn, anh ta càng ít hiểu sự xấu xa của mình. Một người xấu vừa vừa biết là mình không được tốt: một người thật xấu nghĩ rằng mình tốt. Thực ra đây là điều dễ hiểu. Bạn hiểu về giấc ngủ khi bạn thức chứ không phải trong lúc bạn đang ngủ. Bạn thấy được lỗi trong bài toán khi trí óc bạn sáng suốt: khi bạn đang làm lỗi thì bạn không thấy được. Bạn hiểu tính chất của sự say sưa khi bạn tính, không phải lúc bạn đang say. Người tốt biết về điều thiện lẫn điều ác kẻ xấu không biết điều nào hết.
bottom of page