top of page
Hung Tran
Apr 18, 2024
Bạn có thể đã để ý rằng, con người thời đại này hầu như luôn luôn nghĩ đến điều đầu tiên mà bỏ qua hai điều kia...
PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC
3.1 BA PHẦN CỦA ĐẠO ĐỨC
Có...
...một câu chuyện kể về một em học sinh kia, khi người ta hỏi, đối với em , em nghĩ Thượng Đế như thế nào. Em trả lời rằng, theo em được biết, Thượng Đế là “người luôn luôn rình rập để xem hễ ai có hưởng thú vui thì ngăn chặn lại.” Tôi sợ rằng đó là ý nghĩ mà đạo đức gieo vào tâm trí của nhiều người là một cái gì can thiệp vào, ngăn chặn không cho bạn hưởng thú vui. Trên thực tế, luật đạo đức là đường hướng để chạy guồng máy nhân loại. Mọi luật đạo đức có sẵn đó để ngăn ngừa sự hư hại, hoặc sự căng thẳng, hoặc sự ma sát trong sự hoạt động của guồng máy này. Đó là lý do mà lúc đầu các luật này có vẻ như là luôn luôn xen vào những ý hướng tự nhiên của chúng ta.
Khi bạn học để sử dụng bất cứ loại máy móc nào, người hướng dẫn nhắc nhở luôn miệng. “Đừng không làm như vậy được,” và dĩ nhiên, có nhiều cách, thoạt xem có vẻ đúng, và đối với bạn là cách đương nhiên để sử dụng máy, nhưng lại không làm máy chạy được.
Một số người thích đề cập đến lý tưởng đạo đức hơn là luật đạo đức, và lý tưởng chủ nghĩa, đạo đức hơn là sự tuân theo đạo đức. Dĩ nhiên, nói đến sự hoàn hảo đạo đức là một “lý tưởng” thì cũng đúng, theo nghĩa là chúng ta không đạt được lý tưởng này. Như vậy, mỗi một cái gì hoàn hảo đối với con người ta đều là một lý tưởng, chúng ta không thể là những người lái xe hoàn toàn, hay là những người đánh quần vợt hoàn toàn, hay vẽ được những đường thẳng hoàn toàn.
Nhưng theo một nghĩa khác, gọi sự hoàn hảo về đạo đức là một lý tưởng là một sai lầm lớn. Khi một người đàn ông cho rằng một người đàn bà nào đó, hoặc một cái nhà hoặc một chiếc tàu hoặc một mảnh vườn, là “lý tưởng của ông” ông không muốn nói (trừ khi ông là một người ngu xuẩn) rằng những người khác nên có cùng một lý tưởng như ông. Trong những vấn đề như vậy, chúng ta có quyền có những ý thích khác nhau và như vậy, có những lý tưởng khác nhau. Nhưng rất nguy hiểm nếu chúng ta dùng từ ngữ một “người có lý tưởng cao” để tả một người cố gắng tuân theo luật đạo đức, bởi vì như vậy, bạn nghĩ rằng sự hoàn hảo về đạo đức là ý thích riêng của chính ông ta và chúng ta là số người còn lại không được chia xẻ lý tưởng đó.
Đó sẽ là một lầm lẫn tai hại. Có thể không ai đạt được lối cư xử hoàn hảo, cũng giống như không ai có thể đổi số một cách hoàn toàn khi lái xe, nhưng đó là lý tưởng cần thiết cho tất cả mọi người, do bản chất bộ máy con người mà ra, cũng như đổi số một cách hoàn toàn là lý tưởng đặt ra cho những người lái xe, bởi đặc tính của xe. Càng nguy hiểm hơn nếu có người tự cho mình là người có “lý tưởng cao siêu” vì không nói dối (thay vì một vài điều dối trá)và không bao giờ phạm tội gian dâm (thay vìphạm một đôi lúc) và không là người bắt nạt người khác (thay vì chỉ bắt nạt sơ sơ).
Điều này có thể làm cho bạn sinh ra tự mãn và nghĩ mình là con người đặc biệt, đáng được khen ngợi vì “lý tưởng” của mình. Trên thực tế, mỗi khi bạn làm một bài toán cộng bạn cũng mong được khen ngợi, vì bạn cố gắng để cộng cho đúng. Làm tính đúng là một “lý tưởng”, và thế nào bạn cũng lầm lỗi khi làm một vài bài nào đó. Nhưng cố gắng để làm toán đúng ở từng giai đoạn không có gì là đặc biệt cả. Không cố gắng mới là ngu xuẩn, vì mỗi cái lỗi sẽ gây khó khăn cho giai đoạn sau.
Cũng giống như vậy, mỗi thất bại đạo đức sẽ gây khó khăn cho người khác, và chắc chắn cho chính bạn. Thế nên, thay vì nói về “lý tưởng” và “chủ nghĩa lý tưởng”, chúng ta nên nói về luật lệ và sự vâng phục để nhắc nhở chính chúng ta về những điểm này.
Bây giờ chúng ta hãy đi thêm một bước xa hơn. Guồng máy con người có thể chạy sai bằng hai cách.
• Một là khi những cá nhân đi vơ vẫn cách xa nhau, hoặc đụng nhau và hại nhau, bằng cách giận dỗi hay bắt nạt.
• Cách thứ hai là khi ở trong một cá nhân có cái gì đó đí sai - khi các phần khác nhau của người này (các cơ quan hay những ham muốn khác nhau v.v...), hoặc là lìa xa nhau, hoặc can thiệp vào nhau. Bạn có thể hiểu rõ hơn nếu bạn nghĩ chúng ta là những con tàu đi thành đoàn.
Cuộc hành trình sẽ thành công, nếu thứ nhất, các con tàu không đụng nhau hay cản trở nhau và thứ hai, nếu mỗi chiếc tàu có thể chịu đựng cuộc hành trình được và có máy móc tốt. Thực ra hai điều vừa kể phải đi đôi với nhau. Nếu những chiếc tàu cứ đụng nhau thì không thể chịu đựng được cuộc hành trình lâu.
Mặt khác, nếu những cần số để lái không còn sử dụng được, thì các con tàu không thể tránh đụng nhau được. Hoặc là, nếu bạn muốn, hãy nghĩ đến loài người như là một ban nhạc đang chơi một điệu nhạc. Bạn cần có hai điều để được kết quả tốt. Nhạc cụ của mọi người chơi đều phải được thử cho đúng điệu, và mọi nhạc cụ phải đi vào cho đúng lúc, để đúng nhịp với tất cả những nhạc cụ khác
Nhưng có một điều chúng ta chưa nói đến. Chúng ta chưa hỏi là đoàn tàu đang đi về đâu, hoặc là ban nhạc đang chơi nhạc điều gì. Các nhạc cụ có thể đều đúng nhịp và vào nhịp đúng lúc với nhau. Nhưng buổi trình diễn cũng không thành công nếu ban nhạc được mướn để chơi nhạc khiêu vũ mà lại chơi những ban nhạc đám ma. Và cho dù những con tàu có thuận bườm đến đâu đi nữa cuộc hành trình cũng kể ra thất bại nếu nó định đi đến Nữu-ước mà lại đến Calcutta.
Thế nên, đạo đức liên hệ đến ba điều.
• Thứ nhất, sự công bằng và hòa hợp giữa những cá nhân với nhau.
• Thứ hai, đến cái gọi là sự làm cho sạch hay làm đông đều của những gì có trong mỗi cá nhân.
• Thứ ba, đến mục đích chung của đời sống con người: Con người được tạo dựng để làm gì; cả đoàn tàu nên đi hướng nào; nhạc trưởng muốn ban nhạc chơi điệu nào.
Bạn có thể đã để ý rằng, con người thời đại này hầu như luôn luôn nghĩ đến điều đầu tiên mà bỏ qua hai điều kia. Khi người ta nói trong báo chí rằng chúng ta cố gắng để đạt được những tiêu chuẩn đạo đức Cơ-đốc, họ thường muốn nói rằng các quốc gia, các giai cấp, các cá nhân nên cố gắng để đối xử tử tế công bằng với nhau, nghĩa là họ chỉ nghĩ đến điều đầu tiên.
Khi một người nói đến việc anh ta muốn làm, “chắc là không sai vì không làm hại ai” anh ta chỉ nghĩ đến điều đầu tiên. Anh ta nghĩ rằng phía bên trong chiếc tàu anh ta ra thế nào cũng được, miễn là anh anh ta không đụng đến chiếc tàu bên cạnh. Và khi chúng ta nghĩ đến đạo đức, nếu chúng ta bắt đầu bằng điều đầu tiên, tức là mối liên hệ xã hội, thì đó cũng là điều tự nhiên. Trước hết, vì hậu quả của đạo đức suy đồi trên phương diện này quá rõ ràng, và đè nặng trên chúng ta mỗi ngày: chiến tranh, nghèo khổ, hối lộ, sự gian dối, và việc làm hời hợt. Thêm nữa, một khi bạn nói đến điều đầu tiên, thì rất ít khi có sự bất đồng ý kiến về đạo đức. Hầu như mọi người ở mọi thời đại đều đồng ý (trên lý thuyết) rằng con người nên ngay thẳng, tử tế và giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng, mặc dù bất đầu ở điểm này là điều tự nhiên, nếu ý tưởng đạo đức của chúng ta dừng lại ở đó, thì cũng giống như chúng ta đã không suy nghĩ gì hết. Trừ khi chúng ta đi đến điều thứ hai, sự làm cho sạch bên trong mỗi con người - chúng chỉ lừa dối chính mình mà thôi.
Có ích lợi gì để chỉ dẫn cho các chiếc tàu làm thế nào để không đụng nhau, khi mà các chiếc tàu này tệ hại đến độ không lái được. Có ích gì mà viết ra đường lối cư xử trong xã hội, nếu chúngta biết rằng sự tham lam, nhút nhát, tính nóng nảy và sự tự lừa dối của chúng ta sẽ cản trở chúng ta không giữ được những luật lệ này?
Tôi hoàn toàn không muốn nói là chúng ta không nên hay nghĩ, và suy nghĩ nhiều, đến sự cải thiện hệ thống xã hội và kinh tế của chúng ta. Tôi chỉ muốn nói là suy nghĩ cũng vô ích thôi trừ khi chúng ta thấy rằng ngoại trừ sự can đảm và rộng lượng của cá nhân không có gì khác để làm cho một cơ cấu hoạt động được. Khai trừ một loại hối lộ hay đàn áp trong cơ cấu hiện tại thì không khó khăn; nhưng nếu con người còn là những người xảo trá, dọa nạt thì họ sẽ tìm cách để tiếp tục những trò chơi của họ trong cơ cấu mới.
Bạn không thể làm con người tốt lành bằng cách dùng luật pháp; và nếu không có con người tốt bạn không thể có một xã hội tốt. Vì vậy mà chúng ta phải nghĩ đến điều thứ hai: Đạo đức bên trong mỗi cá nhân.
Nhưng tôi cũng không nghĩ là chúng ta có thể dừng lại nơi đó. Chúng ta sắp đến cái điểm mà những niềm tin khác nhau về vũ trụ đưa đến các lối cư xử khác nhau. Nhưng có lẽ chúng ta nên dừng lại một chút trước khi đến điểm này, để nói về những phần đạo đức mà những người hiểu biết đồng ý với nhau. Nhưng chúng ta có thể làm như vậy được không? Hãy nhớ rằng tôn giáo góp phần bày tỏ quan điểm về sự việc xảy ra, và các quan điểm này hoặc đúng hoặc sai.
Nếu đúng, con đường đi đúng hướng của đoàn Tàu con người trong thí dụ trên đưa đến một số các kết luận: Nếu sai, những kết luận cũng sẽ khác đi. Thí dụ, chúng ta hãy trở lại vấn đề mà một người cho rằng nếu không làm gì hại ai thì không có gì sai. Anh ta biết là anh ta không nên làm hại những chiếc tàu khác trong đoàn, nhưng anh ta thành thật nghĩ rằng anh ta làm gì đối với con tàu của anh ta là việc riêng của anh ta. Nhưng phải chăng vấn đề sẽ khác đi rất nhiều trong hai trường hợp, một là nếu chiếc tàu của anh ta là tài sản của chính anh ta, hai là không phải như vậy?
Phải chăng vấn đề sẽ khác đi rất nhiều nếu tôi là chủ của tâm trí tôi, hoặc tôi chỉ là một người thuê có trách nhiệm đối với người chủ thật của tâm trí tôi? Nếu một người nào đó tạo dựng tôi với mục đích riêng của họ, thì tôi phải có một số các trách nhiệm, mà tôi sẽ không có nếu tôi thuộc về chính riêng tôi.
Cơ-đốc giáo xác nhận rằng mỗi cá nhân sẽ sống đời đời, và điều này phải một là đúng, hai là sai. Có nhiều điều mà tôi không cần bận tâm đến nếu tôi chỉ sống bảy mươi năm, nhưng tôi phải nên rất là quan tâm nếu tôi sống mãi mãi. Có lẽ tính nóng giận hay sự ghen tức của tôi càng ngày càng tệ - tệ từ từ thôi nên có tệ trong bảy mươi năm cũng không đáng chú ý.
Nhưng trong vòng một triệu năm thì sẽ giống như địa ngục. Thực vậy, nếu Cơ-đốc giáo đúng. Địa ngục là danh từ dùng để diễn tả tình trạng lúc đó. Sự bất tử còn tạo ra một sự khác biệt giữa chủ nghĩa độc tài và dân chủ. Nếu cá nhân chỉ sống có bảy mươi năm, thì một tiểu bang, một dân tộc, một nền văn minh quan trọng hơn cá nhân vì là những cái kéo dài không một ngàn năm. Nhưng nếu Cơ-đốc giáo đúng, thì cá nhân không những quan trọng hơn, mà tầm quan trọng này không thể so sánh được, vì cá nhân sẽ còn mãi mãi, còn đời sống của một tiểu bang hay một nền văn minh, so sánh với đời sống cá nhân chỉ là giây phút mà thôi.
Vì vậy, nếu chúng ta nghĩ đến đạo đức, chúng ta phải nghĩ đến cả ba phương diện, mối liên hệ giữa người và người; những gì ở bên trong con người: và mối liên hệ giữa con người với quyền năng tạo dựng ra con người. Chúng ta ai cũng có thể hợp tác đối với điểm đầu tiên. Điểm thứ hai đưa đến sự bất đồng ý kiến và điểm thứ ba đưa đến sự gây gỗ.
Ở điểm thứ ba, những khác biệt căn bản giữa đạo đức Cơ-đốc và các nền đạo đức không phải là Cơ-đốc, thể hiện ra rõ rệt. Phần còn lại của quyển sách này tôi sẽ đứng trên quan điểm Cơ-đốc, và quan sát toàn thể sự việc như thể Cơ-đốc giáo là đúng.
bottom of page