top of page

3.11 ĐỨC TIN (1)

Hung Tran

Apr 17, 2024

Đức tin là niềm tin tức là chấp nhận giáo lý Cơ-đốc là đúng...



PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC


3.11 ĐỨC TIN



Trong...

...chương này tôi sẽ nói về điều mà Cơ-đốc giáo gọi là Đức tin. Đại khái, người Cơ-đốc dùng chữ Đức tin để nói hai nghĩa khác nhau hoặc hai bình diện khác nhau, và tôi sẽ lần lượt đề cập đến hai nghĩa này. Trong nghĩa thứ nhất. Đức tin là niềm tin tức là chấp nhận giáo lý Cơ-đốc là đúng.

Điều này khá giản dị. Nhưng cái làm cho người ta thắc mắc - ít nhất là tôi đã thắc mắc trước đây - là Cơ-đốc nhân xem đức tin theo nghĩa này như là một đức tính. Trước đây tôi đã tự hỏi là tại sao có thể là một đức tính - tin hay không tin điều gì đó thì có gì là đạo đức hay vô đạo đức? Tôi đã thường nói rằng, khi một người biết suy nghĩ chấp nhận hay chối bỏ một lời phát biểu, đó không phải vì anh ta muốn hay không muốn chấp nhận, nhưng có thấy chứng cớ đủ tốt hay không. Nếu anh ta lầm lẫn về sự tốt hay xấu của các chứng cớ, điều này không có nghĩa anh ta là người xấu, nhưng mà chỉ vì anh ta không được thông minh. Nếu anh ta tin chứng cớ xấu, đó mới thật là ngu xuẫn.


Bây giờ tôi nghĩ là tôi vẫn giữ ý kiến kể trên. Những điều mà tôi đã không nhận thấy - mà nhiều người vẫn chưa thấy - là như sau. Tôi đã giả sử rằng một khi tâm trí con người chấp nhận một điều nào đó là đúng, thì cứ tiếp tục xem điều này là đúng, cho đến khi có lý do chính đáng để xét lại. Thực vậy, tôi đã giả sử là tâm trí con người hoàn toàn bị điều khiển bởi lý luận. Nhưng không phải vậy. Thí dụ, tôi được thuyết phục bởi chứng cớ chắc chắn rằng thuốc mê không làm tôi ngộp thở, và các bác sĩ giải phẫu chuyên nghiệp không bắt đầu giải phẫu cho đến khi tôi hòan toàn mê.

Nhưng sự hiểu biết này không thay đổi được điều xảy ra là khi họ đặt tôi lên bàn mổ và trùm mặt nạ ghê gớm lên mặt tôi, nỗi sợ hãi trẻ con vẫn dâng lên trong tôi. Tôi nghĩ là tôi sắp ngộp thở, và tôi sợ họ sẽ mổ xẻ tôi trước khi tôi mê. Nói một cách khác, tôi không còn tin tưởng ở thuốc mê nữa. Không phải lý trí làm cho tôi hết tin: ngược lại, lý trí làm tôi tin. Cuộc chiến là giữa đức tin và lý trí ở một bên và cảm xúc cùng trí tưởng tượng ở bên kia.


Nếu bạn suy nghĩ bạn sẽ thấy có nhiều trường hợp như vậy xảy ra. một người đàn ông biết rằng có bằng cớ chắc chắn là cô bạn xinh đẹp mà anh ta quen là một người nói dối, không giữ bí mật được, và không đáng tin; nhưng khi anh ta ở gần cô thì tâm trí anh ta không còn tin vào điều anh ta đã biết, anh ta bắt đầu nghĩ, “có lẽ lần này cô ta sẽ khác” và anh ta lại ngu xuẫn kể cho cô ta điều mà anh ta không nên kể. Lý trí và cảm xúc đã hủy diệt đức tin của anh ta vào những điều mà anh ta biết là đúng.

Hoặc xét trường hợp của một cậu bé học bơi. Lý trí cậu ta biết chắc chắn là người ta khi không được nâng lên thì không nhất thiết là bị chìm xuống nước: cậu ta đã nhìn thấy nhiều người nổi và bơi được. Nhưng vấn đề là cậu ta có tiếp tục tin như vậy không, khi huấn luyện viên buông tay ra để cậu một mình trong nước - hay là cậu thình lình không tin như vậy nữa, rồi sợ mà chìm xuống.


Điều tương tự như vậy xảy ra đối với Cơ-đốc giáo. Tôi không mời gọi ai chấp nhận Cơ-đốc giáo, nếu lý luận tốt nhất của anh ta đưa đến kết luận chống lại. Đây không phải là điểm mà Đức tin xen vào. Nhưng giả sử có người nhận thấy là chứng cớ thiên về sự chấp nhận. Tôi có thể cho người này biết là điều gì xảy ra cho anh ta trong vài tuần sau đó. Khi có tin chẳng lành, hoặc lúc anh ta gặp khó khăn, hoặc nếu anh ta ở giữa những người không tin, rồi cùng một lúc, cảm xúc của anh ta dâng cao lên và đức tin của anh ta bị đàn áp nặng nề.

Hoặc là có anh ta ham thích môt người đàn bà nào đó, hoặc muốn nói dối, hoặc tự thấy thỏa mãn với chính mình, hoặc thấy có cơ hội làm ra tiền bằng một cách không được lương thiện cho lắm: những lúc mà anh ta thấy rằng nếu Cơ-đốc giáo không đúng thì tiện cho anh ta biết mấy. Rồi thì những điều ao ước và ham muốn của anh ta lại đàn áp nặng nề. Tôi không nói đến những lúc mà anh ta có những lý luận mới mẻ chống lại Cơ-đốc giáo. Anh ta phải đương đầu với những lý luận đó và đây là một vấn đề riêng. Tôi muốn nói về những lúc mà tâm tánh thay đổi bất thường chống lại Cơ-đốc giáo.


Trong cái nghĩa mà tôi nói ở đây, Đức tin là nghệ thuật nắm giữ lấy những gì mà lý trí bạn đã một lần chấp nhận, dù tâm tánh của bạn có thay đổi. Vì tâm tánh sẽ thay đổi dù lý trí có quan điểm nào đi nữa. Tôi biết điều này qua kinh nghiệm của tôi. bây giờ tôi là người Cơ-đốc, có những lúc tâm tánh tôi thay đổi bất thường làm tôi không có gì chắc chắn hết: nhưng khi tôi chưa tin thì tâm tánh thay đổi bất thường đã làm tôi thấy Cơ-đốc giáo dễ nhận làm sao. Sự đối nghịch của tâm tánh thay đổi bất thường với con người thật của bạn thế nào cũng xảy ra.

Đó là lý do mà Đức tin là một đức tính cần thiết: trừ khi bạn sai khiến tâm tánh hay thay đổi bất thường của bạn “hãy cút đi” bạn khó là một người Cơ-đốc tốt, mà cũng khó là một người không tin bền vững, mà chỉ là một người lộn xộn thay đổi, với đức tin tùy thuộc vào thời tiết và trạng thái cơ thể (và tình trạng của sự tiêu hóa). Thế nên, người ta phải luyện tập Đức tin.


• Bước thứ nhất là nhìn thấy rằng tâm tánh bạn thay đổi bất thường. Bước kế đến là hãy để một khi bạn đã chấp nhận Cơ-đốc giáo, bạn suy ngẫm những giáo lý chính của Cơ-đốc giáo mỗi ngày. Đó là lý do mà cầu nguyện hàng ngày, đọc sách Cơ-đốc. Chúng ta phải luôn được nhắc nhở về những gì chúng ta tin.


Đức tin này, hay bất cứ đức tin nào khác, không được giữ luôn luôn sống động trong tâm trí con người một cách tự động. Nó phải được nuôi dưỡng. Và thực ra, nếu xét trường hợp của một trăm người mất đức tin Cơ-đốc tôi tự hỏi là có bao nhiêu người mất nó vì lý luận, sau một cuộc tranh luận thành thật? Phải chăng là phần đông đi xa dần dần.


• Bây giờ tôi phải nói về Đức tin theo nghĩa thứ hai, một ý nghĩa cao hơn, và đây là điều khó khăn nhất mà tôi đã cố gắng để làm từ trước đến giờ. Tôi muốn bắt đầu bằng cách trở lại đề tài Khiêm nhường. Chắc bạn còn nhớ tôi nói bước đầu tiên để đi đến sự khiêm nhường là biết mình kiêu ngạo. Tôi muốn nói thêm ở đây, bước kế tiếp là cố gắng thực hành những đức tính Cơ-đốc. Một tuần không đủ. Thường thường thì mọi sự hay trồi lặn trong tuần đầu. Hãy thử sáu tuần xem. Sau đó, nếu một người bị đi xuống hoàn toàn, hay là đi xuống thấp hơn lúc bắt đầu, người này sẽ khám phá một số sự thật về chính mình. Không ai biết được mình tệ đến dâu cho đén khi cố gắng hết sức để tốt lành.

Hiện thời đang có một quan điểm ngu xuẫn cho rằng người tốt lành không biết sự cám dỗ là gì. Điều này không đúng. Chỉ những người cố gắng chống trả sự cám dỗ mới biết cám dỗ mạnh mẽ đến bực nào. Cũng như bạn chỉ biết sức lực của quân đội Đức Quốc bằng cách chống trả lại, chứ không phải bằng cách chịu thua. Bạn biết được gió thổi mạnh đến đâu bằng cách đi ngược gió, chứ không phải bằng cách nằm xuống.

Một người chịu thua sự cám dỗ sau năm phút sẽ không biết là sự chống trả ra như thế nào sau một tiếng đồng hồ. Vì vậy mà những người xấu xa trên một phương diện nào đó, không biết gì nhiều về sự xấu xa. Họ sống một đời sống mà trong đó họ luôn luôn chịu thua. Chúng ta không bao giờ biết được sức mạnh của động lực ác độc trong con người chúng ta cho đến khi chúng ta cố gắng chống trả lại động lực này: và Đấng Christ, vì Ngài là người duy nhất không chịu thua sự cám dỗ, cũng là người duy nhất biết được trọn vẹn sự cám dỗ ra như thế nào. Ngài là người duy nhất biết rõ và biết hoàn toàn.

Vậy thì sao? Điều chính yếu chúng ta biết được khi cố gắng để thực hành các đức tính Cơ-đốc là chúng ta thất bại. Nếu có ý tưởng là Thượng Đế ra bài thi cho chúng ta, và chúng ta được điểm tốt vì chúng ta xứng đáng, thì phải xóa đi. Nếu có ý tưởng là đây là sự trả giá - là chúng ta làm tròn phần của mình trong khế ước với Thượng Đế, và vì Ngài mắc nợ chúng ta cho nên để cho công bình, Ngài làm tròn phần bên Ngài - thì cũng phải xóa đi.


Tôi nghĩ rằng ai mà có đức tin mơ hồ về Thượng Đế, trước khi trở thành người Cơ-đốc cũng đều có ý tưởng về kỳ thi hay là sự trả giá như trên. Cơ-đốc giáo thật đưa đến kết quả đầu tiên là làm cho ý tưởng trên sụp đổ hoàn toàn. Khi điều này xảy ra, một số người nghĩ rằng nó có nghĩa là Cơ-đốc giáo là một sự thất bại và họ bỏ qua. Họ nghĩ chắc Thượng Đế giản dị lắm. Nhưng dĩ nhiên Ngài biết hết những sự suy nghĩ này. Ý định của Cơ-đốc giáo là làm sụp đổ hoàn toàn ý tưởng trên. Thượng Đế đang chờ đợi giây phút mà bạn khám phá rằng thật sự không có vấn đề được điểm đậu trong kỳ thi, hay là Thượng Đế mắc nợ chúng ta đâu.


Rồi đến một sự khám phá khác. Cơ quan trong cơ thể của bạn, khả năng suy nghĩ, hay sự di chuyển của các bắp thịt, ở mỗi lúc đều là do Thượng Đế ban cho bạn. Nếu bạn dâng hiến hoàn toàn mỗi giây phút của cả đời sống bạn cho công việc của Thượng Đế thì là chỉ dâng cho Ngài tất cả những gì đã thuộc về Ngài mà thôi. Vì vậy khi chúng ta nói về một người làm việc gì đó cho Thượng Đế hay là dâng hiến gì đó cho Ngài, thì tôi thấy giống như thế này. Giống như một đứa trẻ đến nói với cha của nó rằng: “ba ơi, cho con sáu xu để con mua quà sinh nhật cho ba”. Dĩ nhiên là người cha sẽ cho và ông rất hài lòng về món quà của đứa bé. cũng tốt và đúng đó, nhưng chỉ có người ngu xuẩn mới nghĩ là người cha được lời sáu xu trong cuộc trao đổi này. Khi một người khám phá được hai điều vừa kể thì Thượng Đế mới có thể làm việc được. Sau đó thì đời sống thực sự bắt đầu. Người này bây giờ đang tỉnh thức. Bây giờ chúng ta có thể tiếp tục nói về Đức Tin theo nghĩa thứ hai.



bottom of page