top of page

3.12 ĐỨC TIN (2)

Hung Tran

Apr 17, 2024

Tôi đang cố gắng để nói về Đức tin theo nghĩa thứ hai là nghĩa cao hơn...



PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC


3.12 ĐỨC TIN



Tôi...

...muốn bắt đầu bằng cách nói một điều mà tôi muốn mọi người chú ý cẩn thận. Đó là nếu chương này không có nghĩa lý gì đối với bạn, nếu chương này có vẻ như cố gắng trả lời những câu hỏi mà bạn chưa từng thắc mắc, thì hãy bỏ đi. Đừng bận tâm về nó. Có một số vấn đề của Cơ-đốc giáo mà bạn từ ngoài nhìn vào có thể hiểu trước khi trở thành Cơ-đốc nhân. Nhưng có nhiều điều khác mà bạn không thể hiểu cho đến khi đi được một chặng đường Cơ-đốc. Những điều này là những điều hoàn toàn thực hành, mặc dù không có vẻ như vậy.

Đó là những huấn lịnh để theo khi gặp ngã tư đường hay chướng ngại vật trên đường đi, nhưng khó hiểu cho một người chưa gặp những khó khăn đó. Khi nào bạn thấy một lời nói nào trong sách Cơ-đốc mà bạn không hiểu, đừng lo. Hãy để yên đó. Có thể sau này, nhiều năm sau này, bạn sẽ thình lình thấu hiểu. Nếu người ta hiểu bây giờ, có thể chỉ có hại mà thôi.


Dĩ nhiên những điều trên đây cũng áp dụng cho chính tôi. Điều tôi cố gắng giải thích trong chương này có thể quá sức tôi. Có thể tôi nghĩ tôi đã đạt được, mà thực sự chưa. Tôi chỉ xin những người Cơ-đốc được soi sáng quan sát cẩn thận và cho tôi biết khi tôi đi sai và những người khác hãy dè dặt về những gì tôi nói - hãy xem đây là những điều có thể giúp đỡ được hơn là vì tôi biết chắc tôi nói đúng.


Tôi đang cố gắng để nói về Đức tin theo nghĩa thứ hai là nghĩa cao hơn. Tôi đã nói Đức tin theo nghĩa này có được sau khi một số người đã cố gắng hết sức để thực hành các đức tính Cơ-đốc và thấy rằng mình thất bại, và thấy thêm rằng dù có dâng cho Thượng Đế cái gì, thì cũng chỉ đang trả lại Ngài những gì đã thuộc về Ngài. Nói một cách khác, người này khám phá ra rằng mình bị phá sản. Bây giờ, một lần nữa, điều Thượng Đế quan tâm đến không phải là hành động của chúng ta. Điều Ngài quan tâm đến là chúng ta là những người có đức tính nào đó - là loại người mà Ngài muốn chúng ta trở thành - và liên hệ với Ngài theo một đường lối nào đó. Tôi không nói thêm “và liên hệ với những người khác theo một đường lối nào đó” vì điều này đã được gồm chung: nếu bạn có mối liên hệ với Ngài, bạn chắc chắn có mối liên hệ đúng với người khác, cũng giống như những căm xe của bánh xe nếu nằm đúng với trục xe và vành bánh xe, thì cũng nằm đúng với nhau.

Nếu một người còn nghĩ rằng Thượng Đế là người chấm thi ra bài thi để anh ta làm, hoặc là người đối lập trong sự trả giá - tức là nghĩ đến sự khiếu nại và phân tỏ giữa anh ta và Thượng Đế - anh ta chưa có được mối liên hệ đúng với Thượng Đế. Anh ta hiểu lầm về vấn đề anh ta là ai và Thượng Đế là ai. Và anh ta không thể có được mối liên hệ đúng, cho đến khi anh ta khám phá được sự phá sản của mình.


Khi tôi nói “khám phá” tôi muốn nói là thực sự tìm ra: chứ không phải theo kiểu thuộc lòng. Dĩ nhiên bất cứ đứa trẻ nào, nếu được dạy dỗ về tôn giáo, cũng có thể nói rằng chúng ta không có cái gì để dâng cho Thượng Đế mà đã chưa là của Ngài, và chúng ta cũng thất bại ngay trong việc dâng những gì thuộc về Ngài vì chúng ta muốn giữ một phần lại cho mình. Nhưng tôi nói về sự khám phá thực sự: có kinh nghiệm rằng những điều này là đúng.


Bây giờ, trong ý nghĩa đó, chúng ta không thể khám phá được sự thất bại của chúng ta trong việc tuân theo luật lệ của Thượng Đế, ngoại trừ chúng ta cố gắng tột bực (và rồi thất bại). Trừ khi chúng ta thật sự cố gắng, dù chúng ta có nói gì đi nữa, thì trong đầu óc chúng ta luôn luôn có cái ý tưởng nếu chúng ta cố gắng hơn nữa lần tới thế nào chúng ta cũng sẽ thành c ông trong việc trở nên hoàn toàn tốt lành.

Như vậy trong một nghĩa, con đường trở lại Thượng Đế là con đường cố gắng, cố gắng càng ngày càng hơn. Nhưng trong một ý nghĩa khác, sự cố gắng không bao giờ đem chúng ta về nhà. Tất cả mọi cố gắng này đưa chúng ta đến một giờ phút quan trọng, lúc mà chúng ta đến với Thượng Đế và nói “Chúa phải làm điều này. Con không làm được” tôi xin bạn đừng tự hỏi “tôi đã đến đó chưa?” Đừng ngồi xuống và bắt đầu lục soát tâm trí chính bạn để xem thời điểm đó đã đến chưa. Như vậy bạn có thể bạn đi sai đường. Thường thì khi những điều hệ trọng nhất trong đời sống xảy ra, chúng ta ít khi biết là điều gì đang xảy ra. một người không luôn luôn tự chủ. “À, tôi đang lớn lên đây”. Thường thường chỉ khi anh ta nhìn lại thì mới thấy điều gì đã xảy ra, và biết đó là “lớn lên”. Bạn cũng có thể thấy được điều này trong những việc đơn giản. Một người lo lắng để xem mình có sắp ngủ được hay không thì chắc là sẽ nằm thao thức. Cũng vậy, điều mà tô đang nói ở đây không xảy ra cho mọi người nhanh như chớp - như là đã xảy ra cho Phao-lô hay Bunyan: có thể xảy ra từ từ mà không ai có thể biết giờ nào hay năm nào. Điều quan hệ là đặc tính của sự thay đổi, chứ không phải là chúng ta cảm thấy thế nào khi sự thay đổi xảy ra. Sự thay đổi đi từ sự tự tin ở sức của chính chúng ta, đến điểm là chúng ta thấy tuyệt vọng không làm gì được hết và giao phó cho Thượng Đế.


Tôi biết là những chữ “giao phó cho Thượng Đế “ có thể bị hiểu lầm, nhưng ngay lúc này tôi để yên đó. Một người Cơ-đốc giao phó cho Thượng Đế có nghĩa là người này đặt hết sự tin tưởng vào Đấng Christ: tin tưởng rằng Đấng Christ bằng cách nào đó sẽ giúp người có được sự vâng phục hoàn toàn trên bình di ện con người mà Ngài đã có lúc Ngài giáng sinh cho đến lúc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá: rằng Ngài sẽ giúp cho người trở nên giống Ngài hơn, và trong một ý nghĩa, làm cho những khuyết điểm trở thành ưu điểm. Trong ngôn ngữ Cơ-đốc, Ngài chia xẻ “quan hệ làm con” của Ngài với chúng ta để chúng ta thành “con cái của Thượng Đế” giống như Ngài vậy: trong Sách IV tôi sẽ cố gắng để phân tích thêm ý nghĩa của những danh từ này. Nếu bạn muốn nói như trên, tức là Đấng Christ ban tặng một cái gì đó mà không cần đền đáp: thực sự Ngài ban tặng tất cả mà không cần đền đáp. Trong một ý nghĩa, cả đời sống Cơ-đốc bao gồm sự chấp nhận sự ban tặng phi thường này. Nhưng điều khó khăn là đạt đến cái điểm để thấy rằng tất cả những gì chúng ta đã làm và có thể làm thì không ra gì cả.

Điều chúng ta mong là Thượng Đế kể những ưu điểm của chúng và bỏ qua các khuyết điểm của chúng ta. Bạn có thể nói rằng trong một ý nghĩa, chúng ta không chiến thắng nói hay là chịu thua. Nhưng mà bạn không thể “ngưng cố gắng” một cách đúng và có lý do đúng, cho đến khi bạn đã cố gắng tột bực. Và, trong một ý nghĩa khác, giao mọi sự cho Đấng Christ không có nghĩa là bạn ngưng cố gắng Tin ở ngài dĩ nhiên có nghĩa là cố gắng làm tất cả những gì Ngài dạy. Không có nghĩa lý gì hết khi mà nói là bạn tin tưởng ở một người nào đó mà lại không làm theo lời khuyên của người này. Thế nên, nếu bạn thật sự đã giao phó chính bạn cho Ngài; thì là bạn thật sự cố gắng vâng phục Ngài. Nhưng mà là cố gắng theo đường lối mới, một đường lối ít lo lắng hơn. Không phải bạn làm những điều này để được cứu, nhưng mà vì Ngài đã bắt đầu cứu bạn rồi. Không phải hy vọng để lên Thiên Đàng như là phần thưởng cho các hành động của bạn, nhưng mà muốn hành động như vậy một cách tất nhiên, vì một phần nào của Thiên đàng đã ở trong bạn rồi, dù là còn mờ ảo.


Các Cơ-đốc nhân thường hay tranh luận về vấn đề là điều gì đem người Cơ-đốc về nhà, hành động tốt hay Đức tin ở Đấng Christ. Thật sự tôi không có thẩm quyền để phát biểu ý kiến về một câu hỏi khó đến như vậy, nhưng đối với tôi có vẻ giống như là hỏi xem phần lưỡi bên nào của một cái kéo là cần nhất. Sự cố gắng thực tâm là điều duy nhất sẽ đem bạn đến điểm bạn chịu thua. Đức tin ở Đấng Christ là điều duy nhất có thể làm bạn hết tuyệt vọng ở điểm đó: và qua đó, hành động tốt lành là kết quả tất nhiên. Có hai mô phỏng của lẽ thật, mà các nhóm Cơ-đốc khác nhau trong quá khứ đã lên án là những nhóm kia tin theo: có lẽ những mô phỏng này làm cho lẽ thật trở nên rõ ràng hơn. Một nhóm bị lên án là đã cho rằng: “Hành động tốt lành mới là đáng kể. Hành động tốt lành là làm từ việc từ thiện. Việc từ thiện tốt lành nhất là cho tiền. Cho tiền nhà thờ là tốt nhất. Vậy nên đưa cho chúng tôi 10000 đồng bảng Anh đi rồi chúng tôi sẽ giúp bạn”. Dĩ nhiên câu trả lời cho những lời vô lý vừa kể là hành động từ thiện có được với ý tưởng là Thiên Đàng có thể mua được, thì không phải là hành động tốt lành gì hết mà chỉ là một sự đầu cơ thương mại. Nhóm khác thì bị lên án là đã cho rằng, “Đức tin mới là đáng kể. Vì vậy nếu bạn có đức tin, bạn làm gì cũng không sao. Cứ phạm tội đi, hãy hưởng thụ đi, và đối với Đấng Christ kết quả về sau cũng vậy mà thôi.“ Câu trả lời cho những điều vô lý này là, nếu bạn xem “đức tin” của bạn ở Đấng Christ không có ý nghĩa là chú ý đến những gì Ngài dạy, thì đó không phải là Đức tin gì cả - không phải là đức tin và sự tin tưởng ở Ngài, mà chỉ là sự chấp nhận bằng trí thức những lý thuyết về Ngài mà thôi.


Kinh Thánh thực sự kết thúc vấn đề khi gồm hai điều kể trên trong cùng một câu phi thường. Phân nửa đầu là, “lấy lòng s ợ sệt run rẩy mà làm nên sự cứu chuộc mình” có vẻ như là tất cả mọi sự tùy thuộc vào chúng ta: nhưng phân nửa sau tiếp tục, “vì lấy chính Thượng Đế làm cảm động lòng anh em” - có vẻ như là Thượng Đế làm tất cả và chúng ta không làm gì cả. Tôi sợ rằng đó là điều mà chúng ta tìm thấy ở Cơ-đốc giáo. Tôi thấy khó hiểu, nhưng tôi không ngạc nhiên. Bạn thấy đó, chúng ta đang cố gắng để hiểu, và cố gắng để chia ra một cách rõ ràng những gì Thượng Đế làm và những gì con người làm, khi mà Thượng Đế và con người cùng làm việc với nhau.

Dĩ nhiên chúng ta bắt đầu bằng cách suy nghĩ chắc là cũng giống như hai người cùng làm việc với nhau, nên chúng ta có thể nói, “anh ta làm điều này và tôi làm điều kia”. Nhưng lối suy nghĩ này không đứng vững. Thượng dế không giống như vậy. Ngài ở trong bạn và cũng ở ngoài bạn: dù cho chúng ta biết là ai làm điều gì, tôi không nghĩ là ngôn ngữ con người có thể diễn tả được đầy đủ. Trong cố gắng để diễn tả các Hội thánh khác nhau nói những điều khác nhau. Nhưng bạn sẽ thấy rằng đến như nhưng người nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động tốt lành cũng cho bạn biết là bạn cần Đức tin; và những người nhấn mạnh về Đức tin bảo bạn hãy có hành động tốt lành. Dù sao đi nữa tôi chỉ bàn đến đây mà thôi.


Tôi nghĩ rằng tất cả các Cơ-đốc nhân sẽ đồng ý với tôi khi tôi nói rằng dầu cho lúc đầu Cơ-đốc giáo có vẻ như là về đạo đức, về bổn phận, luật lệ, tội lỗi và đức tính, nhưng rồi Cơ-đốc giáo dẫn bạn đi tới, từ những điều vừa kể, đến một cái gì đó cao hơn. Người ta thoáng nhìn thấy một đất nước mà nơi đó không ai nói về những điều này ngoại trừ có lẽ như là nói đùa.

Ở đó mọi người được đầy dẫy với điều chúng ta gọi là tốt lành, giống như cái gương chiếu đầy ánh sáng. Nhưng họ không gọi đó là điều tốt lành. Họ không gọi là gì cả. Họ không nghĩ đến điều đó. Họ mải mê bận rộn nhìn ngắm nguồn phát ra điều tốt lành này. Nhưng đây là gần tới giai đoạn mà con đường đi tới vượt quá bìa ngoài của thế giới chúng ta. Không một ai có thể trông thấy xa hơn nữa: tầm mắt của nhiều người có thể nhìn được xa hơn là mắt tôi.



bottom of page