top of page
Hung Tran
Apr 17, 2024
Ai cũng nói sự tha thứ là ý tưởng đáng yêu chuộng, cho đến khi họ cần phải tha thứ, như chúng ta đã phải làm trong thời kỳ chiến tranh...
PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC
3.7 SỰ THA THỨ
Tôi...
...có nói trong một chương trước rằng sự thánh khiết là đức tính Cơ-đốc ít được người ta ưa thích nhất. Nhưng tôi không chắc là tôi đúng. Tôi tin rằng đề tài tôi nói đến hôm nay có lẽ còn ít được người ta thích hơn nữa: đó là luật Cơ-đốc, “Hãy yêu thương người lân cận như yêu thương chính mình”. Vì trong đạo đức Cơ-đốc “người lân cận” gồm cả “kẻ thù”, cho nên chúng ta phải đối diện với cái bổn phận kinh khủng là tha thứ kẻ thù của chúng ta.
Ai cũng nói sự tha thứ là ý tưởng đáng yêu chuộng, cho đến khi họ cần phải tha thứ, như chúng ta đã phải làm trong thời kỳ chiến tranh. Lúc bấy giờ ai mà đề cập đến vấn đề đó thì bị đón tiếp bằng những lời la hết giận dữ. Không phải là người ta nghĩ đức tính này quá cao hay quá khó: họ nghĩ rằng nó đáng ghét và đáng khinh. Họ nói rằng: “Những chuyện đó làm cho họ buồn nôn”. Và phân nửa trong số các bạn cũng muốn hỏi tôi rằng “Tôi tự hỏi là ông cảm thấy thế nào về việc tha thứ Công An Đức Quốc Xã (gestapo) nếu ông là người Ba lan hay người Do-thái.”
Tôi cũng vậy. Tôi cũng đặt câu hỏi nhiều lắm. Khi mà Cơ-đốc dạy tôi rằng tôi không được chối bỏ tôn giáo của tôi, dù là để cứu tôi khỏi chết vì tra tấn, tôi cũng tự hỏi nhiều là tôi nên làm gì khi gặp cảnh đó. Trong sách này tôi không cố gắng để nói cho bạn biết là tôi có thể làm gì, tôi có thể làm được ít lắm. Tôi chỉ cho bạn biết Cơ-đốc giáo như thế nào. Tôi không chế tạo ra Cơ-đốc giáo đâu. Và ở trọng tâm của Cơ-đốc giáo tôi tìm thấy “Tha tội cho chúng tôi như chúng tôi tha những kẻ phạm tội cùng chúng tôi”. Không có mảy may gì là chúng ta được tha thứ bằng một cách nào khác. Rất rõ ràng rằng, nếu chúng ta không tha thứ, chúng ta sẽ không được tha thứ. Không có cách nào khác nữa. Chúng ta phải làm sao đây?
Dù sao đi nữa thì cũng rất là khó, nhưng tôi nghĩ là có hai điều chúng ta có thể làm để thấy dễ hơn, khi bạn bắt đầu học toán, bạn không bắt đầu học phép vi tích trước, bạn bắt đầu học tính cộng đơn giản. Cũng giống như vậy, nếu chúng ta thực sự muốn biết (nhưng mà tất cả đều tùy thuộc vào ý muốn thực sự) làm thế nào để tha thứ, có lẽ chúng ta nên bắt đầu với cái gì đó dễ hơn là Công An Đức Quốc Xã (Gestapo).
Người ta có thể bắt đầu bằng cách tha thứ cho chồng hay vợ, cha mẹ hay con cái, hay Hạ sĩ quan, về những gì họ làm hoặc nói trong tuần vừa qua. Như vậy cũng đủ để cho chúng ta bận rộn một lúc rồi. Thứ hai nữa, chúng ta có thể cố gắng tìm hiểu xem yêu thương kẻ lân cận như yêu thương chính mình có nghĩa là gì. Tôi phải yêu thương người khác như tôi yêu thương tôi. Tôi yêu thương tôi như thế nào?
Bây giờ có nghĩ đến tôi mới thấy là tôi không cảm thấy mến hoặc có thiện cảm gì đối với chính tôi cho lắm, và tôi cũng không luôn luôn thích thú với xã hội của riêng tôi. Cho nên, có vẻ là “yêu thương kẻ lân cận” không có ý nghĩa là “thấy thích kẻ lân cận” hoặc “thấy kẻ lân cận hấp dẫn”. Tôi đã nên nhận ra điều này trước đây bởi vì, dĩ nhiên, bạn không thể thích một người nào đó bằng sự cố gắng. Tôi có nghĩ tốt về tôi, thấy tôi là một người dễ thương không? À, tôi sợ là thỉnh thoảng tôi có nghĩ như vậy thật (không nghi ngờ gì, đó là những lúc dỡ nhất của tôi) nhưng đó không phải là lý do tại sao tôi yêu thương chính tôi.
Thật ra là ngược lại: vì tình yêu thương tôi mà tôi nghĩ tôi là người dễ thương, nhưng nghĩ tôi dễ thương không phải là lý do tôi yêu thương tôi. Vì vậy yêu thương kẻ thù của tôi cũng không phải là nghĩ rằng họ dễ thương. Thật là nhẹ nhõm, bởi vì nhiều người tưởng tượng rằng tha thứ kẻ thù của bạn phải có nghĩa là cho rằng họ không đến nỗi tệ như vậy, trong khi rõ ràng là họ tệ như vậy. Bây giờ đi thêm một bước xa hơn. Ở những lúc sáng suốt, không những tôi không nghĩ tôi dễ thương, mà tôi còn thấy tôi là người rất khó khăn nữa. Tôi có thể nhìn những gì mà tôi đã làm với sự hốt hoảng và ghê tởm. Vậy nên, có lẽ là tôi cũng được phép ghê tởm và ghét bỏ những điều mà kẻ thù tôi làm. Bây giờ nghĩ lại tôi mới nhớ là lâu lắm rồi các thầy giáo Cơ Đốc dạy tôi là phải ghét hành động của kẻ ác, nhưng không nên ghét kẻ ác: hoặc là, như họ thường nói, ghét tội lỗi nhưng không ghét người phạm tội.
Trải qua một thời gian lâu lắm tôi đã nghĩ đây là một sự phân biệt ngớ ngẫn: làm sao bạn có thể ghét cái điều một người làm mà lại không ghét người này? Nhưng nhiều năm sau đó tôi mới thấy là tôi đã làm điều này suốt đời tôi đối với một người - đó là chính tôi. Dù tôi có ghét bỏ sự nhút nhát, hay tính kiêu ngạo, hay sự tham lam của chính tôi đến thế nào đi nữa, tôi vẫn tiếp tục yêu thương chính tôi. Tôi chưa bao giờ thấy khó khăn gì hết trong vấn đề này. Thực ra, chính vì tôi yêu thương người có hành động mà tôi ghét bỏ hành động. Chỉ vì tôi yêu thương tôi, nên tôi tiếc rằng tôi lại là người làm những điều đó.
Vậy nên, Cơ-đốc giáo không muốn chúng ta giảm bớt sự ghét bỏ mà chúng ta có đối với sự ác độc cùng với sự phản bội chút nào. Chúng ta nên ghét bỏ những điều đó. Những lời chúng ta đã nói về những điều này không cần phải nói lại. Nhưng Cơ-đốc giáo muốn chúng ta ghét bỏ những điều này, giống như chúng ta ghét bỏ những gì chúng ta tìm thấy trong chính chúng ta: đáng tiếc là người đó đã làm như vậy, và hy vọng rằng, nếu có thể được bằng cách nào đó, một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, người này có thể sửa chữa và trở lại làm con người bình thường.
Sự thử nghiệm thực sự là như thế này. Giả sử một người đọc một câu chuyện về những việc tàn bạo ghê tởm nào đó trong một tờ báo. Rồi giả sử đó có những điều xảy ra cho thấy rằng câu chuyện không được đúng lắm, hoặc là không đến nỗi tệ hại như đã diễn tả trong báo. Cảm tưởng đầu tiên của người đọc là “Cảm ơn Chúa, họ không đến nỗi tệ như vậy” hay lại là một cảm tưởng thất vọng, hoặc đã hơn nữa, cố ý dựa vào câu chuyện lúc đầu để có sự khóai trá trong ý nghĩ là kẻ thù của mình thật là tệ quá? Nếu là cảm tưởng thứ hai thì tôi sợ đó là bước đầu của một quá trình mà nếu đi suốt đến cuối cùng, thì sẽ biến chúng ta thành ma quỷ. Bạn thấy không, người ta bắt đầu ước muốn là cái gì đen lại càng đen hơn. Nếu chúng ta dung dưỡng ước muốn đó, sau này chúng ta sẽ có ước muốn thấy xám thành đen, rồi trắng thành đen. Sau cùng, chúng ta sẽ cứ nghĩ rằng mọi người - kể cả Thượng Đế, và bạn hữu, và chính chúng ta nữa - cũng đều tệ hại như vậy, và chúng ta không thể không nghĩ như vậy được nữa: chúng ta bị đặt để vĩnh viễn trong một vũ trụ đầy thù hận.
Bây giờ đi một bước xa hơn. Yêu thương kẻ thù bạn phải chăng có nghĩa là không trừng phạt anh ta? Không đâu, bởi vì sự tôi yêu thương chính tôi không có nghĩa là tôi không để tôi bị trừng phạt - dù là có dẫn đến sự chết. Nếu một người đã phạm tội giết người, hành động Cơ-đốc đúng là đi nộp mình cho cảnh sát và chịu treo cổ. Thế nên, theo tôi, việc một quan tòa Cơ-đốc xét án xử tử một tội phạm, hoặc là việc một người lính Cơ-đốc giết một kẻ giặc thù đều là những hành động đúng cả. Tôi luôn luôn nghĩ như vậy, từ khi tôi trở thành một người Cơ-đốc, và lâu lắm trước khi chiến tranh xảy ra, và bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy, dù chúng ta đang ở trong thời bình. Không có ích gì hết để trích câu “người không được giết người”. Có hai chữ Hy-lạp: một chữ Thượng Đế nói sự giết và một chữ để nói sự cố sát. Khi Đấng Christ trích lời răn kể trên Ngài dùng chữ cố sát trong cả ba sách Tin Lành Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca.
Tôi được biết là tiếng Hê-bơ-rơ cũng có cùng sự phân biệt như vậy. Tất cả mọi sự giết người không đều là cố sát, cũng giống như không phải tất cả mọi sự giao hợp đều là gian dâm. Khi những người lính đến hỏi thánh Giăng Báp tít là họ nên làm gì, không có vẻ gì là ông khuyên họ nên giải ngũ: Đấng Christ cũng có cùng thái độ như vậy khi Ngài gặp một thượng sĩ trong quân đội La-mã - mà người ta gọi là thầy đội. Quan niệm về hiệp sĩ, tức là các Cơ-đốc nhân cùng hiệp lại để chiến đấu cho một chính nghĩa - là một trong những ý kiến Cơ-đốc duy nhất.
Chiến tranh là một cái gì thật kinh khủng, và tôi có thể phục nể một người theo chủ nghĩa hòa bình chân thật, mặc dù tôi nghĩ, người này hoàn toàn lầm lẫn. Cái mà tôi không thể hiểu là loại chủ nghĩa hòa bình nửa chừng của thời này, loại chủ nghĩa khiến người ta nghĩ rằng, mặc dù phải chiến đấu, bạn nên chiến đấu với bộ mặt dài, và giống như là bạn phải thấy xấu hổ vậy. Chính cảm tưởng như vậy cướp mất đi niềm vui và lòng chân thật, là kết quả tự nhiên của lòng dũng cảm, mà những quân nhân Cơ-đốc trẻ trong quân đội có quyền để có.
Lúc tôi phục vụ trong quân đội vào thế chiến thứ nhất, tôi vẫn thường tự nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu, tôi và một người thanh niên Đức giết nhau cùng một lúc, rồi không bao lâu sau khi chết lại tìm thấy nhau. Tôi không tưởng được là cả hai chúng tôi có người nào cảm thấy phẫn uất hay bối rối. Tôi nghĩ chúng tôi có thể cười nữa là khác.
Tôi tưởng tượng có người nào đó sẽ nói: À, nếu người ta được phép lên án hành động của kẻ thù, và trừng phạt hắn, và giết hắn, thì đạo đức Cơ-đốc khác với quan điểm bình thường như thế nào? “Khác thật là xa.” Hãy nhớ rằng người Cơ-đốc chúng ta nghĩ là con người sống đời đời. Vì vậy, cái mà thực sự quan trọng là những dấu hiệu, những khuynh hướng nho nhỏ ở chính giữa, ở bên trong linh hồn mà sau này sẽ làm cho linh hồn này trở nên một tạo vật của thiên đàng hay của địa ngục. Chúng ta có thể giết nếu cần thiết nhưng chúng ta không được thù ghét và thích sự thù ghét. Chúng ta có thể trừng phạt nếu cần, nhưng chúng ta không được ưa thích sự trừng phạt.
Nói một cách khác, cái gì đó trong chúng ta, cảm giác căm phẫn, cảm nghĩ là muốn trả thù, phải nên bị hủy diệt đi. Tôi muốn nói là bất cứ người nào cũng có thể quyết định ngay lúc này đây là bên trong mình không còn có cái gì đó vừa kể. Đó không phải là cách sự việc xảy ra. Tôi muốn nói là mỗi khi cái gì đó ngóc đầu lên, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, suốt đời sống của chúng ta, chúng ta phải đập đầu nó.
Không phải dễ đâu, nhưng cũng không phải là không thực hiện được. Dù khi chúng ta giết và chúng ta trừng phạt chúng ta phải cố gắng nghĩ về kẻ thù như là chúng ta về chính chúng ta vậy - tức là ước rằng anh ta không đến nỗi xấu xa, hy vọng rằng anh ta có thể, trên thế giới này hay ở một thế giới khác, được chữa lành: thực sư mong ước sự tốt lành cho anh ta. Đó là ý nghĩa của Kinh Thánh nói về sự yêu thương người khác: ước mong sự tốt lành cho anh ta, chứ không phải mến thích anh ta hay là nói rằng anh ta dễ thương khi mà anh ta không phải như vậy.
Tôi thừa nhận rằng điều này có nghĩa là chúng ta yêu thương những người mà tự họ không thể có vẻ gì đáng yêu hết. Nhưng mà chính mình có vẻ gì đáng yêu không? Bạn yêu bạn vì đó là chính bạn. Thượng Đế dự định chúng ta yêu thương tất cả mọi người cùng một cách và cùng một lý do: Ngài cho chúng ta biết kết quả của bài toán cộng đã làm được trong trường hợp của chính chúng ta, để chúng ta thấy là nên làm như thế nào. Rồi chúng ta tiếp tục mà áp dụng luật đó cho những người khác.
Có lẽ dễ hơn cho chúng ta, nếu chúng ta nhớ đó là cách Ngài yêu thương chúng ta. Không phải vì chúng ta có những phẩm chất tốt lành, hấp dẫn nào đó, mà chúng ta nghĩ là chúng ta có, nhưng chỉ vì chúng ta là những cái gì được gọi là bản ngã. Bởi vì thực sự, ngoài ra, trong chúng ta không có gì đáng để yêu thương hết: những tạo vật như chúng ta là những người thấy sự thù ghét là một điều thích thú mà cần phải bỏ đi cũng giống như là bỏ rươụ hay là bỏ thuốc lá...
bottom of page