top of page

3.8 MỘT TỘI LỖI LỚN

Hung Tran

Apr 17, 2024

Tính xấu xa mà tôi đang nói ở đây là Tính kiêu ngạo hay tính tự phụ: và tính đối lập, trong đạo đức Cơ-đốc, là tính khiêm nhường...



PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC


3.8 MỘT TỘI LỖI LỚN



Bây...

...giờ tôi đề cập đến một phương diện của đạo đức Cơ-đốc mà qua đó nền đạo đức Cơ-đốc có sự khác biệt rõ ràng với các nền đạo đức khác. Có một tính xấu mà không ai trên thế giới này tránh khỏi; tính mà ai cũng ghê tởm khi nhìn thấy ở kẻ khác; tính mà ít có người tưởng tượng rằng, ngoại trừ người Cơ-đốc, chính mình cũng vướng phải. Tôi đã nghe người ta công nhận rằng họ nóng tính, hoặc không giữ được sự điềm tĩnh đối với đàn bà, hay rượu chè, hay ngay cả sự nhút nhát.

Tôi không nghĩ là tôi có từng nghe ai, mà không phải là người Cơ-đốc, lại tự cho rằng mình phạm phải tính xấu tôi muốn bàn ở đây. Tôi cũng ít gặp ai, không phải là Cơ-đốc, có sự khoan dung đối với tính xấu này ở người khác. Không một lỗi lầm nào khác làm cho một người khó t hương hơn, và cũng không một lỗi lầm nào khác mà chúng ta thấy khó nhận ra như vậy ở chính mình. Nếu chúng ta càng có tính này thì chúng ta càng ghét tính này khi tìm thấy nơi người khác.


Tính xấu xa mà tôi đang nói ở đây là Tính kiêu ngạo hay tính tự phụ: và tính đối lập, trong đạo đức Cơ-đốc, là tính khiêm nhường. Chắc bạn còn nhớ khi tôi nói về đạo đức tính dục, tôi có nói trước cho bạn biết rằng trọng tâm của nền đạo đức Cơ-đốc không là ở đó. Bây giờ thì chúng ta đến trọng điểm đây. Theo những giáo sư Cơ-đốc thì tính xấu nhất, tai hại nhất là Tính Kiêu Ngạo. Tính dâm dục, giận dữ, tham lam, say sưa và những tính khác tương tự thật không đáng kể gì hết so với tính này: chính là Tính Kiêu ngạo mà ma quỷ trở thành ma qủy: Tính kiêu ngạo dẫn đến mọi tính xấu khác: đó là tâm trí hoàn toàn chống lại Thượng Đế.


Bạn có thấy tôi nói quá đáng không? Nếu có, xin hãy suy nghĩ xem. Tôi mới vừa nói là chúng ta càng kiêu ngạo, chúng ta càng ghét tính kiêu ngạo của người khác. Thật vậy, nếu bạn muốn biết bạn kiêu ngạo đến bực nào khi người khác sỉ nhục tôi, hoặc chẳng thèm để ý gì tới tôi, hoặc xen vào chuyện của tôi, hoặc xem tôi thấp kém hơn, hoặc khoe khoang? Vấn đề là tính kiêu ngạo của một người tranh đua với tính kiêu ngạo của mọi người khác. Vì tôi muốn người ta chú ý đến tôi trong bữa tiệc, mà tôi bực mình khi người khác được chú ý đến. Hai người trong một nghề không bao giờ đồng ý với nhau. Bây giờ điều mà bạn nên hiểu rõ là tính kiêu ngạo cốt yếu là tranh đua - đó là bản chất của nó - trong khi những tính xấu khác chỉ có tính cách tranh đua do sự ngẫu nhiên. Người kiêu ngạo không vui thú vì có cái gì đó, mà chỉ vui thú khi có nhiều hơn người khác. Chúng ta nói người ta kiêu ngạo vì được giàu có, vì khôn ngoan, vì xinh đẹp, nhưng không phải đâu. Họ kiêu ngạo vì giàu hơn, khôn ngoan hơn, xinh đẹp hơn những người khác. Nếu ai cũng trở thành giàu có, khôn ngoan hoặc xinh đẹp như vậy thì họ không có gì để mà kiêu ngạo nữa. Sự so sánh làm bạn kiêu ngạo: sự vui thích là mình hơn tất cả những người khác. Một khi yếu tố tranh đua không còn đó nữa thì sự kiêu ngạo là tranh đua, trong khi những tính khác không có vậy.

Sự xúc động dục tính có thể khiến cho hai người đàn dông tranh đua nhau, khi cả hai người thích cùng một cô gái. Nhưng đây chỉ là sự ngẫu nhiên; họ cũng có thể thích hai cô gái khác nhau. Nhưng một người đàn ông kiêu ngạo sẽ chiếm cô bạn gái khác nhau. Nhưng một người đàn ông kiêu ngạo sẽ chiếm cô bạn gái của bạn, không phải vì anh ta thích cô ấy, nhưng chỉ muốn chứng tỏ rằng anh ta hơn bạn.

Sự tham lam có thể khiến người ta tranh đua nhau nếu không có dư cái gì đó để chia ra; nhưng người kiêu ngạo, dù đã có hơn số anh ta muốn có, sẽ cố gắng để có thêm nữa để tỏ ra uy quyền của mình. Hầu hết những cái xấu xa của thế giới mà người ta cho là hậu quả của sự tham lam hay ích kỷ, đúng ra chính là hậu quả của Tính Kiêu ngạo.


Lấy thí dụ tiền bạc. Tính tham lam làm cho một người muốn có tiền để có ngôi nhà tốt hơn, để có chuyến nghỉ hè tốt hơn, và để ăn uống được ngon hơn. Nhưng chỉ đến một điểm nào đó thôi. Điều gì làm cho một người có lương 10 ngàn đồng bảng Anh một năm ao ước được 20 ngàn đồng bảng Anh một năm? Không phải lòng tham muốn có thêm sự vui thú. 10 ngàn đồng bảng Anh sẽ đem lại tất cả những xa hoa cho bất cứ người nào có thể vui hưởng thật sự. Đó là tính kiêu ngạo - ước muốn giàu hơn một người giàu nào đó, và còn hơn nữa, ước muốn để có uy quyền. Bởi vì, dĩ nhiên, uy quyền là cái mà tính kiêu ngạo ham thích: không có gì làm cho một người cảm thấy cao trọng hơn người khác khi anh ta có thể sai khiến người khác như họ là lính đồ chơi. Điều gì làm cho một cô gái đẹp gieo rắc sự khổ sở ở những nơi cô ta đến, bằng cách thu hút người ngưỡng mộ? Chắc chắn không phải là bản năng tính dục của cô ta: hạng gái như vậy thường là người lãnh đạm. Mà chính là sự Kiêu Ngạo, điều gì làm cho một nhà lãnh đạo chính trị hoặc cả một quốc gia cứ tiếp tục đòi hỏi hết chuyện này đến chuyện kia? Cũng là Tính Kiêu Ngạo. Đặc tính của sự Kiêu Ngạo là tranh đua: vì vậy mà Tính Kiêu Ngạo cứ tiếp tục còn mãi. Nếu tôi là một người Kiêu Ngạo thì nếu còn ai trên đời này mà uy quyền nhiều hơn, hay giàu có hơn hay khôn ngoan hơn tôi thì anh ta là đối thủ và là kẻ thù của tôi.


Người Cơ-đốc nói đúng: sự Kiêu Ngạo là nguyên nhân chính của sự đau khổ ở mọi quốc gia, và ở mọi gia đình từ thuở ban đầu. Các tính xấu khác có khi đem người ta đến với nhau: bạn có thể tìm thấy mối liên hệ tốt đẹp, các câu nói bông đùa vui vẻ và tình bạn tha thiết giữa những người say hay những người không thánh khiết. Nhưng Tính Kiêu Ngạo luôn luôn ra thù nghịch - nó là sự thù nghịch. Và không những thù nghịch giữa người với người mà còn là thù nghịch với Thượng đế.


Bạn sẽ thấy rằng Thượng Đế cao trọng hơn bạn nhiều quá trên mọi phương diện. Trừ khi bạn thấy như vậy, và do đó nhận biết rằng bạn không là gì cả khi so sánh với Ngài - bạn hòan toàn không biết Ngài. Nếu bạn vẫn còn kiêu ngạo, bạn không thể biết Thượng Đế. Một người kiêu ngạo luôn luôn nhìn xuống đồ vật và con người với sự khinh bỉ: và dĩ nhiên, trong khi bạn vẫn còn nhìn xuống, bạn không thể thấy được những gì ở trên cao hơn bạn.


Điều này nêu lên một câu hỏi kinh khủng. Làm thế nào những người rõ ràng là đầy Kiêu Ngạo lại có thể nói rằng họ tin ở Thượng Đế, và có vẻ rất sùng đạo? Tôi sợ rằng như vậy có nghĩa là họ thờ một Thượng Đế tưởng tượng. Trên lý thuyết, họ nhận rằng họ không là gì cả đối với Thượng Đế ảo tưởng này, nhưng mà, thực sự, luôn luôn họ nghĩ rằng Ngài hài lòng về họ lắm cũng cũng coi họ tốt lành hơn những người thường: nghĩa là họ có sự khiêm nhường tưởng tượng đáng giá một cắc đối với người khác, để rồi có sự Kiêu Ngạo đáng giá một đồng đối với người khác.

Tôi nghĩ là Đấng Christ nghĩ đến những người này khi Ngài nói rằng, một số người sẽ giảng về Ngài, và đuổi quỷ trong danh Ngài, để rồi vào ngày sau rốt Ngài cho họ biết là Ngài chẳng từng biết họ là ai. Và bất cứ lúc nào ai trong chúng ta cũng có thể sa vào cạm bẫy này. May mắn thay chúng ta có cách để thử nghiệm. Lúc nào chúng ta thấy đời sống đạo của mình làm cho chúng ta thấy là mình tốt lành - nhất là chúng ta thấy mình tốt lành hơn người khác - tôi nghĩ chúng ta có thể biết chắc là ma quỷ đang có hoạt dộng trong chúng ta, chứ không phải Thượng Đế. Cách để biết là bạn có đang ở trong sự hiện diện của Thượng Đế không, là bạn hoặc quên chính mình đi hoặc thấy mình là cái gì nhỏ bé, dơ bẩn. Tốt hơn là quên mình đi.


Điều kinh khủng là tật xấu nhất của mọi tật xấu lại lén lút vào được trong tận đời sống tôn giáo của chúng ta. Nhưng bạn có thể thấy được lý do tại sao. Những tật xấu khác, ít xấu hổ, có được là do ma quỷ làm việc qua bản tính thú vật của chúng ta. Nhưng tật xấu này không xuất phát từ bản tính thú vật của chúng ta. Nó đến thẳng từ Địa Ngục. Nó hoàn toàn thuộc về tinh thần: vì vậy mà nó quỷ quyệt và ghê gớm hơn nhiều. Vì lý do đó mà sự Kiêu Ngạo được sử dụng để trị những tật xấu khác giản gị hơn. Thực vậy, các thầy giáo thường dùng Tính Kiêu Ngạo của một cậu bé, mà họ gọi là tính tự trọng của cậu ta, để làm cho cậu ta cư xử đàng hoàng hơn: có người thắng được sự nhút nhát, hay sự ham muốn hay tính nóng giận bằng cách nghĩ rằng những tật xấu này không xứng đáng với tư cách của anh ta - đó là, bằng tính kiêu ngạo. Ma quỷ cười, hắn ta hoàn toàn thỏa mãn để thấy bạn trở nên thánh khiết, can đảm và có sự tự kiềm chế, miễn là trong suốt thời gian đó hắn ta có thể lập bạn lên làm Nhà Độc Tài Kiêu Ngạo - cũng giống như là hắn ta rất thỏa mãn để thấy chứng bịnh sưng tay chân vì lạnh của bạn được chữa lành, miễn là để bù lại hắn ta có thể cho bạn mắc bịnh ung thư. Bởi vì, Tính Kiêu Ngạo là một bịnh ung thư thuộc linh: nó ăn dần mòn chính tình yêu thương, hoặc sự hài lòng hoặc ngay cả ý thức xét đoán.


Trước khi qua đề tài khác tôi phải đề phóngg để tránh một vài sự hiểu lầm:


(1) Sự thích thú khi được khen ngợi không phải là kiêu ngạo. Đứa bé được vỗ vai vì làm bài giỏi, người đàn bà được người yêu ca tụng về vẻ đẹp của mình, linh hồn được cứu mà Đấng Christ phán là “Tốt lắm” thấy vui và nên như vậy. Vì ở đây sự vui mừng không do bạn là ai nhưng do bạn đã làm hài lòng người mà bạn muốn (và muốn một cách đúng) làm vừa lòng. Điều rắc rối xảy ra khi bạn đi từ ý nghĩa “tôi đã làm người ấy hài lòng, tốt quá” đến ý nghĩ “mình phải là người khá lắm mới làm được như vậy”. Bạn càng thấy vui vì chính mình hơn là vì lời khen ngợi thì bạn càng tệ đi. Khi bạn thấy vui hoàn toàn vì chính mình, mà không thiết gì đến lời khen tặng nữa thì lúc đó bạn đã xuống chót. Vì vậy mà sự tự đắc, mặc dù là loại Tính Kiêu Ngạo dễ thấy nhất, thực sự là ít xấu nhất và dễ tha thứ nhất trong các loại tính kiêu ngạo. Người tự đắc muốn được người ta khen ngợi, tán thưởng, thán phục nhiều và luôn luôn tìm kiếm những sự này. Đây là một điều lầm lỗi, nhưng là một lầm lỗi trẻ con, và có th ể được xem là (trong một ý nghĩa hơi lạ) một lầm lỗi nhún nhường. Nó chứng tỏ rằng bạn chưa hoàn toàn thỏa mãn với lòng thán phục của chính mình. Bạn xem trọng người khác đủ để muốn họ nhìn đến bạn. Bạn vẫn còn có tính của con người bình thường. Tính Kiêu Ngạo đen tối và ác nghiệt thực sự xuất hiện khi bạn khinh bỉ người khác đến độ bạn không cần biết họ nghĩ gì về bạn nữa. Dĩ nhiên sự không để ý đến người khác nghĩ gì về chúng ta là đúng, và nên làm như vậy với lý do chính đáng; đó là vì chúng ta để ý nhiều hơn đến điều Thượng Đế nghĩ gì về chúng ta. Nhưng người kiêu ngạo có lý do khác để không thèm để ý đến. Anh ta nói “Tại sao tôi lại phải để ý sự tán thành của đám người ngu xuẩn đó, làm như là ý kiến của họ đáng giá lắm vậy? Và dù cho ý kiến họ có giá trị đi nữa, tôi có phải là loại người mà dễ đỏ mặt vui lòng vì một lời khen ngợi, cũng giống như một cô bé ở buổi khiêu vũ đầu tiên, hay không? Không đâu, tôi là một người lớn. Những điều tôi đã làm, tôi làm để thoả mãn lý tưởng của chính tôi, hoặc là lương tâm nghệ thuật của tôi - hay là truyền thống của gia đình tôi - hoặc là, nói tóm lại, tôi là Loại Người Như Vậy. Nếu mấy người đó thích, để họ thích. Họ không là gì đối với tôi cả.” Như vậy tính kiêu ngạo hết mực này còn kềm chế sự tự đắc nữa; bởi vì như tôi vừa nói ở trên, ma quỷ thích chữa lành một lỗi lầm nhỏ để thay vào đó một lỗi lầm to. Chúng ta phải cố gắng để đừng tự đắc, nhưng chúng ta đừng bao giờ dùng tính kiêu ngạo để chữa trị tính tự đắc.


(2) Trong tiếng Anh chúng ta có lối nói rằng một người “hãnh diện” về cậu con trai, hoặc về người cha, trường học, hay trung đoàn của mình và chúng ta có thể hỏi, phải chăng sự “hãnh diện” trong ý nghĩa này là một cái tội. Thường thì trong những thí dụ vừa kể “hãnh diện” có nghĩa là “có sự thán phục nhiệt thành”. Dĩ nhiên, sự thán phục như vậy khó có thể là một cái tội được, nhưng cũng có thể là người đang nói làm cao về người cha nổi tiếng của mình, hoặc là vì anh thuộc một trung đoàn nổi danh. Nếu vậy thì đây rõ ràng là một lầm lỗi; nhưng dù vậy, cũng đỡ hơn là hãnh diện vì chính anh ta. Yêu thích và thán phục bất cứ cái gì đó ngoài chính bạn là đi được một bước ra khỏi sự đổ nát về tinh thần hoàn toàn; mặc dù chúng ta vẫn còn yêu thích và thán phục cái gì khác hơn là yêu mến và thán phục Thượng Đế.


(3) Chúng ta đừng nên nghĩ rằng sự kiêu ngạo là điều mà Thượng Đế cấm vì Ngài bất bình về nó, hoặc là sự khiêm nhường là điều Ngài đòi hỏi vì nó xứng đáng với sự cao trọng của Ngài - giống như là chính Thượng Đế cũng kiêu ngạo. Ngài khôn quan tam gì đến sự cao trọng của Ngài hết. Vấn đề là Ngài muốn bạn là hai loại khác nhau có cùng bản tính, và khi bạn tiếp xúc với Ngài, bạn thực sự trở thành khiêm nhường - khiêm nhường một cách vui sướng, cảm thấy nhẹ nhàng vô cùng vì trút bỏ được tất cả những chuyện phi lý ngớ ngẫn về sự cao trọng của mình, mà đã làm cho bạn áy náy và phiền muộn suốt đời bạn. Ngài muốn bạn khiêm nhường để đưa bạn đến thời điểm này: cố gắng trút bỏ bộ áo giả trang ngớ ngẫn, xấu xí mà ai trong chúng ta cũng đã mang vào, rồi đi vênh vang tự phụ, giống như là những người đần độn nhỏ mọn, mà quả thật chúng ta là như vậy. Tôi ước là chúng tôi được đến gần sự khiêm nhường hơn: nếu thế, tôi có thể cho bạn biết thêm về sự nhẹ nhỏm, an toàn khi trút bỏ được bộ áo giả trang - trút bỏ cái bản ngã giả dối, với tất cả những gì của nó như là “hãy xem tôi nè” và “tôi giỏi chưa?” với những bộ dạng không tự nhiên với dáng điệu của nó. Đến gần sự khiêm nhường, dù chỉ trong giây phút thôi, cũng giống như uống được nước lạnh trong sa mạc.


(4) Đừng tưởng rằng khi bạn gặp một người khiêm nhường thật người này sẽ giống như là hình ảnh người “khiêm nhường” thời đại: anh ta sẽ không phải là người dịu dàng, nịnh nót, luôn luôn nói cho bạn biết rằng anh ta không là gì cả. Có thể bạn chỉ nghĩ anh ta là người vui vẻ, thông minh, để ý cặn kẽ đến những gì bạn nói với anh ta. Nếu bạn không thích anh ta thì chỉ vì bạn hơi ganh là tại sao có người lại vui sống dễ dàng như vậy. Anh ta không nghĩ đến sự khiêm nhường đâu: anh ta sẽ không nghĩ gì về chính mình hết.


Nếu ai muốn có được sự khiêm nhường tôi nghĩ là tôi có thể chỉ cho người ấy bước đầu tiên. Bước đầu tiên là biết mình kiêu ngạo. Bước này cũng khá lớn đấy. Ít nhất là trước đó chưa có một hành động nào khác hết. Nếu bạn nghĩ là không có tính kiêu ngạo thì điều này có nghĩa là bạn rất kiêu ngạo đấy.



bottom of page