top of page
Hung Tran
Apr 17, 2024
Từ thiện là “yêu thương” trong ý nghĩa Cơ-đốc...
PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC
3.9 LÒNG TỪ THIỆN
Tôi...
...có nói trong một chương trước là có bốn đức tính “Căn bản” và ba đức tính “thần học”. ba đức tính Thần học là Đức Tin, Hy Vọng và Từ Thiện. Hai chương cuối cùng của sách này sẽ nói về đức tin. Chương 7 có nói sơ lược về từ thiện, nhưng ở đó, tôi chú tâm về tha thứ là một yếu tố của từ thiện. Bây giờ tôi muốn nói thêm một chút.
Trước hết là ý nghĩa của chữ này. “từ thiện” thời bây giờ mang ý nghĩa của chữ “bố thí”(alms) ngày xưa - đó là cho người nghèo. Lúc đầu chữ này có nghĩa rộng hơn (bạn có thể hiểu tại sao chữ này mang ý nghĩa tân thời. Nếu một người có lòng “Từ thiện” bố trí cho người nghèo là điều tự nhiên, và vì vậy, mà người ta xem việc bố thí là ý nghĩa toàn phần của lòng nhân ái. Cũng giống như vậy, “văn điếu” là phần hiển nhiên dễ nhận thấy nhất của thơ, và vì vậy người ta gắn cho “thơ” cái ý nghĩa là văn điếu vậy thôi). Từ thiện là “yêu thương” trong ý nghĩa Cơ-đốc. Nhưng yêu thương trong ý nghĩa Cơ-đốc không phải là một cảm xúc. Đó là một trạng thái của ý chí chứ không phải của tình cảm, chúng ta có trạng thái này một cách tự nhiên đối với chính mình, nhưng phải học để có được đối với người khác.
Tôi đã nói trong chương về sự tha thứ rằng tình yêu thương chúng ta dành cho chính mình không có ý nghĩa là chàng ta thích mình. Nó có nghĩa là chúng ta ước muốn sự tốt lành cho chính mình. Cũng giống như vậy, tình yêu thương Cơ-đốc (hay là lòng từ thiện) dành cho người lân cận chúng ta khác với lòng ưa thích hay là cảm tình. Chúng ta “thích” hay “mến” một vài người nào đó, mà không thích hay mến một số các người khác. Điều quan trọng để hiểu là sự “ưa thích” tự nhiên này không phải là tội lỗi hay là một đức tính, giống như việc bạn thích hay không thích các món ăn cũng không là một cái tội hay là một đức tính. Đó chỉ là một sự xảy ra. Nhưng dĩ nhiên thái độ của chúng ta đối với cảm tình đó mới tạo nên tội lỗi hay đức hạnh.
Ưa thích hay có cảm tình với người khác một cách tự nhiên làm cho chúng ta cảm thấy dễ có lòng “từ thiện” đối với họ hơn. Vì vậy bổn phận của chúng ta thường là kích thích cảm tình của chúng ta đối với người khác - “thích” người khác càng nhiều càng tốt (cũng như bổn phận của chúng ta thường là cố gắng kích thích sự ưa thích của chúng ta đối với việc tập thể dục hay đối với đồ ăn nguyên chất bổ dưỡng) không phải vì sự ưa thích này tự nói là đức tính từ thiện, nhưng mà là nó giúp chúng ta đạt được đức tính từ thiện.
Mặt khác, chúng ta cần phải thận trọng để tránh việc chúng ta ưa thích một người nào đó làm cho chúng ta không có lòng yêu thương, hay còn có khi không công bằng nữa, đối với một người khác. Còn có những trường hợp mà sự ưa thích đi ngược lại lòng yêu thương của chúng ta đối với người mà chúng ta ưa thích. Thí dụ một bà mẹ cũng có thể vì tình cảm tự nhiên mà làm “hư” con mình như vậy sự thỏa mãn những xúc động của chính bà làm hại hạnh phúc thật sự của đứa bé về sau này.
Mặc dù thường thì chúng ta nên khuyến khích cảm tình ưa thích tự nhiên, nhưng rất lầm nếu chúng ta nghĩ rằng cách để có lòng từ thiện là ngồi đó cố gắng để làm sao cho có được cảm tình mến thương. Một số người có tánh “lạnh lùng” đó là điều không may cho họ, nhưng tội đó cũng không hơn gì là tội khó tiêu, và điều đó không ngăn cản họ có cơ hội, hay miễn cho họ cái bổn phận học biết để có được lòng từ thiện. Luật lệ cho tất cả chúng ta rất là giản dị. Đừng mất thì giờ lo lắng là bạn có “yêu thương” người lân cận hay không, hãy hành động như là bạn yêu thương họ. Ngay khi chúng ta làm như vậy, chúng ta tìm ra được một trong những bí quyết lớn lao.
Khi bạn cư xử như thể là chúng ta yêu thương người nào đó, bạn sẽ thấy yêu thương người ấy tức thời. Nếu bạn làm tổn thương người mà bạn không thích, bạn sẽ thấy là bạn càng không thích người này. Nếu bạn làm điều gì đó tốt lành cho một người, bạn sẽ thấy ít ghét anh ta hơn. Nhưng thật ra có một trường hợp ngoại lệ. Nếu bạn làm điều gì đó tốt lành cho anh ta, không phải để làm vui lòng Thượng Đế và do lòng từ thiện, nhưng mà là để anh ta biết bạn là một người dung tha đáng mến, và làm cho anh ta trả ơn, có lẽ bạn sẽ thất vọng. (người ta không ngu xuẩn lắm đâu: họ rất là bén nhạy đối với những chuyện như là khoe khoang, hay làm cao). Nhưng khi nào chúng ta làm điều tốt lành cho một người khác chỉ vì đó là một người được tạo dựng (Giống như chúng ta vậy) bởi Thượng Đế, và ước muốn hạnh phúc cho người này như chúng ta ước muốn hạnh phúc cho chính chúng ta, chúng ta sẽ thấy yêu thương người này nhiều hơn, hay là, ít nhất, ghét người này ít hơn.
Kết quả là mặc dù lòng từ thiện của Cơ-đốc giáo có vẻ như là một cái gì rất lạnh lùng đối với những người giàu tình cảm, và mặc dù có khác với cảm tình, lòng từ thiện sẽ dẫn đến cảm tình. Sự khác nhau giữa một người Cơ-đốc và một người thế gian không phải là người thế gian chỉ có cảm tình hay sự “ưa thích” còn người Cơ-đốc chỉ có lòng “từ thiện”. Người thế gian đối đãi với một số đối đãi với mọi người tử tế, để rồi thấy là anh ta tiếp tục mến càng nhiều người hơn - kể cả những người mà anh ta không tưởng tượng là có thể ưa được vào lúc đầu.
Luật thuộc linh này cũng áp dụng ngược lại một cách mạnh mẽ. Có lẽ người Đức lúc đầu bạc đãi người Do-thái vì lòng thù ghét: sau đó họ càng thù ghét nhiều hơn vì đã bạc đãi họ. Bạn càng ác độc, bạn càng ghét bỏ, bạn càng trở nên ác độc hơn - và cứ như vậy mà tiếp tục trong vòng lẩn quẫn mãi mãi.
Cả thiện và ác cũng gia tăng giống như theo tiền lời kép. Vì vậy mà những quyết định nho nhỏ bạn và tôi có mỗi ngày có tầm quan trọng vô biên. Một hành động tốt lành nhỏ nhặt ngày hôm nay là sự chiếm được một điểm chiến lược mà từ đó, vài tháng sau, bạn có thể tiếp tục có những chiến thắng mà bạn không bao giờ nghĩ tới. Một sự ham muốn hay một cơn giận dữ xem có vẻ như không đáng gì hết ngày hôm nay là sự mất mát một cái gì, hay một đường rầy, hay một cái đồn đầu cầu, mà từ đó kẻ thù có thể dồn một trận tấn công, nếu không thì đã không thể nào xảy ra được.
Nhiều tác giả dùng chữ từ thiện để diễn tả không những tình yêu thương Cơ-đốc giữa người với người mà còn là tình yêu thương của Thượng Đế cho con người, và của con người cho Thượng Đế. Phần thứ hai của hai loại yêu thương này thường làm cho người ta lo ngại. Họ được dạy là họ nên yêu thương Thượng Đế. Họ không thể tìm được cảm xúc này trong chính họ. Họ phải làm gì? Câu trả lời cũng giống như trên đây. Hãy hành động như là bạn yêu thương Ngài. Đừng ngồi đó cố gắng tạo ra cảm tình. Hãy tự hỏi “nếu tôi biết chắc là tôi yêu thương Thượng Đế, tôi làm gì? Khi bạn tìm ra câu trả lời, hãy đi và làm theo như vậy.”
Nói chung, tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta là một đề tài an toàn để chúng ta suy nghĩ hơn là tình yêu thương của chúng ta dành cho Ngài. Không ai luôn luôn có được cảm xúc nhiệt tình: và dù có đi nữa, cảm xúc không phải là cái chính mà Thượng Đế quan tâm đến. Tình yêu thương Cơ-đốc, dù là đối với Thượng Đế hay là đối với người, là công việc của ý chí. Nếu chúng ta cố gắng để làm theo ý Ngài chúng ta vâng theo điều răn “ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Trời ngươi”. Ngài sẽ ban cho chúngg ta cảm xúc của tình yêu nếu Ngài muốn. Chúng ta không thể tự tạo ra được cho chúng ta, và chúng ta không được đòi hỏi như đó là quyền của chúng ta.
Nhưng điều quan trọng hơn hết để nhớ là dù cho cảm xúc của chúng ta có đến rồi đi, tình yêu Ngài dành cho chúng ta không có như vậy. Tình yêu này không bị mệt mỏi vì tội lỗi hay sự thờ ơ của chúng ta; và vì vậy tình yêu này cứ đòi hỏi là tội lỗi chúng ta phải được chữa lành với bất cứ giá nào cho chúng ta, và với bất cứ giá nào đối với Ngài.
bottom of page