top of page

4.10 NGƯỜI TỐT HAY NGƯỜI MỚI

Hung Tran

Apr 16, 2024

Bây giờ chúng ta nên xét đến câu hỏi thường được đặt ra: nếu Cơ-đốc giáo là lẽ thật thì tại sao tất cả những người Cơ-đốc không tốt hơn những người chưa tin Chúa?...



PHẦN BỐN - VƯỢT QUÁ NHÂN CÁCH TÍNH: CÁC BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI


4.10 NGƯỜI TỐT HAY NGƯỜI MỚI



Ngài...

...muốn thực hành những gì Ngài nói. Những ai đặt chính họ trong tay Ngài sẽ trở nên hòan toàn như Ngài là hoàn toàn - hòan toàn trong tình yêu thương, sự khôn ngoan, lòng vui mừng, vẻ đẹp xinh và sự sóng đời đời. Sự thay đổi sẽ không được hoàn thành trong đời sống chữa trị. Trước khi qua đời, mức độ thay đổi của người Cơ-đốc sẽ đến độ nào thì không biết rõ.


Bây giờ chúng ta nên xét đến câu hỏi thường được đặt ra: nếu Cơ-đốc giáo là lẽ thật thì tại sao tất cả những người Cơ-đốc không tốt hơn những người chưa tin Chúa? Câu này có phần rất hữu lý nhưng cũng có phần không hữu lý chút nào. Phần hữu lý là như thế này. Nếu tin Chúa không làm cho một người nào đó cải thiện về hành động - chẳng hạn như tiếp tục lên mặt, cay đắng, ghen tị hay có tham vọng như trước đây - thì chúng ta có thể nghi ngờ rằng sự tin Chúa của anh ta là tưởng tượng; và sau khi tin nhận Chúa, mỗi khi thấy mình tiến bộ, thì đây là cách kiểm chứng.

Những tình cảm nhè nhẹ, những cú nhạy cảm mới, thấy thích “tôn giáo” hơn, không có nghĩa lý gì hết nếu hành động của chúng ta không cải thiện; cũng giống như khi đang bịnh không ích chi hết khi thấy trong mình thấy “đỡ hơn”, nếu nhiệt kế cho thấy đang nóng hơn. Trên phương diện này, thế giới bên ngoài xét đoán Cơ-đốc giáo qua kết quả thì cũng phải.

Đấng Christ dạy chúng ta nhìn đến kết quả. Cây được biết tốt xấu bằng trái của nó, và bánh ngon thì ăn thấy ngon. Khi người Cơ-đốc cư xử tệ hại, hay không đúng đắn, thì chúng ta làm cho thế giới bên ngoài không tin đến Cơ-đốc giáo. Trong thời kỳ chiến tranh, những tám yết thị cho biết là những mẫu chuyện nhảm nhí có thể gây thiệt hại nhân mạng. Những đời sống bất cẩn gây tiếng đồn xấu cũng vậy. Đời sống bất cẩn của chúng ta làm cho người đời dèm pha bàn tán đưa đến sự nghi ngờ về lẽ thật của chính Cơ-đốc giáo.


Nhưng trên một phương diện khác sự đòi hỏi kết quả của người đời khá vô lý. Họ không chỉ đòi hỏi rằng đời sống một người phải cải thiện khi tin Chúa: họ còn muốn rằng, trước khi họ tin Chúa, họ muốn cả thế giới chia làm hai phe, phe tin Chúa và phe chưa tin Chúa, và họ phải thấy rằng tất cả mọi người ở trong phe đầu bất cứ lúc nào cũng phải tốt hơn là tất cả mọi người trong phe sau. Điều này vô lý ở nhiều điểm.


1) Trước hết, thế giới này phức tạp hơn nhiều. Thế giới không gồm 100 phần trăm người Cơ-đốc và 100 phần trăm người chưa tin Chúa. Có nhiều người từ từ không còn là Cơ-đốc nhân nhưng vẫn còn tự xưng như vậy: trong đó có một số mục sư. Cũng có những người từ từ tin Chúa mà chưa tự xưng như vậy. Có người không chấp nhận các giáo lý căn bản về Đấng Christ nhưng bị Ngài lôi cuốn và thuộc về Ngài một cách sâu đậm hơn họ nghĩ. Có người dù thuộc những tôn giáo khác, nhưng được ảnh hưởng kín đáo của Thượng Đế để chú tâm vào những điểm mà tôn giáo họ không biết.

Thí dụ, một Phật tử có ý lành có thể được hướng dẫn để chú tâm vào sự dạy dỗ của đạo Phật về từ bi, và xem những điều dạy dỗ khác về đạo Phật (mặc dù ông có thể nói làvẫn tin) là phụ thuộc. Có thể những người không biết Thượng Đế trước khi Đấng Christ được sanh ra là ở trong trưòng hợp này.

Và dĩ nhiên luôn luôn có nhiều người lộn xộn và tin ở nhiều thứ khác nhau. Kết quả là không thể nào có sự xét đoán về Cơ-đốc nhân và người không tin Chúa một cách tổng quát như vậy. So sánh chó với mèo và đàn ông với đàn bà nói chung thì còn có lý hơn, vì người ta biết loại nào là loại nào.

Hơn nữa thú vật không đổi (từ từ hay thình lình) từ con chó thành con mèo. Nhưng khi chúng ta so sánh Cơ-đốc nhân nói chung và người không tin Chúa nói chung, chúng ta không nghĩ đến những người có thật mà chúng ta quen biết, nhưng về hai ý tưởng mơ hồ mà chúng ta đọc biết qua tiểu thuyết và báo chí. Nếu bạn muốn so sánh người Cơ-đốc xấu và người không tin tốt, bạn phải nghĩ về hai người có thật mà bạn đã gặp. Trừ khi là chúng ta nói những chuyện thực tế như vậy, chúng ta chỉ mất thì giờ vô ích.


2) Giả sử là chúng ta nói những chuyện thực tế, và bây giờ không phải nói về một người Cơ-đốc tưởng tượng và một người không tin Chúa tưởng tượng, nhưng mà về hai người láng giềng. Dù như vậy chúng ta phải cẩn thận để hỏi những câu hỏi cho đúng. Nếu Cơ-đốc giáo là lẽ thật thì:


(a) Bất cứ người Cơ-đốc nào cũng tốt hơn là nếu người này không phải là người Cơ-đốc.

(b) Bất cứ người nào trở thành người Cơ-đốc cũng sẽ tốt hơn trước đây.

Cũng như vậy, nếu cái quảng cáo kem đánh răng Nụ Cười Trắng đúng, thì (a) ai dùng kem này sẽ có răng tốt hơn nếu người này không xài kem này; và (b) người nào xài kem này thì răng trở nên trắng hơn. Nhưng nếu nói rằng vì tôi là người xài kem Nụ Cười Trắng (và đã có răng rất tệ do cha mẹ mà ra) mà lại không có hàm răng như một thanh niên da đen chưa bao giờ xài kem đánh răng, thì chưa đủ để nói lời quảng cáo là sai.


Cô Mai tin Chúa có thể ăn nói dữ dằn hơn anh Bản chưa tin Chúa. Nhưng điều này không đủ để cho rằng Cơ-đốc giáo đúng hay sai. Vấn đề là môi miệng cô Mai sẽ ra sao nếu cô không tin Chúa và của Bản sẽ ra sao nếu anh tin Chúa. Cô Mai và anh Bản có những căn nguyên tự nhiên và hoàn cảnh lớn lên khác nhau nên có tính khí khác nhau: Cơ-đốc giáo cho rằng có thể giúp để cả hai tính khí này dưới một sự điều khiển mới nếu họ muốn.

Điều mà bạn có quyền hỏi là nếu được cho phép, sự điều khiển này có cải thiện tính khí đó không. Ai cũng biết là cái mà được điều khiển trong trưòng hợp của anh Bản thì tốt hơn trong trường hợp của cô Mai, nhưng đó không phải là vấn đề. Để đoán xét sự cai quản của một hãng xưởng, bạn không những phải nhìn kết quả thu lượm được mà còn phải nhìn máy móc. Thí dụ máy ở xưởng A sản xuất được như vậy là một chuyện lạ, trong khi đó đối với dụng cụ tối tân ở xưởng B thì sản xuất như thế còn qúa kém so với số lượng phải sản xuất. Chắc là ban quản trị tài giỏi ở xưởng A sẽ thay máy mới càng sớm càng tốt, nhưng họ cần thời gian. Trong khi chờ đợi, lượng sản xuất thấp không có nghĩa là thất bại.


3) Và bây giờ xin chúng ta đi sâu hơn. Ông giám đốc sẽ thay máy mới: trước khi Đấng Christ hoàn tất công việc với cô Mai, cô sẽ “tốt”lắm. Nhưng nếu chúng ta dừng lại ở đó thì dường như mục đích của Đấng Christ chỉ là đem cô Mai lên ngang hàng với anh Bản mà thôi. Chúng ta trình bày vấn đề như thể là anh Bản đã tốt rồi; như thế là Cơ-đốc giáo chỉ dành cho những người xấu còn những người tốt thì không cần, và như thế là tính tình “tốt” là cái Thượng Đế cần chúng ta có. Nhưng đây là một lầm lỗi trầm trọng.

Vì thực sự trong mắt Thượng Đế, anh Bản cũng cần “cứu rỗi” như cô Mai vậy, không hơn không kém. Trong một ý nghĩa nào đó (tôi sẽ giải thích) tính tốt không phải là vấn đề ở đây.


Bạn không thể nghĩ là Thượng Đế nhìn vào tính ôn hòa và thân thiện của anh Bản với cái nhìn của chúng ta. Những tính tự nhiên này có căn bản từ những gì Thượng Đế tạo dựng. Nếu anh Bản thấy khó tiêu chẳng hạn, có thể tính tốt đó của anh không còn như vậy. Tính tốt đó là món quà của Thượng Đế cho anh Bản chớ không phải món quà của anh Bản cho Thượng Đế.

Cũng như vậy, Thượng Đế để những nguyên nhân tự nhiên hoạt động trong một thế giới do tội lỗi làm xáo trộn, đưa đến đầu óc lộn xộn và tính tình khó khăn của cô Mai. Ngài có dự định, trong thì giờ của Ngài, sửa đổi phần đó của cô Mai lại cho đúng. Nhưng đối với Thượng Đế thì sự sửa đổi này không phải là vấn đề trọng yếu. Điều này không khó đâu, Ngài không quan tâm đến nó cho lắm. Điều mà Ngài mong mỏi và chờ đợi và muốn hành động là một điều không dễ, ngay cả đối với Ngài, bởi vì do tính chất của công việc này, Ngài không thể làm được bằng cách thực thi quyền năng. Ngài chờ đợi và mong mỏi một điều từ cả hai người, cô Mai và anh Bản.

Đó là điều mà họ có thể tự do dâng cho Ngài hay tự do từ chối Ngài. Họ sẽ đến với Ngài, hay không, để hoàn thành mục đích duy nhất mà qua đó họ được tạo dựng? Cái tự do ý chí của họ run rẩy t rong con người họ như cái kim chỉ nam. Nhưng đây là cái kim có thể chọn lựa. Nó có thể chỉ về phương Bắc, nhưng có thể không. Cái kim đó sẽ xoay, đứng yên rồi chỉ về Thượng Đế hay không?


Ngài có thể giúp để điều này xảy ra. Nhưng Ngài không bắt buộc, Ngài không thể đưa tay Ngài ra và để nói vào cho đúng chỗ, vì nếu như vậy thì không còn là tự do ý chí nữa. Nó sẽ chỉ phương Bắc hay không? Đó là câu hỏi mà tất cả mọi cái khác tùy thuộc. Cô Mai và anh Bản có dâng tính tình của họ cho Thượng Đế không? Tính tình mà họ dâng lên, hay giữ lại, là tốt hay xấu, là vấn đề phụ thuộc. Điều này Thượng Đế có thể giải quyết được.


Đừng hiểu lầm tôi. dĩ nhiên Thượng Đế xem tính tình dữ dằn là điều xấu đáng ghê tởm. Và dĩ nhiên Ngài xem tính tình tốt như là một cái gì tốt - như bánh mì, ánh nắng hay nước. Nhưng đây là những gì tốt lành Ngài ban cho và chúng ta nhận lãnh. Ngài tạo dựng trí óc của anh Bản tốt và đường tiêu hóa cũng tốt và những thứ này thì không thiếu.

Theo chúng ta được biết thì những thứ tốt như vậy Thượng Đế không phải trả giá bao nhiêu: nhưng để cứu rỗi những ý chí phản loạn lại cần cái chết của Ngài trên thập tự giá. Vì là ý chí nên có thể từ chối sự yêu cầu của Ngài, đối với người tốt hay xấu cũng vậy mà thôi. Và vì cái tốt lành của anh Bản do thiên nhiên mà có nên sau rốt rồi cũng biến thành những mảnh vụn.

Thiên nhiên dĩ nhiên sẽ qua đi. Những căn nguyên thiên nhiên đã kết hợp trong anh Bản và tạo ra một kết cấu tâm lý tốt lành, cũng như trời hoàng hôn có những kiểu mẫu màu sắc tốt đẹp.


Rồi chẳng bao lâu (đây là cách thiên nhiên hoạt động) những hình ảnh này tan biến đi và kiểu mẫu trong hai trường hợp đều biến mất. Anh Bản có cơ hội để biến (hay nói đúng hơn là để Thượng Đế biến) kiểu mẫu tạm thời đó thành ra vẻ đẹp của một thần linh đời đời: và anh ta đã không nhận lấy cơ hội đó.


Ở đây dường như có một cái gì mâu thuẫn. Trong khi anh Bản còn chưa đến với Thượng Đế, anh ta còn nghĩ cái tốt lành của anh ta la của chính mình, và lúc nào anh ta còn nghĩ như vậy thì nó thực sự không phải là anh ta.

Khi mà anh Bản nhận biết rằng cái tốt lành của anh không phải là của mình mà là món quà của Thượng Đế và anh dâng trở lại cho Thượng Đế - thì lúc ấy nó mới thực sự là của anh ta. Bởi vì bây giờ đây anh Bản bắt đầu dự phần vào việc tạo dựng chính mình. Những điều chúng ta còn giữ được là những điều chúng ta dâng trả lại cho Thượng Đế một cách tự do. Cái mà chúng ta muốn giữ cho chính mình là cái chúng ta bị mất.


Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi chúng ta tìm thấy có những người Cơ-đốc còn dữ dằn. Suy nghĩ kỹ thì cũng có lý do để cho nhiều người dữ dằn đến với Đấng Christ hơn là người hiền. Đó là lý do mà nhiều người phản đối Đấng Christ khi ngài còn ở trên đất: Ngài thu hút những người đáng ghét. Đó là điều mà nhiều người vẫn còn và sẽ còn phản đối. Bạn không thấy tại sao hay sao? Đấng Christ phán: “Phước cho những kẻ nghèo” - “Người giàu có khó để mà vào được Nước Thiên Đàng” và ý Ngài muốn nói đến người giàu và nghèo trên phương diện vật chất. Nhưng phải chăng lời của Ngài cũng áp dụng đối với một loại nghèo giàu khác?

Một trong những nguy hiểm của sự có nhiều tiền là bạn có thể thỏa mãn với hạnh phúc mà đồng tiền mang lại và không thấy cần đến Thượng Đế. Nếu ký giấy ngân phiếu mà có mọi sự, thì bạn có thể quên là ở mỗi giây phút bạn đều tùy thuộc một cách hoàn toàn vào Thượng Đế. Những tài năng thiên nhiên cũng đưa đến nguy hiểm tương tự. Nếu bạn có trí óc tốt, thông minh và có sức khỏe tốt, ai cũng ưu chuộng và gốc gác gia đình tốt, rất có thể bạn hài lòng với những gì bạn có. Bạn có thể hỏi “Đem Thượng Đế vô làm chi?“ Bạn thấy cư xử tốt đẹp cũng dễ thôi. Bạn không phải là một trong những người bị hành hạ bởi tình dục, nghiện rượu, sợ rệt hay tính tình xấu. Ai cũng nói bạn hiền và (nói nhỏ với nhau nhé) bạn cũng đồng ý như vậy. Hầu như bạn tin rằng cái tốt của bạn là do bạn mà có: bạn thấy không cần phải có cái gì tốt hơn nữa. Thường thì những người có tính tình tốt sẵn không thấy cần Đấng Christ đâu, cho đến một ngày nào đó cái hiền lành tự nhiên của họ không còn nữa và sự tự mãn của họ đổ vỡ. Nói một cách khác, rất khó cho những người “giàu”như vậy vào được nước Thiên Đàng.


Còn những người ác như người nhỏ mọn, thấp kém, nhút nhát, trụy lạc, xanh xao, cô đơn hay dễ giận, say đắm nhục dục, mất quân bình, thì lại khác. Nếu họ cố gắng để cư xử cho đúng thì họ thấy ngay rằng họ cần giúp đỡ. Đối với họ, một là Đấng Christ, hai là không có gì hết. Hoặc vác thập tự giá và theo Ngài - không thì sống trong tuyệt vọng. Họ là những con chiên đi lạc; Ngài đến để tìm kiếm họ. Họ là (trong cái ý nghĩa thực tế và dễ sợ) những người “nghèo”: Ngài ban phước cho họ. Họ là những trường hợp khó trị mà Ngài mang lấy, và người Pha-ri-si vẫn còn nói như ngày xưa rằng “nếu Cơ-đốc giáo có giá trị thì chắc những người này không trở thành người Cơ-đốc”.


Ở đây có sự cảnh cáo hoặc khuyến khích cho mỗi chúng ta. Chúng ta càng được ban cho nhiều thì càng có trách nhiệm nhiều. Nếu bạn lầm lẫn những gì Thượng Đế ban cho bạn qua thiên nhiên là đức tính tốt của bạn, và nếu bạn bằng lòng với tính hiền lành của mình, bạn vẫn còn là một người phản loạn, và những bẩm tính đó chỉ làm bạn sa ngã càng nhiều, sự bại hoại của bạn càng dữ dội, gương xấu của bạn càng có hại nhiều. Ma quỷ ngày xưa là một thiên sứ trưởng, bẩm tính của hắn ta còn cao hơn của bạn nhiều lắm, như bẩm tính của bạn hơn là con hắc tinh tinh.


Nhưng nếu bạn là một người đáng thương hại, bị nhiễm độc bởi cách nuôi sống của gia đình đầy sự ghen ghét và cãi vả, lại thêm những tình dục kỳ quái không phải do bạn muốn, lại còn thêm tính tự ti mặc cảm hoàn thành, làm cho bạn la lối ngay cả bạn tốt của mình - đừng tuyệt vọng vội. Ngài biết hết cả.

Bạn là một trong những người nghèo được Ngài ban phước. Ngài biết bạn đang cố gắng điều khiển một cái máy tệ hại thế nào. Hãy tiếp tục cố gắng. Hãy làm những gì bạn làm được. Một ngày nào đó (có thể ở một thế giới khác, nhưng có thể sớm hơn) Ngài sẽ liệng cái máy đó đi và ban cho bạn một cái máy mới. Rồi bạn sẽ làm tất cả mọi người, ngay cả chính bạn kinh ngạc vì bạn đã học lái trong một trường học khó. (Một só người sau sẽ thành trước và trước thành sau)


Rất tốt để có cái “hiền lành” hay là một bản chất toàn vẹn. Chúng ta nên cố gắng dùng đủ mọi phương cách y tế, giáo dục, kinh tế và chính trị trong khả năng của chúng ta để tạo ra một thế giới mà trong đó càng có nhiều người “hiền” càng tốt - giống như tạo ra một thế giới mà ai cũng có đủ ăn.

Nhưng chúng ta không nên giả sử rằng thành công trong công cuộc làm cho mọi người hiền lành là chúng ta đã cứu được linh hồn họ. Một thế giới đầy người hiền lành, thỏa mãn với tính tốt của mình, không tìm kiếm gì hết, xây lưng khỏi Thượng Đế, vẫn rất cần sự cứu rỗi như một thế giới khổ sở - mà có thể còn khó hơn để được cứu rỗi.


Bởi vì cải thiện không phải là cứu rỗi, mặc dù sự cứu rỗi cải thiện con người bây giờ và ở thế giới này, và về sau sẽ cải thiện đến một độ mà chúng ta không tưởng tượng được. Thượng Đế trở thành người để biến các tạo vật thành con Ngài: không phải tạo ra những người cũ mà tốt hơn một chút, nhưng tạo ra những người mới.

Điều này không giống như dạy con ngựa nhảy càng ngày càng hay hơn, nhưng mà làm con ngựa trở thành một sinh vật có cánh. Dĩ nhiên khi có cánh thì sinh vật này sẽ bay lên khỏi hàng rào, mà con ngựa không thể nào nhảy qua được, và như vậy đã thắng được con ngựa. Nhưng không thể có một giai đoạn mà vì cánh mới vừa mọc nên không nhảy qua rào được: lúc đó chỗ cánh mới vừa ló lên trên vai - không ai biết được đó là cánh - có thể làm hình thù khó coi.


Có thể chúng ta đã bàn điều này hơi lâu. Nếu điều bạn muốn là có lý lẽ để chống đối Cơ-đốc giáo (và tôi còn nhớ tôi nôn nả tìm kiếm những lý lẽ như vậy khi tôi lo là Cơ-đốc giáo đúng) bạn có thể tìm được người Cơ-đốc ngu xuẩn và có khuyết điểm để nói rằng “người mới mà vậy đó hả ! hãy cho tôi lại con người cũ”

Nhưng nếu bạn thấy Cơ-đốc giáo, trên những phương diện khác đáng tin thì bạn làm như vậy chỉ là để tránh vấn đề. Làm sao bạn có thể biết linh hồn của người khác? Sự cám dỗ, cơ hội và những tranh đấu của họ? Bạn chỉ biết một linh hồn trong cả vũ trụ này mà thôi: bạn chỉ có thể định đoạt được số phận của linh hồn này thôi. Nếu có Thượng Đế thì thực sự một mình bạn đang đối diện với Ngài. Bạn không thể đẩy Ngài ra vì những quan sát về láng giềng bạn hay những gì bạn nhớ từ sách vở. Những thảo luận và đồn đại này còn đáng gì (bạn sẽ có còn nhớ được nó không?) khi màn sương mù mà ta gọi là “thiên nhiên” hay “thế giới vật chất” không còn nữa, và sự hiện diện mà trong đó bạn đã luôn luôn đứng, sẽ trở thành rõ ràng, trực tiếp và không thể tránh được?



bottom of page