top of page
Hung Tran
Apr 17, 2024
Khi họ hiểu rõ thì thấy là họ đi đến định nghĩa Ba Ngôi Thượng Đế của Cơ-đốc giáo...
PHẦN BỐN - VƯỢT QUÁ NHÂN CÁCH TÍNH: CÁC BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI
4.2 BA NGÔI THƯỢNG ĐẾ
Chương...
...vừa rồi nói về sự khác biệt giữa sanh ra và làm ra. Một người sanh ra một đứa trẻ, nhưng làm ra pho tượng. Thượng Đế sanh ta Đấng Christ nhưng làm ra con người. Khi nói như vậy tôi chỉ đề cập đến một điều về Thượng Đế mà thôi, đó là Thượng Đế Đức Chúa Cha sanh ra cùng một loài như Ngài, nghĩa là cũng có bản chất Thượng Đế. Cũng giống như người cha sanh ra người con. Nhưng không hẳn giống hết và tôi sẽ giải nghĩa thêm
Nhiều người ngày nay nói rằng: “Tôi tin ở Thượng Đế nhưng không ở một Thượng Đế có cá tính” họ nghĩ rằng Đấng mà tạo dựng vũ trụ phải có cái gì cao hơn là một Đấng chỉ có cá tính. Người Cơ-đốc đồng ý ở điểm này. Nhưng chỉ huy người Cơ-đốc mới có ý niệm là một Đấng như vậy là ra thể nào. Tất cả những người khác, mặc dù cho là Thượng Đế phải cao siêu hơn, lại là ý niệm rằng Ngài không có cá tính: nghĩa là thấp kém hơn là có cá tính. Nếu bạn tìm kiếm một cái gì siêu thường, vượt quá cá tính, thì vấn đề không phải là chọn lựa giữa Cơ-đốc giáo và những tư tưởng khác, vì chỉ huy Cơ-đốc giáo mới có ý niệm này thôi.
Cũng có nhiều người nghĩ rằng sau đời này, hay là sau nhiều đời như vậy, linh hồn con người sẽ “nhập” vào Thượng Đế. Nhưng họ lại cố gắng giải thích rằng hiện tượng này giống như một vật chất nhập vào một vật chất khác. Giống như một giọt nước đi vào biển khơi. Và giọt nước này sẽ không còn nữa. Nếu vậy thì nhập vào như vậy không khác gì là không còn hiện hữu nữa. Chỉ Cơ-đốc nhân mới giải thích được là linh hồn con người có thể gắn liền vào sự sống của Thượng Đế mà vẫn giữ được cá tính của họ thật ra những bản chất của họ còn được bày tỏ rõ ràng hơn là khi trước nữa.
Tôi đã nói trước với bạn Thần học là thực tế mà. Mục đích mà chúng ta sống là để cố gắn liền vào sự sống của Thượng Đế. Ý nghĩ sai về sự sống của Thượng Đế này sẽ làm cho vấn đề khó khăn hơn. Bây giờ bạn hãy theo dõi cẩn thận hơn những gì tôi nói sau đây.
Bạn biết là trong không gian bạn có thể di chuyển ba chiều trái hay phải, sau hay trước và lên hay xuống. Mỗi hướng là một trong ba chiều này hay là tổng hợp của ba chiều. Được gọi là Ba Chiều. Hãy để ý điều này: Nếu bạn chỉ dùng một chiều, thì chỉ vẽ được đường thẳng. Nếu dùng hai chiều bạn vẽ được một hình phẳng, thí dụ hình vuông. Hình vuông gồm bốn đường thẳng. Đi thêm một bước, nếu bạn có ba chiều thì bạn có thể làm ra một hình khối đặc, giống như cái lúc lắc hay cục đường. Hình khối gồm có sáu hình vuông.
Bạn có thấy điểm tôi muốn nói không? Một thế giới chỉ có một chiều thì là đường thẳng. Ở thế giới hai chiều bạn cũng có đường thẳng, nhưng nhiều đường thẳng tạo thành một hình thể. Ở thế giới ba chiều, bạn cũng có hình thể nhưng nhiều hình tạo thành một khối đặc. Nói một cách khác khi bạn càng đi lên những tầng cao hơn và rắc rối hơn, bạn không bỏ lại những điều bạn có ở những tầng giản dị: bạn vẫn còn giữ những phần đó nhưng sự kết cấu lại bằng phương cách mới - những cách mà bạn không nghĩ tới khi còn ở những tầng giản dị.
Câu chuyện người Cơ-đốc kể về Thượng Đế cũng có cùng nguyên tắc này. Bình diện con người thì giản dị và trống không. Trên bình diện này, một người là một người, mà hai người là hai người khác nhau - giống như trong thế giới hai chiều (trên một tờ giấy phẳng) một hình vuông là một hình mà hai hình vuông là hai hình khác nhau.
Trên bình diện thần linh bạn vẫn thấy có cá tính, nhưng trên đó bạn thấy có sự kết hợp bằng nhiều cách mới, mà vì chúng ta không đứng trên bình diện đó nên không tưởng tượng được.
Trên bình diện Thượng Đế có thể nói bạn tìm thấy một Đấng có ba ngôi mà vẫn là một Đấng, giống như hình khối sáu hình vuông mà vẫn chỉ là một hình khối. Dĩ nhiên chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ một Đấng như thế: cũng giống như nếu chúng ta chỉ biết có hai chiều trong không gian thì không thể nào tưởng tượng ra hình khối.
Nhưng có thể hiểu mơ hồ. Khi đó, chúng ta biết được một phần nào dù thoáng qua về một Đấng có hơn một cá tính. Điều này chúng ta không đoán được nhưng khi được cho biết thì cảm thấy đáng lẽ phải đoán được vì rất trùng hợp với những điều chúng ta đã biết rồi.
Bạn có thể hỏi: “Nếu không tưởng tượng được một Đấng có ba ngôi như vậy thì nói về Ngài làm gì?” Đúng vậy, không có lý do nào để nói về Ngài hết. Điều quan trọng là có thể được đến với sự sống Ba ngôi này bất cứ lúc nào, như ngay đêm nay chẳng hạn.
Tôi muốn nói như thế này. Một người Cơ-đốc bình thường quỳ xuống cầu nguyện. Anh ta muốn đến với Thượng Đế. Là một người Cơ-đốc anh ta biết rằng Thượng Đế khiến anh ta cầu nguyện: Thượng Đế ở cùng anh ta. Anh ta cũng biết rằng những điều anh ta biết về Thượng Đế là do Đấng Christ, vừa là con người mà cũng là Thượng Đế - Đấng Christ đứng bên cạnh giúp anh ta cầu nguyện và cầu thay cho anh ta. Bạn có thấy không. Anh ta cầu nguyện và cầu thay cho anh ta. Bạn có thấy không. Anh ta cầu nguyện với Thượng Đế, Ngài là mục tiêu anh ta muốn đạt tới, Ngài cũng là Đấng ở trong anh ta để thúc giục, là động cơ thúc đẩy của anh ta.
Thượng Đế cũng là con đường hay chiếc cầu anh ta đi qua để đến tiêu. Vì vậy sự sống của cả Ba ngôi đang hoạt động trong căn phòng của một người Cơ-đốc bình thường khi anh ta cầu nguyện. Người này được đẩy vào một sự sống cao hơn mà tôi gọi là sự sống thuộc linh hay là Zoe. Anh ta được Thượng Đế kéo đến Ngài trong khi vẫn còn là chính mình.
Đó là điểm khởi đầu của Thần học. Con người đã hiểu về Thượng Đế một cách mơ hồ. Rồi có một người tự xưng là Thượng Đế; nhưng không ai có thể cho người này là người điên. Ngài bị giết. Rồi khi họ thành lập một nhóm hay cộng đồng nhỏ thì họ lại tìm thấy Ngài ở trong họ: hướng dẫn, giúp họ làm những điều họ không làm được trước đây. Khi họ hiểu rõ thì thấy là họ đi đến định nghĩa Ba Ngôi Thượng Đế của Cơ-đốc giáo.
Định nghĩa này là không phải do chúng tôi đặt ra. Trong một ý nghĩa nào đó Thần học là khoa học thực nghiệm. Chỉ có những tôn giáo giản dị mới là những tôn giáo được đặt ra. Khi tôi nói Thần học giống như khoa học thực nghiệm “trong một ý nghĩa nào đó”, tôi muốn nói là chỉ ở một vài khía cạnh thôi chứ không hoàn toàn như vậy.
Nếu bạn là nhà địa chất học về đá, bạn phải đi tìm đá. Đá không tìm tới bạn mà cũng không chạy trốn bạn. Bạn phải khởi xướng mọi sự. Đá không giúp đỡ bạn mà cũng không cản trở. Nhưng nếu bạn là nhà động vật học mà muốn chụp hình các động vật hoang ở những nơi chúng trú ngụ thì khác. Các động vật này không tới bạn nhưng chúng nó có thể chạy đi, nếu bạn không giữ yên lặng. Ở đây chúng ta thấy những sinh vật này có một chút chủ động nào đó.
Lên một nấc cao hơn, giả sử bạn muốn tìm hiểu một người. Nếu anh ta không muốn bạn sẽ không làm gì được. Bạn phải chiếm được lòng tin tưởng của anh ta. Ở đây sự khởi xướng tùy thuộc hai bên - cần có cả hai mới có được tình bạn. Nói về sự hiểu biết Thượng Đế, thì Ngài khởi xướng điều này. Nếu ngài không bày tỏ chính Ngài, bạn không làm gì được để tìm Ngài, thật ra, Ngài bày tỏ Ngài cho một số người nhiều hơn những người khác.
Không phải vì Ngài thiên vị, nhưng Ngài không thể bày tỏ Ngài cho ai mà tình trạng đầu óc và đặc tính của người này không được đúng. Cũng giống như mặt trời vậy, dù không thiên vị, ánh sáng mặt trời không chiếu rõ qua một gương soi bụi bặm như là qua một gương soi sạch sẽ.
Bạn có thể nói cách khác là đối với những khoa học khác, dụng cụ thí nghiệm bạn dùng là những dụng cụ thuộc bề ngoài (như kính hiển vi và kính viễn vọng) nhưng dụng cụ bạn dùng để nhìn biết Thượng Đế là cả con người bạn. Nếu một con người không được sạch hay sáng sủa, cái nhìn Thượng Đế của người này cũng sẽ mờ - giống như nhìn mặt trăng qua một kính viễn vọng dơ bẩn. Vì vậy mà các quốc gia ác độc có tôn giáo ác độc: họ nhìn Thượng Đế qua ống kính dơ
Thượng Đế chỉ có thể bày tỏ Ngài thực sự thế nào cho những con người thật. Và điều này không chỉ có nghĩa là cho những cá nhân tốt lành nhưng mà còn những người hợp lại với nhau thành một thân thể, yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau và bày tỏ Ngài với nhau. Bởi vì đó là ý định của Thượng Đế cho con người giống như những người chơi đàn trong một ban nhạc, hoăc các cơ quan trong cùng một thân thể.
Vì vậy khí cụ thích hợp để biết Thượng Đế là cả cộng đồng Cơ-đốc cùng nhau chờ đợi Ngài. Tinh thần Cơ-đốc là dụng cụ cho khoa học này, là phòng thí nghiệm. Vì vậy những người mà một vài năm lại xuất hiện đưa ra tôn giáo của họ như để thay thế cho Cơ-đốc giáo chỉ làm mất thì giờ thôi. Giống như một người mà chỉ có dụng cụ là cặp kiếng cũ, lại mong có thể hơn được tất cả các nhà thiên văn. Có thể lắm ông ta giỏi hơn các nhà thiên văn thật nhưng ông ta thật đã không chuẩn bị đầy đủ. Chỉ hai năm sau ai cũng quên ông ta đi, nhưng nền khoa học thiên văn vẫn tiến như thường.
Nếu Cơ-đốc giáo là cái gì đó chúng ta đặt ra thì có thể sẽ dễ hơn. Nhưng không phải vậy. Chúng ta không thể so sánh với những tôn giáo người ta đặt ra trên phương diện giản dị. Làm sao được? Chúng ta đối đầu với lẽ thật. Ai cũng có thể giản dị được hết nếu không có lẽ thật để mà bàn tới.
bottom of page