top of page

4.3 THỜI GIAN VÀ VƯỢT QUÁ THỜI GIAN

Hung Tran

Apr 17, 2024

Đời sống đến chúng ta từng lúc. Lúc này qua rồi mới tới lúc khác: mỗi lúc thì ngắn lắm không đủ để làm nhiều chuyện...



PHẦN BỐN - VƯỢT QUÁ NHÂN CÁCH TÍNH: CÁC BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI


4.3 THỜI GIAN VÀ VƯỢT QUÁ THỜI GIAN



Thật...

...là kỳ dị nếu có ý tưởng là đọc sách không bao giờ được quyền “nhảy”. Người nào cũng có thể “nhảy” khi đến một chương nào đó mà không thấy có ích lợi chi hết. Trong chương này tôi bàn đến một điều mà có người sẽ thấy có ích, c òn một số người khác sẽ thấy rắc rối không cần thiết. Nếu bạn ở trường hợp thứ hai, tôi khuyên bạn đừng nên đọc chương này mà hãy đọc chương tới.


Trong chương vừa rồi, tôi có đề cập sơ đến vấn đề cầu nguyện, và vì vấn đề này vẫn còn mới trong đầu óc bạn cũng như của tôi, tôi xin thảo luận về một số vấn đề có liên quan đến cầu nguyện mà một số người vẫn thắc mắc. Có người bảo tôi “Tôi tin Thượng Đế nhưng tôi không chấp nhận là Ngài có thể nghe một lượt hàng trăm triệu người đang cầu xin với Ngài”. Tôi thấy nhiều người cảm thấy như vậy.


Điểm đầu tiên trong vấn đề này là ý niệm “một lượt”. Chúng ta có thể hiểu được nếu Thượng Đế tiếp đón từng người một và và Ngài có đủ thì giờ để làm điều đó. Thế nên trọng tâm của điều khó khăn này là ở điểm Ngài phải dồn nhiều điều vào một khoảng khắc.


Dĩ nhiên đây là vấn đề chúng ta phải đối đầu. Đời sống đến chúng ta từng lúc. Lúc này qua rồi mới tới lúc khác: mỗi lúc thì ngắn lắm không đủ để làm nhiều chuyện. Đó là khái niệm thời gian. Bạn cũng như tôi có khuynh hướng chấp nhận là Thời gian - quá khứ, hiện tại và tương lai - không những là phương cách đời sống, mà còn là cách áp dụng cho tất cả mọi sự. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng cả vũ trụ này và ngay cả Thượng Đế cũng đi từ quá khứ đến tương lai như chúng ta vậy. Nhưng có nhiều học giả không đồng ý vậy. Chính những nhà thần học đã gợi ý là có những điều không tùy thuộc thời gian: sau đó các triết học gia cũng vậy, bây giờ thì các khoa học gia cũng khám phá điều này.


Chắc chắn là Thượng Đế không có thời gian tính. Đời sống Ngài không gồm lúc này nối sau lúc khác. Nếu một triệu người cầu nguyện với Ngài vào 10 giờ 30 tối nay, Ngài không cần nghe vào thời điểm mà chúng ta gọi là 10 giờ 30. Mười giờ ba mươi hay bất cứ lúc nào từ buổi sáng thế - vẫn là Hiện tại đối với Ngài.


Như vậy Ngài có cả đời đời để nghe lời cầu nguyện của một người phi công khi phi cơ của ông ta bị nổ. Tôi biết điều này khó hiểu. Để tôi cố gắng giải thích bằng cách khác. Thí dụ tôi đang viết một quyển tiểu thuyết. Tôi viết “Cô Ma-ri để đồ cô đang làm xuống, rồi có tiếng gõ cửa”. Đối với Ma-ri là người do trí tưởng tượng của tôi mà có, thì không có khoảng cách giữa việc để đồ xuống và nghe tiếng gõ cửa. Nhưng tôi là người tạo ra Ma-ri thì không sống trong cái thế giới tưởng tượng đó. Giữa lúc viết nửa câu đầu và nửa câu cuối đó, tôi có thể ngồi nghĩ ba tiếng đồng hồ liên tục về Ma-ri. Tôi có thể suy nghĩ về Ma-ri bao nhiêu cũng được, như thể cô là nhân vật duy nhất của quyển sách tôi đang viết, và thời gian suy nghĩ của tôi không xuất hiện trong thời gian của cô Ma-ri (thời gian trong câu chuyện)


Thí dụ này không hoàn toàn đâu. Nhưng có thể giúp chúng ta hiểu phần nào lẽ thật. Thượng Đế không chạy theo thời gian tính của vũ trụ này cũng giống như tác giả của một quyển sách thì không chạy theo thời gian tưởng tượng của quyển sách ông viết. Ngài có thời gian dồi dào để dành cho mỗi chúng ta. Ngài không chăm sóc chúng ta như một đám đông. Bạn có thể có riêng Ngài như thể bạn là người duy nhất Ngài đã tạo dựng.

Khi Đấng Christ chết, Ngài chết cho cá nhân bạn như thể bạn là người duy nhất trên vũ trụ này. Nhưng thí dụ của tôi không áp dụng hoàn toàn được vì lý do sau đây. Trong câu chuyện tôi kể, tác giả đi từ một thời gian tính này (trong quyển sách) đến một thời gian tính khác (thời gian tính có thật). Nhưng Thượng Đế không thuộc một thời gian tính nào hết. Đời sống Ngài không đi từ lúc này đến lúc khác như chúng ta: đối với Ngài, bây giờ vẫn là 1920 và cũng là 1960. Bởi vì Đời sống Ngài là chính Ngài.


Nếu bạn hình dung thời gian là một đường thẳng mà chúng ta đang đi thì bạn phải hình dung Thượng Đế là cả trang giấy chứa đựng đường thẳng này. Chúng ta đến từng phần của đường thẳng một cách từ từ: phải bỏ điểm A rồi mới tới điểm B, không đến C cho đến khi đã bỏ B. Vì Thượng Đế ở bên trên, bên ngoài và vòng quanh cũng như chứa đựng đường thẳng này, Ngài nhìn thấy t ất cả.


Chúng ta nên hiểu rõ ý niệm này vì nó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn đối với Cơ-đốc giáo. Trước khi tôi trở thành Cơ-đốc nhân một trong những điều phản đối của tôi là như sau. Cơ-đốc nhân nói rằng Thượng Đế đời đời ở mọi nơi và vẫn làm cho vũ trụ này hoạt động, ngay khi cả lúc Ngài trở thành người. Tôi mới hỏi rằng làm sao vũ trụ cứ hoạt động khi Ngài là một đứa bé sơ sinh hay khi Ngài đang ngủ? Làm sao Ngài lại là Thượng Đế là Đấng biết tất cả mọi sự và đồng một lúc lại là người hỏi môn đồ Ngài “Ai sờ ta ?” Bạn để ý điều tôi nêu lên ở đây liên can đến thời gian tính “Trong khi Ngài là một trẻ sơ sinh” - “Làm sao Ngài cùng một lúc ?” Nói một cách khác tôi giả sử đời sống là Jêsus của Ngài ở Palestine là một giai đoạn ngắn của đoạn đời đó - cũng giống như thời gian tôi đang ở trong quân đội là một thời kỳ của cả đời sống tôi. Đó là cách chúng ta suy nghĩ. Chúng ta tưởng tượng Thượng Đế có đời sống mà giai đoạn làm người của Ngài có thể xem như một giai đoạn còn trong tương lai, hay hiện tại, rồi Ngài có thể nhìn lại xem đó là quá khứ.

Nhưng rất có thể không phải như vậy. Chúng ta không thể tự tạo một mối liên hệ giữa đời sống Đức Chúa Jesus trên đất ở Palestine với đời sống Ngài là Thượng Đế vượt quá không gian và thời gian. Điều này nói lên một lẽ thật về Thượng Đế là bằng cách nào đó bản tính con người và những kinh nghiệm con người như sự yếu đuối, ngủ nghỉ và vô tư lại được gồm vào đời sống thiên thần của Thượng Đế.

Trên bình diện con người, đời sống trên đất của Thượng Đế là một giai đoạn của lịch sử con người (từ năm thứ nhất trước Thiên Chúa đến lúc Ngài bị đóng đinh). Vì vậy chúng ta nghĩ rằng giai đoạn đó cũng là một phần của đời sống thiên thần của Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế không có lịch sử. Ngài quá trọn vẹn và quá thật để có lịch sử. Là vì lịch sử nói lên sự mất mát (đi vào quá khứ) và những gì chưa đến (vẫn còn trong tương lai): không có gì là thật hết ngoài cái mà chúng ta gọi là hiện tại, mà hiện tại lại qua như chớp mắt. Chúng ta không thể tưởng tượng về Thượng Đế như vậy. Chúng ta cũng không muốn ai bàn luận về chúng ta như vậy.


Nếu chúng ta cho rằng Thượng Đế có thời gian tính thì lại có một sự khó khăn khác là như thế này. Ai tin Thượng Đế thì cũng tin rằng Ngài biết chúng ta làm gì ngày mai. Nhưng nếu Ngài biết tôi sẽ làm điều gì đó thì làm sao tôi có thể có tự do được? Thật ra điều khó khăn ở đây cũng do sự suy nghĩ là Thượng Đế đi theo thời gian như chúng ta: chỉ có khác là Ngài biết trước và chúng ta thì không. Nếu đúng vậy thì khó chấp nhận là chúng ta có tự do để hành động.

Nhưng nếu Thượng Đế ở ngoài và ở trên chứ không thuộc thời gian tính thì sao. Trong trường hợp này, cái mà chúng ta gọi là “ngày mai” và “hôm nay” cũng đều giống nhau đối với Ngài. Tất cả mọi ngày đều là “bây giờ” đối với Ngài. Ngài không nhớ bạn làm gì hôm qua, Ngài nhìn thấy luôn vì mặc dù bạn đã mất ngày hôm qua, Ngài không có mất. Ngài không “thấy trước” bạn làm gì ngày mai mà chỉ nhìn thấy điều bạn làm, vì mặc dù ngày mai chưa đến đối với bạn, ngày mai đã đến với Ngài.

Chúng ta không cho rằng không có tự do hành động ngay bây giờ vì Thượng Đế biết chúng ta làm gì. Thật ra Ngài cũng biết những hành động ngày mai của bạn như vậy, vì Ngài đang ở trong ngày mai rồi. Nói cách khác Ngài không biết bạn làm gì cho đến khi bạn có hành động đó: những lúc bạn làm điều gì đó là đó là “bây giờ”đối với Ngài.


Ý niệm trên giúp tôi nhiều. Nếu bạn không thấy có ích thì đừng để ý. Nó được gọi là “ý tưởng Cơ-đốc” vì nhiều người Cơ-đốc vĩ đại và khôn ngoan chấp nhận ý tưởng này, và không có gì trái ngược với Cơ-đốc giáo. Tuy nhiên điều này không có ở trong Kinh Thánh. Bạn vẫn có thể là một Cơ-đốc nhân tốt dù không chấp nhận ý tưởng này, hay là không suy nghĩ gì về nó hết.



bottom of page