top of page

4.7 CHÚNG TA HÃY BẮT CHƯỚC

Hung Tran

Apr 16, 2024

Như vậy, bắt chước làm Đấng Christ là một điều cả gan. Vậy mà Thượng Đế muốn chúng ta làm như vậy...



PHẦN BỐN - VƯỢT QUÁ NHÂN CÁCH TÍNH: CÁC BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI


4.7 CHÚNG TA HÃY BẮT CHƯỚC



Một...

...lần nữa tôi xin bắt đầu bằng cách đặt hai hình ảnh, hay là hai câu chuyện, vào tâm trí bạn. Một câu chuyện là Giai nhânÁc quỷ mà bạn đã đọc. Bạn còn nhớ là giai nhân đã phải thành hôn với ác quỷ. Nàng phải hôn ác quỷ giống như là hôn một người chồng. Rồi nàng nhẹ nhõm mà nhận thấy rằng ác quỷ thật sự trở thành người, rồi mọi sự tốt đẹp.

Câu chuyện thứ hai là về một người phải mang mặt nạ để che giấu khuôn mặt khó nhìn của ông. Ông phải mang một thời gian mấy năm. Khi lấy ra, ông thấy mặt ông đã thay đổi để vừa vặn với mặt nạ này. Bây giờ mặt ông trở nên xinh đẹp. Điều không thiệt đã trở nên thiệt. Tôi nghĩ hai câu chuyện này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn những điều tôi muốn nói trong chương này. Từ đầu đến điểm này thì tôi đã chỉ nói lên những lẽ thật.

Thượng Đế là ai và Ngài đã làm gì. Bây giờ tôi muốn nói về điều áp dụng - chúng ta làm gì bây giờ? Giáo lý này đưa đến những áp dụng nào? điều ứng dụng có thể xảy ra ngay tối nay. Nếu bạn đã chú ý đủ để đọc đến đây, có lẽ bạn muốn đi tới nữa để cầu nguyện - ít nhất là đọc bài cầu nguyện chung.


Những chữ đầu của bài cầu nguyện này là “Lạy Cha chúng con”. Bạn biết những chữ này có nghĩa gì không? Những chữ này muốn nói lên bạn là con Thượng Đế. Nói một cách trắng trợn là bạn mặc lấy Đấng Christ. Nghĩa là bạn đang bắt chước. Bởi vì khi bạn đọc những chữ đó bạn biết bạn không phải là con Thượng Đế. Bạn không giống như con Thượng Đế mà ý chí và ước muốn của Ngài hoàn toàn giống như của Thượng Đế: còn bạn lại là người tự kỷ, tham lam, ghen tỵ, kiêu ngạo đáng phải chết. Như vậy, bắt chước làm Đấng Christ là một điều cả gan. Vậy mà Thượng Đế muốn chúng ta làm như vậy.


Tại sao? Bắt chưóc để làm gì? Ngay trên bình diện con người bạn cũng biết là có hai cách bắt chước. Cách bắt chước xấu, khi không có thiệt như vậy; giống như một người giả bộ giúp chứ không thật muốn giúp. Nhưng còn thứ bắt chước tốt, khi sự bắt chước có thể đem đến việc xảy ra thật. Khi bạn không thấy muốn thân thiện mà biết là mình nên thân thiện, cách tốt nhất là giả đò thân thiện và làm ra vẻ như bạn tốt lắm.

Chắc bạn cũng có kinh nghiệm là sau vài phút bạn trở thành thân thiện hơn thật. Vậy nên thường là cách duy nhất để có kinh nghiệm thật là giả bộ như thật. Vì vậy trò chơi của các em trẻ em rất quan trọng. Trẻ em luôn luôn muốn bắt chước người lớn - giả làm lính, bán cửa tiệm. Khi chơi như vậy bắp thịt chúng nó mạnh mẽ hơn, trí óc chúng nó suy nghĩ chính chắc hơn, cho nên sự chơi đùa như vậy giúp chúng nó trưởng thành.


Chính vào lúc mà bạn nhận thức được rằng “tôi đang mặc lấy Đấng Christ” thì có thể lắm bạn muốn sự “mặc lấy” này gần giống như thật càng nhiều càng tốt. Bạn thấy trong đầu óc mình nghĩ về nhiều điều mà nếu bạn thật sự là con Thượng Đế thì đã không có những ý nghĩ đó. Nếu vậy, đừng nghĩ về những điều đó. Hoặc nếu bạn thấy thay vì cầu nguyện bạn muốn viết thư hay giúp vợ bạn rửa chén, thì nên đi làm như vậy.


Bạn có thấy điều gì xảy ra không? Đấng Christ, Con Thượng Đế là con người (như bạn) và là Thượng Đế (như Thượng Đế) đang ở cạnh bạn và sẵn sàng làm cho sự bạn mặc lấy Ngài trở thành sự thật. Đây không phải một cách nói cầu kỳ là lương tâm bạn đang khuyên cáo bạn. Nếu bạn xét lương tâm, bạn có kết quả khác; nếu bạn nhớ bạn đang mặc lấy Đấng Christ, bạn lại thấy khác.

Có nhiều điều lương tâm bạn không thấy sai (nhất là những ý tưởng trong tâm trí bạn) nhưng bạn biết bạn không thể tiếp tục làm những điều này nếu bạn thực sự muốn bắt chước Đấng Christ. Bởi vì bạn không còn nghĩ về đúng hay sai nữa; mà bạn muốn được một Đấng cho bạn một sự truyền nhiễm tốt. Cũng giống như vẽ một bức chân dung hơn là tuân theo luật lệ. Một điều lạ là trên một phương diện điều này khó làm hơn giữ luật lệ nhiều, trên một phương diện khác, lại dễ hơn nhiều lắm.


Con Một của Thượng Đế đang ở bên cạnh bạn. Ngài đang giúp bạn trở nên giống như Ngài. Ngài “tiêm sự sống thuộc linh” và ý nghĩa của Ngài (Zoe) vào sự sống của bạn; giúp người lính bằng thiếc trở nên một người thật. Cái phần của bạn mà không thích điều Ngài làm là cái phần còn bằng thiếc.


Có thể một số các bạn thấy điều tôi nói không giống kinh nghiệm của bạn chút nào. Có thể bạn nói: “tôi không bao giờ cảm thấy được Đấng Christ vô hình giúp đỡ, nhưng tôi lại được những người khác giúp”. Nói như vậy cũng giống một người đàn bà vào Thế Chiến Thứ nhất đã nói rằng nếu có thiếu bánh mì cũng không sao đối với họ, vì họ luôn luôn ăn bánh mì nướng. Nếu không có sự giúp đỡ của Đấng Christ thì không có sự giúp đỡ của những người khác. Ngài làm việc trong chúng ta bằng đủ mọi cách: không những chỉ qua những “hoạt động tôn giáo” của chúng ta.

Ngài hoạt động thiên nhiên, qua thân thể chúng ta, qua sách vở, qua những kinh nghiệm mà (có lúc) chúng ta nghĩ là chống Cơ-đốc giáo. Khi một thanh niên đang đi từ nhà thờ đều đặn lại thành thật nhận rằng anh ta không còn tin Chúa nữa rồi không đi nhà thờ - nếu anh ta thật tình chứ không phải làm như vậy để chọc giận cha mẹ - Thánh linh của Đấng Christ cũng có thể gần gũi với anh ta hơn bao giờ hết. Nhưng trên hết Ngài hành động trên đời sống chúng ta qua những người khác.


Con người là gương soi, hay “người mang” Đấng Christ đến với những người khác. Có khi người không có chất cần thiết lại đem đến những sự “truyền nhiễm tốt” này. Những người không tin Chúa đã giúp tôi tin Chúa. Nhưng thường thì nhữn người biết Ngài đem Ngài đến những người khác. Vì vậy cho nên việc Hội thánh, cả đoàn thể Cơ-đốc giáo, bày tỏ Ngài cho nhau quan trọng vô cùng.

Có thể nói khi hai người Cơ-đốc cùng đi theo Chúa thì không phải là chỉ có bằng hai Cơ-đốc giáo nhưng mà 16 lần nhiều hơn. Nhưng đừng quên điều này: lúc đầu thì trẻ sơ sinh bú sữa mẹ mà không biết mẹ mình. Cũng như vậy, có khi chúng ta chỉ nhìn thấy người giúp chúng ta mà không thấy Đấng Christ đằng sau. Nhưng chúng ta không thể còn là trẻ sơ sinh mãi. Chúng ta phải nhận biết Đấng Ban Cho thật sự. Nếu không chúng ta sẽ vẫn còn tùy thuộc vào người khác. Rồi chúng ta sẽ thất vọng. Người tài giỏi nhất cũng sẽ lầm lỗi; và tất cả đều sẽ qua đời.

Chúng ta nên cảm ơn tôn kính và yêu mến những người đã giúp đỡ chúng ta. Nhưng không bao giờ, không bao giờ đặt trọn vẹn đức tin của bạn vào một người nào đó: dù đó là người tài nhất hay khôn ngoan nhất là thế gian này. Bạn có thể dùng cát để làm nhiều việc khác nhau; nhưng đừng xây nhà trên cát.


Bây giờ chúng ta bắt đầu hiểu những điều Tân ước luôn luôn đề cập đến. Tân ước nói về người Cơ-đốc được: “tái sinh”; mặc lấy Đấng Christ; Đấng Christ được “tạo thành trong chúng ta”, và chúng ta hãy “có cùng tâm tình như Đấng Christ đã có.”


Đừng nghĩ rằng những lời này là cách lòe lọet để dạy rằng Cơ-đốc nhân phải đọc những lời dạy dỗ của Đấng Christ và làm theo - giống như một người có thể đọc những gì Plato hay Marx nói và làm theo. Cái ý ở đây sâu đậm hơn nhiều.

Một Con người thật là Đấng Christ đang ở đây và bây giờ đây trong căn phòng bạn đang cầu nguyện và hành động trên bạn. Vấn đề ở đây không phải là về một người tốt lành đã chết cách đây 2000 năm. Ngài đang hằng sống, một người giống như bạn vậy, lại cũng giống như Thượng Đế như khi Ngài tạo dựng vũ trụ, đang đến và xen vào chính con người của Ngài. Lúc đầu điều này chỉ xảy ra một vài lúc thôi. Rồi lâu hơn một chút. Sau cùng, nếu mọi sự tốt đẹp, sẽ biến cải bạn để bạn có đời sống giống như Thượng Đế, chia xẻ với Ngài quyền năng, sự vui mừng, tri thức và sự sống đời đời. Không bao lâu chúng ta khám phá ra hai điều.


1) Chúng ta bắt đầu để ý đến bản chất tội lỗi của con người chúng ta, ngoài những hành động tội lỗi rõ ràng; bắt đầu quan tâm không những về những gì chúng ta làm, mà còn về bản chất con người chúng ta. Điều này có thể hiểu nên tôi xin nói rõ thêm bằng cách kể kinh nghiệm của tôi.

Khi tôi cầu nguyện vào buổi tối và xét những tội lỗi đã phạm suốt ngày, tôi thấy chín phần mười là tôi thiếu lòng thương người, tôi xụ mặt, nạt nộ, gằn giọng, chua cay, làm nhục, hay làm ồ ạt. Lập tức tôi nghĩ đến lý do để bào chữa là sự khiêu khích quá đột ngột hay không ngờ: tôi bị khiêu khích thình lình và không kịp trấn tĩnh tinh thần. Có thể lắm là có trường hợp giảm khinh cho những hành động kể trên: nếu không, mà do cố ý thì còn tệ hơn.

Nhưng trên một phương diện khác, chắc hẳn hành động của một người khi không chuẩn bị là chứng cớ tốt nhất cho biết người này là một người như thế nào. Chắc hẳn là cái gì tỏ lộ ra, trước khi một người có thì giờ che giấu, là sự thật? Nếu có chuột trong hầm thì nếu bạn vào đó thình lình thì là hầu như dễ bắt gặp nhất.

Nhưng sự đột ngột không tạo ra chuột: chỉ làm cho chúng không trốn được thôi. Cũng vậy, sự khiêu khích thình lình không làm tôi trở thành một người nóng tính khó chịu: mà chỉ cho tôi thấy rõ tôi là một người khó chịu như thế nào. Chuột luôn luôn ở trong hầm đó, nhưng nếu bạn đi vào la lối om sòm thì chúng nó trốn đi trước khi bạn vặn đèn. Con chuột của sự ghét bỏ và căm thù luôn luôn hiện diện trong linh hồn tôi.

Cái hầm đó ở ngoài ý thức của tôi. Tôi có thể kiểm soát được hành động của tôi: nhưng tôi không kềm chế được tính khí tôi. có lẽ (như tôi đã nói trước đây) bản tính của chúng ta quan trọng hơn cả những gì chúng ta làm - nếu thật sự những gì chúng ta làm là chứng cớ bày tỏ con người thật của chúng ta, thì sự thay đổi mà tôi cần nhất là sự thay đổi mà dù tôi có cố gắng cũng không đem đến được.

Điều này cũng áp dụng cho những hành vi tốt. Có bao nhiêu hành động là do động cơ thúc đẩy tốt? Còn bao nhiêu là vì sợ dư luận, hay vì muốn khoe khoang? Còn bao nhiêu là do sự kỳ khôi hay tự tôn mặc cảm, mà nếu ở hoàn cảnh khác có thể đem đến những hành động xấu? Nhưng tôi không thể bởi sự cố gắng mà có được động cơ thúc đẩy mới. Sau vài bước đầu trong đời sống Cơ-đốc, chúng ta nhận thấy rằng chỉ có Thượng Đế mới thay đổi được linh hồn của chúng ta. Và điều này đưa đến điều có thể bị hiểu lầm vì ngôn ngữ tôi dùng từ khi tôi bắt đầu bàn luận về vấn đề này.


2) Tôi đã bàn luận như thể là chúng ta chủ động mọi sự. Trên thực tế dĩ nhiên là Thượng Đế chủ động mọi sự. Tối đa là chúng ta để những điều đó xảy ra. Trên một phương diện, có thể bạn nghĩ chính Thượng Đế mới giả bộ. Thượng Đế ba ngôi nhìn thấy trước mặt Ngài một người tự kỷ, tham lam, than vãn, và muốn phản loạn. Nhưng Ngài phán: “hãy làm như người này không phải là một tạo vật, nhưng mà là con chúng ta. Hãy làm như người này cũng giống Đấng Christ trên phương diện thuộc linh. Hãy cứ xem như vậy đi, để điều này có thể thành sự thật.“

Đức Chúa Trời nhìn bạn như là một Đấng Christ nhỏ: “Đấng Christ ở bên cạnh bạn để bạn trở thành giống như Ngài.” Lúc đầu tôi lấy làm lạ về ý niệm giả đò này. Nhưng lạ thực không? Phải chăng đó cũng là cách mà những người cao hơn nâng đỡ những kẻ còn thấp bé? Một người mẹ dạy con sơ sinh của mình nói bằng cách nói với nói những điều mà có thể còn lâu lắm nó mới hiểu. Chúng ta đối xử với mấy con thú như chó, như thể chúng nó là con người: vì vậy mà sau cùng chúng nó giống như người thật.



bottom of page