top of page

4.8 CƠ ĐỐC GIÁO KHÓ HAY DỄ

Hung Tran

Apr 16, 2024

Tôi muốn nói rõ là đây không phải là một trong những điều quan trọng người Cơ-đốc phải làm;...



PHẦN BỐN - VƯỢT QUÁ NHÂN CÁCH TÍNH: CÁC BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI


4.8 CƠ-ĐỐC GIÁO KHÓ HAY DỄ



Trong...

...chương rồi chúng ta bàn luận về vấn đề mặc lấy Đấng Christ để trở thành con cái Đức Chúa Trời thật sự. Tôi muốn nói rõ là đây không phải là một trong những điều quan trọng người Cơ-đốc phải làm; cũng không phải là những hành động đặc biệt chỉ dành cho những người khá trên phương diện thuộc linh. Đây là cả Cơ-đốc giáo. Cơ-đốc giáo không dạy cái gì khác hơn nữa. Ở đây tôi muốn phân biệt Cơ-đốc giáo với ý niệm thông thường về “đạo đức”và “tốt lành”.


Trước khi trở thành Cơ-đốc nhân, chúng ta có ý niệm thông thường như sau. Khởi điểm là bản ngã chúng ta với những ham muốn và ý thích của nó. Rồi chúng ta chấp nhận rằng có cái gì khác - gọi là “đạo đức”, “lối cư xử đúng” hay “lợi ích xã hội” - xen vào bản ngã này, cản trở những ham muốn đó. Người tốt lành là người làm theo tiếng gọi của đạo đức. Có nhiều điều bản ngã muốn làm chúng ta lại thấy “sai”: phải bỏ đi. Những điều khác mặc dù bản ngã không muốn làm mà lại là những điều “Tốt “ thì chúng ta nên làm. Nhưng chúng ta luôn luôn hy vọng là khi trả hết bổn phận bằng cách đó, bản ngã đáng thương hại này còn có cơ hội để làm những điều nó muốn làm. Thật ra chúng ta không khác gì người lương thiện trả thuế. Anh ta trả thuế thật đó, nhưng cũng mong rằng mình còn lại chút đỉnh để sinh sống. Vì trong trường hợp này khởi điểm là bản ngã thiên nhiên của chúng ta.


Nếu chúng ta cứ còn nghĩ như vậy thì có một trong hai kết quả như sau. Một là chúng ta không còn muốn làm lành nữa, hai là chúng ta rất khổ sổ. Bởi vì bạn phải biết là khi bạn làm xong bổn phận thì bản ngã bạn không còn gì để sống theo ý riêng nữa. Bạn càng theo tiếng gọi lương tâm, thì lương tâm bạn càng đòi hỏi nhiều hơn. Rồi bản ngã của bạn đang sầu héo lo ngại lại trở nên càng giận dữ.

Sau cùng hoặc là bạn chịu thua không làm lành nữa, hoặc là trở nên một người mà mặc dù “sống cho người khác” lại luôn luôn than vãn phật lòng - cứ tự hỏi tại sao người khác không để ý đến những việc mình làm, và có thái độ như một người chịu khổ vì đạo. Nếu bạn ở trong trường hựp thứ hai, bạn làm cho những người sống chung với bạn khổ sở hơn là nếu bạn cứ giữ tính ích kỷ.


Đường lối Cơ-đốc thì khác: khó hơn mà dễ hơn. Đấng Christ phán - “hãy dâng cho ta tất cả. Ta không muốn chỉ bao nhiêu thì giờ, tiền bạc, và việc làm của con: Ta muốn chính mình con. Ta không đến để làm khó bản ngã con, Ta đến để giết bản ngã đó. Cách nào lưng chừng cũng không ích chi hết. Ta không muốn cắt một nhánh ở đây rồi một nhánh ở kia nhưng ta muốn đốn cả cây xuống. Ta không muốn chữa răng con bằng cách khoan, bịt lại, hay chữa tạm thời, mà muốn nhổ ra. Hãy trao cho ta bản ngã tự nhiên của con, với tất cả những ước muốn ngây thơ cũng như độc ác. Ta sẽ trao cho con một bản ngã mới. Thực ra ta sẽ ban cho con Chính ta: con người của ta sẽ trở thành của con”.


Khó hơn mà cũng dễ hơn là những gì chúng ta cố gắng làm. Chắc bạn cũng để ý là Đấng Christ có nói đường lối Cơ-đốc rất khó mà cũng rất dễ. Ngài dạy: Hãy vác thập tự giá, hay nói một cách khác, giống như là bị hành hạ chết trong trại tù tập trung. Trong một giây phút khác Ngài lại phán: Ách ta nhẹ và gánh ta dễ dàng.” Ngài muốn nói cả hai. Và chúng ta càng có thể hiểu tại sao như vậy.


Thầy giáo thường nói là cậu học trò nào lười biếng trong lớp sẽ là đứa phải học nhiều nhất vào cuối năm. Họ muốn nói thế này. Nếu bạn cho hai cậu học trò một bài toán hình học, cậu nào chịu khó cố gắng sẽ tìm hiểu cho được. Cậu lười biếng sẽ học thuộc lòng vì ngay lúc đó không cần cố gắng nhiều.

Nhưng sáu tháng sau, khi chuẩn bị thi, cậu học trò lười biếng phải để nhiều giờ để học những điều mà cậu học trò kia có thể hiểu, mà còn thấy thích nữa là khác, trong vài phút. Lười biếng có nghĩa là phải học nhiều hơn về sau. Một thí dụ khác. Trong chiến trận, cũng như leo núi cái gì mà càng để thì giờ làm kỹ thì càng đưa đến sự an toàn nhất. Nếu làm đại lẹ thì sau đó sẽ gặp nguy hiểm nhiều. Sự nhút nhát cũng là sự nguy hiểm nhất.


Ở đây cũng vậy, điều khó khăn, hầu như không thể làm được - là giao cả bản ngã - tất cả ước muốn và sự cẩn thận - cho Đấng Christ. Nhưng cách này lại dễ hơn tất cả những gì chúng ta cố gắng làm. Bởi vì điều chúng ta muốn là giữ lại cái gì mà chúng ta gọi là “chính chúng ta”, lấy hạnh phúc cá nhân làm mục đích chính của đời sống và đồng thời là người “tốt”. Tất cả chúng ta đều muốn tấm lòng và trí óc chúng ta đi theo đường lối riêng - đặt trọng tâm ở tiền bạc hay khoái lạc hay tham vọng - và mặc dù vậy, hy vọng mình cũng cư xử thành thật và khiêm tốn và có lòng thương người.

Đó chính là điều Đấng Christ cảnh cáo chúng ta là chúng ta không thể làm được. Và Ngài nói bụi gai không thể sanh ra cây vả. Nếu tôi là một cánh đồng mà không có gì hết ngoài hột cỏ, thì tôi không thể mọc lúa mì. Cắt cỏ thì làm cho nó gọn, nhưng tôi cũng chỉ mọc cỏ chứ không mọc lúa mì được. Nếu tôi muốn mọc lúa mì, sự thay đổi phải đi sâu xuống. Tôi phải bị cày lên và gieo lại.


Vì vậy mà những vấn nạn của đời sống Cơ-đốc xảy đến khi người ta không tìm kiếm. Nó đến khi bạn thức dậy mỗi buổi sáng. Những mơ ước và hy vọng đến dồn dập với bạn như những con thú hoang dã. Rồi công việc đầu tiên của mỗi buổi sáng là đè ép những mơ ước này lại. Rồi lắng nghe tiếng nói kia, quan điểm kia, để đời sống rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn và yên lặng hơn kia vào đời sống bạn. Rồi suốt này như vậy. Bạn để những ý tưởng mơ ước tự nhiên của bạn qua một bên, đi vào nơi ẩn náu.


Lúc đầu chúng ta chỉ làm được như vậy trong những khoảnh khắc ngắn ngủi. Nhưng những khoảnh khắc đó đưa đến sức sống mới cho cả đời sống chúng ta: vì bây giờ chúng ta để Ngài hành động trên chúng ta. Sự khác biệt ở đây có thể ví như lớp sơn trên mặt và thuốc nhuộm hay vết bẩn thấm sâu vào. Ngài không bao giờ dùng những lời mơ hồ hay lý tưởng.

Khi Ngài nói “hãy hoàn toàn” Ngài muốn chúng ta làm điều đó thật. Ngài muốn chúng ta được sửa đổi toàn bộ. Khó thật đó, nhưng sự dung hòa mà chúng ta muốn có lại còn khó hơn, hay đúng hơn, không thể thực hiện được. Cái trứng trở thành con chim thì có thể khó đó: nhưng còn là cái trứng mà học để bay thành con chim thì còn khó hơn rất nhiều. Bây giờ chúng ta giống như những cái trứng vậy. Và bạn không thể làm cái trứng bình thường mà đoan trang mãi được. Chúng ta phải ấp hay bị hư.


Tôi xin được trở lại vấn đề tôi đã nói trước đây. Đây là cả nền Cơ-đốc giáo. Không có điều gì khác. Rất dễ để chúng ta lầm lộn ở đây. Rất dễ để nghĩ rằng Cơ-đốc giáo có những mục đích khác - giáo dục, xây cất, truyền giáo, và tổ chức các buổi nhóm. Cũng giống như rất dễ để nghĩ rằng chính phủ có nhiều mục đích khác nhau - quân sự, chính trị, kinh tế và nhiều điều khác.

Nhưng có lẽ giản dị hơn thế nhiều. Có chính phủ để giữ gìn hành phúc của công dân. Vợ chồng trò chuyện bên lò sưởi, vài người bạn chơi phi tiêu trong tiệm rượu, một người đọc sách trong phòng hay làm vườn - vai trò của chính phủ là như thế. Và trừ khi chính phủ duy trì được những giờ phút đó, tất cả luật pháp, quốc hội, quân đội, toà án, cảnh sát, kinh tế...đều phí thì giờ vô ích. Cũng như vậy, có Hội thánh chỉ để đem con người đến với Đấng Christ, giúp họ trở thành Cơ-đốc nhân.

Nếu Hội thánh không làm không làm được điều đó, tất cả các thánh đường, mục sư, chương trình truyền giáo, bài giảng ngay cả chính Kinh Thánh, cũng đều phí thì giờ vô ích.


Thượng Đế trở thành con người cũng chỉ có mục đích đó. Có thể ngay cả vũ trụ này cũng được tạo dựng chỉ với mục đích đó. Kinh Thánh chép rằng vũ trụ được dựng nên vì Đấng Christ, và tất cả mọi sự được tạo dựng bởi Ngài. tôi không nghĩ ai trong chúng ta giải thích điều này thế nào đối với cả vũ trụ.

Chúng ta không biết cách xa trái đất này hằng triệu dặm thì có gì đang sinh sống không. Ngay cả trên trái đất này, điều nói trên có nghĩa gì đối với sinh vật khác với loài người. Chúng ta không hy vọng có thể biết hơn được vì chúng ta chỉ biết kế hoạch đối với lòai người.


Đôi khi tôi tưởng tượng là tôi hiểu điều xảy ra đối với những sinh vật khác. Tôi nghĩ tôi thấy con người có thể quyến rủ những sinh vật cao hơn khi con người yêu mến những sinh vật này và làm họ gần như là con người. Tôi cũng nghĩ những thực vật và cái gì đã chết cũng có thể được lôi cuốn vào con người khi con người nghiên cứu và tìm hiểu những vật này.

Nếu có những sinh vật có trí thông minh ở những thế giới khác chắc điều tương tự như vậy cũng xảy ra trong những thế giới này. Có thể khi những sinh vật có trí thông minh được ở trong Đấng Christ, bằng cách ấy chúng cũng mang những vật khác đi cùng. Nhưng tôi chỉ phỏng đoán chứ không biết chắc.


Điều chúng ta biết được là con người có thể ở trong Đấng Christ. Có thể trở thành một phần của món quà tuyệt diệu mà Hoàng tử của vũ trụ dâng cho Đức Chúa Cha - món quà này là chính Ngài và chúng ta ở trong Ngài. đó là mục đích duy nhất mà chúng ta được tạo dựng. Và Kinh Thánh có cho chúng ta thoáng biết là khi chúng ta được kéo vào như vậy, tất cả những gì khác trong thiên nhiên sẽ trở nên tốt đẹp. Cơn ác mộng sẽ qua đi: trời lại sáng.



bottom of page