top of page

4.9 ĐẾM GIÁ PHẢI TRẢ

Hung Tran

Apr 16, 2024

Có thể bạn chỉ muốn vậy thôi, nhưng một khi bạn đã kêu cầu đến Ngài thì Ngài sửa chữa toàn bộ...



PHẦN BỐN - VƯỢT QUÁ NHÂN CÁCH TÍNH: CÁC BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI


4.9 ĐẾM GIÁ PHẢI TRẢ



Nhiều...

...người thắc mắc về thời điểm tôi đã đề cập đến ở chương vừa rồi về lời phán của Chúa “Hãy hoàn toàn”. Nhiều người nghĩ câu này có nghĩa “trừ khi con hoàn toàn, Ta sẽ không giúp con” và vì chúng ta không thể nào hoàn toàn được, nếu Ngài thật sự muốn nói vậy thì hoàn cảnh của chúng ta thật bế tắc.


Nhưng tôi không nghĩ Chúa muốn nói như vậy. Tôi nghĩ Ngài muốn nói rằng: “Ta chỉ có thể giúp con để con trở thành người hoàn toàn. Có thể con không đòi hỏi như vậy: nhưng ta sẽ không làm khác hơn”.


Tôi xin được giải thích. Khi tôi còn nhỏ tôi hay bị đau răng, và tôi biết rằng khi tôi đến nói với mẹ tôi, bà sẽ cho tôi thuốc uống hết đau đêm đó để ngủ được. Nhưng tôi không chạy lại mẹ tôi cho đến khi đau nhiều.

Lý do là vì tôi biết mẹ tôi sẽ cho tôi thuốc nhưng bà cũng sẽ làm thêm một điều khác. Tôi biết bà sẽ dẫn tôi đi nha sĩ sáng hôm sau. Tôi không thể xin mẹ tôi điều tôi muốn mà tránh được điều tôi không muốn, mà thế nào cũng phải xảy ra. Tôi muốn hết đau ngay: nhưng tôi không đạt được điều này mà tránh việc chữa răng cho khỏi hẳn. Và tôi biết rõ những ông nha sĩ này quá; thế nào ông cũng xem những cái răng khác chưa đau. Họ không để yên đâu; nhường họ một chút thì họ làm tới.


Nếu tôi có thể dùng thí dụ trên thì Chúa chúng ta giống như nha sĩ. Nếu bạn để Ngài làm gì đó một chút, Ngài sẽ làm tới. Hàng chục người đến với Ngài để chữa lành một tội lỗi đặc biệt mà họ thấy xấu hổ (như thủ dâm hoặc nhút nhát) hoặc những hành động làm đời sống hằng ngày khổ sở (như tính nóng hoặc say sưa). Vâng, Ngài sẽ chữa lành những thứ đó: nhưng Ngài không dừng lại ở đó. Có thể bạn chỉ muốn vậy thôi, nhưng một khi bạn đã kêu cầu đến Ngài thì Ngài sửa chữa toàn bộ.


Vì vậy mà Ngài khuyên hãy đếm giá phải trả trước khi trở thành người Cơ-đốc. Ngài nói “đừng hiểu lầm” - nếu con chịu, Ta sẽ làm con trở thành người hoàn toàn. Ngay lúc con đặt chính con vào tay Ta, đó là điều con phải chịu. Không hơn không kém. Con có tự do ý chí, và nếu con muốn, con có thể đẩy Ta đi. Nhưng nếu con không đẩy Ta ra thì phải hiểu là Ta phải làm trọn công việc này. Dù trong đời sống trên đất này con phải chịu khổ bao nhiêu, dù có sự rửa sạch nào con phải trải qua sau khi chết, dù Ta phải trả giá nào.

Ta sẽ không ngừng, hoặc để con ngừng, cho đến khi con thật sự trở thành hoàn toàn - cho đến khi Cha Ta có thể nói một cách không ngại ngùng rằng Ngài đẹp lòng về con, như Ngài đã phán Ta làm đẹp lòng Ngài. điều này Ta có thể làm được và sẽ làm. Nhưng Ta sẽ không làm ít hơn như vậy đâu.


Vậy mà - đây là một khía cạnh khác cũng không kém quan trọng - Đấng Vùa Giúp, dù không thỏa mãn với cái gì không hoàn toàn, lại cũng rất hài lòng với sự cố gắng yếu đuối, chập chững của bạn để làm được những điều giản dị nhất. Như ông George MacDonald, một tác giả Cơ-đốc rất nổi tiếng, đã nói, người cha nào cũng vui khi nhìn con mình đi bước đầu tiên: không người cha nào lại muốn đứa con trai trưởng thành của mình đi không thẳng thắn mạnh mẽ và đường hoàng. Ông cũng nói “làm Đức Chúa Trời hài lòng rất dễ nhưng làm Ngài thỏa lòng rất khó”.


Sự áp dụng là như thế này. Trên một mặt, sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời vấn đề hoàn toàn không nên làm bạn tuyệt vọng trong cố gắng trở nên tốt hơn, hay ngay cả trong những thất bại hiện tại. Mỗi khi bạn ngã, Ngài sẽ đỡ bạn dậy. Ngài biết rõ là những cố gắng của riêng bạn sẽ không bao giờ đưa đến sự hoàn hảo. Mặt khác, bạn phải biết từ lúc đầu rằng mục đích của Ngài cho bạn là sự toàn hảo, không có quyền hành nào trong cả vũ trụ này, trừ chính bạn, có thể cản trở Ngài đem bạn đến mục tiêu đó.

Đó là điều bạn phải biết và rất quan trọng để bạn nhận biết như vậy. Nếu không, bạn có thể thối lui và cưỡng lại Ngài ở một điểm nào đó. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta, khi Đấng Christ giúp chúng ta thắng được một hay hai tội lỗi làm chúng ta khó chịu, thì lại nghĩ rằng chúng ta đã đạt đến mức độ tốt lành (mặc dù không nói ra). Ngài đã làm được những điều chúng ta muốn Ngài làm và chúng ta sẽ mang ơn Ngài lắm nếu Ngài để chúng ta yên. Như chúng ta thường nói “Tôi đâu có muốn thành thánh đâu, tôi chỉ muốn làm một người bình thường đức hạnh”. Và chúng ta tưởng tượng rằng khi nói như vậy thì là chúng ta đã khiêm nhường lắm rồi.


Nhưng đây là một lầm lỗi tử sinh. Dĩ nhiên chúng ta không muốn và cũng không đòi hỏi để trở thành loại người mà Ngài muốn chúng ta trở thành. Nhưng vấn đề không phải là chúng ta muốn, mà Ngài muốn khi Ngài tạo dựng chúng ta. Ngài là Đấng tạo hóa, chúng ta chỉ là cái máy. Ngài là họa sĩ, chúng ta chỉ là bức tranh. Làm sao chúng ta biết được Ngài muốn chúng ta trở thành thế nào? Bạn thấy không Ngài đã làm chúng ta khác đi trước đây rất nhiều.

Trước đây lâu lắm, trước khi chúng ta được sanh ra, khi chúng ta ở trong bụng mẹ, chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Chúng ta đã giống như một loại t hực vật, có một lúc giống như loài cá, chỉ có một giai đoạn sau chúng ta mới thành giống như trẻ sơ sinh. Nếu chúng ta đã có ý thức khi trải qua những giai đoạn đầu tiên đó, tôi nghĩ chắc chúng ta muốn còn làm thực vật hay cá chứ không muốn làm con người. Nhưng Ngài có chương trình Ngài cho chúng ta và nhất quyết đạt cho được. Bây giờ một điều tương tự như vậy đang xảy ra, nhưng ở trên một bình diện cao hơn. Có thể chúng ta an phận muốn làm những “người bình thường”. Nhưng Ngài quyết chí thực hành một chương trình khác hẳn. Rút lại không chịu đi theo chương trình đó thì không phải khiêm nhường mà là lười biếng và nhút nhát. Chịu theo chương trình này không phải là tự hào hay tự tôn: mà là vâng phục.


Sau đây là cách khác để trình bày hai khía cạnh của lẽ thật. Ở một mặt chúng ta không bao giờ tưởng tượng là cố gắng riêng của chúng ta có thể giúp chúng ta sống “đạo đức” được suốt 24 tiếng đồng hồ tới đây. Nếu Ngài không giúp chúng ta, không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi tội lỗi trầm trọng. Ở mặt khác, không có sự nên thánh hay anh hùng nào của người thánh khiết nhất được ghi lại, lại là vượt quá tiêu chuẩn mà Ngài muốn mỗi chúng ta đạt được sau cùng. Công việc này sẽ không hoàn tất trong đời này: Ngài muốn chúng ta đi được càng xa càng tốt trước khi chết.


Vì vậy chúng ta đừng nên ngạc nhiên khi chúng ta gặp khó khăn. Khi một người đến với Đấng Christ và có vẻ như có một đời sống tốt (chẳng hạn bỏ được một vài tật xấu), anh ta nghĩ chắc tự nhiên là đời sống sẽ suông sẻ. Khi hoạn nạn đến - bịnh hoạn, vấn đề tiền bạc, những cám dỗ mới - anh ta thấy thất vọng. Anh ta nghĩ những điều này có thể đã cần thiết để thúc giục và làm cho anh ta ăn năn khi còn những thói quen tật xấu, nhưng tại sao bây giờ lại xảy ra? Vì Thượng Đế muốn đẩy anh ta lên mức cao hơn đặt anh ta vào tình huống mà anh ta phải can đảm, kiên nhẫn, đầy tình thương hơn là anh ta có thể dám nghĩ tới. Có thể chúng ta thấy không cần thiết; nhưng đó là vì chúng ta không cảm nhận được con người tuyệt vời mà Ngài muốn chúng ta trở thành.


Chắc tôi lại mượn phải một câu nói khác của ông George MacDonald: Hãy tưởng tượng bạn là một căn nhà có người ở. Đức Chúa Trời đến để xây căn nhà này lại. Trước hết có lẽ bạn hiểu Ngài làm gì. Ngài sửa máng xối và làm cho mái nhà hết dột v.v...bạn biết những cái đó cần sửa nên bạn không ngạc nhiên. Nhưng rồi Ngài lại sửa mấy chỗ khác làm cho đau đớn vô cùng và cũng không có lý do rõ ràng. Ngài đang làm gì đây? Chúng ta có thể giải thích là Ngài xây một căn nhà khác hẳn ý bạn - xây thêm một căn ở đây, đặt thêm cái nền ở chỗ kia, xây thêm lầu, và xây sân thượng. Bạn nghĩ bạn chỉ muốn được làm một căn nhà bình thường: Ngài lại xây một nhà lầu. Ngài muốn đến và sống ở trong đó.


Lời răn hãy hoàn toàn không phải là một lý tưởng không đâu. Đó cũng không phải là lời răn không đạt được. Ngài sẽ làm chúng ta thành những người có thể làm theo lời răn đó. Trong Kinh Thánh Ngài nói chúng ta là “các thần” và Ngài sẽ thực hiện điều này. Nếu chúng ta để Ngài tự do hành động - vì nếu muốn, chúng ta có thể cản ngăn Ngài - Ngài sẽ làm cho người yếu đuối nhất và bỉ ổi nhất trở thành một vị thánh, một sinh vật sáng láng, huy hoàng và sống đời đời, chiếu rọi năng lực, sự vui mừng, sự khôn ngoan và tình yêu thương mà chúng ta không thể tưởng tượng được, một tấm gương hai mặt phản chiếu lại quyền năng, sự thỏa lòng và nhân từ vô hạn của chính Thượng Đế một cách hoàn toàn (dù là trong một khuôn khổ giới hạn). Chương trình này rất dài và nhiều khi rất đau đớn: nhưng đó là điều chúng ta phải chấp nhận. Không thể nào khác đi được. Ngài sẽ làm những gì Ngài phán.



bottom of page