top of page

09. Tiên Thuật

CHÂN GIẢ LUẬN

09. Tiên Thuật


Sách ngoại sử Trung Quốc có truyện "Phong Thần Diễn Nghĩa", ghi lại những câu chuyện thần thoại và những mẩu chuyện kỳ bí, truyền tụng trong dân gian, chung quanh ông Khương Thái Công, tức là Khương Tử Nha. Theo truyền thuyết, ông Khương Thái Công có nhiều phép thuật cao siêu, và ông cũng học được phép thuật thành tiên, điều khiển các vị thiên tiên và địa tiên. Sau khi hoàn thành sứ mạng phò Chu, diệt Thương, ông được phong làm quan trên thiên đình, cỡi rồng bay lên trời, và được trường sinh bất tử. 

Có truyền thuyết còn cho rằng: ông là Thái Thượng Lão Quân. Khương Thái Công, tên Khương Thượng, tự là Tử Nha, người ở Đông Hải, là một công thần khai quốc nhà Chu vào thế kỷ thứ 12 TCN (Trước Công Nguyên). Ông là một vị tướng tài và là một người đã góp phần lập nên sự nghiệp nhà Chu. Khi thủ lĩnh của bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương chết, con là Cơ Phát lên ngôi vua, tức là Chu Vũ Vương; Khương Thượng là bậc công thần nên được phong làm Vua Tề ở đất Doanh Khâu, xưng hiệu là Tề Thái Công. 

Tề Thái Công mất vào năm nào sử ký không ghi rõ, chỉ biết là ông sống được hơn 100 tuổi. Đến thời nhà Tiền Hán, năm 230 TCN, nước Hàn bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt. Trương Lương, tự là Tử Phòng, thuộc dòng dõi sĩ tộc nước Hàn thời Chiến Quốc, đi tìm thích khách giết vua Tần để báo thù cho vua Hàn. Tương truyền rằng: nhờ đức tính khiêm tốn, nhún nhường, ông được Hoàng Thạch Công truyền cho cuốn "Thái Công Binh Pháp." 

Ông thường mang ra học tập nghiền ngẫm, đến khi gặp được Lưu Bang, ông theo Lưu Bang làm tướng coi sóc ngựa cho binh sĩ và đem binh pháp của Thái Công ra trình bày với Lưu Bang. Sau đó, ông giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần, lập ra nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, tức là Hán Cao đế. Để phong đất cho các hoàng tử họ Lưu, Lưu Bang đã trừ khử tất cả các công thần nhà Hán. Vua nước Hàn mới là Hàn Vương Tính, người đã được Trương Lương đề cử, cũng bị đưa lên vùng Thái Nguyên xa xôi. Hàn Vương Tính bèn dẫn quân Hung Nô vào đánh Hán, bị thua trận nên mất nước. Trương Lương bất lực nhìn nước Hàn bị xóa sổ. Buồn lòng, ông xin bỏ việc nhân gian để đi ngao du với Xích Tùng Tử (tương truyền là một vị tiên xưa). Ông học cách nhịn ăn, và học đạo dẫn cho nhẹ mình. 

Ông mất năm 188 trước CN. Các học giả cùng thời cảm mến, nhớ thương người bạn cũ, cộng thêm những câu chuyện huyền thoại được truyền tụng trong dân gian, như chuyện Hoài Nam Tử luyện được thuốc thành tiên, nên họ đồng sáng tác ra truyện tám vị tiên (bát tiên), lấy tên của tám người là: Hà Tiên Cô, Lý Thái Bạch, Trương Quả Lão, Tào Quốc Cựu, Lý Thiết Quái, Hàn Tương Tử, Lữ Đồng Tân và Hàn Chúng Ly. Những người này đều là những con người bình thường như chúng ta, cũng ăn, cũng làm, cũng sống, cũng chết, không có người nào là trường sinh, bất tử. Từ những câu chuyện tưởng tượng như trên, những mẩu chuyện về tiên thuật, phép thuật đã lan truyền ra trong dân gian. Người dân quê nước ta khi xưa, đầu óc vốn đơn giản nên dể bị lôi cuốn vào những câu chuyện thần thoại, huyền bí, truyền tụng chung quanh một nhân vật nào đó, dẫn đến sự mê tín nhảm nhí, lưu truyền cho đến ngày nay. 

Có kẻ lại hỏi rằng: Nếu thực sự không có tiên, tại sao khi người ta cầu cơ, thì ông Lý Bạch liền giáng bút làm thơ với họ suốt đêm ngày? 

Đáp: Về việc người ngồi đồng ứng cơ, hoặc giáng bút, chỉ cần suy nghĩ xa hơn một chút thì sẽ nhìn ra vấn đề. Tại vùng thôn quê, lúc đêm về, trời tối, không có việc gì để làm, không gian tịch mịch vắng vẻ, người lớn, kẻ nhỏ, hội tụ lại mà sai roi, sai chổi, sai quạt, sai vung... đều là những hình thức giao thông với các tà linh. Người ngồi đồng thì đội khăn ngồi giữa, chung quanh đều có người cầm nhang đèn, đọc bài văn với giọng điệu trầm bổng, khi lên, khi xuống. Mùi nhang đèn phảng phất hòa lẫn trong tiếng đọc ngân nga giữa đêm khuya thanh vắng, làm cho người ngồi đồng tâm thần nửa tỉnh, nửa mê, rồi bị tà linh xâm nhập, mà ứng khẩu nói lên hoặc viết ra những điều do tà linh truyền cho trong tâm trí. Nếu cứ cho là Lý Bạch ứng cơ, vì ông là người có hồn, nhưng còn với cái quạt, cái nắp nồi, cái roi, cái chổi, là những đồ vật vô tri, vô giác, không có linh hồn, thì lấy gì nhập xác, phụ cơ? Việc cầu cơ chẳng qua chỉ là một thứ tà thuật lừa người, hoặc do sự ám nhập của tà linh. Chỉ duy nhất có Đức Chúa Trời là Đấng thần linh đã tạo dựng ra loài người, tại sao chúng ta không cầu vấn Ngài mà lại đi cầu vấn những người đã chết từ rất lâu?




bottom of page