top of page
9. MỘT TIẾNG THÌ THẦM YẾU ỚT THAY! (Giop 25:1-28:28)
(Giop 25:1-6) Bài diễn thuyết của Binh-đát trong Gióp chương 25 là phần ngắn nhất trong sách và tập trung vào quyền năng (c.1-3), sự công bình của Đức Chúa Trời (c.4-6). Thật bối rối khi thấy các bạn của Gióp nói một cách thật hiểu biết về Đức Chúa Trời ra sao, cuối cùng, Đức Chúa Trời bày tỏ rằng họ thật sự không biết mình nói về điều gì. Rất thường, những ai nói nhiều nhất về Đức Chúa Trời thì lại biết ít nhất về Ngài.
Quyền...
...năng của Đức Chúa Trời cố hữu trong bản chất của Ngài (c.1-3). Ngài có tất cả quyền thống trị, sự đáng sợ (“kinh khiếp”), ngự trị tối cao trên các từng trời. Ngài điều khiển mọi sự và nhìn thấy điều gì đang hoạt động ở mọi nơi. Thiên binh của Ngài chờ lệnh Ngài và sẵn sàng vâng phục ý muốn Ngài. Ai có thể chống lại Ngài?
Sự công bình của Đức Chúa Trời hành động theo bản chất thánh khiết của Ngài (c.4-6) vì “Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu” (IGi 1:5). Vì Đức Chúa Trời thánh khiết và công bình, làm sao con người thuần túy có thể tuyên bố mình công bình trước mặt Ngài? (Hãy nhớ, Gióp đang nắm giữ sự chính trực của ông và từ chối xưng nhận rằng tội lỗi của ông đã đem đến sự xét đoán của Đức Chúa Trời trên ông).
Vì loài người được sinh ra bởi người nữ cho nên, vừa khi được sinh ra đã mang bản chất tội lỗi (Thi 51:5). Ở Đông phương, mặt trăng và các ngôi sao chiếu sáng tuyệt vời, nhưng ngay cả chúng cũng không tinh sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Làm sao một người thuần túy có thể tuyên bố mình công bình trước mặt Đức Chúa Trời được, bởi vì loài người chỉ là một con giòi bọ và một con sâu? (Giop 4:17-18; Giop 8:20; Giop 9:2).
Giờ đây, chúng ta hãy lắng nghe lời đáp của Gióp.
1. Gióp nhận biết quyền năng của Đức Chúa Trời (Giop 26:1-14)
Trước khi ca tụng đại quyền của Đức Chúa Trời trong vũ trụ, Gióp khiển trách Binh-đát vì chẳng bày tỏ sự giúp đỡ ông (Giop 26:1-4). Gióp chẳng còn sức lực, nhưng Binh-đát đã không làm cho ông mạnh mẽ hơn. Theo các bạn ông, Gióp không có sự khôn ngoan, nhưng Binh-đát đã không chia xẻ một chút khôn ngoan hay sâu sắc nào cho ông cả. “Ai đã giúp ngươi thốt ra những lời này? Và linh hồn của ai đã nói từ miệng của ngươi?” (c.4 NIV). Nếu những lời của Binh-đát đến từ Đức Chúa Trời, vậy chúng đã làm cho Gióp trở nên tốt, vì Gióp đã kêu xin Đức Chúa Trời phán với ông. Kết luận là những lời của Binh-đát đến từ Binh-đát, đó là lý do chúng chẳng làm lợi ích gì cho Gióp.
Kế đến, Gióp ca tụng sự vĩ đại của Đức Chúa Trời (c.5-13). Đức Chúa Trời nhìn thấy mọi sự, thậm chí thấy cả địa phận của người chết (c.5-6). Gióp sử dụng ba tên gọi khác nhau chỉ về nơi chốn của người chết: nước, âm phủ và “vực sâu” (A-ba-đôn, Kh 9:11). Nếu Đức Chúa Trời thấy điều gì đang hoạt động trong thế giới người chết, thì chắc chắn Ngài biết hết điều gì đang xảy ra trong thế giới người sống!
Đức Chúa Trời không chỉ nhìn thấy mọi sự, nhưng Ngài đã dựng nên mọi sự và điều khiển chúng (Giop 26:7-13). Gióp bắt đầu bài ca ngợi của ông bằng một nhận định về quyền năng của Đức Chúa Trời trên các từng trời (c.7-9) và ông mô tả trái đất bằng một cách chính xác về khoa học rất đáng chú ý (c.7). Đức Chúa Trời cũng điều khiển mây và mưa nữa.
Sau đó Gióp chuyển sự chú ý của ông đến trái đất (c.10-11) và ngợi khen Đức Chúa Trời đã đánh dấu chân trời nơi mặt trời mọc và lặn. Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng điều khiển ngày và đêm, đất và nước. “Những trụ của trời” là một nhóm từ đầy thi vị chỉ về núi non. Chúng nằm trên đất, nhưng chúng dường như chống đỡ các tầng trời. Tất cả những gì Đức Chúa Trời phải làm là phán ra, và các núi run rẩy (Giop 9:6).
Khổ thơ cuối trong bài ca của Gióp tập trung vào quyền năng của Đức Chúa Trời trên biển (Giop 26:12-13). Đức Chúa Trời có thể khuấy động biển hoặc làm nó yên lặng như Ngài muốn, và Ngài có quyền năng trên các sinh vật trên biển (“Ra-háp” và “con rắn lướt qua”, NIV). Ngài có thể thổi đi những đám mây bão và làm trong sáng bầu trời sau cơn bão.
Ba người bạn chắc đã lắng nghe một cách thiếu kiên nhẫn vì họ đã biết những điều Gióp đang nói đến, nhưng họ đã không rút ra được kết luận đúng đắn từ những điều đó. Vì họ đã thấy công việc của tay Đức Chúa Trời trong thiên nhiên, họ nghĩ mình biết tất cả về Đức Chúa Trời, và do đó họ có thể giải thích Đức Chúa Trời cho Gióp.
Gióp nói rằng điều ngược lại mới là đúng.
“Kìa, đây là các biên giới của đường lối Ngài, chúng ta nghe một tiếng nói về Ngài yếu ớt làm sao! Nhưng tiếng sấm mạnh mẽ của Ngài, ai có thể hiểu được?” (c.14 NASB).
Điều chúng ta thấy về Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo chỉ là các biên giới của đường lối Ngài và điều chúng ta nghe chỉ là một tiếng thì thầm của quyền năng Ngài! Bạn có thể đọc “Cuốn Sách Về Thiên Nhiên” một cách cẩn thận và vẫn có nhiều điều để học biết về Đức Chúa Trời. Biết một số sự kiện về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời không giống như biết những lẽ thật về Đức Chúa Trời của sự sáng tạo.
Nhà văn thuộc linh người Anh ở thế kỷ thứ 14, Richard Rolle đã nói: “Gióp thật sự biết Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo đến nỗi thấy Ngài không thể hiểu được và không có khả năng để được biết.”
Càng học biết về Đức Chúa Trời, chúng ta càng khám phá biết bao điều khác nữa! Hãy coi chừng những người tuyên bố biết tất cả về Đức Chúa Trời, vì sự tuyên bố của họ là chứng cớ họ không biết Đức Chúa Trời và cũng không biết chính mình.
2. Gióp chất vấn sự công bình của Đức Chúa Trời (Giop 27:1-23)
Binh-đát cho biết rõ rằng Đức Chúa Trời thánh khiết, không người nào có thể được gọi là công bình trước mặt Ngài (Giop 25:4-6). Hệ luận cho mệnh đề này đó là Đức Chúa Trời buộc phải trừng phạt con người vì tội lỗi của họ. Nếu không, Ngài sẽ không phải là Đức Chúa Trời công bình. Nếu Gióp chịu khổ, điều chứng minh là Gióp đang phạm tội.
• Gióp lập lời thề (Giop 27:1-6): Một lần nữa, Gióp đứng vững trong việc khẳng định sự chính trực của mình (Giop 10:1-7; Giop 13:13-19; Giop 19:23-27; Giop 23:2-7), nhưng lần này, ông đưa ra một lời thề: “Với tư cách Đức Chúa Trời sống” (Giop 27:2). Giữa vòng dân Đông phương thời bấy giờ, lập một lời thề là vấn đề nghiêm túc. Nó giống như mời Đức Chúa Trời giết bạn nếu bạn thất hứa. Gióp biết chắc về chính mình đến nỗi ông sẵn sàng sử dụng cơ hội đó.
Gióp cũng lập lại lời buộc tội rằng Đức Chúa Trời không đối xử với ông cách công bằng Ngài đã phủ nhận sự công bình của tôi (Giop 27:2 NIV). Gióp đề nghị Đức Chúa Trời tuyên bố những lời buộc tội chống lại ông, nhưng các từng trời yên lặng. Gióp đã cầu xin một người phân xử để đem ông và Đức Chúa Trời lại gần nhau, nhưng không có người phân xử nào được đưa đến.
Vì vậy, Gióp tuyên bố rằng, bao lâu ông còn sống, ông sẽ bênh vực mình và duy trì sự chính trực của mình. Ông sẽ không nói dối chỉ để làm hài lòng các bạn ông, hay để “hối lộ” Đức Chúa Trời trong việc phục hồi sự thịnh vượng cho ông (Sa-tan có lẽ sẽ vui mừng về điều đó). Gióp đã phải sống bằng lương tâm của ông (“lòng”, c.6) cho dù các bạn ông nói gì hoặc Đức Chúa Trời làm gì đối với ông.
• Gióp thốt ra lời rủa sả (Giop 27:7-10): Ở phương Đông, những người bị tố cáo chỉ khẳng định sự vô tội của mình thì chưa đủ, họ cũng cảm thấy buộc phải cần sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên người nào đã nói họ có tội. Những lời của Gióp nhắc chúng ta về “những Thi-thiên rủa sả” (Thi 58:1-11; Thi 69:1-36; Thi 137:1-9…) trong đó chúng là lời cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giáng sự đoán phạt trên kẻ thù mình.
Ai là kẻ thù của Gióp? Đó là bất cứ ai đồng ý với ba người bạn của Gióp rằng ông phạm tội và đáng bị Đức Chúa Trời trừng phạt. Trong khi cuộc đàm thoại này đang tiếp diễn, có lẽ nhiều người đã vây quanh đống tro và lắng nghe cuộc tranh luận. Và có lẽ đa số họ đứng về phía Binh-đát, Sô-pha và Ê-li-pha. Gióp có thể nhìn thấy những người đứng xem gật đầu đồng ý với các bạn ông và ông biết mình đã bị áp đảo.
Những lời của Gióp có vẻ độc ác đối với chúng ta, đặc biệt trong ánh sáng của những điều chúng ta được dạy dỗ về sự tha thứ cho kẻ thù mình bởi Chúa Giê-xu Christ (Mat 5:38-48) và Phao-lô (Ro 12:17-21). Nhưng Gióp đã sống trong thời trước khi luật Môi-se được ban ra, chứ đừng kể đến Bài Giảng Trên Núi, và chúng ta không nên mong ông biểu lộ loại tinh thần được nhìn thấy qua Chúa Giê-xu (Lu 23:34)và Ê-tiên (Công 7:60).
Tuy nhiên, trong ánh sáng của Đức Chúa Trời, thì Gióp đã đúng. Đức Chúa Trời đã hai lần tuyên bố trước tòa trên trời rằng Gióp là “một người không chỗ trách và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác” (Giop 1:8; Giop 2:3 NKJV). Vì vậy, kẻ thù của Gióp đã sai, và Gióp có quyền cầu xin Đức Chúa Trời bênh vực ông. Thật ra, Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có thể chứng minh Gióp đúng và kẻ thù của ông là sai. Vậy Gióp còn có thể hướng về nơi nào khác để được giúp đỡ ngoài Chúa?
Ba người bạn nhiều lần cảnh cáo Gióp về số phận khủng khiếp của kẻ ác, vì vậy Gióp ném những lời của họ trở lại với họ. “Nguyện kẻ thù tôi giống như kẻ ác, những kẻ dấy nghịch tôi giống như những kẻ bất công” (Giop 27:7 NIV). Gióp thấy những kẻ thù của ông kinh nghiệm tai họa lớn, kêu cầu Đức Chúa Trời để được giúp đỡ nhưng không được sự trả lời, và rồi bất thình lình bị sự chết kết liễu. Nhưng đó không phải chính là sự xét đoán mà các bạn của Gióp đã tiên đoán cho ông và có lẽ hy vọng nó sẽ đến sao?
Binh-đát khẳng định Đức Chúa Trời công bình và Ngài sẽ trừng phạt những ai bất tuân Ngài. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người chịu khổ đều đang bị trừng phạt vì tội lỗi của mình. Đôi khi chúng ta chịu khổ vì tội lỗi của người khác (chẳng hạn như Giô-sép) hoặc vì Đức Chúa Trời đang ngăn chúng ta khỏi tội lỗi (chẳng hạn trường hợp của Phao-lô trong II Cô-rinh-tô đoạn 12). Chúa Giê-xu đã chịu khổ, không phải vì chính tội lỗi của Ngài, vì Ngài không có tội, nhưng vì tội lỗi của cả thế gian (IPhi 2:22-24; IPhi 3:18) và bởi sự thương khó cùng sự chết của Ngài, tội nhân có thể tin và nhận được sự sống đời đời.
• Gióp dạy một bài học (Giop 27:11-23):
Gióp nói: “Tôi sẽ dạy các bạn về quyền năng của Đức Chúa Trời” (Giop 27:11 NIV) và ông mô tả sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đối với kẻ ác. Vào ngày mà Đức Chúa Trời bênh vực Gióp, đây là điều sẽ xảy đến cho kẻ thù ông.
Họ sẽ chết, và những góa phụ của họ sẽ không than khóc vì họ một sự sỉ nhục khủng khiếp trong thế giới Đông phương. Con cái họ sẽ bị giết bởi gươm và tai họa, và nếu có ai sống sót, chúng sẽ phải trải qua phần đời còn lại để ăn xin mà sống.
Kẻ ác sẽ nằm xuống trong sự giàu có nhưng sẽ phải thức dậy trong sự nghèo nàn.
Bạc và quần áo đắt giá của họ sẽ mất, nhà họ sẽ bị hủy diệt như kén tằm (hoặc mạng nhện), hay như những lều tạm của người canh gác trên cánh đồng. Sự chết của kẻ ác sẽ không bình an. Những sự kinh khiếp sẽ đến vào ban đêm giống như một cơn nước lụt mang hắn đi. Cho dù kẻ ác tìm cách chạy trốn, bão tố sẽ đuổi theo và tiêu diệt họ.
Bạn có thể nhận ra trong sự mô tả này nhiều hình ảnh mà các bạn của Gióp đã sử dụng trong những bài diễn thuyết về “sự xét đoán” của họ chống lại ông. Gióp làm điều này cách cố ý để nhắc họ rằng họ nên cẩn thận về điều họ nói, kẻo họ đã tuyên bố sự trừng phạt của chính mình.
“Đừng xét đoán để các ngươi khỏi bị xét đoán. Vì với sự xét đoán nào mà các ngươi xét đoán, các ngươi sẽ bị xét đoán, và với sự đo lường mà các ngươi sử dụng, nó sẽ được đo lường lại cho các ngươi” (Mat 7:1-2 NKJV).
Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp mà sự xét đoán do kẻ thù vạch ra rốt cuộc đổ lại trên chính họ. Pha-ra-ôn đã ra lệnh nhận nước những con trai Hê-bơ-rơ mới sinh và chính đạo quân của ông đã bị nhận chìm trong Biển Đỏ (Xu 1:15-22; Xu 14:23-31). Ha-man đã dựng một cây mộc hình làm giá treo cổ cho Mạc-đô-chê, nhưng các con trai của Ha-man và chính hắn đã bị treo lên đó (Et 7:10 Et 9:26). Các kẻ thù của Đa-ni-ên tìm cách làm cho ông bị tiêu diệt nhưng chúng và gia đình chúng đã bị toi mạng trong hang sư tử thay cho Đa-ni-ên (Da 6:24 Ch 11:8).
Các học giả không nhất trí về cách giải thích của Giop 27:23, bản dịch Kinh Thánh NASB ghi rằng: “Người sẽ vỗ tay về hắn và sẽ huýt gió đuổi hắn khỏi chỗ của hắn.” Đa số các bản dịch nhất trí với câu ấy, nhưng từ “người ta” không có trong bản văn gốc. Nó đơn giản ghi “Người vỗ tay nghịch với hắn.” “Người” là ai? Elmer B.Smick trong “The Expositor’s Bible Commentary” gợi ý rằng đó có thể là Đức Chúa Trời và câu 23 phải được tiếp nối với câu 13 nơi mô tả Đức Chúa Trời là chủ ngữ của câu (cuốn 4, trang 972). Ông dịch câu Giop 23: Ngài vỗ tay nghịch với chúng và huýt gió đuổi chúng khỏi chỗ ở của chúng (thiên đàng). Nhưng dù là Đức Chúa Trời hay con người, thì chắc chắn sẽ có niềm vui mừng về sự hủy diệt kẻ ác.
3. Gióp tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (Giop 28:1-28)
“Còn sự khôn ngoan sẽ tìm được ở đâu?” (Giop 28:12). “Vậy thì sự khôn ngoan ở đâu đến? Sự thông sáng ở tại nơi nào?” (c.20 NIV). Gióp đặt những câu hỏi này vì ông đã mệt mỏi bởi những luận điệu cũ và những lời nói tầm thường mà các bạn của ông đang bày tỏ bằng tên gọi là “sự khôn ngoan.” Các bạn ông chắc rằng những lời nói của họ là vàng ròng, nhưng Gióp kết luận chúng là hàng mã và là thứ vô giá trị. Ba người có tri thức nhưng thiếu sự khôn ngoan.
Charles Spurgeon đã nói: “Sự khôn ngoan là cách sử dụng đúng đắn về tri thức. Hiểu biết không phải là khôn ngoan. Nhiều người biết rất nhiều, nhưng chưa chắc khôn ngoan, cũng không có người dại trí thức và người dại bình dân.”
Trong bài thơ nói về sự khôn ngoan, Gióp đưa ra ba câu trả lời cho câu hỏi của ông: “Sự khôn ngoan sẽ tìm được ở đâu?”
Bạn không thể đào ra sự khôn ngoan (Giop 28:1-11): Gióp đưa chúng ta đi sâu vào lòng đất nơi những người can đảm đang đào vàng, sắt, đồng và đá quý. Kim loại quý và đá quí thường được sử dụng trong Kinh Thánh làm những biểu tượng về sự khôn ngoan (Ch 2:1-10; Ch 3:13-15; Ch 8:10-21; ICo 3:12-23).
Một khi bạn tìm được nó, bạn phải “luyện” nó trong lò lửa “đúc” nó cho việc sử dụng thực tiễn. Phao-lô nói rằng đối nghịch với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là sự khôn ngoan của loài người “gỗ, cỏ khô, rơm rạ” những vật liệu không đẹp, bền hoặc giá trị (ICo 3:12). Bạn có thể tìm thấy gỗ, cỏ khô và rơm rạ trên bề mặt của đất, nhưng nếu bạn muốn của báu thật, bạn phải đào xới sâu xuống dưới lòng đất.
Gióp mô tả cách con người làm việc cực nhọc và đối diện với hiểm họa lớn để tìm thấy của cải vật chất. Họ đào hầm xuyên qua đá cứng và liều mạng để làm giàu. Vì sao con người sẽ không đặt nhiều nỗ lực đó vào việc tìm đạt cho được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời? Lời Đức Chúa Trời giống như một hầm mỏ sâu, đầy dẫy những châu báu quý giá, nhưng tín đồ phải dùng nỗ lực mới khám phá được của cải ấy. Cần phải cẩn thận đọc và nghiên cứu, cầu nguyện, suy gẫm và vâng theo để đào được những châu báu của Lời Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Tại sao chúng ta quá lơ đễnh khi của cải lớn lao này đang nằm thật gần tầm tay chúng ta?
Dù con người có thể đào sâu vào lòng đất và tìm thấy nhiều của cải, dù con người có thể đi đến những nơi mà chim trời và thú rừng không dám đi, dù con người thậm chí có thể tìm thấy những nguồn sống lớn tìm ẩn, nhưng con người vẫn không thể tìm thấy được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời chỉ bằng những nỗ lực con người. Cần phải có nhiều thứ khác nữa hơn cả sự can đảm và sự thông minh bẩm sinh, nó đòi hỏi tính khiêm nhường và nhận thức thuộc linh.
Việc một người thành công cách đáng khâm phục trong một lãnh vực nào đó của đời sống không có nghĩa là người ấy có đủ khả năng để nói về những lãnh vực khác của đời sống. Các nhà quảng cáo sử dụng những vận động viên để bán dao cạo và xe hơi, hoặc sử dụng các nam nữ diễn viên điện ảnh để bán thuốc. Khi các khoa học gia nổi tiếng (những người chưa bao giờ nghiên cứu Kinh Thánh), nói cách hùng hồn về những điều thuộc linh, ý kiến của họ vẫn có giá trị giống y như bất cứ nhà thần học nào khác không chuyên môn và không có kinh nghiệm.
• Bạn không thể mua sự khôn ngoan (Giop 28:12-19):
Xã hội ngày nay nghĩ rằng bất cứ điều gì cũng có thể đạt được hoặc hoàn thành được nếu bạn có đủ tiền. Các cơ quan chính quyền yêu cầu được chi một phần lớn ngân sách hằng năm để họ có thể làm công việc tốt hơn trong công việc chống tội ác, chấm dứt sự ô nhiễm, cung cấp việc làm và xây dựng một môi trường tốt hơn. Mặc dù một số tiền nào đó là cần thiết để tồn tại trong xã hội hiện đại, nhưng tiền không phải là thứ làm được tất cả như thế gian thường nói. Thật là thú vị khi hưởng được những thứ mà tiền bạc có thể mua được (ITi 6:17) nếu bạn không đánh mất những gì mà tiền bạc không thể mua được.
Trong những câu này, Gióp đề cập đến vàng 5 lần, bạc 1 lần, kể tên 7 loại đá quí khác nhau, nhưng không có thứ gì trong số những châu báu nói riêng hay tất cả chúng nói chung, có thể mua được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Vấn đề thật sự đó là loài người không hiểu giá trị của sự khôn ngoan và nghĩ mình có thể mua được nó với giá rẻ (Giop 28:13).
“Sự khôn ngoan quý báu hơn châu ngọc và tất cả những thứ con có thể ao ước không thể sánh với nó” (Ch 3:15 NKJV).
Sự khôn ngoan thật rất đắt giá. Nó không được tiếp nhận một cách tự động chỉ nhờ việc bạn lắng nghe một băng cát-sét, tham dự một hội thảo chuyên đề, hay nghe một diễn giả năng động nào đó.
Sự khôn ngoan chỉ đến từ Đức Chúa Trời (Giop 28:20-28) Hãy bay lên cao như loài chim, và bạn sẽ không tìm thấy sự khôn ngoan ở đó. Hãy xuống vực sâu như A-ba-đôn, và sự chết lẫn sự khôn ngoan đều không có ở đó. Chỉ có Đức Chúa Trời biết nơi nào để tìm thấy sự khôn ngoan, vì Đức Chúa Trời nhìn thấy mọi sự. (Ngài không cần đào sâu trong lòng đất để thấy cái gì ở đó!). Đức Chúa Trời có sự khôn ngoan để điều chỉnh áp lực của gió và đo lường lượng nước trong không khí. Nếu những tỉ lệ này bị thay đổi, những xáo trộn trong thiên nhiên có thể xảy đến nguy hại biết dường nào! Đức Chúa Trời biết cách điều khiển mưa và hướng dẫn bão tố khi nó quét qua trái đất. Những tia chớp và luồng sấm sét có thể dường như bất thường đối với chúng ta nhưng Đức Chúa Trời điều khiển cả chúng nó nữa!
Gióp trả lời câu hỏi: Sự khôn ngoan ở đâu? trong (Giop 28:28). “Kìa, sự kính sợ Đức Chúa Trời, ấy là sự khôn ngoan và tránh khỏi điều ác là sự thông sáng” (Thi 110:10; Ch 1:7; Ch 9:10). Đây là sự mô tả của Đức Chúa Trời về Gióp (Giop 1:8; Giop 2:3). Vì vậy, mặc cho các bạn nói gì về mình, Gióp vẫn cứ là một người khôn ngoan.
“Sự kính sợ Đức Chúa Trời là gì?” Đó là sự tôn kính, yêu mến đối với Đức Chúa Trời, đối với bản chất của Ngài, Lời Ngài phán và việc Ngài làm (Ma 2:5-6). Không phải sự kính sợ làm tê liệt, nhưng là điều làm mạnh mẽ. Khi bạn kính sợ Chúa, bạn vâng theo những điều răn của Ngài (Gios 24:14). Bạn trung thành với Ngài và dâng cho Ngài sự hầu việc bằng cả tấm lòng (IISu 19:9). Giống như Gióp, khi bạn kính sợ Chúa, bạn lánh xa điều ác (Ch 3:7-8). “Sự kính sợ Chúa” là sự kính sợ đắc thắng, sợ hãi (Thi 112) vì nếu bạn kính sợ Đức Chúa Trời, bạn không cần sợ bất cứ ai khác (Mat 10:26-31).
Vì vậy, bước đầu tiên tiến đến sự khôn ngoan thật là một thái độ kính sợ và tôn trọng đối với Đức Chúa Trời, nó cũng đòi hỏi một thái độ khiêm nhường đối với chính mình. Sự kiêu ngạo cá nhân là rào cản lớn nhất đối với sự khôn ngoan thuộc linh.
“Sự kiêu ngạo đến, thì sự sỉ nhục đến, nhưng sự khôn ngoan ở với người khiêm nhường” (Ch 11:2 NKJV).
Bước kế tiếp là cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan (Gia 1:5) và chuyên cần sử dụng phương tiện Ngài ban cho chúng ta để bảo vệ sự khôn ngoan, đặc biệt là nhận biết và làm theo lời Đức Chúa Trời (Mat 7:21-29). Chỉ nghiên cứu thì chưa đủ, chúng ta cũng phải vâng theo điều Đức Chúa Trời bảo chúng ta làm (Gi 7:17). Khi chúng ta bước đi bởi đức tin, chúng ta khám phá sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong những việc hằng ngày của đời sống. Sự khôn ngoan thuộc linh không mang tính trừu tượng, nó rất riêng tư và rất thực tế.
Khi chúng ta thông công với các tín hữu khác trong Hội Thánh và chia xẻ với nhau, chúng ta có thể học sự khôn ngoan. Đọc những cuốn sách hay nhất cũng có thể giúp chúng ta tăng trưởng trong sự khôn ngoan và thông hiểu. Điều quan trọng nhất đó là chúng ta tập trung vào Đấng Christ, vì Ngài là sự khôn ngoan của chúng ta (ICo 1:24) và trong Ngài giấu kín “mọi sự quý báu về khôn ngoan và tri thức” (Co 2:3).
Chúng ta cũng phải nhận biết rõ Đấng Christ và càng trở nên giống Ngài, chúng ta sẽ càng bước đi trong sự khôn ngoan và hiểu được ý muốn của Chúa. Chúng ta phải để Thánh Linh mở đôi mắt của lòng mình hầu chúng ta có thể thấy Đức Chúa Trời qua Lời Ngài và hiểu nhiều hơn về những của cải chúng ta có trong Đấng Christ (Eph 1:15-23).
Bài nói chuyện của Gióp vẫn chưa chấm dứt. Trong ba phân đoạn Kinh Thánh kế tiếp, Gióp sẽ nhìn lại đời sống ông và sau đó thách thức Đức Chúa Trời bào chữa cho ông hoặc xét đoán ông. Điều đó sẽ kết thúc cuộc tranh luận và đưa đến hai người tham gia mới: Ê-li-hu và Chúa.
“Hễ chừng nào chúng ta còn muốn trở nên khác đi với điều Đức Chúa Trời muốn ở chúng ta vào thời điểm đó, thì chúng ta lại càng đang tự làm khổ mình một cách vô ích mà thôi.”
(Gerhart Tersteegen)
10. “TÔI XIN NGỪNG VỤ KIỆN CỦA MÌNH!” (Giop 29:1-31:40)
Gióp và các bạn ông đã chia xẻ ba vòng về những bài diễn thuyết, và giờ đây Gióp cảm thấy đến lúc ông phải tóm tắt lại sự bênh vực của mình. Nhóm từ “Hơn nữa, Gióp tiếp tục câu chuyện của mình (bài thuyết giảng)” (Giop 29:1) gợi ý rằng Gióp có lẽ đã tạm nghỉ và chờ đến lượt Sô-pha nói, nhưng Sô-pha yên lặng. Có lẽ Sô-pha cảm thấy thật lãng phí thời gian để tranh cãi với Gióp về bất cứ điều nào nữa.
Trong ba phân đoạn Kinh Thánh này, Gióp nhớ lại những phước hạnh trong quá khứ (Giop 29:1-25), than vãn về hoạn nạn của hiện tại (Giop 30:1-31) và thách thức Đức Chúa Trời bào chữa cho ông trong tương lai (Giop 31:1-40). Ông đưa bài diễn thuyết lên đến đỉnh điểm bằng 16 nhận định. “Nếu tôi…” và đặt mình dưới lời thề, thách thức Đức Chúa Trời hoặc kết án, hoặc bênh vực ông. Điều đó như thể Gióp muốn nói: “Chúng ta đã nói nhiều quá rồi! Tôi thật sự không quan tâm điều mà các bạn suy nghĩ, vì Đức Chúa Trời là quan án của tôi, và tôi ngừng vụ kiện của mình với Ngài. Nào, hãy để Ngài giải quyết vấn đề cách này hay cách khác, chỉ một lần là đủ rồi.”
1. Gióp nhìn lại những niềm vui của đời sống (Giop 29:1-25)
Gióp mở đầu sự bênh vực của ông bằng cách nói rằng ông ước ao mình chưa bao giờ được sinh ra (phân đoạn 3). Giờ đây, ông kết thúc sự bênh vực mình bằng cách nhớ lại những phước hạnh mà ông và gia đình ông đã vui hưởng trước khi ông gặp cơn khủng hoảng.
Đây là điều nhắc nhở ích lợi giúp chúng ta có cái nhìn đời sống cách quân bình. Vâng, Đức Chúa Trời để chúng ta trải qua những khó khăn và buồn rầu, nhưng Ngài cũng gửi đến những chiến thắng và niềm vui. “Chúng ta sẽ lãnh lấy sự phước nơi tay Đức Chúa Trời và chúng ta sẽ không lãnh lấy tai họa sao?” (Giop 2:10). Charles H.Spurgeon đã nói rằng có quá nhiều người viết những phước hạnh của họ trên cát nhưng khắc những sự buồn rầu của mình trên đá hoa cương.
“Ôi, ước gì tôi được như những tháng đã qua, như trong các ngày mà Đức Chúa Trời gìn giữ tôi!” (Giop 29:2). Khi chúng ta nếm trải những thử thách, thật tự nhiên để chúng ta ao ước “những ngày tốt đẹp đã qua”, nhưng sự mong ước của chúng ta sẽ không thay đổi hoàn cảnh của chúng ta. Ai đó đã định nghĩa “những ngày tốt đẹp đã qua” là “sự kết hợp một ký ức xấu và một sự hình dung tốt.” Tuy nhiên, trong trường hợp của Gióp, ký ức của ông rất chính xác và “những ngày tốt đẹp đã qua” thật sự là tốt đẹp.
Có một vai trò trong ký ức nếu chúng ta biết sử dụng nó cách đúng đắn. Môi-se đã khuyên Y-sơ-ra-ên nhớ lại cái cách Đức Chúa Trời đã dẫn dắt và chăm sóc họ ra sao (Phuc 8:2). Thật ra, từ “nhớ” được tìm thấy 14 lần trong Phục-truyền và từ “quên” 9 lần. Trong những ngày thất vọng, thật tốt lành để “nhớ lại các năm về tay hữu của Đấng Chí Cao” (Thi 77:10-11; Thi 42:6).
Nhưng quá khứ phải là một bánh lái hướng dẫn chúng ta chứ không phải cái neo giữ chúng ta lại. Nếu chúng ta tìm cách sao lục ngày hôm nay những gì chúng ta kinh nghiệm ngày hôm qua, thì chúng ta có thể tìm thấy chính mình nơi vết xe đổ là điều sẽ cướp đi sự trưởng thành của chúng ta.
Thật ý nghĩa khi Gióp đề cập đến niềm vui mừng số một của ông như sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong gia đình ông (Giop 29:2-6). Đức Chúa Trời gìn giữ ông và chia xẻ “tình thiết hữu” của Ngài với ông (c.4 NIV). Ánh sáng của Đức Chúa Trời soi trên Gióp, và sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở cùng ông với con cái ông. Đức Chúa Trời là nguồn của mọi sự giàu có và thành công của Gióp, khi con đường của ông “được tẩm ướt bằng sữa và hòn đá phun ra suối dầu ô-liu” (câu 6, NIV). (Sô-pha có hứa với Gióp về “mật và sữa” nếu ông ăn năn. (Giop 20:17; Phuc 32:13-14; Phuc 33:24).
Có sự chú ý đặc biệt sâu sắc trong nhận định mở đầu này: Gióp ước ao trở lại buổi sơ khai của đời sống (Giop 29:4). Mặc dù đây là một ao ước tự nhiên, nó cũng là một ao ước nguy hiểm. Nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào những vinh quang của quá khứ đến nỗi chúng ta bỏ qua những cơ hội của hiện tại, chúng ta có thể đi đến chỗ không được chuẩn bị để gặp tương lai. Tương lai đó sẽ đến dù chúng ta có thích nó hay không.
Một số ít người nôn nóng mong đợi tuổi già và những vấn đề đặc biệt, nhưng chúng ta không thể tránh được điều đó. Một sự thật được chứng minh rằng những ai có nhiều sinh nhật nhất thì sống lâu nhất và những ai sống lâu nhất sẽ trở nên già nhất, và người già cuối cùng rồi cũng chết.
Bạn có nhớ những lời nói đùa “không bao giờ chết?” Những người trượt tuyết già không bao giờ chết: họ chỉ đi xuống dốc đồi. Những thợ làm bánh già không bao giờ chết, họ chỉ không nổi lên. Những cầu thủ bóng đá già không bao giờ chết, họ chỉ dò dẫm ở xa. Những người chơi gôn già không bao giờ chết, họ chỉ trượt cú đánh của mình. Chúng ta có thể nghĩ mình không bao giờ chết, nhưng chúng ta sẽ chết, trừ khi Chúa tái lâm cất chúng ta lên trời.
Điều này nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị cho tuổi già và sự chết. Thật vô ích để nhìn lại bằng sự hối tiếc, chính đức tin nhìn về phía trước bằng sự vui mừng.
Henri Amiel đã viết: “Biết cách để trở nên già là công việc tinh thông của sự khôn ngoan, và là một trong những chương khó nhất trong nghệ thuật sống vĩ đại.”
Kế đến Gióp liệt kê sự vui mừng về sự tôn trọng của những người khác (c.3-11). Điều Đức Chúa Trời đã ban cho ông, Gióp chia xẻ với người khác. Ê-li-pha đã tố cáo Gióp bóc lột người nghèo và kẻ túng thiếu (Giop 22:5-9), nhưng Gióp phủ nhận điều đó. Những câu này mô tả chức vụ của một người có lòng thương xót đã đem đến sự giúp đỡ và niềm hạnh phúc cho nhiều người. Gióp đã làm mạnh mẽ những người công bình và ngay thẳng trong thành (Giop 29:14; Es 59:17), khi ông giúp đỡ những người tàn tật, chu cấp cho người túng thiếu và thậm chí bảo vệ khách lạ.
Nhưng Gióp không dừng lại với việc giúp đỡ người túng thiếu , ông cũng đương đầu với kẻ ác và phá vỡ quyền lực của họ (Giop 29:17). Gióp ví sánh kẻ ác với dã thú sẵn sàng cắn xé kẻ yếu đuối, nhưng ông đã đến và giành lấy các nạn nhân từ chính hàm của chúng.
Sự tin quyết về tương lai (c.18-20) là nguồn vui khác của Gióp trước khi những tai họa đến trên ông. Đức Chúa Trời đã chúc phước Gióp và Gióp chia xẻ những phước hạnh đó với người khác, vì vậy ông có mọi lý do để tin rằng đời sống sẽ tiếp diễn như thế nhiều năm. Ông tin rằng mình sẽ xanh tươi và đầy sức sống, sống đến tuổi già, chết trong sự bình an vinh hiển. Ông nhìn thấy mình là cây bén rễ sâu sẽ tiếp tục ra trái (c.19; Thi 92:12-14). Vì con cái được mô tả như những mũi tên (Thi 127:3-5), câu Thi 29:20 gợi ý rằng Gióp mong duy trì sức mạnh thuộc thể của ông và sinh được nhiều con cái.
Nguồn vui sau cùng của ông là đặc quyền nói những lời yên ủi và giúp đỡ (c.21-25). Ông thật sự là một Ba-na-ba của Cựu-ước, “con trai của sự yên ủi” (Cong 4:36 NKJV) có lời nói được tôn trọng và cảm kích, khi ông nói, nó dịu dàng và tươi mát như mưa. Khi ông cười, nó soi sáng cả hoàn cảnh và cho người ta niềm hy vọng. Sự tán thành của Gióp giống như bình mình của một ngày mới. Ông là một lãnh đạo giúp người bối rối thực hiện những quyết định khôn ngoan, cho người than khóc sự yên ủi và hy vọng mới mẻ.
Vâng, Gióp đã vui hưởng một đời sống giàu có và đáng giá, nhưng giờ đây tất cả những điều đó đã mất.
2. Gióp nhìn quanh sự xét đoán của Đức Chúa Trời (Giop 30:1-31)
Từ quá khứ đầy vui vẻ, Gióp bất ngờ bị đẩy vào hiện tại buồn thảm và thất vọng. Bạn hầu như có thể nghe ông rên siết với những lời đầu tiên, nhưng bây giờ (Giop 30:1,9,16). Gióp đủ khôn ngoan để biết rằng ông phải đối diện với sự thật của hiện tại và không thể nào trốn vào ký ức của quá khứ được. Những người không chịu thấu hiểu bằng đời sống thực tế thì sẽ ở trong hiểm họa đánh mất cảm giác với hiện thực, và chẳng bao lâu họ sẽ đánh mất xúc giác của chính mình.
Bác sĩ thần kinh William Glasser viết: “Trong nỗ lực thực hiện những nhu cầu của mình nhưng không có kết quả, thì việc các bệnh nhân chọn có thái độ hành vi cư xử nào không quan trọng, bởi vì hết thảy họ đều có một đặc điểm chung: Họ phủ nhận tất cả hiện thực của thế giới quanh họ” (Realty Therapy (Phép chữa bịnh hiện thực) trang 6). Bằng cách từ chối sống trong quá khứ và bằng cách thành thật đối diện với hiện thực, Gióp thực hiện một bước phi thường trong sự trưởng thành và chính trực. Trong lời than van của mình, Gióp so sánh hoàn cảnh hiện tại của ông với quá khứ và bày tỏ mọi sự đã bị thay đổi bởi sự xét đoán của Đức Chúa Trời ra sao.
• Năm “lời than vãn” của ông tương đương với những niềm vui ông đã kể ra trong phân đoạn Giop 29:
- “Tôi không có sự tôn trọng” (Giop 30:1-15; Giop 29:7-11)
- “Tôi không có phước hạnh” (Giop 30:16-23; Giop 29:2-6)
- “Tôi không có sự giúp đỡ” (Giop 30:24-25; Giop 29:12-17)
- “Tôi không có tương lai” (Giop 30:26-28; Giop 29:18-20)
- “Tôi không có chức vụ” (Giop 30:29-31; Giop 29:21-25).
(1) “Tôi không có sự tôn trọng” (Giop 30:1-15):
Những người trẻ tuổi đã từng nhường bước cho Gióp (Giop 29:8) thì giờ đây nhạo báng ông và thậm chí khạc nhổ trước mặt ông (Giop 30:1,9-10). Nhưng phần tồi tệ nhất của từng trải này đó là những kẻ trẻ tuổi này là con trai của những người hèn hạ mà Gióp ví sánh những người cha của chúng với những con lừa đi hoang trong sa mạc.
Ông gọi chúng là “con cái của những kẻ ngu xuẩn”, “con cái của những kẻ hèn hạ” (c.8). Họ là những người bị ruồng bỏ khỏi xã hội, phải rày đây mai đó trong đồng vắng để kiếm thức ăn và nhiên liệu cho đống lửa của họ. Cùng một thời điểm đó, Gióp là người cao trọng nhất Đông phương, và giờ đây ông là bài ca của đám tiện dân (c.9).
Những người này không xứng đáng ngang hàng với ông mà giờ đây họ đang công khai chế giễu ông. Điều gì đã tạo nên sự thay đổi này? Giờ đây Gióp là một người bị ruồng bỏ giống như họ.
Khi cung của Gióp được làm mới lại trong tay (ông) một biểu tượng của sinh lực và sự thành công (Giop 29:20) thì những người này đã kính trọng ông. Nhưng Đức Chúa Trời đã “làm chùng (dùn)” dây cung của ông và khiến ông khổ sở, vì vậy những kẻ chống nghịch này đặt qua một bên sự thận trọng của mình và coi thường ông (Giop 30:11) trong khi trước đây họ đã kính trọng Gióp. Đó không phải là vì họ tôn trọng tính cách và sự chính trực của ông, nhưng là tôn trọng địa vị đối với sự giàu có của ông, và họ hy vọng được ích lợi từ đặc ân của ông mà thôi. Tình bạn của họ hay thay đổi và sự kính trọng của họ là giả hình.
Vì đám tiện dân này đã “ném sự thận trọng” (c.11 NIV), cho nên họ làm cho đời sống trở nên khổ sở đối với Gióp. Gióp mô tả họ như một đội quân tàn nhẫn, xây dựng những dốc bao vây, đặt bẫy cho chân ông, phá sập những hàng rào của ông và tấn công ông (c.12-14). Họ cũng giống như một cơn bão làm Gióp sợ hãi, thổi đi mọi phẩm cách của ông, hủy diệt sự an toàn của ông như ngọn gió thổi đám mây đi qua (c.15).
Gióp trải qua những sự chịu khổ giống với những sự chịu khổ của Chúa Giê-xu Christ chúng ta. Những kẻ hèn hạ nhất đã vu cáo Ngài (Mat 26:59-64), tát Ngài (c.67) và chế nhạo Ngài trong khi Ngài đang chịu thương khó (Lu 23:35-39). Gióp không biết điều đó, nhưng ông được Đức Chúa Trời tôn cao để dự phần trong “sự thông công thương khó của Ngài” (Phi 3:10). Mặc dù ngồi trong đống tro, nhưng Gióp như thể đã được đề cao nhất!
(2) “Tôi không có phước hạnh” (Giop 30:16-23):
Gióp than thở: “Và bây giờ các ngày gian nan đã hãm bắt tôi” (c.16). Thật là tương phản với những ngày của sữa và dầu! (Giop 29:6). Thay vì làm phong phú Gióp bằng sự chúc phước, Đức Chúa Trời đang cướp đi của ông những niềm vui căn bản của đời sống. Ban ngày, Gióp chịu đựng hoạn nạn không thể chịu đựng nổi, ban đêm, Đức Chúa Trời còn vật lộn với ông nữa, khiến quần áo ông giống như áo xống của người điên, và Chúa đã ném ông xuống bùn (Giop 30:16-19 NIV). Mỗi đêm, Đức Chúa Trời vật lộn với Gióp, và Gióp bị thua.
Gióp đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời, thậm chí ông đã đứng lên kêu xin sự giải cứu, nhưng lời cầu nguyện của ông không được trả lời (c.20). Bàn tay Đức Chúa Trời thay vì đem đến sự giúp đỡ, thì giờ đây lại tấn công Gióp một cách không thương tiếc và ném tung ông lên như một chiếc lông trong cơn bão tố (c.21-22). Gióp nài xin được sống, nhưng dường như ông không thể tránh khỏi sự chết (Giop 11:23).
(3) “Tôi không có sự giúp đỡ” (Giop 30:24-25): Gióp đã trung tín giúp đỡ người khác khi họ bị túng cùng (Giop 29:12-17), nhưng giờ đây không ai muốn giúp đỡ ông cả. Họ sẽ không khóc với ông hoặc đụng đến ông. Ông bị đối xử như một người phung hủi có thể làm ô uế họ, hoặc giống như người bị kết án mà Đức Chúa Trời có thể phá hủy bất cứ lúc nào. Thật không khôn ngoan để đến quá gần.
Những người mà Gióp đã giúp đỡ giờ họ đang ở đâu? Chắc chắn một số họ có lẽ muốn bày tỏ sự cảm kích của mình bằng cách khích lệ ân nhân của họ trong lúc người cần thiết. Nhưng không ai đến giúp đỡ ông. Mark Twain đã viết: “Nếu bạn nhặt được một con chó đói và khiến nó trở nên mập mạp, nó sẽ không cắn bạn. Đây là sự khác nhau chủ yếu giữa một con chó và con người.”
Động cơ của chúng ta để giúp đỡ người khác chắc chắn không phải là để buộc họ phục vụ chúng ta (Lu 14:12-14). Chúng ta giúp đỡ người khác vì chúng ta yêu Đấng Christ và muốn qui vinh hiển về cho Ngài (Mat 5:16) và vì chúng ta cảm thông với những nhu cầu của họ và muốn giúp đỡ họ (Ro 12:15; Lu 10:25-37). Bác sĩ truyền giáo Wilfred Grenfell đã nói: “Sự phục vụ của chúng ta dành cho người khác thật sự là tiền thuê chúng ta trả cho chỗ ở của mình trên đất này.”
(4) “Tôi không có tương lai” (Giop 30:26-28): Suốt những ngày thịnh vượng của mình, Gióp mong hưởng một đời sống lâu dài dễ chịu và một cái chết bình an (Giop 29:18-20) nhưng giờ đây điều đó đã thay đổi tất cả. Ông tìm kiếm điều tốt lành, nhưng Đức Chúa Trời giáng tai họa, ông tìm kiếm sự sáng, nhưng Đức Chúa Trời giáng sự tối tăm. Thay cho sự an nhàn và bình yên, ông đã phải nếm biết sự xáo trộn nội tâm.
“Sự nổi sóng bên trong tôi không bao giờ ngưng, những ngày hoạn nạn đối đầu với tôi” (Giop 30:27 NIV).
Nhà viết tiểu luận người Anh, William Hazlitt đã viết: “Hy vọng là tài sản quý nhất, không ai hoàn toàn khốn khổ trừ những người không có hy vọng, và một số người bị suy sụp sức khoẻ và sa sút tinh thần xuống thấp đến mức tồi tệ.” Gióp khốn khổ, và thậm chí Chúa dường như không quan tâm. Thân thể Gióp yếu đuối và lên cơn sốt, da của ông bị sạm đen vì bệnh hoạn.
(5) “Tôi không có chức vụ” (Giop 30:29-31): Trong quá khứ, những lời nói của Gióp đã đem lại sự yên ủi và hy vọng cho nhiều người (Giop 29:21-25), nhưng giờ đây những lời nói của ông giống như tiếng tru của chó rừng và tiếng rú của con cú, con đà điểu (Mi 1:8).
Vì hy vọng của ông đã chết, bài ca của Gióp là một bài hát truy điệu. Tiếng đàn hạc và tiếng sáo của ông đã bị chuyển sang âm giai thứ. Làm sao ông có thể nói những lời yên ủi với người khác khi chính ông ở trong hố sâu của sự nản lòng? Trước đó ông đã hỏi trong cuộc tranh luận: “Và sự hy vọng của tôi giờ ở đâu? Về sự hy vọng của tôi, ai sẽ thấy nó?” (Giop 17:15).
3. Gióp nhìn về sự công bình của Đức Chúa Trời ở phía trước (Giop 31:1-40)
Phân đoạn Kinh Thánh này ghi lại sự bênh vực sau cùng của Gióp. Nó giống như một đơn kiện pháp lý, trong đó Gióp đặt mình dưới lời thề trước mặt Đức Chúa Trời và yêu cầu sự xét đoán ập xuống nếu Đức Chúa Trời có thể chứng minh ông sai (Giop 31:35-37). Hy vọng duy nhất của Gióp là Đức Chúa Trời sẽ nghe tiếng kêu cầu của ông, bênh vực tên tuổi ông.
Ông có thể chết trong sự bình an nếu ông biết rằng những kẻ thù của ông đã bị câm họng và thanh danh của ông được phục hồi. Trong câu 16, nhận định “nếu tôi…”, Gióp xét lại đời sống cùng những mối quan hệ của ông và cầu xin Đức Chúa Trời giáng sự xét đoán. Gióp nói khi ông lập lời thề chính thức và ký vào đơn kiện: “Giờ đây tôi ký vào lời bênh vực của tôi. Tôi ngừng vự kiện của mình!”.
Trong các câu 33-37, Gióp cầu xin Đức Chúa Trời (“đối thủ của tôi” = quan án) ban cho ông ba điều: một cuộc xử kiện, một sự trả lời cho những sự buộc tội của ông và một đơn kiện chứng minh sự vô tội của ông. Nếu Đức Chúa Trời không thể làm những điều này, vậy Gióp vui lòng để Đức Chúa Trời giáng những sự rủa sả kể cả theo như lời thề của Gióp. Gióp được chuẩn bị để trình bày cho Đức Chúa Trời về mọi bước của ông, nếu đó là điều cần có để đem vụ kiện đến chỗ kết thúc. Gióp không có gì để giấu giếm, ông không phải là một kẻ giả hình, khúm núm vì sợ người ta (c.33-34).
• Con người Gióp (Giop 31:1-12): Gióp đề cập ba tội lỗi cụ thể có thể khiến bất cứ người nào cũng có thể vấp ngã: Sự tham muốn (c.1-4), sự lừa dối (c.5-8) và sự gian dâm (c.9-12).
(1) Sự tham muốn là bước đầu tiên hướng đến tội lỗi, tội lỗi là bước đầu tiên hướng đến sự chết (Gia 1:13-16). Nhìn thấy và khâm phục một người đầy sức quyến rũ là một việc, nhưng nhìn với mục đích tham muốn trong lòng hoàn toàn là việc khác. Chúa Giê-xu phán: “Bất cứ ai ngó một người đàn bà để ấp ủ đam mê tình dục với người, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi” (Mat 5:28 WUEST)
Mặc dù tội lỗi trong lòng không gây tàn phá như tội lỗi thật sự đã phạm, nhưng đó là bước đầu tiên để hướng đến hành động và bạn không bao giờ biết một sự tưởng tượng bị ô nhiễm sẽ dẫn bạn đi đến đâu. Hơn nữa, Đức Chúa Trời ở trên cao nhìn xuống và thấy những hành động của bạn cùng những “tư tưởng và ý định trong lòng” (He 4:12-13). Và Ngài sẽ xét đoán cả hai điều đó. “Đó chẳng phải là sự hư hại cho kẻ ác, tai họa cho những kẻ làm sai sao?” (Giop 31:3 NIV).
(2) Sự lừa dối là tội lỗi thứ hai mà Gióp phủ nhận (c.5-8). Ông chưa bao giờ sử dụng sự lừa dối trong những giao dịch buôn bán của ông để kiếm cho được nhiều tiền.
Thật tế, ông thậm chí cũng không bước đi với những kẻ đã làm những việc ấy. Chiếc cân của ông trung thực (Le 19:35-37; Ch 11:1)và ông không sợ khi Đức Chúa Trời cân ông! (Đa 5:27). Lòng ông không tham lam, tay ông cũng không ô uế vì ông đã không lấy những gì không phải của mình. Nếu ông phạm tội tham lam và lừa dối, vậy ông sẽ sẵn sàng để những vụ mùa kế tiếp của ông cho người khác gặt lấy.
(3) Sự gian dâm (Giop 31:9-12) bắt đầu với sự tham muốn trong lòng (c.1) dẫn đến những mưu đồ ngấm ngầm để thỏa mản những ham muốn tội lỗi. Gióp chưa bao giờ lén nhìn vợ người lân cận. Nếu ông có phạm tội, ông sẵn sàng để vợ của ông trở thành nô lệ và tình nhân của người đàn ông khác. Sự gian dâm là một tội ác ghê tởm, đem đến những hậu quả xấu hổ và đau đớn trong đời sống này và sự xét đoán trong đời sau (Ch 6:27-29; Eph 5:3-7; He 13:4).
• Gióp là ông chủ tốt (Giop 31:13-15): Gióp quá thận trọng trong sự tự xét mình kể cả trong việc ông đối xử với các tôi tớ. Đa số các ông chủ thời bấy giờ phớt lờ khía cạnh này của đời sống. Gióp đã đối xử với các tôi tớ ông cách rộng lượng và giải quyết những bất bình của họ cách công bằng vì ông biết rằng đến một ngày nào đó ông sẽ phải khai trình với Đức Chúa Trời (c.14 Eph 6:9). Ông biết rằng ông được tạo dựng bởi chính Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng họ và ông được sinh ra cũng bởi Ngài.
• Gióp là người láng giềng tử tế (Giop 31:16-23,29-32): Trong sự đáp lại những lời tố cáo sai lầm của Ê-li-pha (Giop 22:6-9), Gióp đã cho biết ông quan tâm người túng thiếu và người nghèo ra sao (Giop 29:12-17), nhưng giờ đây ông lặp lại điều đó như một phần của lời thề mình. Ông không khoe khoang, ông chỉ đang bênh vực mình trước con người, tìm kiếm sự bào chữa của Đức Chúa Trời. Nếu ông đã giơ tay lên tại phiên tòa chống lại bất cứ người nào, thì ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ rút cánh tay đó khỏi khớp của nó.
• Gióp đã quan tâm đến những nhu cầu của góa phụ, cô nhi, người nghèo.
Ông chu cấp cho họ lương thực, quần áo và đến bênh vực họ ở tòa. Ông đã đối xử với họ như những thành viên trong gia đình ông, chăm sóc họ cho đến khi họ có thể tự chăm sóc mình. Đức Chúa Trời đã ban cho Gióp sự giàu có, Đức Chúa Trời có thể cất nó đi khỏi ông nếu ông không chia xẻ nó cho người khác (Giop 31:23). Nhưng Gióp cũng là người láng giềng tốt đối với kẻ thù của ông (c.29-31)và với những khách lạ đi qua thành (c.32). Vì Gióp là một trưởng tộc giàu có và quyền thế, chẳng ngạc nhiên gì khi có nhiều người ghen tị, ganh ghét ông, nhưng Gióp tử tế với họ. Ông không hả hê về những bất hạnh của họ (Xu 23:4-5 Ch 24:17-18 Mat 5:43-47) hoặc cầu xin Đức Chúa Trời rủa sả họ (Ro 12:17-21).
• Gióp cũng rộng rãi với khách lạ, cho họ thực phẩm để ăn và một nơi để nghỉ qua đêm. Không tôi tớ nào của Gióp có thể tố cáo ông chủ của họ là keo kiệt (Giop 31:31 NIV). Nhà ông rộng mở cho tất cả, và ông rời rộng với những quà tặng của mình.
• Gióp là người chân thành thờ phượng (Giop 31:24-28): Gióp đã thờ phượng Đức Chúa Trời bằng một tấm lòng chân thật. Ông không tôn thờ của cải hay nhờ cậy nó để được an toàn, ông cũng không dùng uy tín để có nó (Phuc 8:17-18). Ê-li-pha đã tố cáo Gióp xem vàng bạc là thần tượng của ông (Giop 22:24-25), nhưng Gióp phủ nhận điều đó. Ông đã không tôn thờ vàng bạc, cũng không thờ phượng những thiên thể và bí mật “ném cho chúng một cái hôn kính trọng” (IVua 19:18 NIV). Nếu Gióp đã phạm một tội lỗi như thế, con người có thể không nhìn thấy, nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy và sẽ xét đoán Gióp vì đã bất trung với Ngài.
• Gióp là một quản gia đầy trách nhiệm (Giop 31:38-40): Trong các câu 35-37, Gióp đã hoàn tất “yêu cầu chính thức” về một vụ xử kiện và đã ký tên vào đơn. Sau đó ông nhờ một lĩnh vực nữa cần được kiểm soát: chức quản gia của ông về đất đai mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông. Gióp đối xử với đất như thể nó là một con người. Nếu ông đã ngược đãi nó, nó sẽ kêu la chống lại ông và khóc lóc trong đau đớn (c.38). Nếu những thửa ruộng của Gióp bị bắt làm việc quá sức và bị trả lương thấp, vậy Đức Chúa Trời sẽ có mọi lý do để cho Gióp một vụ mùa đầy cỏ dại thay cho lúa mì và lúa mạch.
Hãy xét lại lời thề của Gióp và bạn sẽ khám phá rằng ông đã cầu xin Đức Chúa Trời giáng một số sự đoán phạt khủng khiếp xuống cho ông nếu ông phạm bất cứ tội nào trong những tội lỗi này, người khác sẽ ăn mùa thu hoạch của ông, trừ diệt mùa màng của ông (c.8), và vợ ông trở thành nô lệ và người tình của kẻ khác (c.10), cánh tay ông sẽ rơi khỏi vai ông (c.22). Vụ mùa của ông sẽ là cỏ dại và cây gai (c.40). Ông cho biết rõ rằng ông sẵn sàng đối diện với sự xét đoán công bình của Đức Chúa Trời (c.14,23,28) cùng với những sự xét đoán khác.
Khi những lời của Gióp chấm dứt, mọi người ngồi trong yên lặng, không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đức Chúa Trời sẽ lập tức giáng sự đoán phạt và chứng minh Gióp có tội chăng? Hay Ngài sẽ chấp nhận thách thức của Gióp, xuất hiện trước ông, và ban cho Gióp cơ hội tự bênh vực mình? Có lẽ Đức Chúa Trời sẽ phán ra từ trời và trả lời những câu hỏi của Gióp.
Gióp đã thách thức Đức Chúa Trời vì ông tin quyết Đức Chúa Trời sẽ bênh vực ông. Ba bạn của Gióp chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ kết án ông.
Đức Chúa Trời sẽ làm gì? Câu trả lời có thể làm bạn ngạc nhiên đấy!
“Một người tự đắc tự phụ có thể trở nên kiêu ngạo và tưởng tượng mình làm vui lòng mọi người khi trong thực tế người ấy là một mối gây thiệt hại chung”
(Benedict Spinoza).
11. Ê-LI-HU CÓ NHỮNG CÂU TRẢ LỜI (Giop 32:1-33:33)
-Gióp yên lặng. Ông chấm dứt sự bênh vực mình và đưa ra lời thề rằng ông không phạm những tội mà ông đã bị các bạn mình tố cáo. Gióp thách thức Đức Chúa Trời bênh vực ông hoặc tuyên án ông. Cuộc xét xử kéo dài đủ và đã đến lúc để Quan Án hành động.
-Ba bạn của Gióp yên lặng, thất kinh khi Gióp đã dám nói cách dạn dĩ với Đức Chúa Trời và nói về Đức Chúa Trời. Họ chắc chắn rằng sự đoán phạt của Đức Chúa Trời dành cho Gióp là việc tiếp theo trong lịch công tác của Ngài.
-Đức Chúa Trời yên lặng. Không có ngọn lửa nào từ trời, không có tiếng nói nào phán ra trong cơn thịnh nộ thiêng liêng. Sự yên lặng là chứng cớ hùng hồn của Đức Chúa Trời đối với ba người bạn này, rằng họ đã sai trong những điều họ nói về Gióp và về Đức Chúa Trời. Đó cũng là chứng cớ của Đức Chúa Trời đối với Gióp rằng Đức Chúa Trời của cõi vũ trụ không bị các tạo vật của Ngài sai khiến. Đức Chúa Trời không xuất hiện chỉ vì ai đó nghĩ rằng đã đến lúc dành cho thử thách cuối cùng.
Ở khu vực nổi tiếng “Speaker’s Corner” trong công viên Hyde tại Luân-đôn, một người lên án Cơ-đốc giáo đã đưa ra lời thách thức nầy: “Nếu có Đức Chúa Trời, tôi sẽ cho Ngài năm phút để đánh chết tôi!” Anh ta nhìn đồng hồ và chờ đợi. Sau năm phút, anh ta mỉm cười và nói: “Các bạn ơi, điều đó chứng minh rằng không có Đức Chúa Trời nào cả!”
Một Cơ-đốc nhân trong đám đông gọi anh ta: “Anh tưởng mình có thể làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời Toàn Năng trong vòng năm phút sao?”
Tuy nhiên, trong đám đông vây quanh đám tro, một người đã không yên lặng. Đó là Ê-li-hu, một người vô danh đến nỗi gia phả đầy đủ của ông phải được trình bày để người ta có thể nhận diện ông (Giop 32:2; Giop 1:1) hay ba bạn của ông (Giop 2:11) cũng không cần loại nhận diện chi tiết đó để người khác biết họ.
Ê-li-hu trình bày một diễn thuyết dài 6 phân đoạn trong Kinh Thánh của chúng ta trong đó ông giải thích tính cách Đức Chúa Trời và áp dụng lẽ thật này cho hoàn cảnh của Gióp. Xin tóm tắt bài diện thuyết của ông như sau:
(1). Đức Chúa Trời đang phán qua tôi (Giop 32:1-22 chú ý câu 8)
(2). Đức Chúa Trời nhân từ (Giop 33:1-33 chú ý câu 24)
(3). Đức Chúa Trời công bình (Giop 34:1-35:16, chú ý Giop 34:10-12)
(4). Đức Chúa Trời vĩ đại (Giop 36:1-37:24 chú ý Giop 36:5,26)
Mặc dù Ê-li-hu đã nói một số điều tương tự như những người diễn thuyết khác, nhưng mục đích của ông khác với họ. Ông không tìm cách chứng minh Gióp là một tội nhân, nhưng chứng minh rằng quan điểm của Gióp về Đức Chúa Trời là sai lầm. Ê-li-hu giới thiệu một lẽ thật mới trong cuộc tranh luận: rằng Đức Chúa Trời giáng hoạn nạn, không nhất thiết để trừng phạt chúng ta vì tội lỗi của chúng ta, nhưng để giữ chúng ta khỏi phạm tội (Giop 33:18,24) và khiến chúng ta trở nên những con người tốt hơn (Giop 36:1-15).
Phao-lô có lẽ sẽ đồng ý với quan điểm đầu tiên này (IICo 12:7-10) và tác giả thư tín Hê-bơ-rơ sẽ đồng ý với quan điểm thứ hai (He 12:1-11).
Chúng ta hãy xem xét hai lời khẳng định đầu tiên của Ê-li-hu về Đức Chúa Trời.
1. Đức Chúa Trời đang phán qua tôi (Giop 32:1-22)
Ê-li-hu nhấn mạnh rằng ông đã kiên nhẫn chờ đợi trước khi nói, và ông đưa ra hai lý do. Thứ nhất, ông nhỏ tuổi hơn Gióp và ba người bạn. Và người tuổi trẻ phải tôn trọng tuổi tác với kinh nghiệm của người lớn hơn (Giop 32:4,6-7). Đó sẽ là một sự vi phạm khủng khiếp về phép xã giao nếu Ê-li-hu ngắt lời những người lớn tuổi hơn mình.
(2). Lý do thứ hai của ông là vì ông muốn nghe toàn bộ cuộc tranh luận với mọi lý lẽ trước khi ông có thể lên tiếng (c.11 Ch 18:13). Việc Ê-li-hu trích dẫn từ những lời nói của họ chỉ ra rằng ông đã lắng nghe cẩn thận và nhớ điều mà mỗi người đã nói (Giop 32:12). Giống như nhiều “nhà thần học trẻ tuổi”, Ê-li-hu có một chút tính tự phụ của tuổi trẻ thể hiện trong những lời nói của ông (“Hãy nghe điều tôi biết”, câu 6,10,17 Giop 33:1-3) nhưng phần lớn, ông là một người trẻ tuổi chân thật, thật sự nghĩ mình có thể giúp Gióp tìm thấy những câu trả lời cho các câu hỏi của Gióp.
Sau khi đã tự giới thiệu mình trong cuộc tranh luận, Ê-li-hu đưa ra 4 lý do giải thích vì sao thật quan trọng để ông nói và họ cần phải lắng nghe. Xét cho cùng, ông “chẳng là ai”, nhưng ông cứ thuyết phục họ tin rằng điều ông phải nói là đáng để nghe.
- Ông phẫn nộ (Giop 32:1-3,5): Bốn lần trong những câu này, chúng ta được cho biết rằng Ê-li-hu rất giận dữ. Ông giận ba bạn vì đã không bẻ bác được Gióp, và ông giận Gióp vì xưng mình công bình hơn Đức Chúa Trời. Gióp đã tuyên bố rằng Đức Chúa Trời sai, và ba người bạn không thể chứng minh rằng Gióp sai! Binh-đát, Sô-pha và Ê-li-pha đã thua kiện (c.15), và đang chờ đợi Đức Chúa Trời đến để xử lý Gióp cách trực tiếp (c.12-13). Ê-li-hu thấy ghét sự thất bại của họ.
Aristotle viết: “Thật dễ dàng để nổi cơn thịnh nộ bất cứ ai cũng có thể làm điều đó. Nhưng nổi giận với đúng người, đúng phạm vi, đúng lúc và với đúng mục tiêu, đúng cách điều đó không phải dễ và không phải mọi người đều có thể làm được!”
- Ông được thần cảm (Giop 32:8-10): Tuổi tác phải đem lại sự khôn ngoan nhưng không có gì đảm bảo rằng nó luôn đúng như vậy (Ch 16:31). Than ôi, có những người trẻ dại dột thì đến già cũng còn dại! Là một người nhỏ tuổi hơn, Ê-li-hu không thể tuyên bố có điều gì đó tốt hơn: Sự hiểu biết sâu sắc về Thần của Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh đã chỉ dẫn cho tâm thần của Ê-li-hu (ICo 2:11) và bày tỏ những lẽ thật của Đức Chúa Trời cho ông. Ê-li-hu không cần sự khôn ngoan đến bằng kinh nghiệm, vì ông đã được Đức Chúa Trời dạy dỗ (Thi 119:97-100).
Điều này giải thích vì sao Ê-li-hu liên tục kêu gọi Gióp và các bạn ông lắng nghe ông (Giop 32:10 Giop 33:1,31,33; Giop 34:2,10,16; Giop 37:14). Nó cũng giải thích vì sao ông nhấn mạnh nhóm từ “ý tưởng tôi” (Giop 32:6,10,17 “điều tôi biết” trong NIV), “các lời tôi nói” (Giop 33:1-3). Không phải ngày nào bạn cũng có thể được nghe một người nào đó được Đức Chúa Trời thần cảm nói, vì vậy bạn nên lắng nghe!
- Ông không thiên vị (Giop 32:14,21-22):
“Vả, Gióp không có tranh luận với tôi;Vậy, tôi sẽ chẳng dùng lời các anh mà đáp lại người” (c.14 NKJV).
Ê-li-hu nói rõ rằng ông không có lý do gì để chia phe vì Gióp và bất cứ ai trong ba người bạn đã không tấn công ông trực tiếp. Ê-li-hu cũng nói rằng ông sẽ tránh sửa mới lại những lý luận tương tự mà họ đã sử dụng, dù ông không thực hiện được lời hứa đó hoàn toàn.
Ê-li-hu có thể không thiên vị ai, nhưng ông không trung lập tí nào. Ông quá giận dữ về điều đó! Ông hứa chỉ giải quyết những vấn đề, nhưng một số điều ông nói trong cơn giận dữ của mình mang tính cá nhân hơn tính triết học. Nhưng ông đã giữ lời hứa và không xu nịnh bất cứ ai (c.21-22). Khi bạn đọc bài diễn thuyết của ông, bạn sẽ để ý rằng 6 lần ông nói với Gióp bằng tên (Giop 33:1; Giop 34:5,7,35,36; Giop 35:16) điều gì đó mà ngay cả ba người bạn thân nhất của Gióp đã không làm trong những bài diễn thuyết của họ. Ở phương Đông, một người trẻ tuổi nói với những người lớn hơn mình theo cách tương tự như vậy là bất thường.
- Ông bị thúc ép (Giop 32:16-20): Ê-li-hu đã chờ đợi một thời gian lâu để có cơ hội nói, và trong khi ông chờ đợi, áp lực bên trong ông đã gia tăng đến điểm bùng nổ. Ông đầy những lời nói như bầu da đầy rượu. Khi rượu mới lên men, nó tạo ra khí thổi căng bầu da, và nếu da cũ và khô, nó sẽ vỡ tung (Mat 9:17). Nếu có ai gợi ý rằng Ê-li-hu “đầy khí”, ông có lẽ sẽ bị xúc phạm, vì đối với ông, chính Thần của Đức Chúa Trời thúc ép ông nói. Ê-li-hu có một sự ủy thác từ Đức Chúa Trời để nói với mọi người điều ông biết. Ông chẳng hề biết rằng, khi Đức Chúa Trời hiện ra, Ngài sẽ hoàn toàn không để ý đến Ê-li-hu và tất cả những gì ông đã nói.
2. Đức Chúa Trời nhân từ (Giop 33:1-33)
Đây là một bài diễn thuyết đáng chú ý vì nó đưa vào cuộc tranh luận một cái nhìn sâu sắc mới về mục đích của hoạn nạn. Các bạn của Gióp đã lý luận rằng hoạn nạn của ông là chứng cớ Đức Chúa Trời đang trừng phạt ông vì tội lỗi của ông.
Nhưng giờ đây Ê-li-hu lý luận rằng đôi khi Đức Chúa Trời cho phép chúng ta chịu khổ để giữ chúng ta khỏi tội lỗi. Nói cách khác, hoạn nạn có thể mang tính phòng ngừa chứ không phải mang tính trừng phạt (xem từng trải của Phao-lô được ghi lại trong IICo 12:7-10). Đức Chúa Trời làm tất cả mọi điều có thể để giữ chúng ta khỏi phạm tội và đi vào hố của sự chết, và đây là chứng cớ về ân điển của Ngài (Giop 33:24).
Trước khi đi vào lý luận của mình, Ê-li-hu bảo đảm với Gióp rằng những lời nói của ông là chân thật và được Thần Đức Chúa Trời ban cho, vì vậy Gióp không có lý do gì để sợ (c.1-7). Ê-li-hu đã không tuyên bố có bất cứ “lợi thế” nào với Đức Chúa Trời, ông được dựng nên bằng đất sét giống như Gióp.
Ông hứa không độc đoán trong cách nói của mình và ông mời Gióp tự do đáp lại.Ê-li-hu không muốn đây là một đoạn độc thoại, nhưng đó chính xác là điều trở nên như vậy. Hoặc Gióp bị yên lặng bởi điều Ê-li-hu nói, hoặc Ê-li-hu dừng đủ lâu để Gióp nói (c.31,33) hoặc Gióp không nghĩ điều đó đáng để hưởng ứng.
Sau khi bảo đảm với Gióp những lời nói của mình sẽ giúp ích chứ không gây tổn thương, rồi Ê-li-hu tiếp tục trích dẫn điều Gióp đã nói về chính mình (c.8-11). Những lời của Gióp sẽ tạo nên tiền đề cho lý luận của Ê-li-hu.
Trước hết, Ê-li-hu nói rằng Gióp đã tuyên bố ông vô tội (c.9) mà không phải là điều Gióp đã nói. Việc Gióp tuyên bố vô tội và sự giải thích của Sô-pha, không phải tuyên bố của Gióp (Giop 11:4). Gióp đã nói rằng ông không nói dối (Giop 6:30), rằng ông không phải là kẻ ác (Giop 10:7), rằng ông công bình và ngay thẳng (Giop 12:4) và ông đã không bất tuân Đức Chúa Trời (Giop 23:11-12), nhưng ông không bao giờ nói mình không có tội. Ông kiên định duy trì sự chính trực của mình (Giop 2:3; Giop 27:4-5) nhưng ông chưa bao giờ nói mình toàn vẹn. Thật ra, ông phủ nhận sự toàn vẹn (Giop 9:20-21). Tiền đề cơ bản của Ê-li-hu yếu ớt vì ông nhầm lẫn những lời của Sô-pha với những lời của Gióp. Có thể nghe như thể Gióp đang tuyên bố vô tội, nhưng ông chỉ nói rằng ông không chỗ trách, là một điều hoàn toàn khác.
Thứ hai, Ê-li-hu trích dẫn Gióp nói rằng Đức Chúa Trời bất công và đối xử với ông như kẻ thù (Giop 33:10-11). Trích dẫn này là đúng (Giop 13:24,27 Giop 16:9 Giop 19:7,11). Trong những bài diễn thuyết của mình, Gióp đã nhiều lần hỏi Đức Chúa Trời vì sao Ngài tấn công ông và vì sao Ngài không cho ông một vụ xử kiện công bằng. Mối quan tâm lớn của Ê-li-hu không phải là để tranh luận điều Gióp đã nói về bản thân, nhưng để bẻ bác điều Gióp đã nói về Đức Chúa Trời.
“Nhà thần học trẻ” này biết cái gì đó về cách nói giữa công chúng, vì phân đoạn Giop 33 là một diễn văn mẫu. Trước hết, ông xác định luận đề của mình trong câu 12-14. Đức Chúa Trời vĩ đại hơn con người và phán với ông bằng những cách mà ông có thể không phải lúc nào cũng nhận ra. Sau đó ông mô tả ba cách khác nhau mà Đức Chúa Trời có thể phán với con người: chiêm bao và dị tượng (c.15-18), hoạn nạn (c.19-22) và chức vụ của thiên sứ trung gian (c.23-33).
Từ “hầm (huyệt)” được sử dụng 5 lần trong các câu 14-33. Mục đích của Đức Chúa Trời trong sự kỷ luật là để cứu con người khỏi sự chết (Gia 5:19-20) bằng cách phá vỡ sự kiêu ngạo của họ và đem họ trở lại vị trí vâng phục (Giop 33:17-18). Đức Chúa Trời tìm cách giữ họ khỏi cái huyệt (câu 18) nhưng tội nhân chống nghịch thường đến gần cái huyệt (c.22), rồi sa xuống huyệt (c.24), và ở trong huyệt (c.28). Khi dường như quá trễ, Đấng Trung Bảo đem họ trở về từ cái huyệt (c.30) và họ được cứu.
“Đức Chúa Trời làm mọi việc này cho con người hai lần, thậm chí ba lần đặng khiến linh hồn người trở lại khỏi cái huyệt, để ánh sáng sự sống có thể chiếu trên người” (c.29-30 NIV). Đức Chúa Trời “không muốn cho người nào chết mất” (IIPhi 3:9).
• Chiêm bao và dị tượng (Giop 33:15-18): Trong thời Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đôi khi phán với con người qua những chiêm bao và dị tượng. Ngày nay Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng ta chủ yếu qua Lời Ngài (He 1:1-2). Nếu tội nhân có những dị tượng hoặc chiêm bao kinh khiếp, điều đó có thể khiến họ sợ hãi và giữ họ khỏi phạm tội lỗi họ đã hoạch định. Chính Gióp đã trải qua những chiêm bao kinh khiếp (Giop 7:13-14) và Ê-li-hu đã có một dị tượng ban đêm không thể quên (Giop 4:12,21). Đức Chúa Trời ban chiêm bao và dị tượng để “mở tai con người”, khiến họ lắng nghe Lời Đức Chúa Trời và vâng theo. Nếu họ không hạ mình, họ có thể sa xuống huyệt của sự chết.
Một người đàn ông đã chặn một khách lạ trên đường phố New York và nói: “Anh có thể chia xẻ một chiêm bao với tôi không? Tôi đang trên đường đến với bác sĩ thần kinh của tôi, và tôi không ngủ đã một tuần rồi. Tôi hết sức cần một chiêm bao để nói cho ông ấy biết!”
Không phải mọi giấc chiêm bao đều có ý nghĩa tiềm ẩn, và không phải mọi giấc chiêm bao đều đến từ Đức Chúa Trời với những sứ điệp đặc biệt trong đó. Có nhiều cơn ác mộng đã xuất hiện bởi sự kiêng ăn không đúng đắn! Những người vạch kế hoạch đời sống mình quanh những điều họ học từ “sách về chiêm bao” đang tìm cầu sự bối rối hơn là sự hướng dẫn. Đức Chúa Trời có thể sử dụng những giấc chiêm bao để khuấy động sự tin tưởng của một tội nhân kiêu ngạo, nhưng đây không phải là phương cách thông thường của Ngài hôm nay.
• Hoạn nạn (Giop 33:19-22): Trong “The Problem of Pain”, C.S.Lewis nói: “Đức Chúa Trời thì thầm với chúng ta trong những thú vui của chúng ta, phán trong lương tâm chúng ta, nhưng quát tháo trong sự đau đớn của chúng ta. Đó là loa phóng thanh của Ngài để khuấy động một rhế giới điếc.”
Đức Chúa Trời đôi khi sử dụng sự đau đớn để cảnh cáo chúng ta, hạ thấp chúng ta và đem chúng ta đến vị trí vâng phục (He 12:1-11). Ê-li-hu mô tả một người bệnh hoạn, khổ sở trên giường mình, hao mòn vì không có sự ngon miệng. (Đây là một bức tranh về Gióp chăng? (Giop 6:7; Giop 7:3-6; Giop 16:8; Giop 17:7; Giop 19:20). Nhưng người này đang chịu đau khổ bởi vì Đức Chúa Trời muốn thu hút sự chú ý của người và giữ cho người khỏi vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời.
Thật là một sai lầm để nói rằng mọi hoạn nạn đều đến từ Đức Chúa Trời, vì chúng ta cũng có thể tự gây ra cho mình hoạn nạn nào đó. Lái xe bất cẩn có thể dẫn đến một tai nạn khiến nhiều người đau khổ. Ăn uống không đúng cách có thể làm cơ thể khó chịu và gây cho những cơ quan bị lạm dụng phản kháng bằng cơn đau. Có thú vui trong tội lỗi (He 11:25) nhưng thường thì tội lỗi gây ra hoạn nạn. “Con đường kẻ phạm tội là gay go” (Ch 13:15). Nếu con người phủ nhận luật pháp Đức Chúa Trời thì chắc chắn họ sẽ phải trả giá cho việc đó.
Chúng ta cũng không nên nói rằng mọi hoạn nạn là sự trừng phạt tội lỗi. Ê-li-hu lý luận đôi khi Đức Chúa Trời cho phép hoạn nạn để ngăn con người phạm tội và đi đến huyệt.Đức Chúa Trời đã ban cho Phao-lô một “cái giằm xóc vào thịt” để ngăn ông không được kiêu ngạo, và Phao-lô đã biết cảm tạ Đức Chúa Trời về điều đó (IICo 12:7-10). Ê-li-hu hy vọng rằng Gióp sẽ đầu phục Đức Chúa Trời, chấp nhận hoàn cảnh đau đớn của mình, và sẽ nhận lãnh từ đó những phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho ông.
Không ai muốn bệnh hoạn, mọi người đều cầu xin sự chữa lành. Nhưng nhà thần học giáo đoàn Anh quốc P.T. Forsyth đã nói: “Cầu xin điều ngược lại của sự đau đớn là một điều tuyệt vời hơn sự cất bỏ nó đi.”
Đó là điều Phao-lô đã học biết cách hành động với cái giằm xóc trong thịt của ông. Bởi ân điển Đức Chúa Trời, những gì có thể là vũ khí đánh ngã ông, đã trở thành công cụ gây dựng ông! Nếu ông thất lạc sứ giả của sự đau đớn đó, Phao-lô có thể trở nên kiêu ngạo về những thành tích thuộc linh của ông, và sự kiêu ngạo đó có thể dẫn ông vào tội lỗi nặng nề hơn.
Ê-li-hu đã trình bày hai cách Đức Chúa Trời phán với con người để ngăn họ khỏi cái huyệt dị tượng với chiêm bao, và bệnh tật với đau đớn. Giờ đây ông trình bày cách thứ ba.
• Chức vụ của thiên sứ trung gian (Giop 33:23-33): Sách Gióp mở đầu bằng sự mô tả về tòa án trên trời của Đức Chúa Trời nơi các thiên sứ (“các con trai của Đức Chúa Trời”) báo cáo nhiệm vụ (Giop 1:6,22; Giop 2:1-13; Giop 33:1-33). Ê-li-pha đề cập các thiên sứ trong Giop 4:18 và có thể cả trong Giop 5:1 (“các đấng thánh”), và các thiên sứ cũng được đề cập trong Giop 38:7 khi họ vui mừng về sự sáng tạo thế giới. Ngoại trừ phân đoạn hiện tại này, đây là những đề cập duy nhất đến các thiên sứ trong sách.
• Ê-li-hu vẽ ra một bức tranh khủng khiếp.
Tội nhân bị cảnh cáo bởi chiêm bao với dị tượng, và bị quở phạt bởi bệnh tật và hoạn nạn. Ông đang vẽ gần đến phần mộ, và “những kẻ hủy diệt” (“những sứ giả của sự chết”, NIV) sắp bắt giữ hắn (Giop 33:22). Sau đó một sứ giả đặc biệt thình lình đứng dậy (“một trong một ngàn”) và biện hộ cho vụ kiện của người. Sứ giả này có một chức vụ với hai ý nghĩa: Vị ấy nói cho người chịu khổ biết điều gì người ấy phải làm (c.3) và cầu thay với Đức Chúa Trời để người được phục hồi.
Có vẻ như thiên sứ trung gian này là Thiên Sứ của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-xu Christ của chúng ta, Đấng Trung Bảo đã phó sự sống Ngài làm giá chuộc cho tội nhân (ITi 2:5 Mac 10:45). Là Thiên sứ của Đức Giê-hô-va, Con Đức Chúa Trời đã thăm viếng trái đất trong thời Cựu-ước để rao ra những sứ điệp đặc biệt và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng (Sa 16:9; Sa 22:11; Xu 3:2; Cac 6:11). Nhưng Ê-li-hu thấy Thiên Sứ này không chỉ là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, mà còn là Đấng Ban giá chuộc cho tội nhân.
Đây là “Đấng Trung Bảo” trên trời mà Gióp đã cầu xin suốt cuộc tranh luận!. Gióp muốn có một “người phân xử” để đem ông và Đức Chúa Trời lại với nhau vì một cuộc xử kiện (Giop 9:33), một “nhân chứng” trên trời để biện hộ vụ kiện của ông trước mặt Đức Chúa Trời (Giop 16:19), một “Đấng cứu chuộc” sẽ bênh vực ông ngay cả sau khi ông chết (Giop 19:25).
Chức vụ của Thiên Sứ này hoàn toàn là hành động của ân điển Đức Chúa Trời (Giop 33:24). “Hãy cứu nó khỏi bị sa xuống cái hầm, Ta đã tìm thấy một giá cứu chuộc cho nó rồi” (câu 24, NIV). Điều đó nghe có vẻ giống như Chúa Giê-xu Christ vừa là Đấng Trung Bảo vừa là Giá Chuộc cho chúng ta (ITi 2:5-6).
Ý niệm về “giá chuộc” được hình thành trong cơ cấu thuyết thần học của Kinh Thánh. Theo tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “chuộc tội lỗi bằng cách đưa ra một vật thay thế.” Tội nhân bị kết án không thể được tự do bằng cách trả một giá rẻ nào đó như là tiền bạc (Thi 49:7-9), việc thiện, hay những ý định tốt lành.
Đó phải là một giá chuộc mà Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận, và Đức Chúa Trời yêu cầu phải có sự đổ huyết (Le 16:1-17:16). Gióp đã yêu cầu ba bạn ông chuộc tội ông vì ông biết họ không thể làm được (Giop 6:21-23). Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban giá chuộc tội, và Ngài đã thực hiện.Nếu Đức Chúa Trời đã ban một giá chuộc cho tội nhân hư mất sắp sa xuống hố, thế thì họ dại dột biết bao khi không tiếp nhận điều đó!
Ê-li-hu hứa với Gióp rằng Đức Chúa Trời sẽ biến đổi triệt để hoàn cảnh của ông nếu ông hạ mình xuống. Đó sẽ giống như một “sự sinh mới” (Giop 33:25; Gi 3:3). Ông sẽ một lần nữa vui hưởng sự cầu nguyện và mối thông công với Đức Chúa Trời (Giop 33:26). Ông sẽ xưng nhận tội lỗi mình và thừa nhận rằng Đức Chúa Trời đã trừng phạt ông ít hơn ông đáng lãnh nhận (c.27). Gióp sẽ ra khỏi sự tối tăm để vào trong sự sáng, và vui mừng làm chứng về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời (c.28).
Trong Giop 33:31-33 gợi ý rằng Ê-li-hu muốn Gióp đáp lời, nhưng đồng thời Ê-li-hu lại muốn Gióp yên lặng! Ê-li-hu được đổ đầy tới miệng bằng chủ đề của ông và không muốn ngừng nói. Nhưng Gióp không đáp lại vì ông đang chờ đợi Đức Chúa Trời phán. Gióp đã sẵn sàng bắt đầu vụ kiện của mình và thách đấu. Điều Ê-li-hu nghĩ về ông hoặc nói với ông chẳng tạo thay đổi gì đối với Gióp.
Gióp đã mang vụ kiện của ông đến một tòa án cao hơn nhiều, và khi Ê-li-hu nói xong, Quan Án sẽ xuất hiện.
“Vậy thì, Đức Chúa Trời mà tôi thờ phượng là gì?... Ngài hay ẩn mình khỏi chúng tôi nhưng lại hiện diện giữa vòng chúng tôi thường xuyên nhất, đẹp đẽ nhất, mạnh mẽ nhất và Ngài mãi mãi hiện hữu, tuy nhiên chúng tôi tài nào hiểu nổi Ngài.”
(Thánh Augustine).
12. Ê-LI-HU GIẢI THÍCH VÀ BÊNH VỰC ĐỨC CHÚA TRỜI (Giop 34:1-37:24)
Thuyết thần học (“khoa học về Đức Chúa Trời”) từng được gọi là “nữ hoàng của các khoa học” vì nó đề cập đến tri thức quan trọng nhất mà chúng ta có thể có, tri thức về Đức Chúa Trời. Thuyết thần học là một khoa học cần thiết, nhưng nó cũng là một môn khoa học khó hiểu, vì đó là nỗ lực của chúng ta để hiểu biết Đấng không thể biết được (Ro 11:33-36).
Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài trong sự sáng tạo, trong sự định liệu, trong Lời Ngài, và cao nhất là trong Con Ngài, nhưng sự hiểu biết của chúng ta về những gì Đức Chúa Trời đã bày tỏ có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng.
A.W.Tozer đã viết: “Bản chất của việc thờ thần tượng là sự nuôi dưỡng những tư tưởng về Đức Chúa Trời mà không xứng đáng cho Ngài” (The Knowledge of the Holy, Harper & Row, trang 11). Vì vậy, bất cứ ai cố gắng giải thích và bênh vực Đấng Toàn Năng phải có một tấm lòng khiêm nhường của một người thờ phượng, vì “tri thức sanh kiêu căng, nhưng tình yêu thương gây dựng” (I Co 8:1 NIV).
Khi bạn đọc những bài diễn thuyết của Ê-li-hu, bạn có cảm tưởng rằng không phải ông không tăng trưởng thuộc linh mà là ông đang căng phồng lên. Bạn cũng có cảm tưởng rằng tâm trí của những người lắng nghe ông đi lang thang, vì ông cứ kêu gọi họ lắng nghe cẩn thận (Giop 33:1,31,33; Giop 34:2,10,16). Trong hai phần ba còn lại ở bài diễn thuyết của mình, Ê-li-hu giải thích và bênh vực sự công bình của Đức Chúa Trời (Giop 34,35) và sự vĩ đại của Đức Chúa Trời (Giop 36-37).
1. Đức Chúa Trời công bình (Giop 34:1-35:16)
(Giop 34:1-37). Ê-li-hu đã hứa không sử dụng sự tâng bốc (Giop 32:21) nhưng ông đã đi đến gần điều đó trong Giop 34:2 khi ông nói với thính giả của mình với tư cách “những người khôn ngoan” và “những người học thức” (NIV). Thật ra, ông đang tâng bốc chính mình, vì nếu “những người khôn ngoan học thức” này sẵn sàng lắng nghe ông, họ chắc phải nghĩ rằng ông có học thức và khôn ngoan hơn họ! Trích dẫn những lời của Gióp (c.3 Giop 12:11), Ê-li-hu kêu gọi họ sử dụng sự sáng suốt khi họ “nếm những lời của ông, để ông và họ có thể học với nhau điều tốt lành” (Giop 34:4 NIV). Ê-li-hu ví sánh việc ông nói với sự thưởng thức một bữa ăn ngon và bổ dưỡng.
Ê-li-hu liệt kê hai lời than vãn của Gióp để thảo luận: “Đức Chúa Trời bất công” (c.5-6), và “không ích lợi gì trong sự hầu việc Đức Chúa Trời” (c.7-9). Ông trả lời cho điều than vãn thứ nhất trong câu 10-37 và cho điều than vãn thứ hai trong (Giop 35:1-16).
• “Đức Chúa Trời bất công” (Giop 34:5-6,10-37): Sự bất công của Đức Chúa Trời là một trong những chủ đề chính ở những bài diễn thuyết của Gióp. Ông cảm thấy mình đang bị đối xử như một tội nhân, nhưng Đức Chúa Trời sẽ không “đến tòa” và cho Gióp biết ông đã làm sai điều gì (Giop 9:2,17-20; Giop 19:6-7; Giop 27:2), Ê-li-hu nhớ lại Gióp đã nói rằng ông vô tội và bị phủ nhận sự công bình (Giop 34:5; Giop 10:7; Giop 6:29) và rằng Đức Chúa Trời đang bắn những mũi tên vào ông (Giop 34:6; Giop 6:4).
Ê-li-hu trình bày ba lý lẽ để chứng minh rằng không có sự bất công với Đức Chúa Trời. Trước hết, nếu Đức Chúa Trời bất công, thì Ngài không phải là Đức Chúa Trời (Giop 34:10-15), “Đức Chúa Trời chẳng hề hành ác, và Đấng Toàn Năng chẳng hề phạm sự bất công” (c.10). “Không thể nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ làm sai, rằng Đấng Toàn Năng sẽ làm trái sự công bình” (c.12 NIV). Áp-ra-ham đã hỏi: “Đấng xét đoán toàn thế gian, há lại không làm sự công bình sao?” (Sa 18:25) và câu trả lời rõ ràng là: Đúng vậy!
a. Nếu Đức Chúa Trời thật sự là Đức Chúa Trời, vậy Ngài trọn vẹn, và nếu Ngài trọn vẹn, vậy Ngài không thể làm sai. Một Đức Chúa Trời bất công sẽ không thể hiểu được như một vòng tròn vuông hay tam giác tròn. Theo Ê-li-hu, điều dường như là sự bất công đối với chúng ta thì thật sự là sự công bình: Đức Chúa Trời đang trả cho tội nhân những điều họ làm (Giop 34:11). Thật ra, Đức Chúa Trời công bình đến nỗi Ngài đã định rằng chính tội lỗi sẽ trừng phạt kẻ làm ác (Thi 7:15; Thi 9:15-16; Thi 35:8), vậy, không có cách nào để thoát khỏi sự công bình của Đức Chúa Trời.
Ê-li-hu nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời tối cao, và Đức Chúa Trời tối cao thì không thể bị luật nào buộc tội hoặc bị tòa án nào phán xét. Vua không thể làm gì sai, Đức Chúa Trời không do ai chỉ định lên ngôi, nên không thể truất phế Ngài khỏi đó (Thi 34:13). Nói rằng Đức Chúa Trời bất công là cho rằng Ngài không phải là Đức Chúa Trời, do dó không có quyền để ngự trên ngôi. Nhưng Đức Chúa Trời cai trị chính hơi thở của chúng ta và có thể cất đi sự sống của chúng ta trong giây lát (c.14-15; Cong 17:28).
“Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt” (Ca 3:22).
Sách Gióp ca ngợi quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời. Ngay từ chương đầu tiên, rõ ràng là có Đức Chúa Trời tể trị, vì ngay cả Sa-tan cũng được bảo điều gì nó có thể và không thể làm. Suốt cuộc tranh luận, dường như Đức Chúa Trời vắng mặt, nhưng Ngài biết Gióp cảm thấy ra sao và Gióp với các bạn ông nói điều gì, 31 lần trong sách Gióp, Đức Chúa Trời được gọi là “Đấng Toàn Năng”. Ê-li-hu đúng về mục tiêu: Đức Chúa Trời tối cao và không thể làm sai.
b. Lý luận thứ hai của ông đó là: nếu Đức Chúa Trời bất công, thì không thể có chính thể công bình nào trên đất (Giop 34:16-20). Là một trưởng lão được kính trọng, Gióp đã tham gia trong chính quyền địa phương và đã giúp đem đến sự công bằng cho những người bị khốn khổ (Giop 29:7-17). Nhưng mọi chính thể của loài người đều do Đức Chúa Trời thiết lập (Sa 9:1-7; Ro 13:1-7). Vì vậy nếu loài người hay chết có thể thi hành sự công bình trên đất, tại sao Đức Chúa Trời thánh khiết và tối cao lại không thể thi hành sự công bình trên trời? Ngài có thể truất ngôi các vua và cất bỏ những người quyền quý, và Ngài không tỏ ra sự thiên vị nào (Đa 4:25,32,35). Nếu Đức Chúa Trời, Đấng cai trị thế gian là bất công, thì không thể có trật tự hay sự hài hòa nào, và mọi sự sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, Ê-li-hu đã phạm sai lầm lớn trong việc lựa chọn và chỉ nhấn mạnh thuộc tính thiêng liêng, sự công bình của Đức Chúa Trời.Vì Đức Chúa Trời cũng đầy lòng yêu thương nhân từ, (Binh-đát đã phạm sai lầm tương tự trong những bài diễn thuyết của mình). Trong sự khôn ngoan của Ngài, Đức Chúa Trời nghĩ ra một kế hoạch cứu chuộc thỏa mãn sự công bình và tình yêu của Ngài (Ro 3:21-31). Bởi thập tự giá, Đức Chúa Trời có thể cứu chuộc tội nhân mà vẫn đề cao sự công bình của Ngài và giữ vững thánh luật của Ngài.
c. Lý lẽ thứ ba của Ê-li-hu là nếu Đức Chúa Trời bất công, vậy Ngài không nên biết điều gì đang tiếp diễn trên thế giới (Giop 34:21-30). Nhưng Đức Chúa Trời toàn tri và thấy mọi sự! Một quan án loài người với những hạn chế của mình, nghe một vụ kiện và thực hiện quyết định tốt nhất mà người ấy có thể làm, và đôi khi người ấy sai. Nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy mọi bước chúng ta đi, và không nơi nào chúng ta có thể trốn khỏi Ngài (Thi 139:7-12). Gióp muốn Đức Chúa Trời gặp ông ở tòa để ông có thể trình bày vụ kiện của mình, nhưng Gióp có thể nói cho Đức Chúa Trời biết điều gì mà Ngài không biết?
“Đức Chúa Trời chẳng cần tra xét loài người thêm nữa, đặng họ phải đến trước mặt Ngài vì sự phán xét” (Giop 34:23 NIV).
Không giống như các quan chức loài người, Đức Chúa Trời không buộc phải chỉ đạo một cuộc điều tra và thu thập chứng cứ, Ngài biết mọi việc và có thể xét đoán bằng sự khôn ngoan trọn vẹn.
Một trong những lời than vãn của Gióp là Đức Chúa Trời yên lặng và ẩn mặt Ngài khỏi ông (Giop 9:11; Giop 23:19) nhưng Ê-li-hu có câu trả lời cho điều đó: “Nhưng nếu Ngài cứ yên lặng, ai có thể lên án Ngài? Nếu Ngài ẩn mặt Ngài, ai có thể thấy Ngài?” (Giop 34:29 NIV). Trong phân đoạn 24, Gióp tố cáo Đức Chúa Trời bỏ qua những tội lỗi của loài người, nhưng ông có quyền gì để xét đoán Quan Án? Đức Chúa Trời đã chờ 4 thế kỷ trước khi xét đoán các dân tộc gian ác ở Ca-na-an (Sa 15:13-16) và 120 năm trước khi giáng cơn nước lụt (Sa 6:3). Tội nhân phải biết ơn rằng Đức Chúa Trời ban cho họ thời gian để ăn năn (IIPhi 3:9).
Đức Chúa Trời cai trị trên các dân tộc và các cá nhân (Giop 34:29), nhưng Ngài không chịu trách nhiệm về tội lỗi của họ. Vì Ngài ban cho họ sự tự do để thực hiện những quyết định. Họ cũng có sự tự do để từ bỏ tội lỗi mình và tin cậy Đức Chúa Trời. Bởi điều này, Ê-li-hu kết thúc phần diễn thuyết của ông bằng một lời yêu cầu Gióp rằng Gióp hãy xưng nhận tội lỗi mình và ăn năn (c.31-33). Ông khuyên: “Hãy cầu xin Đức Chúa Trời dạy ông điều ông không biết và hứa không phạm tội như vậy nữa” (c.32). Đức Chúa Trời ban thưởng cho chúng ta theo những điều khoản của Ngài, không phải theo điều khoản của chúng ta, và một trong những yêu cầu của Ngài là chúng ta phải ăn năn và từ bỏ tội lỗi của mình.
Ê-li-hu ngừng lại và cho Gióp có cơ hội để nói (c.33), nhưng Gióp chẳng nói gì. Điều này có thể đã làm cho Ê-li-hu tức giận hơn nữa vì ông đã kết thúc phần nói chuyện này với một lời tố cáo thậm tệ chống lại Gióp. Ông đã nói rằng Gióp thiếu hiểu biết và không sâu sắc, rằng ông đã chống nghịch và nói kiêu ngạo với Đức Chúa Trời.
Hành động vỗ tay ngày nay là một dấu hiệu của sự tán thành, nhưng vào thời đó, nó là một cử chỉ nhạo báng và khinh miệt (Giop 27:23; Ca 2:15). Ê-li-hu kết luận rằng thậm chí Gióp cần được thử thách hơn nữa! (Giop 34:36). Có lẽ điều đó sẽ đem ông đến với ý thức của mình.
Sau khi giải quyết lời than vãn thứ nhất của Gióp, Ê-li-hu đi đến lời than vãn thứ hai.
“Không có ích lợi gì trong sự hầu việc Đức Chúa Trời” (Giop 34:7-9; Giop 35:1-16): Một lần nữa, Ê-li-hu tìm cách ném những lời của Gióp trở lại mặt ông: “Tôi vô tội” (Giop 10:7; Giop 12:4; Giop 27:6) và “Tôi đã được gì bằng cách vâng phục Đức Chúa Trời?” (Giop 9:29-31; Giop 21:15). Gióp đã nói lời nhận định đầu tiên, nhưng nhận định thứ hai không phải là trích dẫn chính xác những lời nói của ông. Gióp chưa bao giờ mặc cả với Đức Chúa Trời như Sa-tan đã nói ông sẽ như thế (Giop 1:9,21; Giop 2:9-10). Ê-li-hu bàn luận chủ đề này (Giop 22) và đi đến kết luận rằng sự mộ đạo hay sự bất chính của loài người cũng không thể tạo bất cứ thay đổi nào đối với tính cách của Đức Chúa Trời. Nhưng Ê-li-hu cảm thấy thật quan trọng để đề cập chủ đề này lần nữa.
Ê-li-hu yêu cầu những người nghe ông nhìn lên các tầng trời và xem những đám mây cao hơn thể nào, và rồi hình dung ngôi Đức Chúa Trời cao hơn đất thể nào (Giop 35:5-7). Những tội lỗi hoặc việc thiện của một người trên đất có thể nào sử dụng sức mạnh như thế để chúng sẽ đi cả khoảng cách đó và thay đổi Đấng Toàn Năng trên trời!
Sau đó Ê-li-hu yêu cầu họ xem xét xã hội loài người (c.8-16). Những tội lỗi hoặc việc thiện của chúng ta có thể ảnh hưởng đến những người quanh ta (c.8), nhưng Đức Chúa Trời không bị ảnh hưởng bởi chúng. Chắc chắn Đức Chúa Trời buồn rầu về tội lỗi của loài người (Sa 6:6), và vui mừng trong sự vâng phục của những người trung tín (Thi 37:23), nhưng những việc thiện của chúng ta không thể hối lộ Ngài, và những hành động xấu của chúng ta không thể đe dọa Ngài. Tính cách của Đức Chúa Trời không thay đổi dù con người vâng lời hay bất tuân. Đức Chúa Trời không thể thay đổi để tốt hơn, vì Ngài trọn vẹn, và Ngài không thể thay đổi để xấu hơn vì Ngài thánh khiết.
Đức Chúa Trời chăm sóc loài chim và loài thú, và chúng nhờ cậy Ngài (Giop 35:11; Mat 6:25-34), nhưng loài người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời không kêu cầu Ngài cho đến chừng nào họ ở dưới gánh nặng khủng khiếp của sự áp chế (Giop 35:9). Họ quên Đức Chúa Trời cho đến khi hoạn nạn xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời biết rằng những lời cầu nguyện của họ không thành tâm, vì vậy Ngài không đáp lời họ (c.12-13). Điều này giải thích vì sao những lời cầu nguyện của Gióp đã không được trả lời: Lòng ông không ngay thẳng với Đức Chúa Trời (c.14).
Nhưng nếu Đức Chúa Trời không cất bỏ gánh nặng, Ngài có thể ban cho người chịu khổ có lòng tin cậy “những bài ca trong đêm” (c.10; Thi 42:8; Thi 77:6). Charles Spurgeon đã nói: “Bất cứ người nào cũng có thể hát ban ngày. Thật dễ để hát khi chúng ta có thể đọc những ghi chép bằng ánh sáng ban ngày; nhưng người có thể ca hát khi không có tia ánh sáng để đọc là người ca hát tài tình.” Chúa đã ban “những bài ca trong đêm” cho Phao-lô và Si-la trong ngục ở thành Phi-líp (Cong 16:25). Nếu Đức Chúa Trời thấy không thích hợp để cất bỏ những gánh nặng của chúng ta, Ngài luôn ban sức mạnh cho chúng ta để chúng ta có thể mang chúng và một bài ca để hát lên trong khi làm điều đó!
Ê-li-hu bác bỏ lời than vãn của Gióp rằng Gióp không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời. Điều quan trọng là Đức Chúa Trời nhìn thấy Gióp và biết rõ hết sự kiện tụng của Gióp (Giop 35:14). Hoàn cảnh của Gióp sẽ không được thay đổi bởi lời nói trống rỗng và nhiều lời của ông (c.16), vì vậy một việc dành cho Gióp là chờ đợi và tin cậy (c.4).
Đức Chúa Trời nhân từ (Giop 33:1-33) và Đức Chúa Trời công bình (Giop 34:1-35:16), nhưng Đức Chúa Trời cũng vĩ đại và toàn năng (Giop 36:1-37:24) và Ê-li-hu nghĩ rằng Gióp cần phải nhận biết Đức Chúa Trời vĩ đại ra sao.
-Giop 35:1-16; xem giải nghĩa Giop 34:1-37.
2. Đức Chúa Trời vĩ đại (Giop 36:1-33)
“Kìa, Đức Chúa Trời có quyền năng” (Giop 36:5), “Kìa, Đức Chúa Trời được tán tụng bởi quyền năng Ngài” (c.22), “kìa, Đức Chúa Trời vĩ đại” (c.26).
Trong hai chương này, Ê-li-hu tán tụng sự vĩ đại của Đức Chúa Trời trong mục đích đầy thương xót của Ngài đối với con người (c.1-25) và qua quyền năng mạnh mẽ của Ngài trong thiên nhiên (Giop 36:26-37:13). Ông kết luận bài diễn thuyết của mình bằng cách đưa ra lời yêu cầu cuối cùng rằng Gióp hãy kính sợ Chúa và ăn năn (c.14-24).
Mục đích thương xót của Đức Chúa Trời đối với con người (Giop 36:1-25): Sự lên mặt ta đây tự cho mình là quan trọng của Ê-li-hu đạt đến những độ cao mới khi ông giới thiệu phần cuối cùng trong bài diễn thuyết của mình (c.1-4). Những người lắng nghe ông chắc rất bồn chồn, sốt ruột, nếu không tại sao ông phải nói: “Xin hãy nhịn tôi một chút nữa?” (c.2).
Nhận định “tôi sẽ đem đến từ xa sự hiểu biết của tôi” (c.3) gợi ý rằng ông khoe khoang về sự hiểu biết rộng rãi của mình hoặc về việc có sự hiểu hiết trực tiếp từ trời. Và gọi ông là “người trọn vẹn về tri thức” (c.4 NIV) hầu như không phải là chứng cớ về tính khiêm nhường!
(1) Sự giải thích (c.5-15): Quả thực, Đức Chúa Trời vĩ đại và quyền năng không có nghĩa là Ngài phớt lờ con người hoặc không có sự quan tâm đối với từng cá nhân. “Đức Chúa Trời quyền năng nhưng không khinh bỉ loài người, Ngài quyền năng và vững chắc trong mục đích của Ngài” (c.5 NIV). Mục đích đó là gì? Để trừng phạt kẻ ác và giúp người khốn khổ (“nghèo”, c.6,15 KJV). Ê-li-hu so sánh cách Đức Chúa Trời giải quyết đối với kẻ ác kiêu ngạo và đối với người công bình khốn khổ. “Ngài chẳng hề để kẻ ác sống, nhưng tỏ sự công bình cho kẻ khổ nạn” (c.6 NASB).
Gióp nghĩ rằng Đức Chúa Trời phớt lờ ông, nhưng Đức Chúa Trời để mắt trên người công bình (c.7; IPhi 3:12) và cuối cùng biến đổi hoàn cảnh của họ. Ngài nâng họ lên từ đống tro đến ngôi vua (Lu 1:52-53) và giải phóng họ khỏi xiềng xích của họ (Giop 36:7-8). Ngài quở phạt chúng ta với mục đích Ngài có thể sửa đổi chúng ta và dạy dỗ chúng ta con đường ngay thẳng để sống. Nếu chúng chịu học tập vâng theo, Ngài sẽ chúc phước cho chúng ta càng thêm. Nhưng nếu chống nghịch Ngài, chúng ta chắc chắn sẽ phải nhận lấy sự hủy diệt (c.9-12).
Đáp ứng của tấm lòng là chìa khóa. Những kẻ giả hình (“có lòng bất kính”, NIV) chỉ chất lên sự thạnh nộ khi họ khiến chính mình cứng cỏi nghịch với Đức Chúa Trời.Cho dù Đức Chúa Trời kỷ luật họ mức độ nào, họ cũng chối từ kêu cầu sự giúp đỡ.Nhưng người có lòng khiêm nhường nhận lấy sứ điệp của Đức Chúa Trời (“Ngài phán với họ trong sự hoạn nạn”, c.15 NIV) và từ bỏ tội lỗi mình. Nhóm từ “những kẻ ô uế” trong câu 14 đề cập đến những kẻ tà dâm đồng tính ở các điện thờ thần tượng khác nhau (Phuc 23:17). Ê-li-hu chọn hình ảnh này như một bức tranh về độ sâu của sự nhục nhã và tội lỗi, kẻ ác không chỉ chết trẻ (Giop 36:14; Giop 20:5,11) nhưng họ còn chết trong nhục nhã.
(2) Sự ứng dụng (c.16-25): Gióp phải thực hiện một quyết định, “Ngài (Đức Chúa Trời) đang dụ ông khỏi lối hoạn nạn để đến một nơi khoảng khoát” (c.16 NIV Thi 18:19). Bàn của Gióp đã chất đầy hoạn nạn khi nó có thể chất đầy những thức ăn ngon nhất. Gióp sẽ đáp ứng ra sao?
Ê-li-hu nhìn thấy nhiều hiểm họa phía trước dành cho Gióp và tìm cách cảnh cáo ông.Hiểm họa thứ nhất đó là Gióp có thể tìm kiếm “đường tắt” để thoát ra khỏi hoạn nạn và do đó bỏ lỡ sứ điệp Đức Chúa Trời đã dành cho ông. Có thể Gióp đồng ý để ai đó “mua ông” nhưng không có khoản tiền nào đủ để làm điều đó (Giop 36:18-19).
Tạp chí Wall Street nói về điều này rất hay: “Tiền là một phẩm vật có thể được sử dụng như một hộ chiếu toàn cầu đến mọi nơi trừ thiên đàng, và như một người cung cấp toàn bộ về mọi thứ trừ hạnh phúc.”
Hiểm họa thứ hai đó là Gióp có thể nghĩ đến việc ông sẽ tự kết liễu đời mình (c.20). “Đêm” và “sự tối tăm” là những hình ảnh về sự chết, và Gióp thường bày tỏ một ao ước được chết (Giop 3:1-9,20-23 Giop 7:21 Giop 10:18-22). Nhiều người chịu khổ đã phạm tội tự sát để thoát khỏi hoàn cảnh vô vọng của họ, nhưng không có hiểm họa như thế để Gióp sẽ đi con đường này. Gióp là một người có đức tin và sẽ không đi vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà chưa được mời.
Ê-li-hu nhìn thấy một hiểm họa thứ ba, rằng Gióp có thể từ bỏ mọi hy vọng và hướng về một đời sống tội lỗi (Giop 36:21). Trong chức vụ mục sư của tôi, tôi đã khuyên những người quá cay đắng với Đức Chúa Trời đến nỗi họ từ bỏ xưng nhận đức tin và trở lại với thế gian. Họ nói: “Nếu đời sống tiếp tục gay go thế này, vậy chúng tôi chỉ có thể vui chơi trong khi còn có thể.” Họ quên rằng không thể có sự vui mừng thật nếu không có Đức Chúa Trời, và tội lỗi đó cuối cùng sẽ đem lại mùa gặt của chính nó về sự đau khổ và phiền não mà thôi.
Cuối cùng, Ê-li-hu kêu gọi Gióp nắm lấy một khải tượng mới về sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và bắt đầu ngợi khen Ngài (c.22-25). Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ chúng ta qua những hoạn nạn của chúng ta (c.22), và một chứng cớ mà chúng ta đang học những bài học của mình, đó là chúng ta ngợi khen và cảm tạ Ngài, thậm chí cảm tạ về những thử thách.
“Hãy ngợi khen Ngài về những công việc quyền năng của Ngài mà bởi đó Ngài quá nổi danh” (c.24 TLB), “Sự ngợi khen thay đổi mọi sự” cũng như “sự cầu nguyện thay đổi mọi sự.”
Quyền năng mạnh mẽ của Đức Chúa Trời trong thiên nhiên (Giop 36:26-37:24): “Kìa, Đức Chúa Trời vĩ đại, và chúng ta không biết được Ngài” (Giop 36:26). Đây là chủ đề của phần cuối cùng trong bài diễn thuyết của Ê-li-hu, và ông minh họa nó bằng những công việc của Đức Chúa Trời trong thiên nhiên, đặc biệt là việc Đức Chúa Trời điều khiển thế giới của Ngài suốt mùa tiết, tháng năm, …
(1) Mùa thu (Giop 36:27-37:5): Ở phương Đông, sau cái nóng và hạn hán của mùa hè, cả đất đai và con người chào đón những cơn mưa vào mùa thu.
Thật thú vị để khám phá sự sâu sắc của Ê-li-hu trong “chu kỳ nước” của thiên nhiên (sự bay hơi, sự tụ hơi, sự kết tủa) và nhu cầu về điện (tia chớp) để giúp mọi hoạt động có “hệ thống”.
Với đầu óc của một khoa học gia nhưng có tấm lòng của một thi sĩ, Ê-li-hu mô tả cơn bão. Ông bắt đầu bằng sự hình thành các đám mây (Giop 36:26-29), kế đến là sự phát điện bằng tia chớp (c.30-32) và sau đó là tiếng sấm (Giop 36:33-37:5). Đối với Ê-li-hu, tia chớp là vũ khí của Đức Chúa Trời (Giop 36:32) và sấm là tiếng nói của Đức Chúa Trời (Giop 37:2,4-5). Ở phương Đông, bạn có thể thấy một cơn bão kéo dài hằng dặm và với một sự quan sát rất lý thú hấp dẫn khi nóđến gần.
Đáp ứng của Ê-li-hu đến với tuồng kịch về cơn bão ra sao?Trước hết, cơn bão nhắc nhở ông về quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời và sự nhân từ Ngài. “Đây là cách Ngài cai trị các dân tộc và ban cho lương thực dư dật” (Giop 36:31 NIV). Nó cũng khơi dậy trong ông một cảm giác khiếp sợ về quyền năng mạnh mẽ của Đức Chúa Trời (Giop 37:1). Đa-vít đã ghi lại kinh nghiệm tương tự trong Thi thiên 29.
(2) Mùa đông (c.6-10): Tại thời điểm nào đó, những cơn mưa mùa thu trở thành băng và tuyết trong mùa đông. Những người làm việc phải ngưng công việc lao động của họ, và các thú hoang rút vào nơi che chở trong hang của chúng. Đức Chúa Trời thở trên mặt nước, và chúng đông lại. Điều mà nhà khí tượng học gọi là “hiện tượng thời tiết”, Ê-li-hu gọi là công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời Toàn năng. Isaac Watts đồng ý với Ê-li-hu khi ông viết:
Tôi ngợi ca sự nhân từ của Chúa.
Đã làm đầy dẫy đất lương thực.
Ngài tạo thành các tạo vật bằng Lời Ngài.
Và rồi tuyên bố chúng tốt lành.
Không thực vật hoặc bông hoa nào ở dưới thấp.
Mà không khiến những vinh hiển của Ngài được biết đến.
Và những đám mây nổi lên rồi những cơn bão thổi đi
Bởi mệnh lệnh từ ngôi của Ngài.
(3) Mùa xuân (c.11-13): Cuối cùng những cơn gió ấm áp hơn bắt đầu thổi, tuyết và băng tan chảy, và những đám mây mưa xuất hiện trở lại. Ê-li-hu biết rằng gió đóng vai trò quan trọng nhất trong thời tiết của thế gian. Không ai có thể tiên đoán chính xác gió sẽ làm gì (Gi 3:8), nhưng Đức Chúa Trời hoàn toàn tể trị trên chúng (Thi 148:8).
“Chu kỳ nước” hoạt động một cách hiệu quả: những đám mây đầy nước, tia chớp lóe sáng, mưa đổ xuống. Đôi khi Đức Chúa Trời giáng những cơn bão để kỷ luật (Giop 37:13; Sa 6:1-8:22; Xu 9:13-26; ISa 12:16-19) nhưng đa phần mưa là món quà của tình yêu và sự thương xót của Ngài (Giop 37:13).
(4) Mùa hạ (c.14-18;): Giờ đây những đám mây “treo thăng bằng” (c.16 NIV)và mọi vật yên tĩnh. Mặt trời mùa hạ đốt nóng không khí, gió nam (“gió nóng”)thổi từ sa mạc, và con người bắt đầu “đổ mồ hôi trong quần áo (của họ)” (c.17 NIV), Bầu trời giống như một tấm gương đồng và không ai cảm thấy thích làm bất cứ việc gì ngoài nghỉ ngơi.
Nhưng Ê-li-hu hành động nhiều hơn là rao ra một bài diễn thuyết đầy tính thơ và khoa học về bốn mùa. Ông muốn Gióp xem xét sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và những kỳ diệu của thiên nhiên, và nhận ra Gióp thật sự chẳng biết bao nhiêu về Đức Chúa Trời và hành động của Ngài trên thế giới này. Ê-li-hu hỏi Gióp ba câu hỏi tu từ về mây, tia chớp, gió và bầu trời không có mưa. Ông hỏi: “Ông có thể giải thích những điều này không? Ông có thể điều khiển chúng không?”
Điều này dẫn Ê-li-hu đến sự đột phá sau cùng: “Nếu ông không thể giải thích cho chúng tôi những việc hằng ngày của thiên nhiên, vậy làm sao ông sẽ chuẩn bị một vụ kiện ở tòa để bênh vực mình trước mặt Đức Chúa Trời?” Ê-li-hu còn cảnh cáo Gióp rằng hành động thách thức Đức Chúa Trời có thể dẫn đến việc Gióp bị nuốt bởi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời (c.20). Câu 21-22 mô tả “sự chiếu sáng lòa sau cơn mưa” (IISa 23:4), bầu trời xanh, mặt trời rực rỡ, “sự chói lòa” và “sự oai nghiêm đáng sợ” của Đức Chúa Trời (NIV). Ê-li-hu nói: “Thậm chí ông không thể nhìn được mặt trời mà ông lại muốn gặp Đức Chúa Trời mặt đối mặt!”
Những lời cuối Ê-li-hu nhắc chúng ta rằng, cho dù chúng ta không thể hiểu Đức Chúa Trời cách đầy đủ, nhưng chúng ta phải biết rằng Ngài vĩ đại và công bình, và Ngài không làm con người đau khổ vô cớ. Đáp ứng cá nhân của chúng ta phải là gì? “Vì vậy, hãy kính sợ Ngài!” Gióp đã đi đến kết luận tương tự sau khi suy gẫm những công việc của Đức Chúa Trời trên thế giới (Giop 28:24-28).
Có thể rằng trong khi Ê-li-hu nói, một cơn bão thật sự đang nổi lên từ xa, và khi ông chấm dứt, cơn bão ngừng lại và Đức Chúa Trời đã ở trong cơn bão!
Giờ đây Gióp sẽ nhận được điều ông đã cầu xin: một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đức Chúa Trời. Ông có sẵn sàng chưa? Chúng ta sẵn sàng chưa?
-Giop 37:1-24; xem giải nghĩa Giop 34:1-36:33.
PHẦN CHUYỂN TIẾP
Với mọi sự dài dòng và thiếu khiêm nhường của mình, Ê-li-hu thật đã nói một số điều tốt lành mà Gióp cần nghe. Việc Ê-li-hu sử dụng những câu hỏi tu từ trong Giop 37:14-18 chuẩn bị cho Gióp một chuỗi những câu hỏi mà Đức Giê-hô-va sẽ hỏi ông trong (Giop 38-41).
Không giống như ba người bạn kia, Ê-li-hu đã đánh giá vấn đề của Gióp một cách chính xác: những hành động của Gióp có thể đúng ông không phải là tội nhân mà ba bạn ông đã mô tả nhưng những thái độ của ông là sai. Gióp không phải là “thánh” như Gióp nhìn thấy chính mình. Gióp đang tiến dần đến một thái độ thách thức, tự xem mình là công bình mà chẳng lành mạnh chút nào. Đức Chúa Trời đã vạch trần và phá hủy thái độ “biết tất cả” này khi Ngài hiện ra trước Gióp và chất vấn ông.
Vì vậy, cho dù Đức Chúa Trời đã không nói gì về Ê-li-hu, người này đã có một chức vụ ích lợi cho Gióp. Đáng tiếc, Gióp đã không chấp nhận nó.
“Tôi đã có một triệu câu hỏi để hỏi Đức Chúa Trời, nhưng khi tôi gặp Ngài, chúng đều biến khỏi tâm trí tôi, và dường như đó là chuyện bình thường.”
(Christopher Morley).
13. CUỘC KHẢO THÍ CUỐI CÙNG (Giop 38:1-42:17)
Cơn bão mà Ê-li-hu đã mô tả cuối cùng ngừng lại, và Đức Chúa Trời đã phán với Gióp từ cơn bão. Sự trả lời cho những vấn đề của Gióp không phải là sự giải thích về Đức Chúa Trời, như ba bạn và Ê-li-hu đã trình bày, nhưng là một sự mặc khải về Đức Chúa Trời. Bốn người đã tuyên bố và bảo vệ sự vĩ đại của Đức Chúa Trời nhưng đã không thuyết phục được Gióp. Khi Đức Chúa Trời bày tỏ sự oai nghiêm và sự vĩ đại của Ngài, điều đó hạ thấp Gióp và đem ông đến vị trí vâng phục lặng lẽ trước mặt Ngài. Đó là một bước ngoặc.
Nhà tâm lý học Thụy Sĩ, Tiến sĩ Paul Tournier đã viết trong “Guilt and Grace” (Harper & Row, trang 86): “Vì sự trả lời của Đức Chúa Trời không phải là một ý niệm, một lời đề nghị, giống như kết luận của một định lý, mà là chính Ngài.Ngài mặc khải chính Ngài cho Gióp, khiến Gióp tìm thấy sự liên hệ cá nhân với Đức Chúa Trời.”
Chúng ta thích Đức Chúa Trời phán với mình trong ánh sáng mặt trời, nhưng đôi khi Ngài phải phán từ cơn bão tố. Đây là cách Ngài đã phán với Y-sơ-ra-ên trên núi Si-nai (Xu 19:16-19; He 12:18) và với Ê-li mấy thế kỷ sau đó (IVua 19:8-11). Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời trong một cơn bão và nghe tiếng Đức Chúa Trời phán với ông (Exe 1:1-2:10). Việc kinh nghiệm sự bày tỏ uy nghi này về quyền năng của Đức Chúa Trời khiến Gióp rất xúc cảm với thông điệp Đức Chúa Trời dành cho ông.
Cuộc nói chuyện của Đức Chúa Trời với Gióp tập trung vào những công việc Ngài trong thiên nhiên và bao gồm 77 câu hỏi được đặt rải rác với sự bình luận thiêng liêng liên quan đến những câu hỏi. Toàn bộ mục đích của sự thẩm vấn này là để Gióp nhận ra sự bất xứng và giới hạn của chính ông để gặp Đức Chúa Trời như một người ngang hàng và bảo vệ duyên cớ của ông.
Gióp đã thách thức Đức Chúa Trời: “Vậy hãy gọi tôi, thì tôi sẽ trả lời, hoặc hãy để tôi nói và Ngài trả lời” (Giop 13:22 NIV). Đức Chúa Trời giờ đây đã đáp ứng với thách thức của Gióp.
Sự phán truyền của Đức Chúa Trời có thể được tóm tắt trong ba câu hỏi:
1. “Ngươi có thể giải thích sự sáng tạo của ta không?” (Giop 38:1-38)
2. ”Ngươi có thể quan sát hết sự sáng tạo của ta không?” (Giop 38:39-39:30). Lời đáp của Gióp lần thứ nhất trong (Giop 40:1-5)
3. ”Ngươi có thể chinh phục sự sáng tạo của ta không?” (Giop 40:6-41:25). Lời đáp thứ hai của Gióp trong (Giop 42:1-6).
Câu hỏi thứ nhất đề cập quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong việc hình thành vũ trụ. Câu hỏi thứ hai đề cập sự quan tâm lo liệu của Ngài đối với những tạo vật của Ngài, và câu hỏi thứ ba tập trung vào hai tạo vật (có lẽ là con hà mã và con cá sấu), phủ nhận khả năng của con người không thể chinh phục nổi chúng. Khi Gióp ăn năn về tội đã tự cho mình là công bình, Đức Chúa Trời liền phục hồi ông (c.7-17).
Giờ đây Đức Chúa Trời được gọi là Đức Giê-hô-va, nghĩa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, một danh xưng mà (ngoại trừ Giop 12:9) đã không được sử dụng trong Gióp từ hai phân đoạn đầu. Trong những bài diễn thuyết của mình, những người này đã gọi Ngài là Đức Chúa Trời và “Đấng Toàn Năng” chứ không phải Đức Giê-hô-va. Đây là danh mà Đức Chúa Trời bày tỏ cho Y-sơ-ra-ên trong những thế kỷ sau đó (Xu 3:13), là danh nói về sự tự hữu của Ngài (TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU) và mối liên hệ theo giao-ước riêng tư của Ngài với dân sự Ngài.
1. Ngươi có thể giải thích sự sáng tạo của Ta không? (Giop 38:1-38)
Gióp chắc rằng những bài diễn thuyết của ông đầy dẫy sự khôn ngoan và hiểu biết, nhưng câu hỏi đầu tiên của Đức Chúa Trời chấm dứt ảo tưởng đó: “Kẻ nầy là ai mà làm mờ ám mưu định của ta bằng những lời không tri thức?” (Giop 38:2 NIV).
Bản dịch The Living Bible diễn giải câu ấy là: “Tại sao ngươi sử dụng sự ngu dốt của mình để phủ nhận ý định ta?” (TLB). Đức Chúa Trời đã không chất vấn sự chính trực hay sự thành thật của Gióp, Ngài chỉ chất vấn khả năng của Gióp để giải thích những đường lối Ngài trên thế giới. Gióp đã nói lẽ thật về Đức Chúa Trời (Giop 42:7), nhưng những bài diễn thuyết của ông thiếu sự khiêm nhường. Gióp nghĩ ông biết về Đức Chúa Trời, nhưng ông đã không nhận ra ông không biết về Đức Chúa Trời bao nhiêu! Sự nhận biết mình ngu dốt là bước đầu tiên hướng chúng ta đến với sự khôn ngoan thật.
Đức Chúa Trời bắt đầu với sự sáng tạo trái đất (Giop 38:4-7) và so sánh Ngài với một thợ xây quan sát vị trí, đánh dấu kích thước, đổ nền, đặt đá móng và xây dựng kiến trúc. Sự sáng tạo kỳ diệu đến nỗi những ngôi sao cùng hòa thanh ca hát với các thiên sứ (Giop 1:6; Giop 2:1) reo lên vì vui mừng, nhưng Gióp đã không có mặt ở hiện trường! Vậy, làm sao ông có thể tuyên bố ông là người biết quá nhiều về những công việc của Đức Chúa Trời?
• Từ đầu, Đức Chúa Trời đã hoạch định mọi thứ.
Sự sáng tạo của Ngài là một khu vườn có vẻ đẹp hân hoan, nhưng tội lỗi đã biến sự sáng tạo thành một chiến trường xấu xí và thảm hại. Loài người vì sự ích kỷ của mình đang hoang phí những nguồn thiên nhiên, làm ô nhiễm đất, không khí, nước và không gian bên ngoài, và tàn phá sự sáng tạo của Đức Chúa Trời đến nỗi các khoa học gia không biết hành tinh của chúng ta sẽ nuôi dưỡng sự sống tồn tại trong bao lâu nữa mà chúng ta có thể biết.
M.Gandhi đã đúng khi ông nói: “Khả năng của thế giới vốn chỉ dành cho nhu cầu của con người chứ không phải cho sự tham lam của họ.”
• Sau đó Chúa xem xét về biển (Giop 38:8-11).
Hình ảnh ở đây không phải là sự xây dựng nhưng là sự sinh ra: Biển được “liên kết nhau” trong sự bí mật (c.8 Thi 139:13) và rồi xuất hiện đột ngột như một em bé trồi ra khỏi tử cung. Chúng được mặc bằng mây và sự tối tăm, và những giới hạn của chúng do Đức Chúa Trời bố trí. Đức Chúa Trời hỏi Gióp “Ai đã làm mọi điều này?” và Gióp biết câu trả lời.
• Khía cạnh kế tiếp của sự sáng tạo mà Đức Chúa Trời đề cập là mặt trời (Giop 38:12-15).
Ở đây Đức Chúa Trời mô tả Ngài như một vị tướng truyền lịnh cho những quân đoàn của Ngài (thiên binh). Gióp có bao giờ sai khiến được mặt trời mọc và xua tan sự tối tăm chưa?Khi ánh sáng trải qua thế giới, nó bày tỏ những chi tiết của phong cảnh, giống như sự đóng dấu trên đất sét hay sự trải ra một chiếc áo đẹp được đem ra từ trong tủ tối tăm. Nhưng ánh sáng cũng ngăn chặn những việc ác được thực hiện trong sự tối tăm (Gi 3:19-21) và ngăn trở tội phạm tấn công nạn nhân.
Bảy câu hỏi kế tiếp (Giop 38:16,24) có liên hệ đến những kích thước bao la của sự sáng tạo. Đứa trẻ bình thường ngày nay biết về độ cao và độ sâu của vũ trụ nhiều hơn Gióp cùng với ba bạn ông có thể tưởng tượng. Gióp đã từng đi bộ xuống độ sâu của biển và thăm viếng “các cửa Âm phủ chưa? Ông có biết mình phải đi xuống bao xa để tìm thấy đáy đại dương chưa?” (Độ sâu nhất đo được ở Thái Bình Dương cho đến nay là 35.810 feet hoặc 6,78 dặm). Và về phần độ dài của không gian, chiếc phi thuyền không gian Voyager 2 đã mất 12 năm mới đi được 4,4 tỉ đặm, và vào năm 1989 mới vượt qua được chừng 3.000 dặm giữa đám mây mênh mông của đại dương!
Trong các câu 19-21, Đức Chúa Trời đã hỏi Gióp rằng ông có thể tính toán chiều dài phương Đông và phương Tây hay không, hoặc có phải chân trời quá nhiều đến nỗi ông không tài nào đếm xuể chăng. Sau đó Đức Chúa Trời chất vấn Gióp có hiểu độ cao nơi tuyết và mưa đá được tồn trữ cho đến khi Đức Chúa Trời cần chúng (c.22-23; Xu 9:18-26; Gios 10:11) hoặc những nơi Đức Chúa Trời giữ tia chớp và gió của Ngài hay không (Giop 38:24). Chắc chắn, những lời ấy của Đức Chúa Trời chứa đầy sự mỉa mai, nhưng đó là điều Gióp cần để làm thoát đi sự kiêu ngạo của ông và dẫn ông đến với việc quỳ gối ăn năn tội.
• Gióp biết về mưa ở mức độ nào? (c.25-28): Ông có biết cách sắp đặt tiến trình của nó để đất có nước nó cần? Ông có thể giải thích vì sao Đức Chúa Trời ban mưa cho những nơi không ai sống chăng? Sau đó Đức Chúa Trời chuyển từ cơn mưa mùa xuân và mùa thu sang mưa đá và sương móc của mùa đông (c.29-30). Nếu Gióp không biết mưa “được sinh ra” thế nào, ông có hiểu băng đá “ra đời” thế nào không?
Vào lúc này, Gióp có lẽ ước mong được tạm dừng lại ở đây, nhưng Chúa vẫn tiếp tục. Ngài hướng sự chú ý của Gióp về các tầng trời nhóm thất tinh, chòm sao Orion ngựa săn, các chòm sao khác nhau (“Mazzaroth”, NIV)và Sao Gấu (“Đại giác tinh” với những sao con của nó). Gióp có hiểu các luật điều khiển những sự vận hành của chúng, và ông có thể điều khiển những ngôi sao với những hành tinh này và khiến chúng xuất hiện đúng các mùa của chúng không?Con người có thể nghiên cứu các từng trời, nhưng con người không thể điều khiển chúng.
Câu hỏi: “Ngươi có thể lập chủ quyền nó dưới đất chăng?” (c.33) được dịch trong bản dịch NASB là: “Hay ngươi có thể ấn định sự thống trị chúng khắp đất chăng?” Còn bản dịch NIV viết: “Ngươi có thể lập chủ quyền của Đức Chúa Trời khắp đất không?”
Riêng bản The Living Bible ghi rằng: “Ngươi có biết …các từng trời ảnh hưởng đến đất thế nào không?” Phải chăng có một gợi ý ở đây rằng các ngôi sao và các hành tinh có ảnh hưởng trực tiếp tới những sự kiện trên đất như những người ủng hộ thuật chiêm tinh tồn tại? Không phải thế! Nhận định này có thể được diễn giải như sau: “Gióp, nếu ngươi hiểu quá nhiều về các thiên thể do một số người nghĩ để ảnh hưởng đến đất, vậy, tại sao ngươi không sử dụng quyền hạn đó để thay đổi hoàn cảnh của ngươi?” Chúa đang phán bằng “sự mỉa mai thánh” chứ không phải bày tỏ lẽ thật sâu sắc nào đó.
Trong các câu 34-38, Chúa kéo sự chú ý của Gióp vào những đám mây. Vì Gióp biết các luật của tầng trời, ông có thể ra lệnh cho những đám mây đổ mưa chăng? Tia chớp có phải là tôi tớ của ông, báo cáo lại nhiệm vụ của chúng cho ông biết chăng? Gióp có thể kiểm soát những đám mây và “lật ngược chúng” như những chiếc bình để khiến mưa đổ xuống chăng?
Sáng tạo ra mọi vật là một việc; duy trì chúng vì ích lợi của con người hoàn toàn là việc khác. Chúa đi tiếp vào một chuỗi câu hỏi về sự hoạt động chu cấp của Ngài trên thế giới. Ngài đi từ thế giới vô tri đến thế giới có sự sống.
2. “Ngươi có thể quan sát sự sáng tạo của Ta không?” (Giop 39:1-30)
Chúa đem đến trước sự tưởng tượng của Gióp một cuộc diễu hành của 6 con thú (sư tử cái, dê, nai cái, lừa rừng, bò rừng và ngựa) và 5 loài chim (quạ, đà điểu, cò, diều hâu và đại bàng).
Sự định liệu của Đức Chúa Trời chắc chắn đáng chú ý (104). Trong sự khôn ngoan và quyền năng Ngài, Đức Chúa Trời giám sát toàn bộ vũ trụ và chắc rằng các tạo vật của Ngài luôn được Ngài chăm sóc. “Chúa sè tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống” (Thi 145:16 NKJV). Loài người chúng ta có một thời kỳ khó khăn giữ cho bộ máy sự sống hoạt động mộtcách thành công, nhưng Đức Chúa Trời vận hành cả vũ trụ bằng sự chính xác đến nỗi chúng ta đã thành lập được cả những định luật khoa học của chúng ta về sự sáng tạo của Ngài.
Gióp có biết cách nuôi những sư tử con hoặc những quạ con không? (Giop 39:1-3). Thậm chí ông có biết chúng đói không? Ông có thể tìm thấy thức ăn cho chúng ở đâu? Những con quạ sẽ biết cách tìm thấy thịt sống do những sư tử để lại vì Đức Chúa Trời dạy các loài chim (thậm chí là những con quạ ô uế) biết cách tìm kiếm thức ăn cho mình.
Kế đến Đức Chúa Trời đi từ chủ đề về sự chết đến chủ đề về sự ra đời. Gióp có biết thời kỳ thai nghén đối với dê và nai, và những con nhỏ của chúng.ra đời cách nào không? (Giop 39:1-4). Những con vật nhỏ lớn lên cách an toàn thế nào, con thú mẹ làm sao biết khi nào chúng sẵn sàng để rời hang ổ của chúng? Những người chăn chiên và nhà nông giúp đỡ cho những con vật của họ suốt thời kỳ mang thai và sinh nở, nhưng loài thú hoang sinh con một mình.
Con lừa hoang (c.5-8) cũng được biết như lừa rừng, đi lang thang tự do trong đồng vắng và không bao giờ chịu thuần hóa. Nó tồn tại mà không cần sự giúp đỡ của con người, vì Đức Chúa Trời đã dạy nó cách tự chăm sóc mình. Con bò hoang (bò rừng) là “kẻ thui thủi” khác trong vương quốc loài vật (c.9-12), từ chối đầu phục quyền hành của con người. Bạn không thể giữ nó trong chuồng của mình, cột nó vào chiếc cày của bạn, hoặc ép nó làm công việc đập lúa.
Chúa hỏi: “Nào, Gióp, nếu ngươi không thể thành công với những con vật này, làm sao ngươi mong thành công khi ngươi gặp ta tại tòa? Ngươi nghĩ mình mạnh mẽ thế nào?”
Rồi Chúa chuyển sang sự mô tả về loài chim, con cò (“con công”, KJV) và “con đà điểu” (c.13-18). Đức Chúa Trời không hỏi Gióp câu hỏi nào trong đoạn này, Ngài chỉ nhắc ông về bộ xương kỳ dị với hành vi của đà điểu và gợi ý rằng có lẽ Gióp có thể giải thích nó.
Con công có đôi cánh đẹp và có ích, nhưng tất cả những gì con công có thể làm với đôi cánh của nó là quạt vào không khí! Tại sao Đức Chúa Trời khiến một con chim không thể bay nhưng có thể chạy nhanh hơn con ngựa? Tại sao Ngài khiến một con chim đặt ổ nó trong một nơi đã bị tấn công, nơi mà trứng của nó có thể bị hủy hoại hoặc bị ăn bởi một con thú ăn thịt sống? Không giống đa số các loài chim, tại sao nó dường như cẩu thả đối với con nhỏ của mình?
Con ngựa được kể đến tiếp theo thứ tự (c.19-25), một con vật được thán phục rất nhiều và được đánh giá cao về sức mạnh với sự can đảm.
Đây là sự mô tả về một con ngựa chiến, không phải con ngựa đồng, và bạn có thể hình dung nó nhảy dựng lên, giậm chân xuống đất và nôn nóng lao vào chiến trường. Khi nó nghe tiếng kèn, nó không thể đứng yên, nhưng chạy rất nhanh đến nỗi nó dường như “ăn sạch đất.” Chính Đức Chúa Trời, không phải Gióp, đã tạo nên con ngựa có sức mạnh và khả năng nó cần để đối diện với nguy hiểm và phục vụ một cách hiệu quả trên chiến trường.
Cuộc diễu hành kết thúc với hai loài chim, diều hâu và đại bàng (c.26-30). Ai đã cho những loài chim bản năng để di trú và sự hiểu biết để xây tổ? Không phải Gióp! Đại bàng xây tổ chúng trên các vách đá, nhưng Đức Chúa Trời cho chúng thị giác sắc bén để chúng có thể nhìn thấy con mồi từ xa, bổ nhào xuống và chụp lấy. Đại bàng cũng có thể tìm thấy xác chết để nhờ đó nuôi sống chúng và con nhỏ của chúng, vì Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng cách đó.
3. Lời đáp thứ nhất của Gióp (Giop 40:1-5)
Đức Chúa Trời sử dụng ngôn ngữ phản ánh ao ước của Gióp, đem Đức Chúa Trời đến tòa và tranh cãi vụ kiện của mình. “Kẻ tìm lỗi sẽ tranh cãi với Đấng Toàn năng sao? Hãy để kẻ quở trách Đức Chúa Trời trả lời điều đo” (Giop 40:2 NASB). Đức Chúa Trời đã trình bày vụ kiện của Ngài. Giờ đây Ngài cho Gióp cơ hội trình bày vụ kiện của ông. Nhưng Gióp không có vụ kiện nào nữa để trình bày! Những lời đầu tiên của ông là: “Nầy, tôi hèn hạ!” nghĩa là “tôi vô nghĩa và không xứng đáng. Tôi không có quyền gì để tranh cãi với Đức Chúa Trời.”
Gióp đã bảo các bạn ông che miệng họ (Giop 21:5) và những người khác đã che miệng họ khi Gióp xuất hiện (Giop 29:9). Nhưng giờ đây Gióp phải đặt tay ông lên miệng để không nói điều gì không nên nói (Ch 30:32 Ro 3:19). Cho đến khi nào chúng ta bị câm lặng trước mặt Đức Chúa Trời, Ngài mới có thể làm cho chúng ta điều cần phải làm. Bao lâu chúng ta còn ra sức tự bảo vệ mình và tranh luận với Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ không thể làm gì cho chúng ta và trong chúng ta để thực hiện kế hoạch của Ngài qua chúng ta.
Nhưng Gióp không hoàn toàn bị đánh sập và ông chưa ở vào vị trí của sự ăn năn thành tâm. Ông yên lặng nhưng chưa đầu phục, vì vậy, Đức Chúa Trời tiếp tục sự phán dạy của Ngài.
4. “Ngươi có thể chinh phục sự sáng tạo của Ta không?” (Giop 40:6-28)
Thay vì đối đầu với Gióp lần nữa bằng khả năng rộng lớn về sự sáng tạo của Ngài, giờ này Đức Chúa Trời chỉ chọn ra hai tạo vật và bảo Gióp xem xét chúng. Điều đó như thể Đức Chúa Trời đang nói: “Nếu để ngươi giải quyết toàn bộ vũ trụ của ta thì thật quá lớn, quá nhiều cho ngươi. Tuy nhiên ở đây có hai sản phẩm tốt nhất của ta. Ngươi có thể làm gì với chúng?”
Vấn đề giờ đây không phải là quyền năng của Đức Chúa Trời nhưng là sự công bình của Đức Chúa Trời (Giop 40:8). Gióp đã nói rằng Đức Chúa Trời bất công trong cách Ngài đối xử với ông (Giop 6:29-31; Giop 24:1-17). Trong Giop 40:9-14 Đức Chúa Trời hỏi: “Gióp, ngươi có sức mạnh và cơn thạnh nộ thánh khiết cần có để xét đoán tội nhân không? Nếu vậy, thì hãy bắt đầu xét đoán chúng! Hãy hạ xuống những tội nhân kiêu ngạo và chà nát kẻ ác! Hãy chôn chúng! Ngươi tuyên bố rằng ngươi có thể làm một việc tốt hơn ta có thể làm về việc đem sự công bình đến cho thế gian, vậy ta sẽ để ngươi làm điều đó!”
Tuy nhiên, trước khi Đức Chúa Trời thả lỏng Gióp trên những tội nhân của thế gian, Ngài bảo ông mặc vào những chiếc áo choàng uy nghi của mình và “thực hành” trên hai tạo vật tốt nhất của Ngài, là con hà mã (c.15-24)và con cá sấu (Giop 41:1-34). Nếu Gióp thành công trong việc chinh phục chúng, vậy ông sẽ đủ tư cách để thi hành sự phán xét chống lại thế giới tội lỗi.
• Con hà mã (Giop 40:15-24): Đa số các sinh viên đồng ý rằng con vật được mô tả là con hà mã, dù một số người thích cho đó là con voi hay con trâu nước hơn. Từ “con vật kếch sù” là một cách viết khác theo tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “con thú siêu hạng.” Người chơi trò đi săn thú lớn ngày nay với những vũ khí hiện đại của mình có thể sẽ không bị cản trở bởi kích thước hay sức mạnh của con hà mã, nhưng con thú này đã là một kẻ thù kinh khủng trong thời cung tên và giáo mác.
Đức Chúa Trời nhắc Gióp rằng Ngài là Đấng Tạo Hóa của con hà mã và cả con người (c.15), nhưng Ngài đã dựng nên mỗi loài cách khác nhau Con hà mã ăn cỏ nên mạnh mẽ và vĩ đại; Gióp ăn các loại thức ăn khác nhau nên yếu đuối và không thể chiến đấu với con hà mã. Con hà mã có một thân thể mạnh mẽ, với những bắp thịt chắc khỏe và những chiếc xương như những móc sắt, trong khi thân thể con người (nói cách so sánh) yếu đuối và dễ bị tổn hại. Con hà mã đi dạo trên sông, ẩn dưới nước và sống bằng những thực vật nằm dọc các ngọn đồi, trong khi con người phải lao động để kiếm đồ ăn hàng ngày của mình. Một con sông nổi sóng không làm con hà mã sợ hãi, và những người đi săn không làm nó náo động. Trong thời của Gióp, không thể bắt được con hà mã, nhưng dễ dàng biết bao để bắt một người!
Chúa hỏi Gióp: “Nào, Gióp, ngươi có thể bắt và chinh phục sinh vật to lớn này không? Nếu vậy, thì ta sẽ tin rằng ngươi có quyền năng và sự khôn ngoan để xét đoán thế gian cách công bình.”
• Con cá sấu (Giop 41:1-34): Từ “thủy quái” là cách viết khác theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “len lỏi, quằn quại”. Người ta đã sử dụng từ này để mô tả những “quái vật biển” được cho rằng sống ở vùng Địa Trung Hải. Thi 104:25-26 có thể đề cập đến con cá voi hoặc cá heo. Người Do Thái đã sử dụng từ này để mô tả kẻ thù của họ (Es 27:1), đặc biệt là Ê-díp-tô (Thi 74:13-14). Trong Kh 12:9 đề cập đến Sa-tan như là “con rắn xưa.” Trong khoa thần thoại, thủy quái là một quái vật có nhiều đầu cai trị sông nước và không sợ ai.
Chúa hỏi: “Ngươi có thể bắt được thủy quái không? Và nếu ngươi có thể, ngươi sẽ làm gì với nó?” (Giop 41:1-11). Nào, bạn có thể làm gì với con cá sấu bị bắt? Bạn không thể thuần hoá nó thành một con vật yêu quý, cho dù nó dường như sẵn sàng tán thành (c.6). Nếu bạn tìm cách huấn luyện nó, bạn sẽ nhanh chóng bỏ cuộc và không bao giờ làm lại lần nữa! (c.8-9). Đức Chúa Trời rút ra một kết luận thực tiễn: “Nếu ngươi không thể đến nắm chặt con cá sấu, làm sao ngươi sẽ có thể đứng trước mặt ta?” (c.10-11).
Trong các câu 12-24, Đức Chúa Trời đưa ra sự mô tả đầy thi vị về tay chân mạnh mẽ của sinh vật to lớn này, những chiếc răng hung dữ và những cái hàm mạnh mẽ, lớp phủ ngoài vững chãi (câu 12-17). Khi cá sấu khuấy tung sông nước và thổi nước, mặt trời phản chiếu từ hơi nước, nó giống như lửa với khói từ miệng của một con rồng (c.18-21). Áo giáp của nó cứng chắc đến nỗi nó có thể đi bất cứ nơi đâu mà không sợ hãi (c.22-24).
Chương này kết thúc bằng một mô tả về sự giận dữ và can đảm của loài thủy quái (c.25-34). Người ta chạy trốn nó trong sợ hãi (c.25), nhưng nó không chạy trốn con người. Trong câu 26-29, Đức Chúa Trời kể ra 8 vũ khí khác nhau mà thủy quái cười nhạo và xem như những mảnh rơm rạ hay củi mục.Tương tự sinh vật này chẳng sợ gì quanh nó, thì nó cũng chẳng sợ gì bên dưới nó cả, vì phía dưới của nó được bảo vệ bằng một lớp bao phủ như những mảnh gốm nhọn (c.30). Nó không sợ kẻ thù nào trên đất hay dưới nước (c.31-32), vì nó làm nước sủi bọt như những thành phần trong bình pha chế thuốc. Và khi nó bơi qua biển, làn sóng giống như tóc bạc của một người già!
-Giop 41:1-25; xem giải nghĩa Giop 38:1-40:28.
5. Lời đáp thứ hai của Gióp (Giop 42:1-17)
Gióp biết ông đã bị đánh bại, ông không còn cách nào để có thể cãi lẽ vụ kiện mình với Đức Chúa Trời. Trích dẫn Lời Đức Chúa Trời (Giop 42:3-4), cho thấy Gióp hạ mình trước Chúa và nhận biết quyền năng cùng sự công bình của Ngài trong việc thi hành những kế hoạch của Ngài (c.2). Kế đến, Gióp thừa nhận rằng những lời của ông là sai, và ông đã nói những điều mình không hiểu (c.3). Gióp rút lại những lời tố cáo của ông rằng Đức Chúa Trời bất công và không đối xử với ông công bằng. Ông nhận ra rằng bất cứ điều gì Đức Chúa Trời làm đều đúng cả và con người phải chấp nhận bằng đức tin.
Gióp nói với Đức Chúa Trời “Tôi không thể trả lời những câu hỏi của Ngài! Tất cả những gì tôi có thể làm là xưng nhận sự kiêu ngạo của tôi, hạ mình và ăn năn.” Trước đó, sự hiểu biết của Gióp về Đức Chúa Trời chỉ gián tiếp và rất bâng quơ hời hợt, nhưng điều đó đã thay đổi. Giờ đây, Gióp đã gặp Đức Chúa Trời cách cá nhân và thấy mình chỉ là “bụi và tro” mà thôi (c.6 Giop 2:8,12 Sa 18:27).
Charles Spurgeon đã nói: “Cách cửa ăn năn mở ra dẫn vào đại sảnh của sự vui mừng”; và điều đó thật đúng đối với Gióp. Ở đỉnh điểm của sách, tội nhân Gióp trở thành Gióp tôi tớ của Đức Chúa Trời (Giop 42:7-9). Bốn lần trong những câu này Đức Chúa Trời đã gọi Gióp bằng danh hiệu “tôi tớ Ta” là danh hiệu đặc biệt của thời Cựu-ước, (Giop 1:8; Giop 2:3).
Gióp đã hầu việc Đức Chúa Trời ra sao? Bằng cách chịu đựng hoạn nạn mà không rủa sả Đức Chúa Trời và bởi đó làm cho ma quỷ câm họng! Hoạn nạn trong ý muốn Đức Chúa Trời là một chức vụ mà Đức Chúa Trời ban cho một số người được chọn.
Nhưng tôi tớ Gióp cũng đã trở thành Gióp người cầu thay. Đức Chúa Trời nổi giận với ba bạn của Gióp vì họ đã không nói sự thật về ông (Giop 42:7) và họ phải được làm hòa với Gióp để ông có thể cầu thay cho họ. Gióp đã trở thành người phân xử giữa Đức Chúa Trời và ba bạn của ông! Bằng cách tha thứ cho các bạn mình và cầu thay cho họ, Gióp đã đem lại phước hạnh cho chính đời sống mình (c.10). Chúng ta chỉ làm chính mình tổn thương khi chúng ta chối từ tha thứ cho người khác.
Gióp kết thúc với kết quả phước hạnh gấp đôi so với trước khi ông gặp thử thách. Ông đã có đến 20 người con, 10 người ở cùng Đức Chúa Trời và 10 người đang ở với ông. (Ông và vợ mình cũng đã hòa thuận với nhau). Những người bạn và bà con đem tiền bạc đến cho ông, tạo thành một “ngân quỹ phục hồi” mà Gióp chắc đã sử dụng cho việc mua những người chăn súc vật.
Và cuối cùng, Gióp đã có số súc vật nhiều gấp đôi trước dó. Một lần nữa ông lại trở thành người giàu có, nếu công thức “gấp hai” cũng áp dụng cho tuổi tác của ông, thì ông phải 70 tuổi khi chuyện bắt đầu (Thi 90:10) và Đức Chúa Trời đã cho Gióp sống nhiều năm, đến gấp hai lần như thế (Giop 42:16).
Ở phương Đông, cha mẹ đặc biệt tự hào về những đứa con gái xinh đẹp và Gióp đã có ba con gái trong số đó: Giê-mi-ma (“chim bồ câu”), Kê-xia (“hương thơm”) và Kê-ren Ha-búc (“hộp phấn diệp”). Giê-mi-ma có sự yên lặng, Kê-xia có hương thơm, và Kê-ren Ha-búc có mỹ phẩm!
Được qua đời khi “tuổi cao tác lớn” là đích đến của mọi người. Nó có nghĩa hơn một đời sống trường thọ. Tức là một đời sống giàu có và đầy đủ lại có kết thúc tốt đẹp. Áp-ra-ham và Y-sác đã qua đời theo cách như vậy (Sa 25:8 Sa 35:9) và Vua Đa-vít cũng thế (ISu 29:28).
ĐOẠN KẾT
Chúng ta không cần phải giải nghĩa sai phân đoạn cuối cùng của sách Gióp và kết luận rằng mọi hoạn nạn sẽ kết thúc với mọi vấn đề được giải quyết, mọi cảm xúc cứng cỏi được tha thứ và mọi người sẽ “sống hạnh phúc mãi mãi sau đó” không phải lúc nào cũng xảy ra y như vậy! Phân đoạn Kinh Thánh này bảo đảm với chúng ta rằng, cho dù điều gì xảy ra với chúng ta, thì chính Đức Chúa Trời vẫn là Đấng luôn luôn viết chương cuối cùng. Vì vậy, chúng ta không phải sợ hãi. Chúng ta có thể tin cậy Đức Chúa Trời làm điều đúng đắn, cho dù hoàn cảnh chúng ta có thể thê thảm, đau đớn ra sao.
Nhưng phước hạnh lớn nhất của Gióp không phải là việc lấy lại sức khỏe và sự giàu có của ông hay việc gây dựng lại gia đình và nhóm bạn hữu của ông. Phước hạnh lớn nhất của ông là được nhận biết về Đức Chúa Trời rõ ràng hơn và hiểu được hành động của Ngài cách sâu sắc. Như Gia-cơ đã viết: “Anh em đã nghe về sự kiên nhẫn của Gióp và thấy mục đích của Chúa, rằng Chúa rất thương xót và nhân từ” (Gia 5:11 NKJV). Và He 12:11 nhắc nhở chúng ta: “Giờ đây, không có sự sửa phạt nào dường như vui mừng đối với hiện tại, nhưng đầy buồn bã, tuy nhiên, về sau nó sinh ra bông trái bình an của sự công bình cho những kẻ đã chịu luyện tập bởi nó” (NKJV).
G.Campbell Morgan đã viết: “Trong toàn bộ câu chuyện về Gióp, chúng ta thấy được sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời và sự chịu đựng của con người. Khi những điều này diễn ra trong mối liên hệ với nhau thì chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả như trên. Đó là sự ra khỏi lửa như vàng ròng, là việc tiếp nhận mão triều thiên của sự sống” (The Answer of Jesus to Gob, Baker, trang 117).
Dù Đức Chúa Trời cho phép xảy ra bất cứ điều gì trong đời sống chúng ta đi chăng nữa, thì Ngài vẫn luôn luôn có “cú hậu” của Ngài.Ngài sẽ viết chương cuối cùng và điều đó khiến nó trở thành vô giá!
Vì vậy, HÃY KIÊN NHẪN!
bottom of page