top of page
Hung Tran
Jun 29, 2023
Khi bóng tối bao phủ mịt mù trên thành Giê-ru-sa-lem chiều thứ sáu ấy, sau khi Chúa Giê-xu đã chịu hình trên đồi sọ, thì sứ mạng của Ngài dường như đã kết thúc trong thất bại hoàn toàn...
I. THỜI KỲ CÁC SỨ-ĐỒ (Năm 30 Đến 100 Tây Lịch)
1. CƠ-ĐỐC GIÁO PHÔI THAI
Khi bóng tối bao phủ mịt mù trên thành Giê-ru-sa-lem chiều thứ sáu ấy, sau khi Chúa Giê-xu đã chịu hình trên đồi sọ, thì sứ mạng của Ngài dường như đã kết thúc trong thất bại hoàn toàn. Những nhà cầm quyền thời bấy giờ nghĩ rằng đem xử tử Ngài như một tội nhân tầm thường là đủ phá tan uy tín của phong trào do Ngài khởi xướng và chấm dứt được ngay tình trạng sôi động trong dân chúng. Đang khi thi thể Ngài được đặt suốt ngày Sa-bát trong ngôi mộ vốn dành cho người khác thì những môn đồ Ngài tê bại vì xúc động và thất vọng, thương khóc Ngài, người mà họ đã 'trông mong chắc sẽ cứu lấy dân Y-sơ-ra-ên' (LuLc 24:21). Khi họ nhớ lại cơn cuồng nộ của đám dân hò hét 'Hãy đóng đinh nó', 'Hãy đóng đinh nó', các bằng hữu cũng như các người đã theo Ngài vẫn còn run sợ. Nhiều ngày sau có lẽ họ sẽ chỉ dám gặp nhau trong những căn phòng đóng cửa cài then thật kỹ.
Dường như mọi sự kinh hoàng diễn ra đã xóa tan tất cả công cuộc phục vụ sáng lòa của Chúa Giê-xu. Ngài đã chữa lành bệnh cho bao người và làm sống lại niềm hy vọng trong lòng hàng trăm người khác. Lúc đó, chưa ai viết lên một dòng của Tân Ước, họa may có người nào đó nguệch ngoạc ghi vội một vài lời Ngài đã phán phòng hờ sẽ quên chăng. Đêm thứ sáu ấy và trong suốt ngày Sa-bát tiếp theo, phần đông các nhân vật cầm quyền tại Y-sơ-ra-ên thật đã thỏa lòng vì đã làm câm miệng được một tiên tri vô danh xuất thân từ xứ Ga-li-lê, một tiên tri đã gây ra biết bao xáo trộn. Cả các bạn của Ngài cũng phải thú nhận là bao nhiêu hy vọng của họ đã tiêu tan hết. Nhưng cũng giống như kinh nghiệm của Y-sơ-ra-ên trong dĩ văng, từ thất bại lại xuất hiện ra mầm thắng lợi, vì 'PHÚC-ÂM' mà Chúa Giê-xu đã rao truyền ra chỉ trong vòng không đến ba trăm năm là đủ trở thành một nguồn động lực tâm linh cho Đế Quốc La-mã và rồi cho cả nền văn minh Tây phương nữa.
Sự thể đã xảy ra như thế nào? Chúng ta có thể thấy lời giải đáp ở trong bốn sách Phúc-âm và ở trong sách Công-vụ các sứ đồ, cuốn này là cuốn sách lịch sử duy nhất ghi lại thời kỳ các Sứ đồ viết chính trong lúc đương thời. Theo bốn sách Phúc-âm thì niềm tin Cơ-đốc chớm nở vào ngày thứ nhất trong tuần lễ, ngày mà từ đó về sau hết thảy mọi người Cơ-đốc đều kể là ngày Thánh. Ngày đó những người đàn bà theo Chúa Giê-xu mang các loại thuốc thơm và dầu xức đến mộ Ngài để sửa soạn thi thể Ngài trước khi chôn.
Những việc xảy ra sau đó là một sự huyền nhiệm vượt qua sự giải thích bằng lý luận, tuy nhiên những việc đó cũng đã khiến những kẻ theo Chúa Giê-xu tin quyết rằng sự chết của Ngài không phải là một kết thúc mà trái lại, chính là một khởi đầu. Thoạt tiên những môn đồ nghe tin các bà kia nói lại thì họ không hiểu nổi ý nghĩa và họ coi những lời kể lại về ngôi mộ trống và câu nói của thiên sứ như là một 'chuyện hoang đường'. Dầu vậy Phi-e-rơ và Giăng có chạy thẳng đến ngôi mộ đục trong đá núi để được tận mắt chứng kiến và họ thấy ngôi mộ quả thật trống.
Ngược lại trong đám môn đồ của Chúa ai là người đầu tiên tin rằng Chúa của họ đã sống lại từ kẻ chết, điều này không được rõ lắm. Có thể là 'Môn đồ mà Ngài yêu' (GiGa 20:8) cũg có thể là Ma-ri Ma-đơ-len (20:11-18) hoặc Phi-e-rơ (ICo1Cr 15:5). Rồi không bao lâu sau đó, kể cả Thô-ma, là một ngưòi hoài nghi, tất cả môn đồ đều đồng lòng tin rằng Chúa đã sống lại vì hết thảy đều đã nhìn thấy Ngài. Bởi có sự tin quyết ấy nên họ chẳng hề bị xao xuyến về những tin đồn đại mà nhà cầm quyền tại Giê-ru-sa-lem cho loan truyền ra để giải thích về ngôi mộ trống, một sự kiện có thể gây rất nhiều rắc rối. Một tin đồn nói rằng các môn đồ đã ăn trộm xác Chúa đem đi, tin ấy không thể đứng vững là vì có thể nào chính những kẻ tổ chức một sự lừa dối lại có thể mắc lừa bởi sự lừa dối ấy?
Đối với các môn đồ, sự sống lại của Chúa Giê-xu dường như đã cất khỏi mặt họ một cái màn che và họ bắt đầu hiểu những việc trong đó họ đã dự phần. Sự sống lại thực sự của Chúa đã trở thành cao điểm trong lời tuyên bố vào ngày lễ Ngũ Tuần 'Đức Chúa Giê-xu này, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó' (Cong Cv 2:32). Niềm tin này không phai nhạt đi, mà càng ngày càng tăng, vì Phao-lô sau này lại trân trọng viết trong thơ ICo1Cr 15:14. 'Nếu Đấng Christ chẳng đã sống lại thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích'. Niềm tin về sự sống lại của Chúa Christ đánh dấu bước khởi đầu lịch sử của Cơ-đốc giáo. Học giả Charles H. Dodd đã xác định đó 'không phải là một niềm tin trong Hội thánh, mà chính Hội thánh đã phát triển quanh niềm tin ấy'.
Sách Tân Ước ghi lại rằng sau khi Chúa Christ Phục Sinh, Ngài ở lại với nhóm môn đồ ít ỏi của Ngài, và dạy cho họ hiểu những phương diện sâu sắc hơn trong niềm tin của họ và mô tả cho họ thấy trước được hình thái phát triển tương lai của Cơ-đốc giáo. Có người nói: 'Cơ-đốc giáo đã được sinh thành với quyển Kinh Thánh trong nôi'. Trong thời gian Ngài phục vụ, Chúa Giê-xu đã thường lấy lời Đức Chúa Trời làm nền móng cho sự dạy dỗ của Ngài. Ngài trích dẫn những lời ấy và Ngài giải thích. Theo Phúc âm Lu-ca, Chúa Christ sau khi Phục Sinh đã giải thích lại Kinh Thánh cho môn đồ qua ánh sáng của sự Phục Sinh của Ngài và Ngài 'mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh Thánh' (LuLc 24:45). Những lời giải thích của Ngài thật bao quát vì 'Ngài bắt đầu từ Môi-se, rồi kế đến mới đến các đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong câu Kinh Thánh' (24:27)
Những sách cổ xưa được tổ tiên lưu lại nay bao hàm thêm ý nghĩa mới vì những môn đồ đưọc thấy trong đó nhiều ám chỉ về đời sống, về sự Phục Sinh của Chúa Christ và họ nhận ra rằng những lời hứa của Kinh Thánh trong quá khứ đã thể hiện trọn vẹn trong Ngài. Chính Ngài cũng đã phán rõ ràng về Kinh Thánh: 'Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.' (Mat Mt 5:17). Các môn đồ hiểu rằng sự Phục Sinh của Chúa Christ là dấu hiệu nói lên sự trị vì của Đức Chúa Trời trên mặt đất, điều họ hằng trông đợi, thật đã bắt đầu. Bây giờ họ biết rằng Giê-xu mà họ đã lẽo đẽo theo tại các miền Ga-li-lê và Giu-đê, chính Ngài là Chúa và là Đấng Christ. Cách Ngài giảng giải những vấn đề căn bản trong Kinh Thánh sau này trở thành nền móng cho những bài giảng của các Sứ đồ và những thư tín của Phao-lô, đồng thời cũng là đề tài của các sách Phúc âm nữa.
Tiếng ca ngợi của lời làm chứng từ những người rao truyền những việc Chúa Giê-xu đã làm, bổ túc thêm vào những lời chứng trong Cựu Ước, đó là tiếng của những kẻ theo Ngài, những kẻ đã được nghe Ngài phán: 'Các ngươi sẽ làm chứng về ta' (Công Cv 1:8). Thật vậy họ đã trở thành những chứng nhân về tất cả những 'điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã sờ, về lời sự sống' (IGi1Ga 1:1).
Để lấp chỗ trống do sự bội phản của Giu-đa các môn đồ đã chọn Ma-thi-a (Matthias) làm Sứ đồ thứ 12. Trong mắt họ, họ đã kể Ma-thi-a xứng đáng chức vụ Sứ đồ bởi vì Ma-thi-a đã làm chứng nhân về sự Phục Sinh của Chúa và 'đã theo cùng chúng ta trọn lúc Đức Chúa Giê-xu đi lại giữa chúng ta, từ khi Giăng làm phép Báp Têm cho đến ngày Ngài được cất lên khỏi giữa chúng ta'. (Cong Cv 1:21-22). Nói tóm lại, Ma-thi-a có thể làm chứng vì chính ông đã chứng kiến. Dù sau khi cả bốn sách Phúc-âm đã được viết xong, thì người ta vẫn thích nghe lời làm chứng của những kẻ đã tận mắt chứng kiến Chúa Giê-xu, hay là những kẻ đã từng theo sát họ, hơn bất cứ những gì chép trong một sách. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai, Giám mục Papias ở Hierapolis, hồi tưởng lại thời niên thiếu của mình khi những kẻ thường được theo chân các môn đồ đầu tiên hãy còn sống, sống viết như sau:
'Nếu tôi gặp người nào đã từng theo các bậc trưởng lão, tôi thường hối tiếc về các lời mà các bậc trưởng lão ấy nói ra. Anh rê nói gì, hoặc Phi-e-rơ, hay bất cứ môn đồ nào của Chúa… Vì tôi nghĩ rằng đọc sách thì ích lợi sao bằng được nghe những lời phát từ một tiếng nói sống động và hằng nhắc nhở'.
Không bao lâu sau ngày Chúa Phục Sinh, đám người đang trông ngóng Ngài nhận được mệnh lệnh sau chót của Ngài. 'Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân' (Mat Mt 28:19). Đối với nhóm người Do-thái này, đây quả là một mệnh lệnh lạ thường, vì Do-thái giáo chưa từng bao giờ là tôn giáo phái giáo sĩ đi các nưóc mà chỉ là một sở hữu quý giá của một dân tộc riêng biệt. Do-thái giáo là niềm tin riêng của dòng dõi Áp-ra-ham mà thôi.
Khi Chúa Christ ra lệnh: 'Này ta thường ở cùng với các ngươi luôn cho đến tận thế', chắc chắn kèm theo đó là một bảo đảm có sự phù trợ từ trời, và cuối cùng, Ngài còn hứa 'khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận được quyền phép' (Công Cv 1:8). Lời hứa này sẽ được thực hiện vào ngày Lễ Ngũ Tuần trong một phòng cao tại Giê-ru-sa-lem khi những người theo Chúa Giê-xu từng trải sự được ban cho Đức Thánh Linh. Họ nghe thấy tiếng gió mạnh thổi ào ào, rồi lại nhìn thấy những ngọn lửa, và họ đã nói 'các thứ tiếng khác'. Khi họ được nói những 'tiếng khác' ấy, họ thầm hiểu rằng sứ điệp của Chúa Christ cần phải được rao truyền đến mọi giống dân. Đối với những môn đồ nhóm họp ngày đó, ngày Lễ Ngũ Tuần chính là ngày của Chúa như đã được tiên báo trong Kinh Thánh. Những sự lạ thường xảy ra trong ngày đó đã thể hiện quyền ủy và sự tôn cao của Chúa Phục Sinh của họ mà từ đây họ sẽ tôn thờ như một Chúa sống đời đời.
Kinh nghiệm đưọc ban cho Đức Thánh Linh cho họ một cảm xúc mạnh mẽ tưởng như thần linh của Đức Chúa Trời vốn ở trong họ nay đã thức tỉnh. Đó là một thần linh họ chưa hề nghĩ đến một lời giải thích nào theo thần học, nhưng họ biết chắc rằng đó chính là sự ban cho mà Chúa Christ đã từng hứa (GiGa 14:26; Công Cv 2:38, 39).
Trong những ngày kế tiếp, Đức Thánh Linh này đã ở trong họ, tác động lòng những người đàn ông và đàn bà ấy và giúp họ 'làm hơn điều họ muốn làm, thương yêu hơn lòng họ muốn thương yêu, cầu nguyện hơn tâm thần họ muốn cầu nguyện'.
Được Đức Thánh Linh cảm động, Phi-e-rơ trước hết kêu gọi 'cả nhà Y-sơ-ra-ên', giải thích những việc xảy ra trước ngày Lễ Ngũ Tuần bằng những lời tiên tri của Giô-ên (Giô Ge 2:26-28) và xác định là Chúa Giê-xu đã thật Phục Sinh. Phi-e-rơ nhấn mạnh cao điểm của lời giảng: 'Vậy cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắn rằng Giê-xu mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã tôn cao Ngài làm Chúa và Đấng Christ' (Công Cv 2:36)
Lời nói của Phi-e-rơ đâm thấu tim những người nghe nên họ hỏi 'vậy chúng tôi phải làm chi?' Cả đám dân xôn xao kích động, những dấu kỳ phép lạ tiếp tục xảy ra; hàng trăm người đưọc làm phép Báp-têm trong danh Chúa Giê-xu Christ, và nhiều người khác, kể cả những thầy tế lễ, đã nhận Chúa Giê-xu chính là Đấng Mê-si-a. Vào thời kỳ phôi thai thuở đó, phong trào này quả thật là một sự phục hồi sinh động của Do-thái giáo, một cuộc phấn hưng với tất cả lòng sùng kính, tin cậy, lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời. Người ta bắt đầu nhận ra rằng trong sứ mạng của Chúa Christ, trong đời sống, sự chết và Phục Sinh của Ngài quả thật Đức Chúa Trời đã mở rộng một đường mới cho mọi người đến với Ngài.
Những kẻ tin Chúa hằng sống vẫn còn trung tín với luật pháp Do-thái cũ, và họ vẫn đến đền thờ cầu nguyện vào những giờ đã định, vì họ tin rằng niềm tin của họ không phải là niềm tin mới nhưng là sự thực hiện niềm tin cũ cách đầy đủ hơn. Tuy nhiên, những người theo phái Sa-đu-sê hoảng sợ khi thấy dân chúng quá sốt sắng tiếp nhận sứ điệp mới, và họ đã cấm các Sứ đồ nhân danh Đấng Christ rao giảng sứ mạng mới. Phi-e-rơ và Giăng bị bắt giam hai lần. Hai người bị đánh đập, bị điệu ra trước tòa công luận, ở đó có luật sư (Rabbi) Ga-ma-li-ên bênh vực cho họ (Cong Cv 5:34), cảnh giác các đồng sự bằng những lời sau này trở thành những lời tiên tri: 'Nếu mưu luận và công cuộc này ra bởi người ta, thì sẽ tự hư đi, nhưng nếu bởi Đức Chúa Trời ra thì các người phá diệt các người đó chẳng nổi, và lại là liều mình chống nghịch cùng Đức Chúa Trời' (5:39).
Mặc dù sự ngăn chặn của nhà cầm quyền, Cơ-đốc giáo tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Những kẻ theo phong trào dốc lòng giữ lời dạy của các Sứ đồ, sự thông công giữa anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện.…và hết thảy những kẻ tin đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Họ bán gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. (2:42, 44, 45). Các Sứ đồ được công nhận làm lãnh đạo, khéo gây dựng mối thông công mạnh mẽ trong phong trào đến nỗi những ai thiếu thốn đều được giúp đỡ và những kẻ tin đều 'một lòng một ý cùng nhau; '(4:32). Trong bầu không khí hiệp một này, các Sứ đồ dạy rằng Đấng Christ là sự thực hiện đầy trọn những gì đã tiên báo trong Kinh Thánh. Họ cùng nhau chia xẻ những gì họ nhớ lại về những lời Ngài đã phán, những việc Ngài đã làm, cứ nhắc đi nhắc lại như thế cho đến khi cô đọng thành các câu chuyện văn chương linh hoạt mà sau này các sách Phúc-âm đã thâu thập làm nền tảng.
Thêm vào sự dạy dỗ và thông công, lại còn những buổi thờ phượng hàng ngày chung với những thân hữu Do-thái trong đền thờ, đồng thời có cả những buổi nhóm riêng tại nhà các tín hữu. Tại đây 'lễ bẻ bánh' trở thành bữa ăn chung để cùng ghi nhớ bữa ăn tối họ dự lần chót cùng Chúa. Trong những buổi nhóm họp này, họ đọc những đoạn Kinh Thánh Cựu Ước và giảng theo lề lối như Chúa Giê-xu đã thực hành trong các nhà hội. Tuy nhiên kể từ nay, những lời giảng này được soi sáng bởi những điều Ngài dạy dỗ và sự Phục Sinh của Ngài.
2. MỘT NIỀM TIN KHÁC THƯỜNG XUẤT HIỆN
Đông đảo người Do-thái gia nhập phong trào mới, tự nhiên họ như bị thu hút bởi tính cách sáng tạo tâm linh và tinh thần nhân đạo trong đó. Họ xúc động khi nghe Phúc-âm do các Sứ đồ giảng và họ tin chắc rằng trong Chúa Cứu Thế, sự khải thị của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên đã vượt đến tột đỉnh. Nhưng có một số người Do-thái không muốn nhận Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a (Messiah) là Chúa vì họ sợ rằng cách dạy dỗ mới mẻ này sẽ phá đổ thay vì làm cho trọn vẹn niềm tin cũ của họ. Không bao lâu sau đó, lòng sợ hãi ấy đã dồn cả vào Ê-tiên, là một tín đồ Do-thái, giỏi tiếng Hy-lạp.
Kinh Thánh gọi ông là một người 'Chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp (Hellenist). Các Sứ đồ đã nhận Ê-tiên để giúp rao giảng Tin Lành cho người Hy-lạp đồng hương với Ê-tiên. Vào lúc đó có lẽ Ê-tiên là người đã hiểu rõ hơn những người Cơ-đốc giáo Do-thái ở Giê-ru-sa-lem vốn nói tiếng A-ra-ma-ich (Aramaic). Ê-tiên hiểu rằng những điều Chúa Giê-xu dạy dỗ hoặc minh bạch, hoặc hình bóng đều là những lời Ngài phán với mọi dân tộc. Lệnh Ngài là: 'Hãy đi dạy dỗ muôn dân' (có nghĩa là 'Hãy khiến muôn dân là môn đồ ta' (Mat Mt 28:19). Lệnh ấy đe dọa tính chất riêng tư của niềm tin Do-thái.
Có một số người lên tiếng cãi với Ê-tiên thì họ không thắng nổi sự thông sáng và lời lẽ hùng biện của Ê-tiên khi ông bàn cãi về Chúa Cứu Thế. Họ nổi giận, xúm vào bắt Ê-tiên và đưa ra tòa công luận. Ê-tiên tự bệnh vực mình bằng những lời giải thích lịch sử xuất sắc nhưng đến khi nói họ hãy ngắm xem Chúa Giê-xu vinh hiển đứng bên hữu Đức Chúa Trời' (Công Cv 7:56), thì những lời đó đã gây ra hỗn loạn tại phiên tòa. Những người Do-thái cho những lời Ê-tiên nói là phạm thượng, kéo Ê-tiên ra ngoài tường thành và ném đá cho đến chết.
Sau-lơ bấy giờ còn niên thiếu, trung thành với Do-thái giáo đến như cuồng tín, đứng xem trận ném đá giết Ê-tiên lấy làm đắc ý. Nhưng có thể lời cầu nguyện 'Lạy Chúa, xin đừng để tội này trên họ' của Ê-tiên để xin tha thứ cho những kẻ giết mình, đã ám ảnh Sau-lơ. Cũng có thể, theo như Thánh Augustine nhận định sau này: 'Nếu Ê-tiên không cầu nguyện lời đó, Hội Thánh đã chẳng có được Sau-lơ'. Kế đó, trên đường đi Đa-mách (Damascus) Sau-lơ trở lại tin Chúa Cứu Thế và đổi tên mới là Phao-lô, ông tiếp tục công việc của Ê-tiên mở rộng ranh giới Cơ-đốc giáo.
Người Cơ-đốc trở lại đạo đầu tiên là lời chứng minh chân lý trong câu nói của Tertullian, nhà thần học nổi danh đầu thế kỷ thứ ba: 'Huyết kẻ tử đạo là hạt giống của Hội Thánh'. Sau khi Ê-tiên chết và trong cơn bắt bớ liền theo sau đó, nhiều người Cơ-đốc nói tiếng Hy-lạp trốn khỏi Giê-ru-sa-lem và khởi sự giảng Tin Lành của Chúa Cứu Thế ra các vùng Giu-đê, Sa-ma-ri, Phê-ni-xi (Phoenicia), Chíp-rơ (Cyprus) và An-ti-ốt. Lúc đầu lời giảng của họ là để kêu gọi người Do-thái trở về cùng Chúa, nhưng sau này các dân khác gốc cũng được nghe Phúc âm của Ngài.
Theo sách Công-vụ các sứ đồ, nhờ lời giảng của Phi-e-rơ mà người ngoại đầu tiên tin Chúa. Sự kiện này gây ra nhiều chỉ trích mạnh mẽ của số tín đồ tại Giê-ru-sa-lem (Công Cv 10:1-11:18). Vào thời sơ khai Hội thánh đã phải đối diện với một vấn đề gây chia rẽ sâu đậm. Khi những người Cơ-đốc Do-thái hội hiệp với dân ngoại, ăn chung với họ thì câu hỏi đặt ra là những người này có là phạm luật pháp hay không? Khi một người ngoại muốn trở thành tín đồ Chúa thì trưóc hết có phải làm theo luật pháp Do-thái trọn vẹn chăng?
Trong vòng 10 năm sau khi Ê-tiên tử đạo, những môn đồ được tương đối bình an ở lại Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem là thành của giao ước cũ, họ lại càng tôn kính thành ấy vì là thành Thánh, nơi mà Chúa Cứu Thế đã lập giao ước mới, nơi mà Ngài đã chết và Phục Sinh, nơi mà Thánh Linh đã được ban cho cộng đồng của những người theo Chúa. Chính giữa cơn bắt bớ dữ dội trong thời Vua Ac-rip-ba (Agrippa) đệ nhất, là cháu vua Hê-rốt (Năm 42 - 44 SC) mà Sứ đồ Gia-cơ bị chặt đầu và Phi-e-rơ bị bắt và tống giam. Sau những biến cố tàn bạo đó, những môn đồ đầu tiên bị tản lạc, và sách Công-vụ không theo dõi vết tích của họ nữa. Thành An-ti-ốt và La-mã đều nhận Phi-e-rơ là người sáng lập. Hội thánh Ê-phê-sô thì liên hệ nhiều đến Sứ đồ Giăng, và Hội thánh Mar Thoma ở Ấn-độ tiếp tục tôn Sứ đồ Thô-ma là người sáng lập. Tại Giê-ru-sa-lem, công việc lãnh đạo Hội thánh được trao cho Sứ đồ Gia-cơ, là em của Chúa Giê-xu. Vào năm 49 sau Chúa, ông tổ chức Giáo hội nghị đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, trong đó ông đề nghị nên có một sự thỏa thuận giữa những người Cơ-đốc gốc Do-thái và nhóm người Cơ-đốc không phải gốc Do-thái, nhóm này tuy nhỏ nhưng đang gia tăng nhanh chóng (Công Cv 15:1-29). Sự thỏa thuận này khiến cho những người hoạt động không còn bị bó buộc trong những đòi hỏi nghi lễ của luật pháp Do-thái, những đòi hỏi đã ngăn trở nhiều người ngoại tin nhận Cứu Chúa. Kết cục của sự thỏa thuận này là dần dần họ cởi bỏ đưọc cái ách Do-thái đè trên cộng đồng Cơ-đốc.
Nhiều người đàn ông và đàn bà có tên hay không có tên ghi trong sách Tân Ước đã rao truyền sứ điệp của Cứu Chúa đến các người ngoại. Dĩ nhiên ông Phao-lô là người nổi danh hơn cả. Trong những chuyến du hành truyền giáo rất xa, ông luôn luôn dẫn đầu phong trào Cơ-đốc, dù ở An-ti-ốt, nơi các tín đồ lần đầu tiên được gọi là Cơ-đốc nhân, hay ở đảo Chip-rơ, Tiểu Á, Hy-lạp, hoặc La-mã, những người Do-thái và cả những người Cơ-đốc Do-thái cũng chê trách ông là đã bỏ đường lối đã theo xưa nay. Nhưng vì đã được giáo dục trong vòng người Pha-ri-si, được huấn luyện làm thầy dạy luật, quen thuộc với tư tưởng Hy-lạp, được hiểu sự dạy dỗ của các Sứ đồ và trên hết đầy lòng trung tín với Chúa, nên dù phải đối đầu với sự chống báng, ông càng hiểu sâu sắc lời dạy dỗ, cũng như ý nghĩa về Chúa Cứu Thế hơn, có lẽ hơn bất cứ ai trong hàng những người lãnh đạo ban đầu.
Phao-lô tin chắc rằng 'dân Y-sơ-ra-ên là dân đã được nhận làm con nuôi, được sự vinh hiển, lời giao ước, được ban cho luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa, là dân sanh ra từ các tổ phụ và theo phần xác thì thuộc về dòng dõi của Chúa Cứu Thế'. (RoRm 9:4-5). Phao-lô và các nhà truyền giáo đầu tiên trưóc hết đã mang Tin Lành của Chúa đến các anh em của họ, thuộc dòng giống của họ. Họ thăm viếng các nhà hội rải rác khắp nơi sau thời kỳ dân Do-thái bị lưu đày, để cố gắng thuyết phục mọi người rằng sự khải thị của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên đã đạt cao điểm nơi Chúa Cứu Thế. Nơi nào ông không thuyết phục nổi người Do-thái, thì họ quay lại chốn nghịch và thóa mạ ông như đã xảy ra tại An-ti-ốt xứ Bi-xi-đi (Pisidia) (Cong Cv 13:14-17) lúc bấy giờ ông mới xây qua người ngoại, vì vậy sứ mạng truyền giáo của ông càng ngày càng hướng về người ngoại. Mặc dầu ông đã gây dựng nhiều Hội thánh quanh bờ biển Địa Trung Hải, ông luôn luôn cố san bằng những dị biệt giữa những người này và những người Cơ-đốc Do-thái tại Giê-ru-sa-lem. Có một lần ông viết thư bày tỏ 'Sự buồn phiền lớn không nguôi' khi ông thấy mình không thắng được sự cứng lòng thuộc dòng giống của chính ông, không đem được họ về niềm tin trong Đấng Christ là Đấng Mê-si-a của họ. Ông đã rất đau lòng khi viết rằng: 'Thà tôi cầu nguyện xin chính mình tôi bị rứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác' (9:3). Bản thân ông vẫn là một người Do-thái trung thành với truyền thống cũ, và đoạn sách 21:15-16 tường thuật cho ta rõ hành vi sau chót của ông là một người tự do làm trọn nghi lễ luật pháp Do-thái (Câu 19 và 24)
Ông đã giảng một Phúc-âm về Chúa Cứu Thế vượt trên Do-thái giáo và luật pháp của tôn giáo này. Ông viết 'Không phải tôi sống nữa mà Đấng Christ sống trong tôi'. Ông lại thêm 'Vả anh em ai đã chịu phép Báp-têm trong Đấng Christ đều đã mặc lấy Đấng Christ vậy, tại đây không còn chia ra người Do-thái hoặc người Hy-lạp, không còn tôi mọi hoặc tự chủ, không còn đàn ông hoặc đàn bà vì trong Chúa Christ anh em thảy đều là một. Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ thì anh em là dòng dõi của Ap-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa' (GaGl 2:20; 3:27-29)
3. VIỆC VIẾT THÀNH SÁCH TÂN ƯỚC
Ngày nay người ta được biết rõ về công việc viết sách Tân Ước hơn là so với thời xưa, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm không chắc chắn lắm và nhiều tháng năm vẫn còn nghi vấn. Nhưng các học giả phần đông đồng ý một điều: lá thư thứ nhất của Phao-lô gửi người Tê-sa-lô-ni-ca, viết từ thành Cô-rinh-tô vào khoảng năm 50 sau Chúa là bản văn Tân Ước lâu đời nhất thuộc Tân Ước, còn giữ nguyên được bản chính. Thư đó và những thư Phao-lô viết tiếp theo sau đã khởi đầu sự hình thành sách Tân Ước. Phao-lô và những Hội thánh nhận thư tín của ông cũng chưa ai coi những lời truyền thông ấy là kinh điển, vậy mà khi mọi người nhận biết đó là những lời phát biểu chính thức của niềm tin Cơ-đốc thì những tài liệu ấy trở thành kinh điển, họ biết những lời đó được Đức Chúa Trời soi dẫn.
Công cuộc truyền giáo của Phao-lô giữa dân ngoại, theo lời truyền lại đã chấm dứt vào năm 64 sau Chúa là năm Phao-lô và Phi-e-rơ cũng bị tử đạo cùng với nhiều Cơ-đốc nhân khác trong thời Nê-rô hành hại. Khi tiếng của các Sứ đồ im bặt thì những chứng nhân thế hệ sau càng ngày phải căn cứ vào những nguồn tài liệu để tìm ra các sự kiện đã làm căn bản cho Tin Lành về Đấng Christ. Trong thời kỳ này, người ta gom góp, chép và chuyền cho nhau xem trong vòng các Hội thánh, các thư của Phao-lô và vào năm 150 sau Chúa, khi quyển sách cuối cùng của Tân Ước được viết xong, tác giả dã minh định rằng các thư của Phao-lô quả là kinh điển (IIPhi 2Pr 3:15-16).
Thêm vào những thư nói trên, Hội thánh cũng sưu tập những mẩu chuyện, những lời phán của Chúa Giê-xu, cùng những việc đã xảy ra trong khi Ngài sống trên đất. Người ta cũng gom góp những bản văn Cựu Ước có liên hệ đến sứ mạng của Ngài. Thế rồi những tài liệu ấy được viết ra minh bạch để các vị truyền giáo và giáo sư có thể dùng làm căn bản niềm tin. từ những bản văn như thế và từ ký ức những người đã được chính tai nghe lời các Sứ đồ giảng dạy, chúng ta được biết là sách Phúc-âm Mác đã hoàn thành vào khoảng các năm 65 đến 75. Sau đó một thời gian ngắn hai tác giả khác đã duyệt lại sách Mác thêm vào một số tài liệu riêng họ đã tìm ra và trình bày một cách thích đáng cho những thính giả đặc biệt của họ.
Các sách Phúc âm Ma-thi-ơ và Lu-ca cũng được viết ra cách tương tự. Rồi có lẽ gần cuối thế kỷ thứ nhất, ông Giăng, một nhà truyền giảng thứ tư, đứng trên một quan điểm độc lập, trích rất ít tài liệu từ ba sách Phúc-âm kể trên, viết ra sách Phúc-âm Giăng, theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Cả bốn sách Phúc-âm nói trên và sách Công vụ không viết bằng ngôn ngữ A-ra-ma-ích như người ta trông chờ, vì tiếng A-ra-ma-ích là ngôn ngữ mà Chúa và các môn đồ Ngài sử dụng, nhưng lại viết bằng tiếng Hy-lạp, là ngôn ngữ thông dụng khắp đế quốc La-mã trong 2 thế kỷ đầu tiên. Chắc chắn là các tác giả đã dịch một số tài liệu từ A-ra-ma-ích ra. Quả vậy, một vài tiếng A-ra-ma-ích còn sót lại trong các sách Phúc-âm. Nhưng ngày nay cũng có một số học giả tin rằng các sác Phúc-âm đầu tiên được viết bằng tiếng A-ra-ma-ích. Nhưng chúng ta biết là các sách Phúc-âm, sách Công-vụ, và các thư của Phao-lô được viết cho Hội thánh dân ngoại, nói tiếng Hy-lạp, mục đích là để trình bày Chúa Christ cho người sống trong thế giới La-Hy (La-mã, Hy-lạp)
4. CƠ-ĐỐC GIÁO DO-THÁI
Trong khi Cơ-đốc giáo phát triển trong vòng dân ngoại và cho ra những tài liệu căn bản, thì nhóm Cơ-đốc Do-thái đem sứ mạng của Chúa Giê-xu đến với dân họ là dân Y-sơ-ra-ên. Trong khoảng 20 năm, Sứ đồ Gia-cơ, em Chúa Giê-xu, chủ tọa Hội thánh gốc tại Giê-ru-sa-lem là một nhánh riêng thuộc Do-thái giáo. Trong khoảng thời gian có nhiều bạo động tôn giáo vì lòng cuồng tín nổ ra trước chiến tranh Do-thái_La-mã, cộng đồng Cơ-đốc phải lánh nạn qua sông Giô-đanh, tại thành Pella của dân ngoại, một thành phố trong vùng Đê-ca-bô-lơ (Decapolis), nơi đây những tín đồ đã tránh được nạn tàn phá Giê-ru-sa-lem bởi tay người La-mã vào năm 70.
Sau cơn tàn phá, những tín đồ Do-thái trở lại thành Thánh, và họ chọn Si-mê-ôn là cháu Sứ đồ Gia-cơ lên làm lãnh đạo Hội thánh, vì dường như chức vụ này được biệt riêng cho dòng dõi gia đình Chúa Giê-xu. Vào thế kỷ thứ tư, có sứ giả Eusebius chuyên viết về các Hội Thánh đã viết: 'Những người được xưng là anh em... quản trị toàn thể Hội Thánh vì họ là những người tử đạo và bà con với Chúa Christ'
Mười lăm Giám mục tiếp nối nhau là những người dân Do-thái hành đạo, và lãnh đạo khối Cơ-đốc Do-thái tranh đấu tại Palestine cho đến năm 135. Sau đó khối Cơ-đốc này càng ngày càng bớt người đi, kém tài chánh nên không thu hút được những người lãnh đạo đủ khả năng, kết cuộc là Hội thánh Palestine xưa kia mạnh mẽ thế nào, nay không còn sánh được với Hội thánh dân ngoại ngày càng thêm sinh lực. Năm 132 người Do-thái nổi lên chống lại kẻ cầm quyền La-mã. Họ rêu rao rằng người lãnh đạo cuồng tín của họ Simon Bar Kosiba, là Đấng Mê-si-a đến để cứu Y-sơ-ra-ên. Hội thánh gốc từ thời các Sứ đồ không thể chấp nhận lời rêu rao ấy, bèn dứt liên hệ với Do-thái giáo và tàn lụi đi. Bởi vậy, sau thế kỷ mà Phao-lô và các người khác đổ bao công khó để thuyết phục dân Do-thái rằng Đấng Christ là sự trọn đầy của những lời hứa từ Đức Chúa Trời cho Y-sơ-ra-ên, thì Do-thái giáo và Cơ-đốc giáo hoàn toàn phân rẽ.
Bar Kosiba nổi loạn bị thua thiệt nặng nề trên đống đổ nát của Giê-ru-sa-lem, người La-mã xây dựng lại một thành phố thuộc địa đặt tên là Aelia Capitolina. Dưới Giê-ru-sa-lem ngày nay ta còn tìm thấy vết tích địa đồ thành phố xưa. Thành phố này có rạp hát, có nơi làm trò xiếc hoặc những trụ cột lớn, có những bồ tắm hơi, có các cổng vào, các cửa lớn, các tượng thần Jupiter và Hoàng Đế Hadrian nơi đền cũ được xây. Các người Do-thái và Cơ-đốc nhân gốc Do-thái không được vào thành phố nói trên, tuy nhiên có những tín đồ gốc dân ngoại đưọc vào đó và thành lập một cộng đồng Cơ-đốc mới, cộng đồng đó được các Giám mục dân ngoại hướng dẫn.
Đầu thế kỷ thứ 3, những tín đồ dân ngoại tại thành phố Aelia có dịp đón rước một đoàn hành hương, đoàn người này sống theo một đức tin mới. Theo Giám mục Melito ở Sardis, họ đến để thấy tận mắt 'nơi mà Phúc-âm đưọc truyền rao và lịch sử Cơ-đốc bắt đầu diễn tiến'. Cũng tại đây, Giám mục Alexander Flavian lập nên một thư viện vào năm 212 có những tài liệu vô giá về lịch sử Hội thánh ban đầu cho những học giả như Origen, Eusebius, và Jerome.
bottom of page