top of page

Chương 13. Vấn Đề Sung Túc.

Hung Tran

Oct 18, 2023

Những người khách sốt sắng ngồi chật quanh bàn ăn tối. Chủ nhà hối hả bước vào và dọn một món thịt với khoai tây ngon lành, điển hình của bữa ăn tối Tân Tây lan...



Những...

...người khách sốt sắng ngồi chật quanh bàn ăn tối. Chủ nhà hối hả bước vào và dọn một món thịt với khoai tây ngon lành, điển hình của bữa ăn tối Tân Tây lan. Nhưng đến giờ tráng miệng và dùng trà, bà vừa xin lỗi vừa rót thứ nước xanh nhợt nhạt vào mỗi chiếc cốc.

"Tôi xin lỗi vì trà tệ quá", bà giải thích với những vị khách "Chúng tôi phải pha hơi loãng để được dùng lâu hơn". Quý vị thấy đó, chúng tôi đang sống bằng đức tin mà".


Những vị khách của bà đều bảo rằng không sao để bà yên tâm. Thật ra, bởi vì họ là những người Mỹ, họ cảm thấy dễ chịu hơn vì nước trà không đậm như cách người Tân tây lan thường pha! Và tất nhiên họ biết ơn chức vụ mà những người nầy đang làm, mở rộng cửa nhà mình cho những người có cần và tin cậy Đức Chúa Trời sẽ cấp dưỡng cho họ mỗi tuần. Nhưng sau đó trên đường về, sự mỉa mai và khôi hài trong câu nói của bà ta đã đánh vào họ.


Có phải sống bằng đức tin nghĩa là phải pha trà loãng? Nghĩa là phải mang những đôi giày mòn vẹt cả gót? Đi những chiếc ô tô khởi động không nổi hoặc cách cả một dãy phố cũng có thể nghe thấy tiếng nổ của nó, Và điều nào tệ? Trà tệ hay đức tin tệ?


Vấn đề sung túc, đặc biệt đối với những tôi tớ của Đức Chúa Trời, là một vấn đề dễ gây xúc động. Thật khó mà tách rời những cảm xúc của chúng ta khỏi sự thực. Những Cơ-đốc nhân đòi-Chúa-ban-phước-cho-mình giảng dạy rằng nếu bạn có đức tin, bạn sẽ giàu có về vật chất. Nếu bạn không sống trong sự thịnh vượng, là vì bạn chưa thực hành đức tin của bạn.


Những Cơ-đốc nhân làm-việc-theo-đạo-lý khẳng định rằng lao động chăm chỉ sẽ dẫn đến sự chúc phước của Đức Chúa Trời. Họ nói rằng nếu bạn không có tiền là vì bạn lười biếng. Đáng buồn thay, những người nầy thường dai sức trong công việc và rất năng nổ, nhưng lại thiếu kém lòng thương xót và sự dâng hiến cho các hội truyền giáo.


Quan điểm cực đoan của Những Cơ-đốc nhân thích-đòi-Chúa-ban phước-cho mình và Những Cơ-đốc nhân làm-việc-theo-đạo-lý là họ thường có một cái nhìn hằn học vào bất cứ ai thuận lợi về vật chất. Những Cơ-đốc nhân coi giàu có là gian ác nầy chỉ chưa bằng những người theo chủ nghĩa cộng sản, là chủ nghĩa cho rằng căn nguyên của mọi điều xấu xa trên thế giới nầy bắt nguồn do sự phân phối của cải không đồng đều. Theo họ bất cứ Cơ-đốc nhân nghiêm túc nào, cũng đều phải từ bỏ tất cả, chỉ trừ những thứ thật cần thiết mà thôi. Có một số trong vòng họ hầu như tôn thờ sự nghèo nàn, tức là càng có ít của cải, bạn càng gần với Đức Chúa Trời.


Dầu quan niệm của chúng ta có như thế nào thì hầu hết trong chúng ta đều cảm thấy có những tình cảm pha trộn liên quan đến sự giàu có, nhất là đến những người làm chức vụ.

Một số bạn bè của tôi đã làm việc trong tổ chức YWAM gần hai mươi năm nay, phần lớn ở tại Hoa Kỳ. Thời gian trôi qua, họ đã sử dụng kế tiếp nhau những chiếc xe đã dùng rồi, hầu hết có giá chi phí bảo quản cao, máy không tốt, tốn xăng và sức chở kém. Một chiếc xe mà họ sẽ không bao giờ quên được đó là chiếc Travel - All, uống hết 4 lít xăng trong vòng 16 cây số và liên tục hỏng máy.

Sau đó tình cờ họ gặp một chiếc xe đã dùng rồi nhưng còn khá tốt. Mặc dù đã được xài qua 7 năm, nó vẫn còn trong tình trạng hoàn hảo, đi được 45 cây số với 4 lít xăng, dùng được, khá tiết kiệm về mặt sửa chữa, rẻ hơn nhiều so với một chiếc xe hơi Hoa-kỳ mới, cỡ kinh tế. Đó là một chiếc Mercedes - Benz. Các bạn tôi đã mua vì tin chắc rằng đó là cách tốt nhất để quản lý tiền bạc của Chúa cách phải lẽ.


Trong nhiều năm, họ dùng chiếc xe ấy cùng với những chiếc Mercedes cũ khác, mỗi khi có thể đổi một chiếc để mua một chiếc khác tương đương giá tiền mà vẫn chi trả ít hơn nhiều về mặt bảo trì và nhiên liệu như trước kia họ chi, họ rất biết ơn Đức Chúa Trời về sự chu cấp của Ngài.


Thế rồi, họ bắt đầu nghe lời phê bình về những chiếc Mercedes này. Một người dùng chữ "sang trọng" trong khi một người khác thì thắc mắc "làm sao một người hầu việc Chúa mà lại có thể mua nổi chiếc xe như vậy?". Thậm chí có người còn nói "Làm thế nào mà họ lái được loại xe hơi như thế trong khi đang có những người đói ăn trên thế giới?"

Giá như họ có thể treo một tấm bảng bên hông xe, liệt kê giá cả của nó, việc sửa chữa nó ít tốn kém làm sao và mỗi tuần nó tiết kiệm được bao nhiêu nhiên liệu. Thậm chí họ có thể viết bên hông xe câu nầy "Chiếc xe nầy đang tiết kiệm tiền của Đức Chúa Trời". Nhưng họ không thể làm điều đó. Họ cầu nguyện và quyết định không muốn trở thành hòn đá vấp chơn cho bất kỳ ai. Các chiếc Mercedes đã phải ra đi.

Họ đổi nó và mua một chiếc xe tải nhỏ, thật sự là đắt hơn chiếc Mercedes cũ. Chiếc xe tải cỡ nhỏ rốt cuộc cũng tốn kém hơn trong việc bảo trì, và mau hư hơn. Nhưng không còn ai phàn nàn về việc họ phí phạm tiền bạc của Đức Chúa Trời nữa.


Trong mọi chuyện như vậy, Đức Chúa Trời đứng ở chỗ nào? Có phải có một mức giàu có nhất định mà bạn phải đứng dưới mức ấy để làm vừa lòng Đức Chúa Trời chăng?


Mới đây, tôi đã được phước bằng cách đưa câu hỏi ấy đến gần nhà mình hơn. Vài năm trước, sau khi gia đình chúng tôi đã sống nhiều năm trong một căn hộ nhỏ tại khu sinh viên YWAM ở tại Kona, chúng tôi gặp một điều ngạc nhiên lớn. Thành viên YWAM ở khắp thế giới đã dự phần vào một cuộc dâng hiến đặc biệt và đã tặng cho chúng tôi một chiếc xe hơi mới và tiền đặt cọc một căn nhà.


Điều đó thật quá tuyệt vời, nhất là bởi tình yêu thương họ đã tuôn đổ trên chúng tôi. Căn nhà thật dễ thương, nhưng sau vài tuần Darlene đã nhận xét "Em cứ mong cho có ai đó thật sự sống ở đây đến và thấy chúng ta trong ngôi nhà của họ!"

Thế rồi, sau vài tháng có một người đàn ông đến gặp tôi với một món quà lạ lùng. Ông ta muốn tặng tôi một số tiền, nhưng tôi chỉ có thể được dùng nó vào một trong ba điều. Tôi hãy để riêng số tiền đó ra cho đám tang của tôi (là điều có thể không bao lâu nữa tôi phải cần đến, theo lời người bạn ấy). Hoặc tôi phải dùng số tiền đó để sử dụng cho việc chăm sóc đặc biệt sau một cơn tai biến của tôi (là điều anh ta cho rằng có thể xảy ra bất cứ lúc nào). Hoặc là tôi sử dụng tiền đó để xây một bể tắm và thực hành thường xuyên để ngăn trở hai điều kia không xảy ra!


Tôi hiểu vì sao người bạn của tôi đem tặng vật đến với một chỉ thị mạnh mẽ như vậy về cách sử dụng. Ông ta biết hẳn là khó cho tôi để có một bể bơi, mặc dầu trong khí hậu của chúng tôi điều đó thật có ý nghĩa. Những người bạn khác cũng đã dâng vào việc xây bể bơi cho chúng tôi, và một người bạn thân khác đã cống hiến công sức lao động chuyên môn của anh để xây dựng nó. Bể bơi ấy luôn luôn là sự nhắc nhở về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của người bạn tôi.


Khi Đức Chúa Trời muốn nêu các gương đức tin cho chúng ta, Ngài đã kể ra những khuôn mẫu anh hùng trọn vẹn trong Hê-bơ-rơ đoạn 11. Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, Đa-vít và Sa-lô-môn đã được nêu tên, mỗi người trong số đó đều là những người giàu có. Nhưng có những người khác cũng được kể ra trong đoạn nầy là những mẫu mực của đức tin. Những vị anh hùng nầy đã bị tra tấn, nhạo cười, đánh đập, tù đày, ngược đãi, thậm chí bị giết; bị thiếu thốn mọi đường, mặc những da chiên, da dê, sống trong hang, trong hầm dưới đất.

Phao-lô nhắc cho chúng ta nhớ rằng cả giàu lẫn nghèo đều có thể là ý muốn của Chúa dành cho chúng ta, và để chúng ta có thể học tập thích nghi với cả hai hoàn cảnh.

“Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” (Phi Pl 4:12-13)


Tôi thấy rằng có dư dật thì khó khăn hơn là sống nghèo thiếu. Lắng nghe tiếng Chúa hàng ngày khi bạn đang tin cậy Ngài chu cấp cho bữa ăn kế tiếp thì dễ hơn nhiều so với khi mọi thứ đều dễ dàng.

Theo Lời Chúa phán thì dư dật về mặt tiền bạc là điều nguy hiểm. Chúa Jesus phán rằng người giàu vào nước thiên đàng khó thay, và hãy coi chừng “sự lừa dối của những của cải”.

“Đức Chúa Trời báo trước cho dân sự Ngài rằng khi họ được ban cho những thành lớn và tốt đẹp cùng những nhà cửa đầy dẫy những thứ đẹp đẽ, thì hãy cẩn thận kẻo các ngươi quên Đức Giê-hô-va...”( PhuDnl 6:12)

Tác giả sách Châm-ngôn cũng muốn sự quân bình khi ông nói “Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang. Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng, e khi no đủ tôi từ chối Chúa mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e khi tôi nghèo khổ, đi trộm cắp và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng? (ChCn 30:8, 9)


Chúng ta phải giới hạn ở chỗ nào đây? Nghèo như thế nào mới là nghèo quá và giàu có bao nhiêu thì mới nguy hiểm? Giới hạn đó còn đa dạng nhiều tùy theo ba điều:

1. Cá tánh: Đây không phải là vấn đề tôi có thể tin cậy Ngài giao cho tôi bao nhiêu, mà là Ngài có thể tin cậy tôi đến mức nào. Nếu chúng ta trung tín trong việc nhỏ, Ngài có thể khiến chúng ta trung tín nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, còn hai yếu tố khác nữa. Mức chu cấp của chúng ta cũng còn tùy thuộc vào...

2. Sự kêu gọi của mình và...

3. Nền văn hóa nơi chúng ta đang làm việc

Dẫu Đức Chúa Trời tin cậy tôi và cá tánh của tôi, Ngài biết rõ điều tôi cần, không nhiều hơn và không kém hơn, để hoàn thành sự kêu gọi của Ngài trên đời sống tôi.


Sư cung ứng có thể thay đổi nhiều tùy theo điều bạn đang làm và nơi chốn Đức Chúa Trời đặt bạn để làm việc cho Ngài. Tôi có một người bạn hầu việc Chúa với một tổ chức Cơ-đốc sung túc, anh ta có lương cao, đi xe hơi mới và sống trong một ngôi nhà đẹp ở ngoại ô thành phố. Sau một vài năm ở đó, Chúa kêu gọi anh làm việc bên trong thành phố Los Angeles.

Chỉ qua đêm, anh và gia đình đã thấy mình đang sống giữa một khu vực đầy tội phạm với các chấn song trên cửa sổ nhà mình, mua thức ăn nơi các cửa hàng mà những cửa sổ đều được bịt kín bằng ván. Thay vì mua sắm quần áo mới thường xuyên, họ đã dâng phần lớn tiền bạc của mình cho những người trong Hội thánh, giúp họ có các thực phẩm trên bàn ăn.

Sau nhiều năm sống như vậy. Đức Chúa Trời lại một lần nữa dẫn dắt họ thay đổi chức vụ. Họ nhận chức vụ chăn bầy ở một Hội thánh dư dật hơn thuộc vùng Tây Nam. Mặc dầu vẫn không phung phí, vị mục sư nầy và vợ ông thấy rằng họ cần phải năng mua sắm quần áo hơn và sống trong một ngôi nhà giống với các ngôi nhà của tín đồ mình hơn.

Trong từng hoàn cảnh sống của ba giai đoạn đó, các bạn của tôi đều ở trong trung tâm ý muốn của Đức Chúa Trời, tức là đã sử dụng các nguồn phương tiện của Ngài cách khôn ngoan để hầu việc Chúa trong nền văn hóa mà Ngài đã đặt để họ.

Bao nhiêu tiền là vừa đủ và bao nhiêu tiền là quá nhiều? Chúng ta không thể đưa ra một số lượng. Điều đó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, sự kêu gọi của bạn và những người sống giữa nơi bạn đang làm việc. Ông Norman Vincent Peale đã chủ tọa một Hội thánh có thanh thế lớn ở tại Manhattan trong nhiều năm, Mẹ Teresa đã hầu việc giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo tại Calcutta Ấn độ. Song cách ăn mặc, cách sống và đi lại của mỗi người như thế nào tùy thuộc vào sự kêu gọi của họ.


Làm sao bạn biết khi nào thì bạn đang sống quá hào phóng? Dầu chúng ta không thể đưa ra một số lượng, nhưng chúng ta có thể có những sự chỉ dẫn.


1. Chúng ta không nên sống ở mức quá cao hoặc quá thấp so với những người giữa vòng mình đang hầu việc.

Em rễ tôi và cô em gái, Jim và Jan Rogers mô tả một tình huống nọ. Họ đang thăm viếng một số nhà truyền giáo tại Châu Á, trong một quốc gia vừa bị suy thoái kinh tế do những biến động chính trị. Vì tình hình kinh tế của xứ sở đó, nhiều giáo sĩ đang sống trong những ngôi nhà đẹp đẽ, tốt hơn nhiều so với khả năng họ có thể trả ở tại Hoa-kỳ, nhưng với một giá trung bình 60 mỹ kim một tháng.


Một buổi chiều, Jim và Jan đang có thì giờ thông công vui vẻ với những nhà truyền giáo ngoại quốc khác tại nhà của một trong các giáo sĩ. Chợt có tiếng gõ cửa, một vị mục sư lớn tuổi, là người bản xứ. "Ông ta đứng đó, lúng túng ở cổng vòm phía trước" Jan nói "Trông như ông không dám bước vào nhà. Chủ nhà bước ra ngoài với ông và vội vàng giải quyết các câu hỏi trước khi quay vào bàn tiệc trà". Buổi tối hôm ấy chúng tôi không làm điều gì sai trái cả, nhưng dầu sao tôi vẫn cảm thấy một cảm giác khó chịu hiện diện trong căn phòng, dường như là tội lỗi.

Làm sao biết được là bạn có đang sống quá cách biệt với (quá cao hoặc quá thấp) những người bạn đang gây dựng? Hãy tự hỏi mình câu nầy: Chiếc xe, căn nhà, lối sống nầy đang giúp đỡ hay cản trở tôi trong việc chinh phục và môn đệ hóa người ta cho Chúa cho Jesus?


2. Hãy Coi Chừng Lòng Tham.

Kinh Thánh lập lại nhiều lần lời cảnh cáo nầy, đặc biệt đối với những người trong chức vụ hầu việc trọn thì giờ. Chúng ta được dạy “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời giao phó cho anh em, làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy” (IPhi 1Pr 5:2-3). Việc tìm kiếm sự giàu có vượt trên những điều cần thiết để hoàn thành chức vụ Chúa kêu gọi là tham lam và bị định tội theo Kinh Thánh.


Hai điều ngày nay làm cho công chúng rất phẫn nộ đó là khi các mục sư bày tỏ một nếp sống xa xỉ và buông thả, và các chính trị gia tìm cách làm giàu trong lúc đang phục vụ nhân dân. Bạn có bao giờ tự hỏi mình vì sao như vậy không? Tôi nghĩ đó là vì ký ức chung của xã hội chúng ta về Kinh Thánh. Đa số dân chúng không biết rằng họ đã nhận những tư tưởng đó từ Thánh Kinh, song họ đã thật sự mang lấy.

Đức Chúa Trời bảo dân sự hãy chọn một người lãnh đạo (hoặc vua) là người không có quá nhiều ngựa, không kiếm thêm nhiều bạc và vàng cho chính mình, hầu cho “...lòng vua không kiêu căng, coi rẻ đồng bào mình...” (PhuDnl 16:15-20). “Cũng vậy, người lãnh đạo thuộc linh phải được chọn là người không tham tiền” (ITi1Tm 3:3)

Không bao giờ được lợi dụng chức vụ để thâu góp của cải cho mình. Có một lý do khiến cho người Lêvi là chi phái duy nhất không được ban cho tài sản thực tế. Cơ nghiệp của họ là chính mình Đức Giê-hô-va chứ không phải những thứ của cải vật chất (Dan Ds 18:20)

Chúng ta phải tránh việc để cho những giá trị đời nầy thành ra của riêng mình. Chúng ta cần phải phó giao khả năng chi tiêu của mình cho Chúa Jesus và để Ngài cai trị lãnh vực đó. Nếu lòng bạn cam kết vâng lời Chúa, Ngài có thể phán bảo và cất đi những dục vọng tự nhiên đang chi phối bạn.


3. Hãy tránh ganh tỵ với người khác và sống thỏa lòng

Kinh Thánh không bảo chúng ta tránh sự giàu có hay sự nghèo thiếu. Song chúng ta được Kinh Thánh dạy hãy thỏa lòng. Kinh Thánh dạy chúng ta đừng so sánh tất cả những gì mình có với người khác, cũng đừng thèm muốn điều họ có.

Chúng ta làm thế nào để vượt thắng trong lãnh vực nầy? Liều thuốc giải độc chữa chứng ganh tỵ là hãy tin cậy tuyệt đối vào sự công bình của Đức Chúa Trời. Hãy lấy Kinh Thánh và thực hiện việc nghiên cứu Lời Chúa về sự công bình của Ngài. Hãy để lẽ thật nầy dầm thấm lòng bạn và ảnh hưởng đến mọi việc bạn nhìn thấy. Ngài là công bình, và Ngài sẽ ban phước cho bạn, nếu không phải về mặt tài chính trong đời nầy, thì chắc chắn bằng những cách khác, và cả cõi đời đời. Ngài không hề hứa rằng chúng ta sẽ có sự bằng nhau về của cải cũng như sự cung ứng trong đời nầy; mà Ngài chỉ hứa rằng chúng ta sẽ được chu cấp những gì chúng ta cần.


4. Cứ dâng cho Chúa, khi Ngài dẫn dắt bạn.

Đường lối của Chúa trong Kinh Thánh không phải là bỏ qua các luật lệ hoặc các thứ thuế và dùng sức mạnh để phân phối lại của cải cho mọi người bằng nhau. Cũng không phải giữ những lời thề nguyện chịu khó nghèo, vậy bạn còn ban cho ai được nữa. Ý muốn của Ngài là những ai đã được Ngài ban phước hãy chia sẻ nó cách rộng rãi, theo ý muốn tự do của chính họ. Đây là ý muốn của Ngài dành cho bạn, nếu Ngài đã ban phước dồi dào cho bạn:


“Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dự dật cho chúng ta được hưởng. Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của cải mình có, vậy thì dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và vững bền cho mình, để được cầm lấy sự sống thật.” (ITi1Tm 6:17-19)



bottom of page