top of page

CHƯƠNG 6 : GIẢI THƯỞNG TRÊN TRỜI

Hung Tran

Jan 25, 2024

Sứ đồ Phao-lô viết hai phần ba các thư tín trong Tân Ước và tiên phong mở nhiều Hội Thánh dân ngoại...



GIẢI THƯỞNG TRÊN TRỜI



Một số người quay lại quá khứ và nhắc lại tất cả những nan đề họ đã từng gặp rồi sau đó nhìn về tương lai và mong chờ họ vẫn còn nhiều thử thách nữa và rồi họ trải qua cuộc sống một cách lam lũ và lận đận. - D.L. Moody


Thưa anh chị em, tôi không nghĩ rằng tôi đã chiếm được rồi. Nhưng chỉ chú tâm vào một điều: Quên đi những điều đã qua, phóng mình đuổi theo những điều phía trước, nhắm mục đích đoạt được giải thưởng, là sự kêu gọi thiên thượng của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. - Phi-lip 3: 13-14




Sứ...

...đồ Phao-lô viết hai phần ba các thư tín trong Tân Ước và tiên phong mở nhiều Hội Thánh dân ngoại. Chức vụ của ông mở rộng ra toàn thế giới, dầu vậy đến cuối đời mình, ông nói, “Tôi không nghĩ rằng tôi đã chiếm được rồi.” Ông vẫn chưa thỏa lòng – và ông sẽ không thỏa lòng cho đến khi đạt đến cuối cuộc đua và giựt được giải thưởng trên trời.

Để chúng ta hoàn thành cuộc đua và giành được giải thưởng, điều đầu tiên chúng ta cần phải xác định rõ trong lòng mình đó là chúng ta vẫn chưa tới đích hay giựt được giải.

Chúng ta không hoàn hảo, chúng ta phải tiếp tục thay đổi và tăng trưởng.

Môi-se cũng vậy, có một sự kêu gọi lớn lao, đã dẫn dắt cả một quốc gia với ba triệu người và là người làm nhiều dấu kỳ và phép lạ mà chưa từng có ai thực hiện trong Cựu Ước. Dầu vậy, Chúa nói rằng Môi-se là người khiêm nhường hơn hết (người chịu học) trên khắp thế gian. Ông không kể như mình đã đến đích nhưng cứ tiếp tục bước tới để hoàn thành cuộc đua của mình và giựt được giải thưởng trên trời. Để tăng trưởng và thay đổi, chúng ta cần phải tiếp nhận sự dạy dỗ.

Điều thứ hai chúng ta cần làm để hoàn thành cuộc đua của chúng ta cho Chúa là phải quên đi những điều (những chiến thắng và những thất bại) phía sau chúng ta!

Một lần nữa, đây là điều Chúa phán trong Ê-sai 43: 18-19: “Đừng nhớ đến những việc trước kia, cũng không nên suy nghĩ đến những điều xưa cũ. Này, Ta đang làm một điều mới. Bây giờ nó đang xuất hiện, các ngươi không nhận thấy sao? Phải, Ta sẽ làm một con đường trong sa mạc, tạo các sông nơi đồng hoang.”

Những thất bại quá khứ, những sự khướt từ, hay những tội lỗi, nếu cứ nghĩ về nó, sẽ ngăn trở chúng ta không tiến tới trong Chúa. Tuy nhiên, những thành tựu của chúng ta trong quá khứ cũng có thể giữ chân chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy tự tin thái quá về chính mình và bắt đầu dựa vào những thành công trong quá khứ để duy trì và chứng tỏ bản thân, thì chúng ta sẽ lỡ mất những điều Chúa dành cho chúng ta ngay thời điểm hiện tại. Đây chính xác là điều mà Chúa muốn nói đến trong Ê-sai 43. Những điều xưa cũ đó thuộc về Ngài, nhưng để tiếp tục tấn tới và hoàn thành những điều Ngài đã định cho chúng ta, thì chúng ta phải sẵn sàng dủ bỏ những lề thói mà Chúa đã hành động qua chúng ta trong quá khứ. Nếu không làm như vậy, chúng ta có nguy cơ trở thành một bầu da cũ.

Phao-lô cũng nhấn mạnh lẽ thật này: “Khi tôi còn bé thơ, tôi nói như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con, lý luận như trẻ con, nhưng khi đã thành nhân tôi từ bỏ những hành vi trẻ con. Vì hiện nay chúng ta chỉ thấy mập mờ qua gương, đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy tận mặt. Bây giờ chúng ta chỉ hiểu biết một phần, đến bấy giờ chúng ta sẽ biết hoàn toàn như Chúa biết chúng ta vậy.” (1 Cô-rinh-tô 13:11-12)

Con trẻ không có gì sai, chỉ là nó chưa trưởng thành. Khi tôi năm tuổi, cả thế giới của tôi dường như chỉ xoay quanh những chiếc xe đồ chơi Tonka và Lego. Thành tựu lớn nhất của tôi đó là đọc được bảng chữ cái. Tôi nhìn cuộc đời qua lăng kính lờ mờ, bởi vì tôi vẫn chưa đủ trưởng thành để có thể xử lý những vấn đề lớn hơn và phức tạp hơn.

Khi tôi mười tám tuổi, những chiếc xe Tonka và đồ chơi Lego chỉ còn là những điều trong quá khứ. Giờ đây, sau vài năm trưởng thành, tôi không nhìn cuộc đời qua lăng kính mờ như trước nữa. Trình độ và năng lực tiếp nhận những hiểu biết của tôi đã tăng lên. Thật không bình thường nếu một người mười tám tuổi hành động giống như một đứa trẻ năm tuổi. Khi phát triển, chúng ta bỏ lại những sự thuộc quá khứ, những lối cư xử và hiểu biết của trẻ con, là những điều không còn hữu dụng hay ích lợi cho những nhu cầu hay niềm vui của chúng ta.

Tương tự, khi chúng ta tăng trưởng trong Chúa, khi chúng ta đi qua những tiến trình của đời sống, chúng ta cũng nên loại bỏ những điều xưa cũ, những hành vi trẻ con. Phao-lô nói rằng, bây giờ chúng ta thấy Chúa và vinh quang Ngài chỉ mập mờ, nhưng chúng ta càng đeo đuổi phần thưởng trên trời, thì chúng ta sẽ càng nhìn thấy rõ ràng hơn cho đến khi chúng ta gặp Chúa mặt đối mặt. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ biết Ngài cũng giống như Ngài biết chúng ta!


Mẹo Để Sống Sót Trong Đồng Vắng


#6 Danh Sách Những Việc “ Không Nên Làm”


Trong đồng vắng, dựa trên điều Kinh Thánh cho chúng ta biết về những kinh nghiệm đáng tiếc của dân Y-sơ-ra-ên – có những điều chúng ta không được phép làm đang khi chúng ta tạm thời còn ở trong giai đoạn đồng vắng. Trên thực tế, đây là danh sách những việc mà cơ đốc nhân không nên làm, nhưng khi chúng ta ở trong đồng vắng, cơn cám dỗ bỗng trở nên khốc liệt hơn. Đây là danh sách chưa đầy đủ về những điều mấu chốt:

1. Ham muốn điều ác. Khi chúng ta bị mất hết, đôi khi chúng ta hay nghĩ về chuyện bậy bạ để khiến cho chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn, hay thậm chí vui vẻ hơn.

2. Theo đuổi hình tượng. Điều này nghĩa là chúng ta theo đuổi những ao ước của riêng mình trong khi biết rằng những điều đó trái ngược với Lời Chúa. Yêu thích ai đó hay điều gì đó hơn Chúa.

3. Buông mình cho những cám dỗ về tình dục và gian dâm.

4. Thử Chúa.

5. Phàn nàn, lằm bằm, than phiền.

Trong lá thư đầu tiên gởi cho tín hữu ở Hội Thánh Cô-rinh-tô, Phao–lô đã đề cập đến việc chúng ta có thể học được những bài học đắt giá từ tổ phụ khi họ ở trong đồng vắng:

Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em nhớ rằng tổ tiên chúng ta tất cả đã ở dưới đám mây và tất cả cũng đã đi ngang qua biển... Nhưng đa số tổ phụ không đẹp lòng Đức Chúa Trời cho nên đã bỏ xác trong đồng hoang. Những điều này trở thành một bài học để cảnh cáo chúng ta chớ có ham muốn điều ác như họ. (1 Cô-rinh-tô 10:1,5-6)

Dân Y-sơ-ra-ên đã phải trả cái giá rất đắt, vì vậy chúng ta hãy học từ gương của họ.

Thưa độc giả, trong đồng vắng bạn có thể tìm thấy đường lối Chúa và tấm lòng của Ngài, nhưng bạn phải kiên định và trong lòng bạn phải nói một cách chắc chắn rằng: “Chúa ơi, cho dù khi con không cảm nhận được sự tốt lành và tình yêu của Ngài, con vẫn tin rằng Chúa là tốt lành và Ngài yêu con.”

Phần thưởng trên trời mà Phao-lô đề cập đến là gì? Câu trả lời của ông nằm trong những câu Kinh Thánh trước đó. Phi-lip 3:10 chép rằng, “để biết Ngài, biết quyền năng phục sinh của Ngài, chia sẻ sự thương khó của Ngài, biết thông công với Ngài trong sự chết của Ngài.” Phần thưởng của Chúa trên trời đó là được biến hóa theo ảnh tượng của Con Ngài, là Chúa Giê-xu – để biết Ngài giống như Ngài biết chúng ta! Cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu đó, chúng ta không nên thỏa lòng, không ngừng tìm kiếm tấm lòng của Chúa.

Điều thứ ba chúng ta phải làm đó là phải đeo đuổi phần thưởng trên trời để “nhắm tới mục tiêu!” Nhắm tới cũng đồng nghĩa với việc sẽ có những áp lực hay những sự chống đối. Luôn có sự chống đối khi chúng ta muốn biết Chúa.

Mối đe dọa lớn nhất đối với ma quỷ là một người được biến đổi theo hình ảnh của Chúa Cứu Thế, và những thế lực của sự tối tăm sẽ tranh chiến quyết liệt với điều đó hơn bất kỳ điều nào khác. Khi những tín hữu được biến hóa theo hình ảnh của Chúa, họ sống nhưng không phải họ sống nữa mà là Đấng Cứu Thế sống trong họ. Họ bước vào sự biểu lộ vinh diệu và đầy trọn về sự sống của họ trong Chúa. Đó là lý do Phao-lô nói rằng để biết Ngài thì chúng ta phải biết thông công với Ngài trong sự thương khó của Ngài. Sự thương khó về phần thân thể mà ông nói đến cũng chính là việc chết đi cái tôi, chính điều này sẽ dẫn đến đời sống phục sinh! Phi-e-rơ viết:

Vậy, vì Chúa Cứu Thế chịu khổ trong thân thể, hãy trang bị chính mình anh chị em bằng thái độ như thế, người nào đã chịu khổ trong thân thể được dứt khỏi tội lỗi. Vì kết quả đó, người ấy còn sống bao lâu sẽ không sống theo dục vọng con người, nhưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 4:1-2)

Nếu chúng ta đã chịu khổ trong thân thể, chúng ta không còn bị cai trị hay tập chú vào đường lối riêng của chúng ta, tức chỉ đeo đuổi theo tất cả những ham muốn tội lỗi của thế gian. Chúng ta có bản tính của Chúa đang hành động trong chúng ta! Đây chính là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới.


Chịu Khổ Với Chúa


Sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế là gì? Rất nhiều người hiểu sai về điều này bởi vì một số sự giảng dạy tôn giáo đã bóp méo thuật ngữ này của Kinh Thánh. Sự chịu khổ không phải là bị chết do bệnh tật hay do thiếu tiền để trả nợ. Nó cũng không phải là việc nhịn ăn nhiều tuần để Chúa chạm lòng bởi sự hy sinh của bạn. Sự chịu khổ không phải là hy sinh–mà chính là sự vâng lời! Tác giả của thư Hê-bơ-rơ đã làm rõ về việc chịu khổ của Chúa là như thế nào:

Trong những ngày sống trong xác thịt, Đức Giê-su đã lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện, nài xin với nước mắt lên Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính nên được nhậm lời. Dù là Con, Ngài cũng phải học tập vâng lời trong những điều thống khổ Ngài đã chịu. (Hê-bơ-rơ 5:7-8).

Chúa Giê-xu không mang theo sự vâng phục xuống thế gian này; Ngài phải học vâng lời. Ngài học qua việc vâng theo Cha của Ngài dẫu khi rất dễ để không vâng lời. Ngài không tìm cách làm hài lòng con người mà là làm vui lòng Chúa. Ngài biết rằng con người về lâu dài sẽ nhận được lợi ích rất lớn qua sự vâng lời của Ngài. Phi-e-rơ nhận định sự chịu khổ thật sự đó là vừa sống theo ý muốn của Chúa và vừa chống cự với các dục vọng của con người (1 Phi-ê-rơ 4:2).

“Sự chịu khổ của Đấng Cứu Thế” có nghĩa là đi theo đường lối của Chúa khi mà tâm trí, cảm xúc hay giác quan vật lý lôi kéo chúng ta đi theo hướng dễ chịu, muốn thỏa hiệp hay thích vui chơi. Điều này thường xảy ra trong những xung đột mà chúng ta đối diện khi Chúa muốn chúng ta một đàng nhưng bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay nhiều thứ khác muốn chúng ta đi lối khác. Không may thay, chúng ta thường gặp phải hoàn cảnh này từ những người thân thiết với chúng ta nhất. Một ví dụ điển hình đó là khi Phi-e-rơ bất đồng với Chúa Giê-xu về sự chết và chôn của Ngài:

Từ đó, Đức Giê-xu bắt đầu bày tỏ cho các môn đồ biết rằng Ngài phải đi lên Giê-ru-sa-lem và phải chịu nhiều đau khổ bởi các trưởng lão, các thượng tế và các chuyên gia kinh luật; Ngài phải bị giết, đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. Phi-e-rơ đem Ngài riêng ra và nói: “Chúa ơi, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Thầy sẽ không bị như thế đâu!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo Phi-e-rơ: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra sau Ta. Con làm cớ vấp phạm cho Ta, vì con không nghĩ đến việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ nghĩ đến việc của loài người.” (Ma-thi-ơ 16:21-23) Chúa Giê-su công bố cho các môn đồ biết rằng để vâng lời Đức Chúa Trời thì Ngài phải đi lên Giê-ru-sa-lem, chịu thương khó, chịu giết và được sống lại vào ngày thứ ba. Có thể thấy Phi-e-rơ đã không nghe “phần phục sinh” trong những điều mà Chúa Giê-su đã nói đến, hoặc ông đã quá bận tâm đến những lời Chúa nói về việc Ngài sẽ chịu chết.

Bạn có hiểu được suy nghĩ của Phi-e-rơ không?

Khoan đã, Ngài là Đấng Mê-si-a (điều này chỉ vừa được bày tỏ cho ông), và Ngài đáng lẽ ra phải thiết lập vương quốc và khôi phục nước Y-sơ-ra-ên. Con đã bỏ công việc và gia đình của con để đi theo Ngài. Con đã mất đi bạn bè để đi theo Ngài. Con đã đầu tư rất nhiều thời gian vào việc này. Con đã tạo được tiếng tăm. Các lãnh đạo nhà hội nghĩ Ngài khùng điên, nhiều tờ báo và tạp chí liên tục đưa tin về việc Ngài là nhân vật gây tranh cãi. Ngài là chủ đề nóng hổi nhất trên mạng xã hội, và phần lớn là những lời nói xấu. Ngài bị các chuyên gia thần học và các vị lãnh đạo cho là tà giáo. Còn bây giờ, Chúa lại đang nói về sự chết. Rồi con sẽ ra sao? Sau tất cả những thời gian mà con giành để đi theo Ngài, con không còn lại thứ gì cả, chỉ với những tai tiếng mà thôi.

Sau đó ông thốt lên, “Không đâu, thưa Chúa, Ngài không thể làm điều đó!” (Diễn giải).

Chúa Giê-xu đã phải nhanh chóng chỉ ra suy nghĩ ích kỷ và thế tục của Phi-e-rơ. Ông đã không nhìn vấn đề theo cách nhìn của Chúa. Thế gian bị Sa-tan (“thần đời này” 2 Cô-rinh-tô 4:4) giáo dục chỉ nhằm tìm lợi ích riêng cho mình. Nước thiên đàng thì lại hoàn toàn trái ngược. Vì vậy để làm trọn ý muốn của Chúa, chúng ta phải đi ngược lại với trào lưu thế gian, ngay cả chúng ta phải làm khác với các “anh chị em trong Chúa” mà đã bị thế gian ảnh hưởng nặng đến lối suy nghĩ của họ. Phi-e-rơ không phải là người xấu, nhưng trong hoàn cảnh này suy nghĩ của ông đã bị méo mó theo thế gian mà không theo Chúa. Ông đã không chịu thay đổi trong tư duy của ông về cách mà sự việc diễn ra.

Một ví dụ khác đó là khi dân Y-sơ-ra-ên đi do thám xứ Ca-na-an. Họ đã ở trong đồng vắng hơn một năm khi Chúa bảo Môi-se hãy sai người đi thu thập thông tin do thám về vùng đất hứa, là nơi Chúa muốn họ chiếm lấy. Môi-se chọn ra 12 người đứng đầu của từng chi phái. Trong số đó có Giô-suê và Ca-lép.

Khi thu thập những thông tin về xứ, họ đưa ra những báo cáo trái ngược với những điều họ đã thấy và về những hành động họ nên tiến hành. Mười người trong số đó nói như thế này: “Tuy nhiên, cư dân xứ này thật mạnh mẽ; các thành họ rất lớn và có lũy bao bọc. Chúng tôi thấy dòng dõi của A-nác tại đó nữa. Người A-ma-léc ở trong xứ Nê-ghép, người Hê-tít, Giê-bu-sít và A-mô-rít ở trên vùng đồi núi; còn người Ca-na-an sống gần biển và dọc sông Giô-đanh.”... Nhưng những người kia là các bạn thám tử của Ca-lép lại nói: “Chúng ta không thể nào tấn công dân xứ đó vì họ mạnh hơn chúng ta.” Họ tuyên truyền trong vòng dân Is-ra-ên, dùng lời báo cáo sai lầm về xứ họ đã trinh sát. Họ nói: “Đất đai chúng tôi trinh sát đang ăn nuốt dân cư trong đó. Tất cả những người chúng tôi thấy đều thuộc hạng khổng lồ. (Dân 13:28-29, 31-32)

Ca-lép và Giô-suê mang về một báo cáo khác:

Lúc ấy, Ca-lép khuyến khích nhân dân trước mặt Môi-se mà bảo: “Chúng ta phải đi lên chiếm hữu đất đai này, chắc chắn chúng ta có thể thắng họ.”... Nếu CHÚA đẹp lòng chúng ta, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vào xứ ấy, là nơi đất đai đầy tràn sữa và mật, Ngài sẽ ban xứ ấy cho chúng ta. Chỉ xin anh chị em đừng nổi loạn chống nghịch CHÚA. Đừng sợ dân xứ ấy vì chúng ta sẽ nuốt chửng họ đi. Sự bảo hộ họ đã bị rút đi rồi, nhưng CHÚA đang ở với chúng ta. Đừng sợ họ!” (Dân 13:30; 14:8-9)

Tất cả mười hai người đều đi trinh sát vùng đất. Họ nhìn thấy cùng một vùng đất, cùng một thành phố và cùng dân cư. Tại sao mười người trở về báo cáo cách này còn hai người còn lại lại đưa ra báo cáo trái ngược như vậy? Chính là cái nhìn!

Chúa nói về Giô-suê và Ca-lép rằng họ có tinh thần khác biệt vì họ hết lòng đi theo Chúa (Dân 14:24). Nói cách khác, họ tránh khỏi những ước muốn của con người để làm theo ý muốn Chúa. Họ nhìn bởi cái nhìn của Chúa chứ không bởi quan điểm cá nhân. Đây là chìa khóa để hiểu tại sao mười thám tử kia thấy cùng một sự việc mà lại có cách nhìn khác với Giô-suê và Ca-lép. Mười thám tử kia chú trọng đến sự an nhàn, sự đảm bảo và gia đình của họ hơn là ước muốn của Chúa. Đời sống họ bị dẫn dắt bởi những gì tác động tới họ, chứ không phải vương quốc của Chúa. Họ không nhận biết rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ họ và sẽ ban cho họ sự thành công trong tất cả những điều mà Ngài đặt để phía trước họ. Dân sự cũng có cùng suy nghĩ sai trật này, vì họ nói rằng:

Tất cả dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm chống nghịch Môi-se và A-rôn. Toàn dân nói với hai ông: “Ước gì chúng tôi đã chết tại Ai-cập, hoặc qua đời trong sa mạc cho rồi! Tại sao CHÚA đem chúng tôi ra khỏi đất ấy để bắt chúng tôi phải ngã chết dưới lưỡi gươm? Vợ con chúng tôi sẽ trở thành chiến lợi phẩm. Chúng tôi quay về Ai-cập chẳng hơn sao?” (Dân 14:2-3).

Dân Y-sơ-ra-ên nhớ lại “những ngày tháng quá khứ dĩ vãng tốt đẹp” ở Ai-cập, khi họ được ăn no bụng và ổn định. Những gì họ đang đối mặt bây giờ dường như khó khăn hơn rất nhiều so với cảnh áp bức khi còn là nô lệ ở Ai-cập. Tất cả họ đều kháng cự với sự thay đổi tất yếu. Họ tìm thấy sự an toàn trong những khung cảnh quen thuộc nơi sa mạc, mặc dù đó là đời sống du mục rày đây mai đó và chế độ ăn uống dưới mức tiêu chuẩn. Và hậu quả là họ không bao giờ nhìn thấy được đất hứa và không bao giờ làm trọn ý muốn của Chúa cho cuộc đời họ. Dù vậy, Giô-suê và Ca-lép vẫn tiếp tục đi tới. Sự chống đối mà họ đối diện đến từ chính những “người anh em” của mình, là những người muốn họ phải yên lặng: “Nhưng toàn thể nhân dân bàn nhau đòi ném đá hai người.” (Dân 14:10). Những người chống đối Giô-suê và Ca-lép có một tâm trí chưa được đổi mới và bị đồng hóa theo cách nghĩ và cái nhìn của thế gian. Và họ bị mắc kẹt trong đường lối riêng của họ ... trong lối suy nghĩ bị bỏ rơi của họ.

Cũng giống như Giô-suê và Ca-lép trước đây, Phao-lô nói rằng ông phải quên đi những điều đã qua, phóng mình đuổi theo những điều phía trước, nhắm mục đích đoạt được giải thưởng trên trời (Phi-líp 3:14).

Hãy xem lại Ê-sai 43:18-19, những lời dạy này chắc chắn khích lệ chúng ta ngày nay:

“Đừng nhớ đến những việc trước kia, cũng không nên suy nghĩ đến những điều xưa cũ. Này, Ta đang làm một điều mới. Bây giờ nó đang xuất hiện, các ngươi không nhận thấy sao? Phải, Ta sẽ làm một con đường trong sa mạc, tạo các sông nơi đồng hoang.”

Buồn thay, ngày nay có rất nhiều người thậm chí muốn sống trong “sự an toàn” của sự nô lệ hơn là bước vào sự tự do, làm trọn ý muốn của Chúa cho họ. Họ lo sợ về những thay đổi phía trước hơn là những hoàn cảnh quen thuộc mà họ đã từng bị áp chế. Lại có những người khác chỉ bằng lòng với những điều Chúa đã làm cho họ trong quá khứ mà không sẵn lòng để tiến đến những thách thức mới. Chúa hẳn đã làm những điều lớn lao tuyệt vời qua họ, nhưng họ chỉ cứ dừng chân cắm trại an nghỉ ở cái quá khứ thành công của họ.

Vâng theo ý muốn của Chúa đem đến sự sống, sự tự do và là cách duy nhất để chúng ta tìm thấy sự mãn nguyện. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại việc nhắm tới phía trước dường như là bất khả thi đối với bạn. Qua Ê-sai, Chúa nói rằng Ngài sẽ làm một điều mới, “suối nước sẽ tuôn ra trong nơi sa mạc.” Hay nói cách khác, khi chúng ta đi theo Thánh Linh để hoàn tất những điều mà Ngài ao ước, chúng ta sẽ tìm thấy mình rơi vào hoàn cảnh tưởng chừng như bế tắc và khô hạn. Nhưng như chúng ta biết, việc gì con người không làm được thì Đức Chúa Trời làm được cả (Lu-ca 18:27). Vì phía bên kia của kinh nghiệm đồng vắng là một đời sống sung mãn, đắc thắng và thỏa nguyện.

Đừng giống như mười thám tử kia và hết thảy dân Y-sơ-ra-ên là những người không chịu nắm chặt lấy ước muốn của Chúa và đã chống cự những thay đổi nhằm giải phóng họ khỏi những khốn khổ trong sa mạc. Thay vào đó, với đức tin hãy chiếm lấy xứ hứa về phần thưởng trên trời mà Chúa dành cho bạn!



bottom of page