top of page

2. Từ Tây Sang Đông

Hung Tran

Apr 28, 2024

Khuôn mẫu thời tiết phổ biến của vùng đất Trung Đông nầy chạy từ tây sang đông...



Phần một: Tổng Quan Xứ Thánh.



Vùng đất từ Tây sang Đông.


Khuôn...

...mẫu thời tiết phổ biến của vùng đất Trung Đông nầy chạy từ tây sang đông.


Bắt đầu trên Địa Trung Hải, gió, mây, và mưa trước hết băng ngang qua vùng đồng bằng duyên hải Phi-li-tin. Rồi chúng hạ thấp xuống để chạy qua những vùng đồi tròn trịa của Shephelah, [2] : Shephelah từ Hebrew có nghĩa là vùng chân đồi, để chỉ phần thung lũng dọc phía Tây, vùng canh tác chính của Palestine, nằm giữa vùng đồng bằng duyên hải Palestine và các dãy núi trung tâm: và vùng núi non Giu-đê thuộc phần giữa của vùng đất nầy. Tiếp theo là kẻ nứt sâu của thung lũng Giô-đanh, và cuối cùng là vùng cao nguyên bên kia sông Giô-đanh của xứ Ê-đôm và Mô-áp cổ đại. Một lần nữa, tính chất chật chội của vùng lãnh thổ nầy cần được ghi nhớ. Băng ngang vùng đất nầy từ tây sang đông không đòi hỏi một hành trình dài tương tự một chuyến đi xuyên lục địa từ Pháp sang Nga. Vành đai nầy, vùng đất có ý nghĩa nhất trong lịch sử thế giới, có chiều ngang không quá 80 dặm (128 km) khi du khách đi từ bờ biển Địa Trung Hải xuyên qua Giê-ru-sa-lem đến vùng sa mạc phía bên kia sông Giô-đanh.


Vùng bờ biển Địa Trung Hải.



Những vùng bờ biển và hải đảo xa xôi của Địa Trung Hải đối với người dân Palestine là “những phần tận cùng của thế giới”. Vùng biển lớn nầy có tên gọi như thế do nó có vị trí nằm “chính giữa các vùng đất”, và những lãnh thổ nầy nằm ở rìa ngoài của thế giới theo sự hiểu biết của các dân tộc thời Kinh Thánh.


Vì thế khải tượng tiên tri về một sự bành trướng toàn cầu đức tin vào một Đức Chúa Trời hằng sống chân thật và Đấng Cứu Chuộc một nhân loại tội lỗi được mô tả như là một hành động vươn đến những hải đảo xa xôi (EsIs 42:4). Khi Giô-na quyết định chạy trốn đến Ta-rê-si, ông nhắm vào bán đảo Iberique (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay), là giới hạn bên ngoài của thế giới theo sự hiểu biết của ông. Thật trớ trêu, khi nỗ lực ngăn chặn sứ điệp ăn năn và đức tin đến với dân Ni-ni-ve ngoại đạo nhằm bảo vệ vị trí được ưu đãi của Y-sơ-ra-ên, Giô-na trở thành công cụ của Đức Chúa Trời để truyền bá tin tức tốt lành đến “phần cuối cùng của đất” qua việc cải đạo trên thuyền của các thủy thủ ngoại đạo khi họ tìm đường đến Ta-rê-si.


Sứ đồ Phao-lô là sứ giả được lựa chọn của Đức Chúa Trời cho các quốc gia đã quyết tâm đạt được cùng một mục tiêu như Giô-na (RoRm 1:10, 13, 15:23-24). Ông trông mong “đi ngang qua” thành phố thủ đô của thế giới. Nhưng ông không sợ làm tổn thương cảm xúc của người Rô-ma khi ông nói thẳng rằng mục tiêu của ông không phải là thành phố to lớn của họ, vì ông phải làm trọn mục đích của Đức Chúa Trời bằng cách đem Phúc-âm đến “đầu cùng trái đất.” Một lần nữa thật hiển nhiên là Đức Chúa Trời đã xác định mục đích rõ ràng khi Ngài cẩn thận chọn dải đất hẹp gọi là Ca-na-an nầy để làm cầu nối ba lục địa. Áp-ra-ham phải rời khỏi U-rơ xứ Canh-đê và đi đến vùng đất xa xôi nầy lâu lắm trước khi ông biết rằng nó giáp bờ Địa Trung Hải bởi vì Đức Chúa Trời dự định rằng dòng dõi của vị tổ phụ được lựa chọn nầy phải trung chuyển các ơn phước của sự cứu chuộc cho mọi quốc gia trên thế giới.


Đồng bằng Phi-li-tin và Sa-rôn.


Đồng bằng duyên hải Phi-li-tin và Sa-rôn không có các cảng nước sâu tự nhiên để thiết lập vùng nầy thành một trung tâm thương mại thế giới. Những bãi biển cạn, đầy cát đặc trưng cho vùng bờ tây của Xứ Thánh chứ không phải là những vịnh (inlets) và hải cảng như ở Hy-lạp và Ý. Đây đó trong những thành phố như Ách-ca-lôn, Giốp-bê, Đô-rơ, và A-cô, cũng có những vùng nước đủ sâu cho tàu thuyền ra vào. Người Phê-ni-xi và các cư dân Ty-rơ ở phía bắc trở nên khéo léo trong việc buôn bán bằng đường thủy. Nhưng người Y-sơ-ra-ên không bao giờ nổi tiếng về những thành tựu hàng hải đáng giá. Sa-lô-môn thiết lập được thương mại hàng hải có ý nghĩa, nhưng hoạt động của ông chủ yếu tập trung vào cảng Ê-lát (Ê-xi-ôn Ghe-be), nằm trong vịnh Aqabah ngày nay. Thật sự có trường hợp vị vua tốt như Giô-sa-phát lại thiết lập một liên minh tồi tệ với vị vua gian ác A-cha-xia của Y-sơ-ra-ên. Hậu quả là có một vụ đắm tàu bi thảm dành cho những nỗ lực nhằm “chinh phục thế giới” bằng đường biển của Y-sơ-ra-ên (cf. IISu 2Sb 20:35-37). Đến một tầm mức lớn hơn, vùng dồng bằng duyên hải vẫn cứ là một lãnh thổ không chiếm hữu được trong lịch sử phát triển của Y-sơ-ra-ên, mặc dù tác gỉa Thi-thiên cứ đứng chiêm ngưỡng những người đi biển xuống tàu, chăm chú vào những điều kỳ diệu của vực sâu (Thi Tv 107:23-24).


Những ngọn đồi nhấp nhô.


Trong vòng 20 km của vùng duyên hải Phi-li-tin đi về hướng đông là đến những ngọn đồi nhấp nhô có tên gọi là Shephelah : Những ngọn đồi vui mắt nầy và các vùng trũng tạo thành những thung lũng rộng tự nhiên mở vào vùng nội địa. Do đó, phần lãnh thổ nầy luôn luôn có ý nghĩa quân sự với tư cách là tuyến phòng thủ đầu tiên cho Giê-ru-sa-lem và vùng phụ cận. Khi các đoàn quân di chuyển dọc theo vùng đồng bằng duyên hải từ Châu Âu và Châu Á hướng về phía Ai-cập và Châu Phi, họ thường đi vào những thung lũng nầy như là con đường dễ đi nhất đến thủ đô của vùng đất nầy. Vì thế Shephelah trở thành chiến trường khốc liệt giữa Y-sơ-ra-ên và các kẻ thù xâm lược. Tại một trong những thung lũng nầy, Sam-sôn lấy lại uy thế chống quân Phi-li-tin với xương hàm của một con lừa (Cac Tl 14:1-15:20). Trong một thung lũng khác (Ê-la), cậu bé Đa-vít và tên khổng lồ Gô-li-át có trận đánh nổi tiếng trong khi quân đội hai bên đứng xem (ISa1Sm 17:1-58). Cũng trong một thung lũng khác tại vùng nầy, người A-sy-ri râu sậm tên là San-chê-rip đã bao vây tuyến phòng thủ cuối cùng của Y-sơ-ra-ên tại La-ki và sai sứ giả đến Giê-ru-sa-lem, đòi họ đầu hàng vô điều kiện (IIVua 2V 18:17-26). Như là những con đường dẫn đến vùng trung tâm của xứ, vị trí chiến lược của những thung lũng nầy giải thích tầm quan trọng của món quà hồi môn Ghê-xe, một thành kiên cố trong vùng Shephelah, mà vua Ai-cập ban cho Sa-lô-môn (IVua 1V 9:16). Bởi hành động nầy, vinh quang của vị vua được xức dầu của Y-sơ-ra-ên, đấng “Mê-si-a” của họ, được nhìn thấy khi ông thực sự vô hiệu hoá mọi khả năng tấn công quân sự của cường quốc Ai-cập.

Dù sự nhượng bộ nầy có bị che phủ bởi cuộc hôn nhân có động cơ chính trị giữa Sa-lô-môn với con gái Pha-ra-ôn, sự vinh quang của đế chế Y-sơ-ra-ên đang bành trướng đã trở nên hiển nhiên. Nếu không vị vua Ai-cập nầy chẳng bao giờ nghĩ đến việc thiết lập một hoà ước không thể phá vỡ với người hàng xóm trước đây chẳng có nghĩa lý gì ở phía bắc.


Vùng núi trung tâm.


Sau những ngọn đồi nhấp nhô của vùng Shephelah là vùng núi trung tâm của vùng đất. Cao lên nhanh chóng từ mực nước biển Địa Trung Hải đến một độ cao khoảng 2.400 bộ (730m) tại Giê-ru-sa-lem, vùng xương sống núi non nầy chạy từ nam đến bắc theo một khoảng cách độ 145 km. Rặng núi trung tâm nầy nối Hêp-rôn ở phía nam Giu-đa với các đỉnh núi Ga-ri-xim và Ê-banh tại Sa-ma-ri, và tiếp tục đến núi Ghinh-bô-a ở rìa phía nam của dồng bằng Gít-rê-ên tại Ga-li-lê. Chính trong những ngọn đồi nằm trái đường của lãnh thổ Giu-đê mà các sự kiện có ý nghĩa nhất của lịch sử thế giới đã diễn ra. Trong một không gian chật hẹp khoảng chừng 32 km2, công trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời vốn định hình lịch sử thế giới đã khởi nguồn và trở thành những hiện thực được hoàn tất (consummate realizations). Những tế lễ đầu tiên của Áp-ra-ham khi ông đặt chân đến vùng đất nầy và tế lễ cuối cùng bằng chính Đức Chúa Giê-xu Christ diễn ra trong miền tương đối mờ nhạt nầy.


Chẳng phải Đức Chúa Trời của Kinh Thánh đã chọn nơi chốn đặc biệt nầy làm vũ đài cho sự kiện quan trọng nhất của lịch sử thế giới sao? Mọi con đường của thế giới không tự nhiên dẫn đến chốn thánh khiết nầy. Thật vậy, những con đường mòn được nhiều người đi lại của khu vực hoàn toàn bỏ qua lãnh thổ trung tâm nầy của vùng đất của Kinh Thánh. Đúng ra, con đường được gọi là “xa lộ tổ phụ” (patriarchal highway) uốn lượn dọc theo sườn núi chạy xuyên qua khu vực nầy. Nhưng những con đường quốc tế chính yếu chạy theo vùng dồng bằng duyên hải và sườn phía đông của vùng phía bên kia sông Giô-đanh. Để có mặt trong phần lãnh thổ nầy, trước hết người ta phải quyết tâm đi đến đó. Ngay cả ngày nay, Giê-ru-sa-lem cũng không thể khoe khoang về một sân bay quốc tế. Thành phố Tel Aviv ít nổi tiếng hơn phải phục vụ như người chủ nhà đầu tiên tiếp đón đám đông khách hành hương đến thăm vùng đất của Kinh Thánh.


Tại vùng đồi núi trung tâm nầy, Áp-ra-ham và Sa-ra nhận được lời khẳng định về những lời hứa liên quan đến đất đai của họ, dòng giống của họ, và định phận của họ là làm một ơn phước cho toàn thế giới (SaSt 12:6-7). Bước vào chính miền nầy, Giô-suê tổ chức khẳng định giao ước tại đúng chỗ mà Môi-se đã chỉ định trước đó theo mệnh lệnh Chúa truyền (PhuDnl 11:29-30, 27:12-13, Gios Gs 8:30-35).

Cũng chính dọc theo rặng núi trung tâm nầy Đa-vít được xức dầu và bắt đầu cai trị tại miền cao nguyên Hếp-rôn (IISa 2Sm 2:1-4). Trong miền nầy Sa-lô-môn xây dựng đền thờ tráng lệ cho Chúa, và tại chính địa bàn nầy Xô-rô-ba-bên giám sát việc khôi phục khiêm hạ của nó sau những tàn phá của cuộc lưu đày. Tại vùng đồi phía nam của Giu-đê, Trinh Nữ hạ sinh Con nhập thể của Đức Chúa Trời tại Bết-lê-hem; và tại vùng đồi núi gần Giê-ru-sa-lem, Ngài trở lại với đỉnh điểm của chức vụ Ngài trên đất. Đức Chúa Giê-xu không du hành đến A-thên, Rô-ma, hoặc Cai-rô để thi hành công tác hi sinh, cứu chuộc cuối cùng của Ngài. Thay vào đó Ngài trở lại trong phạm vi mười cây số của nơi Ngài đã được sinh ra.

Tại chính trên những ngọn núi nầy và trên con đường về Em-ma-út gần đó, lần đầu tiên Ngài tỏ mình là Đấng Chiến Thắng trên kẻ thù cuối cùng của dân tộc Ngài. Cũng chính tại đây Ngài thăng thiên trong sự vinh hiển về với Cha, và từ vị trí được tôn cao trên thiên đàng Ngài đổ Đức Thánh Linh ban sự sống trên các môn đồ Ngài đang nhóm họp tại đây.


Không có nơi nào trên đất giống như chỗ nầy. Dồn nén trong một không gian đi bộ khoảng một ngày, những sự kiện trọng đại nhất trong công tác của Đức Chúa Trời trên thế giới đã diễn ra. Đây là nơi người ta có thể nghiên cứu cho đến khi họ cảm nhận được một điều gì đó về sự kỳ diệu trong công tác của Đức Chúa Trời trên thế giới nầy.


Thung lũng sông Giô-đanh.


Nhưng không kém phần tuyệt vời, ít nhất như một hiện tượng địa hình học (topological), là phần tiếp theo của xứ khi người lữ khách tiếp tục đi về hướng đông. Cách Giê-ru-sa-lem chưa đầy hai mươi dặm (khỏang 33km) là thung lũng (rift) sông Giô-đanh:


Xa tít về phía bắc những dòng tuyết tan của núi Hẹt-môn đổ vào luồng nước chảy ào ào xuyên qua hồ Hu-lê và biển Ga-li-lê, đổ xuống dòng sông Giô-đanh cuồn cuộn uốn khúc cho đến khi đổ hết mọi phù sa tích luỹ được vào Biển Chết, điểm thấp nhất trên bề mặt trái đất. Chỉ trong hơn 150 km, vùng đất nầy sụt đột ngột từ 9.200 feet (2800m) trên mực nước biển tại đỉnh núi Hẹt-môn xuống tới 1.300 feet (396m) dưới mực nước biển tại bề mặt của Biển Chết. Chính kẻ nứt sâu địa lý nầy còn tiếp tục đi xuống dọc theo nửa phần phía đông của Phi Châu, tạo nên các hồ, sông, và thung lũng dọc theo đó.


Sông Giô-đanh! Biết bao chuyện kể, bài ca, và huyền thoại bao quanh dòng nước sôi động nầy! Chẳng nghi ngờ gì người ta đã hát về nó, cầu nguyện về nó, và giảng dạy về nó bằng nhiều ngôn ngữ và thổ ngữ hơn bất cứ dòng sông nào trên thế giới.


Dòng sông Giô-đanh ấy,

Quá lạnh lẽo thờ ơ,

Khiến thân hình run rẩy,

Chứ không phải linh hồn:


Bởi vì vùng đất Ca-na-an như là hình ảnh của sự yên nghỉ đời đời lại nằm ở bờ “bên kia” của nó, nên dòng nước mát lạnh của sông Giô-đanh từng cuồn cuộn trôi qua lịch sử như một vạch phân chia biểu tượng giữa thế giới nầy và thế giới hầu đến. Nhưng dòng sông lớn nầy có đủ tầm quan trọng trong chính Kinh Thánh mà không cần đến sự cường điệu (accretions) không tránh khỏi qua các thời đại. Tại đây Giô-suê đã bảo rằng bàn chân của các thầy tế lễ phải chạm vào dòng nước lụt ấy để mở đường cho quốc gia Y-sơ-ra-ên đi ngang qua trên đất khô (Giô-suê 3). Tại các chỗ cạn của dòng sông nầy các chiến binh Y-sơ-ra-ên đã áp dụng bài trắc nghiệm “Si-bô-lết”, và từ vùng rừng rậm của Giô-đanh xuất hiện hình ảnh của sự thách thức dữ dội mà vị tiên tri của Chúa phải đương đầu (Cac Tl 12:4-6, Gie Gr 12:5-6).

Cũng tại đây Giăng Bap-tít trước hết rao giảng Phúc-âm của sự ăn năn để được tha tội, và với nước sông ấy ông làm bap-têm cho Đấng mà ông thấy mình không xứng đáng để cởi quai dép Ngài (Mat Mt 3:13-17, GiGa 1:27). Hẹt-môn, nơi dòng tuyết tan thành nguồn nước của sông, rất có thể lắm là địa điểm nơi Chúa hoá hình, hồ Ga-li-lê là một nơi nổi bật cho chức vụ và các phép lạ của Ngài. Trên chuyến hành trình cuối cùng, dài ngày về Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Giê-xu băng ngang sông Giô-đanh rồi đi ngược lại để làm trọn chức vụ rao giảng và dạy dỗ. Như một trạm dừng chân cuối cùng trước khi lao mình vào những sự kiện náo động trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời mình, Ngài dừng lại bên thung lũng Giô-đanh tại Giê-ri-cô đủ lâu để ban lại ánh sáng cho cho người mù Ba-ti-mê và thay đổi đời sống của Xa-chê nhỏ nhắn.


Tại cuối con đường đi ngoằn ngoèo của dòng sông là Biển Chết, mà tự nó đã là một hiện tượng địa lý đáng kinh ngạc. Mặc dù không nhất thiết phải chú ý rằng mực nước của biển nầy thấp hơn mực nước biển trung bình 396m, thì nửa phần nước phía bắc của nó chìm xuống một đáy nước nằm thấp hơn bề mặt của chính nó thêm khỏang 400m nữa. Nước của biển nầy không có lối ra, và bởi quá trình bốc hơi đã trở nên mặn đến nỗi hầu như không có sinh vật nào có thể sống nổi ở đây. Quanh vùng nước cạn ở phía nam người ta có thể tìm thấy một số cấu tạo của đá có hình thù kỳ dị, mà một số người đã cho rằng đó là bia kỷ niệm cổ xưa của vợ Lót, người có không thể rời mắt khỏi các thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ trong khi chúng bị tiêu diệt (SaSt 19:23-26). Địa điểm của các thành phố cổ xưa trên đây có thể nằm trong chính miền nầy. Nhưng kỷ niệm của chúng còn lưu giữ lâu dài là qua lời cảnh cáo của Chúa. Người nào quên mất lời quở trách sắc bén “hãy nhớ lại vợ của Lót” có thể phải chịu một số phận tương tự khi những hoàn cảnh đem lại sự sụp đổ cho họ (LuLc 17:28-32).


Những độ dốc cao lên đột ngột từ bờ tây Biển Chết về phía hoang mạc xứ Giu-đê tạo nên những hẽm sâu, đây đó có vài dòng suối. Chính tại chỗ nầy Đa-vít ẩn mình khỏi vị vua Sau-lơ điên cuồng tại Ên-ghê-đi, chờ đợi Chúa hành động để khẳng định vai trò của mình là nhà cai trị được xức dầu của Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 24). Cũng chính tại đây, một ngàn năm sau đó, những người mộ đạo Qumran đến cư trú để chờ đợi Đấng Mê-si-a mà họ mong đợi sẽ dẫn họ ra khỏi hoang mạc vào trong một thành Giê-ru-sa-lem được thanh tẩy. Dọc theo bờ phía đông của cùng khu vực nầy, vùng đá lởm chởm nhô lên còn đột ngột hơn tạo thành những đỉnh cao của vùng phía bên kia sông Giô-đanh (Transjordan), là phần cuối trong vùng đất của Kinh Thánh khi du khách di chuyển từ tây sang đông.


Vùng phía bên kia sông Giô-đanh. (The Transjordan)


Từ ngữ phía bên kia sông Giô-đanh (Transjordan ) bắt nguồn từ góc nhìn về phía đông từ bờ tây của sông Giô-đanh. Môi-se nói về các lãnh thổ của người Am-môn và Mô-áp như là vùng đất “ngang qua sông Giô-đanh” (trans-Jordan) mặc dù chính ông chưa bao giờ xem xét vùng đất nầy từ góc nhìn đó. Vì ông sống trong sự chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ vùng đất Ngài đã hứa. Mọi thế hệ tương lai của Y-sơ-ra-ên đều xem vùng lãnh thổ nầy là “phía bên kia sông Giô-đanh” hoặc “Transjordan (xuyên Giô-đanh).”


Y-sơ-ra-ên đã tiến vào Đất Hứa xuyên qua vùng Phía Bên Kia Sông Giô-đanh bởi vì bốn mươi năm trước đó dân Chúa thiếu đức tin để nhận lấy phần sản nghiệp đã định cho họ. Dù vậy do việc đổi lộ trình nầy, dân chúng làm quen với vùng cao nguyên Ê-đôm và Mô-áp, cũng như vùng đồng cỏ màu mỡ của Ga-la-át và Ba-san. Một phần của lãnh thổ nầy cuối cùng được chia cho các chi phái Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se.


Dòng dõi của Ê-đôm, Mô-áp và Am-môn có liên hệ với dòng dõi Áp-ra-ham qua dòng Ê-sau và bởi hành động vô luân của Lót, cháu Áp-ra-ham với các con gái mình (SaSt 19:36-38). Xuyên suốt lịch sử Áp-ra-ham, những dân tộc nầy cứ liên tục cướp phá con dân của Đức Chúa Trời. Nhưng đến cuối cùng, ân điển của Đức Chúa Trời chiếm ưu thế ngay cả trong tình huống rối ren nầy. Ru-tơ, dòng dõi Mô-áp, trở nên tổ mẫu của các tổ phụ đáng kính của Đa-vít, và cuối cùng được bao gồm trong dòng tộc của Chúa Giê-xu (Ru R 4:13-17, Mat Mt 1:5). A-mốt nói tiên tri về ngày mà dân Ê-đôm ở phía bên kia sông Giô-đanh sẽ chia phần ngang bằng với tuyển dân của Đức Chúa Trời. Dù là “Dân Ngoại,” họ sẽ mang danh của Chúa, sống trong lều trại được phục hồi của Đa-vít (AmAm 9:11-12).

Lời dự đoán tiên tri nầy về việc bao gồm các kẻ thù lâu đời của con dân Đức Chúa Trời tìm được hiện thực lịch sử của nó trong việc tuôn đổ Đức Thánh Linh trên Dân Ngoại mà không cần họ phải trở nên người Do-thái (Cong Cv 15:12-18). Việc Đức Chúa Trời tuôn đổ ơn phước lớn lao nhất của Ngài trên những dân tộc trải qua các thời đại vốn chống nghịch với con dân Đức Chúa Trời tỏ bày có tính chất biểu tượng dự định của Chúa là ban phước cho mọi dân tộc trên thế giới qua dòng dõi Áp-ra-ham. Vì nếu Ê-sau và Mô-áp có thể trở nên những người thừa kế trong lời hứa cứu chuộc của Đức Chúa Trời, thì các dân tộc của mọi quốc gia khác trên đất chắc chắn cũng được bao gồm.


Du hành xuyên qua Đất Hứa từ tây sang đông có thể cung ứng nhiều sự hiểu biết sâu sắc về mục đích của Đức Chúa Trời cho toàn thế giới. Theo một kiểu mẫu vi mô thiết kế của vùng đất nầy phục vụ như một phương tiện cho sự hiện thân của chân lý Đức Chúa Trời đã dự định cho mọi dân tộc. Những hiểu biết sâu sắc tương tự có thể tìm được qua một tổng quan về vùng đất nầy dựa trên một hành trình từ nam đến bắc.



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page