top of page

BẠN CÓ HỔ THẸN VÌ TIN LÀNH KHÔNG?

Hung Tran

Apr 18, 2023

Tại sao lại phải thêm Chúa vào cuộc sống trong khi họ đang sống rất ổn? Tại sao họ lại không thể tiếp tục theo đuổi Giấc mơ Mỹ của mình?



Chia...

...sẻ Phúc-âm giống như là tấm thẻ quà tặng tại buổi sinh nhật của trẻ nhỏ – một món quà miễn cưỡng mà tôi hy vọng chúng sẽ không mở ra trước mặt tôi. Bạn hiểu cảm giác đó chứ?

Nếu vậy thì chúng ta giống nhau rồi đấy.

Ti-mô-thê là học trò của sứ đồ Phao-lô, ông là một thanh niên trẻ tuổi có sứ mạng lớn lao. Ông được sai đi đến những nơi phố chợ, quảng trường và nhà dân để nói cho mọi người biết rằng Chúa Jêsus đã bị đóng đinh, bị chôn và đến ngày thứ ba Ngài sống lại, và đó chính là tin tức tốt lành dành cho họ, những tội nhân bị phân cách với Đức Chúa Trời.


Khi Nền Văn Hóa “Không Cần” Đến Tin Lành.


Ti-mô-thê được biết là người lãnh đạo miễn cưỡng, thường nhút nhát và lo sợ. Chúng ta biết được điều này bởi vì Phao-lô đã viết thư cho Ti-mô-thê để nhắc nhở ông về quyền năng mà chúng ta có trong Đức Thánh Linh để vượt qua sự nhút nhát (II Ti-mô-thê 1:7). Ti-mô-thê dường như cũng dễ bị bệnh (I Ti-mô-thê 5:23) và còn rất trẻ để đảm nhận vị trí ảnh hưởng của mình (I Ti-mô-thê 4:12).

Dù vậy, Ti-mô-thê được giao cho trách nhiệm để đem Tin Lành của Chúa Jêsus đến với một nền văn hóa không muốn nghe. Người dân Ê-phê-sô sống ở một nơi giàu có bậc nhất thế giới. Nhiều người trong số họ có cuộc sống thoải mái và sẵn sàng làm hài lòng các vị thần của mình để có được niềm vui và hạnh phúc.

Mọi thứ khá suôn sẻ đối với người dân Ê-phê-sô, vậy thì có ai cần đến Đức Chúa Trời? Có ai muốn nghe về một Đức Chúa Trời chịu đau khổ, bị giết trên thập tự giá và sống lại từ cõi chết, và giờ đây lại đang kêu gọi họ từ bỏ mạng sống mình mà bước theo Ngài?

Không có gì ngạc nhiên khi Ti-mô-thê nhút nhát và cảm thấy hổ thẹn về Tin Lành.

Và cũng dễ hiểu khi chúng ta nhút nhát và cảm thấy hổ thẹn về Tin Lành. Bạn có thấy sự tương đồng giữa sứ mạng của Ti-mô-thê và của chúng ta không? Giống như Ti-mô-thê, bạn và tôi đều được kêu gọi để đem Tin Lành đến nơi làm việc, đến với từng gia đình trong một thời kỳ mà nhiều người thờ ơ hay thậm chí chống đối Cơ-đốc giáo. Họ không biết rõ về Tin Lành, nhưng họ nghĩ rằng mình không cần đến bởi vì cuộc sống của họ đang rất tốt đẹp. Suy cho cùng, họ có chỗ ăn chỗ ở, có công việc để kiếm thu nhập và có điện thoại thông minh trong túi. Tại sao lại phải thêm Chúa vào cuộc sống trong khi họ đang sống rất ổn? Tại sao họ lại không thể tiếp tục theo đuổi Giấc mơ Mỹ của mình?

Những áp lực từ nền văn hóa khiến cho việc chia sẻ Tin Lành với gia đình và bạn bè trở nên khó khăn. Khi cảm thấy khó khăn, chúng ta phải nhớ đến lý do vì sao gọi đó là tin tức tốt lành, bởi vì điều đó sẽ giúp chúng ta chống lại sự dối trá cho rằng mọi người vẫn đang sống ổn mà không cần đến Tin Lành.


Trước Hết, Chúng Ta Phải Nhớ Tin Lành.


Chúng ta thật may mắn khi có lời khuyên của Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê. Trong bức thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, ông viết:

“Vậy, con chớ hổ thẹn khi làm chứng về Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn về ta, người tù của Ngài; nhưng hãy cậy quyền năng Đức Chúa Trời, cùng ta chịu khổ vì Tin Lành. Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bằng sự kêu gọi thánh, không phải do việc làm của chúng ta, nhưng theo mục đích riêng của Ngài và ân điển mà Ngài ban cho chúng ta từ muôn đời trước trong Đấng Christ Jêsus. Ân điển ấy bây giờ mới được thể hiện qua sự hiện đến của Đấng Christ Jêsus, Cứu Chúa chúng ta, Đấng đã tiêu diệt sự chết, dùng Tin Lành làm sáng tỏ sự sống và sự bất diệt.” (II Ti-mô-thê 1:8-10).

Trong lời khích lệ này, Phao-lô bảo Ti-mô-thê phải ghi nhớ Tin Lành. Ông muốn nhắc Ti-mô-thê nhớ về Tin Lành mà chính Ti-mô-thê đã tin, và ông đang kêu gọi Ti-mô-thê rao giảng Tin Lành đó cho chính mình; vì khi nhớ đến Tin Lành mà chúng ta đã tin, chúng ta sẽ nhận được năng quyền để công bố Tin Lành đó.

Bạn có hổ thẹn vì Tin Lành không? Bạn có e ngại khi nói về Chúa Jêsus cho người khác không? Vậy thì hãy nhắc nhở chính mình về Đức Chúa Trời, Đấng đã cứu bạn.

Khi tôi e ngại về việc chia sẻ Tin Lành với ai đó, tôi phải nhắc mình nhớ lại tôi là người thế nào trước khi biết đến Đấng Christ – Tôi đã chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình, sống theo cách của thế gian, thuận theo kẻ cầm quyền chốn không trung, sống theo những dục vọng của xác thịt, theo đuổi các đam mê của xác thịt và tâm trí, là con của sự thịnh nộ (Ê-phê-sô 2:1-3). Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì yêu tôi bằng tình yêu cao cả, nên ngay khi tôi đã chết vì những vi phạm thì Ngài khiến tôi cùng sống với Đấng Christ — ấy là nhờ ân điển mà tôi được cứu (Ê-phê-sô 2:4-5)!

Khi chúng ta rao giảng Tin Lành cho chính mình, chúng ta được nhắc nhớ về quyền năng của Tin Lành và ân điển của Đức Chúa Trời, điều đó cho chúng ta sức mạnh để rao giảng Tin Lành cho gia đình, bạn bè, người thân, đồng nghiệp của mình.


Phải Nhớ Ai Là Đấng Ban Năng Quyền Để Chúng Ta Chia Sẻ Tin Lành.


Còn một lý do khác nữa để chúng ta đừng cảm thấy hổ thẹn và e ngại khi chia sẻ Tin Lành. Ở phần sau của II Ti-mô-thê, Phao-lô chia sẻ cho Ti-mô-thê biết chính ông đã có được sự dạn dĩ từ đâu, ông nói: “Ta không hổ thẹn vì biết ta đã tin Đấng nào, và ta đoan chắc rằng Đấng ấy có quyền năng bảo vệ điều ta đã ủy thác cho đến Ngày ấy” (II Ti-mô-thê 1:12).

Điều quan trọng khiến Phao-lô có thể dạn dĩ chia sẻ Tin Lành là ông luôn nhớ rằng Đấng đứng đằng sau ông là Đức Chúa Trời. Phao-lô biết rõ quyền năng và sự oai nghi của Đấng mà ông tin cậy, và đức tin đó khiến ông tin chắc rằng khi ông dạn dĩ rao giảng Tin Lành cho mọi dân tộc, Chúa sẽ bảo vệ ông trong những nỗ lực của ông.

Cũng giống như Phao-lô, chúng ta cũng được ủy thác cho sứ mạng đem nhiều người vào vương quốc Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ mạnh mẽ và dạn dĩ khi nhớ rằng trong lúc chúng ta thực hiện sứ mạng phi thường đó, chính quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ mọi nỗ lực của chúng ta để chúng ta chia sẻ Tin Lành cho người khác.

Lòng can đảm để chia sẻ Tin Lành đến từ chính Tin Lành. Chúa đã ban cho chúng ta có Tin Lành, và dùng Tin Lành để cứu chúng ta, và Ngài cũng ban cho chúng ta năng quyền để rao giảng Tin Lành.

Lạy Cha, xin giúp môi miệng con luôn nói về ân điển của Ngài và xin giúp con luôn bày tỏ ân điển đó. Xin nhắc nhở con về ân điển và sự thương xót mà Ngài đã tuôn đổ trên con để con cũng tuôn tràn đến người khác nữa.


Our Daily Bread Ministries.



bottom of page