top of page

VƯƠNG QUỐC CỦA SA LÔ MÔN

Hung Tran

Jul 19, 2023

Sa-lô-môn thừa hưởng kết quả của những công trạng vua cha đạt được qua các nổ lực quân sự để thống nhất quốc gia, mở rộng bờ cõi Y-sơ-ra-ên và tranh thủ sự công nhận của các nước khác...



VƯƠNG QUỐC CỦA SA-LÔ-MÔN


* Kinh thánh: IVua 1V 1:1-11:43; IISu 2Sb 1:1-9:31

* Quãng thời gian: độ 971 - 931 TC


Ta có thể mô tả thời đại vàng son của Sa-lô-môn bằng hai chữ: hòa bìnhthịnh vượng. Sa-lô-môn thừa hưởng kết quả của những công trạng vua cha đạt được qua các nổ lực quân sự để thống nhất quốc gia, mở rộng bờ cõi Y-sơ-ra-ên và tranh thủ sự công nhận của các nước khác.

Bốn mươi năm cai trị của Sa-lô-môn được ghi lại trong I Các Vua và II Sử ký theo đề mục hơn là theo thứ tự năm tháng. Trong thập niên đầu, sử sách chú trọng vào việc xây cất và cúng hiến đền thờ. Vua tiếp tục xây cung điện và hoàn tất sau mười ba năm. Những cuộc khai quật gần đây cho thấy còn có nhiều hoạt động nữa mà Kinh Thánh chỉ phớt qua. Vì không biết thứ tự theo thời gian, ta phân tách những sự kiện trong 2 sách này theo đề mục.

III. Tài trị nước của vua IVua 1V 3:16-4:34.


SA-LÔ-MÔN LÊN NGÔI VUA


Lúc Đa-vít sắp lâm chung, A-đô-ni-gia (Adonijah) được Giô-áp và thượng tế A-bia-tha (Abiathar) ủng hộ xức dầu cho làm vua, nhưng tiên tri Na-than và Bát-sê-ba mẹ của Sa-lô-môn đến tâu với vua nhờ đó Sa-lô-môn được công nhận là vua. Tế sư Xa-đốc đã xức dầu cho Sa-lô-môn làm vua ở phía đông núi Ô-phen (Ophel). Quần chúng tung hô “Vua Sa-lô-môn vạn tuế“ Khiến phe A-đô-ni-gia bỏ trốn.


Sau đó, Sa-lô-môn chính thức làm lễ đăng quang và được toàn dân công nhận (ISu1Sb 28:1-5). Trước sự hiện diện của các viên chức và chính khách đại diện cho toàn dân, Đa-vít vạch cho dân chúng thấy trách nhiệm của họ đối với Sa-lô-môn, vị vua của Thượng Đế lựa chọn. Đa-vít cũng nhắc nhở riêng cho con nhớ trách nhiệm phải vâng giữ Luật Pháp Môi-se (IVua 1V 2:1-12)


Nhiều việc xảy ra khi Sa-lô-môn lên ngôi . A-đô-ni-gia xin cưới A-bi-sa, cô gái Su-nem, nên bị Sa-lô-môn cho là có ý phản và đem xử tử. Vua đày tế sư A-bia-tha đến A-na-tốt; điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri đã nói với Hê-li (Xem ISa1Sm 2:27-36; IVua 1V 2:26, 27). Giô-áp cũng bị xử tử vì đã ủng hộ A-đô-ni-gia làm phản và vì những tội đã làm dưới đời Đa-vít.


Là một thanh niên chỉ mới hai mươi mấy tuổi, Sa-lô-môn cảm thấy cần sự khôn ngoan để lãnh đạo quốc gia. Trong khi dâng tế tại Ga-ba-ôn là nơi đặt đền tạm và bàn thờ bằng đồng, vua đã được Chúa hứa sẽ ban sự khôn ngoan như lời vua cầu xin. Nếu vua vâng phục Ngài, Ngài sẽ còn ban cho vua giàu có, tôn trọng và sống lâu nữa.


Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn vua nước Y-sơ-ra-ên trở thành một nhân tố gây nhiều thán phục. Câu chuyện xử án ghi trong 3:16-28 chỉ là một ví dụ của nhiều quyết định khôn ngoan của vua. Đối ngoại, danh tiếng vua đồn ra theo làn sóng giao thương (IISu 2Sb 1:14-17).


Vương quốc của Sa-lô-môn có lẽ rất đơn sơ lúc đầu nhưng dần dần thành một cơ cấu tổ chức vĩ đại để kiểm soát cả đế quốc rộng lớn. Vua là người xử chung thẩm.

IVua 1V 4:16 liệt kê danh sách bổ nhiệm của vua nhiều hơn thời Đa-vít. Cả nước được chia thành mười hai khu vực để đánh thuế.

Mỗi khu vực lo thu và dự trữ sản phẩm thu được trong kho, và cứ mỗi tháng trong năm luân phiên nhau cung cấp cho chính phủ trung ương.

Mỗi ngày, cung vua và quân đội cùng nhân viên xây cất tiêu thụ khoảng 300 đấu bột lọc, 70 đấu bột mì, 10 con bò nuôi béo, 20 con bò nuôi thả, 100 con cừu, cùng nhiều gia súc vật và gà vịt khác (4:22-23).

Vua cũng tăng cường cho quân đội 1400 chiến xa, 12000 kỵ binh đồn trú tại Giê-ru-sa-lem và các thành phố chiến xa khác. Điều này đòi hỏi phải cung cấp thêm lúa mạch và cỏ khô, ngoài nghĩa vụ thuế má. Nhờ tổ chức giỏi, quản trị khéo, Y-sơ-ra-ên duy trì được sự phồn vinh và tiến bộ.


CHƯƠNG TRÌNH XÂY CẤT


Đền thờ do Sa-lô-môn cất là cao điểm của lịch sử tôn giáo Y-sơ-ra-ên , thể hiện niềm ước vọng của Đa-vít dựng nên một nơi thờ phượng cố định. Những biến cố quan trọng gồm có:

II. Cung điện vua Sa lô môn IVua 1V 7:1-8.

Qua những hiệp ước với Hi-ram, vị vua giàu có và thế lực của Ty-rơ và Si-đôn đã từng tiếp xúc buôn bán với tất cả các nước bao quanh Địa Trung Hải, vua Sa-lô-môn đã có được một nguồn cung cấp nguyên liệu phong phú. Người Phê-ni-xi rất tiến bộ về kiến trúc và kỹ thuật sử dụng các vật liệu xây cất đắt tiền, nên chẳng những họ cung cấp vật liệu xây cất mà còn cả hàng ngàn kiến trúc sư, kỹ thuật gia và cai thợ để giám thị việc xây cất Đền thờ Thượng Đế Giê-ru-sa-lem. Sa-lô-môn trả công cho họ bằng lúa, dầu và rượu.


Đền thờ xây trên núi Mô-ri-a nằm phía Bắc Si-ôn, nơi Đa-vít xây cung điện cho mình. Đền thờ Sa-lô-môn tồn tại cho đến năm 586 TC thì bị Nên-bu-cát-nết-sa (Nebuchadnezer) hủy phá. Nó được xây lại trong những năm 520 - 515 TC và bị triệt hạ năm 70 SC. Từ thế kỷ thứ bảy SC, một đền thờ Hồi giáo được xây trên địa điểm này, và địa điểm này được coi là nơi thiêng liêng nhất trong lịch sử thế giới. Đền thờ Sa-lô-môn rộng gấp đôi Đền Tạm Môi-se về hiện diện.

Vì là kiến trúc vĩnh viễn, nên nó rộng hơn nhiều. Dầu không còn tìm được di tích nào để nghiên cứu, ta có thể đoán chắc rằng nghệ thuật kiến trúc cơ bản là của Phê-ni-xi. Những điều mô tả cho thấy đền thờ và các vật dụng trong đó chạm trổ rất công phụ và dùng rất nhiều vàng. Vẻ lộng lẫy của nó chắc không có gì trong lịch sử Y-sơ-ra-ên có thể sánh kịp.


CUNG HIẾN ĐỀN THỜ


Lễ cung hiến Đền thờ là một biến cố trọng đại hơn hết kể từ khi dây Y-sơ-ra-ên rời núi Si-nai. IVua 1V 6:1 nói về thời gian xây cất đền thờ đã liên kết biến cố này với việc ra khỏi xứ Ai-cập, điều đó không phải là không có ý nghĩa. Trước kia, trụ mây lơ lững trên đền tạm, nay vinh quang của Thượng Đế đầy dẫy Đền thờ chứng tỏ Ngài ban phước cho nó. Đền Thờ được cung hiến lúc dân Y-sơ-ra-ên kéo về Giê-ru-sa-lem giữ lễ Lều Tạm, nhắc nhở họ rằng trước kia họ đã từng lang thang trong sa mạc. Với Sa lô môn trên ngôi vua, vương quốc Y-sơ-ra-ên được Thượng Đế nhìn nhận như Môi-se đã dự báo (PhuDnl 17:14-20).


Vua Sa lô môn là nhân vật chính trong lễ cung hiến. Theo giao ước thì toàn dân Y-sơ-ra-ên đều là tôi tớ Thượng Đế (LeLv 25:42, 55; Gie Gr 30:10) và là nươc tư tế của Ngài (XuXh 19:6). Sa lô môn với tư cách là vua của tuyển dân Thượng Đế, là đầy tớ đại diện cho dân trong lễ cung hiến. Mối liên hệ với Thượng Đế này là mối liên hệ chung cho mọi người, cho cả tiên tri, thầy tế, vua hay dân thường. Mối liên hệ này là sự xác nhận giá trị nhân phẩm của con người. Bởi đó, vua dâng lời cầu nguyện, ban diễn từ, và hành lễ dâng sinh tế.

Sa-lô-môn cũng xây một cung điện cho mình, bao gồm các bộ phủ của triều đình, cung cho cho công chúa Pha-ra-ôn và phòng riêng cho vua. Ngoài ra, để duy trì một đội quân hùng hậu và lo việc hành chánh, vua còn phải xây nhiều thành như Mê-ghi-đô (Megiddo) trên khắp nước.


BANG GIAO QUỐC TẾ


Đa-vít đã kiểm sóat được Ê-đôm và những nguồn tài nguyên thiên nhiên nằm dọc phía nam vịnh Aqaba. Các di tích khảo cổ gần đây cho thấy Ê-xi-ôn Ghe-be (Ezion- geber) là một trung tâm luyện sắt và đồng trong thời Sa-lô-môn. Với sự trợ giúp của các kỹ sư Phê-ni-xi, thành phố đó đã trở thành thủ đô kỹ nghệ của Palestine.


II. Nữ vương Sê ba: IVua 1V 10:1-13 IISu 2Sb 9:1-12

Nhờ kiểm sóat được kỹ nghệ kim khí, Y-sơ-ra-ên có lợi thế trong việc buôn bán. Nhờ có người Phê ni xi giúp đỡ, Sa lô môn đóng tàu, đem sắt, đồng đến tận tây Nam A rập (Yemen ngày nay)và Ê-thi-ô-bi ở bờ biển Phi Châu, và mua về vàng bạc, ngà voi và khỉ. Mậu dịch với người Phê-ni-xi mang lại những tiếp xúc thuận lợi với các vùng ven Địa trung hải và nhờ đó Sa-lô-môn thâu giữ được nhiều của cải.

Sa-lô-môn cũng được cung cấp ngựa và chiến xa của người Hê-tít (Hitites) qua người A-ram (Arameans). Lực lượng này giúp kiểm sóat việc giao thuơng ngang qua lãnh thổ Y-sơ-ra-ên. Nước Y-sơ-ra-ên còn giàu có thêm nhờ tổ chức được những đoàn lạc đà tải buôn hương liệu giữa các xứ Nam Ả-rập ,Sy-ri, Phê-ni-xi và Ai-cập.


Được các lân bang kinh nể, nên vua nhận thêm nhiều phẩm vật tư vua các nước đó. Sự khôn ngoan của vua được truyền tụng và dân từ phương xa tìm đến để được nghe những châm ngôn, những bài ca và những bài diễn từ của vua. Cuộc thăm viếng của nữ vương Sê-ba chỉ là một ví dụ trong uy tín quốc tế của vua. Cuộc hành trình 1200 dặm bằng lạc đà của bà có lẽ nhắm mục đích giao thương nhiều hơn. Không một vua nào trong lịch sử Y-sơ-ra-ên có thể sánh với Sa-lô-môn về phương diện giàu có và khôn ngoan.


BỘI ĐẠO VÀ QUA ĐỜI


Chương cuối cùng về cuộc đời Sa-lô-môn ghi trong IVua 1V 11:1-43 thật bi đát và thất vọng. Ông vua từng lên đến tột đỉnh danh vọng, phú quí, thế lực nhờ ơn ban của Thượng Đế, đã kết thúc đời mình trong thất bại giống như dân Y-sơ-ra-ên nơi sa mạc đã lìa xa Thượng Đế sau khi được Ngài khải thị ở núi Si-nai. Sa-lô-môn đã tẻ tách con đường tận hiến cho Chúa. Vua đã phạm ngay điều răn đầu tiên khi vua cho phép thờ lạy thần tượng của Giê-ru-sa-lem.


NHỮNG BÀ VỢ NGOẠI ĐẠO VÀ THẦN TƯỢNG


Vua Sa-lô-môn theo phong tục thời đó lập liên minh với các vua lân bang và dùng hôn nhân để củng cố (11:18). Vua lấy vợ người A-rập, Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm, Si-đôn và Hê-tít, khiến cho việc thờ thần tượng lan tràn xung quanh ngôi đèn thờ vua đã dựng cho Thượng Đế. Các bà vợ đã khiến cho vua trở lòng bìa bỏ Thượng Đế (PhuDnl 17:17). Một số thần được vua công nhận và xây đền thờ ở những nơi cao cho, vẫn cứ tồn tại đến ba thế kỷ rưỡi sau, dưới đời vua Giô-si-a (Josiah) mới bị bỏ dỡ đi (IIVua 2V 23:13).


SỰ PHÁN XÉT VÀ THÙ NGHỊCH


Ngay khi Sa-lô-môn còn sống sự sụp đổ của vương quốc đã mở màn. Tiên tri A-hi-gia (Ahijah) đã nói trước rằng nước sẽ bị chia xé ra vì vua bất tuân Lời Chúa (IVua 1V 11:9-43) nhưng vì Đa-vít, sự phán xét ấy sẽ dành lại đến sau khi Sa-lô-môn qua đời. Những kẻ thù hùng mạnh như Ha-đat (Hadad) người Ê-đôm, Rê-xôn (Rezon) ở Đa-mách, và Giê-rô-bô-am (Jeroboam), người đã được A-hi-gia trao cho người mảnh áo tơi để chỉ rằng người sẽ được cai trị mười chi tộc, bắt đầu đe dọa quyền cai trị của Sa-lô-môn. Dầu nước chưa bị phân chia, Sa-lô-môn đã phải lo buồn về những vụ nổi loạn và ly khai xảy ra ở nhiều nơi trong đế quốc vì vua không vâng phục và trung thành phục vụ Thượng Đế.


Bài làm :

1. Khi vua Sa-lô-môn lên ngôi, vua thấy mình cần điều gì nhất?

2. Ai cung cấp kiến trúc sư, cai thợ và vật liệu xây cất đền thờ?

3. Tả sơ lược đền thờ

4. Sa-lô-môn trả vật liệu cất bằng cách nào?

5. Lược thuật lễ cung hiến Đền thờ

6. Thượng Đế hiện diện trong buổi lễ như thế nào?

7. Tại sao nữ vương Sê-ba đến thăm Sa-lô-môn?

8. Những yếu tố nào giúp Sa-lô-môn tích lũy được nhiều của cải?

9. Các bà vợ ngoại quốc đã ảnh hưởng Sa lô môn như thế nào ?

10. Tại sao Thượng Đế không phán xét Sa lô môn khi vua còn sống ?

11. Những đức tính và khả năng nào khiến Sa lô môn trở thành vị vua và lãnh tụ nổi tiếng ? Những nhược điểm nào khiến ngưòi suy thoái? Có thể áp dụng thế nào cho chúng ta.

12. So sánh triều đại của Sa lô môn và Đa-vít. Yếu tố nào cho cha mẹ ảnh hưởng đến con cái?

13. Những biến cố nào đã đưa đến sự phân chia đất nước. Tội nào là gốc rễ của mọi vấn đề? Hậu quả của nó như thế nào?

14. Trong lời cầu nguyện cung hiến của Sa lô môn có những nguyên tắc cầu nguyện nào đáng noi theo?

15. So sánh sự cung hiến Đền Thờ (Temple) và sự cung hiến của đền tạm (Tebernacle) . Những phương diện nào có thể áp dụng được cho việc cung hiến một ngôi nhà thờ mới?


* Tài liệu tham khảo:

- Hubbard , D.A. “Solomon” The New Bible Dictionary .J.D. Douglas, ed. Grand Rapids: Wm.B.Eerdmans Pub Co, 1962.

- Keil, Carl F. “The Books of Kings“ Commentary on the Old Testament in Ten Volumes. Vol III. Grand Rapids : Wm. B. Eerdmans Pub. Co 1982.

- McNeely, Richard I. First and Second Kings. Everyman’s Bible Commentary. Chicago: Moody Press 1978.



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page