top of page
Hung Tran
Mar 17, 2023
Chẳng bao giờ bạn có thể bắt gặp Đức Chúa Trời trước. Chẳng bao giờ bạn có thể đi trước Ngài...
CON ĐƯỜNG ĐÚNG
“Ban...
...đầu Đức Chúa Trời” (SaSt 1:1). Cụm từ đầu tiên của Kinh Thánh không chỉ là những từ dẫn nhập vào câu chuyện sáng tạo hoặc vào sách Sáng-thế ký. Nói chung cụm từ này cung cấp chiếc chìa khóa để khai mở sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh, cho chúng ta biết rằng tôn giáo của Kinh Thánh là tôn giáo do Đức Chúa Trời khởi xướng.
Chẳng bao giờ bạn có thể bắt gặp Đức Chúa Trời trước. Chẳng bao giờ bạn có thể đi trước Ngài. Ngài luôn thực hiện bước trước tiên. Ngài luôn hiện diện trong chỗ “ban đầu.” Trước khi con người hiện hữu, Đức Chúa Trời đã hành động. Trước khi con người tìm kiếm Đức Chúa Trời, Ngài đã tìm kiếm con người. Trong Kinh Thánh chúng ta không thấy con người quờ quạng đi tìm Đức Chúa Trời nhưng thấy Đức Chúa Trời tìm kiếm con người.
Nhiều người hình dung một Đức Chúa Trời ngồi trên ngai cao sang, xa cách, không quan tâm và lạnh lùng trước những nhu cầu của con người cho đến lúc họ phải buộc Ngài hành động. Quan niệm như thế là hoàn toàn sai lầm. Kinh Thánh đã bày tỏ về một Đức Chúa Trời mà từ lâu lắm rồi đã hiện ra để đem con người trở lại với Ngài, trong khi con người vẫn chìm đắm trong tối tăm và tội lỗi, Ngài đã bắt đầu đứng dậy khỏi ngai Ngài, tư bỏ sự vinh hiển và hạ mình để tìm kiếm con người cho đến khi tìm gặp.
Hoạt động cao cả và tiên khởi của Ngài được nhìn thấy theo nhiều cách. Ngài đã khởi xướng công trình sáng tạo , Ngài đã khiến vũ trụ và tất cả những gì có trong vũ trụ hiện hữu: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Ngài đã khởi xướng sự mặc khải, khiến cho nhân loại biết được bản tính lẫn ý muốn của Ngài: “Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt này, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài.” Ngài đã khởi xướng sự cứu rỗi , Ngài đã đến trong Chúa Giê-xu để giải phóng con người ra khỏi tội lỗi của họ: “Ngài…đã thăm viếng và chuộc dân Ngài” (HeDt 1:1, 2; LuLc 1:68).
Đức Chúa Trời đã sáng tạo. Đức Chúa Trời đã phán truyền. Đức Chúa Trời đã hành động. Những câu phát biểu này về sự khởi xướng của Đức Chúa Trời trong ba lãnh vực tóm tắt tôn giáo của Kinh Thánh. Chúng ta sẽ đề cập đến lãnh vưc thứ hai và thứ ba trong sách này, bởi vì theo định nghĩa căn bản Cơ-đốc giáo bắt đầu bằng nhân vật lịch sử là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu Đức Chúa Trời đang phán truyền, lời nói sau cùng và vĩ đại nhất của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu Đức Chúa Trời đang hành động, hành động cao cả nhất của Ngài là sự cứu chuộc thế giới này qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Đức Chúa Trời đang phán và đang hành động trong Chúa Giê-xu. Ngài đang nói một điều gì đó, Ngài đang làm một điều gì đó. Điều này có nghĩa là Cơ-đốc giáo không phải là những lời nói suông. Cơ-đốc giáo cũng không phải là tập họp của những ý tưởng tôn giáo hoặc là một bản liệt kê các nguyen tắc. Cơ-đốc giáo là “Phúc-âm” (tin lành), theo Phao-lô, “là Tin Lành xưa kia…về Con Ngài…là Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (RoRm 1:1-4). Đây không phải chủ yếu là lời mời gọi con người làm một điều gì mà là lời công bố tối cao về những gì mà Đức Chúa Trời đã làm cho con người chúng ta trong Chúa Cứu Thế.
ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ PHÁN TRUYỀN
Con người là một sinh vật luôn luôn tra hỏi. Tâm trí của con người được tạo thành như thế để không thể yên nghỉ. Tâm trí con người luôn luôn chú vào những điều chưa biết. Con người luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để làm làm gia tăng kiến thức cua mình. Đời người là một hành trình khám phá. Con người luôn tra vấn, tìm tòi, khám phá và nghiên cứu. Con người không bao giờ bỏ đi được tính tò mò thắc mắc “tại sao” của trẻ con.
Tuy nhiên, khi tâm trí của con người bắt đầu quan tâm đến Đức Chúa Trời thì lại thất bại. Con người quờ quạng một cách bất lực trong bóng tối sâu thẳm. Thật không có gì lạ, bởi vì Đức Chúa Trời dầu là gì hay là ai đi chăng nữa, Ngài vẫn là Đấng vô hạn, trong khi con người là những tạo vật hữu hạn. Ngài ở ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Vì thế tâm trí của chúng ta, dầu là một công cụ hữu hiệu tuyệt vời trong lãnh vực khoa học kinh nghiệm, cũng không giúp gì được cho chúng ta ở đây. Tâm trí của con người không thể nào vươn tới tâm trí vô hạn của Đức Chúa Trời. Không có chiếc thang nào đủ dài cho vực sâu mênh mông không thể dò lường này. “Nếu ông dò xét, há có thể hiểu biết được sự sau nhiệm của Đức Chúa Trời, Và thấu rõ Đấng Toàn năng sao?” Gióp đã hỏi như thế. Đây là điều bất khả.
Tình trạng này ắt hẳn sẽ còn tiếp tục nếu như Đức Chúa Trời không bắt đầu ban cho phương thuốc để chữa lành. Con người vẫn ở trong tình trạng bất khả tri và sẽ hỏi như Phi-lát: “Lẽ thật là cái gì?” nhưng chẳng bao giờ có được câu trả lời, bởi vì họ không dám hy vọng rằng mình sẽ có được lời giải đáp. Con người sẽ vẫn thờ lạy thiên nhiên và trên mọi bàn thờ mà họ thờ lạy sẽ được chạm khắc dòng chữ “thờ những thần không biết” như trên một bàn thờ ở thành Athens.
Nhưng Đức Chúa Trời đang phán. Ngài bắt đầu bày tỏ về chính mình Ngài. Giáo lý Cơ-đốc về sự mặc khải là hết sức hợp lý và cần yếu. Đức Chúa Trời đang ”vén màn” để tâm trí của chúng ta thấy được những gì bị che khuất. Một phần của sự mặc khải này nằm ở trong thiên nhiên:
“Các từng trời rao truyen sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,
Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi Tv 19:1)
“Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (RoRm 1:19, 20).
Thông thường điều này được gọi là sự mặc khải “phổ quát” bởi vì sự mặc khải này dành cho mọi người ở khắp mọi nơi) hoặc là sự mặc khải tự nhiên (bởi vì nó ở trong tự nhiên). Nhưng như thế chưa đủ. Cần phải làm cho con người biết về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, về quyền năng, sự vinh hiển và sự thành tín của Ngài. Nhưng để cho con người đi đến chỗ nhận biết Đức Chúa Trời một cách cá nhân, được tha thứ tội lỗi và bước vào sự hiệp thông với Ngài, con người vẫn cần đến sự mạc khải thực tiễn và rộng lớn hơn. Sự bày tỏ chính mình Ngài của Đức Chúa Trời phải bao gồm sự thánh khiết, tình yêu thương và quyền năng của Ngài để giải cứu con người khỏi tội lỗi.
Đức Chúa Trời vui lòng ban cho con người những điều này. Đây là sự mặc khải “đặc biệt”, bởi vì nó đã tạo ra một dân tộc đặc biệt (Y-sơ-ra-ên) qua những sứ giả đặc biệt là các tiên tri trong Cựu Ước và các sứ đồ trong Tân Ước).
Đây cũng là sự mặc khải “siêu nhiên”, bởi vì nó được ban cho trong một tiến trình thường được gọi là “sự hà hơi” và nền tảng của của sự diễn đạt của sự hà hơi nằm ở trong thân vị và công việc của Chúa Giê-xu.
Cách mà Kinh Thánh giải bày và mô tả sự mặc khải này là nói rằng Đức Chúa Trời “phán”. Chúng ta có thể giao tiếp vối nhau dễ dàng bằng lời nói. Chính bởi lời nói mà chúng ta có thể bộc bạch những gì diễn ra trong tâm trí của chúng ta. Điều này cũng đúng với Đức Chúa Trời là Đấng muốn bày tỏ tâm trí vô hạn của Ngài với tâm trí hữu hạn của chúng ta. Như tiên tri Ê-sai đã nói, các từng trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ngài cao hơn tư tưởng của chúng ta bấy nhiêu, vì thế chúng ta chẳng bao giờ hiểu được tư tưởng của Ngài cho đến khi Ngài khoác cho chúng những lời nói. Vì thế “Lời của Đức Chúa Trời đã đến với các tiên tri”, cho đến cuối cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến và “Ngôi lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta.” (GiGa 1:1, 14).
Tương tự, Phao-lô đã viết cho Hội Thánh Cô-rinh-tô: “Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.” Con người biết Đức Chúa Trời không phải qua sự khôn ngoan của mình nhưng qua Lời của Đức Chúa Trời (“những gì chúng tôi giảng”), không phải qua lý trí của con người nhưng qua sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã khải tỏ chính mình Ngài trong Chúa Cứu Thế để cho Cơ-đốc nhân có thể đến với những người bất khả tri và mê tín và nói với họ, như Phao-lô đã nói với những người ở thành A-thên ở A-rê-ô-ba, ”Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng mà ta đương rao truyền cho.” Có nhiều mâu thuẫn nảy sinh giữa khoa học và tôn giáo, nhưng không dễ gì có thể thấy rõ hết. Phương pháp thực nghiệm hoàn toàn không thích hợp trong lãnh vực tôn giáo. Phương pháp này dựa trên những dữ liệu do ngủ quan cung cấp. Nhưng khi bước vào lãnh vực siêu hình, không hề có sẵn những dữ liệu ngay cho chúng ta. Ngày nay không thể sờ mó, hoặc nhìn hay nghe thấy Đức Chúa Trời. Dầu vậy đã có một thời mà Ngài đã chọn để phán bảo và mang lấy xác thể của con người để cho loài người có thể nghe thấy và tiếp xúc với Ngài. Vì thế Giăng đã bắt đầu Thơ tín thứ nhất của ông bằng lời xác nhận, “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đa thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống… chúng tôi rao truyền cho anh em …”
ĐỨC CHÚA TRỜI ĐANG HÀNH ĐỘNG
Tin lành Cơ-đốc không bị giới hạn trong lời tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đang phán. Tin lành này cũng xác nhận là Ngài đang hành động.
Đức Chúa Trời khởi xướng bằng cả hai cách này bởi vì đặc điểm của nhu cầu con người. Vì chúng ta chẳng những dại dột mà còn tội lỗi. Vì thế việc Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta không đủ để xua tan sự dại dột của chúng ta. Ngài cũng phải hành động để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Ngài đã bắt đầu trong thời Cựu Ước. Ngài đã kêu gọi Á-ra-ham ra khỏi U-rơ, khiến cho ông và dòng dõi ông trở thành một dân tộc, giải phóng họ khỏi sự nô lệ của Ai-cập, bước vào giao ước với họ trên núi Si-nai, dẫn họ băng qua hoang mạc để vào đất hứa, hướng dẫn và dạy dỗ họ như một dân tộc đặc biệt của Ngài.
Nhưng tất cả những điều này chỉ nhằm chuẩn bị cho công việc cứu chuộc vĩ đại hơn trong Chúa Cứu Thế. Con người cần được giải phóng, không những ra khỏi sự nô lệ ở Ai-cập hoặc hoặc lưu đày ở Ba-by-lôn, mà còn khỏi sự lưu đày và nô lệ của tội lỗi. Ngài đã đến như một Cứu Chúa.
“Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mat Mt 1:21).
“Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong the gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (ITi1Tm 1:15).
“Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (LuLc 19:10; LuLc 15:3-7).
Ngài giống như người chăn có một con chiên lạc bầy và đã đi ra tìm kiếm con chiên này cho đến khi tìm gặp.
Cơ-đốc giáo là tôn giáo của sự cứu rỗi và không có diều gì trong những tôn giáo không phải là Cơ-đốc giáo có thể ví sánh được với sứ điệp về một Đức Chúa Trời yêu thương đã đến để chịu chết thay cho thế giới của những tội nhân hư mất.
ĐÁP ỨNG CỦA CON NGƯỜI
Đức Chúa Trời đang phán. Đức Chúa Trời đang hành động. Sự ký thuật và giải nghĩa về công việc và những lơi nói của Đức Chúa Trời được tìm thấy trong Kinh Thánh. Và đối với nhiều người chúng vẫn y nguyên. Trong chừng mực nào đó những gì Đức Chúa Trời đã phán và làm thuộc về quá khứ trong lịch sử, lịch sử chưa trở thành kinh nghiệm và Kinh Thánh thánh chưa trở thành sự sống đối với họ. Đức Chúa Trời đang phán, nhưng chúng ta có lắng nghe lời Ngài phán không? Ngài đang hành động; nhưng chúng ta có hưởng được những lợi ích từ những gì Ngài đang làm hay không?
Những gì chúng ta cần phải làm sẽ được đề cập đến trong phần còn lại của quyển sách này. Trong giai đoạn này điều chúng ta cần làm là phải tìm kiếm. Đức Chúa Trời đã tìm chúng ta. Ngài vẫn đang tìm chúng ta. Chúng ta phải tìm kiếm Ngài. Thật vậy, lý cớ để Đức Chúa Trời phàn nàn về con người là con người không tìm kiếm Ngài.
“Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống các con loài người, Đặng xem thử có ai khôn ngoan, Tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng. Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế; Chẳng có ai làm điều lành, Dầu một người cũng không.” (Thi Tv 14:2-3).
Dầu vậy Chúa Giê-xu đa hứa rằng: “Hãy tìm sẽ gặp.” Nếu chúng ta không tìm chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp. Người chăn tìm kiếm cho đến khi tìm gặp con chiên lạc. Người đàn bà tìm kiếm cho đến khi tìm gặp đồng xu bị đánh mất. Còn chúng ta tại sao lại tìm kiếm Ngài qua loa? Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta tìm gặp được Ngài, nhưng chỉ đối với những người có lòng tìm kiếm Ngài:
* Chúng ta cần phải tìm kiếm một cách sốt sắng:
“Con người luời biếng đến độ họ phải ngạc nhiên về chính sự lười biếng của họ”, Emerson đã viết như thế. Nhưng vấn đề quá nghiêm trọng đến nỗi chúng ta phải vượt qua sự biếng nhác tự nhiên và sự thờ ơ để hết lòng tìm kiếm. Đức Chúa Trời sẽ không nhẫn nại đối vơi những người hay xem thường mọi việc. “Ngài ban thưởng cho những kẻ tìm kiếm Ngài” (HeDt 11:6)
* Chúng ta phải tìm kiếm một cách khiêm nhường:
Nếu sự thờ ơ là trở ngại đối với một số người, thì sự kiêu ngạo lại là một trở ngại lớn hơn và phổ biến hơn đối với những người khác. Chúng ta phải thừa nhận rằng tâm trí chúng ta là hữu hạn, không có khả năng khám phá Đức Chúa Trời bằng nỗ lực riêng của chúng ta mà không có sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Tôi không có ý nói rằng chúng ta thôi không dùng lý trí để suy tư. Ngược lại, tác giả Thi Thiên bảo chúng ta rằng chúng ta đừng như con ngựa hoặc con lừa không có trí hiểu. Chúng ta phải sử dụng tâm trí của chúng ta; nhưng chúng ta cũng phải công nhận sự giới hạn của nó. Chúa Giê-xu phán:
“Hỡi Cha! Là Chúa của trời đất, tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều này với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay.”
Đây là một trong những lý do tại sao Chúa Giê-xu yêu thương con trẻ. Chúng dễ dạy. Chúng không kiêu ngạo, không nghĩ mình là quan trọng và chỉ trích người khác. Chúng ta cần có tâm trí cởi mở, khiêm nhường và dễ lĩnh hội như con trẻ.
* Chúng phải tìm kiếm một cách chân thành: Không những chúng ta phải đến với sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời mà không kiêu ngạo, mà còn phải đến với một tâm trí khiêm nhường và cởi mở. Mọi người đều biết những mối nguy hại khi đến với lời Ngài bằng những định kiến. Dầu vậy vẫn có nhiều người đã đến với Kinh Thánh cùng với những định kiến của họ. Nhưng lời hứa của Đức Chúa Trời chỉ có ý nói đến nhưng người tìm kiếm hết lòng: ”Các ngươi sẽ tìm ta và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.” Vì thế chúng ta phải bỏ đi thành kiến và mở rộng tâm trí để Cơ Đốc giáo trở thành thực hữu trong tâm trí của chúng ta.
* Chúng ta phải tìm kiếm trong sự vâng lời: Đây là điều khó làm nhất. Trong khi tìm kiếm Đức Chúa Trời không những chúng ta phải hiệu chỉnh lại tâm trí mà còn phải thay đổi lối sống của chúng ta. Sứ điệp Cơ-đốc là sự thách thức về mặt đạo đức. Nếu sứ điệp đúng, con người phải chấp nhận sự thách thức về mặt đạo đức. Vì Đức Chúa Trời không phải là đối tượng thích hợp để con người nghiên cứu một cách vô tư. Bạn không thể đặt Đức Chúa Trời vào bên dưới ống kính hiển vi hoặc quan sát Ngài bằng một kính viển vọng rồi nói rằng: ”Thật là lý thú!” bạn không thể nào tìm hiểu về Đức Chúa Trời cũng như Chúa Giê-xu như thế.
“Chúng ta có thể vận dụng trí tuệ để tìm hiểu về Ngài và rồi chúng ta nhận thấy rằng Ngài đang xem xét chúng ta một cách thuộc linh. Các vai trò bị đảo lộn giữa chúng ta….Khi nghiên cứu về Aristotle, chúng ta được soi sáng về mặt trí tuệ; khi nghiên cứu về Chúa Giê-xu bằng một phương cách sâu sắc nhất, chúng ta bị bối rối về mặt thuộc linh….Chúng ta buộc phải chọn lựa một số thái độ xuất phát từ nội tâm và từ ý chí của chúng ta trong mối quan hệ với Chúa Giê-xu…. Một người có thể sử dụng trí tuệ để tìm hiểu về Chúa Giê-xu một cách công bằng, không thiên vị, người này không hề thực hiện điều này trong tư thế trung lập về mặt đạo đức…. Chúng ta phải công bố màu cờ, sắc áo của chúng ta. Chính điều này mang lại cuộc tiếp xúc không thể nào tránh khỏi với Chúa Giê-xu. Chúng ta bắt đầu lẳng lặng tìm hiểu về Ngài; chúng ta được kêu gọi vào trong một lĩnh vực của sự quyết định thuộc linh” (P. Carnegie Simpson, The Fact of Christ , 1930; James Clarke edition, 1952, pp. 23, 24).
Đây là những gì mà Chúa Giê-xu đề cập đến khi Ngài nói về một số người Do-thái vô tín, Ngài phán, ”Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.” Lời hứa này thật rõ ràng: chúng ta có thể biết Chúa Giê-xu đúng hoặc sai, lời giảng dạy của Ngài là của con người hay của Đức Chúa Trời. Nhưng lời hứa này căn cứ trên tình trạng đạo đức. Chúng ta không những phải sẵn sàng tin, mà còn phải vâng lời. Chúng ta phải sẵn sàng thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời khi Ngài bày tỏ cho chúng ta.
Tôi nhớ có một chàng trai đã bỏ học và làm việc ở Luân đôn, đã đến gặp tôi. Anh ta nói rằng anh đã bỏ không đi nhà thờ bởi vì anh không thể nào đọc Tín điều Các Sứ Đồ mà không trở nên một kẻ giả hình. Anh ta không còn tin vào bài tín điều này. Khi anh giải thích xong, tôi nói với anh ta rằng, “Nếu như tôi giải quyết những nan đề của anh để cho anh thỏa mãn về mặt trí tuệ, anh có sẵn sàng thay đổi thái độ và lối sống của anh không?” Chàng trai mỉm cười và mặt đỏ bừng lên. Nan đề thật sự của chàng trai này không thuộc lãnh vực đạo đức nhưng thuộc lãnh vực trí tuệ.
Thế thì việc nghiên cứu của chúng ta phải được dẫn dắt trong tinh thần như thế. Chúng ta phải bỏ đi sự thờ ơ, kiêu ngạo, thành kiến, tội lỗi và tìm kiếm Đức Chúa Trời bất kể hậu quả như thế nào. Định kiến về mặt trí tuệ và sự ngang bướng về mặt đạo đức là hai trở ngại cuối cùng trong tất cả những trở ngại để nhằm đạt đến sư tìm kiếm hiệu quả. Cả hai điều là biểu hiện của nỗi sợ hãi và sự sợ hãi là kẻ thù lớn nhất của lẽ thật. Chúng ta biết rằng việc tìm kiếm Đức Chúa Trời và tiếp nhận Chúa Giê-xu chắc hẳn không phải là một kinh nghiệm dễ dàng. Kinh nghiệm này liên quan đến việc suy nghĩ lại toàn bộ cái nhìn của chúng ta về cuộc sống và và diều chỉnh lại toàn bộ thái độ sống của chúng ta. Và chính sự phối hợp giữa sự nhút nhát về trí tuệ khiến cho chúng ta do dự. Chúng ta không tìm gặp bởi vì chúng ta không tìm kiếm. Chúng ta không tìm bởi vì chúng ta không muốn gặp và chúng ta biết một cách chắc chắn để không tìm gặp là không tìm kiếm.
Nói tóm lại, bạn có thể sai và Đấng Christ có thể đúng. Và nếu bạn muốn trở thành người tìm kiếm Đức Chúa Trời một cách khiêm nhường, chân thành và vâng lời, bạn hãy đọc phần nói về những lời xác nhận của chúa Giê-xu về sự mặc khải của Ngài. Đặc biệt, bạn hãy đọc những sách Phúc-âm nói về cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hãy cho Ngài có cơ hội gặp gỡ bạn và để cho chính mình Ngài xác quyết với bạn là Ngài có thật. Hãy đến với Ngài bằng tâm trí va ý chí hoàn toàn thuận phục, sẵn sàng tin nhận và vâng lời nếu như Đức Chúa Trời đem đến cho bạn sự tin quyết. Tại sao bạn không đọc hết sách tin lành Mác hoặc Giăng? Bạn có thể đọc qua hết một lần (tốt nhất là một bản dịch mới), để có được cái nhìn khái quát. Sau đó bạn có thể đọc chậm lại, mỗi ngày một đoạn. Trước khi đọc, bạn có thể cần nguyện như sau:
“Lạy Đức Chúa Trời, nếu Ngài thật hiện hữu (con không biết Ngài có thật hiện hữu không ) và nếu Ngài có thể nghe thấy lời cầu nguyện của con (và con không biết Ngài có nghe không ), con muốn thưa với Ngài rằng con chân thành tìm kiếm lẽ thật . Xin bày tỏ cho con biết nếu Ngài thật là Con Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của thế gian . Và nếu Ngài đem niềm tin quyết đến với tâm trí con, con sẽ tin nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế của con và đi theo Ngài .”
Không có người nào cầu nguyện như thế mà bị thất vọng. Đức Chúa Trời tôn vinh và ban thưởng cho những người tìm kiếm hết lòng. Lời hứa của Chúa Cứu Thế thật rõ ràng: “Hãy tìm sẽ gặp.”
bottom of page