top of page
Hung Tran
Mar 10, 2023
“Sự cứu rỗi” là một thuật ngữ bao hàm nhiều khái niệm gây ngạc nhiên...
PHẦN BA: CÔNG VIỆC CỦA CHÚA CỨU THẾ
SỰ CỨU RỖI CỦA CHÚA CỨU THẾ
“Sự...
...cứu rỗi” là một thuật ngữ bao hàm nhiều khái niệm gây ngạc nhiên. Thật là sai lầm nếu cho rằng sự cứu rỗi là một từ đồng nghĩa với sự tha thứ. Đức Chúa Trời rất quan tâm đến hiện tại và tương lai cũng như quá khứ của chúng ta. Trước tiên kế hoạch của Ngài là làm cho chúng ta hòa lại với Ngài và sau đó đem chúng ta vào sự hòa hợp với anh em chúng ta. Điều cốt yếu là chúng ta có được sự tha thứ và sự hòa giải là bởi sự chết của Chúa Cứu Thế, nhưng chính bởi Đức Thánh Linh mà chúng ta được tư do và trong Hội thánh Ngài chúng ta có thể hiệp một trong mối thông công của tình yêu thương. Giờ đây có những khía cạnh của sự cứu rỗi của Chúa Cứu Thế mà chúng ta cần xem xét.
Linh của Chúa Cứu Thế.
Như chúng ta thấy, tội lỗi không thể được xem như là một loạt các sự việc chẳng có liên quan gì với nhau, nhưng là những triệu chứng của một căn bệnh thuộc linh bên trong. Để minh họa điều này, có vài lần Chúa Giê-xu sử dụng sự so sánh của cây và trái. Phẩm chất của trái tùy thuộc vào phẩm chất của cây sinh ra trái. “Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt.”
Nguyên nhân dẫn đến tội lỗi của chúng ta là do bản chất tội lỗi mà chúng ta thừa hưởng khiến cho chúng ta trở nên bại hoại và ích kỷ. Như Chúa Giê-xu nói tội lỗi chúng ta đến từ bên trong, từ trong “lòng” của chúng ta. Vì thế sự đổi mới tánh hạnh của chúng ta tùy thuộc vào sự thay đổi bản chất. Chúa Giê-xu nói: “trồng cây tốt thì sanh trái tốt.”
Nhưng có thể thay đổi được bản chất con người không? Có thể nào khiến cho một người cay đắng trở thành ngọt ngào, kiêu ngạo trở thành khiêm nhường, hoặc ích kỷ trở thành vô kỷ không? Kinh Thánh công bố một cách mạnh mẽ rằng những phép lạ này có thể xảy ra. Đây là một phần của sự vinh hiển của Phúc Âm. Sự ban cho của Chúa Cứu Thế Giê-xu không những làm thay đổi chỗ đứng của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời mà còn làm thay đổi chính bản chất của chúng ta. Ngài nói với Ni-cô-đem về sự cần thiết không thể nào thiếu được của sự sanh lại và lời Ngài có thể áp dụng cho chúng ta: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời… Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại” (Xem GiGa 3:1-36).
Theo một số cách nào đó lời nói của Phao-lô gây ấn tượng hơn, vì ông đã thốt ra điều bí mật trong một câu nói không có động từ: “nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, thì nấy là người dựng nên mới” (IICo 2Cr 5:17). Thế thì có khả năng ở đây là Tân Ước nói về một tấm lòng mới, bản chất mới, sự sanh mới, sự sáng tạo mới.
Sự thay đổi lớn lao ở bên trong là công việc của Đức Thánh Linh. Sự sanh mới là sự sanh từ “trên cao.” Được tái sanh là “được sanh ra bởi Đức Thánh Linh.” Ở đây hầu như không luận bàn gì đến giáo lý mầu nhiệm Ba Ngôi. Vì mục đích hiện thời của chúng ta là xem xét đầy đủ những gì mà các sứ đồ đã viết về Đức Thánh Linh khi sự giảng dạy của Ngài được soi sáng bởi những kinh nghiệm của họ.
Tuy nhiên trước nhất cần phải hiểu rằng Đức Thánh Linh không trở nên hiện hữu hay bắt đầu hoạt động vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngài là Đức Chúa Trời. Vì thế Ngài là vĩnh cửu và đã họat động trong thế gian này từ buổi sáng thế. Cựu Ước có nhiều chỗ nói về Ngài và các tiên tri trông đợi mot thời kỳ mà hoạt động của Ngài sẽ gia tăng và trải rộng, khi Đức Chúa Trời đặt Đức Thánh Linh giữa dân sự Ngài, họ có thể vâng theo luật pháp của Ngài.
Những gì các tiên tri trong Cựu Ước tiên báo, Chúa Cứu Thế hưa rằng sẽ không trông đợi lâu. Một vài giờ trước khi chết, Ngài ở riêng với các sứ đồ trên phòng cao, Ngài nói với họ rằng: “Đấng Yên ủi,” “Thần Lẽ Thật,” Đấng sẽ đến và thay thế Ngài.
Thật vậy, sự hiện diện của Đức thánh Linh sẽ tốt hơn cho họ, thậm chí tốt hơn sự hiện diện trên đất của Ngài. Ngài phán: “Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên-ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến.” Sự ích lợi là như thế này: Chúa Cứu Thế chỉ ở với họ, bên cạnh họ: nhưng “Ngài … sẽ ở trong các ngươi” (Xem GiGa 16:7; 14:17).
Trong một ý nghĩ nào đó chúng ta có thể nghĩ rằng chức vụ giảng dạy của Chúa Giê-xu đã tỏ ra thất bại. Nhiều lần Ngài đã thúc giục các môn đệ của Ngài hãy trở nên khiêm nhường giống như con trẻ, nhưng Si-môn Phi-e-rơ vẫn kêu ngạo và tự tin. Ngài vẫn thường dạy họ yêu thương nhau, nhưng Giăng vẫn xứng danh là “con trai của sự sấm sét” cho đến cuối cùng. Dầu vậy khi bạn đọc thơ thứ nhất của Phi-e-rơ bạn không thể nào không lưu ý đến những chỗ nói về sự khiêm nhường và những thơ của Giăng thì đầy sự yêu thương. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt này? Đức Thánh Linh. Chúa Giê-xu dạy họ phải trở nên khiêm nhường và yêu thương; nhưng không có một phẩm chất nào xuất hiện trong đời sống của họ cho đến khi Đức Thánh Linh bước vào và bắt đau thay đổi bên trong con người họ.
Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, “hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Đừng nghĩ rằng đây là kinh nghiệm kỳ dị dành cho các sứ đồ và những thánh nhân lỗi lạc, dầu chắc chắn rằng chúng ta không thể nào trông mong những hiện tượng bên ngoài như gió thổi và những lưỡi lửa được lập. “Đầy dẫy Đức Thánh Linh” là một mạng lệnh truyền cho hết thảy mọi Cơ-đốc nhân. Sự hiện diện bên trong của Đức Thánh Linh là quyền bẩm sinh của mọi Cơ-đốc nhân. Thật vậy, nếu Đức Thánh Linh không ở bên trong chúng ta, hết thảy chúng ta không phải là những Cơ-đốc nhân thật. Phao-lô viết: “Song nếu ai không có Thánh Linh của Chúa Cứu Thế, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Xem Cong Cv 2:4; Eph Ep 5:18; RoRm 8:9).
Đây là điều Tân Ước dạy. Khi chúng ta đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu và dâng đời sống mình cho Ngài, Thánh Linh sẽ bước vào đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời ban Thánh Linh ngự vào lòng chúng ta để làm cho thân thể chúng ta thành đền thờ của Ngài (GaGl 4:6; ICo1Cr 6:19).
Điều này không có nghĩa rằng kể từ đây chúng ta được loại bỏ khỏi khả năng phạm tội. Ngược lại, theo một số cách nào đó sự xung đột càng gia tăng; nhưng mặt khác, con đường chiến thắng đã được mở ra. Phao-lô đưa ra sự mô tả sinh động về trận chiến trong đoạn năm của sách Ga-la-ti. Các bên tham chiến là “xác thịt” và “Thánh linh.” Phao-lô giải thích: “Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm.”
Đây không phải là lý thuyết thần học khô khan; đây chính là kinh nghiệm thường nhật của mọi Cơ-đốc nhân. Chúng ta tiếp tục nhận biết rằng những ước muốn tội lỗi kéo chúng ta xuống; nhưng giờ đay chúng ta cũng nhận thức rằng có một lực đối nghịch kéo chúng ta lên để đến với sự thánh khiết. Nếu chúng ta buông lỏng “xác thịt,” nó sẽ xô đẩy chúng ta vào những thói xấu vô luân và ích kỷ mà Phao-lô đã liệt kê trong các câu 29 đến 31. Mặt khác, Đức Thánh Linh được cho phép hành động, kết quả sẽ là “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” Phao-lô gọi những đức tính hấp dẫn này là “Trái của thánh Linh.” Cá tính của chúng ta giống như một vuờn cây ăn quả do Đức Thánh Linh vun trồng. Để cho Ngài trồng những cây tốt, những trái của chúng sẽ tốt.
Thế thì làm thế nào để đánh bại xác thịt để “trái của Thánh Linh” có thể lớn lên và chín? Câu trả lời nằm ở thái độ bên trong của chúng ta đối với mỗi bên. “Những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tư giá rồi.” “Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.” Đối với “xác thịt” chúng ta phải liên tục chống trả một cách quyết liệt mà chỉ có từ “đóng đinh” mới mô tả được điều này; nhưng đối với Đức Thánh Linh chúng ta phải chân thành đầu phục quyền tể trị của Ngài trên đời sống của chúng ta. Chúng ta càng khước từ xác thịt và càng vâng phục Đức Thánh Linh; thì những việc xấu xa của xác thịt sẽ càng tieu biến đi và bông trái của sự yêu thương sẽ thế chỗ của chúng.
Phao-lô giảng dạy một lẽ thật giống y như thế trong IICo 2Cr 3:18 “Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh.” Chính bởi Linh của Chúa Cứu Thế mà chúng ta có thể được biến đổi thành ảnh tượng của Chúa Cứu Thế, khi chúng ta chăm nhìn vào Ngài. Chung ta có thủ vai để đóng kịch, trong sự ăn năn, trong đức tin và trong kỷ luật, nhưng về cơ bản sự thánh khiết là công việc của Đức Thánh Linh.
- Từng đức tính mà chúng ta có được.
- Từng chiến thắng mà chúng ta đạt được.
- Từng tư tưởng thánh khiết.
- Là của mỗi một mình Ngài.
- Linh của sự thánh khiết và ân điển.
Xin thương xót và giúp đỡ cho sự yếu đuối của chúng con
Hỡi Thánh Linh, xin làm cho lòng chúng con trở nên nơi ngự của Ngài. Và trở nên xứng đáng cho Ngài hơn!
William Temple đã minh họa công việc của Đức Thánh Linh như thế. Nếu đưa cho tôi một vở kịch như Hamlet hoặc King Lear và bảo tôi viết một vở kịch như thế, tôi không thể nào làm được, nhưng Shakespeare thì có thể. Nếu chỉ cho tôi một cuộc đời giống như cuộc đời của Chúa Giê-xu và bảo tôi sống một cuộc đời như thế, tôi không thể nào làm được, nhưng Chúa Giê-xu có thể làm được. Và nếu Đức thánh Linh đến và sống ở trong tôi, tôi có thể sống một cuộc đời như thế. Đây là bí mật của sự thánh thiện Cơ-đốc. Chúng ta không phải cố gắng sống như Chúa Giê-xu, nhưng đó là bởi Thánh Linh của Ngài đến và sống trong chúng ta. Xem Ngài là gương để chúng ta noi theo chưa đủ; chúng ta cần Ngài làm Cứu Chúa của chúng ta. Vì thế qua sự chết chuộc tội của Ngài hình phạt vì những tội lỗi của chúng ta được tha thứ; qua sự cư ngụ của Đức Thánh Linh mà quyền lực của tội lỗi bị bẻ gãy.
Hội Thánh của Chúa Cứu Thế.
Khuynh hướng của tội lỗi là ly tâm. Nó kéo chúng ta ra khỏi sự hòa hợp với những người lân cận chúng ta. Nó làm cho chúng ta xa rời khỏi Đấng Tạo Hóa và cũng khiến cho chúng ta xa rời khỏi những tạo vật quen thuộc với chúng ta. Hết thảy chúng ta đều kinh nghiệm được tại vì sao một cộng đồng như một trường đại học, một bệnh viện, một phân xuởng hoặc một văn phòng có thể trở thành hang ổ của sự thù hằn và ganh tỵ. Chúng ta thấy thật khó “sống với nhau trong sự hiệp nhất”
Nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời là làm cho chúng ta làm hòa lại với nhau và hòa lại với chính mình Ngài. Vì thế Ngài không cứu những cá nhân độc lâp, không có liên hệ trong sự cách ly giữa người này với người kia; Ngài đang kêu gọi một dân cho Ngài.
Điều này đã được làm rõ trong những đoạn đầu của sách Sáng Thế Ký. Đức Chúa Trời đã kêu gọi Á-ra-ham rời bỏ quê hương và những mối quan hệ ở Mê-sô-pô-ta-mi và hứa ban đất làm di sản cho ông và con cháu của ông sẽ đông như sao trời và nhiều như cát biển. Lời hứa làm cho con cháu của ông trở nên đông đảo và các dân tộc trên thế gian sẽ nhờ họ mà được phước được làm mới với con trai của ông là Y-sác và cháu nội của ông là Gia-cốp.
Tuy Gia-cốp đã chết khi xuất Ai-cập, muời hai con trai của ông đã sống và trở thành tổ phụ của mười hai chi phái “Y-sơ-ra-ên,” tên mà Đức Giê-hô-va đã đặt cho Gia-cốp. Với “những con trai của Y-sơ-ra-ên” này, với những năm cứu chuộc ra khỏi cảnh nô lệ sau này, Đức Chúa Trời đã làm mới lại giao ước của Ngài.
Nhưng làm thế nào mọi chi tộc trên thế gian được phước? Hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, khi vận mệnh của Y-sơ-ra-ên được tiết lộ, đối với phần còn lại của thế giới đất nước này dường như bị rủa sả hơn là chúc phước. Bị vây bọc bởi những bức tường cao của tòa nhà của chính họ tạo nên, dân của Đức Chúa Trời tự bảo vệ mình khỏi tiếp xúc dơ bẩn với dân ngoai không tinh sạch. Dường như thể họ sẽ bỏ lỡ vận mệnh vơi tư cách là những ân nhân của thế giới. Phải chăng lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham hóa ra là lời nói dối? Không. Nhiều tiên tri nhờ lời của Đức Chúa Trời đã biết rằng đấng Mết-si-a đã đến, Vua chịu xức dầu của Đức Chúa Trời, từ mọi phương trời nhiều người sẽ đến để bước vào Vương quốc của Đức Chúa Trời.
Cuối cùng Chúa Cứu Thế đến, Giê-xu Na-xa-rét công bố sự đến của vương quốc mà người ta trông đợi từ lâu. Ngài phán nhiều người sẽ đến, từ phương bắc, nam đông, tây và cùng ngồi với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Dân của Đức Chúa Trời không còn là một đất nước riêng lẻ, nhưng là một xã hội mà các thành viên xuất phát từ mọi chủng tộc và ngôn ngữ. Cứu Chúa phục sinh truyền lệnh cho môn đệ Ngài: “Hãy đi và môn đệ hóa muôn dân.” Ngài gọi tóm tắt muôn dân được môn đệ hóa là “Hội thánh ta” (Mat Mt 28:19; 16:18).
Vì thế lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham, được lặp lại mấy lần đối với ông và được làm mới với các con của ông, được ứng nghiệm qua sự tăng trưởng của Hội Thánh toàn cầu ngày nay. Phao-lô viết: “Lại nếu anh em thuộc về Chúa Cứu Thế, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa.” (GaGl 3:29).
Một trong những hình ảnh đáng chú ý nhất mà Phao-lô sử dụng để truyền đạt sự hiệp nhất của những người tin theo Chúa Cứu Thế là hình ảnh về thân thể của con người. Ông nói rằng Hội thánh là thân thể của Chúa Cứu Thế. Mỗi Cơ-đốc nhân là một chi thể hay một bộ phận của thân thể, trong khi Chúa Cứu Thế là đầu, điều khiển các hoạt động của thân thể. Không có một bộ phận nào có cùng một chức năng, nhưng mỗi bộ phận đều cần thiết cho sức khỏe và cho sự hữu ích tối đa của thân thể.
Cả thân thể cũng được làm cho sống động bởi một sự sống chung. Chính sự hiện diện của Ngài làm cho thân thể hiệp một. Hội thánh nhờ Ngài mà có được sự hiệp một chặt chẽ. “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh.” Hoặc “sự thông công nơi Thánh Linh.” Sự dự phần chung của chúng ta ở nơi Ngài đem lại cho chúng ta hiêp một một cách sâu sắc và lâu dài.
Thật là vô lý khi khi cho rằng nình là một thành viên của thân thể hoàn vũ rộng lớn là Hội thánh phổ thông mà không góp phần một cách thực tiễn vào một trong các Hội thánh địa phương. Có nghĩa là, khi làm những thành viên của Hội thánh địa phương, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội thờ phượng Đức Chúa Trời, vui hưởng sự thông công với nhau và phục vụ một cộng đồng rộng lớn hơn.
Ngày nay co nhiều người phản ứng chống lại tổ chức Hội thánh, một số hoàn toàn bài bác Hội thánh. Chúng ta thông cảm được điều này vì có thể Hội thánh cổ hủ, hướng nội. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng, Hội thánh là những con người, những con người tội lỗi và sai lầm. Không có lý do gì để né tránh điều này, vì bản thân chúng ta là tội lỗi và sai lầm.
Chúng ta cũng hiểu rằng không phải mọi thành viên của Hội thánh hữu hình đều là thành viên của Hội thánh thật sự của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Như Chúa Giê-xu nói có một số người đã đăng ký và có tên trong các sổ bộ của Hội thánh nhưng không bao giờ có tên trên thiên đàng. Đây là một sự kiện mà Kinh Thánh đã ghi chép, tuy nhiên “Chúa biết những kẻ thuộc về Ngài.” Bởi phép báp-têm người hầu việc Chúa chào đón những người xưng nhận đức tin nơi Chúa Cứu Thế vào trong Hội thánh hữu hình. Nhưng chỉ có Đức Chúa Trời biết những ai thật sự có đức tin thực hành, vì Đức Chúa Trời nhìn thấy trong lòng. Chắc chắn hai đoàn thể này đang chồng chéo lên nhau. Tuy nhiên, chúng không giống nhau.
Đức Thánh Linh không những là tác giả của sự sống phổ quát của Hội thánh, mà còn là tác giả của tình yêu thương phổ quát. Trái đầu tiên của Đức Thánh Linh là tình yêu thương. Bản chất của Ngài là yêu thương và Ngài truyền tình yêu này cho những ai mà Ngài ở cùng. Mọi Cơ-đốc nhân đều có kinh nghiệm đáng lưu ý là họ bị kéo đến với những Cơ-đốc nhân khác mà họ hầu như không biết và có kinh nghiệm hoàn toàn khác hẳn với họ. Mối quan hệ giữa các con cái của Đức Chúa Trời càng ngày càng tang trưởng, càng sâu đậm và ngọt ngào hơn mối quan hệ máu mủ. Đây là mối quan hệ họ hàng trong gia đình của Đức Chúa Trời. Giăng đã nói: “Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết.” Tình yêu thương này không thuộc về cảm xúc. Nó không đặt cơ sở trên cảm xúc. Bản chất của nó là hy sinh; nó tự thể hiện trong ước nuốn phục vụ, giúp đỡ và làm cho người khác tốt thêm lên. Chính bởi tình yêu thương mà lực ly tâm của tội lỗi phản tác dụng, vì tội lỗi thì chia rẽ còn tình yêu thương thì hiệp một và tội lỗi thì gây ngăn cách còn tình yêu thương thì phục hòa.
Dĩ nhiên những trang sử của Hội thánh vẫn thường bị vấy bẩn bởi sự ngu dại và ích kỷ, thậm chí bởi sự không vâng theo lời dạy của Chúa Cứu Thế một cách công khai. Ngày nay dường như có một số Hội thánh đã chết hoặc đang chết, thay vì có đầy sức sống và những Hội thánh khác thì bị xâu xé bởi các bè phái và bi tàn lụi vì thiếu tình yêu thương. Chúng ta phải thừa nhận rằng không phải tất cả những ai xưng nhận và tự gọi mình là Cơ-đốc nhân đều bày tỏ tình yêu thương hoặc sự sống của Chúa Cứu Thế.
Chỗ của Cơ-đốc nhân là cộng đồng Cơ-đốc địa phương, là nơi mưu tìm những phẩm chất mới mà Chúa Cứu Thế ban cho dân sự Ngài và trong mối thông công đó Cơ-đốc nhân dự phần vào sự làm chứng và thờ phượng Đức Chúa Trời.
bottom of page