top of page
Hung Tran
Mar 11, 2023
Cơ-đốc giáo là tôn giáo của sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời đã bắt đầu qua Chúa Cứu Thế Giê-xu để giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi...
PHẦN BA: CÔNG VIỆC CỦA CHÚA CỨU THẾ
SỰ CHẾT CỦA CHÚA CỨU THẾ
Cơ...
...-đốc giáo là tôn giáo của sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời đã bắt đầu qua Chúa Cứu Thế Giê-xu để giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi. Đây là chủ đề chính củ Kinh Thánh.
•“Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.”
•“Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất. Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy.”
•“Chính mắt chúng tôi đã chứng kiến và bây giờ chúng tôi loan báo cho cả thế giới biết Thượng Đế đã sai Con Ngài xuống đời làm Đấng Cứu Tinh giải thoát nhân loại.” (Mat Mt 1:21; LuLc 19:10; ITi1Tm 1:15; IGi1Ga 4:14).
Đặc biệt hơn, tội lỗi có ba hậu quả chính như chúng ta đã thấy, “sự cứu rỗi” bao gồm sự giải phóng con người ra khỏi tất cả. Qua Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta được đem ra khỏi sự lưu đày và hoa thuận lại với Đức Chúa Trời; chúng ta có thể được tái sanh và mối bất hòa được thay thế bằng mối thông công trong sự yêu thương. Khía cạnh thứ nhất của sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu là sự chịu khổ và chịu chết của Ngài, thứ hai là sự ban cho của Thánh Linh Ngài và thứ ba là xây dựng Hội thánh của Ngài. Chúng ta sẽ suy nghĩ về khía cạnh thứ nhất trong chương này; thứ hai và thứ ba trong chương kế tiếp.
Phao-lô mô tả công việc của ông là “chức vụ của sự giải hoà” và Phúc Âm mà ông rao giảng là “sứ điệp của sự giải hoà.” Ông cũng nói thật rõ rằng sự giải hòa này từ đâu mà đến. Ông nói Đức Chúa Trời là tác giả của sự giải hòa và Chúa Cứu Thế là sứ giả đem sự giải hòa đến. ”Tất cả những điều này đến từ Đức Chúa Trời, Đấng làm hòa với chúng ta với chính mình Ngài qua Chúa Cứu Thế.” “Đức Chúa Trời vốn ở trong Chúa Cứu Thế, làm cho thế gian lại hòa với Ngài.” Tất cả những điều này đã có trong tâm trí và tấm lòng của Đức Chúa Trời Hằng Hữu và đã đạt được qua sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Bất cứ lời giải thích nào về sự chết của Chúa Cứu Thế hoặc sự cứu rỗi con người mà không thừa nhận sự kiện này là không trung thành với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” “Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hoa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời” (GiGa 3:16; CoCl 1:19-20).
Nhưng sự “hòa giải” này có nghĩa gì? Từ tương tự là “hòa thuận” trong RoRm 5:11 và “hòa thuận” có nghĩa là một hành động mà bởi đó hai bên xung đột được hiệp một với nhau hoặc tình trạng bày tỏ sự hiệp nhất hoặc vui hưởng sự hiệp nhất. Phao-lô nói rằng chúng ta nhận được ”sự hoà thuận” này qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta không thể đạt được nó bởi nỗ lực của chung ta; chúng ta nhận nó từ Ngài như một món quà. Tội lỗi gây ra sự bất hòa; thập tự giá, việc Chúa Cứu Thế bị đóng đinh đã làm trọn sự hòa thuận. Tội lỗi đã tạo ra một vực sâu giữa Đức Chúa Trời và con người; thập tự giá đã bắt cầu qua vực sâu này. Tội lỗi đã làm đổ vỡ mối thông công; thập tự giá đã phục hồi mối thông công này.
Phao-lô đã nói với các tín hữu Rô-ma về lẽ thật này bằng một cách nói khác: “Vì tiền công cua tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh cửu trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta.”
Nhưng tại sao thập tự giá lại cần thiết cho sự cứu rỗi? Thập tự giá có thật sự thiết yếu cho Cơ-đốc giáo không? Chính xác là thập tự giá đã đạt được điều gì? Trọng tâm và ý nghĩa của thập tự giá là những gì mà giờ đây chúng ta cần xem xét.
Trọng tâm của thập tự giá.
Để hiểu được sự chết của Chúa Giê-xu như là cua lễ chuộc tội là trọng tâm của sứ điệp của Kinh Thánh trước nhất chúng ta cần trở lại với Cựu Ước. Ngay từ ban đầu tôn giáo của Cựu Ước là tôn giáo của sự dâng hiến sinh tế. Kể từ khi A-bên đem dâng các con chiên trong bầy của ông và “A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người,” những người thờ phượng Đức Giê-hô-va đem dâng các của lễ cho Ngài. Các bàn thờ được xây dựng, các con sinh bị giết và huyết bị đổ ra rất lâu trước khi có luật pháp Môi-se. Nhưng dưới luật pháp Môi-se, sau khi giao ước giữa Đức Chúa Trời và dân sự đã được phê chuẩn tại núi Si-nai, những gì có vẻ lung tung đã được chỉnh lý bởi những quy định của Đức Chúa Trời.
Những tiên tri lớn của thế kỷ thứ tám và thứ bảy trước công nguyên đã phản đối chủ nghĩa hình thức và sự vô luân của những người thờ phượng, nhưng hệ thống hiến tế này vẫn tiếp tục cho dến khi Đền thờ bị hủy phá vào năm 70 sau công nguyên. Mọi người Do-thái đều quen thuộc với những nghi lễ liên quan đến của lễ thiêu, của lễ dâng qua lửa và những của lễ có trộn dầu thích hợp, cũng như với những dịp đặc biệt, hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm mà họ phải dâng của lễ. Không một người Do-thái nào mà không được học những bài học cơ bản dạy rằng: “vì sanh mạng của xác thịt ở trong huyết” và “Nếu không đổ huyết, tội lỗi chẳng bao giờ được tha thứ.” (LeLv 17:11; HeDt 9:12).
Những của lễ trong Cựu Ước là hình bóng về sự hy sinh của Chúa Cứu Thế bằng những biểu tượng nhìn thấy được; các tiên tri và các tá giả Thi-thiên đã tiên tiên báo về điều này. Chúng ta có thể thấy một số Thi-thiên mô tả một người vô tội nhưng lại chịu bắt bớ và về sau những lời mô tả này được áp dụng cho Chúa Giê-xu. Chúng ta cũng có thể thấy Ngài trong vai trò người chăn của Giê-rê-mi là người bị đánh và bầy chiên bị tan lạc và trong vị hoàng tử của Đa-vít hoặc “Đấng chịu xức dầu” phải chịu chết. Trên hết, chúng ta có thể thấy Ngài trong một nhân vật cao quý xuất hiện trong những Bài ca về tôi tớ của Đức Giê-hô-va ở cuối sách tiên tri Ê-sai, người đầy tớ chịu khổ của Đức Giê-hô-va, con người “từng trải sự buồn bực” và bị người ta khinh dễ, con người bị thương vì sự quá phạm của người khác, bị dắt đi như chiên đến hàng làm thịt và gánh chịu tội lỗi của nhiều người. Thật vậy, “Có lời chép rằng Chúa Cứu Thế phải chịu đau đớn dường ấy” (XaDr 13:7; Mac Mc 14:27; DaDn 9:25, 26; EsIs 53:1-12; LuLc 24:26).
Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài tự biết mình là con của sự tiền định. Ngài nhận thức rằng Kinh Thánh đang làm chứng về Ngài và những lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm ở trong Ngài. Điều này thật rõ ràng khi nói đến những đau khổ mà Ngài phải chịu. Khúc quanh trong chức vụ của Ngài xảy đến tại Sê-sa-rê Phi-líp, ngay khi Phi-e-rơ xưng nhận Ngài là Chúa Cứu Thế, “Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con Người phải chịu kho nhiều.”
Chính chữ “phải” cho thấy ý nghĩa của sự bắt buộc đối với Ngài khi Kinh Thánh nói đến sự bày tỏ ý muốn của Cha Ngài, tiếp tục xuất hiện trong sự giảng dạy của Ngài. Ngài phải chịu “một phép báp-têm” và Ngài cảm thấy thật đau đớn cho đến khi phép báp têm ấy được hoàn thành. Ngài luôn tiến về phía cái mà Ngài gọi là “giờ, ” trong các sách Phúc-âm có mấy lần nói “giờ ta chưa đến” và lần cuối cùng, ngay trước khi Ngài bị bắt, với thập tự giá cận kề, Ngài đã nói: “Thưa Cha, giờ đã đến”
Viển cảnh trước sự thử thách khiến Ngài kêu lên rằng: “Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này! Nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ này! Cha ơi, xin làm sáng danh Cha.” Cuối cùng khi những kẻ bắt Ngài đã đến và Si-môn vung gươm bảo vệ Ngài và chém đứt tai người đầy tớ của thầy tế lễ cả, Chúa Giê-xu đã quở trách ông “Hãy nạp gươm ngươi vào vỏ; ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?” Theo Ma-thi-ơ, Chúa Giê-xu nói thêm “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao? Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh thánh đã chép rằng việc này tất phải xảy đến?” (Mac Mc 8:31; LuLc 12:50; GiGa 17:1; 12:27; 18:11; Mat Mt 26:53).
Tầm quan trọng tối cao của thập tự giá mà Cựu Ước tiên báo và Chúa Giê-xu đã dạy được các tác giả Cựu Ước xác nhận đầy đủ. Tác giả của bốn sách Phúc-âm đã dành một chỗ không cân xứng cho tuần lễ cuối cùng của Chúa Giê-xu và cái chết của Ngài so với phần còn lại của cuộc đời và chức vụ của Ngài. Hai phần năm cho sách Phúc-âm đầu tiên, ba phần năm cho sách thứ hai, một phần ba cho sách thứ ba và hầu như phân nửa cho sách thứ tư, được dùng đễ mô tả những sự kiện nằm giữa việc vào thành Giê-ru-sa-lem một cách khải hoàn và sự thang thiên một cách đắc thắng của Ngài. Trường hợp của Giăng là rất đặc biệt, Phúc-âm của ông có thể chia thành hai phần bằng nhau với tựa đề là “Sách Của Những Phép Lạ” và “Sách Của Sự Thương Khó.”
Những gì hàm ý trong các sách Phúc-âm được trình bày rõ trong Các Thơ tín và rất được Phao-lô quan tâm. Vị sứ đồ này không hề tỏ ra mệt mỏi khi nhắc nhở độc giả của ông về thập tự giá. Ông có ý tưởng thật sinh động là ông mắc nợ Đấng đã chết vì ông. Ông viết “Con Đức Chúa Trời… yêu tôi và đã phó chính mình Ngài vì tôi “và vì thế” tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ.”
Đối với các tín hữu Cô-rinh-tô là những người đang gặp nguy cơ vì họ đang bối rối trước sự tinh vi của triết học Hy-lạp, sứ đồ Phao-lô viết “Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, thì chúng ta giảng Chúa Cứu Thế bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại; song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Chúa Cứu Thế là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.” Đây là những gì mà Phao-lô đã công bố khi ông từ A-thên đến Cô-rinh-tô lần đầu tiên trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, “Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự” và “Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh.” (GaGl 2:20; ICo1Cr 1:22-24; 2:2; 15:3).
Sự nhấn mạnh về thập tự giá như thế được tìm thấy trong phần còn lại của Tân Ước. Sau này chúng ta sẽ thấy những gì mà Phi-e-rơ nghĩ và viết về thập tự giá. Trong thư tín viết cho các tín hữu Hê-bơ-rơ có một câu rõ ràng viết về Chúa Cứu Thế “Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi.” Khi chúng ta đọc đến quyển sách lạ lùng và huyền bí là Khải-huyền, chúng ta có thể thoáng thấy sự vinh hiển của Chúa Giê-xu trên thiên đàng, Ngài không những là “sư tử của chi phái Giu-đa” mà còn là “Chiên Con ở đó như đã bị giết” và chúng ta nghe vô số các thánh và các thiên sứ hát ngợi khen Ngài “Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!” (HeDt 9:26; KhKh 5:5, 6, 11).
Vì thế từ những đoạn đầu của Sáng-thế ký cho đến những đoạn cuối của Khải-huyền chúng ta có thể lần theo những gì mà các tác giả đã viết qua cái mà chúng ta gọi là sợi chỉ đỏ. Nó giống như sợi chỉ của Theseus giúp chúng ta có thể tìm được lối qua mê cung của Kinh Thánh. Và Hội thánh đã nhận thức rõ những gì mà Kinh Thánh dạy về trọng tâm của thập tự giá. Nhiều Hội thánh đã đánh dấu chúng ta bằng dấu thập tự giá khi chúng ta chịu báp-têm và dựng một cây thập tự khi chúng ta chết. Nhiều tòa nhà của giáo hội thường được xây dựng trên một khuôn viên hình thập tự giá, với gian giữa của giáo đường và các gian ngang tạo thành hình một thập tự giá, trong khi đó một số Cơ-đốc nhân mang thập tự giá trên bâu áo, hoặc đeo vòng hoặc mang dây chuyền có hình thập tự. Tất cả những điều này không phải là ngẫu nhiên. Thập tự giá là biểu tượng của đức tin chúng ta. Đức tin Cơ-đốc là “đức tin của Chúa Cứu Thế bị đóng đinh trên thập tự giá.” Nhưng gì mà Hoàng đế Constantine nói là đã thấy ở trên trời, chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh Thánh: “In hoc signo vinces.” Không có thập tự giá thì không thể chinh phục. Không có thập tự giá thì không có Cơ-đốc giáo. Nhưng tại sao? Như thế có nghĩa gì?
Ý nghĩa của thập tự giá.
Trước tiên tôi không thể nói về sự chết của Chúa Cứu Thế mà không nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều bí ẩn chưa thể nào hiểu được. Cơ-đốc nhân tin rằng thập tự giá là sự kiện then chốt trong lịch sử. Một số người tự hỏi rằng đầu óc nhỏ bé của chúng ta làm thể nào hiểu hết được. Một ngày nào đó chiếc màn sẽ được cất đi và mọi điều bí ẩn sẽ được giải bày. Chúng ta sẽ thấy Chúa Cứu Thế như Ngài thấy chúng ta và thờ phượng Ngài đời đời vì những gì Ngài đã làm. “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: Đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.” Nếu Phao-lô là đại sứ đồ uyên bác và có nhiều khải tượng còn nói như vậy thì chúng ta làm gì hơn được.
Tôi sẽ tự giới hạn mình trong những gì mà Si-môn Phi-e-rơ viết về sư chết của Chúa Giê-xu trong thư tín thứ nhất của ông. Tôi quay sang các thơ tín này vì ba lý do:
1. Lý do thứ nhất là Phi-e-rơ là một trong ba sứ đồ thân cận với Chúa Giê-xu. “Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng” họp thành bộ ba có mối thông công gắn bó hơn với những người còn lại trong mười hai sứ đồ. Vì thế có khả năng Phi-e-rơ là người nắm bắt được những gì Chúa Giê-xu suy nghĩ và dạy về sự chết của Ngài. Sự thật chúng ta thấy trong thơ tín thứ nhất của ông có hồi ức rõ ràng về những lời giảng dạy của Thầy ông.
2. Thứ hai, tôi quay sang Phi-e-rơ với niềm tin tưởng, bởi vì ngay từ đầu chính ông là người chấp nhận một cách miễn cưỡng những khổ nạn mà Chúa Cứu Thế phải chịu. Ông là người đầu tiên công nhận sự độc nhất vô nhị của con người Đấng Christ, nhưng ông cũng là người đầu tiên phản đối về sự cần thiết của cái chết của Chúa Cứu Thế. Ông là người công bố rằng: “Chúa là Chúa Cứu Thế” và ông kêu lên “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy!” trong suốt những ngày còn lại trong chức vụ của Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ vẫn giữ vẻ thù địch đối với ý tưởng cho rằng Chúa Cứu Thế sẽ chịu chết. Ông cố gắng bảo vệ Ngài ở trong vườn, khi Ngài bị bắt ông theo Ngài xa xa. Khi ảo tưởng bị tan vỡ, ông đã chối Chúa ba lần trong sân nhà thầy tế lễ cả và sau đó khóc lóc đắng cay, không những vì ăn năn, hối hận mà còn thất vọng. Chỉ sau khi Chúa phục sinh, khi Chúa Giê-xu dùng Kinh Thánh để dạy các sứ đồ là “Há chẳng phải Chúa Cứu Thế chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao?”, về sau Phi-e-rơ bắt đầu hiểu và tin. Ít tuần sau ông nắm vững lẽ thật này đến nỗi ông có thể nói nói với đám đông trong các hành lang của đền thờ rằng: “Nhưng Đức Chúa trời đã dùng cách đó mà làm cho ứng nghiệm lời Ngài phán tiên tri bởi miệng các đấng tiên tri rằng Chúa Cứu Thế của Ngài phải chịu đau đớn.” Và trong thư tín đầu tiên của ông có một vài chỗ nói đến “sự chịu khổ và sự vinh hiển của Chúa Cứu Thế.” Đầu tiên chúng ta có thể miễn cưỡng chấp nhận sự cần thiết cua thập tự giá và chậm hiểu ý nghĩa của nó nhưng nếu có một ai đó thuyết phục được chúng ta và dạy chúng ta về những điều này thì người đó chính là Phi-e-rơ.
3. Thứ ba, những chỗ nói đến thập tự giá của Phi-e-rơ là những lời nhận xét ngẫu nhiên. Nếu ông cố tình sắp đặt những luận cứ của ông để chứng minh rằng sự chết của Chúa Giê-xu là rất cần thiết, chúng ta có thể nghi ngờ ông có mục đích cá nhân cần phải đạt tới. Nhưng những đieu mà ông muốn nói đến thiên về đạo đức và giáo lý hơn. Ông đơn thuần thôi thúc người đọc sống cuộc đời Cơ-đốc một cách nhất quán, chịu khổ một cánh nhẫn nại.
Chúa Cứu Thế chết để làm gương cho chúng ta.
Sự bắt bớ là bối cảnh của thơ tín này. Chúng ta biết rằng hoàng đế Nê-rô tỏ ra thù nghịch với giáo hội Cơ-đốc và nhiều Cơ-đốc nhân tỏ ra nản lòng và sợ hãi. Bạo lực bắt đầu xảy ra dầu không liên tục. Nhưng dường như điều báo hieu rằng những việc tồi tệ hơn sắp xảy ra.
Lời khuyên của Phi-e-rơ là rất thẳng thắn (IPhi 1Pr 2:18-25). Nếu những Cơ-đốc nhân làm tôi tớ bị chủ ngược đãi, hãy để cho họ biết chắc rằng họ đang chịu sự hình phạt mà họ khong đáng phải chịu. Họ bị quở trách và bị đánh đập không phải vì họ làm điều sai trái, nhưng vì sự công bình vì danh Chúa Cứu Thế. Họ không chống trả cũng không trả thù. Họ phải chịu đựng. Họ phải kiên nhẫn chịu khổ một cách bất công có sự chấp thuận của Đức Chúa Trời. Ngay sau đó tâm trí của Phi-e-rơ đến với thập tự giá. Chịu khổ là một phần trong sự kêu gọi của Cơ-đốc nhân, ông xác nhận: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Chúa Cứu Thế cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài.” Ngài vô tội. Dầu Ngài bị sỉ nhục, Ngài không trả thù; khi Ngài chịu khổ, Ngài không nói lời đe dọa. Ngài chỉ đơn giản phó mình, Ngài giao phó họ (những kẻ làm khổ Ngài) vào tay của Đấng phán xét công bình toàn thể nhân loại.
Chúa Cứu Thế đã để lại cho chúng ta một gương. Từ Hy-lạp mà Phi-e-rơ sử dụng, một từ độc đáo ở trong Tân Ước, có nghĩa là vở tập viết của thầy giáo, trên đó có những mẫu tự hoàn hảo mà những người học trò theo học phải viết theo đúng như vậy. Cũng vậy nếu như chúng ta đã rành rọt những mẫu ABC của tình yêu Cơ-đốc, chúng ta phải sống theo gương mẫu của Chúa Giê-xu. Chúng ta phải sống theo mẫu mực của Chúa Giê-xu. Chúng ta “phải noi theo dấu chân Ngài.” Những lời lẽ hùng hồn này xuất phát từ ngòi bút của Phi-e-rơ. Ông khoe khoang rằng dầu chịu tù va chịu chết ông vẫn theo Chúa Giê-xu, nhưng thực ra ông đã “theo Ngài xa xa.” Chỉ khi ở trên bờ biển Ga-li-lê Chúa Giê-xu đã phục hồi sự kêu gọi và chức vụ của Phi-e-rơ bằng những từ ngữ quen thuộc đối với ông “Hãy theo ta.” Vì thế giờ đây Phi-e-rơ tôi thúc độc giả của ông hãy cùng với ông bước theo Chúa Giê xu một cách vâng phục hơn.
Những thách thức của thập tự giá đối với thế kỷ hai mươi cũng khó chịu như là thế kỷ đầu tiên và có liên quan đến ngày hôm nay cũng như trước đây. Có lẽ không có gì trái ngược với bản năng tự nhiên của chúng ta cho bằng mạng lệnh sau đây: đừng chống trả, nhưng phải chịu khổ một cách bất công và lấy thiện thắng ác. Thập tự giá truyền lệnh cho chúng ta chấp nhận sự bất công, yêu thương kẻ thù nghịch chúng ta và liều bỏ những điều lợi vì Đức Chúa Trời.
Cái chết của Chúa Giê-xu còn hơn hẳn một tấm gương tạo sự hứng khởi cho người khac. Nếu không phải như thế thì nhiều câu chuyện trong các sách Phúc-âm không thể nào giải thích được. Ví dụ, có một số câu chuyện kỳ lạ mà trong đó Chúa Giê-xu nói rằng Ngài sẽ “phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhieu người” và đổ huyết ra “huyết của giao ước, ” Ngài gọi là huyết này là “huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” (Mac Mc 10:45; Mat Mt 26:28). Không có sự cứu chuộc trong một gương mà chúng ta noi theo. Một gương mẫu không bảo đảm được sự cứu chuộc cho chúng ta.
Hơn nữa, tại sao Ngài phải gánh chịu những đau khổ và lo âu nặng nề như thế khi thập tự giá đã gần kề? Chúng ta sẽ giải thích như thế nào về nỗi thống khổ khung khiếp trong vuờn Ghết-sê-ma-nê, về những giọt nước mắt, những tiếng kêu và những giọt mồ hôi như giọt máu? “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.” Ngài lại nói “Cha ơi! Nếu chén này không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống, thì xin ý Cha được nên.” Phải chăng chén khiến cho Ngài chùn lại là biểu tượng của cái chết trên cây thập tự? Thế thì Ngài có sợ sự đau khổ va sự chết không? Thế thì gương của Ngài chỉ có thể là gương của sự vâng phục và kiên nhẫn, nhưng hầu như không phải là gương của sự can đảm. Socrates, Plato nói với chúng ta rằng các ông đã “vui vẻ và bằng lòng” uống chen độc cần trong xà liêm ở A-thên.
Phải chăng Scorate can đảm hơn Chúa Giê-xu? Hoặc là trong chén của họ chứa một độc chất khác? Ý nghĩa của sự tối tăm, của tiếng kêu vì bị bỏ rơi và chiếc màn giữa nơi Thánh và nơi Chí Thánh bị xé từ trên chí dưới là gì? Không thể giải thích những điều này nếu như Chúa Giê-xu chỉ chết như một gương. Thật vậy một số trong những điều này đã làm cho gương của Ngài lại càng không phải là gương.
Nếu như sự chết của Chúa Cứu Thế thuần túy là một tấm gương thì không những nhiều điều trong các sách Phúc-âm vẫn là những điều huyền bí, mà nhu cầu của con người vẫn không được thỏa đáp. Chúng ta cần nhiều hơn một tấm gương, chúng ta cần một Cứu Chúa. Một tấm gương có thể khuấy động trí tưởng tượng của chúng ta, làm bừng lên lý tưởng của chúng ta và làm cho chúng ta quyết tâm hơn, nhưng không thể tẩy sạch sự ô uế bởi tội lỗi trong quá khứ của chúng ta, không thể đem lại sự bình an cho tâm trạng bồn chồn của chúng ta hoặc làm cho chúng ta hòa lại với Đức Chúa Trời.
Dầu vậy, các sứ đồ đã không để cho chúng ta nghi ngờ về vấn đề này. Họ thường xuyên liên kết sự đến và sự chết của Chúa Cứu Thế với tội lỗi của chúng ta .
“Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh.”
“Chúa Cứu Thế cũng vì tội lỗi chịu chết một lần.”
“Các con biết Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi.”
Đây là ba tác giả lớn của Tân Ước, Phao-lô, Phi-e-rơ và Giăng đã nhất trí nối kết sự chết của Ngài với tội lỗi của chúng ta (ICo1Cr 15:3; IPhi 1Pr 3:18; IGi1Ga 3:5).
Chúa Cứu Thế chết để gánh thay tội lỗi cho chúng ta.
Câu mà Phi-e-rơ sử dụng trong thơ tín của ông (IPhi 1Pr 2:23) để mô tả mối liên hệ giữa sự chết của Chúa Cứu Thế với tội lỗi của chúng ta là: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ.” Cụm từ “gánh tội lỗi” nghe khá lạ tai, chúng ta nên trở lại với Tân Ước để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Ý này xuất hiện thường xuyên trong các sách Lê-vi ký và Dân-số ký. Nhiều lần hai sách này chép nếu một người phạm tội vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời “mắc lỗi “hoặc mang lấy tội.” Ví dụ “Khi nào ai phạm một trong các điều răn của Đức Giê-hô-va mà không tự biết, và làm điều không nên làm, thì ai đó sẽ mắc lỗi và mang lấy tội mình” (LeLv 5:17). Cụm từ này chỉ có một nghĩa duy nhất. “Mang lấy tội mình” là phải chịu hậu quả của tội lỗi mà mình đã phạm, phải gánh chịu hình phạt do tội lỗi gây ra.
Nhưng nhiều lần cụm từ này cung hàm ý là một người khác có thể mang lấy trách nhiệm vì cớ tội nhân. Trong đoạn ba mươi của sách Dân số ký, chỗ Môi-se đề cập đến giá trị của những lời hứa nguyện, Môi-se giải thích rằng một người nam hoặc một góa phụ đã hứa nguyện thì phải giữ sự hứa nguyện của mình. Tuy nhiên, lời hứa nguyện của một người nữ chưa kết hôn hoặc một người phụ nữ đã lập gia đình có hiệu lực hay không là tùy thuộc vào cha hoặc chồng của họ.
Nếu một ngày kia người đàn ông nghe nói về sự hứa của người đàn bà nhưng không làm cho lời thề nguyện này mất hiệu lực đi và sau này lại hủy sự hứa nguyện này đi vì cho là dại dột, thì “người chồng sẽ mang lấy hình phạt về tội lỗi của vợ mình.” Một ví dụ khác nằm ở cuối sách Ca thương, sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, dân Y-sơ-ra-ên đã kêu la: “Tổ phụ chúng tôi đã phạm tội, nay không còn nữa. Chúng tôi đã mang lấy sự gian ác họ.”
Khả năng một người khác nhận lấy trách nhiệm, mang lấy tội lỗi của chúng ta được giải bày thêm qua những của lễ bằng huyết trong Cựu Ước dường như quá xa lạ đối với chúng ta ngày nay. Về của lễ chuộc tội, Kinh Thánh chep rằng: “Đức Giê-hô-va đã ban cho các ngươi, hầu gánh lấy tội của hội chúng, và làm lễ chuộc tội cho họ trước mặt Đức Giê-hô-va.” Tương tự vào Ngày Lễ Chuộc tội hằng năm, A-rôn được lệnh phải đặt tay lên đầu một con dê gánh tội, vì thế ông đã đồng nhất hóa chính ông và dân tộc của ông với nó; sau đó ông phải xưng nhận tội lỗi của dân tộc ông, chuyển chúng sang con dê một cách tượng trưng và con dê bị đuổi ra ngoài hoang mạc; kế đến chúng ta đọc thấy: “Vậy, con dê đực đó sẽ gánh trên mình các tội ác của dân Y-sơ-ra-ên ra nơi hoang địa” (LeLv 10:17; 16:22). Rõ ràng rằng để “mang” tội lỗi của một người nào đó thì người thay thế phải mang lấy hình phạt của người phạm tội.
Dù tác giả sách Hê-bơ-rơ đã nói: “Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được”, song trong Bài hát dài nhất của Ê-sai (đoạn 53), người chịu khổ vô tội (hình bóng về Chúa Cưu Thế) được mô tả có tính chất sinh tế. Ngài là “chiên con bị dắt đến hàng làm thịt” bởi vì “Ngài chẳng từng mở miệng” và bởi vì “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” Ngài đã dâng mạng sống Ngài “làm tế chuộc tội.” “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc,” nhưng Ngài cũng giống như “chiên” bị thương tích vì những quá phạm của chúng ta, “Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta ma bị thương, Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh.” Rõ ràng rằng đây là ngôn ngữ nói lên sự thay thế, mô tả Ngài “là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt,” đã được tóm tắt trong đoạn này như hai cụm từ quen thuộc mà chúng ta đã thấy trong Lê-vi-ký “gánh lấy tội của hội chúng” và “gánh lấy tội lỗi của nhiều người.”
Cuối cùng sau nhiều thế kỷ chuẩn bị, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến, Giăng Báp-tít đã công khai chào đón Ngài bằng những lời lạ lùng như sau: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” Tương tự, về sau Tân Ước được ghi chép lại, các tác giả Tân Ước không khó khăn gì khi nhận thức rằng sự chết của Chúa Giê-xu là của tế lễ cuối cùng mà trong đó tất cả các của lễ của Cựu Ước được thực hiện. Lẽ thật này là phần quan trọng trong sứ điệp mà thơ tín Hê-bơ-rơ công bố. Những của lễ xưa là bò đực và dê, giờ đây Chúa Cứu Thế đã dâng chính mình Ngài. Những của lễ xưa phải lập đi lập lại, giờ đây Đấng Chhrist chết một lần thì đủ cả. Ngài “bị dâng một lần để mang lấy tội lỗi của nhiều người.”
Cụm từ cuối cùng này đem chúng ta trở lại với lời nói của Phi-e-rơ “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ.” Con Đức Chúa Trời đã đồng nhất hóa chính mình Ngài với tội lỗi của con người. Ngài không những bằng lòng mang lấy bản chất của chúng ta, mà còn bằng lòng mang lấy tội lỗi của chúng ta. Ngài không những trở nên xác thịt trong dạ bà Ma-ri; Ngài còn trở nên “tội lỗi” trên cây thập tự đồi Gô-gô-tha.
Đây là những lời cuối cùng của Phao-lô. Chúng ở trong hầu hết những phân đoạn Kinh Thánh nói về sự chuộc tội. Nhưng chúng ta không thể nào hiểu khác đi ý nghĩa của chúng. Những câu đầu tiên trong IICo 2Cr 5:1-21 đã từ choi quy tội lỗi của chúng ta trên chúng ta hoặc dựa trên chúng để chống lại chúng ta. Có nghĩa là trong tình yêu thương mà Ngài dành cho chúng ta, măc dầu chúng ta hoàn toàn không xứng đáng gì, Ngài làm cho chúng ta không chịu trách nhiệm về tội lỗi của chúng ta.
Ngài sẽ không để cho chúng ta bị người ta nói là “chúng sẽ gánh lấy tội lỗi của chúng” như nhiều người trong thời Cựu Ước. Sau đó Ngài đã làm gì? “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Chúa Cứu Thế Giê-xu vô tội; trên cây thập tự Ngài đã trở nên tội lỗi vì tội của chúng ta.
Khi nhìn vào thập tự giá, chúng ta có thể bắt đầu hiểu được các hàm ý sâu sắc của những lời này. Vào giữa trưa “khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt” trong ba giờ liền cho đến khi Chúa Giê-xu chết. Bóng tối đi kèm với sự yên lặng, vì không mắt nào có thể nhìn thấy và không miệng nào có thể mở ra, trước sự thống khổ của linh hồn mà Chiên Con không tì, không vít của Đức Chúa Trời phải chịu đựng. Tội lỗi tích lũy trong toàn bộ lịch sư của nhân loại đã chất trên Ngài. Ngài đã tự nguyện mang chúng trên chính thân thể của Ngài. Ngài làm cho chúng trở thành của Ngài. Ngài đã gánh lấy hết thảy trách nhiệm vì cớ chúng ta.
Sau đó đang khi bị bỏ cho cô độc về mặt thuộc linh, miệng Ngài đã kêu lên: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Đây là câu nói được trích ra từ câu đầu tiên trong Thi Tv 22:1-31. Chắc chắn tác giả đang suy gẫm về sự thống khổ mà Ngài phải chịu theo như sự thống khổ và sự vinh hiển của Chúa Cứu Thế được mô tả trong Thi-thiên. Nhưng tại sao Ngài trích dẫn câu này? Tại sao không phải là những câu nói về chiến thắng ở phần cuối? Tại sao khong phải là “Hỡi các người kính sợ Đức Giê-hô-va, hãy ngợi khen Ngài!” hoặc “Vì nước thuộc về Đức Giê-hô-va”? Chúng ta có tin rằng đó là tiếng kêu tuyệt vọng và yếu đuối của con người, hoặc là cho rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời là những việc tưởng tượng không?
Không. Những lời này chắc chắn phải có giá trị danh nghĩa của nó. Ngài trích dẫn câu Kinh Thánh này, như Ngài đã trích dẫn những câu khác, bởi vì Ngài tin rằng Ngài đang làm cho nó ứng nghiệm. Ngài đang gánh lấy tội lỗi của chúng ta.
Và Đức Chúa Trời là Đấng “có cặp mắt thánh khiết chẳng muốn nhìn thấy tội lỗi” và không thể “đứng nhìn sự sai trái” mà không quay mặt đi. Tội lỗi của chúng ta đã ngăn cách giữa Cha và Con. Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng ở đời đời với Cha, phải chịu lấy mối tương giao bị gián đoạn với Cha qua cuộc đời của Ngài ở trần thế, vì thế Ngài đã bị Cha từ bỏ một cách lạ thường. Tội lỗi của chúng ta đã đưa Chúa Cứu Thế xuống địa ngục. Ngài đã nếm trải nổi thống khổ của một linh hồn bị xa cách khỏi Đức Chúa Trời. Ngài mang lấy tội lỗi của chúng ta và chết thay cho chúng ta. Ngài phải gánh chịu hình phạt là bị xa cách khỏi Đức Chúa Trời vì những tội lỗi mà Đáng ra chúng ta phải chịu.
Ngay khi xuất hiện bóng tối bao trùm ở bên ngoài, Ngài kêu lên trong sự đắc thắng “Mọi việc đã được trọn” và ” Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lai trong tay Cha!” Thế là Ngài chết. Công việc Ngài phải làm đã làm xong. Sự cứu rỗi mà Ngài phải đạt đến đã hoàn thành. Tội lỗi của thế gian đã được gánh thay. Sự hòa thuận với Đức Chúa Trời sẵn dành cho tất cả nhưng ai tin nhận nơi Cứu Chúa và tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho chính mình. Để chứng tỏ lẽ thật này một cách công khai, ngay lập tức bàn tay vô hình của Đức Chúa Trời đã xé bức màn trong Đền Thờ từ trên chí dưới và vén sang một bên. Không cần dùng đến bức màn này nữa. Lối vào nơi hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời không còn bị ngăn trở. Chúa Cứu Thế đã “mở lối vào thiên đàng cho những kẻ tin nhận Ngài.” Và ba mươi sáu giờ sau Ngài đã sống lại từ kẻ chết để chứng minh rằng Ngài đã không chết vô ích.
Câu chuyện lạ lùng và đơn sơ về sự gánh thay tội lỗi của Đức Chúa Trời rất xa lạ với ngày hôm nay. Người ta nói rằng Ngài gánh lấy tội lỗi và chịu hình phạt vì tội của chúng ta như vậy là bất công, không xứng đáng là không hợp với đạo đức. Và dĩ nhiên có thể dễ dàng trở nên một sự bôi bác. Chúng ta không được cho rằng như thế là không còn lại gì để cho chúng ta phải làm. Dĩ nhiên chúng ta phải “trở về cùng Đấng chăn chiên và Giám mục của linh hồn mình,” chết đi với tội lỗi và sống cho sự công bình, như Phi-e-rơ đã nói. Trên hết chúng ta đừng quên rằng: “tất cả những điều nầy đến từ Đức Chúa Trời,” xuất phát từ lòng nhân từ không thể nào tưởng tượng được của Ngài. Chúng ta đừng nghĩ rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu thuộc về một phe thứ ba đã tranh đấu để giải cứu chúng ta ra khỏi một Đức Chúa Trời không muốn cứu chúng ta. Không phải như vậy. Chính Đức Chúa Trời đã khởi xướng sự cứu rỗi. ”Đức Chúa Trời vốn ở trong Chúa Cứu Thế, làm cho thế gian lại hòa với Ngài.”
Thật tình tôi không thể giải thích vì sao Ngài vừa ở trong Chúa Cứu Thế Ngài vừa làm cho Chúa Cứu Thế trở nên tội lỗi vì cớ chúng ta, chính vị sứ đồ này đã kết hợp hai lẽ thật này trong cùng một câu. Và chúng ta phải chấp nhận sự nghịch lý này cùng với sự nghịch lý khác gây trở ngại không kém, đó là Chúa Giê-xu Na-xa-rét vừa là Đức Chúa Trời vừa là người, song Ngài vẫn là một thân vị. Nếu có sự nghịch lý trong thân vị của Ngài, thì không có gì lạ khi chúng ta tìm thấy mot điều nghịch lý khác trong công việc của Ngài.
Nhưng ngay cả khi chúng ta không thể giải thích sự nghịch lý hoặc tìm hiểu sự huyền bí, chúng ta sẽ tin vào lời nói trực tiếp của Chúa Cứu Thế và các sứ đồ rằng Ngài đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta, khi hiểu được ý nghĩa theo Kinh Thánh của cụm từ nói rằng Ngài đã chịu hình phạt vì tội lỗi của chúng ta.
Rõ ràng là Phi-e-rơ đề cập đến điều này vì ba lý do sau đây. Thứ nhất, ông nói rằng Chúa Cứu Thế gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên ”cây gỗ.” Những thính giả người Do-thái dễ dàng biết rằng ông đang nói đến PhuDnl 21:1-22, chỗ có chép rằng: “kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả.” Sự kiện Chúa Giê-xu kết thúc cuộc đời Ngài khi bị treo trên “trụ hình” (vì người Do-thái xem việc bị đóng đinh trên thập tự giá và bị treo trên trụ hình là như nhau) có nghĩa rằng Ngài ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời.
Thay vì phản bác ý này, các sứ đồ đã chấp nhận nó và Phao-lô đã giải thích nó trong GaGl 3:1-29. Ông giải thích rằng điều này cũng được chép trong Phục truyền: “Đáng rủa sả thay kẻ nào không giữ các lời của luật pháp này để làm theo!” Nhưng sau đó “Chúa Cứu Thế đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ.” Trong văn mạch ý nghĩa trong những câu la rõ ràng không thể nào hiểu khác đi được. Có nghĩa rằng sự rủa sả công bình do luật pháp bị vi phạm trên những người phạm tội được chuyển sang Chúa Giê-xu trên cây thập tự. Ngài đã giải phóng chúng ta ra khỏi sự rủa sa bằng cách gánh lấy sự rủa sả khi Ngài chết.
Thứ hai, phân đoạn trong thơ I Phi-e-rơ này có không dưới năm lần nhắc đến những ý trong EsIs 53:1-112
I PHI-E-RƠ
“Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không có chút chi dối trá.”
“Ngài bị rủa sả.”
“Ngài gánh tội lỗi chúng ta.”
“Lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bệnh.”
“Anh em vốn giống như con chiên lạc.”
EsIs 53:1-12
“Ngài chẳng làm diều gì thô bạo và miệng Ngài chẳng có một lời dối trá.”
“Người đã bị người ta khinh dễ và chán bỏ.”
“Ngài mang lấy tội lỗi nhiều người.”
“Bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh.”
“Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc.”
Chúng ta đã thấy rằng đoạn này mô tả Đấng vô tội đã chịu khổ, bị thương tích và hy sinh chịu chết vì tội lỗi của người khác. Trong ánh sáng của đoạn này điều này vượt quá vấn đề mà Chúa Giê-xu đã giải thích về sứ mạng và cái chết của Ngài như Ngài đã làm cho những người tin theo Ngài. Ví dụ, khi hoạn quan Ê-thi-ô-bi yêu cầu nhà truyền giáo Phi-líp nói về đấng tiên tri trong phân đoạn Kinh Thánh mà ông đang đọc trên xe ngựa, ngay lập tức “Phi-líp bèn mở miệng, bắt đầu từ chỗ Kinh thánh đó mà rao giảng Đức Chúa Jêsus cho người.”
Thứ ba, trong thơ tín của ông, Phi líp có nhiều lần khác nói đến thập tự giá để để xác nhận những lời giải thích trong đoạn hai. Ông mô tả độc giả của ông “có phần trong sự rải huyết Ngài… bởi huyết báu Chúa Cứu Thế, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít” (IPhi 1Pr 1:2, 18, 19).
Điều này ám chỉ đến của lễ Vượt qua đầu tiên vào thời Xuất Ai-cập. Mỗi gia đình người Y-sơ-ra-ên đều bắt một con chiên, giết đi và rải huyết lên mày cửa và hai cột nhà. Chỉ làm như thế mới được bình an và thoát khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, chỉ làm như thế mới thoát khỏi sự nô lệ ở Ai-cập. Phi-e-rơ mạnh mẽ áp dụng ý nghĩa tượng trưng của lễ vượt qua cho Chúa Cứu Thế (như phao-lô nói “Chúa Cứu Thế là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi”). Huyết Ngài đã đổ ra để cứu chuộc chúng ta khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời và sự nô lệ cho tội lỗi. Nếu chúng ta muốn thừa hưởng được sự cứu chuộc này, huyết đó phải được rải trong lòng chúng ta, có nghĩa là được xức cho mỗi người trong chúng ta một cách riêng tư.
Một lời nói có ý nghĩa khác về thập tự giá của Phi-e-rơ được chép ở trong IPhi 1Pr 3:18 “Vả, Chúa Cứu Thế cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời....” Tội lỗi đã làm cho chúng ta phân cách khỏi Đức Chúa Trời ; nhưng Chúa Cứu Thế muốn đem chúng ta trở lại với Ngài. Vì thế Ngài đã chịu khổ vì tội lỗi của chúng ta, Cứu Chúa vô tội đã chết vì những tội nhân. Và Ngài chiụ chết “một lần,” một cách dứt khoát, để những gì Ngài làm không thể bị lập lại hoặc cải tiến hay bổ sung.
Chúng ta chớ có quên hàm ý này. Có nghĩa rằng không có sự tuân thủ lễ nghi tôn giáo hoặc việc lành nào có thể khiến cho chúng ta đuợc tha thứ. Dầu vậy vào thời kỳ hậu Cơ-đốc ở phương tây đã có nhiều người sa ngã vì lối nhạo báng Cơ-đốc giáo như thế. Có thể thông cảm được rằng vì họ không hiểu được sự khác biệt cơ bản giữa Phúc-âm Cơ-đốc và các tôn giáo đông phương. Họ xem tất cả các tôn giáo đều có cùng một hệ thống giá trị. Họ nói: “Thượng đế giúp những người tự giúp mình.” Nhưng không thể nào làm cho ý niệm này hòa hợp với thập tự giá của Chúa Cứu Thế. Ngài chết để chuộc tội cho chúng ta với một lý do đơn giản là chúng ta không thể chuộc tội cho chính mình. Nếu chúng ta có thể làm như thế, thì sự chết chuộc tội của Ngài là không cần thiết. Thật vậy, khi cho rằng chúng ta có thể nhận được đặc ân từ Đức Chúa Trời bởi những nỗ lực của chúng ta là sự sỉ nhục đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì như thế giống như nói rằng không có Ngài chúng ta vẫn có thể tự làm được, Ngài thật sự không cần băn khoăn để chết thay cho chúng ta. Như Phao-lô nói: “Nếu bởi luật pháp (qua sự vâng lời của chúng ta) mà được sự công bình (được Đức Chua Trời chấp nhận), thì Chúa Cứu Thế chịu chết là vô ích.” (GaGl 2:21).
Trong thời của chúng ta cũng như trong thời của Phao-lô, sứ điệp của thập tự giá vẫn là sự điên rồ đối những kẻ khôn ngoan và là hòn đá vấp chan đối với những người cậy sự công bìng riêng, nhưng đã đem đến sự bình an cho hằng triệu người. Như Richard Hooker đã viết trong một bài giảng mà ông đã giảng vào năm 1585 khi ông là người cai quản Đền thờ,
“Dầu bị cho là dại dột, hay điên cuồng hay là bất cứ điều gì. Thì đây là sự khôn ngoan và là nguồn an ủi của chúng ta; chúng ta không quan tâm đến tri thức của thế gian, nhưng chúng ta quan tâm đến điều này: con người đã phạm tội và Đưc Chúa Trời đã chịu đau khổ; Đức Chúa Trời đã trở nên tội lỗi vì cớ con người và con người được trở nên công bình bởi Đức Chúa Trời.”
Mỗi Cơ-đốc nhân có thể lập lại những lời này. Có sự chữa lành qua những vết thương của Ngài, có sự sống qua cái chết của Ngài, có sự tha thứ qua những nỗi đau đớn của Ngài và có sự cứu rỗi qua sự chịu khổ của Ngài.
bottom of page