top of page

Hung Tran
Mar 14, 2023
Nếu điều này đúng, rõ ràng là sự phục sinh của Ngài có tầm quan trọng vô cùng lớn lao...
PHẦN MỘT: THÂN VỊ CỦA CHÚA CỨU THẾ
SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA CỨU THẾ
Chúng...
...ta đã xem xét những lời xác nhận lạ thường của của Giê-xu và đặc tính vô kỷ mà Ngài đã bày tỏ. Giờ đây chúng ta xem xét những bằng chứng lịch sử về sự sống lại từ kẻ chết của Ngài.
Nếu điều này đúng, rõ ràng là sự phục sinh của Ngài có tầm quan trọng vô cùng lớn lao. Nếu Giê-xu Na-xa-rét sống lại từ kẻ chết, thì Ngài còn vượt trỗi hơn là một nhân vật độc đáo như người ta vẫn thường luận bàn. Đây không phải là vấn đề tồn tại thuộc linh hoặc là hồi tỉnh về mặt thuộc thể của Ngài, nhưng nói chung là vấn đề chinh phục sự chết và sự phục sinh của Ngài đối với một kế hoạch hiện hữu mới. Chúng ta không hề biết có người nào khác có được kinh nghiem như thế. Con người hiện đại cũng như những triết gia của thành A-thên điều tỏ ra khinh lờn khi nghe Phao-lô giảng trên đồi A-rê-ô-ba: “Khi chúng nghe nói về sự sống lại của kẻ chết, kẻ thì nhạo báng.”
Luận cứ ở đây không cho rằng sự phục sinh chứng minh thần tính của Ngài, nhưng nói lên rằng chúng phù hợp với nhau. Người ta đang mong chờ một con người siêu phàm sẽ đến và rồi rời địa cầu này bằng một phương cách siêu phàm. Kỳ thật đây là những gì mà Kinh Thánh dạy và kết quả là Hội thánh luôn tin vào những điều này. Ngài sinh ra theo tự nhiên, nhưng Ngài được thai ngén trong lòng mẹ một cách siêu nhiên. Ngài chết tự nhiên, nhưng sự phục sinh của Ngai là siêu nhiên. Sự hoài thai và sự phục sinh lạ lùng của Ngài không chứng minh thần tính của Ngài, nhưng phù hợp với thần tính đó (Chúng ta không xét đến việc sinh đồng trinh của Chúa Giê-xu, vì Tân Ước không sử dụng sự sinh đồng trinh của Ngài để chứng minh Ngài là Đấng Mê-si-a hoặc chứng minh thần tính của Ngài như sự phục sinh. Sự sinh đồng trinh của Ngài được luận bàn rất hay trong The Virgin Birth of Christ , James Orr, Hodder and Stougton, 1707, và The Virgin Birth , J. Gresham Machen, Marshall, Morgan and Scott, 1956).
Không bao giờ Chúa Giê-xu dự ngôn về sự chết của Ngài mà không nói thêm rằng Ngài sẽ sống lại và mô tả sự phục sinh hầu đến của Ngài là “một dấu lạ.” Đầu thơ tín Rô-ma Phao-lô viết về Chúa Giê-xu: “bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời có quyền phép” và trong những bài giảng đầu tiên của các sứ đồ trong sách Công-vụ đã xác nhận bằng cách lập đi lập lại rằng bởi sự phục sinh mà Đức Chúa Trời đã giữ con người khỏi bị tuyên án và minh oan cho Con Ngài.
Nói về sự phục sinh, Lu-ca được người ta biết đến như là một sử gia cẩn thận và chính xác đã nói rằng: “có nhiều bằng chứng.” Có thể chúng ta không thể cảm thấy rằng chúng ta đã đi quá xa như Thomas Arnold đã gọi sự phục sinh là “một sự kiện đã được chứng minh một cách đầy đủ nhất trong lịch sử,” nhưng chắc chắn là có nhiều nhà nghiên cứu vô tư đã đánh giá những bằng chứng về sự phục sinh của Ngài là cực kỳ đúng đắn. Ví dụ, Edward Clarke K.C. viết cho mục sư quản nhiệm E.L. Macassey:
“Là một luật sư tôi đã thực hiện một cuộc nghiên cứu lâu dài về những bằng chứng cho những sự kiện của ngày lễ Phục sinh đầu tiên. Đối với tôi bằng chứng phải có tính thuyết phục và hết lần này đến lần khác ở Tối cao Pháp viện tôi đã bảo vệ cho những phán quyết dựa trên những bằng chứng có tính thuyết phục. Bất cứ sự can thiệp nào vào những bằng chứng hiển nhiên và những lời làm chứng trung thực đều đòi hỏi phải tuyên thệ và hậu quả là bị bác bỏ. Bằng chứng về sự phục sinh của Phúc Âm thuộc loại này và với tư cách một luật sư tôi hoàn toàn chấp nhận lời làm chứng của những người trung thực về những sự kiện mà họ có thể xác nhận.”
Bằng chứng này là gì? Chúng ta thử tóm lược trong bốn phần sau đây:
1. Xác Ngài không còn:
Những câu chuyện Phục sinh trong bốn sách Phúc-âm đều bắt đầu việc những người đàn bà đến viếng mộ Chúa vào sáng sớm Chúa nhật Phục sinh. Khi đến nơi họ điếng người khi phát hiện xác Chúa đã biến mất.
Vài ngày sau các sứ đồ loan truyền rằng Chúa Giê-xu đã sống lại. Đây là điểm chính yếu của sứ điệp này. Nhưng hầu như người ta không thể nào tin lời họ nếu như chỉ cần đi bộ vài phút là có thể đến được mộ của Giô-sép nơi mà thân xác của Chúa Giê-xu vẫn còn nằm ở đó! Không. Ngôi mộ trống. Xác Ngài đã biến mất. Không thể nghi ngờ về sự kiện này. Vấn đề là phải giải thích như thế nào.
- Trước nhất, có giả thuyết cho rằng những người đàn bà này đến lầm mộ.
. Trời vẫn còn tối và họ bị choáng vì cớ buồn rầu. Do đó họ rất dễ lầm lẫn.
Xét theo bề ngoài, lời giải thích này nghe có vẻ hợp lý, nhưng cần phải xem xét kỹ. Để bắt đầu, chúng ta thấy trời có thể không hoàn toàn tối. Đúng là Giăng đã nói những người đàn bà này đã đến “khi trời còn tối.” Nhưng trong Mat Mt 28:1 nói rằng: “lúc tưng tưng sáng”, trong khi Lu-ca nói rằng “khi mờ sáng” và đặc biệt là Mác nói rằng: “mặt trời mới mọc.”
. Hơn nữa những người đàn bà này không phải là những người dại. Ít ra có hai người trong số họ đã tận mắt chứng kiến Giô-sép và Ni-cô-đem táng xác Ngài. Họ chứng kiến việc chôn cất Ngài từ đầu tới cuối, họ “ngồi đối diện với mộ.” Chính hai người đàn bà này (Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Chúa Giê-xu) đã quay trở lại lúc bình minh và dẫn theo Sa-lô-nê, Gian-nơ và “những ngươi đàn bà khác,” vì thế nếu có một người đi sai đường hoặc đến lầm mộ chắc chắn những người khác sẽ nhắc. Và nếu Ma-ri Ma-đơ-len là người đầu tiên đi lầm chỗ, bà khó có thể lập lại sai lầm như thế khi bà quay trở lại lúc trời đã tỏ sáng và nấn ná trong vườn cho đến khi Chúa Giê-xu gặp bà.
. Ngoài ra, không chỉ vì sự thương cảm đã khiến họ đến viếng mộ vào lúc sáng sớm. Họ đã đến đó vì một nhiệm vụ thực tiễn. Họ mang theo thuốc thơm và sẵn sàng hoàn tất việc xức xác Chúa của họ, bởi vì ngày Sa-bát đang đến gần vì thế họ phải cấp tốc thực hiện việc này từ hai ngày trước. Những người phụ nữ tận hiến và làm việc có hiệu quả này không phải là loại người dễ bị lừa gạt hoặc bỏ bê nhiệm vụ mà họ sắp thực hiện. Nếu như họ lầm mộ, thì liệu Phi-e-rơ và Giăng là những người đã chạy đến mộ để xác minh lại chuyện kể của họ, kể cả Ni-cô-đem và Giô-sép cũng lầm lẫn hay sao?
- Lời giải thích thứ hai là giả thuyết về sự bất tỉnh:
• Những người giữ quan điểm này khiến cho chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu không chết nhưng chỉ bất tỉnh. Sau đó Ngài tỉnh lại trong mộ, rời mộ, rồi sau đó đến với các môn đệ Ngài.
• Giả thuyết này đầy dẫy những vấn đề. Nó hoàn toàn sai lầm. Có những bằng chứng hiển nhiên phủ nhận hoàn toàn giả thuyết này. Phi-lát thật ngạc nhiên khi nghe nói Chúa Giê-xu đã chết, nhưng ông qua lời xác nhận của thầy đội ông tin điều này và cho phép Giô-sép đem xác Chúa Giê-xu khỏi cây thập tự. Thầy đội chắc chắn rằng Ngài đã chết bởi vì ông đã ở đó khi “một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra.” Vì thế Giô-sép và Ni-cô-đem đem xác Ngài xuống, bọc trong vải liệm và đặt xác Ngài trong ngôi mộ mới của Giô-sép.
• Thế thì chúng ta có phải tin một cách nghiêm túc rằng trong suốt thời gian này Chúa Giê-xu chỉ bất tỉnh mà thôi không? Sau những gian khổ và những đau đớn vì thử thách, bị nhạo báng, bị đánh đập và bị đóng đinh trên thập tự giá Ngài có thể sống sót sau ba mươi sáu giờ trong ngội mộ đá lạnh lẽo không thức ăn không được chăm sóc thuốc men sao? Thế thì Ngài có đủ sức để thực hiện một công việc phi thường là lăn tảng đá chặn huyệt mọ và không làm náo động toán lính La-mã hay sao? Sau đó với sự yếu đuối, đau đớn và đói mệt Ngài có thể hiện ra với các môn đệ của Ngài để tạo ra ấn tượng rằng Ngài chế ngự sự chết hay không? Ngài có thể tiếp tục xác nhận rằng Ngài đã chết và sống lại, Ngài có thể sai họ đi khắp thế gian và và hứa ở với họ cho đến ngày tận thế sao? Ngài có thể nào sống và ẩn mình ở một nơi nào đó trong bốn mươi ngày, thỉnh thoảng xuất hiện để gây ngạc nhiên và cuối cùng biến mất mà không một lời giải thích không? Sự cả tin như thế khó mà chấp nhận hơn là sự vô tín của Thô-ma.
- Thứ ba, có ý kiến cho rằng có những kẻ đánh cắp xác Ngài:
• Không có chút bằng chứng nào cho sự phỏng đoán này.
• Không ai có thể giải thích được bằng cách nào những kẻ cắp đánh lừa được toán lính gác La-mã. Cũng không ai có nghĩ ra tại sao những kẻ cắp đem xác Ngài đi và để lại vải liêm, cũng không nghĩ ra được rằng họ hành động như thế bởi động cơ gì.
- Thứ tư, có người lập luận rằng các môn đệ đã lấy xác Ngài đi:
• Ma-thi-ơ nói với chúng ta rằng đây là tin đồn mà người Do-thái đã loan truyền mấy ngày trước. Ông mô tả Phi-lát, người đã cho phép Giô-sép mang xác Chúa Giê-xu đi, đã tiếp đón phái đoàn của những thầy tế lễ cả và những người Pha-ri-si, họ nói:
“Thưa Chúa, chúng tôi nhớ người gian dối này, khi còn sống, có nói rằng: Khỏi ba ngày thì ta sẽ sống lại. Vậy, xin hãy cắt người canh mả cẩn thận cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đồ nó đến lấy trộm xác đi, rồi nói với dân chúng rằng: Ngài đã từ kẻ chết sống lại. Sự gian dối sau đó sẽ tệ hơn sự gian dối trước.”
Phi-lát đồng ý. “Các ngươi có lính canh; hãy đi canh giữ theo ý các ngươi” và người Do-thái” niêm phong mả Ngài lại, cắt lính canh giữ, lấy làm chắc chắn lắm.” Ma-thi-ơ tiếp tục mô tả tảng đá, việc niêm phong và lính canh không thể ngăn cản sự phục sinh của Ngài như thế nào và bọn lính canh đã vào thành báo cáo lại cho thầy tế lễ cả những gì đã xảy ra như thế nào. Sau khi bàn bạc họ đã hối lộ cho những người lính và nói:
“Các ngươi hãy nói rằng: Môn đồ nó đã đến lúc ban đêm, khi chúng tôi đương ngủ, mà lấy trộm nó đi. Nếu điều ấy thấu tai quan tổng đốc, thì chúng ta sẽ khuyên giải người, và làm cho các ngươi khỏi lo sợ. Mấy tên lính đó lấy bạc, và làm theo như lời. Tiếng ấy đã đồn ra trong dân Giu-đa cho đến ngày nay.”
• Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Có khả năng một người lính canh được tuyển chọn đã ngủ gục đang khi được phân công canh gác hay không? Và nếu họ vẫn thức, làm thế nào những người đàn bà có thể vượt qua họ để lăn tảng đá?
• Ngay cả khi cho rằng các môn đệ của Ngài dã thành công trong việc đem xác Ngài đi, việc nghiên cứu về tâm lý đủ để người ta không tin vào giả thuyết này. Chúng ta biết được ngay trong phần đầu của sách Công vụ những lời giảng dạy đầu tiên của các sứ đồ tập trung vào sự sống lại của Chúa Giê-xu. “Các người đã giết Ngài, nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại và chúng ta đã tận mắt chứng kiến”, họ vẫn nói như thế. Thế thì chúng ta có tin rằng họ đang công bố những gì họ biết là lời cố ý nói dối không? Nếu chính họ lấy xác Chúa Giê-xu đi, thì việc rao giảng về sự phục sinh của Ngài là điều sai lầm có chủ ý mà ai cung biết. Họ không những rao giảng về sự phục sinh, mà còn chịu khổ vì sự phục sinh. Họ sẵn sàng bị tù, bị đánh và bị chết vì một câu chuyện huyền hoặc hay sao.
Điều này không đúng. Hầu như là không thể. Qua các sách Phúc-âm và Công-vụ, rõ ràng rằng các sứ đồ là những người chân thực. Họ có thể bị lừa dối, nhưng họ không phải là những kẻ lừa dối. Những kẻ giả hình và những người tuận đạo không thể được làm ra từ cùng một thứ chat liệu.
- Thứ năm và có lẽ là lời giải thích ít hợp lý nhất (dầu chỉ là giả thuyết)
• Về việc xác Chúa Giê-xu biến mất là người La-mã hoặc người Do-thái đã giữ lấy xác Chúa Giê-xu. Chắc hẳn họ có đủ lý do để làm điều này. Họ đã nghe Chúa Giê-xu nói về sự sống lại và họ sợ rằng đây là một trò lừa bịp. Vì thế (tiếp tục lập luận), đễ ngăn chận trò lừa bịp này, họ đã cẩn thận tịch thu xác Chúa Giê-xu.
• Nhưng khi xem xét cẩn thận, sự tái tạo có tính phỏng đoán về những gì đã xảy ra cũng đã đổ vỡ. Chúng ta đã thấy chỉ ít tuần sau cái chết của Chúa Giê-xu các Cơ-đốc nhân đã dạn dĩ loan tin về sự phục sinh của Ngài. Tin tức lan truyền một cách nhanh chóng. Phong trào Na-xa-rét mới đe dọa xói mòn thành lũy của Do-thái giáo và làm xáo động sự thanh bình của Giê-ru-sa-lem. Người Do-thái sợ sự cải đạo; người La-mã sợ những vụ nổi loạn. Trước sự việc như thế đương nhien chính quyền phải ra tay hành động. Có thể họ đã giữ xác Chúa Giê-xu và công bố những gì họ đã làm.
Nếu họ làm thế, lẽ ra họ phải im lặng thay vì phải sử dụng đến bạo lực. Nhưng họ đã bắt giữ các sứ đồ, đánh đòn, giam tù, lăng mạ, âm mưu chống lại họ và giết họ. Hội thánh được thành lập trên sự phục sinh. Bác bỏ sự phục sinh, Hội thánh chắc hẳn sẽ sụp đổ. Nhưng họ không thể làm như thế; xác Ngài không ở trong tay của họ. Sư im lặng của nhà cầm quyền là bằng chứng hùng hồn về sự phục sinh mà các sứ đồ đã mục kích.
Đây là những giả thiết mà nhiều người đã nghĩ ra để cố lý giải về ngôi mộ trống và việc xác Chúa Giê-xu biến mất. Không có giả thiết nào thỏa đáng. Không có giả thuyết nào có được bằng chứng lịch sử hiển nhiên. Vì thế muốn có được lời giải thích đầy đủ, có lẽ chúng ta không có lầm lỗi gì khi đưa ra lời tuờng thuật đơn giản và đúng đan của các sách Phúc-âm mô tả về những sự kiện xảy ra vào ngày Lễ Phục Sinh đầu tiên. Xác Chúa Giê-xu không bị con người đem đi; Ngài đã sống lại bởi Đức Chúa Trời.
2. Vải liệm không bị rối tung:
Đây là một sự kiện đáng chú ý. Những người kể chuyện nói rằng xác Chúa Giê-xu đã biến mất và cũng nói rằng vải liệm vẫn còn đó. Chính sứ đồ Giăng là người đặc biệt lưu ý đến sự kiện này, vì ông đã cùng đồng hành với Phi-e-rơ trong một cuộc đua đến mộ đầy kịch tính vào sáng sớm hôm đó. Không thể nào nghi ngờ đươc những điều mô tả của ông về sự kiện này vì đây là một kinh nghiệm trực tiếp của ông (GiGa 20:1-10). Ông chạy nhanh hơn Phi-e-rơ, nhưng khi đến nơi ông đã không làm gì cả mà chỉ nhìn vào mộ, cho đến khi Phi-e-rơ đến và bước vào trong mộ. “Bấy giờ, môn đồ kia đã đến mộ trước, cũng bước vào, thì thấy và tin.” Vấn đề là: người này đã thấy gì và tin? Câu chuyện cho thay rằng không chỉ là xác Chúa không còn, nhưng đặc biệt là sự có mặt của vải liệm trong tình trạng không xáo trộn.
Chúng ta hãy thử xây dựng lại câu chuyện này (Theo Henry Latham, The Risen master, Leighton Bell, 1904). Giăng kể rằng (19:38-42) khi Giô-sép xin Phi-lát đem xác Chúa đi, Ni-cô-đem “đem theo độ một trăm cân một dược hòa với lư hội.” Sau đó “hai người lấy xác Đức Chúa Jêsus, dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo như tục khâm liệm của dân Giu-đa.” Điều này nói lên rằng, khi họ quấn “những băng vải gai” quanh xác Chúa, họ đã rắc những hương liệu vào các nếp gấp của vải. Một cái khăn trùm đầu rời sẽ được sử dụng cho đầu của Ngài. Điều này được sáng tỏ qua bản tường thuật của Giăng về vải liệm của La-xa-rơ. Vì khi Chúa Giê-xu khiến La-xa-rơ sống lại “Người chết đi ra, chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn.” (11:44). Thế thì thân và đầu Ngài bị quấn kín, chừa mặt và cổ ra theo như phong tục của đông phương. Sau đó họ đặt xác Ngài trên một phiến đá được đẽo từ một phía của huyệt mộ.
Giờ đây giả sử rằng chúng ta có mặt trong ngôi mộ đá này khi sự phục sinh của Chúa Giê-xu thật sự xảy ra. Chúng ta sẽ nhìn thấy gì? Phải chăng chúng ta thấy Ngài bắt đầu cử động, rồi ngáp, duổi tay duổi chân và ngồi dậy? Không. Chúng ta không tin rằng Ngài trở lại với cuộc sống này. Ngài không hồi tỉnh sau khi bị ngất đi. Ngài đã chết và Ngài đã sống lại. Ngài đã phục sinh chớ không hồi tỉnh. Chúng ta tin rằng Ngài đã vượt qua sự chết một cách lạ lùng để bước vào một phạm vi hiện hữu mới. Thế thì chúng ta sẽ thấy gì khi chúng ta ở đó. Thình lình chúng ta thấy xác Ngài biến mất. Xác Ngài tựa như “bị bốc hơi, ” được chuyển hóa thành một cái gì đó mới mẽ khác thường và lạ lùng. Xác Ngài chắc hẳn đã đi xuyên qua vài liệm, như về sau đã đi xuyên qua những cánh cửa đóng kín, không chạm vào chúng và hầu như chúng không bị rối tung lên. Hầu như nhưng không hoàn toàn. Vì vải liệm, dưới sực nặng của một trăm cân thuốc thơm, một khi xác bị cất đi và không con được chống đỡ từ bên trong sẽ bị sụp xuống, và giờ đây nằm dẹp xuống. Một khoảng trống xuất hiện giữa vải liệm xác và cái khăn trùm đầu, chỗ mà mặt và cổ được chừa ra. Và khăn trùm do có hình thể đan chéo phức tạp của vải gai, có thể vẫn giữ nguyên hình dạng hình lõm của một dải băng quấn quanh đầu bị nhàu nát, nhưng không có đầu ở bên trong.
Nghiên cứu cẩn thận lời kể của Giăng cho biết ông nhận thấy ba đặc điểm của vải liệm còn lại đó.
- Thứ nhất, ông thấy vải liệm “nằm.” Từ này được lập lại hai lần và lần đầu thì ở vị trí nhấn nhận trong một câu nói tiếng Hy-lạp. Chúng ta có thể dịch “Ông thấy vải liệm khi chúng đang nằm.”
- Kế đến, “và cái khăn liệm trùm đầu Đức Chúa Jêsus chẳng ở cùng một chỗ với vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi khác.” Điều này không có nghĩa là nó bị cuốn lại và bị ném vào một góc. Nó vẫn nằm trên bệ đá, nhưng cách vải liệm xác một quảng cách có thể nhận thấy.
- Thứ ba, cái khăn liệm trùm đầu này bị “…cuốn lại” từ cuối cùng này được dịch là “xoắn lại” (twirled). Bản dịch Authorized Version là “quấn lại” (wrapped together) và bản dịch Revised Standard Version là” cuộn tròn” (rolled up). Đây là những từ thích hợp để mô tả hình dáng tròn mà chiếc khăn vẫn giữ được.
Thật khó tưởng tượng được quang cảnh mà chính mắt các sứ đồ đã nhìn thấy khi họ đến mộ: tảng đa bị lăn, vải liệm bị xẹp xuống, chiếc khăn trùm đầu và khoảng cách giữa chúng. Vì thế không có gì lạ khi họ ”thấy và tin.” Một thoáng nhìn vào những vải liệm này tỏ rõ bản chất hiện thực của sự phục sinh. Chúng không bị đụng đến, cũng không bị gập lại hoặc bị bàn tay của bất cứ con người nào tác động vào. Chúng giống như chiếc kén của con nhộng bị bỏ lại khi con bướm xuất hiện.
Tình trạng của những vải liệm trở nên bằng chứng cho sự phục sinh được củng cố thêm bởi sự kiện Ma-ri Ma-đơ-len (người đã quay trở lại mộ sau khi báo tin cho Phi-e-rơ và Giăng) “cúi xuống dòm trong mộ, thấy hai vị thiên sứ mặc áo trắng, một vị ngồi đằng đầu, một vị ngồi đằng chân, chỗ xác Đức Chúa Jêsus đã nằm.” Có thể đoán rằng hai thiên sứ ngồi trên phiến đá và vải liệm ở giữa họ. Ma-thi-ơ lẫn Mác đều thêm rằng một trong hai thiên sứ nói “Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (GiGa 20:11; Mat Mt 28:6; Mac Mc 16:6). Dầu độc giả có tin vào thiên sứ hay không, những lời ám chỉ đến chỗ Chúa Giê-xu đã nằm, được nhấn mạnh vừa bởi vị trí vừa bởi lời của các thiên sứ, xác nhan những thông tin mà các nhà truyền đạo có được; vị trí của vải liệm và xác Chúa Giê-xu là bằng chứng hợp lý về sự phục sinh.
3. Chúa được nhìn thấy:
Độc giả của các sách Phúc-âm đều biết rằng họ đang đọc một số câu lạ thường về Chúa giê-xu đã hiện ra với các môn đệ của ngài sau khi Ngài sống lại. Chúng ta được nghe kể về mười lần khác nhau Chúa đã hiện ra với những người mà Phi-e-rơ gọi là “những chứng nhân được chọn.” Ngài đã hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len, với những người đàn bà quay trở lại mộ, với Phi-e-rơ, với hai môn đồ trên đường Em-ma-út, với mười người đang nhóm lại trên phòng cao, với mười một sứ đồ trong đó có Thô-ma một tuần lễ sau, với “hơn năm trăm môn đồ cùng một lúc,” với Gia-cơ, với mấy môn đồ gồm Phi-e-rơ, Thô-ma, Na-tha-na-ên, Gia-cơ và Giăng bên bờ hồ Ga-li-lê và với nhiều người trên núi Ô-li-ve gần Bê-tha-ni lúc Ngài thăng thiên.
Cuối bảng liệt kê những người đã thấy Chúa Giê-xu thăng thiên trong ICo1Cr 15:1-58, Phao-lô đã thêm vào kinh nghiệm gặp Chúa của ông trên đường Đa-mách. Bởi vì Lu-ca đã nói với chúng ta trong phần đầu của sách Công vụ rằng: “Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời,” nên có thể còn có nhiều lần hiện ra khác không được ký thuật lại.
Chúng ta không thể bàn luận qua loa về những chứng cớ sống động về sự phục sinh của Chúa Cứu Thế. Chúng ta phải tìm ra những lời giải thích cho những câu chuyện này. Chỉ có ba lời giải thích khả dĩ. Một là do người ta đặt ra; hai là những ảo giác; ba là những câu chuyện thật.
Chúng có phải là những câu chuyện bịa đặt không? Không cần thiết phải dành nhiều chỗ cho sự bày bác như thế. Những câu chuyện về sự hiện ra sau khi phục sinh không phải là người câu chuyện cố tình đặt ra vì nếu thực sự là như vậy thì chúng không thể nào lại đơn sơ và giản dị như thế. Một lẽ vì đây là những câu chuyện nghiêm túc không tô vẽ; một lẽ khác chúng rất sinh động trong từng chi tiết nhỏ. Những câu chuyện về cuộc chạy đua đến ngôi mộ và chuyến đi bộ đến Em-ma-út quá sống động và quá thực để mà bịa đặt ra.
Ngoài ra, không ai có thể gọi chúng là những câu chuyện bịa hay. Nếu muốn chúng ta có thể đặt ra câu chuyện về sự phục sinh và tự chúng ta có thể làm tốt hơn. Chúng ta sẽ cẩn thận tránh những vấn đề rắc rối phức tạp của các diễn biến mà bốn sách Phúc-âm đã tạo ra. Chúng ta sẽ hạn chế, hoặc giảm thiểu những mối nghi ngờ, sợ hãi của các sứ đồ. Có lẽ chúng ta sẽ mô tả một cách đầy kịch tính sự phục sinh (như những ngụy kinh Tin Lành), để mô tả quyền năng và sự vinh hiển cua Con Đức Chúa Trời khi Ngài bứt dứt xiềng sự chết và bật tung mồ một cách khải hoàn. Nhưng không ai thấy điều này xảy ra và chúng ta không thấy chỗ nào mô tả như thế. Chúng ta hầu như không chọn Ma-ri Ma-đơ-len là người chứng đầu tiên, để tránh lời nhạo báng của Renan “cảm xúc mạnh mẽ của một người nhìn thấy ảo giác đã đem lại cho thế giới một thượng đế phục sinh.”
Giả thuyết về những câu chuyện bịa đặt bị phản đối nhiều hơn hơn la tính chân thật của những câu chuyện này. Đây là sự thật hiển nhiên mà chung ta đã có dịp đề cập đến, bởi đó mà các sứ đồ và ngay cả những nhà truyền đạo cùng Hội thánh đầu tiên đã tin rằng Chúa Giê-xu đã sống lai một cách siêu phàm. Cả Tân Ước đều bao trùm một bầu không khí của sự tin cậy và đầy thuyết phục. Nếu muốn bạn có thể cho rằng các tác giả của Tân Ước đã bị lừa dối một cách thảm hại, nhưng dứt khoát là họ không hề có chủ ý lừa dối ai.
Nếu những lời mô tả này không phải là những chuyện bịa đặt thì những sự hiện ra có phải là những ảo giác không? Quan niệm này được nhiều người chấp nhận một cách rộng rãi, được giải thích mot cách tự tin và dĩ nhiên ảo giác là một hiện tượng không bình thường. Một ảo giác là “là sự nhận thức rõ ràng một vật thể ở bên ngoài khi mà một vật thể như thế không hiện diện” và thường liên quan đến những người bị rối loạn chức năng thần kinh, nếu họ không thực sự bị bệnh tâm thần. Hầu hết chúng ta đều biết có những người nhìn thấy những sự việc, nghe những tiếng nói và đôi lúc hoặc luôn sống trong thế giới tưởng tượng của chính họ. Không thể cho rằng các sứ đồ thuộc loại người không được quân bình như thế. Ma-ri Ma-đơ-len có thể cho bà là như thế, nhưng khó có thể cao giọng như thế với Phi-e-rơ hay nghi ngờ Thô-ma.
Ảo giác cũng có thể xảy ra với những người hoàn toàn bình thường và trong những trường hợp như thé phải phân biệt rõ được hai đặc điểm sau. Thứ nhất, chúng xảy ra trong giai đoạn mà những mơ ước đạt đến đỉnh cao. Thứ hai, những tình huống về thời gian, nơi chốn và tâm trạng phải thuận lợi. Phải có ước muốn mãnh liệt bên trong và và bối cảnh bên ngoài thuận lợi.
Tuy nhiên khi chúng ta quay trở lại với những câu chuyện về sự phục sinh, chúng không hề có hai yếu tố nói trên. Không hề có mơ ước, mà thậm chí còn ngược lại. Khi những người đàn bà đầu tiên nhìn thấy ngôi mộ trống, họ “run sợ sửng sốt.” Khi Ma-ri Ma-đơ-len và những người đàn bà khác thông báo rằng Chúa Giê-xu đã sống lại, các sứ đồ “không tin và cho lời ấy là hư không” Khi Chúa Giê-xu hiện ra và đứng giữa họ “môn đồ đều sửng sốt rụng rời, tưởng thấy thần” vì thế Chúa Giê-xu phán rằng: “Sao các ngươi bối rối, và sao trong lòng các ngươi nghi làm vậy?” Thô-ma là người cứng lòng khi từ chối không tin trừ khi ông thấy và sờ vào những dấu đinh trên thân thể Ngài. Về sau Ngài hẹn gặp mười một sứ đồ và những người khác trên một ngọn núi ở Ga-li-lê, ”họ thờ lạy Ngài; nhưng một số người nghi ngờ.” Ở đây không hề có sự mơ tưởng, không có sự cả tin nhẹ dạ cũng không có việc chấp nhận một cách mù quáng. Các môn đồ không hề cả tin, nhưng thay vì thế họ rất thận trọng, đa nghi và ”chậm tin.” Họ không dễ bị ảnh hưởng bởi những ảo giác. Những sự hiện thấy lạ lùng cũng không làm họ thỏa mãn. Đức tin của họ đặt trên những sự kiện không thể nào chối cãi được chứng thực bằng kinh nghệm.
Không chỉ có thế mà những hoàn cảnh thuận lợi bên ngoài cũng không có. Nếu những lần hiện ra xảy ra tại một hai nơi đặc biệt linh thiêng, chúng linh thiêng bởi những hồi ức về Chúa Giê-xu và họ phải ở trong tam trạng trông ngóng, chúng ta có thể nghi ngờ. Nếu câu chuyện về những lần hiện ra chỉ xảy ra ở phòng cao, chúng ta có thể nghi ngờ và đặt câu hỏi. Nếu mười một sứ đồ nhóm laị trong chỗ đặc biệt nơi mà Chúa Giê-xu đã ở với họ trong những giờ phút cuối cùng ở trần thế này và họ đã dành cho Ngài một chỗ trống, rồi nào là hoài cảm về những ngày kỳ diệu đã qua, nhớ về những lời hứa rằng Ngài sẽ trở lại và bắt đầu tự hỏi Ngài có trở lại không và rồi hy vọng, cho đến khi sự mong đợi nhiệt thành của họ tăng lên tột bực bởi sự xuất hiện đột ngột của Ngài, quả thật chúng ta e rằng họ sẽ bị cười nhạo bởi một ảo tưởng tai hại như thế.
Nhưng trường hợp này không phải như thế. Thật vậy, việc nghiên cứu về những lần hiện ra của Chúa Giê-xu cho thấy những tình huống đa dạng về con người, nơi chốn và tâm trạng của họ. Ngài được nhìn thấy bởi những cá nhân (Ma-ri Ma-đơ-len, Phi-e-rơ và Giăng), bởi những nhóm nhỏ và bởi hơn năm trăm người cùng một lúc. Ngài hiện ra trong khuôn viên của ngôi mộ, gần Giê-ru-sa-lem, trong phòng cao, trên đường đến làng Em-ma-út, bên bờ hồ Ga-li-lê, tren một ngọn núi vùng Ga-li-lê và trên núi Ô-li-ve.
Nếu có sự thay đổi về con người và nơi chốn, thì cũng có sự thay đổi về tâm trạng. Ma-ri Ma-đơ-len đang khóc; những người đàn bà đang kinh hãi; Phi-e-rơ đầy ăn năn và Thô-ma thì hoài nghi. Hai môn đồ trên đường Em-ma-út thì bối rối bởi những sự kiện xảy ra trong tuần lễ đó và các môn đồ ở Ga-li-lê ở bên cạnh thuyền đánh cá của họ. Dầu vậy Chúa phục sinh đã làm cho họ nhận biết Ngài qua những nghi ngờ và sợ hãi, qua sự vô tín và bối rối của họ.
Những ảo giác gây loạn trí không thể nào gạt bỏ những sự bày tỏ của Chúa siêu phàm. Vì thế, nếu chúng không phải là những chuyện bịa cũng không phải là những ảo giác, thì chỉ còn có một khả năng chọn lựa duy nhất là chúng đã thật sự xảy ra. Chúa phục sinh đã được người ta nhìn thấy.
4. Các môn đồ đã thay đổi:
Có thể nói sự biến đổi của các môn đệ của Chúa Giê-xu là một trong những bằng chứng vĩ đại nhất về sự phục sinh của Ngài bởi vì nó hoàn toàn chân thật. Họ không mời gọi chúng ta xem xét họ, như họ mời gọi chúng ta xem xét ngôi mộ trống, vải liệm bị xẹp xuống và Chúa là Đấng mà họ nhìn thấy. Chúng ta có thể nhìn thấy sự thay đổi trong họ mà không được họ yêu cầu. Những con người được miêu tả trong các trang của các sách Phúc-âm trở thành những người mới và khác hẳn trong Sách Công-vụ. Cái chết của Thầy họ đã khiến cho họ nản lòng, vỡ mộng và hầu như tuyệt vọng. Nhưng trong Công-vụ họ xuất hiện như những con người liều mình vì Danh của Chúa Cứu Thế Giê-xu và làm đảo lộn thế giới.
Điều gì đã khiến họ thay đổi? Điều giải thích cho đức tin, năng lực, niềm vui và tình yêu thương mới của họ? Chắc chắn một phần là do lễ Ngũ Tuần và sự đến của Đức Thánh Linh; nhưng Đức Thánh Linh chỉ đến sau khi Chúa Giê-xu sống lại và thăng thiên. Một phần nữa dường như là sự phục sinh dã phát lộ năng quyền thuộc linh và đạo đức. Có hai ví dụ nổi bật sau đây.
- Thứ nhất là Si-môn Phi-e-rơ. Trong câu chuyện kể về sự khổ hình mà Phi-e-rơ phải chịu vì Chúa Giê-xu, ông đã trải qua một giai đoạn cực kỳ tối tăm. Ông đã chối Chúa Cứu Thế ba lần. Ông rủa sả và thề như Chúa Giê-xu chưa hề có chút ảnh hưởng nào trên đời sống của ông. Ông đã đi vào trong đêm tối và khóc lóc cach đắng cay. Khi Chúa Giê-xu chết ông đã cùng những người khác nhóm lại trong phòng cao, đằng sau những cánh cửa đóng kín “vì sợ dân Giu-đa” với tâm trạng hoàn toàn chán nản.
Nhưng khi lần dở từng trang Kinh Thánh, chúng ta thấy ông đứng lên, có lẽ chỉ cách mấy bước bên ngoài chính căn phòng cao đó trong thành Giê-ru-sa-lem, rao giảng một cách dạn dĩ và đầy uy quyền cho một đám đông mà ba ngàn người đã tin nhận Chúa Cứu Thế và chịu phép báp-têm. Lật sang đoạn tiếp theo của sách Công-vụ, chúng ta thấy ông đã thách thức Tòa Công luận là những người đã kết án tử Chúa Giê-xu. Ông vui mừng được xem là xứng đáng bị hổ nhục vì Danh Ngài và sau đó đã trải qua đêm trong ngục thất trước khi bị hành hình.
Si-môn Phi-e-rơ đã trở thành một con người mới. Cát chảy đã bị thổi bay; đúng như tên của ông, giờ đây ông là tảng đá thật. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt như thế?
- Hoặc trường hợp của Gia-cơ, người sau này giữ vai trò lãnh đạo trong Hội thánh Giê-ru-sa-lem. Ông là một “trong những anh em của Chúa Giê-xu.” Người mà các sách Phúc-âm nói rằng không tin Chúa Giê-xu: “Ngay cả anh em Ngài cũng không tin Ngài.” nhưng khi chúng ta đọc đến đoạn thứ nhất của sách Công-vụ, danh sách các môn đệ mà Lu-ca liệt kê bao gồm “anh em Ngài.” Giờ đây rõ ràng Gia-cơ đã trở thành một tín hữu. Điều gì đã làm ông đổi khác như thế? Điều gì đã chinh phục ông? Có lẽ chúng ta sẽ tìm được câu trả lời khi tra xem ICo1Cr 15:7, chỗ mà Phao-lô ghi ra tên của những người đã nhin thấy Chúa Giê-xu sống lại, ông viết thêm rằng: “Ngài hiện ra với Gia-cơ.”
Chính sự phục sinh đã biến nỗi sợ của Phi-e-rơ thành sự can đảm và sự nghi ngờ của Gia-cơ thành đức tin. Chính sự phục sinh đã biến ngày Sa-bát thành Chúa nhật và những gì còn lại của Do-thái giáo thành giáo hội Cơ-đốc. Chính sự phục sinh đã biến một người Pha-ri-si như Sau-lơ thành một sứ đồ Phao-lô, kẻ bắt bớ đạo một cách điên cuồng trở thành một người rao giảng chính đức tin mà trước kia ông đã cố gắng phá hủy. Phao-lô viết, “Cuối cung Ngài cũng hiện ra với tôi.”
Đây là những bằng chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu. Xác Ngài đã biến mất. Vải liệm vẫn còn nguyên không bị rối tung. Chúa được nhìn thấy. Và các môn đồ thay đổi. Thật không thể nào có lời giải thích những hiện tượng này đầy đủ hơn là lời khẳng định lời của Cơ-đốc nhân là “Chúa thật đã sống lại.”
Trong ba chương vừa qua chúng ta đã tìm hiểu một nhân vật lịch sử thật hấp dẫn, một người thợ mộc khiêm nhường nhất ở Na-xa-rét đã trở thành một nhà truyền đạo nông dân và đã chết như một tội nhân.
* Những lời xác nhận của Ngài vô cùng quan trọng.
* Ngài toàn hảo về mặt đạo đức.
* Ngài sống lại từ kẻ chết.
* Trọng lượng của bằng chứng này hoàn toàn có tính thuyết phục.
Chúng là những chứng cớ hoàn toàn hợp lý để đức tin dẫn chúng ta đến bước cuối cùng là quỳ trước mặt Ngài và miệng chúng ta nói ra một cách mạnh mẽ lời mà một Thô-ma hoài nghi đã nói: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi.”
bottom of page