top of page
Hung Tran
Jun 22, 2023
Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Địa Hạt Việt Nam thuộc Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm Đông Nam Á...
Lịch sử Giáo Hội Cơ-Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Việt Nam (1929-1989)
Giáo...
...Hội Cơ-Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Địa Hạt Việt Nam thuộc Liên Hiệp Hội Cơ-Đốc Phục Lâm Đông Nam Á, Tổng Hội Viễn Đông của Toàn Cầu Tổng Hội Cơ Đốc Phục Lâm (General Conference of Seventh Day Adventists).
Với lòng kính yêu Chúa và thương xót tội nhơn nhiệt tình, Liên Hiệp Hội Giáo Hội Cơ-Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Nam Hoa, nay là Liên Hiệp Hội Mã Lai, tức Liên Hiệp Hội Đông Nam Á ngày nay, từ năm 1915 đến năm 1927 đã liên tục cử các Thư Báo Truyền Đạo (nhân viên truyền bá giáo lý bằng cách bán, tặng sách đạo). Dương Thượng Thiên người Đài Loan, Tan Kia Ou người Trung Hoa, Giáo sĩ R. N. Milne người Mỹ đã đến các vùng Hải-phòng, Hà-nội, Nam-định, Hải-dương, Lạng-sơn, Sài-gòn, Chợ-lớn... để truyền bá Tin Lành Cứu Rỗi. Trong thời gian ấy có một số người ở Sài-gòn, Chợ-lớn, chú ý nghe và chấp nhận giáo lý Cơ-Đốc Phục Lâm song mãi đến năm 1927, Liên Hiệp Hội Mã-Lai (Liên Hiệp Hội Đông Nam Á ngày nay) mới cử hai Giáo sĩ R. H. Wentland và Fred Lloyd Pickett đến truyền giáo, học tiếng Việt và chánh thức mở Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm đầu tiên tại Sàigòn vào đầu tháng 12 năm 1929. Và cũng từ đó lịch sử Giáo Hội Cơ-Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Địa Hạt Việt Nam lại gắn liền với lịch sử của đất nước, qua các cuộc thế thăng trầm suốt 60 năm qua.
* Lịch sử Hội Thánh có thể được chia làm sáu giai đoạn:
I. Thời kỳ phôi thai (1929-1937):
Trong thời kỳ này, các giáo sĩ nước ngoài cùng các tín đồ đầu tiên của Cơ-Đốc Phục Lâm Thành Phố Sài-gòn như Julien, Jean Fabre và Trần Ngọc Tế, Lê Văn Được, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Nhâm, Sính Văn Cham đã hết lòng lo lắng việc mở mang công việc Chúa.
Sau khi được Thống Đốc Nam-kỳ ký giấy phép cho giảng đạo và phát hành sách chứng đạo tháng 4 năm 1932, các vị Tín Đồ đầu tiên này đã quyên tiền để in sách chứng đạo, tổ chức chiến dịch giảng đạo công cộng và cá nhân.
Kết quả các Hội thánh miền Tây như Cần-thơ, Long-xuyên, Ô-môn; miền Trung như Đà-nẵng, Đại-lộc (QN-ĐN), được thành lập.
Hội thánh ngày một tăng trưởng về số lượng cũng như về đời sống thuộc linh để chuẩn bị cho thời kỳ phát triển đang mở ra cho Giáo Hội.
II. Thời kỳ phát triển (1937-1941):
Để đáp ứng nhu cầu truyền giáo và tự trị địa phương, Liên Hiệp Hội Mã-Lai, tức Liên Hiệp Hội Đông Nam Á ngày nay, trong một Hội Đồng Địa Hạt đầu tiên của Giáo Hội Cơ-Đốc Phục Lâm tại Đà-nẵng vào tháng 3 năm 1937, đã bầu Giáo sĩ F. L. Pickett làm Hội Trưởng, cùng một số giáo sĩ và tín hữu Việt Nam là nhân viên của Giáo Hội, trụ sở đầu tiên tại Đà Nẵng. Vừa thi hành chức vụ trọn năm, thì Giáo sĩ Hội Trưởng Pickett sau một cơn bạo bệnh đã ngủ yên trong Chúa ngày 1 tháng 4 năm 1938, xác được cất trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Sàigòn, nay dời về nghĩa trang Gò-dưa Thủ-đức. Giáo sĩ R. H. Howlett Thư Ký Giáo Hội, lên giữ chức quyền Hội trưởng. Thời kỳ nầy tất cả các Hội thánh ở ba miền Trung, Nam, Bắc đều phát triển mạnh trên các lãnh vực:
- Xây cất nhà thờ Vàm-nhon, Đà-nẵng, Đức-mỹ, Đại-lộc (QN-ĐN), Hà-nội, Di-linh;
Mở mang trường học như Vàm-nhon, Long-xuyên, Chợ-lớn, Đà-nẵng (Trường tiểu học Long Xuyên là một trong hai trường được ghi nhận trong quyển niên giám Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm thế giới SDA Yearbook 1939),
- Phát triển về y tế ở Cần Thơ, trường Sa Bát và trạm y tế Hội thánh Di Linh, Hà Nội.
Năm 1939, Giáo Hội cũng thành lập ấn quán Thời Triệu để in sách giáo dục và truyền đơn chứng đạo, giai đoạn nầy nhà in còn trong thời kỳ phôi thai, chỉ chú trọng đến việc đúc chữ, làm hộp chữ, đào tạo ấn công như sắp chữ chạy máy in.
Quan trọng nhất trong thời kỳ nầy là đã thành lập được một trường Thánh Kinh Thần Học tại Gia Định, trường thu nhận sinh viên từ ba miền, có 19 khóa sinh tốt nghiệp truyền đạo và được bổ nhiệm vào các chức vụ: Chủ tọa Hội thánh, cán bộ ngành giáo dục, cán bộ ngành in và Thư báo Truyền đạo. Vào cuối thời kỳ nầy, tình hình chính trị đột biến trên toàn bán đảo Đông Dương, Nhựt vào chiếm đóng Sài-gòn, vì thế giáo sĩ nước ngoài phải rời Việt-nam, và lịch sử Giáo Hội, cũng như lịch sử Việt-nam, bước vào giai đoạn khó khăn của hiểm họa chiến tranh thế giới lần thứ hai.
III. Thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai (1942-1946):
Đây là thời kỳ khó khăn của Giáo Hội trong nước cũng như Giáo Hội Thế Giới. Vì sự chiếm đóng Việt-nam cũng như Mã Lai và Singapore (là nơi có trụ sở Liên Hiệp Hội Cơ-Đốc) của quân đội Nhật Bản, nên các trục lộ giao thông bị cắt đứt, nhiều Chi Hội địa phương mất liên lạc với Hội Sở Trung Ương đặc biệt là các Hội thánh miền Bắc, miền Trung, cao nguyên trung phần, một số nhà thờ bị tàn phá, các mục sư truyền đạo phải tự lo sinh kế. Nhiều Hội thánh mất người chăn, các Hội thánh Lôi-cầu, Hà-nội, Đà-nẵng, Đức-mỹ và Di-linh cũng rơi vào tình trạng đó. Bi đát hơn nữa là hai Hội thánh Mặc-mần-dưng và Long-xuyên bị giải tán.
Trong thời kỳ nầy thành phần lảnh đạo Giáo Hội có sự thay đổi. Mặc dầu Giáo sĩ Robert Bentz (người Pháp) được bầu làm Hội Trưởng, việc điều hành công việc nhà Chúa trong Giáo Hội là do ông Trần Ngọc Tế với chức vụ Giáo Vụ Việt Nam đảm nhiệm.
Sự hoạt động của Giáo Hội hạn chế trong vòng Sài-gòn, Chợ-lớn. Hội thánh Chợ-lớn được thành lập, dần dần lan ra miền Trung, Hội thánh Đức-mỹ (QN-ĐN) được tái nhóm họp và Thánh đường được kiến thiết. Rồi đến miền Bắc, Hội thánh Lôi-cầu, Hà-nội được tái nhóm và xây dựng nhà thờ.
Giáo Hội đặt trọng tâm vào việc huấn luyện cán bộ truyền giáo, trường Kinh Thánh tái hoạt động, và việc xuất bản sách báo cho Thư Báo Truyền Đạo. Tổ chức y tế của Giáo Hội trong thời kỳ nầy (Bảo Sanh viện Kiện Khương) cùng với Hội thánh Hoa Kiều Chợ-lớn đã đóng một vai trò quan trọng trong sự cung cấp tài chánh cho Giáo Hội.
IV. Thời kỳ chiến tranh giành độc lập (1946-1954):
Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Pháp, Giáo Hội chú trọng đến việc củng cố tổ chức nội bộ và tạo mãi một số bất động sản để làm trụ sở.
Tại Sàigòn, Giáo Hội mua biệt thự hai tầng ở ngã tư Phú Nhuận (góc đường Phan Đăng Lưu - Phan Đình Phùng bây giờ) làm tư thất Hội Trưởng và văn phòng Trung Ương Giáo Hội, cơ sở nầy sử dụng đến ngày hôm nay.
Ngoài ra Giáo Hội còn khởi công xây cất nhà thờ Phú Nhuận làm nhà thờ chính tiện việc nhóm lại của con cái Chúa trong vùng. Thời Triệu Ấn Quán cũng được xây cất để thích hợp cho việc in các ấn phẩm cần đến trong chương trình Thư Báo Truyền Đạo. Giáo Hội còn mua đất làm nhà thờ cho các nơi như Đà Lạt, Bàn Cờ, Hội thánh người thiểu số ở Đà-lạt, Hội thánh Đa-kao, Bàn-cờ, Sài-gòn, thời gian nầy nhà thờ Đà-nẵng cũng được trùng tu một cách khang trang.
Những công tác giáo dục, Thánh Kinh hàm thụ, chương trình phát thanh Tiếng Nói Hy Vọng, được xúc tiến trong thời kỳ nầy.
V. Giai đoạn đất nước phân qua (1954-1975):
Sau khi đất nước phân qua, Hội thánh hai miền bị cô lập với nhau không thể liên lạc được. Cơ quan Trung Ương đặt tại Giáo Hội miền Nam nên miền Bắc không thể giao tiếp. Liên Hiệp Hội Đông Nam Á chính thức đặt tên cho Giáo Hội miền Nam là Giáo Hội Cơ-Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Việt Nam. Thời gian nầy Giáo Hội có thể truyền giáo trên toàn lãnh thổ miền Nam.
Giáo Hội lo trùng tu các nhà thờ, trường học, cơ quan y tế, từ thiện đã bị đổ nát trong chiến tranh như những nhà thờ Đức Mỹ (Đại Lộc QN - ĐN), Trung Đạo (QN- ĐN), nhà thờ và trường học Vàm Nhon, kiến thiết các cơ sở:
- Nhà thờ và trường học Cần-thơ, Thủ-đức
- Nhà thờ Biên-hòa.
- Trường học Đà-lạt, Đà-nẵng (và tư thất hiệu trưởng), Phú-hòa, Hòa-duân
- Nhà thờ và trường học Tiêng-liêng, Đam-rông, Rơ-chai, Darahoa, Đa-me, Kambuotte, Tam-kỳ, Sơn-chà, Trung-đạo (QN - ĐN),
- Nhà thờ Quảng-ngải, Hoa-cường, Phú-hòa và tư thất mục sư
* Trung tâm huấn luyện Cơ Đốc gồm có: Trường Thần Đạo Cơ-Đốc, trường tiểu học Cơ-Đốc, cơ sở nội trú, tư thất giáo chức, tư thất giám thị, trường điều dưỡng.
- Bệnh viện Cơ-Đốc và cư ốc cho nhân viên y tế (Sàigòn)
- Tu sửa và trang bị máy móc tối tân cho nhà in Thời Triệu.
- Phát thanh trong giai đoạn nầy là một phương tiện truyền bá niềm tin phúc âm duy nhất cho đồng bào miền Bắc, và góp phần xây dựng đời sống đức tin cho tín đồ miền Nam. Chương trình Tiếng Nói Hy Vọng phần Việt Ngữ phát thanh mỗi tuần một lần trên bốn đài Đà-lạt, Sài-gòn, Nha-trang và Huế. Đầu thập niên 1960, mười đài trên toàn quốc phát thanh chương trình Tiếng Nói Hy Vọng hằng tuần, đây là chương trình được thính giả mến chuộng nhất trong các chương trình phát thanh tôn giáo.
- Trường Sa-bát nhánh được tận dụng như một phương tiện truyền giáo hữu hiệu với sự tham gia tích cực của nhân viên các ngành và hàng giáo hữu. Riêng ở Sài-gòn và vùng ngoại ô, có lúc có 20 trường Sa-bát nhánh được điều hành cùng một lúc. Một trường Sa-bát nhánh độc đáo nhất, khổng lồ nhất thế giới là trường Sa-bát nhánh tại làng cô nhi Phật Giáo Long Thành (Đồng Nai), học viên là 1.000 trẻ mồ côi với tăng nhi trong làng.
- Chương trình nuôi cô nhi trong nhà cũng được phát động từ đầu năm 1970 do tổ chức từ thiện tư nhân tín đồ Cơ-Đốc Phục Lâm Úc Châu tài trợ. Đây là chương trình bảo trợ những cô nhi còn cha hoặc mẹ, hoặc ông bà chú bác, hoặc thân nhân ruột thịt bằng lòng nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại nhà, tiền nuôi dưỡng được giao cho thân nhân để để cấp dưỡng cô nhi. Các em thường được khuyến khích đi học ở các trường của Giáo Hội trong địa phương và được cấp thêm học bổng để sung vào tiền trợ cấp hằng tháng. Trẻ cô nhi và người nuôi dưỡng thường được mời tham gia trường Sa Bát nhánh gần nhà. Mục sư, truyền đạo chủ tọa các Hội thánh thường được mời làm đại diện chương trình tại địa phương. Có khoảng 400 cô nhi được bảo trợ trong chương trình nầy.
Các đoàn bố đạo trung ương và địa phương hoạt động rất tích cực, không hề nghỉ ngơi. Họ đi xe, đi bộ, đi ghe trên các sông rạch vào thành phố, các làng mạc nông thôn, các vùng cao nguyên hẻo lánh để truyền bá phúc âm, gây dựng Hội thánh. Đoàn Thư Báo Truyền Đạo được các nhà hảo tâm nước ngoài giúp năm chiếc thuyền để len lỏi trên các sông rạch chằng chịt miền Hậu Giang để phân phát sách báo chứng đạo do nhà in Thời Triệu xuất bản. Lực lượng Thư Báo Truyền Đạo nầy được đánh giá là lực lượng Thư Báo hùng hậu nhất trong Liên Hiệp Hội Đông Nam Á, vì tổng số nhân viên lên đến 104 người, hoạt động liên tục không hề mệt mỏi trên khắp nọi nơi.
Trường Thánh Kinh ngày một lớn mạnh, số lượng chiêu sinh mỗi năm một tăng, trong suốt thời kỳ nầy trường liên tục mở khóa dạy. Nhiều Mục sinh tốt nghiệp, được cử về chủ tọa các Hội thánh, giữ các bộ phận chuyên môn ở văn phòng địa hạt, ngành giáo dục, ngành y tế và phần lớn là sung vào Đoàn Thư Báo Truyền Đạo của Giáo Hội. Ngoài Thánh Kinh Thần Học Viện, Giáo Hội còn mở trường trung tiểu học ở những nơi có các Hội thánh hoạt động để hổ trợ chương trình truyền giáo cho các Hội thánh ấy. Ngoài hai trường trung học Cơ Đốc Sàigòn và chi nhánh Đại Học Đường Đông Nam Á, toàn thể Hội thánh trong Giáo Hội có 18 trường trung tiểu học được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép hoạt động như sau: Trường Chợ-lớn, Vàm-nhon, Đà-nẵng Cần-thơ, Tam-kỳ, Phú-hòa, Đà-lạt, Vĩng-bình, Sơn-chà (QN-ĐN), Thủ-đức (78/8 xã Phước-bình), Đại-lộc (Hòa-duân-QNĐN), Rơ-chai, Darahoa, Đa-me, Đam-rông, Pang-tang, Tiêng-liêng, Kamboutte.
Giai đoạn nầy kéo dài hai thập niên, dài nhất trong các thời kỳ lịch sử của Giáo Hội Cơ-Đốc Phục Lâm Việt Nam và cũng là giai đoạn cực thịnh của Giáo Hội nhờ những điều kiện tương đối thuận lợi trong việc đi lại và rao giảng.
Khi đất nước phân đôi vào năm 1954, miền Nam chỉ có 4 Hội thánh là Phú-nhuận, Chợ-lớn, Đà-lạt và Đà-nẵng. Đến năm 1975, Giáo Hội miền Nam đã có 43 Hội thánh nhóm họp để thờ phượng Đức Chúa Trời: Đà-nẵng, Đại-lộc, Đức-mỹ, Trung-đạo Đại-lộc, Quảng-Huế Đại-lộc, Hòa-Duân Đại-Lộc, Phú-hoà, Sơn-chà, Hòa-cường, Hòa-khánh, Tam-kỳ thuộc tỉnh QN-ĐN. Quảng Ngải, Qui Nhơn, Nha Trang (1973), Đà Lạt, Ea-Yong B Đarlac, Đang Cang Đarlac, Ea-Kar Đarlac, Biên Hòa, Chợ Đệm, Cần Thơ, Vàm Nhon, Lạc Thiện Đắc Lắc, Pang Tang Đắc Lắc, Đam-rông Lâm Đồng, Krông Bach, Darohoa Lâm Đồng, Tiêng-liêng Lâm-đồng, Krong Lanh, Đa-me Lâm-đồng, Rơ-chai Lâm-đồng, Kamboutte Lâm-đồng, Kadeun, Bobla, Sré Bor. Phú-nhuận, Cách Mạng Đất Mới, Chợ-lớn, Thủ-đức, Sa-đéc, Vĩnh-bình, Gò-công, Tu Tra, Đơn-dương, Long-thành (30-8-1991).
VI. Giai Đoạn thống nhất đất nước (1975-1991):
Năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn sụp đổ, đất nước được thống nhất. Một số mục sư trong hàng ngũ lãnh đạo đã cùng làn sóng người di tản khỏi Việt-nam để lại nhiều khó khăn cho Hội thánh và Giáo Hội. Để đáp ứng nhu cầu mới, ngày 25-4-1975, Ban Quản Trị Giáo Hội Việt Nam tổ chức Đại Hội Đại Biểu Giáo Dân toàn miền Nam để bầu bổ sung vào các chức viên của Ban Trị Sự, để làm việc cho đến đầu năm 1976.
* Đại Hội Đồng Đại Biểu chính thức theo quy định của Giáo Hội được triệu tập tổ chức ngày 10-1-1976, tại nhà thờ Phú Nhuận. Trong Hội Đồng nầy nhiều biểu quyết đã được thông qua trong đó có những điểm chính như sau:
- Bổ nhiệm mục sư về chủ tọa các Hội thánh đang thiếu người chăn.
- Liên hệ với chính quyền địa phương có nhà thờ hiện chính quyền, các cơ quan, đoàn thể đang sử dụng vào công việc sớm bàn giao lại Hội thánh để có nơi con cái Chúa nhóm họp
- Xin chính quyền và vận động ngân quỹ để trùng tu các nhà thờ bị tàn phá vừa qua trong cả nước.
- Gởi văn thư xin chính quyền cho phép Giáo Hội hoạt động tôn giáo trên toàn quốc.
- Hội thánh nào chưa bổ dụng được chủ tọa thì trưởng lảo và Ban Trị Sự Hội thánh đó tạm thời điều hành công việc nhóm họp và dạy lẽ đạo
Bầu Ban Trị Sự mới.
Từ 1976 đến 1991, Giáo Hội hoạt động trong phạm vi miền Nam, chưa có thể ra thăm chính thức các Hội thánh miền Bắc để có thể có một Giáo Hội Cơ-Đốc Phục Lâm thống nhất.
Các Hội thánh hoạt động riêng lẻ, chưa có thể tổ chức Hội Đồng hay họp bàn từng khu vực. Có nhiều Hội thánh vẫn sinh hoạt với một chương trình đầy đủ với Ban trường Sa Bát, Ban Chứng Đạo, Ban Từ thiện, Gia đình trẻ. Trong lúc ấy nhiều Hội thánh vì nhà thờ chưa có (dự định xây cất chưa được thực hiện thì giải phóng), hoặc hư hỏng chưa được trùng tu, hoặc các cơ quan chính quyền địa phương mượn làm kho, nhà trẻ, văn phòng hợp tác xã chưa trả lại nên phải nhóm ở các nhà riêng tín hữu. Chương trình nhóm họp gồm hát Thánh Ca Tôn Vinh Chúa, học lời Chúa qua sự làm chứng của các trưởng lão hay chức viên của Ban Trị Sự.
Giáo Hội hy vọng một ngày gần đây được chính quyền cho phép các nhà thờ được xây cất, trùng tu để Giáo Hữu có nơi nhóm lại Thờ Phượng Đức Chúa Trời cho thỏa lòng ước mong như Hội thánh Sa-đéc đã được chính quyền cho phép sinh hoạt lại ngày 31-1-1989, Hội thánh Cần-thơ, Vàm-nhon được mở cửa 1989, và một địa điểm mới nhất là Hội thánh Long-thành (xã Phước-Thái) Đồng-nai, được giấy phép Ban Tôn Giáo Đồng-nai ngày 30-8-1991 cho nhóm lại.
Tài liệu Hội thánh.
bottom of page