top of page
Hung Tran
Jun 21, 2023
Các giáo sĩ Báp-tít Nam Phương đến Việt Nam truyền giáo từ năm 1959 đến năm 1975...
Sơ Lược Lịch Sử Truyền Giáo Của
Giáo Hội Báp-Tít Nam Phương Tại Miền Nam Việt Nam
Từ Năm 1959 Đến Năm 1975
Các...
...giáo sĩ Báp-tít Nam Phương đến Việt Nam truyền giáo từ năm 1959 đến năm 1975. Gia đình giáo sĩ đầu tiên đến Việt Nam học ngôn ngữ, tập quán, phong tục để có thể truyền giáo cho người Việt Nam là gia đình ông bà giáo sĩ Herman Hayes. Kế đến là các ông bà giáo sĩ William Roberson, Samuel Longbottom, Lewis Myers, Samuel James, Robert Davis, Ron Merrell, Earl Beengs, Peyton Moore, Robert Compher, Walter Routh, Jim Gayle, James Kellum, Joe Turman, David Wigger, Gene Tunnell, Ken Goad. Ông bà Jim Humphries đến Việt Nam hầu việc Chúa trong tư cách tuyên úy. Ngoài ra, còn có nhiều thanh niên, thiếu nữ độc thân đến để hổ trợ cho công tác truyền giáo với nhiệm kỳ hai năm trong đó có David Lincohnhocker, George Pickle, Mary Kay Johnson, Rosalie Beck, Karen Russey Gross.
Các giáo sĩ cùng với gia đình đến Việt Nam truyền giáo để chu toàn mạnh lịnh của Chúa trong Ma-thi-ơ 28:18-20.
“Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”
Những hội thánh được thành lập bao gồm Hội Thánh Ân Điển, Hội Thánh Bình An tại Sài Gòn, Hội Thánh Đức Tin, Chi Hội Hàng Xanh tại Gia Định, Hội Thánh Phú Thọ Hòa, Hội Thánh Bình Tiên tại Chợ Lớn. Tại Miền Trung, ngay tại Đà Nẵng có Hội Thánh Hy Vọng với nơi nhóm lại thật khang trang và cách tổ chức rất quy củ. Công việc Chúa tại nơi này phần lớn do Ông Bà Giáo Sĩ Lewis Myers gầy dựng với các tín hữu đầy lòng sốt sắng, nhiệt thành. Tại Quảng Ngãi có nhiều nhóm tín hữu nhóm lại dưới sự hướng dẫn và huấn luyện của Ông Bà Giáo Sĩ Walter Routh. Tại Huế Ông Bà Giáo Sĩ Robert Davis thành lập được một hội thánh ngay tại thành nội với sự nhóm lại rất trang nghiêm. Qui Nhơn là nơi Ông Bà Giáo Sĩ Robert Compher hầu việc Chúa. Hội thánh nơi này có nơi nhóm lại rất tốt do Ông Bà Giáo Sĩ Robert Compher cùng các tuyên úy và các tín hữu Việt Nam góp công xây cất. Hội Thánh tại Nha Trang do Mục Su Nguyễn Xuân Cảnh đảm nhiệm với sự hỗ trợ của các giáo sĩ. Chi Hội ở Phước Hải là địa điểm truyền giáo khá gần Nha Trang. Ông Bà Giáo Sĩ Jim Gayles đến hầu việc Chúa tại Cam Ranh. Tại đây có Giáo Sư Nguyễn Xuân Hà nguyên là Thanh Tra Trung học Cam Ranh và là người lãnh đạo đầy khả năng.
Dưới sự hướng dẫn của ông và sự hỗ trợ của các giáo sĩ và các tuyên úy, một Cô Nhi Viện được thành lập. Vào cuối Tháng Tư năm 1975, các em cô nhi tại Cô Nhi Viện này được đưa vào Miền Nam và sau đó được đưa sang Hoa Kỳ. Tại Đà Lạt có Hội Thánh Đức Tin được thành lập với một số gia đình tín hữu. Đây là nơi các giáo sĩ được đưa đến để học Việt Ngữ trước khi đảm nhận nhiệm sở. Tại Cần Thơ Ông Bà Giáo Sĩ Herman Hayes là người đã gầy dựng và tiếp tục truyền giáo cho đến khi phải rời khỏi Việt Nam. Vào năm 1969 có một chương trình truyền giảng được phát động từ những nơi được kể đến trên đây. Số người tin Chúa qua chương trình truyền giảng này tuy ít như chính chương trình này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác truyền giáo của Giáo Hội Báp Tít Nam Phương.
Trụ sở của Cơ Quan Truyền Giáo tọa lạc tại 111 Chi Lăng, Phú Nhuận. Trong 5 năm đầu thập niên 1970, trụ sở này là văn phòng trung ương của Hội Truyền Giáo. Phần trong cùng của cơ sở được dùng làm nơi cư ngụ cho hai gia đình giáo sĩ. Phần trước là Phòng Sách gắn liền với Cơ Quan Tu Thư Và Ấn Loát do Giáo Sĩ William Roberson làm Giám Đốc. Cùng làm việc với ông có Ông Lê Văn Hòa đặc trách về tu thư và Ông Trịnh Ngọc Thanh đặc trách về ấn loát cùng các nhân viên khác.
Công tác xã hội do Tiến Sĩ Gene V. Tunnell hướng dẫn. Công tác y tế do Bà Giáo Sĩ Rachel James đảm trách. Từ những xe y tế lưu động nhiều bệnh nhân được chẩn bệnh và phát thuốc miễn phí. Chương trình Học Kinh Thánh Hàm Thụ Và Phát Thanh do Giáo Sĩ Peyton Moore chuẩn bị với sự cọng tác của Mục Sư Đỗ Văn Dũng.
Viện Thần Học Báp-tít Việt Nam được thành lập ở Thủ Đức và sau đó được dời về 33-B Nguyễn Văn Trương, Gia Định. Người đã gầy dựng, chăm sóc và mang hết tâm tình, năng lực phục vụ trong tư cách Viện Trưởng từ thuở ban đầu cho đến khi Viện Thần Học phải đóng cửa làTiến Sĩ Samuel James. Giáo ban của Viện Thần Học gồm các giáo sĩ trong nước cũng như ngoài nước. Tiến Sĩ Leo Crisman là người đã tận tụy gầy dựng một thư viện trên 3,000 cuốn sách rất giá trị. Những người đã hoàn tất học trình cử nhân thần học của Viện Thần Học Báp-tít Việt Nam là các mục sư Lê Quốc Chánh, Đỗ Vĩnh Thành, Trương Văn Hy, Đào Văn Chinh, Đỗ Văn Dũng và Dư Kiện Sanh. Song song với việc đào tạo người hầu việc Chúa trong học trình cử nhân thần học, Viện Thần Học còn có chương trình huấn luyện nữ giáo viên. Chương trình huấn luyện này do Cô Olive Allen và các bà giáo sĩ đảm trách. Từ đầu năm 1974 đến tháng 4 năm 1975 Viện Thần Học còn phát triển chương trình huấn luyện cho các lãnh đạo được những hội thánh quanh vùng cử đến tham dự. Trong khoảng đầu năm 1975 Mục Sư Đào Văn Chinh là người đảm nhận chức vụ Xử Lý Thường Vụ Viện Trưởng Viện Thần Học Báp Tít Việt Nam cho đến khi cơ sở của viện phải trao cho tân chánh quyền.
Mục sư Đào Văn Chinh.
bottom of page