top of page
Hung Tran
Apr 3, 2023
Các nhà tiến hóa nói họ không biết các “loài” đã ra đời cách nào. Như vậy bạn tin ai? Tin Chúa hay những nhà tiến hóa? Tôi cho là chỉ có Chúa đáng được tôn vinh!...
ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ BỊ HẠ BỆ KHÔNG?
Một...
...ngày nọ, hai học trò nha khoa theo thuyết sáng tạo của tôi xin tôi giải thích cho họ một cách khoa học tiến hóa xảy ra như thế nào. Nói cách khác, họ muốn tôi bênh vực niềm tin tiến hóa của mình bằng cách cho họ biết những bằng cớ khoa học mà tôi có thể đưa ra cho thấy một sinh vật biến đổi thành một sinh vật khác và đồng thời bằng chứng đó có nghịch lại Kinh Thánh không! Darwin có lẽ là chỗ logic nhất để tìm câu trả lời. Tôi tin rằng bằng chứng ở đó nhưng chưa bao giờ tôi bị yêu cầu chứng minh. Tôi hết sức sững sờ. Darwin không biết làm thế nào một giống động vật có thể tiến hóa sang giống khác. Ông ta viết cho một người bạn vào năm 1863 rằng:
“Khi chúng ta đi đến chi tiết, chúng ta có thể chứng minh không có loài nào đổi thay cả (nghĩa là: chúng ta không thể chứng minh có một loài nào đó đã thay đổi): chúng ta cũng không chứng minh được sự thay đổi có lợi, đây là điều nòng cốt của lý thuyết. Ngoài ra, chúng ta cũng không giải thích được tại sao vài loài thay đổi và những loài khác lại không. Trường hợp sau đối với tôi có vẻ khó hiểu rõ ràng và chi tiết hơn trường hợp trước, tức có thay đổi.” (The Life and Letters of Charles Darwin , Frances Darwin, 1898, trang 210).
VẤN ĐỀ LỚN THẬT SỰ
Vào năm 1863, bốn năm sau khi ấn hành quyển sách của mình, Origin of Species by Means of Natural Selection or The Preservation of Favoured Races in the Struggle for Life , Darwin rõ ràng đã không biết bằng cách nào một loài này chuyển thành một loài khác. Điều duy nhất ông ta nghĩ mình có thể chứng minh được là “...không có loài nào thay đổi được.” Ông không tưởng tượng được ngay cả sự thay đổi “hữu ích” là thế nào. Các khoa học gia ngày nay cũng không khác gì Darwin.
Năm 1981, những nhà lãnh đạo thuyết tiến hóa có một hội nghị tại Rô-ma. Họ muốn quyết định xem điều gì đã làm cho một loài này tiến hóa sang một loài khác và sự thay đổi một động vật hay thực vật sang một loài khác xảy ra như thế nào. Tiến sĩ Ersnt Mayr, giáo sư danh dự của trường đại học Haward viết:
“Chúng tôi có một hội nghị quốc tế tại Rô-ma năm 1981 về cơ chế của sự hình thành loài. Hội nghị có sự tham gia của nhiều nhà thực vật học, động vật học, cổ sinh vật học, di truyền học, tế bào học, và sinh vật học. Một điều mà tất cả đồng ý là chúng ta, về phương diện di truyền, vẫn chưa biết điều gì xảy ra trong khi hình thành loài. Đó là một tuyên ngôn đáng phiền nhưng lại là sự thật.” (Tạp chí Omni , tiến sĩ Ernst Mayr, 02/1983, trang 78).
Các khoa học gia ở Rô-ma năm 1981 đã đi đến kết luận: “Chúng tôi không biết sự tiến hóa xảy ra thế nào!” Năm 1863, Darwin cũng chẳng biết. Đó là vấn đề lớn của thuyết tiến hóa: Nó xảy ra như thế nào? Chúa phán Ngài tạo ra mọi vật “tùy theo loại” (SaSt 1:11, 12, 21, 24, 25). Các nhà tiến hóa nói họ không biết các “loài” đã ra đời cách nào. Như vậy bạn tin ai? Tin Chúa hay những nhà tiến hóa? Tôi cho là chỉ có Chúa đáng được tôn vinh!
Các khoa học gia không biết một loài này đã chuyển sang loài khác như thế nào. Một hợp chất hóa học đơn giản họ cũng không biết tại sao lại có. Một tác giả và cũng là một người theo thuyết tiến hóa, Jeff Goldberg, có ghi lại cho chúng ta những tư tưởng của Hans Kosterlitz, một trong số những người khám phá ra chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể con người, một nội tiết tố trong não có tác dụng ức chế, quân bình sự đau đớn, như sau:
“Gần như đó là một câu hỏi của Thượng Đế. Làm việc với nội tiết tố giảm đau (enkephalin) bạn sẽ có cùng một điểm chung, bất luận bạn tin theo tôn giáo nào. Bạn sẽ bắt đầu kinh ngạc, làm thế nào nó lại xuất hiện - cả thực vật lẫn động vật đều chia sẻ cấu trúc hóa học tương tự như vậy? Làm thế nào, dẫu rằng trải qua hàng triệu năm tiến hóa, cả trái đất, với mọi loài thực và động vật bên trên, lại trở nên hết sức đơn giản và nhất quán như vậy?” (Anatomy of Scientific Discovery , Jeff Goldberg, 1988, trang 211).
Kosterlitz tìm hiểu chất giảm đau tự nhiên và sự nghiên cứu về tiểu vũ trụ đã khiến ông suy nghĩ đến Thượng Đế. Nhưng ông lại nhanh chóng đưa ra một lời phủ quyết, “bất luận bạn tin theo tôn giáo nào,” dường như việc suy nghĩ về Thượng Đế là một việc phi tôn giáo khi nghiên cứu chỉ một bộ phận nhỏ trong toàn thể tạo vật của Ngài. Nhìn bên ngoài, Kosterlitz tin rằng Đức Chúa Trời chẳng có liên quan gì đến khoa học cả. Thế nhưng, khi các khoa học gia nhìn vào các tạo vật, Ngài đã định nó như thế để họ nhận ra rằng cần thiết phải có một Đấng Thiết Kế đằng sau tất cả. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ lại thêm vào những câu phủ quyết và từ chối tôn vinh Chúa là Đức Chúa Trời. Lời Chúa (trong RoRm 1:18-22) tuyên bố rằng: vì lý do đó, sự suy nghĩ của họ trở nên những suy đoán ngông cuồng (sự tiến hóa trong hàng triệu năm, v.v...).
Kosterlitz chất vấn là làm thế nào thực vật và động vật lại “...chia sẻ cấu trúc hóa học tương tự như vậy.” Nếu chúng ta thí nghiệm sự chia sẻ các hợp chất hóa học theo lăng kính một nhà sáng tạo, thì Thượng Đế đã tạo dựng sự sống thích hợp với bầu khí quyển chung của trái đất với một chuỗi các thực phẩm thông thường cấu thành bởi một số hóa chất cơ bản nào đó. Những điều tương tự ở các tạo vật không hề minh chứng cho sự tiến hóa, mà lại càng trình bày một cách logic hơn sự thông sáng của Đức Chúa Trời trong công tác sáng tạo thực và động vật, vốn rất đa dạng, để có thể tồn tại trong một môi trường chung. Đức Chúa Trời đã thiết kế mọi sự sống tồn tại, sử dụng một số hóa chất cơ bản trong một bầu khí quyển được tạo nên phần lớn bởi ôxi và nitơ. Đức Chúa Trời mà Thánh Kinh trình bày quả thật là một Thiên Tài vĩ đại, không tiền khoáng hậu!
ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ BỊ HẠ BỆ KHÔNG?
Jerry Adler, một tác giả khoa học, phê bình quyển sách tầm cỡ thế giới của nhà tư tưởng tiến hóa Stephen Jay Gould, Sự Sống Kỳ Diệu (Wonderful Life ), với những lời như sau:
“Khoa học, vốn đã hạ bệ Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo, và tôn vinh con người, ngày nay lại muốn đưa con E. coli (một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột - ND) và những thứ tương tự của sự sống trên cạn lên ngang bằng với Ngài. Quan điểm này không phủ nhận sự độc nhất của giống người hiện tại và sự đóng góp đặc biệt của nó vào sự sống, ý thức con người. Tuy nhiên, nó quả quyết rằng chẳng có gì cố hữu trong những định luật tự nhiên hướng sự tiến hóa đến việc sinh ra con người. Chẳng có gì xác định về tính ưu việt của chúng ta trong hiện tại giữa vô vàn các loài động vật sống trên cạn khác; chúng ta là sản phẩm của một loạt các sự kiện ngẫu nhiên trong lịch sử hành tinh này, bất cứ sự kiện nào cũng đã có thể bị thay đổi để cho ra một kết quả khác.
Nói tóm lại, chúng ta giống như các sinh vật khác vốn đã từng trải qua hay trượt xuyên qua quả đất (walked or slithered across the earth), một sự kiện... Những kẻ sống sót...rất may mắn.
Câu chuyện của sự sống là sự tuyệt chủng hàng loạt cách định kỳ (periodic mass extinctions) vốn đã cướp mất những giống loài chính trên đất.” (Newsweek , Jerry Adler, 20/11/1989, trang 68).
Gould và Adler rõ ràng tin rằng Đức Chúa Trời đã bị “hạ bệ,” rằng khoa học và con người được đề cao, và tất cả những điều này đặt nền tảng trên “những kẻ sống sót may mắn” sau những đợt tuyệt chủng hàng loạt. Thế cho nên, sự tiến hóa có vẻ như được đặt nền móng trên sự chết. Vì những cá thể “không thích hợp” (unfit) chết đi, những cá thể “thích hợp nhất” (fittest) sống sót. Làm thế nào một nhà khoa học có thể mô tả một cá thể “không thích hợp” giữa vòng chúng ta ngày hôm nay? Hitler có tin điều đó không? Hitler là một người theo thuyết tiến hóa và rõ ràng ông đã thúc đẩy tiến trình sống của những cá thể thích hợp nhất. Tiến hóa không phải là phi luân lý (amoral). Nó không phải là một tư tưởng trung lập. Nó đề xướng cả một hệ thống lớn cho phép từng cá nhân làm điều mà cá nhân đó cho là đúng. Tư tưởng tiến hóa cổ xúy cho các chương trình giảng dạy trong các trường học ép buộc những bộ óc non trẻ lựa chọn ai thích hợp để sống sót, và ai thì không thích hợp; ai sẽ được cứu thoát trên tàu cứu nạn và ai sẽ bị bỏ lại để bị đào thải hoặc dìm chết (exposure or drowning). Không ai ngoại trừ Đức Chúa Trời có đủ tiêu chuẩn để quyết định sự sống nào là thích hợp và không thích hợp. Tư tưởng tiến hóa đã đưa đẩy con người một cách sai lầm vào địa vị của Đức Chúa Trời. Nó buộc con người quyết định (chẳng hạn về sự sống và cái chết, phá thai, chết không đau đớn - khi bệnh nhân gần chết, bác sĩ sẽ tiêm thuốc độc để kết liễu cuộc đời người đó, theo yêu cầu của thân nhân...hay chính bệnh nhân - euthanasia - ND -, giết trẻ con...), những chuyện mà chỉ một mình Đức Chúa Trời có quyền làm.
CHÚNG TA THẤY SỰ CHẾT VÀ SỰ TUYỆT CHỦNG CHỨ KHÔNG THẤY TIẾN HÓA
Các khoa học gia rất đúng khi họ nghiên cứu và công bố một sự thật rằng sự tuyệt chủng hàng loạt đã diễn ra trong quá khứ. Hiện tại, sự tuyệt chủng vẫn diễn ra hằng ngày. Điều mà các khoa học gia có thể chứng minh bằng sự kiện có thật đó là sự sống đang biến mất. Sự sống của hàng loạt các loài thực và động vật đang tuyệt chủng. Điều này có chứng tỏ rằng các dạng sống mới hiện đang tiến hóa hay đã từng tiến hóa không? Khoa học đã chứng minh quả quyết là sự sống đang mất dần và vũ trụ đang chết. Các vật hóa thạch là những cớ tích ghi lại sự chết chóc và tuyệt chủng. Vụ nổ kỷ Cambri (Cambrian Explosion ) (_) không phải là một sự bùng nổ của dạng sống đầu tiên, nó là một hóa thạch ghi lại sự chết của hàng triệu các sinh vật phức tạp mà, đa số trong số đó hiện nay không còn tồn tại nữa. Vì thế, khi chúng ta nhìn vào thiên nhiên, chúng ta không thấy các dạng sống mới hình thành, mà chỉ thấy sự chết và tuyệt chủng… entropy (entropy: the degradation of the matter and energy in the universe to an ultimate state of insert uniformity (Webster’s Seventh New Collegrate Dictionary): sự gia giảm vật chất và năng lượng trong vũ trụ đến một trạng thái tuyệt đối của sự đồng chất bất biến - ND) đang hành động.
Đấng Tạo Hóa của Thánh Kinh chính là nguồn gốc sự sống (GiGa 5:26). Đức Chúa Jêsus phán:
“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, giờ đến, và đã đến rồi, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của con Đức Chúa Trời, và những kẻ nghe sẽ được sống. Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy. Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con người. Chớ lấy điều đó làm lạ, vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán.” (GiGa 5:24-29).
Đức Chúa Trời tạo dựng nên sự sống. Sự chết xuất hiện khi người đàn ông đầu tiên, A-đam, cùng vợ mình là Ê-va phản nghịch lại Đức Chúa Trời và phạm tội. RoRm 5:12 chép:
“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều đã phạm tội.” ICo1Cr 15:21 tiếp lời:
“Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết.”
Nếu sự chết đến từ tội lỗi của A-đam, thì tội lỗi, sự hư hoại, sự chết đã chẳng từng tồn tại trước khi A-đam, Ê-va sa ngã. Các hóa thạch nói gì? Nó là một lời chứng của sự chết. Có thể nào chúng ta có hàng triệu năm của sự chết và “con người” hóa thạch rồi mới đến thời A-đam khi mà Kinh Thánh khẳng định rõ ràng là “bởi một người (ám chỉ A-đam) mà có sự chết.” không? Các hóa thạch là di tích của sự chết. Không có sự chết sẽ chẳng thể nào có các hóa thạch. Chúng ta tin Kinh Thánh hay chúng ta tin vào những suy đoán của các khoa học gia? Các khoa học gia tin rằng sự chết bắt đầu hàng triệu năm trước khi con người tiến hóa đến như hiện nay. Kinh Thánh chép rằng sự chết bắt đầu với A-đam.
SỰ TƯƠNG PHẢN GIỮA THUYẾT TIẾN HÓA VÀ KINH THÁNH
Là những tạo vật của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể hướng Kinh Thánh theo khoa học, chúng ta hướng khoa học vào Kinh Thánh. Điều thách thức chúng ta liệu nên tin Đức Chúa Trời và lời Ngài hay tin khoa học đã được trình bày trong quyển sách tuyệt vời, nhan đề: Sự Sụp Đổ Của Thuyết Tiến Hóa (The Collapse of Evolution) của Scott Huse, một nhà tư tưởng Cơ Đốc sáng chói. Sự mâu thuẫn giữa thuyết tiến hóa và Kinh Thánh là không thể hòa giải được . Huse đã liệt kê 24 sự tương phản giữa Kinh Thánh và tư tưởng tiến hóa:
1. Kinh Thánh: Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo của mọi vật (SaSt 1:1-31).
Thuyết tiến hóa: Các quá trình ngẫu nhiên trong tự nhiên có thể giải thích cho sự tồn tại của mọi thứ.
2. Kinh Thánh: Thế giới được tạo dựng trong đúng 6 ngày (1:1-31).
Thuyết tiến hóa: Thế giới tiến hóa qua các niên kỷ thật lâu dài.
3. Kinh Thánh: Sự sáng tạo đã hoàn tất (2:3).
Thuyết tiến hóa: Các quá trình sáng tạo (creative processes) vẫn đang tiếp tục.
4. Kinh Thánh: Có đại dương trước mới tới đất liền (1:2).
Thuyết tiến hóa: Đất liền có trước các đại dương.
5. Kinh Thánh: Khí quyển có trước hai quyển nước.
Thuyết tiến hóa: Khí quyển tiếp giáp (contiguous atmosphere) và quyển nước.
6. Kinh Thánh: Sự sống đầu tiên ở trên cạn (1:11).
Thuyết tiến hóa: Sự sống bắt đầu trong các đại dương.
7. Kinh Thánh: Sự sống đầu tiên là các thực vật (1:11).
Thuyết tiến hóa: Các sinh vật biển tiến hóa trước.
8. Kinh Thánh: Trái đất có trước mặt trời và các ngôi sao (1:14-19).
Thuyết tiến hóa: Mặt trời, các ngôi sao rồi mới có trái đất.
9. Kinh Thánh: Cây ăn trái có trước các loài cá (1:11).
Thuyết tiến hóa: Các loài cá có trước cây ăn trái.
10. Kinh Thánh: Tất cả các ngôi sao được sáng tạo vào ngày thứ tư (1:16).
Thuyết tiến hóa: Các ngôi sao xuất hiện vào nhiều thời điểm khác nhau.
11. Kinh Thánh: Chim và cá được tạo dựng trong ngày thứ năm (1:20-21).
Thuyết tiến hóa: Các loài cá tiến hóa hàng trăm triệu năm trước khi các loài chim xuất hiện.
12. Kinh Thánh: Các loài chim có trước các loài côn trùng (1:20-21).
Thuyết tiến hóa: Các loài côn trùng có trước các loài chim.
13. Kinh Thánh: Các loài cá lớn (whales) có trước các loài bò sát (1:20-31).
Thuyết tiến hóa: Các loài bò sát có trước các loài cá lớn.
14. Kinh Thánh: Các loài chim có trước các loài bò sát (1:20-31).
Thuyết tiến hóa: Các loài bò sát có trước các loài chim.
15. Kinh Thánh: Loài người có trước mưa (2:5).
Thuyết tiến hóa: Mưa có trước loài người.
16. Kinh Thánh: Đàn ông có trước đàn bà (2:21-22).
Thuyết tiến hóa: Đàn bà có trước đàn ông (theo di truyền học).
17. Kinh Thánh: Sự sáng có trước mặt trời (1:3-19).
Thuyết tiến hóa: Mặt trời có trước, rồi mới có ánh sáng.
18. Kinh Thánh: Cây cỏ có trước mặt trời (1:11-19).
Thuyết tiến hóa: Mặt trời có trước các loài cây.
19. Kinh Thánh: Sự phong phú và đa dạng của các dạng sống dưới đại dương xuất hiện cùng một lúc (1:20-21).
Thuyết tiến hóa: Sự sống dưới biển dần dần phát triển từ một tổ chức sống hình giọt nguyên thủy (primitive organic blob).
20. Kinh Thánh: Thân thể loài người từ bụi đất (2:7).
Thuyết tiến hóa: Loài người tiến hóa từ loài khỉ.
21. Kinh Thánh: Loài người quản trị mọi tổ chức sống (1:28).
Thuyết tiến hóa: Hầu hết các tổ chức sống đã tuyệt chủng trước khi con người xuất hiện.
22. Kinh Thánh: Loài người khởi thủy chỉ ăn cây trái (thực vật) (1:29).
Thuyết tiến hóa: Loài người khỏi thủy là một động vật ăn thịt.
23. Kinh Thánh: Các loài cố định và phân biệt (fixed and distinct kinds) (1:11, 12, 21, 24, 25; ICo1Cr 15:38-39).
Thuyết tiến hóa: Các dạng sống đang trong tình trạng biến động liên tục (continual state of flux).
24. Kinh Thánh: Tội lỗi con người gây nên sự chết (RoRm 5:12).
Thuyết tiến hóa: Sự đấu tranh và sự chết tồn tại rất lâu trước sự tiến hóa của con người.
Thêm vào những sự đối lập trực tiếp này, còn có nhiều khác biệt rõ rệt trong quan điểm giữa tiến hóa vô thần và Thánh Kinh Cơ-đốc. Đức Chúa Jêsus phán: “Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt.” (Mat Mt 7:18).
“Kết quả của thuyết tiến hóa là một loạt các hệ thống niềm tin và việc làm (system of belief and practice) chống Cơ-đốc giáo. Nó đã phục vụ cho chủ nghĩa quốc xã và các chủ nghĩa vô thần khác. Nó đã đẩy mạnh sự bội đạo, thuyết vô thần, chủ nghĩa nhân đạo thế tục (secular humanism) và chủ nghĩa tự do tư tưởng (libertinism), cũng như đã hình thành một nền tảng cho chủ nghĩa đạo đức tương đối (ethical relatism), vốn đã lan rộng khắp đất nước chúng ta (nước Mỹ - ND) như một căn bệnh ung thư. Tâm trí và sức khỏe chung của loài người đã phải chịu đựng nhiều do kết quả của thứ triết học tự nhiên (naturalistic phylosophy) này.”
* Theo Kinh Thánh, loài người là một tạo vật có trách nhiệm. Một ngày nào đó họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho những việc làm và những động cơ trong đời sống của mình. Nhưng khi con người được nhìn nhận như là một sản phẩm của một quá trình tiến hóa mơ hồ, không mục đích, họ có thể tự do thoát khỏi những nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức. “Sau hết, họ chỉ là một sự tình cờ của tự nhiên, một động vật thông minh nhất” (The Colaspe of Evolution, Scott Huse, 1983, trang 122-124).
* Tiến hóa hay sáng tạo: bạn không thể có cả hai! Danh sách của Scott Huse đã quá rõ ràng. Hãy xem lại số 14 chẳng hạn. Kinh Thánh chép trong SaSt 1:20-31 rằng các loài chim được sáng tạo vào ngày thứ năm và các loài bò sát được tạo ra vào ngày thứ sáu. Điều đó có nghĩa là các loài chim có trước các loài bò sát. Thế nhưng thuyết tiến hóa dạy rằng việc loài bò sát có trước loài chim là một sự thật. Cả hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Hoặc là bạn tin Kinh Thánh, hoặc là bạn tin những suy đoán của con người. Bạn sẽ quỳ mọp trước khoa học hay sẽ cung kính quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo của bạn? Có nhiều thứ trong đời sống hoặc trắng, hoặc đen. Chúng ta phải có sự nhất quán, đặc biệt là khi thể hiện mình là Cơ-đốc nhân, khi lựa chọn Lời của Đức Chúa Trời chứ không phải những suy đoán sai lầm của loài người.
Bạn không thể là một người theo thuyết tiến hóa mà vẫn tin Kinh Thánh là thật. Một từ rất rõ ràng trong Kinh Thánh đó là “Đức Chúa Trời dựng nên.” Thế cho nên, sự tiến hóa từ một phân tử đến con người là một giả thuyết sai lầm của con người. Walter Brown đã đưa ra 57 khác biệt không thể hòa hợp giữa Kinh Thánh và thuyết tiến hóa “hữu thần” (theistic evolution) trong quyển sách của mình, “Ban đầu, Tâm Điểm cho Sự Sáng Tạo Khoa Học” (In the Beginning, the Center for Scientific Creation).
TIẾN HÓA VI MÔ VÀ TIẾN HÓA VĨ MÔ (MICRO AND MACRO EVOLUTION)
Khi nói về sự tiến hóa như một suy đoán sai lầm, chúng ta có ý nói đến sự tiến hóa từ một tế bào trở thành một con người. Cái mà các nhà khoa học gọi là tiến hóa vi mô (micro evolution) thật sự có xảy ra. Tiến hóa vi mô về căn bản là sự đa dạng về gien trong một loài sinh vật nào đó. Chẳng hạn, mọi người đều khác biệt nhau cho dù họ có cùng một hệ cha mẹ (set of parents) nào đó. Làm thế nào gần 6 tỉ người lại khác nhau rất rõ rệt về dáng vẻ bề ngoài, về năng lực nếu chúng ta có nguồn gốc từ cùng một hệ cha mẹ? Đây là sự đa dạng về gen, sự thích nghi hay sự biến đổi về gien (genetic variation), hay có lẽ là sự sai lệch về gen. Sự đột biến, tức là một cái gì đó trở thành một cái gì khác hơn do sự thay đổi của gen, không phải là sự tiến hóa thật (như thuyết tiến hóa đề ra, từ phân tử đến người - ND). Các chủng loại khác nhau của cây bắp, của loài chó, của cây mù tạt vẫn được kể là bắp, chó, và mù tạt. Có bắp nổ (popcorn), bắp rang đường (sweet corn), và bắp trái ngoài đồng (field corn); chó săn, chó xù, và chó chăn cừu; cũng như rất nhiều loại mù tạt. Điều này không chứng thực sự tiến hóa. Nó chỉ cho thấy những sự khác biệt về gien trong họ nhà bắp, chó và mù tạt mà thôi.
CÁC GIỐNG NGƯỜI KHÁC NHAU
Làm thế nào một người theo thuyết sáng tạo có thể giải thích về những chủng tộc khác nhau của loài người? Biến cố Tháp Ba-bên trong Sáng-thế ký 11 cho chúng ta câu trả lời:
“Vả, cả thiên hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng. Nhưng khi ở Đông phương dời đi, người ta gặp một đồng bằng trong xứ Si-nê-a, rồi ở tại đó.Người này nói với người kia rằng: ‘Hè! Chúng ta hãy làm gạch và hầm trong lửa.’ Lúc đó, gạch thế cho đá, còn chai thế cho hồ. Lại nói rằng: ‘Nào! Chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời, ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất.’ Đức Giê-hô-va bèn ngự xuống đặng xem cái thành và tháp của con cái loài người xây nên. Đức Giê-hô-va phán rằng: ‘Này, chỉ có một thứ dân,cùng đồng một thứ tiếng, và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm, bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được. Thôi! Chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người này với người kia.’ Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây, Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.” (SaSt 11:1-9).
Ban đầu, mọi người đều nói cùng một thứ tiếng. Thế cho nên họ rất dễ dàng trao đổi những tài nguyên trí tuệ với nhau, vì ai cũng có thể nói chuyện với bất kỳ ai. Kết quả là chẳng có gì là “không thể” đối với họ hay “ngăn” họ (11:6). Họ đã lựa chọn sự bội phản lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời để rồi phải bị phân tán khắp nơi trên đất (9:11), một sự bội phản mà kết quả là Đức Chúa Trời đã làm ra nhiều thứ tiếng giữa vòng họ. Chỉ có một số ít người có thể trao đổi với nhau và họ đã hình thành nên nhiều nhóm, và điều này giải thích cho thời kỳ của những “người hang động” vì những giới hạn của ngôn ngữ và sự hỗn loạn của “thời kỳ phân tán” chắc chắn đã tạo nên những nhóm người nguyên thủy rất biệt lập. Những giới hạn về ngôn ngữ buộc họ phải phân tán khắp trái đất và sinh sản với những người bà con thân thuộc (in-breed with relatives). Một số chủng tộc loài người đã xuất hiện sau vài thế hệ của việc lai cùng dòng (inbreeding - sanh sản từ sự giao phối với những người có quan hệ thân thuộc gần gũi - ND). (Đức Chúa Trời đã tuyên bố sự lai cùng dòng là tội trong luật Môi-se. Ca-in và Sết lấy vợ trong vòng chị em mình, nhưng điều này chưa phải là tội cho đến khi ban bố luật pháp. Xem trong Lê-vi ký 18 trích dẫn bên dưới.)
“Vậy, hãy giữ luật pháp và mạng lịnh ta, người nào làm theo, thì sẽ nhờ nó mà được sống: Ta là Đức Giê-hô-va. Chớ một ai trong vòng các ngươi đến gần cùng người nữ bà con mình đặng cấu hiệp: Ta là Đức Giê-hô-va. Chớ cấu hiệp cùng cha mẹ mình, bằng cấu hiệp, tất làm nhục cho cha mẹ. Chớ cấu hiệp cùng kế mẫu, bằng cấu hiệp ấy làm nhục cho cha mình. Chớ cấu hiệp cùng chị em mình, hoặc một cha khác mẹ, hoặc một mẹ khác cha, hoặc sanh tại trong nhà, hoặc sanh ở ngoài. Chớ cấu hiệp cùng cháu gái, hoặc cháu gái nội, hoặc cháu gái ngoại, bằng cấu hiệp, ấy là gây nhục cho mình.” (LeLv 18:5-10).
Các khoa học gia nói với chúng ta rằng tất cả các chủng tộc trên thế giới đến từ một tổ tiên là mẹ (giống cái - single, female parent). Về điểm này, Kinh Thánh không phủ nhận “khoa học.” Các chủng tộc (sự khác biệt trong vòng “loài” người) hầu hết là kết quả của việc phân tán khắp trái đất do Đức Chúa Trời thực hiện sau biến cố Tháp Ba-bên.
NGÔN NGỮ KHÔNG BẮT ĐẦU BẰNG NHỮNG TIẾNG BẬP BẸ
Khoa nghiên cứu ngôn ngữ đã phát triển thành một chuyên ngành phức tạp. Các nhà ngôn ngữ học cho chúng ta biết rằng càng lui dần về quá khứ cổ xưa, ngôn ngữ càng phức tạp hơn. Một ngôn ngữ lâu đời hơn (“nguyên thủy hơn” - more primitive) là một ngôn ngữ phức tạp hơn nhiều. Đây là một bằng chứng mạnh mẽ chống lại thuyết tiến hóa.
Nếu tiến hóa là thật và con người thực sự tiến hóa từ những tạo vật nguyên thủy có trước, thì ngôn ngữ càng phải trở nên đơn giản hơn ngay từ những buổi đầu con người hình thành, (chứ không phức tạp như những gì người ta nói và có thể chứng minh - ND). Người tiền sử ắt hẳn phải bắt đầu sự giao tiếp bằng lời với nhau bởi các âm bập bẹ (grunts); rồi đến các âm đơn (single syllables); rồi đến những từ nhiều âm tiết (ba-na-na - trái chuối); rồi mới đến các nhóm từ trong câu (sentence fragments); và phát triển thành câu (I want banana! - Tôi muốn ăn chuối!) v.v... Những gì tìm được là điều hoàn toàn ngược lại. Những ngôn ngữ đầu tiên, như tiếng Sumerian, hết sức phức tạp đến độ chỉ có một số rất ít học giả lỗi lạc mới có thể đọc (giải mã) chúng. Biến cố Tháp Ba-bên giải thích về nguồn gốc các chủng tộc và vấn đề phức tạp của các ngôn ngữ cổ xưa. Đức Chúa Trời tạo nên ngôn ngữ ngay tức thì và hoàn toàn hoàn hảo. Thuyết tiến hóa chẳng có lời giải thích nào tốt cho sự phức tạp của những ngôn ngữ đầu tiên được biết đến.
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ từ khắp thế giới đã đưa ra những quan điểm liên quan đến vị trí địa lý của ngôn ngữ mẹ “nguyên thủy.” Các chuyên gia ngôn ngữ gọi nó là Proto-Indo-European (ngữ hệ Ấn Âu Cổ đại). Hai chuyên gia người Nga, Thomas Gamkrelidze và Vyacheslav Ivanov, đã đưa ra bằng chứng “...rằng ngữ hệ Ấn-Âu (Indo-European) có nguồn gốc từ một vùng có tên là Anatolia, hiện nay là một phần của Thổ Nhĩ Kỳ, và từ đây nó đã lan ra khắp Châu Âu cùng các tiểu lục địa khác.”
Tờ báo Tin tức Hoa kỳ và Báo Cáo Thế Giới (U.S. News and World Report) không phải là tờ đầu tiên nói rằng ngôn ngữ có thể truy nguyên về Thổ Nhĩ Kỳ. Kinh Thánh ghi lại rằng Nô-ê và gia đình sau cơn lũ đã có những khởi đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ: “Đến tháng bảy, ngày mười bảy, chiếc tàu tấp trên núi A-ra-rát.” (SaSt 8:4). Các khoa học gia tìm về cội nguồn ngôn ngữ, Kinh Thánh cho biết cội nguồn đó là núi A-ra-rát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và họ đồng ý!
THÁP BA-BÊN VÀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CAO (HI-TECH SCIENCE)
Từ sự ra đời của nhiều thứ ngôn ngữ tại tháp Ba-bên, những nỗ lực của các thế hệ con cháu của thủy tổ loài người đã bị giới hạn (không còn có thể làm những điều không thể làm được) bởi chính hàng rào ngôn ngữ. Nhưng ngày nay, lần đầu tiên kể từ biến cố Tháp Ba-bên, thế hệ của chúng ta lại có chung một ngôn ngữ quốc tế - ngôn ngữ của những máy tính kỹ thuật cao.
Với máy vi tính, chúng ta một lần nữa lại có thể tham gia vào những cuộc nghiên cứu và tri thức quốc tế và có thể làm những điều không thể làm được (con người lên mặt trăng, phẫu thuật ghép tim, máy bay siêu thanh Concorde, v.v...). Đức Chúa Trời đã bước vào thời gian để ngăn chặn tình huống này trong Sáng-thế ký 11. Ngài có thể làm gì trong thế hệ chúng ta khi những điều dạy dỗ của thuyết tiến hóa ngày càng thuyết phục nhiều người rằng Đức Chúa Trời chẳng cần thiết chút nào trong sự tồn tại của chúng ta? Chúng ta nhanh chóng trở thành một dân tộc tin vào dòng cuối cùng trong quyển sách của William Henley, Invictus: “Tôi làm chủ định mệnh tôi, tôi là thủ lĩnh linh hồn mình” (I am the master of my fate, I am the captain of my soul). Đây là thái độ của Ba-by-lôn kiêu ngạo, và Đấng Tạo Hóa không hài lòng.
Một tư tưởng khác cần đề cập đến trong Sáng-thế ký 11 - có thể nào người dân Ba-bên đã đang xây một cái tháp chống nước (water-proof tower) hay không? Văn tự Thánh Kinh mô tả cách dùng những viên gạch được nung rất đặc biệt và việc dùng chai (tar - một loại vật liệu chống thấm dùng trong kỹ nghệ đóng tàu - ND) thay cho hồ (vữa). Sự đoán xét bằng trận lụt từ thời Nô-ê hẳn vẫn còn in sâu trong tâm trí của những người này. Có khi nào họ đã vung nắm đấm lên trời với nguồn tài nguyên trí tuệ khi họ xây dựng một cái tháp chống nước, và nói với Đức Chúa Trời rằng, “Chúa hỡi, Ngài không thể bắt phục chúng tôi bằng nước lụt nữa đâu! Chúng tôi cả thảy sẽ trốn vào cái tháp chống nước vốn cao đến tận trời xanh này. Chúng tôi sẽ tự cứu mạng sống mình mà không cần Ngài nữa. Chúng tôi sẽ chế ngự vận mệnh mình. Chúng tôi sẽ tự lo cho sự sống của mình.” Không? Thái độ này thật giống Lu-xi-phe quá - “Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời.” (EsIs 14:13-14) - phải không? Khoa học của thời đó đã có thể thuyết phục mọi người tin rằng họ hoàn toàn có thể sống một cách thoải mái mà không cần Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo của họ. Các khoa học gia ngày nay leo lên cái tháp ngà của mình và nói trong lòng cũng như trên giấy trắng rằng: “Không có Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể làm tốt mà không cần Ngài. Chúng ta thảy đều là thánh và tự điều khiển định mệnh mình.”
TIẾN HÓA VÀ PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC
Các khoa học gia thường tuyên bố và trình bày những bài luận đưa họ lên vị trí của thần thánh. Chúng ta có bị buộc phải tin rằng khoa học và phương pháp khoa học đã “truất phế” Đức Chúa Trời? Từ những ngày đầu tiên đi học, chúng ta được dạy rằng khoa học dựa trên những thí nghiệm cẩn thận và tư duy kỷ luật. Khoa học cho chúng ta những sự thật. Chúng ta có thể tin nó. Sau đó, chúng ta được dạy qua các chương trình truyền hình và những cuộc phỏng vấn với tiến sĩ Carl Sagan rằng, “Tiến hóa không còn là một học thuyết nữa, nó là một sự thật.” Đây không phải là phương pháp khoa học! Một người theo thuyết tiến hóa, Hy Ruchlis, đã định nghĩa phương pháp khoa học như sau:
“Phương pháp khoa học là một hệ thống cơ bản những phương thức mà các khoa học gia sử dụng để tìm kiếm, nghiên cứu những kiến thức mới về vũ trụ mà chúng ta đang sống” (Discovering Scientific Method, Hy Ruchlis, 1963, trang 7).
Tuyên bố rằng tiến hóa không còn là một học thuyết, nhưng là một sự thật thì cũng chỉ là một lời tuyên bố không hơn không kém. Nó không phải là một khoa học có thể kiểm chứng được. Nó không phù hợp với định nghĩa về chính phương pháp khoa học. Ruchlis tiếp:
“Trừ phi những lời dạy dỗ để làm căn cứ cho một môn nào đó được đặt trên cơ sở phương pháp khoa học, những sai lầm có thể dễ dàng được công nhận là sự thật...
Điều quan trọng nhất phải nhớ về phương pháp khoa học là nó phải dựa trên một thái độ rộng rãi, cởi mở (hay cầu tiến - open mind). Với thái độ này, một người có quyền nghi vấn về bất cứ điều gì được coi là sự thật. Một người tìm kiếm sự thật phải học biết cách đặt câu hỏi thật sâu sắc về những thứ được chấp nhận cách rộng rãi như là ‘sự thật hiển nhiên.’” (như trên, trang 7, 8).
Làm thế nào mà tiến hóa, dựa trên giải thích “khoa học” về các nguồn gốc, có thể đạt tiêu chuẩn dưới định nghĩa về phương pháp khoa học của Ruchlis? Nó chỉ đạt điểm kém mà thôi. Có lẽ nào tiến hóa là “sai lầm...dễ dàng được công nhận là sự thật”? Dĩ nhiên. Những người theo thuyết tiến hóa có thái độ cởi mở không? Họ có cho phép những sinh viên của mình chất vấn về thuyết tiến hóa mà không coi đó là một “sự thật hiển nhiên” không? Trái lại, những người theo thuyết tiến hóa chỉ muốn có duy nhất một tư tưởng được trình bày trong phòng học của họ khắp thế giới.
Khi một khoa học gia gương mẫu, là một người theo thuyết sáng tạo đưa ra những bằng chứng cứng rắn để minh chứng về Đấng Tạo Hóa và tạo vật của Ngài, anh/chị ấy bị kết tội là dạy về tôn giáo.
Nhưng tiến hóa từ một tế bào thành người không được dựa trên phương thức khoa học (_) và vì thế, đó là cả một hệ thống của niềm tin. Điều đó có nghĩa là nó cũng “mộ đạo” (religious) giống như niềm tin vào sự sáng tạo đặc biệt. Câu hỏi không phải là:“Liệu tiến hóa có phải là một khoa học, và sự sáng tạo là một tôn giáo không ?” nhưng là: “Hệ thống niềm tin nào-sáng tạo hay tiến hóa- có bằng chứng khoa học thực sự để ủng hộ tin theo?”
David E. Green (thuộc Viện nghiên cứu Enzyme - Institute for Enzyme Research - đại học Wisconsin, Madison) và Robert F. Goldberger (Viện Sức Khỏe Quốc Gia - National Institutes of Health- Bethesda, Maryland ) đã nghiên cứu phương pháp khoa học và mối quan hệ của nó với các quá trình tiến hóa. Họ nghiên cứu quan điểm cho rằng tiến hóa vượt quá tầm với của “những giả thuyết có thể chứng thực.” Nói cách khác, nó (tiến hóa) không thể được chứng minh là sự thật hiển nhiên bằng phương pháp khoa học. Nguồn gốc sự sống của tế bào sống đầu tiên đối với khoa học mà nói là “không thể biết được.” Bất chấp điều này, những người theo thuyết tiến hóa, Green và Goldberger (_) phủ nhận sự tồn tại của bất cứ thứ gì cận vật lý (“phi vật lý” - paraphysical). Trái ngược với tư tưởng của hai nhà khoa học này, tiến hóa không phải là một khoa học, nó là một tôn giáo. Nhưng những người theo thuyết tiến hóa sùng đạo lại không sẵn lòng để cho những người tin nơi sự sáng tạo giới thiệu những quan điểm của họ trong hệ thống giáo dục công cộng. Thực ra, như tất cả chúng ta đều biết, những tòa án của nước Mỹ này (“nơi của sự tự do, bình đẳng của mọi giai tầng xã hội”) không để cho một quan điểm khác về nguồn gốc của con người được trình bày trong các lớp học mà không có một sự chống đối nào. Nếu sự sáng tạo quá rõ ràng là một quan điểm vô lý về niềm tin, thì một người chắc chắn sẽ hỏi tại sao nó luôn bị ngăn chặn khi đem vào trường học để dạy cho con em chúng ta. Rõ ràng là nếu tiến hóa là thật và nó dễ dàng được công nhận là có giá trị như những gì các khoa học gia đã khẳng định, thì chắc chắn sẽ không có gì phải lo lắng trước quan điểm sáng tạo.
Thật thú vị khi thấy rằng một con số đang gia tăng các khoa học gia theo thuyết tiến hóa đang nhận ra rằng có một sự thiếu hụt khổng lồ về các bằng chứng khoa học để chứng minh kiểu tiến hóa từ phân tử đến người. Một sự thật day dứt là chính một người theo thuyết tiến hóa đã khẳng định: “Những người tin vào sự sáng tạo có cơ sở lý luận tốt hơn.”
CHÚA SẼ CHIẾN THẮNG
Khi một tôn giáo đang trong cuộc thi với một tôn giáo khác, tôn giáo thật sự chắc chắn sẽ chiến thắng. Thượng Đế của sự sáng tạo đã là Đấng chiến thắng từ lâu rồi. Tiến hóa có thể nổi trội hơn ở một vài điểm nho nhỏ nào đó trong những nỗ lực cùng với hệ thống thế giới này, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa chúng ta chính là Đấng phán quyết những lời cuối cùng. Đấng Tạo Hóa đã nói cho chúng ta biết mọi thứ sẽ chung kết như thế nào trong Phi Pl 2:10-11: “Hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.”
Chúa của chúng ta, Đấng Tạo Hóa là Đấng chiến thắng! Isaac Asimov, Carl Sagan, Ernst Mayr, và Stephen Jay Gould, cũng như các giáo sư đại học hay giáo viên trường học theo thuyết tiến hóa, tất cả đều phải quỳ xuống trước Cứu Chúa và Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Jêsus Christ. Chính miệng của họ phải lớn tiếng nói rằng, “Jêsus Christ là Cứu Chúa,” để tôn vinh Đức Chúa Cha. Họ đã kiểm nghiệm sự sáng tạo và rồi thuận ý để tin vào một lời dối trá. Nếu họ không trở lại với Đức Chúa Jêsus bằng niềm tin đơn sơ của mình mà xưng nhận mọi sự phản nghịch chống lại Đức Chúa Trời, thì họ cũng phải “quỳ” xuống và “xưng” nhận ngay tại cuộc phán xét mà không được sự giúp đỡ từ đâu cả . Họ sẽ phải đứng trước mặt Chúa , Đấng Sáng Tạo của họ mà không thể có một lời bào chữa nào. Rô-ma 1:19-23; chép rằng:
“Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa, song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại, họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.”
Những tư tưởng tiến hóa vĩ đại nhất của thời đại này có khuynh hướng đưa con người và tạo vật lên vị trí của Đức Chúa Trời. Từ các hợp chất đến con người, về cơ bản là tương đương với nhau. Tất cả chỉ là “MỘT”! Nhưng đây là sự thông sáng hay là điều ngu xuẩn? Chúa phán:
“Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự tri thức.” (ChCn 9:10).
Sự khôn ngoan chính là niềm tin nơi Đấng Tạo Hóa. Có sự độc nhất và có sự đa dạng trong các tạo vật của Ngài. Con người có thể trông giống như một con khỉ và ngay cả hành động cũng có thể giống như con khỉ, nhưng anh ta không thể có chung dòng máu với loài khỉ. Là một Cơ Đốc nhân, khi chúng ta không cúi xuống trước mặt Đức Chúa Trời và nhìn nhận quyền tể trị cũng như quyền phép tối cao của Ngài, chúng ta tự để cho chính mình bị tha hóa trong các thứ triết học hão huyền và những suy đoán ngu dại của thế giới này. Có phải chúng ta đã hiến mình cho việc học theo những phương cách của đời này đến nỗi chúng ta hoàn toàn thờ ơ trước những nguyên tắc của Lời Chúa? Có phải chúng ta đứng trước mặt Đấng Sáng Tạo và bị xử phạt vì cớ tin vào những lời dối trá với những sự tưởng tượng và giả định của con người hơn là vào những lẽ thật đời đời trong Kinh Thánh? Có phải chúng ta thiếu đức tin vì chúng ta đã bị lôi cuốn vào việc hướng Kinh Thánh vào khoa học (làm mọi cách để Kinh Thánh phải đúng với khoa học - ND) hơn là hướng khoa học vào Kinh Thánh? Quả thật “Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người, nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.” (14:12). “Chúa ôi! Xin cất khỏi lòng chúng con sự vô tín !”
TẠO VẬT KỲ DIỆU CỦA THƯỢNG ĐẾ CON NHỆN VÀNG ĐEN TRONG VƯỜN
Trong vườn chúng ta là một tạo vật đặc biệt của Thượng Đế, Đấng ban Thánh Kinh. Mỗi loài nhện có một kiểu mạng nhện độc nhất, và có thể rộng từ 2 đến 3 bộ (khoảng 0,7 đến 1 m) về đường kính. Tại trung tâm của mạng nhện, con nhện giăng tơ dày đặc cả một vùng, thường theo hình giống như dây kéo, hoặc đường ngoằn ngoèo theo hình chữ chi (zig-zag).
Con cái dệt một cái túi đựng trứng (egg-sac) có hình quả lê (pearl-shaped) và có đường kính khoảng 1 inch (2, 54 cm). Rồi nó treo cái túi đựng trứng ở một chỗ nào đó gần với cái mạng chính của mình.
“Loài nhện này đẻ hết các trứng trong một lần. Thường có khoảng 40 hoặc 50 trứng. Khi một cái trứng được đẻ ra, con nhện phủ lên bên ngoài nó một lớp bột. Lớp bao phủ này trông giống như phấn trên trái mận hoặc trái nho.
Các cái trứng được đưa vào trong một cái “kén” bằng tơ (silken cup) nằm ngay giữa túi trứng. Đến lượt cái kén đó được bao phủ bởi một lớp tơ “sồi” (flossy silk). Và để có thêm sự bảo vệ, con nhện cái dệt thêm một lớp tơ khác bao quanh cả cái kén và lớp tơ sồi. Lớp bao phủ ngoài cùng này được dệt rất chặt và có màu nâu.
Chẳng bao lâu sau, mấy cái trứng nở. Chúng được gọi là nhện con (spiderling). Chúng phá cái vỏ bọc để chui ra bằng một bộ phận được gọi là “răng trứng” (egg tooth). Bộ phận này sau đó biến mất.” (Winter-Sleeping Wildlife, Will Baker, 1958, trang 94-96).
Con nhện vàng đen giống như một nhà máy sản xuất thu nhỏ. Nó làm nên nhiều loại mạng khác nhau bằng nhiều màu sắc khác nhau tùy vào mục đích, cũng như tạo nên chất bột bao bọc quanh trứng. Một số chỗ trong mạng của nó rất dính, được dùng để bẫy côn trùng làm thức ăn. Các phần khác thì không dính, điều này cho phép con nhện có thể dễ dàng di chuyển trên mạng mà không sập bẫy của chính mình. Làm thế nào mà tiến hóa (khách quan cộng với thời gian, cộng với sự ngẫu nhiên) giải thích khả năng phức tạp của một con nhện trong việc làm nên nhiều loại mạng khác nhau cho nhiều mục đích khác nhau ngay cả màu sắc cũng khác (thay đổi từ trắng sang nâu)? Và làm thế nào tiến hóa giải thích sự tồn tại của cái “răng trứng” trên một con nhện sơ sinh?
Khi con nhện quyết định đã đến lúc phải chuyển sang một địa bàn mới, nó có một phương cách di chuyển hết sức tài tình:
“Để đi đến các nơi khác, con nhện di chuyển bằng một phương cách gọi là “khí cầu” (ballooning). Một con nhện con hay con nhện đã lớn phóng ra hàng loạt tơ. Những sợi tơ này trông giống như một “tấm thảm bay.” Nó sẽ bay lên cao nơi nào có dòng không khí ấm bay lên, và những con nhện con cũng như những con nhện đã lớn được mang lên rất cao, từ đó phân tán ra xa và rộng.
Đôi lúc nó có thể lên cao đến 14.000 - 15.000 bộ (khoảng 4.700 - 5.000 m) và đi xa hàng trăm đến hàng ngàn dặm” (như trên, trang 96).
Con nhện trải qua vài lần lột da trước khi nó hoàn toàn trưởng thành. Nếu chúng không lột bỏ lớp da của mình, thì sẽ chết. Làm thế nào một con nhện biết được điều này cho đến khi nó quá lớn so với cái vỏ bên ngoài và chết? Mấy con nhện chết thì không thể tiến hóa để có những khả năng mới được!
Lớp da bên ngoài rụng hết lông và nứt rộng ra theo một cách rất đặc biệt. Trước hết, con nhện tiêm một loại chất lỏng nào đó, gọi là “chất lỏng giúp lột vỏ” (moulting fluid) giữa lớp da bên ngoài đã cũ và lớp da mới đang phát triển bên trong. Chất lỏng đặc biệt này đến từ đâu, và làm thế nào con nhện biết cần phải làm gì với nó và khi nào thì dùng nó? Dùng chất lỏng này quá sớm hoặc quá trễ đều gây tử vong.
Cách thức lớp da cũ nứt ra rất là quan trọng. Nếu nó nứt rộng ra sai chỗ, hay nứt sai góc độ, con nhện chết ngay.
“Một khi lớp da cũ đủ lỏng, nó nứt dọc hai bên hông con nhện và ngay trước cặp mắt. Nhưng không có lằn nứt ngang nào trên thân thể con nhện cả. Lằn nứt dọc hai bên hông và lằn nứt hình chữ thập giữa hai con mắt tạo nên một cái “nắp” (flap) bằng da. Con nhện đẩy cái nắp lên giống như con người kéo một cái cửa hầm lên. Nó cứ đẩy, cứ đẩy và đẩy cho đến khi cái nắp rơi ra phía sau phần bụng dưới. Và con nhện ngọ ngoạy bò ra” (như trên, trang 96).
Chúa - Đấng Sáng Tạo - đã thiết kế con nhện này tuyệt vời làm sao! Tạo vật bé nhỏ này phá vỡ mọi quy luật của tiến hóa bởi chính sự phức tạp đến diệu kỳ của nó. Nó cần phải có Đấng tạo nên mình với dáng vẻ cùng với mọi khả năng và những sự khác thường mà nó có. Con nhện vàng đen là một tạo vật kỳ diệu của Đức Chúa Trời - một Đấng mà không có gì là không thể (LuLc 1:37), và là Đấng ngày ngày bênh vực chúng ta (RoRm 8:34) và cũng là Đấng vì cớ quá yêu chúng ta đã ban chính Con của Ngài cho chúng ta (GiGa 3:16).
bottom of page