top of page
Hung Tran
Jun 5, 2023
Sau khi A-đam và Ê-va sa ngã, Chúa liền mở cuộc điều tra, lên án con rắn, A-đam và Ê-va, nhưng đồng thời Ngài cũng ban lời hứa về Đấng Cứu Thế...
BÀI 27: ĐỨC CHÚA TRỜI HỨA BAN ĐẤNG CỨU THẾ
Bây giờ chúng ta bước qua phần SỰ CỨU CHUỘC.
I. HỨA BAN BẰNG LỜI
Sau khi A-đam và Ê-va sa ngã, Chúa liền mở cuộc điều tra, lên án con rắn, A-đam và Ê-va, nhưng đồng thời Ngài cũng ban lời hứa về Đấng Cứu Thế. Chúa gớm ghét tội lỗi, nhưng yêu thương tội nhân. Lời hứa về Đấng Cứu Thế không phải một lần là đủ cả, mà theo luật tiêm tiến, trải qua một thời gian khá lâu để loài người hiểu thế nào một Cứu Chúa mình cần đến.
1. Dòng dõi người Nữ.
• Sáng-thế ký 3:15: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mầy sẽ cắn gót chân người.”
Kinh Thánh nói về loài người theo Phu hệ, tức là theo dòng dõi của Cha, nhưng chỉ câu nầy đặc biệt nói về Mẫu hệ, Đấng Cứu Thế sẽ ra từ dòng dõi một người nữ, tức là ám chỉ Ngài sẽ sanh ra bởi một trinh nữ. Nhờ câu đó nhân loại đã bắt đầu biết đươc Đấng Cứu Thế sẽ ra từ loài người để cứu loài người.
2. Dòng dõi Áp-ra-ham.
• Sáng-thế ký 12:3: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi. Rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi, và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.”
Toàn thể nhân loại nhờ Áp-ra-ham mà được phước. Nhưng thật ra không phải Áp-ra-ham, vì ông đã qua đời trước đây hơn ba ngàn năm. Câu nầy ám chỉ về Đấng Cứu Thế sẽ ra từ dòng dõi Áp-ra-ham.
• Sáng-thế ký 22:18: “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn Ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.”
3. Dòng dõi Y-sác.
• Sáng-thế ký 17:19: “Đức Chúa Trời bèn phán rằng: Thật vậy, Sa-ra vợ ngươi, sẽ sanh một trai, rồi ngươi đặt tên là Y-sác. Ta sẽ lập giao ước cùng nó, để làm giao ước đời đời cho dòng dõi của nó.”
Đấng Cứu thế ra đời từ dòng dõi của Y-sác là con trai của Áp-ra-ham.
• Sáng-thế ký 26:4: “Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, sẽ cho họ hết các xứ nầy ; hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.”
4. Dòng dõi Gia-cốp.
• Sáng-thế ký 28:14: “Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát bụi trên mặt đất, tràn ra đến đông tây nam bắc, và các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước.”
Đấng Cứu Thế ra từ dòng dõi Gia-cốp, là con trai của Y-sác.
5. Dòng dõi của Giu-đa.
• Sáng-thế ký 49:10: “Cây phủ việt chẳng hề rời khỏi Giu-đa. Kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó. Cho đến chừng nào Đấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng phục Đấng đó.”
Dân Y-sơ-ra-ên có 12 chi phái, đều là con của Gia-cốp, nhưng Đấng cứu Thế sẽ ra từ chi phái Giu-đa. Đức Chúa trời không thôi ban phước cho chi phái này cho đến chừng Đấng Cứu Thế hiện ra.
6. Dòng dõi của Đa-vít.
• II Sa-mu-ên 7:12-13: “Khi các ngày ngươi đã mãn và ngươi ngủ với các tổ phụ ngươi thì Ta sẽ lập dòng giống ngươi kế vị ngươi là dòng giống do ngươi sanh ra và ta sẽ khiến cho nước nó bền vững nó sẽ xây một Đền thờ cho Danh Ta và ta sẽ khiến cho ngôi cùng nước nó bền đỗ đời đời.” Đấng Cứu Thế sẽ ra từ dòng dõi vua Đa-vít theo phần xác, Ngài làm vua đời.
7. Một trinh nữ.
• Ê-sai 7:14: “Vậy nên chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi, này một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên.”
Câu nầy đã được áp dụng cho Chúa Giê-xu khi Ngài Giáng sanh (Ma-thi-ơ 1:21). Như vậy, Sáng thế ký 3:15 về Ê-sai 7:14 hoà hiệp nhau.
8. Tại Bết-lê-hem.
• Mi-chê 5:1: “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn người Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ cho ra một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên, gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.”
Đấng Cứu Thế bởi trinh nữ sanh ra tại Bết-lê-hem của nước Do-thái.
Chúa hứa với Áp-ra-ham, với Y-sác, với Gia-cốp, với Giu-đa, với Đa-vít về Đấng Cứu Thế sẽ ra từ dòng dõi của họ là dân Do-thái. Đấng Cứu Thế sẽ ra từ dòng dõi của họ là dân Do-thái. Đấng Cứu Thế đó sẽ do một Trinh nữ sanh ra tại thành phố Bết-lê-hem.
Mọi Lời của Đức Chúa Trời đã hứa đều đã được ứng nghiệm trong Chúa Giê-xu Christ, là dòng dõi thuộc linh chớ không phải dân Do-thái. Vì nếu chính dân Do-thái thì làm gì mà cả thế gian nhờ họ để dược phước? Nếu chính dân Do-thái thì đâu có đông như sao trời, như cát biển và tràn ra đến Đông, Tây, Nam, Bắc? Nếu chính dân Do-thái thì dòng dõi của dân Đa-vít đâu có ngôi nước bền đỗ đời đời? Qua Chúa Giê-xu Christ, cả thế gian đều được phước, qua Chúa Giê-xu Christ có Cơ-đốc nhân đông như sao trời, như cát biển, qua Chúa Giê-xu Christ, Tin Lành tràn đều Đông, Tây, Nam Bắc, qua Chúa Giê-xu Christ, Đa-vít có ngôi bền đỗ đời đời.
II. HỨA BAN BẰNG BIỂU TƯỢNG
Đức Chúa Trời hứa rằng Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết trên Thập Tự Giá làm của lễ đền tội cho mọi người. Nhưng việc đó quá sức tưởng tượng của loài người, họ không thể hiểu được. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã mượn các biểu tượng để bày tỏ thế nào là Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết.
1. Chiên con của A-đam.
• Sáng-thế ký 3:21: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho.”
Khi A-đam và Ê-va đã phạm tội, thấy mình lõa lồ và hổ thẹn, nên đã cố gắng che sự hổ thẹn của mình bằng những chiếc áo vá, và những chiếc áo đó không bền được, buổi sáng còn kín đáo, trưa chiều thì khô héo. Công trình của ông bà không đến đâu cả. Đức Chúa Trời động lòng thương xót, nên Ngài đã lấy da thú kết thành áo dài và mặc cho ông bà một cách kín đáo, vững bền. Phải có một con thú bị giết mới có da của nó kết thành áo dài cho ông bà. Như vậy, Chúa dạy ông bà rằng có một con thú vô tội đã bị giết vì cớ ông bà, để nhờ đó ông bà có chiếc áo dài mặc cách lành lặn, lâu dài, cũng dạy chúng ta rằng Đấng Cứu thế như con chiên bị giết. Tất cả cố gắng của chúng ta như một chiếc áo lá vả, như một chiếc áo dơ. Bao nhiêu công trình vĩ đại của loài người đã làm để được cứu rỗi, đều như chiếc áo dơ hay là chiếc áo bằng lá vả. Nhưng Đấng Cứu Thế chịu chết vì chúng ta sẽ mặc lấy cho chúng ta chiếc áo công bình, thánh khiết, như chiếc áo da thú. Nếu loài người biết được điều nầy, họ không còn cố gắng một cách tuyệt vọng, hổ thẹn như A-đam và Ê-va, mà ai nấy sẽ chạy đến với Cứu Chúa.
• Ê-sai 64:6: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi.” Đây là một câu bày tỏ rất rõ ràng về cố gắng của A-đam và Ê-va, cũng như của toàn thể nhân loại.
• Ê-sai 61:10: “Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rễ mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới dồi mình bằng châu báu.”
Ôi thật là sung sướng, hai câu nầy vẽ ra sự thất bại của loài người và công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa Trời.
2. Chiên con của A-bên.
• Sáng-thế ký 4:3-5: “Vả, cách ít lâu, Cain dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người, nhưng chẳng đoài đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người.”
Khi Đức Chúa trời đã giết con thú lấy da kết thành áo dài mặc cho A-đam, thì Chúa đã dạy cho ông bà mỗi khi phạm tội, phải chiên con làm của lễ chuộc tội, chỉ về Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết. Chính ông đã dạy cho hai con là Ca-in và A-bên dùng chiên con làm tế lễ, nhưng Ca-in thì không vâng lời. Ông không nhận mình có tội mà tưởng mình có công dức, nên ông chỉ dâng hoa quả hay bất cứ thứ gì ông trồng được. Nhưng A-bên thì vâng lời, đã giết một chiên con, dâng làm của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Chúa Trời không nhậm lễ vật của Ca-in, mà nhậm lễ vật của A-bên. Tại sao? – Đức Chúa Trời đòi phải dâng một chiên con, vì đó đúng với ý nghĩa Đấng Cứu Thế chịu chết đền tội cho mình. Ca-in là người thứ nhất lập ra tôn giáo nhờ công đức riêng của mình, chớ không nhờ Đấng Cứu Thế. Dầu có ngàn tôn giáo, nhưng kỳ thật chỉ có hai mà thôi: Tôn giáo nhờ sức mình như Ca-in và Tôn giáo nhờ Đấng Cứu Thế như A-bên.
3. Chiên con của Áp-ra-ham.
• Sáng-thế ký 22:13: “Áp-ra-ham nhướng mắt lên, xem thấy sau lưng một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay cho con mình.”
Đức Chúa Trời thử đức tin Áp-ra-ham, mà bảo ông đem con một của mình lên trên núi dâng làm của lễ thiêu cho Ngài. Ôi, đây là một việc thật là khó, nhưng Áp-ra-ham đã làm. Khi Áp-ra-ham vâng theo Đức Chúa Trời, thì Ngài không để Áp-ra-ham giết con mình đâu, nhưng Ngài đã dự bị một con chiên cho Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời mượn thực sự đó dạy cho Áp-ra-ham rằng: “Con của ông không phải chết, vì chiên con đã chết thay cho, chiên đó chỉ về Đấng Cứu Thế đã chịu chết đền tội cho loài người.”
4. Chiên con Lễ Vượt qua.
• Xuất 12:3-4: “Hãy nói cho toàn hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Đến ngày mồng mười tháng này, mỗi gia trưởng tuỳ theo nhà mình phải bắt một con chiên con. Nếu nhà ít người quá ăn không hết một chiên con, hãy chung cùng người lân cận mình, tuỳ theo số người; và hãy tính cho mỗi chiên con tuỳ sức người ăn hết.”
Khi dân Y-sơ-ra-ên đã làm nô lệ 400 năm tại Ai-cập, Chúa buộc Aicập phải phóng thích dân Y-sơ-ra-ên. Đêm đó mỗi nhà Y-sơ-ra-ên phải giết một chiên con, Huyết bôi trên mày cửa cái và hai cột cửa. Sau khi ăn thịt chiên xong, thì mỗi người đều ở trong nhà của mình, tức là nhà có Huyết chiên con.
Nửa đêm, Thiên sứ vượt qua tất cả mỗi nhà người Y-sơ-ra-ên, nhờ có Huyết bôi trên cửa. Vì vậy, đặt tên là lễ Vượt Qua. Nhưng nhà của người Ai-cập, từ nhà con đòi đến cung điện của Pha-ra-ôn đều không có Huyết bôi trên cửa, nên nhà nào cũng có người chết, con đầu lòng của người và con đầu lòng của súc vật. Cả xứ nhà nào cũng kêu la inh ỏi. Pha-ra-ôn hoàng đế Ai-cập liền ra lệnh ra khỏi xứ đó.
Thực sự này dạy rằng mỗi chúng ta được cứu ngang qua dòng Huyết của Đấng Cứu Thế, như chiên con bị giết trong lễ Vượt Qua. Trong Chúa Giê-xu như trong nhà có bôi Huyết, chúng ta hết thảy đều bình an trọn vẹn. Phao-lô đã tuyên bố: “Hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Chúa Giê-xu …Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta đã bị giết rồi.” (Rô-ma 8:1; ICôr 5:7).
5. Chiên con làm tế lễ.
• Xuất 29:39-41: “Buổi sớm mai ngươi hãy dâng một trong hai chiên con; con thứ nhì hãy dâng vào buổi chiều tối. Với con chiên thứ nhất, hãy dâng một phần mười bột mì nhồi với một phần tư hin dầu ép, và cùng lễ quán một phần tư hin rượu nho. Về con chiên thứ nhì hãy dâng vào buổi chiếu tối với một của lễ và một quán y như lễ sớm mai; ấy là một của lễ thiêu, có mùi thơm dâng cho Đức Giê-hô-va.”
Điều nầy lập lại rất nhiều lần trong cả sách Xuất Ê-díp-tô ký và Lê-vi ký. Mỗi người Y-sơ-ra-ên muốn đẹp lòng Đức Chúa Trời, hoặc khi phạm tội muốn được tha thứ, thì phải dắt một chiên con hoàn toàn không tì vít đến trước Đền thờ, được thầy Tế Lễ khám nghiệm và chấp nhận, người phạm tội phải đặt hai tay mình trên đầu con sinh, xưng hết tội lỗi của mình ra, chính người đó giết con sinh, rồi thầy Tế Lễ lấy Huyết rãy trên bàn thờ làm Tế Lễ chuộc tội, thì người đó được tha thứ.
Dân Y-sơ-ra-ên nhờ chiên con bị giết mà được tha thứ, được đến gần Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài, và hưởng phước của Ngài. Khi họ làm điều đó, không phải họ hướng về chiên con đâu, vì giá trị chiên con với giá trị con người thấp cao khác nhau. Chiên con không đủ giá trị chuộc tội cho con người, vì ai phạm tội sẽ chết, thì sự chết của con chiên không có giá trị chuộc tội cho người đã phạm. Nhưng khi họ đặt tay trên đầu con chiên, thì đức tin của họ hướng về Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết đền tội cho họ, mà con chiên nầy làm tượng trưng cho.
6. Chiên con của Ê-sai.
• Ê-sai 53:7: ”Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.”
Tiên tri Ê-sai mô tả Đấng Cứu Thế chịu chết vì nhân loại, qua hình ảnh một chiên con bị giết.
Chiên con của A-đam, chiên con của A-bên, chiên con của Áp-ra-ham, chiên con lễ Vượt Qua, chiên con người người Y-sơ-ra-ên, chiên con của Ê-sai đều làm tượng trưng về Chúa Giê-xu. Giăng 1:29: “Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Giêxu đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” Qua ngày sau, có hai môn đồ cùng đứng với Giăng thì Chúa Giê-xu đi ngang qua, ông nói: “Kìa chiên con của Đức Chúa Trời.” Hai môn đồ vội vàng bỏ ông mà chạy theo Chúa, và trở thành môn đồ của Ngài.
Kinh thánh mượn chiên con để chỉ về Chúa Giê-xu, nhất là sách Khải-huyền.
• Khải-huyền 6:1: “Tôi nhìn xem, khi chiên con mở ấn thứ nhất trong bảy ấn, thì tôi thấy một con trong bốn sinh vật nói tiếng như sấm rằng: “Hãy đến.”
• Khải-huyền 6:16: “Chúng nó nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chặn trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của chiên con.”
• Khải-huyền 7:9-10: “Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên con, mặc áo dài trắng tay cầm nhành chà là, cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời Ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về chiên con.”
• Khải-huyền 7:14: “Tôi thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa biết điều đó. Người lại phán cùng tôi rằng: Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong Huyết Chiên Con.”
• Khải-huyền 7:17: “Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sống.“
• Khải-huyền 13:8: “Hết thảy dân sự trên đất đều thờ lạy nó, là những kẻ không có tên ghi trong sách sự sống của Chiên Con.“
• Khải-huyền 14:1: “Tôi nhìn xem, thấy Chiên Con đứng trên núi Si-ôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người đều có Danh Chiên Con và Danh Cha Chiên Con ghi trên trán mình.”
• Khải-huyền 14:4: “Những kẻ ấy chưa bị ô uế với đàn bà, vì còn trinh tiết. Chiên Con đi đâu, những kẻ nầy theo đó.”
• Khải-huyền 14:10: “Thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót trong chén thạnh nộ Ngài, và sẽ chịu đau đớn trong lửa và diêm ở trước mặt các Thiên sứ Thánh và trước mặt Chiên Con.”
• Khải-huyền 15:3: “Chúng hát Bài ca Môi-se, là tôi tớ Đức Chúa Trời, và Bài ca Chiên Con.“
• Khải-huyền 17:14: “Chúng chiến trang cùng Chiên Con, Chiên Con sẽ được thắng.”
• Khải-huyền 19:7: “Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài, vì lễ cưới Chiên Con đã tới.”
• Khải-huyền 19:9: “Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con.”
• Khải huyền 21:9: “Hãy đến Ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con.”
• Khải-huyền 21:14: “Còn tường của thành có mười hai cái nền, tại trên có đề mười hai Danh, là Danh mười hai sứ đồ của Chiên Con.”
• Khải-huyền 21:22-23: “Ở đó, tôi không thấy đền thờ nào; vì Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng và Chiên Con đều là đền thờ của thành. Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng; vì vinh hiển của Đức Chúa Trời chói lói cho, và Chiên Con là ngọn đèn của thành.”
• Khải-huyền 21:27: “Kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không hề được vào thành; nhưng chỉ có những kẻ đã biên tên trong sách sự sống của Chiên Con.”
• Khải-huyền 22:1-3: “Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra… Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa. Ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài.”
Ôi có biết bao nhiêu lần nhắc lại về Chiên Con, và tất cả đều chỉ về Đấng Cứu Thế Giê-xu. Vì vậy, chúng ta không có Đấng Cứu Thế nào khác ở dưới trời, ngoài ra Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Chúa Giê-xu. Lời hứa của Đức Chúa Trời đã được ứng nghiệm trọn vẹn trong Chúa Giê-xu.
bottom of page