top of page

NGÀY 14/5/1948 VÀ TIÊN TRI VỀ SỰ HỒI HƯƠNG CỦA DÂN DO-THÁI

Hung Tran

Feb 28, 2024

Hãy theo dõi những diễn biến lịch sử xảy đến cho nước Do-thái để qua đó ước lược thời hạn còn lại mà Đức Chúa Trời đã định cho toàn thể nhân loại...



Trong...

...giới Cơ-đốc giáo, người ta thường nói câu nầy: “Dân Do-thái là đồng hồ định giờ của Đức Chúa Trời” (Israel is God's Time Clock). Đây là loại đồng hồ “đếm ngược thời gian”.

   Điều nầy đặc biệt đúng đối với các lời tiên tri liên quan đến thời kỳ sau cùng của thế giới. Hãy theo dõi những diễn biến lịch sử xảy đến cho nước Do-thái để qua đó ước lược thời hạn còn lại mà Đức Chúa Trời đã định cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, người đời cũng có câu tục ngữ: “Nói trước bước không tới”.

Khi trích câu đó, chúng tôi muốn đề cập đến nhiều người sau khi quan sát vài sự kiện xảy ra cho nước Do-thái, đã vội vàng gán cho sự kiện đó đã ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh, mà không suy xét cẩn thận xem sự kiện đó có thật sự được Kinh Thánh xác nhận không?

Chỉ có Kinh Thánh là giữ thẩm quyền để xác nhận lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm chứ không phải bởi sự suy diễn của con người.


Ngày 14/5/1948: Ben-Gurion tuyên bố thành lập nước Do-thái

Một trong những biến cố quan trọng đối với dân Do-thái mà cả thế giới đều biết, đó là ngày 14 tháng 5 năm 1948, dân Do-thái chính thức tuyên bố lập quốc: Ngày 14/5/1948, tại Tel Aviv, Ben-Gurion là vị thủ tướng đầu tiên của Do-thái, tuyên bố quốc gia Do-thái được hình thành sau gần 2000 năm lưu vong.

Ngay lập tức, rất nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã lên tiếng cho biết lời tiên tri về dân Do-thái lập quốc đã được ứng nghiệm, và đồng thời sự kiện lịch sử nầy như là một trong những dấu hiệu cho thấy thế giới đang dần bước vào ngày Chúa Jesus trở lại.

Chúng ta hãy xem xét thật cẩn thận và tỉ mỉ sự kiện ngày dân Do-thái lập quốc 14/5/1948 có phải là một lời tiên đã được ứng nghiệm? Để xác định vấn đề nầy, chúng ta cần tìm hiểu lịch sử dân Do-thái bị lưu đày và lời tiên tri về sự hồi hương của dân Do-thái.


A. Thời kỳ lưu đày: Sau thời cai trị của vua Sa-lô-môn, vương quốc Do-thái chia làm 2: Miền Bắc và Miền Nam.


1) Vương quốc Miền Bắc: Gồm 10 chi phái do Giê-rô-bô-am cai trị, thủ đô là Sa-ma-ri. Sách Các-vua và Sử-ký gọi vương quốc Miền Bắc là nước Y-sơ-ra-ên.

Năm 722 BC, 10 chi phái Miền Bắc bị vua A-si-ri là Sanh-ma-na-sa (Shalmaneser) bị bắt đi qua A-si-ri (Assyria) làm phu tù (II Các-vua 17:3,5-6). 10 chi phái miền bắc bị phu tù tại A-si-ri rồi sau đó tản lạc khắp thế giới cho đến ngày nay.


2) Vương quốc Miền Nam: Gồm 2 chi phái Giu-đa và Bên-gia-min (không kể chi phái Lê-vi cũng thuộc vương quốc Miền Nam, được Chúa biệt riêng để phục vụ trong đền thờ), do Rô-bô-am (con của Sa-lô-môn) cai trị, thủ đô là Giê-ru-sa-lem.

Sách Các-vua và Sử-ký gọi vương quốc Miền Nam là nước Giu-đa. Nước Giu-đa bị vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa bắt qua Ba-by-lôn làm phu tù vào các năm 605 BC, 597 BC và 586 BC.


B. Kinh Thánh cho biết có 2 lần dân Do-thái hồi hương, không có lần thứ ba.


1) Lần 1: Trở về từ Ba-by-lôn:

Gồm 3 đợt hồi hương, được ghi lại trong sách Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi.

- Đợt 1: Xảy ra vào năm 538 BC. Vua Sy-ru (đế quốc Ba-tư) cho phép họ hồi hương để xây lại đền thờ. Xô-rô-ba-bên hướng dẫn đợt hồi hương nầy (Ê-xơ-ra chương 3-6).

- Đợt 2: Xảy ra vào năm 458 BC. Vua Ạt-ta-xét-xe (Longimanus) cho phép hồi hương và cho phép lập lại cuộc thờ phượng trong đền thờ. Đợt nầy do Ê-xơ-ra hướng dẫn (Ê-xơ-ra 7:6-10).

- Đợt 3: Xảy ra vào năm 444 BC. Vua Ạt-ta-xét-xe II cho phép hồi hương để xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem. Nê-hê-mi hướng dẫn đợt hồi hương nầy (Nê-hê-mi 2:4-11).

Sau đây là các câu Kinh Thánh báo trước về sự hồi hương, lúc các lời tiên tri nầy được loan báo, dân Do-thái vẫn còn ở tại Ba-by-lôn:

• Ê-sai 10:20-22: “Trong ngày đó, dân sót của Y-sơ-ra-ên, và người thoát nạn của nhà Gia-cốp, sẽ không cậy kẻ đánh mình nữa; nhưng thật lòng cậy Đức Giê-hô-va, là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên. Một số dân sót, tức là dân sót của Gia-cốp, sẽ trở lại cùng Đức Chúa Trời quyền năng. Hỡi Y-sơ-ra-ên, dầu dân ngươi như cát biển, chỉ một phần sót lại sẽ trở lại. Sự hủy diệt đã định, bởi vì sự công bình tràn khắp.”

• Ê-sai 44:26,28: “Chúa làm ứng nghiệm lời của tôi tớ Ngài; thiệt hành mưu của sứ giả Ngài; phán về thành Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ có người ở; và về các thành của Giu-đa rằng: Nó sẽ được lập lại, ta sẽ dựng lại các nơi hoang vu của nó. Phán về Si-ru rằng: Nó là người chăn chiên của ta; nó sẽ làm nên mọi sự ta đẹp lòng; lại cũng phán về Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ được lập lại, và phán về đền thờ rằng: Nền ngươi sẽ lại lập”

Lời tiên trên đã được ứng nghiệm hoàn toàn. Dân Giu-đa (tức dân Do-thái thuộc Vương Quốc Miền Nam) đã trở về cố quốc để xây lại đền thờ, xây lại các vách thành Giê-ru-sa-lem trong thời Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi.

Sự tản lạc của dân Giu-đa: Tuy nhiên, một biến cố quan trong xảy đến cho dân Giu-đa: Năm 70 SC, dân Giu-đa bị tản lạc khắp nơi trên thế giới bởi cơn bắt bớ và giết hại của người La-mã.

2) Lần 2: Có phải lần trở về lập quốc ngày 14/5/1948?

Lần hồi hương thứ hai rất quan trọng, vì như đã nói, nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã cho rằng ngày Do-thái lập quốc đã ứng nghiệm lời tiên tri về đợt hồi hương thứ hai. Chúng ta cần tìm hiểu tất cả những yếu tố liên quan lần hồi hương thứ hai qua các phần Kinh Thánh sau:

• Ê-sai 11:11,12: “Trong ngày đó, Chúa còn đặt tay một lần nữa đặng chuộc dân sót của Ngài, tức là kẻ sót lại bởi A-si-ri, Ê-díp-tô, Pha-trô, Cút, Ê-lam, Si-nê-a, Ha-mát cùng các cù lao biển. Chúa sẽ dựng một cây cờ cho các nước; nhóm những người Y-sơ-ra-ên bị đuổi, thâu những người Giu-đa lưu lạc, từ bốn góc đất.”

Chúng ta ghi nhận vài chi tiết quan trọng từ lời tiên tri nêu trên:

a) Cụm từ “một lần nữa” trong câu trên cho thấy Đức Chúa Trời sẽ tập hợp dân Do-thái lần thứ hai trên đất nước của họ. Đồng thời cũng cho thấy không còn đợt hồi hương nào nữa, “một lần nữa” cũng là lần cuối cùng.

Lần hồi hương thứ nhất đã được ứng nghiệm hoàn toàn thì lần thứ hai là lần cuối cùng. Nếu ngày 14/5/1948 ứng nghiệm lời tiên tri trên, điều nầy có nghĩa là sẽ không còn có lần hồi hương nào nữa!!

b) Cụm từ “bốn góc đất” trong câu trên chỉ rõ dân Do-thái đã bị tản lạc khắp nơi trên thế giới và được Chúa tập hợp lại.

c) Câu trên bao gồm 2 nhóm người: Y-sơ-ra-ên (là những người lưu lạc từ trong 10 chi phái của vương quốc Miền Bắc) và Giu-đa (là những người lưu lạc thuộc vương quốc Miền Nam do cơn bách hại của người La-mã)

d) Văn mạch của Ê-sai 11:11,12: Đặt câu trên trong văn mạch của cả chương 11, chương nầy nói tiên tri về thời kỳ Chúa Jesus tái lâm trên đất và thành lập Vương Quốc của Ngài. Ê-sai mô tả đó là thời kỳ thới thạnh, bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên, đất nước Do-thái sau ngày lập quốc 14/5/1948 đến nay vẫn chưa được bình an nhưng luôn đối diện với khủng bố, chiến tranh và những xung đột với các nước láng giềng theo Hồi giáo. Như vậy câu trên sẽ được ứng nghiệm vào thời kỳ sau rốt, chứ không phải năm 1948.

• Ê-xê-chi-ên 37:21,22: “Ta sẽ hiệp chúng nó lại làm chỉ một dân tộc trong đất ấy, ở trên núi của Y-sơ-ra-ên. Chỉ một vua sẽ cai trị chúng nó hết thảy. Chúng nó sẽ không thành ra hai dân tộc, và không chia ra hai nước nữa.”

Lời tiên tri trên cho thấy sau khi dân Do-thái trở về quê hương, sẽ có một VUA cai trị họ. Vị vua nầy không ai khác hơn là Chúa Jesus. Khi Chúa Jesus tái lâm, Ngài sẽ là Vua cai trị trên khắp thế giới, như Khải-huyền 19:16 cho biết Ngài là “VUA của các vua, CHÚA của các chúa.” Chúng ta thấy rõ lời tiên tri trên không liên quan gì đến ngày 14/5/1948.

• Ê-xê-chi-ên 36:24: “Ta sẽ thâu lấy các ngươi khỏi giữa các dân; ta sẽ nhóm các ngươi lại từ mọi nước, và đem về trong đất riêng của các ngươi.”

Nhiều người đã kết luận ngày dân Do-thái lập quốc 14/5/1948 đã ứng nghiệm lời tiên tri trên. Tuy nhiên, chúng ta đừng bỏ qua văn mạch gồm các câu nối tiếp sau:

Câu 25-27: “Ta sẽ rưới nước trong trên các ngươi, và các ngươi sẽ trở nên sạch; ta sẽ làm sạch hết mọi sự ô uế và mọi thần tượng của các ngươi. Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo.”


Điểm quan trọng cần chú ý trong câu trên:

Chúa sẽ làm sạch mọi sự ô uế của dân Do-thái. Họ phạm tội gì? Đó là tội chối bỏ Chúa Jesus, là Đấng Mê-si-a của họ, họ đã âm mưu phối hợp với chính quyền La-mã đóng đinh Chúa Jesus. Rồi Chúa ban lòng mới và Thần của Chúa cho họ, điều nầy cho thấy họ ăn năn tội và được Chúa tha thứ, họ được Chúa ban Đức Thánh Linh để từ đó bước vào nếp sống mới theo ý định của Chúa.

Chúng ta nhận thấy tình trạng thuộc linh của dân Do-thái khi lập quốc vào 14/5/1948 cho đến ngày nay không phù hợp với lời tiên tri đã mô tả. Ngày nay dân Do-thái vẫn chưa công nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si-a. Như vậy, lời tiên tri dân Do-thái hồi hương kể trên không thể áp dụng cho ngày 14/5/1948.

Ngoài ra, chúng ta nhận thức rằng ngày 14/5/1948 dù là ngày nước Do-thái được thành lập trên khía cạnh lịch sử, nhưng suy cho cùng, đó chỉ là một nước, một thể chế chính trị, do con người tuyên bố, do con người thành lập, điều nầy khác hẳn với lời tiên tri trong Kinh Thánh, qua đó chính tay của Đức Chúa Trời trực tiếp can thiệp rút họ về từ mọi nơi trên thế giới và chính Ngài nhóm họp họ lại thành một nước chứ không bởi một nhóm người hay một tổ chức nào. Nước Do-thái ngày nay là một nước chính trị do con người lãnh đạo, nhưng nước Do-thái sau nầy sẽ là Vương Quốc do Chúa Jesus trị vì.


3) Lời kết: Nếu ngày Do-thái lập quốc 14/5/1948 không phải là ngày ứng nghiệm lời tiên, thì sự kiện đó có ý nghĩa gì?

Dù không có lời tiên tri nào chỉ ra một cách chắn chắn về ngày 14/5/1948, nhưng chúng ta tin chắc rằng Đức Chúa Trời đã, đang và sẽ tể trị dòng lịch sử của của quốc gia Y-sơ-ra-ên.

Ngài cho phép sự kiện ngày 14/5/1948 xảy ra cho dân tộc và đất nước Do-thái như là một trong những chuổi dấu hiệu cho thế giới biết dân Do-thái là dân tộc được Chúa chọn, và qua dân tộc đó, Thiên Chúa bày tỏ cho thế giới biết về chương trình của Ngài, từ lúc Sáng-thế cho đến thời kỳ cuối cùng.

Dân Do-thái chính là đồng hồ định giờ của Đức Chúa Trời.

“Khi các ngươi ở trong sự hoạn nạn, và các điều nầy xy đến trên các ngươi trong những ngày cuối cùng, bấy giờ các ngươi sẽ trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi và vâng theo tiếng Ngài.”(Phục-truyền 4:30)


Trần Đình Tâm



bottom of page