top of page
Hung Tran
Jun 22, 2023
Đức Chúa Trời muốn chúng ta chung sống với nhau...
NGÀY 18: SỐNG VỚI NHAU
“Mỗi người trong anh em là một chi thể trong thân thể của Đấng Christ, và anh em đã được lựa chọn để chung sống trong hòa thuận với nhau.”
CoCl 3:15 bản CEV-ND
“Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau thật tốt đẹp thay!”
Thi Tv 133:1
Cuộc sống là phải san sẻ.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta chung sống với nhau. Kinh Thánh kêu gọi mối thông công chia sẻ kinh nghiệm này. Tuy nhiên, ngày nay, từ đó đã mất hầu hết những ý nghĩa của nó trong Kinh Thánh. “Thông công” bây giờ thường được dùng để ám chỉ những cuộc trò chuyện, giao tế, ăn uống và vui chơi. Câu hỏi là, “Bạn thông công ở đâu?” có nghĩa là “Bạn đi nhà thờ nào?” “Hãy ở lại để thông công” thường có nghĩa là “Xin chờ đến giờ trà đàm.”
Sự thông công thật không chỉ là có mặt tại các buổi thờ phượng. Nó là kinh nghiệm cuộc sống với nhau. Nó bao hàm những mạng lệnh yêu thương không vị kỷ, chân thành chia sẻ, tập thói quen phục vụ, ban cho hy sinh, yên ủi cảm thông, và mọi mạng lệnh “lẫn nhau” khác trong Thánh Kinh Tân Ước.
Khi nói đến vấn đề mối thông công, kích cỡ lại quan trọng: Nhỏ hơn thì tốt hơn. Bạn có thể thờ phượng với một đám đông, nhưng bạn không thể thông công với một đám đông được. Khi một nhóm nào đó lớn lên và có hơn mười người, thì một số người không dự phần nữa-thường là những người trầm lặng nhất-và có một số ít người sẽ chi phối cả nhóm.
Chúa Giê-xu phục vụ trong khung cảnh một nhóm nhỏ các môn đồ. Ngài có thể chọn nhiều hơn chứ, nhưng Ngài biết mười hai là số lượng lớn nhất trong một nhóm nhỏ để cho mọi người đều dự phần.
Thân Thể của Đấng Christ, giống như thân thể của bạn, thực sự là một tập hợp của rất nhiều tế bào nhỏ. Sự sống của Thân Thể Đấng Christ, giống như thân thể của bạn, nằm trong các tế bào. Vì lý do đó, mỗi Cơ-đốc nhân cần phải dự phần vào một nhóm nhỏ trong Hội thánh của họ, dù đó là một nhóm thông công gia đình, một lớp Trường Chúa Nhật, hoặc một lớp nghiên cứu Kinh Thánh. Đây chính là nơi cộng đồng thật xuất hiện, chứ không phải trong những đám đông lớn. Nếu bạn nghĩ Hội thánh giống như một chiếc thuyền, thì các nhóm nhỏ là những thuyền cứu hộ mà chiếc thuyền lớn mang theo.
Đức Chúa Trời có một lời hứa lớn cho những nhóm nhỏ các tín nhân: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.” (Mat Mt 12:28). Thật không may là dù có ở trong một nhóm nhỏ thì điều đó cũng không bảo đảm rằng bạn sẽ kinh nghiệm được một cộng đồng thật. Nhiều lớp Trường Chúa Nhật và các nhóm nhỏ bị mắc kẹt ở chỗ nông cạn và không biết kinh nghiệm một mối thông công thật. Sự khác biệt giữa mối thông công thật và giả là gì?
Trong mối thông công thật, con người kinh nghiệm sự chân thành. Mối thông công chân thành không nông cạn, hay chỉ dừng ở mức độ tán gẫu bề ngoài, mà nó là sự chia sẻ chân thành, từ lòng đến lòng, đôi khi trút hết cả tấm lòng ra. Nó chỉ xảy ra khi các thành viên chân thật về việc họ là ai và điều gì đang xảy ra trong cuộc đời họ. Họ chia sẻ những đớn đau của mình, bày tỏ những xúc cảm, xưng nhận các thất bại, chia sẻ những nỗi nghi ngờ, thừa nhận sự sợ hãi, nhìn biết những yếu đuối của mình và nhờ những người khác giúp đỡ hay cầu thay.
Lòng thành thật là điều trái ngược với những gì bạn thấy trong nhiều Hội thánh. Thay cho bầu không khí chân thật và khiêm nhường là những cuộc nói chuyện giả hình, nhập vai, vận động chính trị, giả đò lịch sự, và nông cạn. Người ta đeo mặt nạ, đề phòng lẫn nhau, và hành động như thể mọi sự đang rất tốt đẹp trong cuộc đời họ. Những thái độ này chính là án tử của mối thông công thật.
Chỉ khi nào chúng ta cởi mở về cuộc đời mình thì chúng ta mới kinh nghiệm được mối thông công thật. Kinh Thánh chép, “Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau … Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.” (IGi1Ga 1:7-8). Thế gian nghĩ rằng sự thân mật chỉ xảy ra trong bóng tối, nhưng Đức Chúa Trời nói rằng nó diễn ra trong ánh sáng. Bóng tối được dùng để che giấu những nỗi đau, sai lầm, sợ hãi, thất bại và những vết nhơ của chúng ta. Nhưng trong ánh sáng, chúng ta công khai những điều đó và thừa nhận con người thật của mình.
Dĩ nhiên, chân thật đòi hỏi cả lòng can đảm lẫn sự khiêm nhường. Nó có nghĩa là đối diện với nỗi sợ hãi chúng ta bị lộ tẩy, bị từ khước và bị đau đớn một lần nữa. Tại sao lại phải mạo hiểm như vậy? Vì đó là cách duy nhất để tăng trưởng thuộc linh cũng như tình cảm. Kinh Thánh chép, “Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh.” (Gia Gc 5:16a). Chúng ta chỉ tăng trưởng khi mạo hiểm và sự mạo hiểm khó khăn nhất là chân thật với chính mình và với những người khác.
Trong mối thông công thật, con người kinh nghiệm sự tương thuộc. Sự tương thuộc là một nghệ thuật cho và nhận. Nó lệ thuộc vào mỗi người. Kinh Thánh chép, “Cách Đức Chúa Trời tạo dựng thân thể chúng ta là khuôn mẫu để hiểu cách chúng ta sống chung với nhau trong một Hội thánh: mọi phần đều lệ thuộc vào các phần khác.” (ICo1Cr 12:25 bản Msg-ND). Sự tương thuộc là trọng tâm của mối thông công: xây dựng các mối quan hệ hỗ tương, chia sẻ các trách nhiệm, và giúp đỡ lẫn nhau. Phao-lô nói, “Tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh mẽ bởi đức tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi.” (RoRm 1:12).
Tất cả chúng ta vững vàng thêm trong đức tin khi những người khác đi cùng và khích lệ chúng ta. Kinh Thánh ban lệnh chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm hỗ tương, khích lệ nhau, phục vụ nhau, và tôn trọng lẫn nhau. Hơn năm mươi lần trong Thánh Kinh Tân Ước, chúng ta được lệnh phải làm những nhiệm vụ “lẫn nhau” và “cho nhau” khác nhau. Kinh Thánh chép, “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.” (14:18).
Bạn không phải chịu trách nhiệm cho mọi người trong Thân Thể của Đấng Christ, nhưng bạn chịu trách nhiệm về họ. Đức Chúa Trời mong muốn bạn làm bất cứ điều gì có thể để giúp họ.
Trong mối thông công thật, con người kinh nghiệm sự cảm thông. Sự cảm thông không phải là cho một lời khuyên hoặc lời đề nghị giúp đỡ nhanh chóng, hời hợt; cảm thông là bước vào và chia sẻ nỗi đau của những người khác. Cảm thông nói rằng, “Tôi hiểu điều mà anh đang trải qua, và điều anh đang cảm thấy không có gì lạ cũng không phải là dại dột.” Ngày nay, một số người gọi đây là “sự thấu cảm” nhưng từ dùng trong Kinh Thánh là “cảm thông.” Kinh Thánh chép, “Là những người thánh … anh em hãy cảm thông, nhơn từ, khiêm nhường, lịch sự và nhẫn nại.” (CoCl 3:12 bản GW-ND).
Cảm thông đáp ứng hai nhu cầu căn bản của con người: nhu cầu được hiểu và nhu cầu được thừa nhận những cảm xúc của bạn. Mỗi khi bạn hiểu và thừa nhận cảm xúc của một ai đó, bạn đang xây dựng mối thông công. Vấn đề là chúng ta thường hay vội vã sửa chữa việc này việc nọ đến nỗi không có thời gian mà cảm thông với người khác. Hay có lẽ chúng ta quá bận rộn với những nỗi đau của riêng mình. Sự tự thán làm khô cháy lòng cảm thông người khác.
Có nhiều cấp độ thông công khác nhau, và mỗi cấp độ phù hợp với từng thời điểm khác nhau. Cấp độ đơn giản nhất của thông công là mối thông công chia sẻ và mối thông công học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Một cấp độ sâu hơn đó là mối thông công phục vụ, là khi chúng ta phục vụ nhau trên những chuyến đi truyền giáo hay các dự án xã hội. Cấp độ sâu sắc nhất, mạnh mẽ nhất là mối thông công thương khó, cấp độ mà chúng ta bước vào nỗi đau đớn, buồn khổ của nhau và mang lấy gánh nặng cho nhau. Các Cơ-đốc nhân hiểu rõ cấp độ này nhất là những người đang bị bắt bớ, ruồng bỏ và thường phải tuận đạo vì đức tin của mình trên khắp thế giới.
Kinh Thánh ban lệnh, “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” (Ga-la-ti 6:2;). Chính những thời điểm khủng hoảng, đau buồn và nghi ngờ sâu sắc là lúc chúng ta cần nhau nhiều nhất. Khi hoàn cảnh đẩy chúng ta vào chỗ khiến đức tin chúng ta nao núng, đó là lúc chúng ta cần những người bạn đồng đức tin nhất. Chúng ta cần một nhóm nhỏ những người bạn cùng đức tin nơi Đức Chúa Trời để giúp đỡ mình. Trong nhóm nhỏ này, Thân Thể của Đấng Christ là thật và rõ ràng ngay cả khi Chúa dường như xa cách. Đây là điều mà Gióp cần khi ông chịu khổ. Ông thốt lên, “Kẻ gần xui té, đáng được bạn bầu thương xót đến, e kẻo người bỏ sự kính sợ Đấng Toàn năng.” (Giop G 6:14).
Trong mối thông công thật, con người kinh nghiệm lòng thương xót. Mối thông công là một nơi của ân điển, nơi những lầm lỗi được thứ tha. Mối thông công diễn ra khi sự thương xót chiến thắng công lý.
Tất cả chúng ta đều cần sự thương xót, vì tất cả chúng ta đều vấp ngã, và cần có sự giúp đỡ để đứng dậy. Chúng ta cần phải bày tỏ lòng thương xót cho nhau và sẵn sàng nhận sự thương xót từ những người khác. Chúa phán, “Thà nay anh em tha thứ yên ủi, hầu cho người khỏi bị sa ngã vì sự buồn rầu quá lớn.” (IICo 2Cr 2:7).
Bạn không thể có được mối thông công nếu không tha thứ. Đức Chúa Trời cảnh báo, “Chớ giữ sự hận thù.” (CoCl 3:13 bản LB-ND), vì sự cay đắng và thù hận luôn phá hỏng mối thông công. Chúng ta là những con người bất toàn, tội lỗi, nên chắc chắn chúng ta sẽ làm đau lòng nhau chuyện gì đó khi ở cùng với nhau một thời gian dài. Đôi lúc chúng ta cố tình làm tổn thương nhau và đôi lúc thì vô tình, nhưng dù cố tình hay vô tình thì cũng cần phải có sự thương xót và ân điển để tạo lập cũng như duy trì mối thông công. Kinh Thánh chép, “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.” (CoCl 3:13).
Lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là động cơ để chúng ta bày tỏ lòng thương xót đối cùng những người khác. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời không hề yêu cầu bạn phải tha thứ cho một ai đó nhiều hơn điều mà Ngài đã tha thứ cho bạn. Bất cứ khi nào bạn bị ai đó làm tổn hại, bạn có một lựa chọn: “Tôi sẽ dồn toàn bộ sức lực và tình cảm của mình để trả thù hay để tha thứ?” Bạn không thể làm cả hai.
Nhiều người do dự khi tỏ lòng thương xót vì họ không hiểu sự khác biệt giữa lòng tin cậy và sự tha thứ. Tha thứ là để cho quá khứ trôi đi. Tin cậy có liên quan đến hành vi trong tương lai.
Tha thứ phải làm ngay, cho dù người kia có yêu cầu hay không. Tin cậy phải được củng cố theo thời gian. Tin cậy đòi hỏi thời gian. Nếu một ai đó cứ làm bạn đau khổ hết lần này đến lần khác, Chúa bảo bạn phải tha thứ cho họ tức thì, nhưng không nhất thiết bạn phải tin cậy họ ngay, và bạn cũng không muốn để cho họ tiếp tục làm bạn đau lòng. Họ phải chứng tỏ rằng họ đã thay đổi theo thời gian. Nơi tốt nhất để khôi phục lòng tin là môi trường hỗ trợ của một nhóm nhỏ, nơi đem lại cả sự khích lệ lẫn trách nhiệm.
Có nhiều lợi ích khác chờ đợi bạn khi bạn gia nhập một nhóm nhỏ có mối thông công thật. Nó là một yếu tố cần thiết cho đời sống Cơ-đốc của bạn, bạn không nên xem thường. Hơn 2,000 năm qua, các Cơ-đốc nhân đã thường xuyên tập hợp nhau lại trong các nhóm nhỏ để thông công. Nếu bạn chưa bao giờ là thành viên của một nhóm như thế này, bạn thực sự không biết mình đang đánh mất điều gì đâu.
Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ bàn đến việc chúng ta cần điều gì để tạo dựng một cộng đồng như thế này với các tín hữu khác, nhưng tôi hy vọng chương này giúp bạn khao khác kinh nghiệm sự chân thật, sự tương thuộc, và sự thương xót của một mối thông công thật. Bạn được tạo dựng cho đời sống cộng đồng.
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 18
Vấn Đề Suy Nghĩ: Tôi cần những người khác trong cuộc đời mình.
Câu Gốc: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” GaGl 6:2
Câu Hỏi Suy Gẫm: Hôm nay, tôi cần phải làm gì để liên hệ với một tín nhân khác ở một cấp độ lòng đến lòng và chân thật hơn?
bottom of page