top of page

3.10 HY VỌNG

Hung Tran

Apr 17, 2024

Đọc lịch sử bạn sẽ thấy những Cơ-đốc nhân hoạt động nhiều nhất ở thế giới này là những người nghĩ nhiều nhất đến thế giới về sau...



PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC


3.10 HY VỌNG



Hy...

...vọng là một trong các đức tính Thần học. Nghĩa là cái nhìn hướng về thế giới đời đời không phải (như là một số người thời nay nghĩ) là một cách để trốn tránh, hay một sự mơ mộng hão huyền, nhưng mà là một trong những điều người Cơ-đốc nên có. Điều này không có nghĩa là chúng ta hãy để thế giới hiện tại y như vậy mà không làm gì cả. Đọc lịch sử bạn sẽ thấy những Cơ-đốc nhân hoạt động nhiều nhất ở thế giới này là những người nghĩ nhiều nhất đến thế giới về sau.

Chính các sứ đồ tạo nên những biến đổi của Đế quốc La-mã, những vĩ nhân xây dựng thời trung cổ, những người truyền giảng Anh-quốc hủy bỏ sự mua bán Nô lệ, đều đã để lại thành tích trên đất này vì đầu óc họ suy nghĩ đến Thiên đàng. Chỉ vì Cơ-đốc nhân không còn nghĩ đến thế giới kia mà họ trở nên không còn có hiệu lực ở thế giới này nữa. Nhắm vào Thiên đàng và bạn có cả trái đất: nhắm vào đất và bạn không có cái gì hết. Điều này xem có vẻ lạ, nhưng chúng ta tìm thấy tương tự như vậy trong những sự việc khác. Sức khỏe là một ơn phước lớn, nhưng khi bạn xem sức khỏe là đối tượng như bạn không được khỏe.

Bạn chỉ có sức khỏe khi bạn theo đuổi những hoạt động khác nhiều hơn - thức ăn, trò chơi, làm việc, sự vui đùa, không khí khoảng khoát. Cũng giống như vậy, chúng ta sẽ không thể nào cứu vãn được nền văn minh khi mà nền văn minh là đối tượng chính của chúng ta. Chúng ta phải học biết để theo đuổi những hoạt động khác hơn.


Phần đông chúng ta thấy khó yêu mến “Thiên đàng”- trừ trường hợp “thiên đàng” có nghĩa là chúng ta gặp lại bạn bè đã qua đời. Một lý do của sự khó khăn này là chúng ta chưa được huấn luyện: cả nền giáo dục làm đầu óc chúng ta chăm chú vào đời này. Một lý do khác là khi trong chúng ta có ý muốn về Thiên đàng thật sự, chúng ta lại không nhận ra. Ai ai cũng vậy, nếu thật sự nhìn vào chính tấm lòng, thì sẽ biết là muốn, và thật là muốn, một cái gì đó mà không thể có được ở thế giới này.

Thế giới hứa hẹn nhiều điều cho chúng ta, nhưng không giữ được lời hứa. Sự ao ước của chúng ta khi mới bắt đầu yêu, hay bắt đầu nghĩ đến một đất nước lạ. Hoặc khi bắt đầu học một môn học mà chúng ta thích thú là những ao ước mà không có cuộc hôn nhân nào, chuyến du lịch nào, sự học hỏi nào có thể thực sự thỏa mãn. Tôi không muốn nói đến những cuộc hôn nhân, những chuyến du lịch nghỉ hè hoặc chức nghiệp không thành công. Tôi muốn đề cập đến những cái thành công nhất. Làm như có cái gì đó mà chúng ta nắm giữ lấy được trong những giây phút đầu của cái ao ước đó, nhưng rồi lại tan biến đi. Tôi nghĩ là ai cũng biết điều tôi muốn nói. Người vợ có thể là người vợ tốt, các khách sạn và phong cảnh có thể rất là tuyệt vời, và ngành hóa học có thể một việc làm rất thích thú: nhưng cái gì đó đã vượt khỏi tầm tay chúng ta. Có hai cách sai và một cách đúng để đương đầu với vấn đề này.


(1) Cách của Người ngu xuẩn - người này đổ thừa cho chính những điều đó. Anh tiếp tục suốt cuộc đời với ý nghĩ rằng, nếu anh ta cưới một người đàn bà khác, hay đi nghỉ hè ở đâu đó mà tốn tiền nhiều hơn, hay là gì gì đó, thì chắc anh ta sẽ thực sự nắm được cái bí mật mà ai trong chúng ta cũng đeo đuổi. Hầu hết những người giàu có của thế gian mà lại không thỏa mãn và dễ nhàm chán thuộc về loại người này.

Họ để cả cuộc đời đi từ người đàn bà này đến người đàn bà khác, (ra tòa ly dị) từ lục địa này đến lục địa khác, từ trò giải trí này đến trò giải trí khác, luôn luôn nghĩ là cái sau cùng là cái “thật” để rồi luôn luôn thất vọng.


(2) Cách của người giác ngộ - Người này quyết định là mọi sự đều là nhảm nhí vô vị. Anh ta nói: “dĩ nhiên khi còn trẻ thì ai cũng cảm thấy như vậy. Nhưng đến lúc bằng tuổi tôi đây thì không ai còn muốn theo đuổi giấc mơ hão huyền nữa”. Rồi anh ta không còn bon chen, không còn kỳ vọng nhiều, và đè nén “những kêu gào vô vọng”. Cách này dĩ nhiên là tốt hơn cách thứ nhất, làm cho người trong cuộc vui vẻ hơn, và cũng không làm bận bịu xã hội. Thái độ vừa kể có khuynh hướng làm cho người thành tự mãn (anh ta thấy mình cao siêu hơn những người mà anh ta gọi là “những người tuổi xuân”, nhưng nói chung anh ta sống khá thoải mái.

Nếu con người không sống nổi đời đời thì cách sống kể trên có thể được kể là tốt nhất. Nhưng giả sử như cái hạnh phúc vô cùng đang thực sự chờ đợi chúng ta thì sao? Giả sử như chúng ta có thể thực sự nắm lấy được giấc mơ mà chúng ta không nghĩ là đạt được? Nếu vậy thì lấy làm đáng tiếc nếu chúng biết được quá muộn (như lúc vừa qua đời) rằng, chúng ta đã đè nén năng lực thưởng thức hạnh phúc chỉ vì “ý thức phán đoán”.


(3) Cách của Người Cơ-đốc - người Cơ-đốc nói rằng: “Các tạo vật có thể đã không được sáng tạo để có những ham muốn, nếu không có mục đích là những ham muốn này được thỏa mãn.” Một đứa bé thấy đói thì có thức ăn. Một con vịt con muốn bơi: thì có nước. Con người thấy khao khát tính dục thì có cái gọi là tình dục. Nếu tôi thấy ở trong tôi có một khao khát nào đó mà kinh nghiệm ở thế giới này không thỏa mãn được, sự giải thích có lý nhất là tôi được tạo dựng cho một thế giới khác. Nếu không thú vui nào của trái đất này thỏa mãn được sự khao khát đó, điều này không có nghĩa vũ trụ này giả tạo.

Có thể các thú vui của trái đất này không bao giờ được dự định để thỏa mãn niềm khao khát đó, nhưng chỉ khơi dậy nó thôi để cho thấy một phần nào về cái có thật. Nếu vậy, tôi phải cẩn thận, để một mặt tôi không bao giờ khinh bỉ, hay không biết cảm tạ về những ơn phước trên thế gian này, và mặt khác, tôi không lầm lẫn là những khao khát mà tôi biết chỉ là bản sao, hay tiếng cười vang, hay là ảo ảnh của những gì có thật. Tôi phải làm sống động ở trong tôi niềm khao khát cho quê hương thật của tôi, mà tôi sẽ không tìm thấy cho đến khi tôi qua đời; tôi không bao giờ nên để niềm khao khát này b ị chôn vùi hay bỏ qua một bên; mục tiêu chính yếu của đời sống tôi là hướng về quê hương đó, và giúp đỡ để những người khác cũng làm như vậy.


Không cần phải để ý đến những người hay chế nhạo niềm hy vọng “thiên đàng” của người Cơ-đốc, qua câu nói như họ không muốn “sống đời đời để chơi đàn thụ cầm”. Câu trả lời cho những người này là nếu họ không hiểu được những sách viết cho người lớn thì họ không nên bàn v ề những sách này. Những biểu tượng trong Kinh Thánh (đàn thụ cầm, vương niệm, vàng...) dĩ nhiên là cách để diễn tả những gì không diễn tả được. Các nhạc cụ được đề cập đến là vì đối với nhiều người (Không phải tất cả) âm nhạc là toàn bộ môn mà trong đời sống hiện tại cho thấy sự ngây ngất và vô biên một cách mạnh mẽ nhất. Vương niệm được đề cập đến để cho thấy rằng những người hiệp lại với Thượng Đế trong cõi sống đời đời sẽ chia xẻ với Ngài sự rực rỡ, quyền năng và sự vui mừng của Ngài. Vàng được đề cập đến để cho thấy sự bất diệt của Thiên đàng (vàng không bị sét) và sự quý báu nữa. Những người chỉ hiểu những biểu tượng này qua nghĩa đen thì chắc cũng cho rằng, Đấng Christ dạy chúng ta hãy giống như bồ câu, Ngài muốn nói chúng ta hãy đẻ trứng.



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page