top of page

CHƯƠNG SÁU: KHÍ GIỚI CỦA CƠ-ĐỐC NHÂN

Hung Tran

Jul 18, 2023

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng, trận chiến thuộc linh mà chúng ta tham dự không phải là điều thua thiệt chúng ta...




Tôi...

...xin nhấn mạnh một lần nữa rằng, trận chiến thuộc linh mà chúng ta tham dự không phải là điều thua thiệt chúng ta. Thật vậy, dù muốn hay không, chúng ta cũng đã ở trong đó rồi, nhưng như điều tôi đã nói, không có lý do gì để chúng ta thất vọng hay buồn bực cả.


Có một điều nguy hiểm nữa mà chúng ta cần lưu tâm là khuynh hướng chung có nhiều người đổ lỗi cho Sa-tan, mà chính mình không chịu trách nhiệm. Khi sanh ra trong cõi đời tạm nầy, mỗi người đều mang bản chất A-đam, và mặc dù tuy được tái sanh, chúng ta mang bản tính mới, nhưng bản tính cũ vẫn còn ở trong chúng ta. Lần hồi chúng ta phải phân biệt giữa xác thịt và Sa-tan, để rồi không đổ lỗi cho kẻ thù về những gì mình chịu trách nhiệm. Không phải dễ dàng phân biệt được, nhưng Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta sự phân biệt thuộc linh nầy. Hơn nữa, nếu qua sự nghiên cứu nầy mà chúng ta vẫn không thực sự hiểu được Đấng Christ thì chắc hẳn chúng ta thất bại trong mục đích nầy. Liệu Sa-tan vẫn nổi rõ nét trước mặt chúng ta hơn Đấng Christ để rồi chúng ta cứ thất bại mãi sao? Không, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta không biết gì về những phương cách của Sa-tan, đồng thời Ngài cũng không muốn chúng ta chẳng biết gì về sự cung cấp mà Ngài ban cho chúng ta để đắc thắng Sa-tan.


Để hưởng trọn vẹn sự đắc thắng nầy, chúng ta phải mang toàn bộ khí giới của Đức Chúa Trời. Có một bản dịch diễn ý như sau: ”Anh em phải mang tất cả những vũ khí trong kho chứa vũ khí của Đức Chúa Trời, Nếu anh em muốn tìm sức mạnh để chống cự mưu chước xảo quyệt của ma quỷ.“

Khí giới không phải là loại muốn mang vào hoặc cởi ra tùy ý, chúng ta phải mang một lần và giữ mãi. Khi đã trưởng thành trong đời sống Cơ-đốc nhân, chúng ta sẽ thấy mình yếu kém là chổ nào và biết cách sử dụng vũ khí của mình để đắc thắng. Không phải những lúc như vậy chúng ta lại đến với Đức Chúa Trời cầu xin Ngài cung cấp vũ khí cho chúng ta. Hành động đầu phục trong Rô-ma 12:1-2 là hành động một lần đủ cả, và kèm theo thái độ đầu phục mỗi ngày. Như thế, tức là chúng ta đã mang mọi khí giới mỗi ngày.

Mục đích của việc mang toàn bộ khí giới của Đức Chúa Trời là để chúng ta có thể sẵn sàng nghinh chiến với kẻ thù bất cứ lúc nào nó đến. Không phải để đến lúc bị tấn công rồi mới mang vũ khí, khi ấy thì đã trễ. Cũng không phải chỉ mang một vài vũ khí là đủ, nếu muốn có kết quả chúng ta phải mang toàn bộ. Có một số người rất dễ nhiễm một số bệnh vì cơ thể họ không có tính miễn dịch với những bệnh đó. Trong đời sống Cơ-đốc nhân cũng thế. Một số người trong chúng ta bị đè bẹp trước sự tấn công của Sa-tan, hoặc vì không mang vũ khí, hoặc vì chỉ mang một vài vũ khí.

Phần lớn chúng ta kinh nghiệm rằng không dễ gì đè nén cơn giận. Chúng ta cũng thấy mình bị đè dưới một số điều căng thẳng mà nguyên nhân có lẽ là do cơ thể bệnh hoạn hoặc vài điều liên quan đến công việc làm của mình. Thế rồi nó giống như cả cái núi bật tung ra, có lẽ chúng ta bị chỉ trích, nếu không bị chỉ trích thì bị hiểu lầm. Đây là cơ hội cho Sa-tan phóng những tên lửa của nó vào chúng ta, và chúng ta bị đè bẹp ngay. Kết quả là chúng ta mất bình tĩnh. Nếu chúng ta học biết cách bước đi với Chúa Jêsus trong mọi lúc và luôn mang khí giới ở bên mình, thì chúng ta sẽ làm cho mọi người chung quanh ngạc nhiên khi thấy chúng ta xử sự mà không giận dữ.

Khi mang những vũ khí của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể đắc thắng Sa-tan. Nhưng Kinh Thánh cũng nhắc nhở chúng ta phải đề phòng sự phản công của nó. Lời Chúa phán: ”Khi đắc thắng rồi, anh em đứng vững vàng.“

Vì chúng ta đánh bại nó một trận tại một địa điểm, không có nghĩa là nó sẽ chạy đi luôn. Nó là một kẻ thù ngoan cố, và không dễ gì làm cho nó nản lòng. Nhưng Đức Chúa Trời hứa rằng vũ khí Ngài ban cho không những giúp chúng ta đắc thắng lần thứ nhất, mà còn sẽ bảo vệ chúng ta khỏi sự phản công cách tinh vi và mạnh mẽ của kẻ thù.


Phải luôn nhớ rằng Sa-tan là một kẻ thù bị đánh bại. Nó có thể rống như con sư tử, nhưng tiếng gầm thét đó không nguy hiểm gì cho chúng ta. Khi chúng ta đứng trên vị trí đắc thắng của mình trong Đấng Christ, thì Sa-tan phải bỏ chạy và để chúng ta ở lại kiểm soát trận chiến.


DÂY NỊT LƯNG BẰNG LẼ THẬT


Khí giới đầu tiên mà chúng ta phải mang vào là dây nịt lưng bằng lẽ thật. Bình thường người lính phải mang dây nịt lưng vào sau cùng, nhưng đây là thứ tự thuộc linh, nên dây lẽ thật nịt lưng phải mang vào trước nhất. Người lính dùng dây nịt lưng để buộc chặt áo quần, giữ các khí giới khác ở đúng vị trí, thì cũng vậy, lẽ thật sẽ cột các vũ khí khác lại với nhau và làm cho người ấy không bị cản trở gì trong lúc chiến đấu.

Câu hỏi thứ nhất của chúng ta sẽ là: LẼ THẬT LÀ GÌ?

Đây là câu hỏi mà Phi-lát đã một lần hỏi Chúa Jêsus, nhưng rất tiếc là ông không nán lại để nghe Chúa Jêsus trả lời. Đây là một đề tài thảo luận sôi nổi của các triết gia và nhiều người đi đến kết luận là con người không thể biết được lẽ thật (chân lý) là gì.

Tuy nhiên chúng ta không gặp khó khăn trong vấn đề nầy vì Kinh Thánh đã định nghĩa cho chúng ta, Chúa Jêsus là lẽ thật nhập thể. Giăng 14:6: Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Đây không phải là câu độc nhất, có vài câu khác khi nói đến lẽ thật cũng nói về Chúa Jêsus.

Trong Giăng 17: 17, chúng ta được biết một định nghĩa khác về lẽ thật: Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật. Hai khía cạnh của lẽ thật nầy được đem lại với nhau. NGÔI LỜI VÀ LỜI ĐƯỢC VIẾT RA (Kinh Thánh) làm thành dây nịt lưng lẽ thật của Cơ-đốc nhân.

Chúng ta đối diện với một địch thủ gọi là CHA KẺ NÓI DỐI (Giăng 8:44), Nó là hiện thân của sự dối trá. Nó thích được người ta nhìn nhận nó là Thiên sứ của sự sáng, nhưng trong thực tế nó mang đến sự tối tăm, tuyệt vọng và sự chết. Một kẻ thù như thế chỉ có sự thật mới đắc thắng nó mà thôi, và Chúa Jêsus chính là SỰ THẬT.

Chỉ một mình Ngài và qua chỉ một mình Ngài thì chúng ta mới đắc thắng. Có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự biết rõ Đấng Christ qua lời Đức Chúa Trời. Đó là lý do chúng ta phải để nhiều thì giờ suy gẫm lời Đức Chúa Trời. Phải tập quen thuộc với khí giới nầy và xử dụng chính xác trước khi ra trận. Nếu muốn làm những người đắc thắng, thì chúng ta phải nhận biết Đấng Christ một cách cá nhân. Đây là ước vọng của Phao-lô khi ông kêu: cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, (Phi-líp 3:10 ).

Biết Ngài” mang ý nghĩa vượt trên sự hiểu biết về các sự kiện lịch sử liên quan đến Đấng Christ. Tuy nhiên, sự hiểu biết về các sự kiện lịch sử cũng cần thiết, nhưng tự nó không đầy đủ lắm. Chúng ta cần phải hiểu rằng mình đã được liên hiệp với Đấng Christ trong sự bền chặt không phân tách được. Đồng là một hợp chất của kẽm và đồng đỏ, người ta nấu chảy hai loại nầy lại rồi, chất mới được gọi là đồng, chất nầy được kết hợp chặt chẽ đến nổi không thể nấu chảy rồi tách ra hai loại riêng biệt như trước.

Đây là một bức tranh thật đẹp, nói lên mối liên hệ giứa chúng ta với Đấng Christ. Sự kết hợp nầy chặt chẽ đến nổi chúng ta được gọi là người mới Đấng Christ là đầu, mà chúng ta là những chi thể của thân thể ấy. Dù cố gắng hết sức, Sa-tan cũng không thể nào phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa của chúng ta.

Sự bảo đảm nầy đến từ lời Đức Chúa Trời. Ở đây tôi không nói đến những dòng tư tưởng liên quan đến sự an ninh cho phép người ta cứ phạm tội, hay tìm sự biện hộ cho sự phạm tội của mình. Nhưng tôi không tìm được chổ Kinh Thánh nào dạy về sự giảm bớt giá trị công việc hoàn tất của Gô-gô-tha và làm cho nó vô hiệu. Khi chúng ta được sanh lại, chúng ta nhận được sự sống mới của Đấng Christ, và chúng ta được kết hợp chặt chẽ với Ngài đến nổi không điều gì có thể phân rẽ ra được. Ngài là SỰ SỐNG, qua chúng ta sự sống mới trở thành thói quen hằng ngày của chúng ta. Lẽ thật sẽ hành động trong chúng ta, trở thành máu huyết của chúng ta, thắt dây nịt lưng lẽ thật là phần trọng yếu của kinh nghiệm tin theo Chúa. Đó là lý do mà Đức Chúa Trời ban điều nầy cho chúng ta trước nhất thay vì sau cùng.


ÁO GIÁP BẰNG SỰ CÔNG BÌNH


Người lính La-mã có phần trang phục gọi là áo giáp, nó có hai nhiệm vụ. Nó che phủ phần trước ngực và hai bên sườn để bảo vệ các bộ phận bên trong. Trong nghĩa bóng, bộ phận bên trong là tấm lòng, bao gồm tình cảm và những ước muốn của người ấy. Những điều nầy cần phải được sự công bình bảo vệ.

Giống như lẽ thật được nhìn ở hai mặt, thì sự công bình cũng phải được xem xét ở hai khía cạnh. Trước hết, chúng ta phải công nhận rằng mình đang đứng trong sự công bình của Đấng Christ ở trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta thất bại trong đời sống Cơ-đốc nhân, ngay giờ phút ấy vị trí của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi chút nào, mặc dù Sa-tan tìm mọi cách để kiện cáo chúng ta. Địa vị của chúng ta ở trước mặt Đức Chúa Trời vẫn không thiết lập trên nền tảng của những việc lành mà chúng ta làm hay sự vâng lời mà chúng ta thực hiện. Dù Sa-tan tìm đủ mọi lý do để kiện cáo chúng ta, ngay cả những lý do rất chính đáng, thì nó không thể nào kéo chúng ta ra khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời Chúng ta đứng trong sự công bình của Đấng Christ, chứ không phải của chúng ta. Chính tại điểm nầy mà Sa-tan đã làm cho rất nhiều Cơ-đốc nhân mất thăng bằng. Vì lý do nầy hoặc lý do khác mà họ không nhìn thấy lẽ thật trong lời Đức Chúa Trời chép rằng Đấng Christ là nơi an ninh cho tín đồ.

Vì thế Sa-tan chụp lấy cơ hội nầy, đem sự thất vọng và sự sợ hãi đến cho đời sống họ. Thất bại trong việc nắm vững lẽ thật về sự công bình ở trong Đấng Christ, họ trở thành miếng  mồi ngon cho ma quỷ. Có vài người đi quá xa, không những họ nghi ngờ sự cứu rỗi của mình, mà còn sợ rằng mình đã phạm tội trọng, không thể tha thứ được.


Nếu Cơ-đốc nhân nào biết chắc sự an toàn của mình nằm trong Đấng Christ, thì người ấy thấy ma quỷ tìm cách tấn công mình ở khía cạnh khác. Chiến thuật ma quỷ thích nhất là đẩy Cơ-đốc nhân đến chổ ưa thích làm những gì mình muốn kể từ khi thấy rằng mình được bảo vệ trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Đây là phương pháp ma quỷ  áp dụng tấn công vào dân Y-sơ-ra-ên, khi Ba-la-am thấy rằng ông không thể nào hủy diệt được dân Y-sơ-ra-ên vì họ được Đức Chúa Trời bảo vệ, thì ông đề nghị một âm mưu dẫn một số người Y-sơ-ra-ên ra khỏi chổ đứng mình là dân biệt riêng cho Đức Chúa trời để cưới vợ ngoại bang.

Lý do căn bản đằng sau chiến thuận nầy là khi người Y-sơ-ra-ên bắt đầu làm bạn với các dân tộc thờ hình tượng chung quanh họ thì Đức Chúa Trời sẽ nổi giận mà tiêu diệt dân sự. Thật vậy, Đức Chúa Trời rất cần phải trừng phạt họ và bỏ họ một thời gian, nhưng đây là sự phán xét tạm thời chứ không  phải là sự trừng phạt mãi mãi.

Giữa các Cơ-đốc nhân ngày nay cũng xảy ra như vậy. Có nhiều người từ chối nếp sống vâng lời và bị bỏ trong một thời gian, và kinh nghiệm thất bại của họ đã làm sỉ nhục Danh Đức Chúa Trời. Họ không thể được Đức Chúa Trời sử dụng cho đến khi họ sấp mình xuống nhìn nhận sự thất bại của mình và nhận lại sức lực và sự tha thứ của Đấng Christ.

Có một câu Kinh Thánh, tuy chúng ta không thể áp dụng nó vào hướng nầy, nhưng nó lại rất hiệu nghiệm trong trận chiến với Sa-tan. Đó là câu: ”VỘI ĐỒNG Ý VỚI CHÚNG NGAY“.

Có một số người bị thất bại vì vội vàng đồng ý với ma quỷ thay vì chống nghịch chúng nó, khi Sa-tan đến và chỉ tay vào mặt tôi nói: ”Ngươi đã phạm lại tội cũ rồi, tôi công nhận ngay“. Tôi đồng ý với nó về điều nầy, rồi tôi nhắc cho nó nhớ rằng tôi đang đứng trong sự công bình của Đấng Christ, chứ không phải của tôi. Nhân cớ sử dụng lẽ thật trọng đại nầy, tôi đuổi Sa-tan đi chổ khác. Sau đó tôi quỳ gối xưng tội nầy với Chúa và được tha thứ. Không phải vì sự biện hộ tội lỗi mà chúng ta được thắng. Nếu chúng ta lập tức công nhận tội đó và xưng nó ra để nhờ ân điển của Đức Chúa Trời tha thứ, thì chúng ta sẽ thấy rằng Đấng Christ thi hành sự công bình của Ngài trong chúng ta, trong kinh nghiệm mỗi ngày. Như thế, áo giáp công bình trở thành một binh khí có hiệu quả đắc dụng của chúng ta.


Đã được xưng công bình trong Đấng Christ, bây giờ chúng ta phải sống cuộc sống công bình trên trần gian nầy. Sự công bình của Đấng Christ đã được đặt vào vị trí của tôi, và trước mặt Đức Chúa Trời tôi được xưng công bình. Nhìn nhận mặt nầy của sự cứu chuộc mà không nhìn nhận mặt kia có thể rất nguy hiểm. Trong Rô-ma 6:18, tôi học biết rằng tôi là đầy tớ (dụng cụ) của sự công bình. Cùng đoạn ấy chúng ta đọc  được câu: Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.(Rô-ma 6:22).

Điều Phao-lô nói ở đây không những chúng ta liên hiệp với Đấng Christ trong sự sống Ngài, mà trước hết chúng ta phải liên hiệp với Chúa Jêsus trong sự chết của Ngài. Khi Ngài chết đối với tội lỗi, và vì điều nầy chúng ta được thoát khỏi sự ràng buộc và quyền lực của tội lỗi.

Khi người Y-sơ-ra-ên ra khỏi Xứ Ê-díp-tô thì họ được buông tha khỏi ách nô lệ. Cũng vậy, qua việc tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, thì chúng ta được buông tha khỏi sự ràng buộc của tội lỗi. Chúng ta phải áp dụng lẽ thật nầy trong kinh nghiệm hằng ngày để sự sống công bình hằng ngày của chúng ta càng ngày càng phát triển.

Sự dạy dỗ nầy cũng được nhấn mạnh một lần nữa trong Ga-la-ti 5:16: Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Nếu người nào đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, người ấy sẽ không làm theo những điều ưa muốn của xác thịt. Đức Chúa Trời sẽ áp dụng những gì Chúa Jêsus ban cho chúng ta trong sự chết của Ngài, sự giải cứu khỏi phạm tội, và Ngài cũng áp dụng những gì Chúa Jêsus cung cấp cho chúng ta trong sự sống của Ngài, bông trái của Thánh Linh. Tất cả lẽ thật nầy được gói gọn trong nhóm chữ: ÁO GIÁP CÔNG BÌNH “.


GIÀY TIN LÀNH BÌNH AN


Binh giáp thứ ba bao bọc cái chân, chúng ta phải mang vào chân mình bằng sự sửa soạn của Tin lành bình an .Nói đến đây tôi liên quan đến một câu Kinh Thánh khác ở trong sách Ê-sai: ”Những kẻ đem tin tôt rao sự bình an, Đem tin tốt về phước lanh...Chơn của những kẻ ấy trên các núi xinh đẹp là dường nào“ (Ê-sai 5:16). Câu này thường dùng để ám chỉ những ai đi rao giảng Tin lành. Nói cách khác câu nầy thường nhấn mạnh khen ngợi các chứng nhân, nếu đặt ý nghĩa nầy vào sách Ê-phê-sô thì tôi rất thắc mắc. Đối với tôi, nếu thế thì sự nhấn mạnh nằm ở sứ điệp Tin lành là sứ Điệp Bình An hơn là phải mang nó. Tin lành không phải là sứ điệp về sự lộn xộn hay sự sợ hãi. Một lần nữa cũng giống như hai món quân trang chúng ta vừa thảo luận, đôi giày mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, tất cả sự bình an với Đức Chúa Trời được thiết lập trên nền tảng đức tin nơi Cứu Chúa Jêsus Christ. (Rô-ma 5:1) nói về sự bình an nầy: ”Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta,“ Sự liên hệ nầy nói lên vị trí của chúng ta ở trước mặt Đức Chúa Trời còn sự bình an được chép trong Phi-líp 4:6: ”Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.“ Thì chỉ về kinh nghiệm hằng ngày của mỗi Tín hữu.


Sa-tan không thể nào quấy rầy hay gây xáo trộn sự bình an của chúng ta với Đức Chúa Trời, nền tảng của chúng ta thật rất vững vàng. Dù ma quỷ có phóng những ngọn lao nguy hiểm vào chúng ta, thì chúng ta vẫn có thể đắc thắng và bảo nó rằng: Nó đang tìm cách tấn công sự bình an của Đức Chúa Trời chứ chẳng phải của chúng ta. Không có thế lực nào, dù ở trên trời hay dưới đất có thể lay chuyển nổi sự bình an ấy.

Nói cách khác chúng ta được hưởng sự bình an nầy theo điều kiện ở trong Phi-líp 4:6-7: 6 Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. 7 Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Đây chính là sự bình an mà Đức Chúa Jêsus nói đến trong sách Giăng: Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.(Giăng 14 :27). Thật phước hạnh khi nghe những lời nầy, Chúa Jêsus đã truyền lại cho chúng ta sự bình an của lòng Ngài. Ngài chết để biến điều đó trở thành của chúng ta và qua Đức Thánh Linh, Ngài giữ điều đó trong lòng chúng ta. Không những Ngài “để lại“sự bình an ấy, mà Ngài còn ”ban cho“chúng ta. Không những Ngài chết để lại cho chúng ta cơ nghiệp ấy, mà Ngài còn sống lại từ phần mộ để làm Đấng thi hành ý muốn của Ngài.

Ý tưởng rao giảng Tin lành bình an không phải hoàn toàn bị rút ra khỏi khúc Kinh Thánh nầy. Một tác giả diễn ý câu Kinh Thánh nầy như sau: ”Hãy luôn luôn mang vào chân bằng sự sẵn sàng để rao truyền Tin Lành Bình An“. Nói cách khác, dù cho hoàn cảnh xảy ra như thế nào đi nữa, thì chúng ta vẫn cứ đi ra rao giảng Tin lành của Đức Chúa Trời. Mặc dù chúng ta đang ở giữa trận chiến với ma quỷ, thì chúng ta vẫn ở trong sự bình an sâu thẳm. Đó là sự bình an trọn vẹn mà nguồn gốc của nó nằm ở nơi chính mình Đức Chúa Trời.


THUẨN ĐỨC TIN


Trang phục kế tiếp là thuẩn đức tin, nhờ đó chúng ta dập tắt tất cả những tên lửa của kẻ ác. Thuẩn của người La-mã rất rộng lớn, và khi sử dụng chính xác thì nó giữ gìn cả thân thể người lính khỏi những tên lửa của kẻ thù. Cái thuẩn không những ngăn chận các mũi tên, mà nó còn làm cong các mũi giáo tấn công vào. Nhưng muốn bảo vệ thân thể mình, thì người lính phải luôn mang nó vào ở bên mình và sử dụng bất cứ lúc nào cần đến.


Thuẩn đức tin là LỜI của Đức Chúa Trời, không những ở trong tâm trí mà còn ở trong lòng nữa. Đức tin đến từ sự nghe và được nghe lời Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải thuộc lòng, tin cậy và vâng theo lời của Đức Chúa Trời để chúng ta có thể nắm chặt các lẽ thật cũng như các lời hứa, hầu không bị rúng động khi Sa-tan phóng các mũi giáo của chúng vào. Và nó không thể chạm vào chúng ta khi chúng ta sử dụng thật khéo. Tác giả Thi-thiên 119:11 đã nói: Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa.

Cùng trong đoạn đó tác giả cũng nói: Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo lời Chúa.


Một bức tranh tuyệt đẹp về con người mang thuẩn đức tin là Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời hứa với ông rằng ông sẽ trở nên cha của nhiều dân tộc, lời hứa nầy được ký thuật như sau: 19 Người thấy thân thể mình hao mòn, vì đã gần đầy trăm tuổi, và thấy Sa-ra không thể sanh đẻ được nữa, song đức tin chẳng kém. 20 Người chẳng có lưỡng lự hoặc hồ nghi về lời hứa Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin, và ngợi khen Đức Chúa Trời, 21 vì tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được.(Rô-ma 4:19-21). Không ngạc nhiên gì khi ông được gọi là ông tổ của đức tin. Ông đơn sơ tin rằng điều gì Đức Chúa Trời đã hứa thì Ngài có thể hoàn tất. Gióp cũng là gương mẫu của người sử dụng đắc thắng vũ khí nầy. Sa-tan kiện Đức Chúa Trời đã dựng một hàng rào bao phủ Gióp. Nó nói đúng, vì Đức Chúa Trời hiện đang bảo vệ tôi tớ của Ngài, và Ngài cũng làm điều đó cho tất cả các con cái của Ngài.


Sa-tan xin Đức Chúa Trời cho nó gây cho Gióp đau khổ, vì nó tin rằng dưới sự đau khổ nầy Gióp sẽ rủa sả Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cho phép, nhưng nó không vượt quá giới hạn Ngài định cho. Bất chấp những gì xảy ra, Gióp vẫn không phạm tội, ông là người đứng vững trước thử thách. Ngay cả vợ ông cũng xúi giục ông rủa sả Đức Chúa Trời rồi chết đi, nhưng ông vẫn không nghe lời. Ông nói rằng Đức Chúa Trời đưa ông vào đời bằng đôi bàn tay trắng, và nếu Ngài muốn ông rời bỏ cõi đời nầy bằng con số không, thì đó là ý muốn của Ngài. Ông không bị mất đức tin vì cớ tài sản của mình bị mất hết. Ông đứng vững trên nền tảng mà Đức Chúa Trời ban cho mình và tìm thấy được khí giới của Ngài bảo vệ mình. Ông không phải là con người hoàn toàn, nhưng ông là một con người được thử nghiệm, đã đắc thắng và được ban thưởng gấp đôi trước kia, ông đã sử dụng thuẩn đức tin thật khéo léo trong chiến trận nầy.

Khi bị thử thách chúng ta luôn luôn in trí điều nầy: Đức Chúa Trời tể trị mọi sự và Ngài sẽ không để cho chúng ta chịu thử thách quá sức mình, nhưng trong mọi sự thử thách Ngài cũng mở đường cho ra khỏi. (I Côr 10 :11). Vì vậy hãy giơ cao thuẩn đức tin trước mặt mình mà nói rằng: ”Tôi không quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra“.”DẪU CHÚA GIẾT TÔI, TÔI VẪN TIN CẬY NGÀI“.

Hãy để lời Đức Chúa Trời cách phong phú trong lòng bạn, và bạn sẽ ra khỏi cơn thử thách như vàng ra khỏi lửa. Một trong những tên lửa đặc biệt mà Sa-tan phóng vào Cơ-đốc nhân cách có hiệu quả, ấy là làm cho họ nghi ngờ sự cứu rỗi của mình. Nếu thuẩn đức tin được sử dụng cách chính xác và kịp thời, thì nó sẽ gìn giữ chúng ta khỏi các mũi giáo, như chúng ta vừa đề cập ở trên, có một số người đi quá xa đến nổi tin rằng mình đã phạm những tội không thể tha thứ được. Khi họ làm như thế, họ đã chứng minh rằng mình đã cùng đi với Sa-tan một quãng đường.

Muốn quay trở lại phải đến với lời Đức Chúa Trời: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. (Giăng 5:24)

Hãy dùng lời hứa ấy mà nghịch lại cùng kẻ thù, nó sẽ không chống cự nổi. Có một cậu bé được cứu trong buổi truyền giảng, em biết rất ít về Tin lành nhưng sau khi nghe giảng, em tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình. Sau đó em nhận được cuốn sách Tân ước và lời chỉ dạy đặc biệt nhấn mạnh câu Giăng 5:24, em khắc sâu câu ấy vào lòng. Tối đó khi em bắt đầu đi nghỉ, dường như Sa-tan đến nói với em rằng: ”Bây giờ cậu có một tôn giáo rồi phải không?. Lúc đầu em không biết trả lời như thế nào, nhưng sau đó em phản công bằng những lời nầy: ”Hỡi Sa-tan, thầy giảng nói rằng tôi đã có sự sống đời đời, và Kinh Thánh nói như thế nữa, dù cho ngươi nói không có”. Cuối cùng cậu bé mở Kinh Thánh Giăng 5:24, chỉ tay vào để nói với Sa-tan: ”Hỡi ma quỷ, ngươi hãy xem đi”. Kẻ cám dỗ phải bỏ đi nơi khác, Sa-tan không thể nào làm thủng thuẩn đức tin nầy.


MÃO CỨU RỖI


Cái mũ dùng để bảo vệ cái đầu. Chúng ta lưu ý tất cả các loại binh giáp: Dây nịt lưng bao phủ chung quanh mình, áo giáp thì bảo vệ phía trước, sau và hai bên sườn. Mũ bảo vệ cái đầu, dù nó xoay hướng nào cũng không can hệ gì. Thuẩn thì có thể quay đủ mọi hướng, nếu chúng ta sử dụng thật chính xác và khéo léo thì nó có thể bảo vệ toàn thân thể cho dù Sa-tan tấn công chúng ta đủ mọi phía.

Đầu là nơi suy nghĩ và lập kế hoạch. Cũng chính đó phát sinh sự sợ hãi, hay suy nghĩ đúng đắn về sự bình an vượt quá trí hiểu. Khi tâm trí bị mệt mỏi về những sự khó khăn và căng thẳng, Sa-tan sẽ dùng cơ hội nầy bắn tên vào. Đôi khi nó lợi dụng cơ thể yếu đuối vì đau ốm hoặc suy nhược hay bị căng thẳng vì sự chịu đựng kéo dài mà tấn công vào.


Có một nữ giáo sĩ hầu việc Chúa tại một nơi xa, sau khi bị tù bà được thả ra và trở về quê hương lòng tràn đầy vui mừng và phấn khởi. Sau đó chẳng bao lâu, do ảnh hưởng của ngày khổ nạn trước kia, bà lâm bịnh, lợi dụng cơ hội nầy Sa-tan đến tấn công bà. Nó làm cho bà giải nghĩa sai câu Kinh Thánh: Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.(II Côr 5:17). Nó khiến cho bà bắt đầu suy nghĩ lệch lạc và đánh giá sai lầm về những khao khát và sự dẫn dắt của Chúa trên đời sống mình, nó lại dẫn bà đến chỗ băn khoăn không biết mình có thật sự được cứu chưa.

Bà viết thư nhờ tôi giúp đỡ, tôi trả lời cho bà biết ý nghĩa câu Kinh Thánh nầy. Nó không phải là tất cả những gì mà ma quỷ đã giải nghĩa cho bà, nó cũng không có nghĩa là những thói quen cũ và những việc làm cũng phải rời khỏi chúng ta lập tức để rồi sẽ không còn có khuynh hướng làm điều sai lầm trong đời sống chúng ta. Nhưng câu Kinh Thánh ấy dạy rằng có một sự sống thuộc linh mới sanh ra trong chúng ta để chúng ta có thể giao tiếp với Đức Chúa Trời. Khi Chúa Jêsus ở trên trần gian nầy, các môn đồ được trò chuyện với Ngài mặt đối mặt, nhưng sau khi Ngài về trời, thì họ vẫn còn được giao tiếp với Ngài mặc dù trên một nền tảng khác. Tất cả những điều nầy đều mới đối với họ. Sự giao thông thân mật giữa họ với Ngài là ở trong Thánh Linh chứ không ở trong mắt thấy, đối với chúng ta ngày nay cũng vậy.

Vị nữ giáo sĩ kia đã viết thư cám ơn tôi đã giúp đỡ. Sự bối rối của bà xảy đến vì bà đã tạm đặt mũ cứu rỗi qua một bên, và Sa-tan đã lợi dụng cơ hội nầy tấn công bà. Có một số câu Kinh Thánh giúp chúng ta giữ gìn tâm trí và tấm lòng khi Sa-tan mang đến những cám dỗ tương tự. Chẳng hạn Hê-bơ-rơ 7:25 chép rằng: Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy.

I Phi-e-rơ 1:5 là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt!; I Giăng 2:1 Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình.

Ma quỷ có thể đến và kiện cáo chúng ta về tội lỗi và dĩ nhiên nó nói đúng, nhưng hãy nhớ rằng Chúa Jêsus Đấng cầu thay cho chúng ta sẽ tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều gian ác. (I Giăng 1:7) Thật đáng buồn, lẽ thật nầy đã bị từ chối trong nhiều ngày qua. Sự chuộc tội của Đấng Christ đã bị chế diễu và sự chết thay thế của Ngài bị khinh miệt.


Đội mũ cứu rỗi còn có nghĩa là thắt lưng tâm trí mình, điều nầy nhắc nhở chúng ta lưu ý đến đời sống tư tưởng và sự bảo vệ tư tưởng mình khỏi những sự tưởng tượng về điều ác chống lại chúng ta, hoặc đến từ bên trong hoặc đến từ bên ngoài. Khi đội mũ cứu chuộc ngay ngắn, sẽ giúp chúng ta học biết cách đem các tư tưởng mình vâng phục Đấng Christ "nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự cao tự nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ". (II Côr 10:5).

Điều khiển hoặc kiểm soát tâm trí mình là một trong những nhu cầu lớn nhất hiện nay và chúng ta sẽ thấy rằng mũ cứu chuộc mà Đấng Christ ban cho chúng ta sẽ rất thích hợp với nhu cầu nầy.


GƯƠM CỦA ĐỨC THÁNH LINH


Để hoàn tất toàn bộ binh giáp nầy, chúng ta phải lấy gươm của Thánh Linh tức là Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải sử dụng Lời nầy ngay lúc có cần, Sa-tan không chờ đợi cho đến khi ta mở Kinh Thánh và suy gẫm rồi nó mới tấn công. Trái lại, nó luôn luôn rình xem lúc chúng ta xao lãng việc đọc Kinh Thánh và tâm trí mình xa cách Lời Đức Chúa Trời thì tấn công vào. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tránh được điều nầy nếu để thì giờ học thuộc Kinh Thánh, Thánh Linh của Đức Chúa Trời nhắc nhở chúng ta khi cần đến. Đây chính là cách lời Đức Chúa Trời trở thành gươm cho chúng ta. Vấn đề học thuộc Lời của Đức Chúa Trời rất quan trọng, trẻ em và thanh niên dễ thuộc hơn người lớn, nhưng tuổi tác không phải là hàng rào ngăn trở việc học lời Chúa, càng lớn tuổi thì lại càng tìm đủ mọi cách để học thuộc Kinh Thánh.

*Cuộc thử nghiệm trong đồng vắng của Cứu Chúa chúng ta là một bức tranh minh hoạ về điều chúng ta nói ở đây, dù Sa-tan đủ mọi cách thử thách Ngài, Chúa Jesus vẫn nói: ”Có Lời chép rằng...“. Có dịch diễn ý câu đó như sau: ”Có Lời đã chép và ngày nay vẫn còn có hiệu lực...“

Lời Đức Chúa trời sử dụng tốt ngay bây giờ cũng như lúc mới được viết ra. Khi sử dụng chính xác lưỡi gươm nầy thì Sa-tan không thể cự địch nổi. Bằng chứng rõ ràng là nó không thể làm gì được khi Chúa Jesus sử dụng Lời Đức Chúa Trời cách toàn hảo.

Sa-tan không bao giờ áp dụng Lời Đức Chúa Trời cho chính nó cả. Trong tất cả mọi trường hợp, nó sử dụng Lời Đức Chúa Trời, nó thường trích một phần, hay giải nghĩa không đúng với nội dung của câu. Có thể nói rằng, nếu khảo sát kỹ một đoạn Kinh Thánh mà Sa-tan dùng để đưa ra những điều dối trá trong sự dạy dỗ của nó, thì chúng ta có thể tìm được sự điều chỉnh đúng cho sự dạy dỗ sai lầm ấy.

Mức độ sử dụng gươm của Thánh Linh cách chính xác tùy thuộc vào mức độ chúng ta để cho Lời Đức Chúa Trời dầm thấm trong lòng mình, nó là một cái gươm hai lưỡi. Trước hết Lời ấy phải dầm thấm vào lòng mình, rồi sau đó nó mới được dùng như một vũ khí sắc bén trong việc đưa những linh hồn đến chân lý, đến Đấng Christ hay đánh bại Sa-tan khi nó đến tấn công .


MẶT TRẬN CẦU NGUYỆN


Lời khuyên cuối cùng liên hệ đến chiến trận thuộc linh của Cơ-đốc nhân là: Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ.(Eph 6:18)


Thành ngữ “Cầu nguyện không thôi”, gợi lên sự báo động phải cầu nguyện trong mọi lúc, dưới mọi hình thức, mọi hoàn cảnh, dùng đủ thứ cách để cầu nguyện. Sự cầu nguyện không hạn chế ở phòng riêng, vì có sự cầu nguyện nơi công cộng (nhà thờ) cũng như trong phòng riêng (nhà riêng). Cầu nguyện dài và cầu nguyện ngắn, cầu nguyện nói thành câu hay cầu nguyện trong tư tưởng. Bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu, hãy luôn luôn cầu nguyện trong sự dẫn dắt của Thánh Linh dù nghe được hay không nghe được.


Chữ “Đủ mọi thứ cầu nguyện“, nói lên tất cả mọi yếu tố trong lời cầu nguyện không phải lời cầu nguyện lúc nào cũng cầu xin và tiếp nhận. Nội dung của sự cầu nguyện gồm có sự ngợi khen, cảm tạ, xưng tội, cầu xin và cầu thay .Sự cầu nguyện thay nói lên một lời cầu nguyện đặc biệt cho một vấn đề, là Cơ-đốc nhân, chúng ta phải học cách cầu nguyện cho những điều đặc biệt, lời cầu nguyện của chúng ta phải luôn luôn rõ ràng.


Một khía cạnh khác trong sự cầu nguyện ấy là nó có liên hệ với Cơ Đốc Nhân trong trận chiến nầy. Cầu nguyện là một sự CHIẾN ĐẤU.

Đa-ni-ên nhận thức được điều nầy khi lời cầu nguyện của ông bị cản trở (Đa-ni-ên 10:12-13), như chúng ta đã nói, Cứu Chúa của chúng ta ở trong nỗi thống khổ khi Ngài cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Chữ “thống khổ“mang ý nghĩa“đấu tranh trong tư tưởng” hay “chiến đấu” (Lu-ca 22 :44), như thế khúc Kinh Thánh trong sách Ê-phê-sô nầy nói đến sự cầu nguyện gắn liền với sự chiến đấu, mặc dù trong trận chiến nầy chúng ta còn phải bền đổ trọn vẹn, nhưng Sa-tan vẫn là kẻ thù bị đánh bại.

Có người nói rằng: Cầu nguyện không phải là sự thúc đẩy Đức Chúa Trời cộng tác với chúng ta trong sự phục vụ của chúng ta cho Ngài, nhưng sự cầu nguyện là sự cộng tác với Ngài trong sự phục vụ của Ngài.

Cầu nguyện là sự đặt tay bằng đức tin của một Cơ-đốc nhân vào vật sở hửu do Sa-tan kiểm soát, nhưng vật đó đúng ra thuộc về Đức Chúa Trời, và cứ giữ mãi cho đến khi Sa-tan bỏ đi nơi khác. Trong trận chiến nầy chúng ta phải cầu nguyện cho hết thảy Thánh đồ. Trong trận chiến cầu nguyện, người nọ rất cần người kia, có biết bao lần những người chung quanh chúng ta có thể sa ngã vì sự thiếu cầu nguyện hổ trợ của chúng ta. Nếu chúng ta chung vai sát cánh bên nhau để chiến đấu chống kẻ thù chung thì kết quả lớn biết dường nào! Hiện nay Sa-tan rất thành công trong kế hoạch chia rẽ dân sự Đức Chúa Trời, vì thế chúng ta hãy bước vào mối hiệp nhất thuộc linh với tất cả những Tín đồ thật khắp mọi nơi và chiến đấu cho tình trạng thuộc linh hoàn hảo qua sự cầu nguyện.


Tin lành vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên thế giới, rất cần sự can đảm để rao truyền Tin lành. Mỗi người phải cầu nguyện cho nhau như Phao-lô đã cầu nguyện: “Để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề bày tỏ lẽ mầu nhiệm cùa đạo Tin lành“. Đức Chúa Trời kể việc không cầu nguyện cho người khác là phạm tội cùng anh em mình.


Bây giờ, con đường đắc thắng đang bày ra trước mắt chúng ta. Hãy đi theo con đường đó, hãy làm theo lời Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: ”HÃY ĐÁNH TRẬN TỐT LÀNH “. Sự đắc thắng thuộc về chúng ta, Sa-tan phải bị đánh bại.



bottom of page