top of page
Hung Tran
May 10, 2023
Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...
• JABNEH: Jamnia hay Giáp-nê-ên (Gios Gs 15:11; 19:33) nằm sâu trong nội địa cách Địa Trung Hải 4 dặm, và 9 dặm đông bắc Ashod. Uzziah (783-742 TC) chiếm lại Giáp-nê-ên từ tay người Phi-li-tin bằng cách phá đổ tường thành (IISu 2Sb 26:6).
Nơi này được người Sy-ri gốc Hy-lạp sử dụng như một cứ địa cho cuộc hành quân chống lại người Hasmonea (1Mcb 5:58) nhưng bị Simon Mác-ca-bê chinh phục vào năm 147 TC, và trở thành một phần của vương quốc Do-thái trong thời gian dài. Cùng với sự lên ngôi của Hê-rốt, nó trở thành một phần của vương quốc thuộc vị vua nầy, và ông đã tặng nó cho em gái là Siloam. Sau đó, Giáp-nê-ên được Antony tặng cho Cleopatra là Hoàng hậu Ai-cập như là một quà cưới. Cùng với sự sụp đổ của Antony, nơi này lại thuộc về Hê-rốt. Giáp-nê-ên đóng một vai trò hàng đầu trong các sự kiện đưa dẫn đến Cuộc Nổi Loạn lần thứ 1 của người Do-thái và tiếp theo sự tàn phá Giê-ru-sa-lem vào năm 70 SC. Titus cho phép thành lập khu định cư người Do-thái tại Giáp-nê-ên. Tại đây họ mang theo những cuộn sách thiêng liêng và Giáp-nê-ên trở thành “trung tâm lưu đày” cho Tòa án tối cao Do-thái và một trung tâm thịnh vượng cho sự nghiên cứu pháp luật. Hội nghị Tôn giáo Jamia đã họp mặt ở đây vào năm 100 SC và công nhận Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ là Kinh điển chính thức gồm 39 sách trong Cựu Ước mà chúng ta có ngày nay.
Vào lúc đầu của Cuộc Nổi Loạn lần thứ nhì dưới thời Bar Kochba vào năm 132, Giáp-nê-ên dần dần bị bỏ. Tiêu điểm của chủ nghĩa Do-thái người Palestine chuyển sang phía bắc vào Ga-li-lê, tại đó tập trung các thành phố như Safed, Tiberius, Meiron và Beth Shearim.
Giáp-nê-ên được đồng nhất với mô đất Yabneh nổi bật. Chưa có sự khai quật ở địa điểm nầy, nhưng các mảnh sứ vỡ của Thời Đại Đồ Sắt và Thời Kỳ Ba-tư được tìm thấy trên mặt đất, và có các di tích về tòa nhà, mồ mả của thời kỳ La-mã và Ba-by-lôn.
• GIẾNG GIA-CỐP: Cách nửa dặm phía nam Sychar, trên con đường cao từ Giê-ru-sa-lem tại đó nó đi quanh co vào thung lũng giữa núi Ga-ri-xim và núi Ê-banh. Có vị trí gần mộ Giô-sép, trên mảnh đất do Gia-cốp mua, đó là một trong những vị trí xác thực nhất trong tất cả các vùng đất của Kinh Thánh. Người Do-thái, người Sa-ma-ri, Cơ-đốc nhân, người Hồi giáo đều quý trọng cái giếng do Gia-cốp đào và cái giếng mà Chúa Giê-xu đã ngồi trên thành giếng, khi Ngài nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Truyền thuyết của người Sa-ma-ri có từ hơn 23 thế kỷ và được phản ánh qua người phụ nữ nầy khi bà ta nói với Chúa rằng “Tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp…đã cho chúng tôi cái giếng” (GiGa 4:12). Truyền thống của tín đồ Cơ-đốc giáo có từ 333 khi đoàn hành hương Bordeaux viếng thăm cái giếng. Một nhà thờ Cơ-đốc được xây tại đây vào thế kỷ thứ 4, Thập Tự Quân khám phá nhà thờ đó trong đống đổ nát và tái thiết, nhưng nhà thờ của họ bị tàn phá vào thế kỷ 12, và đống đổ nát của nó, như là “một đống đá màu nâu” nằm trên cái giếng.
Vào năm 1838, Robinson tìm thấy lối vào miệng giếng, đo đạc cái giếng và thấy nó sâu tới 45,72m (150feet). Vào 1881, Tiến sĩ C.A.Barclay khai quật quanh cái giếng, và phát hiện đống gạch đổ nát rơi hoặc được ném xuống giếng mà nó chỉ còn sâu 20,42m (67feet). Sau nầy cái giếng được dọn sạch cho đến phần đáy (105 feet) nhưng nhiều du khách và khách qua đường lại ném đá xuống, để nghe thử xem bao lâu thì tiếng nước tung toé vọng lên, và nó bị lấp dần chỉ còn 22,86m (75feet). Vào thời điểm ấy nhà thờ Hy-lạp mua lại miếng đất và sau nhiều năm thì một nhà thờ mọc lên trên địa điểm cái giếng.
Thành giếng cổ xưa thì thấp hơn mặt bằng hiện nay và cho thấy những đường rãnh do dây thừng ma sát khi người ta múc nước bằng thùng hoặc bầu bằng da thú. Chu vi miệng giếng đo được khoảng 2,286m, phần trên miệng xây chắc chắn, còn phần dưới đào xuyên qua đá vôi. Nước giếng mát lạnh và giúp người khoan khoái, bởi “giếng thì sâu” và nó vừa là hồ chứa, vừa là con suối - tức là, giếng được cấp nước vừa bằng nước trên mặt đất vừa bằng nguồn nước ngầm.
Cái giếng làm chúng ta liên tưởng trở về lịch sử trong khung cảnh đồng quê và các tập quán phụ hệ, và sự bắt đầu chức vụ Chúa Giê-xu, trong lúc trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng nước, Ngài tiết lộ thần tánh của Ngài, khiến người phụ nữ nầy cảm thấy khó hiểu và Ngài đã phán về một chân lý tồn tại đời đời “Phàm ai uống nước ta cho thì chẳng hề khát nữa. Quả thật, nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.” (GiGa 4:14).
• JERICHO: Thành phố đầu tiên bị người Y-sơ-ra-ên đánh chiếm dưới thời Giô-suê, nay là một mô đất khoảng 32374m2 (8 acres), gọi là Tell es-Sultan nằm cạnh con suối dồi dào sản vật gọi là Suối Elisha.
Nơi đây được khai quật bởi Charles Warren (1868), Ernst Sellin (1907-1911), John Garstang (1929-1936) và Cô Kathleen Kenyon (1952-1958).
Người khai quật đầu tiên chỉ nhắm sự chú ý vào mô đất, trong khi đó thì người khai quật thứ nhì thực hiện được một sự khám phá đầy đủ để khơi dậy sự quan tâm rộng rãi. Sau đó Garstang tìm thấy một phần của bốn thị trấn tồn tại liên tiếp nhau từ năm 3000 TC. Đào bới xuyên xuống phần nền của mô đất, ông tìm thấy dấu vết của các nền văn minh cổ xưa nhất được phát hiện tại Palestine.
Cấp độ cư ngụ thứ tư mà Garstang gọi là “thành phố D” được minh chứng là quan trọng bậc nhất đối với sinh viên Kinh Thánh và nhà sử học cũng như nhà khảo cổ, họ thường bàn luận về năm tháng chính xác của Xuất Ai-cập của người Y-sơ-ra-ên từ Ai-cập và việc đi vào Palestine sau đó. Các học giả có quan điểm khác nhau khoảng 2 thế kỷ hoặc nhiều hơn nữa về việc định năm tháng cho sự kiện nầy. Giê-ri-cô chính là nơi mà vấn đề được nghiên cứu triệt để nhất. Cấp độ cư ngụ thứ tư này dường như chính là thành phố do Giô-suê đánh chiếm và các nhà khai quật đã tiến hành công việc với sự cẩn trọng đặc biệt.
Những bức tường cao 9,14m (30feet) chạy gần như song song nhau, vòng quanh đỉnh mô đất. Tường được xây bằng gạch phơi khô dưới mặt trời, gạch có bề dày 10,16cm (4 inches) và chiều dài thay đổi từ 0,3048 - 0,6096m (1-2feet); tường trong dày 3,,35m - 3,66m (11-12 feet), được xây trên nền của bức tường trước đó. Tường ngoài sau nầy dày khoảng 18,29 m (6feet), đứng trên bìa mô đất. Khoảng cách giữa hai bức tường thay đổi từ 3,66m - 8,30m (12-27feet), giữa những khoảng cách đều đặn được nối nhau bằng những hàng gạch.
Ở ngoại ô của mô đất thành phố cũ, Garstang phát hiện một nghĩa trang, tại đó ông mở hàng chục ngôi mộ, có rất nhiều khí mạnh bằng gốm, rất nhiều đá quý và khoảng 170 con bọ hung. Trong các ngôi mộ nầy ông tìm thấy đồ gốm có từ các thời kỳ Đồ Đồng Thiếc Sớm, Giữa và Muộn, nhưng chỉ có vài mảnh gốm là của người Mycenia được bắt đầu nhập khẩu khoảng 1400 TC. Đồ trang trí bọ hung Ai-cập có thể xác định ngày một cách chắc chắn bởi vì chúng đề cập tên của các Pha-ra-ôn và tiêu biểu từng cái từ thời Thutmose III (1490-1436 TC). Một món trang sức hình bọ hung có mang tên Hoàng hậu Hat-shep-sut và Thutmose III, cái khác thì mang tên Amenhotep II là người được miêu tả như là một tay bắn cung, rất đúng với các ghi chép trên ngôi mộ của ông ở Ai-cập. Một chuỗi những đồ trang trí hình bọ hung có đê ngày chấm dứt bằng hai dấu ấn hoàng gia của Amenhotep trị vì từ 1413-1376 TC. Không có gì thêm trong các ngôi mộ gợi ý về ngày tháng muộn hơn.
Ngay khi trở lại mô đất thành phố, Garstang so sánh cẩn thận các mảnh vỡ đồ gốm với những phát hiện các ngôi mộ và thấy rằng một số là của thời kỳ Đồ Đồng Thiếc Muộn. Sau khi khảo sát khoảng 100.000 mảnh vỡ của đồ gốm, 1500 khí mạnh chưa vỡ, cũng như 80 món đô trang trí hình bọ hung, các bức tường sụp đổ và những bằng chứng khác, chẳng do dự gì Garstang xác định thời gian sụp đổ của thành phố là khoảng 1400 TC, và đồng nhất nó như là thành phố Giê-ri-cô của người Ca-na-an, sụp đổ trước mặt người Y-sơ-ra-ên do Giô-suê lãnh đạo. Các di tích hóa than là bằng chứng mọi nơi trong thành phố “bị người Y-sơ-ra-ên đốt cháy thành phố và đốt cả mọi thứ trong đó” (Gios Gs 6:24), xác nhận sự tường thuật trong Kinh Thánh, và sự sụp đổ của các bức tường là một sự xác nhận người Y-sơ-ra-ên “leo thẳng lên thành” như thế nào (Gios Gs 6:20).
Ao ước có được sự cẩn thận tối đa và trong tinh thần của một nhà khoa học chân chính, Garstang mời đến ba nhà khảo cổ bậc nhất của Palestine và các chuyên gia đồ gốm: Pere Vincent, Clarence S.Fisher và Alan Rowe. Khi những chuyên gia này khảo sát cẩn thận và độc lập nhau những đồ gốm, tàn tích hóa than và bức tường sụp, họ đã ký vào bản báo cáo có xác nhận của Garstang về thời gian là 1400 TC, kèm theo một khả năng khác về ngày tháng là không trễ hơn 1377 TC. Thời điểm này đúng với niên đại theo Kinh Thánh (IVua 1V 6:1).
Sự trị vì của Sa-lô-môn có thể bắt đầu từ khoảng 961 TC, nếu năm ấy là đúng thì năm thứ 4 trị vì của ông sẽ gần đúng là 957. Khi cộng thêm 480 năm thì năm 1437 sẽ là năm người Y-sơ-ra-ên rời Ai-cập. Cho phép 40 năm lang thang trong đồng vắng, chúng ta đi đến nhật kỳ 1397 cho sự tàn phá Giê-ri-cô - rất hợp với tầm giới hạn của Garstang.
Tuy vậy thì sự khám phá và giải thích như vậy không làm hài lòng một số người, vì họ không thể tìm ra nơi nào, theo sự suy đoán của họ, cho một Giê-ri-cô gần y như sự ghi chép trong Kinh Thánh. Trong gần hai thập niên có sự phản đối thường xuyên đối với kết luận của Garstang, và áp lực đòi khảo sát lại Giê-ri-cô.
Ao ước nầy được thỏa mãn vào đầu năm 1952, khi một đoàn thám hiểm hỗn hợp gồm Học Viện Khảo Cổ của Anh, Tổ Chức Thám Hiểm Palestine, Học Viện Nghiên Cứu Đông Phương của Hoa Kỳ và Ban Cổ Vật của Giô-đanh đã bắt đầu khai quật lại Giê-ri-cô dưới sự chỉ đạo của cô Kathleen Kenyon. Công việc được tiếp tục một cách cần cù trong năm mùa, trong thời gian đó các nhà khai quật đã đào những hố chạm tới nền đá tại sáu vị trí khác nhau trên mô đất. Tại một trong những vị trí nầy, một địa điểm về tận phía đông bắc, người ta tìm thấy bằng chứng về sự định cư đầu tiên của Giê-ri-cô.
Hai thời kỳ Đá Mới (Neolith) đặc trưng cho sự định cư đầu tiên nầy. Trong thời kỳ đầu người ta xây những căn nhà tiên phong mà qua các di tích thì chúng có vẻ như nhỏ hơn cái chòi. Sau đó họ xây dựng những căn nhà gạch hình tròn, lâu bền, phát triển những công cụ đá silic thuộc loại tốt, và làm những đĩa đá vôi rất bóng. Bao quanh thị trấn là một bức tường đá kiên cố có bề dày 1,98m (6,5feet) và cao 3,66m - 7,01m (12-23feet); trong thị trấn có một tháp canh đồ sộ bằng đá cao 9,14m (30feet) và đường kính 8,53m (28feet). Một cầu thang bên trong có 22 nấc thang, mỗi nấc thang làm bằng một phiến đá ngang 0,91m (3feet) dẫn lên đỉnh tháp. Ngay cả những cư dân sớm nhất nầy đã có một nền văn minh khá phong phú.
Tiếp theo sự tàn phá thị trấn nầy, một thị trấn khác được xây trên đống đổ nát của nó và cũng được bao bọc bởi một tường đá được dựng trên nhiều nền móng mới. Con người ở đây xây những căn nhà lớn, hình chữ nhất và vững chắc bằng gạch bùn, thon dài, trái vữa sàn nhà và tưởng bằng vữa màu đỏ hoặc màu kem, và đánh thật bóng. Những cái dao đá, lưỡi liềm đá silic, cối xay quay tay, chày và cối, cùng với đủ loại thóc lúa, đánh dấu những cư dân ở đây phần lớn sống bằng nông nghiệp.
Nhân dân thành phố đã chôn người chết dười sàn nhà, trong một số trường hợp tạo chân chân dung của người thân quá cố bằng cách bao xương sọ một cách cẩn thận bằng đất sét, sau đó bằng khuôn đất sét, họ tạo ra điểm đặc trưng của người thân quá cố, một cách tài tình đầy nghệ thuật. Một số sọ người có cặp mắt bằng vỏ sò óng ánh.
Sự phân tích carbon 14 đối với thành phố cổ xưa nhất đã đề xuất các nhật kỳ khác nhau, vào các khoảng trên dưới 5850, 6250, 6800 trước công nguyên. Các thử nghiệm tiếp theo nêu lên những niên đại lớn hơn 7705, 7800 và thậm chí 8350 TC. Đối với thành phố thứ nhì, các thử nghiệm carbon phóng xạ nêu lên những năm khác nhau. Chính vì những sai biệt quá lớn nầy mà nhiều người xem chúng là không đáng tin cậy. Khi các niên đại bị đặt nghi vấn, vì quá xa xưa, cô Kenyon nhận định: “Nhật kỳ trải dài các giai đoạn giữa nhật kỳ do thử nghiệm và khoảng 3000 TC (tức là sự định cư lần tiếp theo) đến một mức độ gây khó chịu.” Một lần khác, cô nói thêm “Trong tình trạng hiểu biết hiện nay của chúng ta, ta phải sử dụng carbon 14 để xác định thời gian một cách cẩn trọng, bởi vì độ tin cậy của nó vẫn còn phải chịu được sự thử nghiệm với kinh nghiệm trọn vẹn.” Tuy vậy thì thành phố Giê-ri-cô thường gọi là “thành phố cổ nhất thế giới” nhưng đối với các học giả cẩn trọng hơn thì tuổi thực sự của Giê-ri-cô vẫn còn là điều chưa thể khẳng định.
Trong suốt Thời Đại Đồ Đồng Thiếc Sớm (3000-2100 TC), Giê-ri-cô được phòng ngự bằng một bức tường đá bùn dài, nhưng thị trấn này bị hủy diệt một cách tàn khốc dưới bàn tay của kẻ mới đến vào khoảng năm 2300 TC. Ngay sau đó một thị trấn cỡ trung bình, phồn vinh lại được mọc lên với hệ thống phòng ngự tinh xảo bằng tường gạch bùn. Vào khoảng 1800-1750, nhân dân của Thời Đại Đồ Đồng Thiếc Giữa này bổ sung thêm một hào sâu phủ bằng đá với dốc bằng trát vữa và dốc đứng cao 6,096m (20feet). Theo thời gian, hai dốc khác lại được thêm vào trên đỉnh dốc cũ. Cái dốc cuối cùng làm bằng đá mà bức tường ngoài thành phố đã được xây trên đó.
Di tích của con người thuộc thời kỳ Đồ Đồng Thiếc Giữa này đã được bảo tồn rất tốt như được tiết lộ trong một nghĩa trang gần đó được tọa lạc tại chân đồi phía tây mô đất. Trong năm mùa công tác, cô Kenyon và cộng sự viên khai quật 59 ngôi mộ, hầu hết là được dùng chôn cất nhiều người, mặc dù cũng có một số hầm mộ gia đình và một số hầm mộ cá nhân. Trong một ngôi mộ có 7 thi thể nằm thành một dãy và chẳng cho ta thấy được ai quan trọng hơn ai. Hầu hết người chết được đặt trên chiếc chiếu bấc. Chỉ có một cá nhân nằm trên giường, đó có thể là người quan trọng vì thi thể nầy choán vị trí trung tâm ngôi mộ, còn các thành viên khác thì được đặt quanh ông. Hầu hết các thi thể đều có một dấu ấn hình bọ hung trên chiếc nhẫn đồng thiếc hoặc trên dây chuyền đeo cổ. Trong trường hợp những ngôi mộ được tái sử dụng, thì những xác chết cũ được đẩy ra phía sau để dành chỗ cho xác chết mới.
Những món đồ được chôn cùng người chết nhằm ý nghĩa phục vụ người chết trong cõi đời sau. Từ những khám phá nầy nhà khai quật có thể bổ sung đáng kể cho các thông tin rút tỉa từ mô đất về những con người sống trong các thời kỳ trước đây - đặc biệt là trong thời đại phụ hệ.
Những đồ vật thu hồi từ các ngôi mộ gồm những khí mạnh đủ loại bằng gốm, giường và ghế đẩu bằng gỗ, bàn có ba hoặc bốn chân, các hộp khảm xương được dùng đựng đồ trang sức, linh tinh, rổ và chiếu, dao găm kim loại, kim bằng đồng thiếc, lược, xâu chuỗi hạt, vật trang sức hình bọ hung, chén nhỏ bằng gỗ và thạch cao tuyết hoa, lựu, nho khô, súc thịt và thậm chí nguyên xác con cừu. Một trong những khám phá lạ nhất là một bộ óc con người thực sự nằm trong cái sọ với các nếp xoăn của óc trông còn rõ nét.
Trong một ngôi mộ có những đồ trang sức hình bọ hung bằng thạch anh tím có khung vàng, bốn cái có đủ các vòng trong tình trạng hoàn hảo. Cái thứ năm chỉ còn cái băng vòng, và một cái xuyến nhỏ. Một cái buồng đã được xây lại và có đầy đủ bàn ghế tủ và những đồ vật tìm thấy trong các ngôi mộ.
Người ta giả định rằng các chất khí nào đó hình thành và tạo nên bầu không khí để bảo tồn những đồ vật tìm thấy trong các ngôi mộ nếu không thì chúng đã bị hư hoại, nhưng nhiều cuộc xét nghiệm khoa học vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trong quá trình khai quật sau nầy của cô Kenyon, một số người không hài lòng với cách giải thích của Giáo sư Garstang, đã hỏi cô Kenyon về cách giải thích những khám phá do cô tìm ra. Đặc biệt, họ muón biết về cách cô giải thích những bức tường ngã sụp. Cô thông báo rằng Garstang đã xác minh nhầm lẫn các bức tường của Giê-ri-cô rằng các bức tường bên trong thuộc về Thời Đại Đồ Đồng Thiếc Sớm - khoảng 2300 - 2200 TC.
Ngay lập tức, tin trên được truyền qua viễn thông về sự xác minh nhầm lẫn các bức tường ngã sụp của Giê-ri-cô do Garstang khám phá; rằng phương pháp địa tầng chính xác hơn của Kenyon đã phản bác lại Garstang, bởi không tìm thấy di tích của Thời Đại Đồ Đồng Thiếc Muộn và vì vậy không có thành phố nào tồn tại để Giô-suê đánh chiếm. Bản báo cáo ghi rằng: “Những bức tường ấy có trước cả ngàn năm so với thời gian mà Garstang đã xác định”. Hoặc một bản báo cáo điển hình đã ghi: “Những bức tường ngã sụp do Garstang phát hiện nay được biết là có trước cả ngàn năm để có thể liên hết với sự tấn công của Giô-suê.” Bản báo cáo dễ dàng chiếm vị trí nổi bật trong các bản tin, trong các tập san tri thức và trong sách vở hầu như khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, bản báo cáo chỉ hàm chứa một nửa sự thật. Cô Kenyon chỉ cho biết thời gian xây dựng của bức tường trong đồ sộ bề rộng 3,66m (12feet) của Giê-ri-cô. Sự khai quật các thành phố cổ khác tiết lộ rằng những bức tường đồ sộ được xây trong thời kỳ này đã đứng vững qua nhiều thế kỷ. Thực ra, khai quật tiếp theo của Kenyon là thành phố Giê-ru-sa-lem mà tại đó cô phát hiện di tích của “bức tường lớn, nặng nề” bao quanh thành Giê-bu-sít mà Đa-vít đã đánh chiếm vào năm 1000 TC. Sau khi khảo sát cẩn thận, cô đi đến kết luận (với sự đồng ý của các nhà khảo cổ khác) rằng đây là bức tường Thời Kỳ Đồ Đồng Thiếc Giữa được xây dựng khoảng 1800 TC. Vì vậy mà bức tường là 800 năm tuổi vào lúc Đa-vít và Giô-áp đánh chiếm thành phố. Đa-vít, Sa-lô-môn và những người khác đã sử dụng bức tường này hơn 200 năm - mãi cho đến gần thời đại của Nê-hê-mi0. Những bức tường nầy với sự sửa chữa và mở rộng nào đó đã tồn tại khoảng 1000 năm.
Người Giê-bu-sít chỉ đơn thuần sử dụng những bức tường đồ sộ của Giê-ri-cô được xây trước đó nhiều thế kỷ. Họ hết sức tin tưởng vào tính không thể đánh chiếm được của bức tường đến nỗi họ nhạo báng Đa-vít và Giô-áp với hàm ý gây hoảng sợ rằng “người đui và kẻ què” đủ sức phòng ngự bức tường và thành phố (IISa 2Sm 5:6). Bức tường thực sự vững chắc và cuối cùng chỉ ngã sụp bởi quyền năng của Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Trong lần khai quật sau đó, cô Kenyon viết báo cáo rằng đã phát hiện “nền móng và thân tường với khoảng một mét vuông nền nhà còn nguyên vẹn”, di tích của tòa nhà giữa, một cái lò, một bình nhỏ - tất cả thuộc về Thời Đại Đồ Đồng Thiếc Muộn (1500 - 1200 TC). Cô Kenyon đã nói về những di tích nầy rằng: cái lò và bỏ chạy khi nghe tiếng kèn của lính Giô-suê.”“những đồ vật ấy ít nhất cũng chứng tỏ sự tồn tại của một thị trấn vào thời kỳ ấy… thời gian là thế kỷ 14 TC, rất khớp với những phát hiện có thể xác định thời gian một cách chính xác hơn tìm thấy trong các ngôi mộ do Giáo sư Garstang thực hiện… Có lẽ mảnh vụn nhỏ của tòa nhà mà chúng ta phát hiện là một bộ phận của căn nhà bếp của người đàn bà Ca-na-an, chính là bằng chứng đối với chúng ta, người đàn bà ấy có lẽ đánh rơi cái bình nhỏ bên cạnh bên cạnh cái lò và bỏ chạy khi nghe tiếng kèn của lính Giô-suê.”
• GIÊ-RI-CÔ TÂN ƯỚC
Ngày 10 tháng 1 năm 1950, Tiến sĩ James L.Kelso và cộng sự viên bắt đầu khai quật Giê-ri-cô Tân Ước. Họ tìm thấy thủ đô mùa đông của Hê-rốt đại đế, thành quách, sân đấu, hồ bơi, suối phun, vườn hoa, biệt thự và tàn tích của những kiến trúc khác được xây dựng kiểu Hê-rốt cổ điển, với gió lùa thông thoáng ở cả bốn phía. Các biệt thự nhỏ dần về hướng đông, xa hơn một tí là Giê-ri-cô cận đại mà Tiến sĩ Kelso nghĩ rằng có thể nó được xây trên vị trí của khu vực nghèo hơn của Giê-ri-cô Tân Ước.
• JERUSALEM: Các nhà khảo cổ chưa bao giờ nêu câu hỏi về vị trí của Giê-ru-sa-lem cổ; nhưng tập trung vào việc khám phá và nhận dạng các bức tường, cổng và các nơi thánh của thành phố cổ. Tuy nhiên đã có nhiều khó khăn trong việc khám phá và xác minh bởi Giê-ru-sa-lem từng bị vây hãm, bị đánh chiếm hoặc tàn phá toàn bộ hoặc từng phần hơn 40 lần. Hư tàn chất lên hư tàn, gạch đổ nát lăn xuống thung lũng, thậm chí ở một nơi hơn 10,67m (35feet), nếu tính từ mặt bằng hiện tại so với mặt bằng đường sá mà Chúa Giê-xu đã đi trên đó - và nơi khác tới 9,14m (30feet) so với mức mặt bằng mà các nhân vật Cựu Ước đã đi qua. Thêm vào đó, hầu hết các khu vực của Giê-ru-sa-lem cổ được che phủ bởi các tòa nhà hiện đại hoặc nghĩa trang, đến nỗi phần lớn thành phố không thể đào bới được. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện sự đào bới trực tiếp bất cứ lúc nào có thể được và đào địa đạo tại những nơi được phép. Nhiều người tài năng như: Robinson, Warren, Wilson, Bliss, Guthe, Schick, Clermont-Ganneau, Parker, Weile, Macalister, Duncan, Crowfoot, Myer, Sukenik… đã tìm kiếm khoảng dưới mặt đất của Giê-ru-sa-lem. Nhiều khám phá đã thực hiện được nhờ công lao động của họ cũng như do sự tình cờ.
Vào 1838, Tiến sĩ Wdward Robinson phát hiện những tảng đá hình cong tạo thành đường cong của cửa vòm rộng 12,8m (42feet) nhô lên từ góc tây nam của khu vực đền thờ. Một số tảng đá tạo thành vòm có chiều dài tới 7,92m (26feet). Đó là bộ phận phía đông của một trong những chuỗi vòm được dùng nâng đỡ cái cầu, mà trong thời Hê-rốt cầu ấy bắc nhịp qua Thung lũng Tyropoeon và nối liền khu vực đền thờ trên núi Mô-ri-a với đồi phía tây băng qua thung lũng.
Nhiều năm sau đó trong lúc Charles Warren đang đào trực tiếp ngang qua thung lũng từ khu vực nầy, thì ông phát hiện chân trụ nâng đầu phía tây của cái cầu vòm tương tự. Nó tựa trên mặt đường 9,14m (30feet) phía dưới bề mặt. Phía dưới mặt đường ở độ sâu 7,01m (23feet), ông tìm hấy một cầu máng dẫn nước cống cổ xưa với chiều sâu 3,66m (12feet) và chiều ngang 1,21m (4feet) chạy song song với thung lũng Tyropoeon.
Sir Charles Wilson khám phá thêm một vòm khác xuất hiện từ cùng một bức tường, nhưng cách 170,69m (560feet) về phía bắc của vòm do Robinson phát hiện. Vòm nầy tương tự như cái của Robinson, mặc dù nó hoàn chỉnh hơn bởi vì có 25 lớp đá - mỗi bên 12 lớp trên đá đỉnh vòm. Nó cũng là móng của một cái cầu bắc qua thung lũng Tyropoeon. Theo Josephus thì sân ngoài đền thờ có thể đi vào từ phía tây hoặc phía thành phố bằng bốn cổng, hai cổng chính nằm tại hai điểm được chỉ ra bởi vòm của Robinson và vòm của Wilson.
Vào 1850 Felicien de Sauley tìm thấy một phức hợp mồ mả lớn phía bắc Giê-ru-sa-lem mà ông ta tin rằng đó là phần mộ của các vị vua Giu-đê. Có một hòn đá lăn rất đẹp chắn tại lối vào, và không gian bên trong đủ để chôn cất 60 người hoặc hơn. Cho đến hôm nay, phức hợp mồ mả này vẫn còn là ngôi mộ đẹp nhất được phát hiện tại khu vực Giê-ru-sa-lem. nhưng người ta đã chứng minh được đó là lăng tẩm của hoàng hậu Helena của Adiabene tại Mê-sô-bô-ta-mi và các hậu duệ của bà, Hoàng hậu đã theo Do-thái giáo và đến ở tại Giê-ru-sa-lem khoảng thế kỷ 1 SC.
Vào năm 1852 trong lúc Joseph Barclay đang đi bộ dọc bức tường phía bắc của Giê-ru-sa-lem, thì con chó của ông chạy mất hút vào trong một khe hở trông giống như cái hang dưới bức tường khoảng 91,4m (300feet) tại phía đông cổng Đa-mách. Ông dọn dẹp đống gạch đổ nát, khoan rộng cái khe nứt, khám phá có một lối ra vào của một cái hang đá vôi được xếp thành tầng chạy dài về phía nam, nằm phía dưới thành phố khoảng 213,4m (700feet). Những dấu hiệu dọc hai bên và trên những bức tường ở phía cuối cho thấy chính hình dạng và kích cỡ của những viên đá xây dựng được lấy ở đây, và đếm được khoảng mấy chục ngàn viên. Viên đá trắng và mềm, từ những đống đá đẽo và các bằng chứng khác, nhiều người tin rằng đây phải là nơi lấy đá của Sa-lô-môn, nơi đây những người thợ đã tạo hình, đẽo cho hoàn chỉnh trước khi đưa lên xe trượt về đền thờ “nên không nghe tiếng búa, rìu hay là khí dụng khác bằng sắt tại nơi đền đang khi cất” (IVua 1V 6:7).
Vào 1865 Warren và Wilson đào 7 cái giếng sâu độ 27,4m (90feet) tại thung lũng Tyropoeon. Họ khảo sát các bức tường của ngôi đền dưới mặt đất, phát hiện những bức tường ấy được xây bằng những viên đá to và “đẽo gọt công phu”; “đặt khít khao với nhau cách kỳ diệu, những chỗ nối khó mà thấy được.” Những viên đá lớn nầy thuộc về thời đại của Hê-rốt Đại đế hoặc sớm hơn. Họ cũng tìm thấy một lượng lớn đồ gốm, nhiều cây đèn, và một mặt đường thứ nhì 6,7m (22feet) dưới mặt bằng hiện nay; dưới mặt đường họ tìm thấy viên đá có ấn tín “A-ghê con trai của Shebaniah.” Lời tiên tri đề cập đến một ấn tín như vậy (AgKg 2:23). Họ cũng đào ba cái giếng gần góc đông nam của khu vực bức tường ngôi đền - một cái giếng sâu 27,4m (90feet), một cái 30,48m (100feet), một cái 38,1m (125feet). Tại nhiều khoảng cách, các đường hầm nằm ngang được đào trở ngược về bức tường và người ta cũng thực hiện sự kiểm tra kỹ lưỡng. Công trình xây cất được sắp đặt với các chỗ nối một cách chính xác và hoàn thiện đến nỗi chỉ có công trình kim tự tháp của người Ai-cập xưa mới vượt qua được. Ở góc đông nam, ở độ sâu hơn 90feet dưới mặt bằng hiện nay, Warren tìm thấy một viên đá góc có chiều cao 1,12m, chiều dài 4,28m, cận nặng khoảng 100 tấn. Nhiều người nghĩ rằng rất có thể Sa-lô-môn đã đặt viên đá nầy. Trong nỗ lực để lần ra dấu vết của các bức tường thành phố cổ, Warren đào nhiều giếng trên đồi Ophel, và làm lộ ra bức tường Đa-vít tới độ sâu 122m (400feet). Raymond, Weile, Macalister, Duncan, Sukenik và Moyer tất cả đều thực hiện những khám phá có giá trị trong việc lần ra dấu vết của các bức tường cổ và tháp cổ xung quanh Ophel, “Thành quách của Đa-vít” và tìm ra dấu vết ngay cả bức tường thứ ba do Hê-rốt Ạc-ríp-ba xây, nó chạy về phía tây, vòng quanh và ngược xuyên qua vùng sở hữu của Học Viện Nghiên Cứu Đông Phương của Hoa Kỳ, hướng về phía góc tường hiện nay gần Viện Bảo Tàng Khảo Cổ Palestine. Trong một số khu vực các bức tường hiện đại do Suleiman “Người cừ khôi” xây năm 1537 - 1542 SC trên nền móng của các bức tường xưa.
Vào năm 1880, một vài nam sinh đang lội qua ao Si-lô-ê, lúc đó một em lội sâu vào khoảng 19 feet trong máng nước đã phát hiện một vài ký hiệu đặc biệt khắc trong tường đá phía đông trên mực nước - ký hiệu trông giống chữ viết. Mấy đứa bé thông báo cho thầy giáo của mình là Giáo sư Conrad Shick, ông cùng Tiến sĩ Sayce đến ngay hiện trường sao chụp lại câu khắc. Câu khắc gồm sáu dòng ký tự và chữ cái giống như loại được sử dụng trên tảng đá Moabite. Nội dung câu khắc:
Bây giờ đây là câu chuyện về đào khoan, trong lúc những người khaiquật đang giơ cao cái cuốc của họ, mỗi người hướng về bạn của mình, và lúc đó vẫn còn 3 cubit để đào bới, ta nghe thấy tiếng gọi của người này với người kia, bởi vì có một khe nứt trong khe nứt ở phía bên phải. Và vào ngày họ hoàn tất công việc khoan đào, cuốc của nhữngngười đục đã chạm với nhau; và nước tràn từ con suối xuống cái hồ chứa, một khoảng cách 1000 cubits. Và 100 cubits chính là chiều cao của tảng đá ở phía trên đầu của những người thợ đục đá.
Không có lời giải thích cho câu khắc, và cũng chẳng cần thiết, bởi vì tất cả chuyên gia đều đồng ý rằng câu khắc được viết khoảng 702 TC, lúc đó vua xứ Giu-đê là Hezekiah “xây hồ chứa nước và kinh dẫn nước vào trong thành” (IIVua 2V 20:20) để bảo tồn nước của suối Gihon (Suối Phun Trinh Nữ) cho dân cư tại Giê-ru-sa-lem khi họ bị sự đe doạ xâm lăng và nạn đói do người A-si-ri gây ra. Lời kể trong Kinh Thánh phù hợp với câu khắc. Các kỹ sư đã thăm dò, người ta đã đào từ cả hai đầu về phía chính giữa - một khoảng cách 539,5m (1770 feet). Họ đào một đường hầm với chiều cao trung bình là 1,83m (6feet) xuyên núi đá, cùng gặp nhau khi đối diện với tiếng cuốc - một kỳ công đáng chú ý của thời ấy. Câu khắc đã đưa ra một bằng chứng không thể nhầm lẫn được về chữ viết bằng chữ cái Hê-bơ-rơ mà Ê-sai cùng các tiên tri khác đã dùng nó để viết nhiều bài văn chương diễn cảm nhất thế giới.
Vào 1871 Clermont-Ganneau tìm lại được một câu khắc vốn dĩ là một phần của đền thờ Hê-rốt và đánh dấu đường ranh giới mà không một người ngoại bang nào dám vượt qua. Nội dung câu khắc là:
“Không một người lạ mặt nào được vào trong hàng lan can quanh đền thờ và hàngrào vây quanh. Bất cứ ai bị bắt sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của bản thân.”
Câu khắc dài nhất của người A-ram từ thời của Đấng Christ được Giáo sư Sukenik phát hiện vào 1931. Nội dung như sau: “Cho đến nay được mang hài cốt của Uzziah, vua Giu-đê - đừng mở.” Người ta giả định rằng việc chôn cất lại nầy là cần thiết bởi công việc xây dựng rộng rãi được vua Ạc-ríp-ba II tiến hành tại Giê-ru-sa-lem.
• JEZREEL: Thành phố được đặt tên theo Thung lũng Gít-rê-ên, ở trên mũi ngọn đồi nhô cao tại chân núi Ghinh-bô-a. Bản thân thành phố, quang cảnh gây ấn tượng sâu sắc khi nhìn ngang qua thung lũng Gít-rê-ên và bình nguyên Ạc-ma-ghê-đôn, cho ta toàn cảnh về một nơi mà nhiều sự kiện bi tráng và gây xúc cảm nhất của nhiều thời đại đã xảy ra và sẽ xảy ra (KhKh 16:16)
Hoàng cung của A-háp và Giê-sa-bên đứng sừng sững trên mũi đất nầy, nhiều sự kiện tàn ác trong đời họ đã xảy ra tại đây. Tiên tri Ê-li quấn “ào choàng ngang thắt lưng” và chạy trước xe ngựa của A-háp từ núi Cạt-mên đến Gít-rê-ên, tại đó hoàng hậu Giê-sa-bên đã thề phải lấy mạng sống của ông (IVua 1V 18:46-19:3). Tại đây, bằng sự mưu hại, Giê-sa-bên giúp đỡ A-háp bằng cách gây nên cái chết của Na-bốt rồi cướp lấy vườn nho của Na-bốt (21:1). Tiên tri Ê-li sau đó xuất hiện trong cùng vườn nho và tuyên bố rằng chó sẽ liếm máu của hoàng hậu (21:23). Khi Giê-hu tiến vào Gít-rê-ên, Giê-sa-bên phải gặt lấy việc làm gian ác của bà. Những hoạn quan ném bà ta xuống đường phố, xe ngựa của Giê-hu giẫm lên và chó đã ăn thịt bà đúng như lời tiên tri Ê-li đã nói (IIVua 2V 9:30-36).
Chưa có sự khai quật nào tiến hành ở đây.
• JOPPA: “Cổng vào” của Palestine cổ đại, được xây trên một gò đá cao 35,36m (116feet) nhô ra trên một mũi đất nhỏ và đẹp.
Hải cảng hay đê chắn của Giốp-bê được hình thành bởi một vòng đá lớn, một trong những tảng đá - theo thần thoại - là một tảng đá mà Andromeda bị xích vào để rồi bị một thủy quái nuốt chững hầu xoa dịu cơn thạnh nộ của Poseidon, trước khi bà ta được Persus giải cứu.
Gỗ hương bách Li-ban được đưa đến cảng Giốp-bê và gửi đi xây đền thờ Sa-lô-môn, đây cũng là cảng mà tiên tri Giô-na đi đến Ta-rê-si. Lịch sử của Giốp-bê thì dài và thường có nhiều “sóng gió”, thế nhưng sự khai quật ở đây còn hạn chế, trong một khu vực người ta tìm thấy nhiều đồ gốm và các đồ tạo tác được chứng minh là đồ cổ.
• JUDEAN DESERT CAVES: Tiếp theo sự phát hiện các Cuộn Biển Chết, Bedouins đã lùng sục tới tấp để tìm kiếm thêm các tài liệu tại những thung lũng và hang động nằm cạnh Biển Chết. Vào năm 1953, Y.Aharoni đã thăm dò khu người Do-thái trong vùng này vào tháng 3 và tháng 4 năm 1960 và 1961, có bốn đoàn tham hiểm tổ chức chu đáo đến thám hiểm các thung lũng và hang động nằm khoảng giữa Masada và Ên-ghê-đi. Mỗi đoàn được phân công đến một khu vực chỉ định, các trưởng đoàn là N.Avigad, Y.Aharoni, Y.Yadin và Pessah Bar-Adon. Họ được bổ nhiệm đến bốn đoàn thám hiểm và điều phối viên chung là J.Aviram. Khoảng 100 binh sĩ và 30 công dân tình nguyện đã tham dự. Lực lượng phòng vệ Y-sơ-ra-ên cung cấp trang thiết bị, địa điểm cắm trại, và mọi thứ tiếp liệu.
Những cái hang được đặt tên có liên quan đến một số khám phá có ý nghiã được thực hiện tại đó.
Hang Cái Ao 150m (492 feet) trên một vách đá dốc đứng, được đặt tên như vậy vì có một cái ao gần lối vào hang. Cái hang này một phần được đục từ đá, một phần được kiến tạo bởi những người lánh nạn ở đây. Nước mưa rơi xuống ao từ một cái máng thẳng đứng, một phần máng vẫn còn cho đến ngày nay. Hang được dùng làm nơi lánh nạn vào Thời Đại Đồ Đá Muộn (3100 TC), vào thế kỷ thứ 7 TC, và vào Chiến tranh Bar Kochba (132-135 SC). Trong hang người ta tìm thấy những cái đèn bằng đồ gốm, nồi để nấu ăn, mảnh vỡ của các khí mạnh bằng thủy tinh, lược bằng gỗ, con suốt chỉ, rổ, dây thừng, di tích hóa than của trái chà là, lựu, đậu carob, quả hồ đào, quả hạnh nhân, ô-li-ve và xương của động vật và chim đã bị người cư ngụ ở đây ăn thịt.
Việc chôn cất được thực hiện tại các hang nhỏ hơn ở gần đó. Một quan tài chứa 7 cái sọ người; trong một quan tài khác người ta tìm thấy một bộ xương hoàn chỉnh được bao trong áo quan, còn chân thì mang giày da.
Hang Châu Báu , 300m (984feet) phía trên Biển Chết, gồm hai buồng chính, mỗi buồng với diện tích khoảng 11,9 x 14m (39 x 46feet). Trong đó người ta tìm thấy đèn, vật dụng gia đình, một cái rổ rây độc đáo, một phần của thùng đựng sữa cùng với đủ loại bình.
Pessah Bar-Adon nói: “Nhưng điều ngạc nhiên lớn cực kỳ đã đến vào ngày làm việc thứ tám, trong tường bắc của cái hang, chúng tôi phát hiện một tảng đá thoai thoải che lên một hốc tường tự nhiên… qua khe nứt ở các mép chúng tôi thấy được ánh lấp lánh của kim loại. Lập tức chúng tôi dọn dẹp phần đất xốp mềm quanh tảng đá cho đến khi hốc tường lộ hẳn ra. Chúng tôi phải ngưng làm việc khi màn đêm buông xuống, nhưng sáng sớm hôm sau chúng tôi phát hiện một nơi chôn giấu vật quý trong cái hốc. Lúc kho tàng được khai quật, mọi người nín thở và hồi hộp - trong khoảnh khắc cái hang tràn ngập tiếng reo mừng.” (Bar-Adon; Hang Châu Báu; Những Khám Phá Khảo Cổ Học Trên Đất Thánh, trang 30).
Ngay khi lật chiếc chiếu rơm, họ tìm thấy 420 món đồ gồm 240 “đầu gậy quyền” kim loại với đủ thứ kích thước, đủ loại hình dạng và đủ loại trang trí khác nhau; 20 cái đục và rìu kim loại; 80 “gậy quyền” kim loại với đủ loại hình dạng và trang trí; một cái hộp ngà voi độc đáo; và 10 vương miện kim loại kiểu dáng tuyệt vời do thợ thủ công (sách đã dẫn, trang 34).
-Hang Văn Thư , toạ lạc 198,1m (650feet) phía trên lòng sông cạn tại Nahol Hever, do Y.Yadin khai quật, hang dài 50,3m (165feet) và chứa các vật dụng tùy thân của Jonathan Bayan, ông là một trong các chỉ huy của Bar Kochba, đã cùng gia đình lánh nạn tại đây.
Các món đồ tìm thấy gồm 19 khí mạnh kim loại, xẻng xúc tro lư hương, bình (có tay cầm và có vòi), chiếu cọ, quần áo, lưới săn thú, một số chìa khoá, vài đĩa thủy tinh trang trí đẹp. Nhưng phần thưởng của tất cả cuộc khám phá là 15 lá thư do Bar Kochba gửi các viên chỉ huy trong vùng, một tàng thư gồm 35 tài liệu hầu hết liên quan đến giao dịch thương mại của Babatha và vài đoạn của các cuộn Kinh Thánh.
Thư Bar Kochba cùng với các tài liệu khác, cách mạng hóa những quan niệm của cuộc chiến Bar Kochba và mở ra một viễn cảnh mới về nền văn hóa duy vật và tôn giáo thời ấy. Một đoạn của sách Thi-thiên gồm vài dòng thơ của Thi-thiên 15,16 về cơ bản giống như bản Masoretic của chúng ta. Một đoạn khác chứa câu 7-8 của Thi-thiên 20.
-Hang Kinh Dị nằm trên bờ nam của sông cạn Nahal Hever, tại đó khoảng 40 kẻ đào vong đã lánh nạn vào giai đoạn cuối của cuộc chiến Bar Kochba. Người La-mã đã cắm trại trên núi mặt bàn 79,2m (260feet) phía trên chỗ họ đang lánh nạn. Cuối cùng, những người bị bao vây phải thua vì thiếu nước, họ đốt lửa bằng những vật sở hữu của mình rồi tự sát, hiển nhiên là họ thà chọn cái chết chứ không đầu hàng. Ít nhất có 40 bộ xương của đàn ông, đàn bà có tuổi tác khác nhau được tìm thấy, cũng như bộ xương của trẻ con ở các độ tuổi khác nhau.
Trong hang, ngoài các bộ xương, người ta còn tìm thấy các món đồ gia dụng như rổ, dây thừng, con lăn cọc sợi bằng gỗ và đá, lược bằng gỗ, kìm, dùi, đinh, một con dao thép, dép da cùng với tàn tích của thực phẩm như ô-li-ve, chà là, lúa mì, lúa mạch. Những bản thảo Kinh Thánh được tìm thấy trong hang gồm có một bản dịch tiếng Hy-lạp của 12 sách tiểu tiên tri cùng với một phần các sách Ô-sê, A-mốt, Giô-ên, Giô-na, Na-hum, Xa-cha-ri.
Viện Thần Học.
bottom of page