top of page

Ca-in và A-bên: “Có Được” và “Hư Không” - Hai Lối Sống

Hung Tran

Mar 17, 2023

Trong sứ điệp đầu tiên, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã mô tả hai lối sống trong sự sáng tạo của Ngài...



Ca-in và A-bên: “Có Được” và “Hư Không” - Hai Lối Sống



1. Sự Tranh Đấu Giữa Hai Đường Hướng Của Nhân Loại.





Trong...

...sứ điệp đầu tiên, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã mô tả hai lối sống trong sự sáng tạo của Ngài. Hai lối sống này được tượng trưng bởi cây sự sống và cây tri thức về thiện và ác trong vườn Ê-đen. Đôi khi người ta nghĩ rằng cây thứ hai chỉ là cây “điều ác”. Thật ra, cây này là cây tri thức bao gồm cả điều thiện lẫn điều ác.

Đó là cây lý luận.

Lý luận này cho chúng ta biết điều gì là thiện và điều gì là ác. Sự sống là một đường hướng, và tri thức hoặc lý luận là một đường hướng khác. Chỉ có hai cây, hai đường hướng mà bởi đó chúng ta sống. Hoặc chúng ta sẽ sống theo sự sống hoặc chúng ta sẽ sống theo tri thức, theo sự hiểu biết của mình về điều gì là thiện và điều gì là ác. Hễ khi nào chúng ta không sống trong đường hướng sự sống thì cách sống chúng ta sẽ tự động được quyết định bởi lý luận của chúng ta. Mọi người đều sống theo một hình thức lý luận nào đó. Lý luận của chúng ta có thể ra từ văn hóa của chúng ta, từ các sự dạy dỗ của cha mẹ chúng ta hoặc thậm chí từ chính Kinh Thánh. Khi chúng ta sống theo điều gì là thiện và điều gì là ác thì chúng ta đang sống bởi lý luận của mình. Điều này khác với việc sống theo đường hướng sự sống.

Từ lúc khởi đầu lịch sử loài người, con người đã liên tục sa ngã vào trong đường hướng của tri thức về thiện và ác. Trong lịch sử đó, Đức Chúa Trời đã liên tục kêu gọi một số người ra khỏi đường hướng tri thức và vào trong đường hướng sự sống. Khi A-đam sa ngã bởi ăn từ cây tri thức, cả nhân loại đã bị đem đến đường hướng đó. Nhưng ra từ hậu duệ của A-đam, Chúa ao ước có lại được điều Ngài đã mất. Đức Chúa Trời ao ước đem con người trở lại với cây sự sống. Ra từ hai hậu duệ đầu tiên của A-đam, có hai đường hướng, đường hướng của Ca-in và đường hướng của A-bên.

Ca-in ở trên đường hướng tri thức và A-bên ở trên đường hướng sự sống.

Sau khi Ca-in giết A-bên, A-đam đã có một con trai khác tên là Sết. Sết thật ra là sự tiếp tục cho đường hướng của A-bên, đường hướng sự sống. Hậu duệ của Ca-in và hậu duệ của Sết ở trên hai đường hướng riêng biệt này.

• Dòng dõi từ Sết đến Nô-ê, như chúng ta sẽ nghiên cứu từng tên gọi một trong các sứ điệp này, là dòng dõi theo đường hướng sự sống. Sau thời kỳ của Nô-ê, con người tiếp tục sa ngã xuống thấp hơn. Cuối cùng, Đức Chúa Trời đã kêu gọi Áp-ra-ham.

• Ra từ hậu duệ của Áp-ra-ham, một lần nữa lại có hai đường hướng. Một đường hướng là Ích-ma-ên và đường hướng khác là Y-sác. Y-sác ở trên đường hướng sự sống. Ích-ma-ên và Y-sác liên tục tranh đấu với nhau.

• Rồi từ Y-sác có hai đường hướng. Một đường hướng là Ê-sau và đường hướng kia là Gia-cốp. Gia-cốp ở trên đường hướng sự sống. Hai anh em này cũng tranh đấu với nhau. Toàn bộ lịch sử của dòng dõi loài người là lịch sử của sự tranh đấu giữa hai đường hướng này. Nhân loại luôn luôn tranh đấu vì Đức Chúa Trời đã đặt hai đường hướng trên đất. Mỗi bản thể loài người phải chọn giữa hai đường hướng này.

• Chúng ta phải tự hỏi mình: “Tôi có đang ở trong đường hướng sự sống không, hay tôi đang ở trong đường hướng của tri thức về thiện và ác?” Nếu ở trong đường hướng sự sống thì chúng ta đang sống theo điều Đức Chúa Trời ao ước. Nếu chúng ta ở trong đường hướng tri thức và vì vậy đang sống theo lý luận, thậm chí là lý luận tốt của mình, thì chúng ta đang sống trong đường hướng không đúng đắn, là đường hướng bị Đức Chúa Trời từ chối.


2. Khởi Đầu Của Đường Hướng Tri Thức “Có Được


Trong lịch sử nhân loại, đường hướng tri thức và đường hướng sự sống bắt đầu với Ca-in và A-bên. Tên “Ca-in” nghĩa là “có được”. Sau sự sa ngã của con người, Đức Chúa Trời hứa là dòng dõi người nữ sẽ làm bầm dập đầu Sa-tan (Sáng 3:15). Khi A-đam và Ê-va sinh Ca-in, họ nhớ lại lời hứa của Đức Chúa Trời. Có thể họ nghĩ rằng con trai này là dòng dõi được hứa, là người sẽ làm bầm dập đầu con rắn. A-đam và Ê-va đã hy vọng về sự hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời. Họ chắc hẳn đã ghét con rắn đó hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Sau sự sa ngã của con người, thế giới vật chất đã bị thay đổi đáng sợ. Trước đây mặt trời rất dễ chịu, nhưng bây giờ mặt trời khiến con người đổ mồ hôi. Trước đây không động vật nào là có hại, nhưng bây giờ các loài động vật đã từng thân thiện lại trở nên nguy hiểm.

A-đam và Ê-va đã kinh nghiệm nhiều sự thay đổi đáng sợ, và họ biết rằng tất cả đều do sự cám dỗ của con rắn. Nhưng Đức Chúa Trời đã nói rằng dòng dõi người nữ sẽ làm bầm dập đầu con rắn. Khi A-đam và Ê-va cuối cùng có một con trai, họ gọi tên con là “Ca-in”, nghĩa là “có được”. Tên gọi này chỉ tỏ rằng họ tin Ca-in là câu trả lời của Đức Chúa Trời về lời hứa của Ngài.

A-đam và Ê-va chắc hẳn đã rất vui mừng. Họ  nghĩ: “Con trai này sẽ làm bầm dập đầu con rắn!” Thậm chí có thể họ đã hy vọng sau khi đầu con rắn bị làm bầm dập, mọi sự trên đất sẽ được phục hồi trở lại như ban đầu. Con người sẽ không còn phải làm việc vất vả và đổ mồ hôi vì thức ăn nữa. Sự rủa sả sẽ đi qua và mọi sự sẽ giống như trước khi họ sa ngã. Chắc chắn họ đã chờ đợi Ca-in lớn lên để lời hứa của Đức Chúa Trời có thể được hoàn thành.

Nhưng Ca-in càng lớn, họ càng nhận thấy Ca-in chẳng có gì đặc biệt. Ca-in chắc hẳn là một nỗi thất vọng thật sự. A-đam và Ê-va nhận thức rằng Ca-in không thể là người làm bầm dập đầu con rắn.


3. Khởi Đầu Của Đường Hướng Sự Sống “Hư Không


Khi con trai thứ hai của A-đam và Ê-va được sinh ra, họ đặt tên nó là “A-bên”. “A-bên” nghĩa là “hư không”. Đặt tên con trai thứ hai là “A-bên” là nói: “Tất cả  đều hư không. Con trai này cũng sẽ không làm được gì. Đức Chúa Trời sẽ chẳng bao giờ làm bầm dập đầu con rắn và phục hồi trái đất trở lại như trước đây bởi dùng một trong hai con trai này. Tất cả đều vô vọng.” Nếu không con trai nào của họ là người làm bầm dập đầu con rắn thì chuyện gì đã xảy ra với lời hứa của Đức Chúa Trời? Chuyện gì đã xảy ra với hy vọng của họ về việc nhìn thấy cõi sáng tạo được phục hồi trở lại tình trạng đẹp đẽ và yên nghỉ trước đây? Một cõi sáng tạo đẹp đẽ như vậy của Đức Chúa Trời đã bị hủy hoại bởi việc ăn một trái cây nhỏ bé từ một cây sai trật. A-đam và Ê-va mong mỏi trở lại với điều họ đã từng có lúc ban đầu. Nhưng con trai đầu tiên đã không làm được gì, vì vậy vào lúc con trai thứ hai được sinh ra, họ nhận thức rằng toàn bộ tình trạng là vô vọng. Họ cũng biết rằng sự hiện hữu của con người sau sự sa ngã là vô nghĩa. Sau sự thất vọng về Ca-in, A-đam và Ê-va biết rằng cuộc đời con người là sự trống rỗng và hư không. Đây là lý do tại sao họ đặt tên con trai thứ hai là “A-bên”.

• Ca-in được sinh ra với sự phấn khởi và mong đợi. A-bên được sinh ra với sự thất vọng và vô ích. Ca-in biểu thị: “Tôi có được rồi!” A-bên biểu thị:“Tất cả đều vô dụng!” Hai danh xưng này rất có ý nghĩa. Ca-in và A-bên. “có được” và “hư không”, đại diện cho hai lối sống.

Họ là khởi đầu của hai đường hướng trong lịch sử loài người, đường hướng tri thức và đường hướng sự sống. Đường hướng của Ca-in bắt đầu với sự tin chắc. Đường hướng của A-bên bắt đầu với sự trống rỗng. Đường hướng tri thức bắt đầu bằng “Tôi có được rồi”. Đường hướng sự sống bắt đầu bằng “Tôi không có được”. Hai lối sống được mô tả bởi hai danh xưng này.


4. Ôn Lại Về Ca-in và A-bên.


Khi lớn lên, Ca-in và A-bên chắc hẳn đã nghe câu chuyện về sự sa ngã của con người từ cha của họ. Trong sứ điệp trước chúng ta đã thấy rằng, có thể A-đam đã giải thích với họ thể nào ông và mẹ của họ đã ăn trái cây tri thức về thiện và ác. Rồi ông bảo họ rằng sau sự sa ngã, chính Đức Chúa Trời đã nói rằng con người phải lao tác và đổ mồ hôi để thu hoạch miền đất và gieo trồng một điều gì đó để ăn. Trước đây, thức ăn có sẵn cho họ rồi, nhưng bây giờ họ phải thu hoạch miền đất để có thức ăn. Có thể A-bên đã hỏi cha mình: “Vậy tại sao cha mặc trang phục này?”. A-đam sẽ trả lời: “Đây là điều Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho chúng ta.” Cả Ca-in và A-bên đều đã  nghe câu chuyện này từ cha mẹ mình, và cả  hai người họ đều có sự hiểu biết theo sự phát ngôn của cha mình. Sự hiểu biết của Ca-in là: “Đức Chúa Trời nói chúng tôi phải lao tác trên đất nên tôi sẽ là một nông dân. Tôi phải sống theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời”.

Sự hiểu biết của A-bên là: “Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một sinh tế để che phủ chúng tôi, vì vậy tôi sẽ là một người  chăn.” Có thể A-bên đã nhận thức: “Khi cha mẹ tôi đã dùng lá che mình, Đức Chúa Trời đã không thỏa mãn. Họ đã trốn và không dám tiếp cận Ngài. Khi Đức Chúa Trời  nói: “Hỡi con người, người ở đâu?”, họ sợ Ngài. Mãi đến khi Đức Chúa giết một vài con chiên và dùng da để làm trang phục cho họ  thì cha mẹ tôi mới không còn sợ nữa. Đức Chúa Trời đã được thỏa mãn với sự che phủ của da thú. Điều này nghĩa là tôi chỉ có thể đến với Đức Chúa Trời qua sinh tế mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho tôi.”

Ca-in chỉ có một sự hiểu biết khách quan: “Tôi sống theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời.” nhưng A-bên có sự khải thị: “Tôi phải sống theo sự cung cấp của Đức Chúa Trời vì sự cứu rỗi của tôi.”


5. Đời Sống Sản Sinh nhiều Của Ca-in và Đời Sống Trống Rổng Của A-bên.


Đời sống của cả Ca-in lẫn A-bên đều được điều chỉnh bởi hai sự hiểu biết khác nhau của họ. Ca-in được điều chỉnh bởi sự hiểu biết riêng của mình về mạng lệnh của Đức Chúa Trời, trong khi A-bên được điều chỉnh bởi sự khải thị của ông về sự cung cấp của Đức Chúa Trời. Sự khác biệt quan trọng giữa họ là Ca-in có thể nhìn thấy bông trái của sự lao tác mình, nhưng đời sống của A-bên chỉ có thể khiến ông xấu hổ. Đời sống của A-bên không sản sinh được gì. Ông không thể nhìn thấy chút bông trái nào từ đời sống và sự lao tác của mình.

A-bên là một người sống nhờ vào anh mình. Tại thời điểm này trong lịch sử nhân loại, người ta chưa ăn thịt. A-bên thậm chí không thể sống bằng nghề chăn chiên. Ông chỉ có thể sống còn bởi sống nhờ vào những gì anh mình là Ca-in đã lao tác để sản sinh trong cánh đồng. Ca-in đã phải sản sinh một điều gì đó để hỗ trợ A-bên. Đời sống của Cain có sự thành công và kết quả bên ngoài. Tuy nhiên, với đời sống của A-bên thì không có vinh hiển  gì.

Hầu hết mọi điều chúng ta làm trong cuộc sống loài người của mình đều có “bông trái”. Có một điều gì đó thấy được ra từ sự lao tác của chúng ta. Nếu thích đọc tiểu thuyết, chúng ta có thể làm việc chăm chỉ và cuối cùng trở thành một nhà văn. Nếu thích âm nhạc thì bởi sự thực hành, chúng ta có thể trở nên một nhạc công. Nếu thích một điều gì đó đủ và làm việc chăm chỉ cho điều đó thì cuối cùng chúng ta sẽ thu hoạch được một kết quả nào đó để phô bày. Nếu chúng ta đầu tư chính mình, chúng ta sẽ có một điều gì đó để triển lãm.

Nhưng khi chúng ta yêu Chúa thì không có gì để phô bày. Việc yêu Chúa là độc nhất trong phương diện này. Khi chúng ta yêu Chúa thì không có “cúp”. Bên ngoài chúng ta không thu đoạt được điều gì thấy được. Nếu chúng ta muốn theo Chúa thì từ ban đầu, chúng ta phải rất sáng tỏ về điều này. Chúng ta phải nhận thức: “Nếu muốn theo Chúa thì tôi sẽ không có gì bên ngoài để phô bày. Sẽ không có ai hiểu tôi hay đánh giá cao tôi. Cuộc đời tôi sẽ trở nên chủ đề để người khác bàn tán. Mọi người khác có thể có một điều gì đó để phô bày về cách họ sống, nhưng cuộc đời tôi thì khác. Tôi sẽ sống theo sự khải thị.”

Đây là cuộc đời của A-bên, và đây là lý do tại sao tên A-bên nghĩa là “hư không”. Đời sống của A-bên là đời sống của sự khải thị. Đó không phải  là một đời sống thành công bên ngoài. Khi nhìn thấy sự khải thị về Đấng Christ, chúng ta phải nhận thức rằng toàn bộ đời sống của chúng ta sẽ không bao giờ được người khác đánh giá cao. Những người khác sẽ cảm thấy rằng cuộc đời  của chúng ta chẳng có ý nghĩa gì. Cuộc đời của A-bên trống rỗng. Cuộc đời của ông là “hư không”. Nếu chúng ta ở trong đường hướng của A-bên thì chúng ta cũng sẽ có nhận thức của A-bên: “Cuộc đời tôi, tên tôi, là “hư không”. Tôi chỉ ao ước Đức Chúa Trời. Tôi không có gì khác hơn chính Đức Chúa Trời. Tên tôi không phải là Cain, vì tôi không có gì để thu đoạt. Cain có thể có một điều gì đó do chính mình, còn tôi thì không. Tên tôi là A-bên. Cuộc đời tôi chỉ trống rỗng. Khi người ta nhìn vào đời sống của tôi, họ sẽ nghĩ rằng sự hiện hữu của tôi là vô nghĩa. Đó là vì ngoài Đức Chúa trời, tôi không có gì.”

Làm thế nào chúng ta nhìn thấy khải tượng này và sống trong đường hướng của A-bên?

Bí quyết là nhân linh chúng ta. Hễ khi nào chúng ta đụng chạm linh mình thì khải tượng về Chúa có ở đó. Một người ở trong linh là người có khải tượng. Khi chúng ta đụng chạm linh mình, chúng ta nhìn thấy đôi điều, giống như A-bên đã nhìn thấy đôi điều từ sự chia sẻ của cha mình. Chúng ta có thể tự hỏi về tương lai của mình. Trên đường hướng của A-bên, chúng ta không có tương lai. Nếu chúng ta nhận thức rằng tên của chúng ta là “hư không” thì điều đó nghĩa là chúng ta không còn gì để thu đoạt trên đất này.

Cuộc đời của chúng ta sẽ chỉ vì Jesus Christ. Ngài là tất cả những gì chúng ta ao ước. Nếu chúng ta sống bởi sự nhận thức này thì Chúa sẽ có một con đường với chúng ta. Nếp sống của chúng ta sẽ được điều chỉnh bởi khải tượng  của chúng ta về Chúa và sự cứu rỗi của Ngài.


6. Cách Sống Của A-bên Sản Sinh Chứng Cớ Về Sự Cứu Rỗi Của Đức Chúa Trời.


A-bên đã nhìn thấy khải tượng về sự cung cấp của Đức Chúa Trời, và sau đó ông đã sống cuộc đời mình theo khải tượng đó. Nếp sống của ông được điều chỉnh, nhưng không được ai hiểu.

Tại sao A-bên phải sống một nếp sống như vậy?

Tại sao ông phải lệ thuộc vào anh của mình là Ca-in về thức ăn?

Tại sao A-bên không thể lao tác trong cánh đồng và tự cấp dưỡng cho mình?

Vì A-bên biết rằng nếu không có sự đổ huyết, biểu thị cho một Cứu Chúa sẽ chết cho ông, ông không thể gặp mặt Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao A-bên cần dâng lên chiên từ trong bầy.

Tại sao Đức Chúa Trời yêu của lễ của A-bên và từ chối của lễ của Ca-in? Vì của lễ của A-bên tượng trưng cho sự dâng Đấng Christ lên. Của lễ của A-bên làm chứng: chưa từ “Tôi biết tôi cần một Cứu Chúa. Tôi biết phải có ai đó chết cho tôi để tôi có thể tiếp tục đến với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi tôi dâng chiên đầu lòng cho Đức Chúa Trời, tôi đang nói với Ngài rằng đời sống trên đất này của tôi ở dưới sự cứu rỗi của một ai đó.” A-bên cũng biết Chúa Jesus cách trực tiếp. Ông không hề biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng ông nhận thức rằng chỉ bởi sự đổ huyết, ông mới có thể tiếp tục trình diện với Đức Chúa Trời. Đây là sự cung cấp của Đức Chúa Trời vì sự cứu rỗi ông.


7. Cách Sống Của Ca-in Dẫn Đến Việc Sát Hại Em Mình.


Đời sống của Ca-in được quyết định bởi sự hiểu biết loài người về việc giữ mang lệnh của Đức Chúa Trời. Ý tưởng của Ca-in là: “Tôi có thể làm một điều gì đó khiến Đức Chúa Trời vui sướng. Tôi sẽ làm điều Đức Chúa trời bảo tôi làm.” Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời thậm chí không nhìn xem của lễ của Ca-in.

Kết quả cách sống của Ca-in theo sự hiểu biết riêng của ông về mạng lệnh của Đức Chúa Trời là cuối cùng ông đã sát hại em mình. Ca-in đã giết A-bên trong chính cánh đồng mà ông đã lao tác trong sự vâng phục mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Thậm chí có thể Ca-in đã sát hại em mình bằng chính dụng cụ ông dùng để đào đất.

Tại sao Ca-in lại tức giận như vậy? Đó không chỉ là vì của lễ của A-bên được Đức Chúa Trời chấp  nhận trong khi của lễ của Ca-in bị từ chối. Cain tức giận vì A-bên lệ thuộc vào ông về thức ăn. A-bên sống nhờ vào anh mình, có thể Ca-in muốn A-bên tự làm một nông dân và làm việc để tự nuôi mình. Tuy nhiên, nếu A-bên trở nên một nông dân, ông sẽ đánh mất chỗ đứng của mình.

Chỗ đứng của A-bên là sống cuộc đời của ông chỉ dựa trên sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho ông. Cho dù A-bên tuyệt vọng, ông vẫn không lìa khỏi điều Đức Chúa Trời đã chỉ định cho sự cứu rỗi của ông. A-bên đã sống nhờ vào sự lao tác của Ca-in, nhưng của lễ của A-bên được chấp nhận còn của lễ của Ca-in bị từ chối. đây là lý do tại sao Ca-in tức giận đến nỗi giết chết A-bên.


8. Sự Chỉ Định Sết Biểu Thị Cho A-bên Trong Sự Phục Sinh.


Sau khi A-bên bị sát hại, Đức Chúa trời đã ban cho A-đam và Ê-va một con trai khác. Họ đặt tên con trai này là “Sết”. Như chúng ta đã nhìn thấy trước đây, tên “Sết” nghĩa là “được chỉ định”. Sau cái chết của A-bên, Đức Chúa Trời đã chỉ định một người khác để thực hiện. Như chúng ta đã nhìn thấy trước đây, tên “A-bên” nghĩa là “được chỉ định”. Sau cái chết của A-bên, Đức Chúa trời đã chỉ định một người khác để thực hiện chủ đích của Ngài.

Chúng ta phải thấy rằng nếu không có cái chết của A-bên thì không thể có sự chỉ định Sết. Sết là sự tiếp tục của A-bên. A-bên là A-bên như một người trong đường hướng sự sống. Tuy nhiên, có một diễn trình liên quan. A-bên đã sống một nếp sống được điều chỉnh dựa trên một chỗ đứng vững chắc. Chỗ đứng đó là theo khải tượng về sinh tế và sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho ông. Cuộc đời của A-bên cuộc đời của sự hư không, kết thúc trong sự chết sớm của ông. Nhưng sau cái chết của A-bên, Đức Chúa trời đã đem ông vào trong “sự phục sinh”. A-bên đã trở nên Sết, người được chỉ định. Sau cái chết của A-bên, trong nguyên tắc của sự phục sinh, Sết được chỉ định để thực hiện chủ đích của Đức Chúa Trời.


KẾT LUẬN


Để theo Chúa, chúng ta  cần có sự hiểu biết này. Chúng ta không bao giờ có thể lìa khỏi các nguyên tắc này. Chúng ta phải tránh đường hướng của Ca-in, tức là đường hướng tri thức. Điều này nghĩa là chúng ta không nên sống bởi các quy định hoặc lệnh truyền, và chúng ta không nên sống bởi sự hiểu biết hợp lý của mình. Chúng ta  phải sống trong đường hướng của A-bên, đường hướng của sự sống và khải thị. Chúng ta phải nói với Chúa: “Chúa ơi, sự hiện hữu của tôi trên đất này  là hư không và trống rỗng. không có gì để tôi thu đoạt ở đây ngoại trừ Ngài. Tôi phải có một mình Ngài. Ngài là Cứu Chúa của tôi. Ngài là sự cứu rỗi của tôi. Tôi muốn nếp sống của tôi được điều chỉnh theo khải tượng Ngài đã bày tỏ cho tôi. Nếp sống của tôi không được con người hiểu. Nếp sống của tôi chỉ được Ngài đánh giá cao.”

Đây thật là một sự hiến dâng! Khải tượng chúng ta nhìn thấy dẫn đến một nếp sống được điều chỉnh, được kỷ luật. Một người nhìn thấy khải tượng thì sống theo khải tượng đó. Cách sống của A-bên được điều chỉnh theo khải tượng về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Là một người chăn, của lễ của ông là một bức tranh về Đấng Christ. Đó là một chứng cớ về sự nhận thức của A-bên rằng ông cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Cuối cùng, cách sống được điều chỉnh của A-bên dẫn đến cái chết vật lý của ông bởi tay anh mình. Nhưng qua sự chết này, về mặt ẩn dụ, A-bên đã vui hưởng và kinh nghiệm sự phục sinh. Sự phục sinh này là một sự “chỉ định”, như được nhìn thấy và được hiện thân trong Sết. Đây là kết quả vinh hiển cho cách sống được điều chỉnh của A-bên theo khải tượng của ông về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Điều này phải trở nên kinh nghiệm của chúng ta trên đường hướng sự sống.


Trích từ THẾ HỆ MỚI



bottom of page